Đúng là kỳ lạ, nhưng trông anh giống Arséne Lupin quá, Velmont ạ!
– Anh quen Arséne Lupin?
– À, thì cũng giống mọi người, chỉ xem ảnh thôi mà. Các bức ảnh đó, không có bức nào là giống bức nào, những cũng có một ấn tượng chung chứ… Chính là giống khuôn mặt vóc dáng này của anh.
Horace Velmont hình như hơi phật ý:
– Anh cho là như vậy thật ư, Devanne yêu quý? Có điều anh cũng chẳng phải là người đầu tiên nói những lời như thế này với tôi.
– Nếu không phải là anh họ tôi-d’Estevan giới thiệu anh với tôi, nếu anh không phải là một họa sĩ vẽ tranh phong cảnh nổi tiếng đến như vậy, những bức tranh sơn dầu vẽ cảnh biển của anh làm cho tôi mê đắm, thì không chừng tôi sẽ báo án với cảnh sát, nói với họ rằng anh đã đến Dieppe.
Những câu nói hài hước này đã làm rộ lên một trận cười rộn rã. Trong phòng ăn của lâu đài Thibermesnil, ngoài Velmont là khách dự tiệc, thì chủ ngân hàng George Devanne và mẹ anh ta ra, còn mời cha cố Gelis và hơn mười sĩ quan quân đội, họ đóng trại thao luyện ở ngay gần lâu đài.
Bụng đã ních đầy sơn hào hải vị, các vị khách khứa lục tục kéo nhau vào đại sảnh ở ngay bên cạnh phòng ăn. Gian đại sảnh vừa rộng vừa cao này bầy đầy các đồ vật quý giá do gia tộc Thibermesnil sưu tầm qua vài thế kỷ. Trên bức tường đá trong đại sảnh, có một tấm thảm treo tường lớn xa hoa và quý giá. Giữa cửa sổ với cửa phòng dựng một dãy giá sách với dáng vẻ rất cổ kính, bên trên có một hàng chữ vàng: “Thibermesnil”.
Sau khi các quý ông châm xì gà, Devanne lại nói tiếp:
– Nhưng mà anh phải mau mau lên, Velmont, qua đêm nay thì đừng nghĩ đến chuyện ra tay nữa.
– Anh nói thế là ý gì?- Họa sĩ hỏi. Anh cảm thấy rõ rằng người chủ lâu đài này đang đùa anh.
Devanne định mở miệng nói tiếp, thì bà mẹ nháy mắt ra hiệu cho anh. Nhưng trong lúc rượu say đầu nóng, những ánh mắt háo hức chờ đợi của các khách khứa khiến anh dường như quên hết tất cả, chẳng nghĩ nhiều đến như vậy.
Ôi!- Anh lầm bầm-Bây giờ nói một chút cũng chả sao, chả có gì đáng sợ nữa rồi.
Quan khách ngồi vây quanh anh, ai cũng háo hức muốn biết, rốt cục là có chuyện gì. Trông anh thật đắc ý, dõng dạc tuyên bố:
– Bốn giờ chiều nay, thám tử Shelock Holmes tiếng tăm lẫy lừng sẽ tới tệ xá.
Đại sảnh ồn ào hẳn lên. Shelock Holmes đến thăm lâu đài Thibermesnil? Anh ta nói thật chứ? Arséne Lupin gặp phải kỳ phùng địch thủ rồi ư?
– Arséne Lupin và bọn lâu la của hắn vẫn chưa chạy xa đâu. Bên cạnh vụ nam tước Cahorn, thì những vụ mất trộm của Montigny, Gruchet và Crasville, chẳng phải do vua trộm Arséne Lupin làm thì là ai làm đây? Bây giờ thì đến lượt tôi rồi.
– Thì ra anh cũng giống nam tước Cahorn, đã nhận được thông báo của hắn trước rồi ư?
– Làm lại chuyện cũ thì có gì hay ho chứ.
– Thế thì là chuyện gì?
– Là thế này…- Devanne đứng dậy, chỉ lên một ô của giá sách cho mọi người xem, thì thấy giữa hai quyển sách dày có một vị trí bỏ trống-Chỗ này vốn có một quyển sách nổi tiếng từ thế kỷ 16 có tên là “Niên phổ gia tộc Thibermesnil”. Quyển niên phổ này ghi chép lại một giai đoạn lịch sử sau khi Công tước Rollo thi công xây dựng lâu đài này. Trong đó có ba bức tranh khắc minh họa. Bức đầu tiên là toàn cảnh lãnh địa. Bức thứ hai là mô hình lâu đài, bức thứ ba-tôi xin nhắc để các vị chú ý- đó là một sơ đồ của một đường hầm. Một đầu của đường hầm này dẫn ra cánh đồng ở phía ngoài bờ tường lâu đài, còn đầu kia thì dẫn đến đây; đúng vậy, chính là thông đến gian đại sảnh mà quý vị đang ngồi đây. Thế nhưng tháng trước, quyển sách này đã bị mất!
– Ồ- Velmont đế vào-Kể cũng có gì đó hơi lạ. Có điều, chỉ có mỗi chuyện này thôi thì vẫn không đế nỗi phải kinh động đến Shelock Holmes chứ.
– Đương nhiên, nếu không phải sau đó lại xảy ra một chuyện, khiến tôi ý thức được rằng tình huống mà tôi vừa nói với các vị đây là vô cùng nghiêm trọng, thì tôi sẽ không mời ngài Shelock Holmes hạ mình tới đây làm gì. Quyển niên phổ gia tộc đó vẫn còn một bản sao ở Thư viện Quốc gia. Thế nhưng hai quyển này hơi khác nhau một chút, nguyên nhân là do sơ đồ phác thảo đường hầm lần lượt được vẽ bằng tay, không trùng khớp nhau, hơn nữa còn có vài chỗ đã bị tẩy xóa đi, nhìn không rõ nữa. Và sau khi quyển sách gốc của tôi biến mất, thì bản sao của nó ở trong Thư viên Quốc gia cũng không cánh mà bay rồi.
Cả đại sảnh ầm ĩ hẳn lên.
– Do đó lần này-Devanne cao giọng-Cảnh sát đang thăm dò, bố trí sắp xếp các phương án điều tra hết sức tỉ mỉ chặt chẽ. Nhưng vẫn chưa thu được kết quả gì.
– Chỉ cần đó là Arséne Lupin, thì đều như thế cả.
– Đúng vậy. Lúc này, tôi mới nghĩ đến chuyện cầu cứu ngài Shelock Holmes.
Ngài đại thám tử ấy trả lời tôi rằng, ông ấy rất có hứng thú gặp mặt Arséne Lupin.
– Đúng là thật mát mặt đối với Arséne Lupin-Velmont nói-Nhưng nếu vua trộm của chúng ta theo như ngài nói, vốn chẳng có ý định đến thăm lâu đài Thibermesnil thì chẳng phải là ngài Shelock Holmes đã uổng công một chuyến ư?
– Không uổng đâu. Còn có một chuyện khác có thể khiến ông ấy hào hứng, đó là tìm ra vị trí của đường hầm kia.
– Ơ, thế chẳng phải ngài vừa mới nói với chúng tôi, một đầu đường hầm dẫn ra ngoài lâu đài, một đầu dẫn vào đại sảnh này ư?
– Chỗ nào trong đại sảnh? Hai bức vẽ đều cho thấy một đầu đường hầm dẫn đến một vòng tròn, chính là vị trí tòa tháp của đại sảnh này đây. Nhưng tòa tháp hình tròn, ai có thể xác định được đường hầm dẫn vào từ phía nào?
Davanne châm điếu xì gà thứ hai, rồi lại rót ra một ly rượu vang đỏ sóng sánh. Các quan khách ngồi đó cứ bàn cãi không ngớt. Anh cười tủm tỉm nhìn họ, cuối cùng trả lời với một vẻ đầy tự đắc:
– Lời giải đáp chẳng ai biết được. Nghe nói bí mật này được truyền qua các đời của gia tộc; phải đến khi hấp hối, thì người cha mới nói bí mật ấy cho đứa con trai đang túc trực bên giường bệnh của mình. Nhưng sau này, đến Geoffroy thì dừng, vì mười chín tuổi ông ấy đã phải lên đoạn đầu đài.
– Đã hơn một thế kỷ trôi qua rồi, lẽ nào không một ai tìm thấy đường hầm ấy ư?
– Tìm rồi, nhưng không ai thấy. Sau khi tôi mua lại tòa lâu đài này từ người chắt trai của ngài nghị sĩ Công hội nghiệp đoàn quốc dân, cũng đã cho người lục tung cả các phòng lên. Nhưng có tác dụng gì chứ? Trong bản sao ở Thư viện Quốc gia vẽ bốn đoạn cầu thang, tổng cộng có bốn mươi tám bậc thang, từ đó suy ra độ sâu của đường hầm có lẽ không chỉ có mười mét thôi đâu. Và từ sơ đồ gốc có thể thấy góc vuông hai đầu của những đoạn cầu thang này có khoảng cách ước chừng hai trăm mét. Nhưng lối ra của đường hầm này rốt cuộc nằm ở đâu? Đương nhiên cũng có một cách, đó là gỡ toàn bộ trần, sàn, tường của đại sảnh này ra. Nhưng nói thực lòng, tôi không thể làm được cái việc kinh khủng như vậy.
– Ngoài ra thì chẳng có manh mối nào ư?
– Không chút manh mối nào!
Lần này thì cha cố Gelis lên tiếng:
– Ngài Devanne, chẳng phải là vẫn còn hai câu trích dẫn ư?
– Ồ!- Devanne cười-Cha Gelis đúng là rất ham mê các tác phẩm cổ điển và hồi ký, ông ấy không chịu bỏ qua bất cứ tư liệu gì có liên quan đến gia tộc Thibermesnil. Nhưng hai câu trích dẫn ấy chỉ làm cho sự việc càng thêm huyền bí mà thôi.
– Cứ nói ra để mọi người nghe xem sao!
– Các vị thực sự muốn nghe ư?
– Rất muốn-Một người nói to như sợ ai tranh mất phần của ông ta.
– Thôi được. Thực ra đó chỉ là những câu đó có liên quan đến hai vị vua mà thôi.
– Hai vị vua?
– Henry IV và Louis XVI.
– Vậy Đức cha đã phát hiện ra câu đố như thế nào?
– À! Sự việc vô cùng đơn giản-Devanne nói tiếp-Đêm chiến dịch Arques, vua Henry IV đã từng dùng bữa tối tại tòa lâu đài này, còn ngủ lại đây nữa. Mười một giờ đêm, người đẹp nhất xứ Normandy-là tiểu thư Louis de Tancarville đã được công tước Edgard đưa qua đường hầm tới bên đức vua. Sau đó vua Henry IV đã đem bí mật này nói với ái khanh của ông là Sully. Và Sully, khi đưa câu chuyện này vào hồi ký của mình tuy không có bất cứ bình luận gì, nhưng ông ta lại ghi một câu trích dẫn làm cho người đọc cảm thấy rất mông lung: “Rìu xoay-Không khí rung động-Chim dang rộng cánh-Bước về phái Chúa trời”.
Khoảnh khắc im lặng trôi qua, Velmont cười nhạt, bình luận:
– Câu trích dẫn này đúng là hơi khó hiểu thật.
– Chẳng phải vậy sao? Đức cha cho rằng đó là một câu đố của Sully, vì Sully không muốn người ghi chép hồi ký cho ông biết được bí mật ấy
– Một giả thiết rất tuyệt diệu đấy!
– Cái này thì tôi đồng ý, nhưng “Rìu xoay” nghĩa là sao? “Chim dang rộng cánh” là thế nào?
– Ai “bước về phía Chúa trời” nữa?
– Đúng là khiến người ta phải đau đầu.
Velmont nói tiếp:
– Còn Louis XVI, cũng là do đón ái phi của mình mới mở cửa của đường hầm ư?
– Cái này thì không rõ lắm. Tôi chỉ biết là, Louis XVI từng đến thăm lâu đài Thibermesnil vào năm 1784. Nhờ có người nói mà phát hiện ra cái hộp sắt trong cung Louvre có giấu một tờ giấy; trên giấy viết: “Thibermesnil: 2-6-12”.
Velmont cười lớn:
– Thấy cửa rồi! Có thể giải đố rồi. 2 nhân 6 chẳng phải bằng 12 ư?
– Anh cứ cười đi-Cha cố tỏ vẻ khó chịu ra mặt-Nhưng tôi vẫn cho rằng lời giải đáp của câu đó này nằm chính trong dòng văn tự này. Không chừng, một ngày nào đó sẽ có người giải được câu đố này.
– Dĩ nhiên là Shelock Holmes rồi-Devanne như muốn khẳng định-Trừ phi ông ấy để Arséne Lupin chiếm thế thượng phong. Anh nói xem nào, Velmont?
Velmont đứng dậy, đặt tay lên Devanne và nói một cách khiêu khích:
– Theo như tôi thấy tư liệu mà quyển sách gốc của ngài và bản sao trong Thư viên đã đưa ra vốn đều thiếu mất một chi tiết vô cùng quan trọng. Ngài đã có ý tốt nói cho tại hạ biết chi tiết đó, tại hạ vô cùng cảm kích.
– Tiếp theo anh định…
– Bây giờ, rìu đã xoay rồi, chim đã bay rồi, 2 nhân 6 bằng 12, tôi cũng chỉ có thể lên đường thôi.
– Một phút cũng không ở lại?
– Một phút cũng không ở lại nữa! Ngài chẳng phải đã nói rằng muốn Arséne Lupin ra tay ngay đêm nay, cũng tức là trước khi Shelock Holmes tới đó sao?
– Nhưng hắn ta chẳng có thời gian, e là không kịp đâu. Có muốn tôi tiễn anh không?
– Đến Dieppe?
– Đến Dieppe. Dù sao cũng tiện đường vợ chồng d’Androl và con gái một người bạn của họ đi xe đêm đến Dieppe, đúng lúc tôi phải đến đón họ.
Nói xong, anh ta quay người sang mời các sĩ quan đang có mặt ở bữa tiệc:
– Mong các vị nể mặt, ngày mai đến tệ xá xơi bữa cơm trưa!
Các sĩ quan vui vẻ nhận lời và đứng dậy cáo từ.
Lúc sau, Devanne và Velmont đã ngồi ô tô từ lâu đài tiến thẳng về phía trước. Mọi người vui vẻ cùng ăn bữa khuya, rồi ai trở về phòng người nấy nghỉ ngơi.
Ba giờ đêm. Một bóng người hiện ra trong đại sảnh, tay cầm một cái đèn pin. Rồi lại hiện ra hai bóng người nữa. Người thứ nhất nhìn quanh đại sảnh một lượt, nghe ngóng một hồi, sau đó lên tiếng:
– Gọi các anh em lại đây!
“Các anh em” tổng cộng có tám người, toàn những thanh niên cao to nhanh nhẹn, từng người một bước ra từ đường hầm. Cuộc vận chuyển cấp tốc chính thức bắt đầu.
Động tác của họ vô cùng nhanh nhẹn. Arséne Lupin đi quanh đại sảnh, ước lượng kích cỡ và giá trị nghệ thuật của những món đồ cổ và đồ gia dụng trong đại sảnh để quyết định lấy cái nào, bỏ đi cái nào. Chỉ cần anh sai một tiếng: “Khiêng đi” thì chỉ trong phút chốc món đồ đó sẽ được hô biến ngay vào trong đường hầm như một màn ảo thuật li kì. Trong số những món đồ quí giá đó, có sáu chiếc ghế tựa thời vua Louis XV, sáu chiếc ghế tròn không có tựa, chiếc giá nến nhiều nhánh ghi tên người chế tác là bậc thầy chạm khắc vàng bạc nổi tiếng nhất thế kỷ 18, hai bức tranh sơn dầu của Fragonard, một bức sơn dầu của họa sĩ cung đình Nattier-một người nổi tiếng với sở trường dùng màu xanh nhạt vẽ tranh, và một pho tượng bán thân của điêu khắc gia Houdon-người đã từng làm tượng cho rất nhiều nhân vật nổi tiếng như Russo, ngoài ra còn có một số bức tượng bán thân cỡ nhỏ. Có lúc Arséne Lupin cứ đứng thừ người ra trước một cái tủ quần áo tinh xảo, hoặc một kiệt tác sơn dầu, rồi thở dài thốt lên một cách tiếc của:
– Cái này nặng quá… Cái này to quá… Tiếc thật!
Bốn mươi phút sau đồ đạc trong đại sảnh theo cách nói của Arséne Lupin đã “vơi đi chút ít”. Cuộc vận chuyển được tiến hành nhanh gọn đâu ra đấy, họ khuân vác đồ đạc một cách nhẹ nhàng, không hề phát ra chút tiếng động nào, cứ như những món đồ ấy đã được lót rất nhiều bông vậy.
Người sau cùng đang gồng người vác một cái bàn do người thợ tài hoa Bull chạm khắc. Arséne Lupin khẽ gọi anh ta lại dặn:
– Các anh em không cần quay lại đây nữa. Sắp xếp xong xuôi, thì hãy lái xe đưa đồ đến cái hang ở Roquefort như dự định nhé!
– Thế còn anh thì sao?
– Để lại cho tôi chiếc xe máy.
Người kia đi nhanh, rồi mất hút vào đường hầm. Arséne Lupin đẩy bức tường gắn liên với giá sách. Xóa hết mọi dấu vết từ cuộc vận chuyển hối hả, lau sạch các vết chân trên nền nhà, sau đó đi thẳng tới một hành lang nối liền tòa tháp với lâu đài.
Trong hành lang có một tủ kính, những đồ sưu tầm bày trong tủ đều là những đồ cổ quý báu có giá trị khá lớn: chiếc đồng hồ quả quýt, đèn bấc, nhẫn kim cương, dây chuyền, tranh vẽ. Anh dùng một cái kìm cạy khóa ra, vui mừng khôn xiết nhấc những đồ vật tinh xảo tuyệt đẹp đó lên, nhét vào một cái túi vải to tướng đeo ở cổ. Khi đã nhét đầy vào túi vải, anh lại nhét vào túi áo, túi quần, túi áo trong… Đột nhiên, dường như Lupin nghe thấy có tiếng động rất nhỏ ở đâu đó.
Anh dừng tay, dỏng tai lên nghe: không sai, đúng là có những tiếng động khe khẽ. Anh nghĩ ngay ra rằng ở đầu kia của hành lang có một đoạn cầu thang dẫn đến một căn phòng trong lâu đài. Chỗ đó vốn bỏ trống đã lâu chẳng có ai ở, nhưng đêm nay Devanne ngủ ở đó.
Anh mau chóng tắt đèn, nấp sau một tấm rèm cửa sổ. Đúng vào lúc ấy, cánh cửa ở đầu cầu thang mở ra, một luồng sáng yếu ớt đang chiếu vào hành lang.
Trốn sau rèm cử sổ, anh có thể cảm nhận rất rõ ràng, có người đang bước xuống cầu thang một cách thận trọng. Anh mong đợi là người đó sẽ không đi tiếp nữa, nhưng người này sau khi đã xuống hết cầu thang, lại tiếp tục bước đi tới. Bỗng nhiên người đó kêu rú lên thất thanh; có lẽ do đã nhìn thấy cửa tủ kính bị cạy, và phần lớn đồ trong tủ đã biến mất.
Từ mùi hương trên người này, Arséne Lupin biết đó là một người đàn bà. Váy áo của cô ta gần như chạm vào tấm rèm mà anh đang ẩn nấp phía sau. Anh cảm thấy mình có thể nghe rõ cả tiếng tim cô ta đang đập thình thịch. Bằng trực giác của mình, anh biết chắc chắn cô ta đã đoán ra có người đang đứng trong bóng tối, ngay sát cô ta. Anh thầm nghĩ: “Chắc chắn cô ta sợ lắm… tiếp đó cô ta sẽ bỏ chạy… cô ta sẽ không đứng ở đây nữa”. Thế nhưng cô ta không hề bỏ chạy. Cô ta nhè nhẹ cầm chắc cái giá nến trước đó vẫn còn rung bần bật. Cô tay quay người, chần chừ vài giây, dường như cũng đang chăm chú lắng nghe trong bóng tối ghê rợn, rồi bỗng kéo mạnh tấm rèm ra.
Hai người đứng đó, mặt đối mặt.
Ngạc nhiên tột độ, Arséne Lupin lẩm bẩm:
– Là cô… Cô tiểu thư!
Người đó lại chính là tiểu thư Nelly! Tiểu thư Nelly. Chính là tiểu thư Nelly-người mà anh gặp trên con tàu viễn dương chở khách mang tên “Puluwangsi”, và đã khiến cho trái tim anh đâp rộn ràng. Chính là tiểu thư Nelly-người đã chứng kiến tận mắt cảnh anh bị bắt mà không hề bán đứng anh, người đã khéo léo ném cái máy ảnh Kodak có dấu kim cương, châu báu xuống biển! Những ngày tháng dài lê thê trong tù, anh đã từng bao lần hồi tưởng về hình bóng xinh đẹp và dễ thương của nàng bằng cả trái tim dịu dàng ấm áp!
Số mệnh con người thật là không thể nào ngờ được, họ lại có thể gặp lại nhau trong một tình huống trớ trêu như thế này. Nhưng dần dần, Arséne Lupin ý thức được răng, bộ dạng của mình lúc đó trông thật là nhếch nhác: cái túi vải to tướng đeo trên cổ đầy ú ụ; túi quần, túi áo căng phồng; trong tay vẫn còn cầm vài thưs châu báu quý giá. Anh chỉ hận một nỗi là dưới đất không có cái lỗ nào để có thể chui ngay xuống.
Một cái đồng hồ quả quýt đột nhiên lăn xuống dưới thảm, rồi những món đồ anh đang cầm trên tay cũng lần lượt rơi xuống. Sau đó anh quyết định, đổ hết đồ trong túi vải, túi quần, túi áo ra. Như vậy, anh mới cảm thấy thoải mái hơn khi đứng đối diện với tiểu thư Nelly xinh đẹp. Anh bước lên một bước, định nói chuyện với cô, nhưng cô đã quay người, chạy về phía đại sảnh một cách hoảng sợ
Arséne Lupin đuổi theo cô, thấy toàn thân cô run lẩy bẩy, đứng đờ đẫn nhìn vào gian đại sảnh trống huếch trống hoác. Arséne Lupin trầm ngâm trong giây lát rồi mở miệng nói:
– Ba giờ ngày mai, tất cả mọi đồ đạc sẽ được đưa về.
Thấy cô cứ ngây người ra không lên tiếng, anh lại nói tiếp:
– Ba giờ chiều mai, tôi hứa… Tôi chưa bao giờ nuốt lời… Ngày mai, ba giờ!
Tiếp đó là một khoảng im lặng rất dài. Anh không dám mở miệng nói tiếp nữa. Thấy tâm trạng của tiểu thư Nelly bị kích động như vậy, từ đấy lòng mình anh cảm thấy rất buồn. Anh quay người, từ từ rời khỏi nơi gian đại sảnh.
Đột nhiên, cô nói nhỏ với giọng run run:
– Anh nghe đi… tiếng bước chân…! Tôi nghe thấy có người đang đến…
Anh quay người nhìn cô đầy kinh ngạc: trông cô hốt hoảng, cứ như đại họa sắp giáng xuống đầu mình vậy.
– Tôi không nghe thấy gì cả- Anh nói-Nhưng…
– Cái gì! Anh còn không mau… mau trốn đi…
– Trốn… vì sao?
– Mau… mau lên! Trời ơi! Đừng đứng đây nữa…
Cô chạy ra ngoài hành lang, dỏng tai nghe ngóng. Đúng vậy, chẳng có ai. Có lẽ là tiếng động ở bên ngoài. Cô ta đợi thêm một lát, cuối cùng mới yên lòng quay vào.
Arséne Lupin đã biến mất.
Devanne đờ đẫn nhìn cảnh đại sảnh tan hoang sau vụ trộm, trong đầu đã nghĩ đến một khả năng: “Chính Velmont làm, Velmont chính là Arséne Lupin”. Nhưng ý nghĩ đó chỉ thoáng vụt qua trong giây lát. Vì hình như anh đã quá hoảng hốt mà nghĩ vậy. Một họa sĩ nổi tiếng như vậy, lại là người bạn có quan hệ bạn bè với anh họ của anh, sao có thể là Arséne Lupin được chứ? Đến khi cảnh sát trưởng nhận được tin báo án, thì Devanne đã gạt bỏ ý nghĩ mà anh tự cho là hoang đường này ra khỏi đầu. Anh không muốn nói với cảnh sát giả thiết vô căn cứ ấy.
Cả buổi sáng, mọi người tới tấp ra vào lâu đài Thibermesnil, tất cả đều hoảng loạn. Kiểm tra sơ bộ chưa thu được kết quả gì. Cửa sổ và cửa ra vào đều nguyên vẹn không chút xây xước. Thủ phạm chắc chắn đã có lối vào bí mật. Nhưng trên thảm không hề có dấu chân, trên tường đá cũng chẳng lưu lại chút dấu vết bất thường nào cả.
Chỉ có một chi tiết cho thấy rõ phong cách của Arséne Lupin: quyển Niên phổ thế kỷ 16 bị mất cắp trước đó đã quay trở về chỗ cũ trên giá sách, bên cạnh còn có thêm bản sao của nó ở Thư viện Quốc gia.
Đến mười một giờ, các sĩ quan đều đến cả. Devanne vẫn vui vẻ tiếp đón họ; xét toàn bộ gia sản của anh thì việc mất cắp những thứ đồ quý báu có giá trị nghệ thuật ấy vẫn chưa đủ để làm anh buồn rầu ủ rũ. Bạn anh, vợ chồng d’Androl và tiểu thư Nelly cũng đã xuống dưới nhà.
Cuộc trò chuyện vừa kết thúc, mọi người phát hiển ra còn thiếu một người-Horace Velmont. Thấy anh không đến, sự nghi ngờ của Devanne lại trỗi dậy. Nhưng đến mười hai giờ đúng, Velmont bước vào. Devanne không kìm được kêu lên:
– Tốt quá! Cuối cùng thì anh cũng đến!
– Tôi đến muộn ư?
– Không, nhưng tôi thực sự đang lo là anh đã… bận rộn cả một buổi tối… Thế nào, mệt chứ? Nhìn anh kìa, chắc chắn là anh vẫn chưa được biết tin này?
– Tin gì cơ?
– Anh đã dọn sạch lâu đài này!
– Thôi đủ rồi!
– Được rồi. Vậy mời anh hãy khoác tay tiểu thư Nelly!
– Chúng ta vào bữa thôi! Tiểu thư… xin cho phép tôi…
Nhưng Devanne ngạc nhiên thấy tiểu thư Nelly đang run lẩy bẩy, bất giác liền ngậm miệng lại. Rồi anh chợt nghĩ ra một chuyện:
– Đúng rồi, cô đã từng đi trên một con tàu du lịch và gặp Arséne Lupin? Ngài đây nhìn giống hắn ta như thế chắc chắn đã khiến cô sợ, phải không?
Tiểu thư Nelly bối rối không lên tiếng, Velmont mỉm cười đứng trước mặt cô, hơi cúi người xuống… đón mời. Nelly như đã bình tĩnh trở lại, đưa tay ra khoác tay anh cùng bước tới phòng ăn, ngồi đúng vị trí đối diện với anh.
Trong bữa ăn, câu chuyện mọi người nói đến đầu tiên chính là Arséne Lupin, những đồ đạc quí báu bị mất cắp và Shelock Holmes. Đợi đến khi chuyển đề tài, Velmont cũng… mở máy. Lúc thì anh đùa tếu, lúc lại nghiêm túc, lúc thì thao thao bất tuyệt, lúc lại chỉ nói những câu khôi hài. Tất cả những lời nói ấy dường như đều là để gây chú ý đối với tiểu thư… Nhưng, hình như cô đang nghĩ đến chuyện khác, về căn bản là chẳng nghe thấy anh đang nói gì.
Tiệc tàn, mọi người đều ra hiên nhà và phía sân ở ngoài vườn hoa để uống cà phê. Trên thảm cỏ dưới, các sĩ quan đang biểu diễn ca nhạc. Trên con đường nhỏ trong vườn hoa, toàn là binh lính và những người nông dân náo nhiệt thích thú xem…
Trong đầu tiểu thư Nelly lúc đó chỉ nghĩ đến câu nói của Arséne Lupin: “Ba giờ tất cả mọi đồ đạc sẽ được đưa về, tôi hứa!”
Ba giờ! Nhưng bây giờ đã hai giờ năm mươi phút rồi. Cô liếc nhìn Velmont một cái, thấy anh đang ngồi thư thái trên một chiếc xích đu, lắc lư một cách rất thoải mái và có phần tự mãn.
Chiếc đồng hồ treo tường đã điểm chuông ba giờ. Velmont lấy đồng hồ quả quýt trong túi ra, ngẩng đầu nhìn chiếc đồng hồ treo tường, rồi lại cho đồng hồ vào trong túi áo. Đúng lúc ấy, mọi người trong sân tản ra rất nhanh, nhường ra một lối rộng. Hai chiếc xe ngựa phóng qua cổng sắt tiến thẳng vào sân, dừng lại trước bậc thềm. Đây là hai chiếc xe quân nhu che bạt kín mít. Một hạ sĩ nhảy xuống và đi vào, lễ phép xin gặp ngài Devanne.
Devanne chạy ngay ra, bước nhanh xuống bậc thềm. Anh nhìn thấy các bức tranh sơn dầu và vô số những món đồ quý giá đó, đầy cả ở dưới bạt. Anh vô cùng sửng sốt hỏi hạ sĩ chuyện này là thế nào, hạ sĩ liền lấy ra một tờ lệnh cho anh xem. Tờ lệnh này được gửi đến vào buổi sáng, do một Sở phó cảnh sát giữ, trên đó viết rằng cắt cử đại đội số 2 thuộc tiểu đoàn 4 đến ngay ngã rẽ ở làng Halleux khu Arques, đúng ba giờ phải chuyển những thứ đồ xếp bên lề đường đến giao tận tay cho ngài George Devanne, chủ nhân lâu đài Thibermesnil. Trên tờ lệnh có chữ ký của đại tá Beauvel và dấu son đỏ chót.
– Chúng tôi đến chỗ đó- Viên hạ sĩ giải thích-Thấy những đồ này đã được xếp gọn trên thảm cỏ; bên cạnh có nhiều người đang tò mò, nhốn nháo ngó xem. Việc này đúng là hơi kỳ quặc, nhưng như thế thì cũng có sao? Mệnh lệnh đã viết rất rõ ràng rồi.
Có một sĩ quan đã cẩn thận cầm tớ lệnh lên xem rất kỹ chữ ký, và xác nhận chữ ký của ngài đại tá là giả. Nhưng đúng là bắt chước rất tài tình.
Đội nhạc ngừng biểu diễn, các binh lính gỡ đồ ra khỏi xe, khuân trở lại đại sảnh.
Một mình tiểu thư Nelly đứng ở một góc sân, nhìn cảnh tượng hỗn loạn xung quanh với tâm trạng không hề thanh thản chút nào. Đột nhiên, cô thấy Velmont đi ngang về phía cô. Lúc sau, cô nghe thấy có tiếng người thì thầm vào tai:
– Tôi không nuốt lời.
Arséne Lupin đang ở ngay cạnh cô! Ngoài họ ra, quanh đây chẳng có ai cả.
Arséne Lupin ra khỏi lâu đài, men theo con đường nhỏ uốn lượn trên cánh đồng, đi tắt đến ga xe lửa. Đi được khoảng mười phút, thì con đường nhỏ xen giữa những bụi cây lúp xúp càng ngày càng hẹp lại. Hồi lâu, mới thấy có một người đang đi ngược lại. Người đó khoảng năm mươi tuổi, trông rất mạnh khỏe rắn chắc, mày râu nhẵn nhụi. Nhìn trang phục cầu kỳ ông ta đang mặc, thì có vẻ đó là người ngoại quốc, tay cầm một cái ba toong nặng trịch. Khi bước đến trước mặt Arséne Lupin, ông ta hỏi với một giọng Anh rất khó nghe:
– Xin lỗi thưa ngài, xin hỏi con đường này dẫn đến lâu đài phải không?
– Vâng, thưa ngài, cứ đi thẳng đến trước tường thành thì rẽ trái. Họ đều đang đợi ngài đến đấy.
– Ồ!
– Đúng vậy, ngài Devanne tối qua đã nói cho mọi người biết là ngài sắp hạ cố tới nơi đây.
– Ngài Devanne này nhanh mồm nhanh miệng thật.
– Rất vinh dự được là người đầu tiên gặp mặt ngài. Tôi là người sùng bái Shelock Holmes nhất đấy ạ.
Trong giọng nói của anh có chút ý tứ thâm thúy; nói xong anh liền thấy hối hận ngay. Quả nhiên, Shelock Holmes định thần lại, nhìn anh một cách chăm chú, sau đó vị thám tử lừng danh trả lời rất dè dặt:
– Vô cùng cảm ơn ngài!
– Rất hân hạnh được giúp đỡ ngài-Lupin đáp.
Hai người từ biệt nhau. Arséne Lupin đi nhanh về phía ga xe lửa, Shelock Holmes thẳng tiến tới lâu đài.
Cảnh sát và thẩm phán dự bị đã đi khỏi lâu đài. Mọi người đang nghển cổ chờ đợi Shelock Holmes. Vừa nhìn thấy ông, họ lại tỏ ra hơi thất vọng: vị thám tử tài ba lẫy lừng này nhìn chẳng khác gì một gã nhà buôn bình thường, khác xa thám tử Shelock Holmes với đối mắt sáng như ngọn đuốc, dũng mãnh nhanh nhẹn mà họ tưởng tượng. Nhưng Devanne vẫn chào lớn, đầy vui mừng:
– Rốt cuộc thì ngài đã đến rồi! Tốt quá! Phải nói là tôi đã trông mòn cả con mắt đấy… Đúng là tôi đã may mắn khi gặp vụ án này, nếu không làm sao tôi có thể có cơ hội diện kiến ngài. À, đúng rồi, ngài đến đây bằng cách nào vậy?
– Đi xe lửa.
– Tiếc quá! Tôi đã cho xe đến cảng đón ngài, xe đến thì ngài đã đi mất rồi.
– Ngài muốn trống giong cờ mở đón tôi ư?
Khẩu khí có phần lạnh lùng khiến cho Devanne thấy ngượng, tuy nhiên anh cố tỏ ra vui vẻ tiếp lời:
– May mà cái tin ngài đến có nói ra cũng không làm sao…
– Sao lại thế?
– Vì tối qua, Arséne Lupin đã gây án rồi.
– Nếu không phải là vì ngài đã để lộ tin này trước thì thưa ngài, rất có thể vụ trộm đã không xảy ra vào đêm qua.
– Vậy thì vào lúc nào?
– Ngài mai, hoặc muộn hơn.
– Vậy thì sao?
– Arséne Lupin sẽ tự sa lưới.
– Những thứ đồ cổ và châu báu…?
– Sẽ không mất trộm.
– Nhưng chúng đã quay trở lại rồi.
– Quay trở lại?
– Được đưa lại lúc ba giờ.
– Là Arséne Lupin?
– Là hai chiếc xe quân nhu đưa về đây.
Shelock Holmes đội ngay mũ lên đầu. Devanne gọi với:
– Ngài muốn làm gì vậy?
– Đi đường của tôi.
– Sao ngài lại muốn đi?
– Đồ cổ châu báu đã quay trở lại, Arséne Lupin đã cao chạy xa bay; ở lại đây chẳng còn việc gì cho tôi nữa.
– Nhưng thực sự tôi vẫn rất cần sự giúp đỡ của ngài. Việc xảy ra tối hôm qua, không chừng ngài mai lại xảy ra nữa, vì một vài điểm quan trọng tôi vẫn không nắm được: Arséne Lupin đã vào và ra bằng cách nào? Vì sao vài tiếng đồng hồ sau lại trả đồ về?
– Ồ…- Thái độ của Shelock Holmes đã ôn hòa hơn-Vậy thì được, chúng ta đi xem cái nào? Nhưng phải nhanh chóng, phải không? Ngoài ra càng ít người càng tốt.
Câu này rõ ràng là nhằm vào những người đang có mặt ở đó. Devanne răm rắp nghe theo, đưa thám tử người Anh vào trong đại sảnh. Holmes hỏi vài câu, tìm hiểu xem tối qua những ai đã từng ở hiện trường, lâu đài có những vị khách thường xuyên nào… Ông hỏi với khẩu khí lạnh tanh, mà dường như những lời ấy đã được sắp sẵn trong đầu. Sau đó ông xem thật kỹ hai quyển niên phổ, đối chiếu sơ đồ đường hầm, rồi lại nghe Devanne đọc hai câu trích dẫn mà cha cố Gelis đã phát hiện ra. Cuối cùng mới hỏi:
– Hai câu trích dẫn ấy, có phải tối qua là lần đầu tiên ngài nhắc đến không?
– Vâng.
– Trước đây ngài chưa từng nói cho Horace Velmont biết?
– Chưa bao giờ nói cho anh ta biết.
– Tốt. Gọi tài xế chuẩn bị xe! Một tiếng nữa tôi sẽ dùng đến.
– Một tiếng nữa!
– Cái đề bài mà ngài cho Arséne Lupin, hắn ta vốn không giải được.
– Tôi? Tôi ra đề cho hắn!
– Đúng, Arséne Lupin chính là Velmont, hai người họ thực chất chỉ là một.
– Tôi đã sớm nghi ngờ đến điều này… Ôi! Tên khốn này!
– Nhưng mười giờ đêm hôm qua, anh đã cho Lupin cái mấu chốt để giải đáp, đây là điều hắn đã lao tâm khổ tứ hàng tuần mà không có được. Như thế, hắn đã nhân cơ hội đêm qua ra tay luôn.
Holmes đi đi lại lại trong đại sảnh, đi được vài vòng ông bất chợt ngồi xuống, vắt hai chân vào nhau, nhắt nhắm lại.
Devanne đứng bên cạnh chờ đợi với vẻ rất lúng túng. “Ông ta đang nhắm mắt nghỉ ngơi, hay là đang tư duy đây?”. Thấy không có động tĩnh gì, anh liền để thám tử ngồi lại đó, đi ra khỏi đại sảnh sai bảo người giúp việc. Lúc anh quay lại thì thấy Holmes đã quỳ dưới bậc thang trong hành lang kiểm tra thật kỹ tấm thảm.
– Ngài đã tìm thấy được gì rồi?
– Ngài xem này… đây là… giọt nến.
– Đúng vậy…, còn vừa mới nhỏ xuống.
– Trên bậc thang cũng có, cạnh cái tủ kính mà Arséne Lupin cạy khóa cũng có.
– Kết luận của ngài là…
– Không có gì cả. Tất cả những chi tiết này chẳng qua chỉ là sự giải thích, vì sao hắn lại trả lại những thứ mà hắn đã đánh cắp mà thôi. Nhưng tôi tạm thời gác lại chi tiết này đã. Việc cần kíp lúc này là tìm ra đoạn đường hầm đó.
– Ngài hi vọng…
– Ngài thì chẳng hi vọng gì cả, tôi đã biết rồi. Cách lâu đài khoảng vài trăm mét, có một nhà thờ đúng không?
– Đó là một nhà thờ bỏ hoang. Mộ của công tước Rollo nằm ở đó.
– Hãy bảo tài xế của ngài đợi chúng ta ở bên cạnh nhà thờ đó!
– Tài xế của tôi vẫn chưa về… Nếu không, họ đã báo với tôi. Theo tôi hiểu, ngài đã đoán là lối ra của đường hầm nằm ở nhà thờ đó. Có dấu vết gì chăng?
Shelock Holmes ngắt lời anh ta:
– Thưa ngài, hãy chuẩn bị cho tôi một cái thang, một cái đèn.
– Ngài muốn dùng thang và đèn?
– Đã yêu cầu ngài chuẩn bị cho thì tất nhiên là phải dùng đến.
Devanne nóng bừng mặt vì ngượng, giơ tay lắc chuông. Người hầu nhanh chóng đem thang và đèn đến.
– Ngài làm ơn kê thang vào chỗ giá sách, đặt bên trái hàng chữ Thibermesnil!
Devanne bắc thang xong, thảm tử người Anh tiếp tục ra lệnh:
– Sang trái…, sang phải một chút…, dừng! Ngài hãy trèo lên… Tốt…, những chữ này đều lồi ra, đúng không?
– Đúng vậy.
– Hãy xoay chữ H xem nào. Hướng này không được. Đổi sang hướng khác đi.
Devanne lại nắm chặt chữ H và xoay, rồi thất thanh kêu lên:
– Ôi! Đúng là có thể xoay được này! Có thể quay được một phần tư vòng về phía phải! Rốt cuộc là ai đã nói với ngài điều này vậy?
Shelock Holmes không đáp lời anh ta, vẫn thản nhiên nói tiếp:
– Ngài chạm được vào chữ R chứ? Được… Lay nó sang hai bên vài vòng, giống như là chắm chìa khóa vào ổ rồi lại rút ra vậy.
Devanne lay chữ R vài vòng. Lay lay vài cái, thì nghe thấy bên trong có tiếng một linh kiện bị bật ra, anh đờ đẫn người.
– Tốt quá!- Shelock Holmes nói-Ngài xuống đi đã, chuyển cái thang sang đầu kia… Tốt… Bây giờ, nếu như tôi đoán không nhầm, và cũng không xảy ra chuyện gì ngoài ý muốn, thì chữ L có thể mở được ra ngoài giống như một cánh cửa sổ vậy.
Thái độ nghiêm túc, Devanne nắm chặt chữ L và kéo mạnh ra, quả nhiên là nó bật mở ra. Cùng lúc đó, Devanne bất thình linh ngã từ trên chiếc thang xuống. Bởi vì chữ L vừa mở ra, thì cả cái giá sách đã xoay theo một cái trục ở trong, lối vào đường hầm đột ngột lộ ra.
Shelock Holmes vẫn lạnh lùng hỏi:
– Ngài không bị thương chứ?
– Không sao, không sao-Devanne vừa đáp vừa lồm cồm bò dậy, như chưa hề xảy ra chuyện gì- Nhưng tôi phải thừa nhận rằng, nói gì thì nói, chứ cũng không thể ngờ rằng những thứ này lại có thể…
– Vậy thì có làm sao? Câu trích dẫn của Sully chẳng phải đã viết quá rõ rồi sao?
– Tôi không hiểu, thưa ngài.
– Dĩ nhiên! H xoay, R rung động, L mở ra, bước về phía Chúa trời. Trong đêm, Henry IV có thể gặp mặt tiểu thư de Tancarville là nhờ vào cái cỗ máy này đây.
– Vậy còn Louis XVI thì sao?- Devanne há hốc mồm, lắp ba lắp bắp hỏi.
– Louis XVI rất thích những cỗ máy được lắp đặt cầu kỳ và tinh xảo. Tôi đã từng đọc qua một bài luận văng mang tên “Cấu tạo của khóa tổ hợp”. Nghe nói, tác giả của nó chính là vị quốc vương này đấy. Thibermesnil là ái khanh của nhà vua, thì không lẽ nào lại không bẩm tấu với nhà vua về cái cỗ máy tinh vi như vậy. Sau khi xem xong, đã ghi lại những con số 2-6-12. Nó ám chỉ các chữ cái số 2, số 6 và số 12 trong hàng chữ THIBERMESNIL., cũng chính là các chữ cái H, R và L.
– Ồ! Thật kỳ diệu, giờ thì tôi đã hiểu ra chút ít rồi… Nhưng tôi vẫn chưa hiểu, cứ coi như Arséne Lupin đã biết được làm thế nào để đi vào đường hầm từ đại sảnh, thì sao hắn lại có thể đi vào đại sảnh từ bên ngoài được chứ?
Shelock Holmes thắp đèn, bước vào đường hầm.
– Hãy nhìn xem, cỗ máy này giống như dây cót đồng hồ, nhìn từ trong đường hầm, các chữ đều là mặt trái. Do đó Lupin đã đứng ở phía bên này bức tường và xoay các chữ cái.
– Thế là thế nào?
– Thế là thế nào ư? Hãy nhìn những vết ố dầu này là biết ngay. Cả việc tra dầu cho các bánh răng hẵn cũng đã nghĩ đến-Shelock Holmes nói với thái độ đầy thán phục.
– Nói như vậy, thì hắn đã biết lối ra ở đâu ư?
– Rõ như tôi biết vậy. Hãy theo tôi!
– Vào đường hầm?
– Ngài sợ ư?
– Không, nhưng ngài có chắc là có thể đi ra được chứ?
– Không thành vấn đề.
Hai người bước xuống mười hai bậc cầu thang trước, rồi lại mười hai bậc nữa, sau đó là hai đoạn bậc thang tương tự nhau. Lúc này họ đã đi tới một đường gạch khá dài, tường gạch hai bên có dấu vết tu sửa, hơn nữa có một số chỗ còn bị rò rỉ nước, nền đất rất ẩm ướt.
– Có lẽ trên nóc đường hầm là hồ phun nước-Devanne nói trong lòng có đôi chút không yên tâm.
Đường gạch dẫn đến một đoạn cầu thang mười hai bậc, rồi lại ba đoạn cầu thang tương tự như thế. Hai người phải khó khăn lắm mới leo lên được cầu thang, và phát hiện ra rằng mình đang đứng trong một cái hang nhỏ khoét vào trong đá, trước mắt là ngõ cụt.
– Quỷ thật-Shelock Holmes lầm bầm-Toàn là tường đá nhẵn thín, thế là thế nào?
– Chúng ta quay về thôi!- Devanne sợ hãi thì thầm-Dù sao cũng đã giải quyết được gần hết mọi việc rồi.
Vừa dứt lời, thì vị thám tử người Anh ngẩng đầu nhìn lên. Và ông bỗng thở phào một tiếng: thì ra là ở trên đỉnh đầu, có một cỗ máy giống như là lối ra vào. Ông lại xoay ba chữ cái, một tảng đá hoa cương rất lớn bắt đầu chuyển động. Phía sau tảng đá là bia mộ của công tước Rollo, trên đó khắc hàng chữ nổi THIBERMESNIL. Họ bước vào cái nhà thờ bỏ hoang ấy.
– Bước về phía Chúa trời, chính là bước về phía nhà thờ- Holmes giải thích những từ cuối cùng trong câu trích dẫn.
– Thật không thể ngờ được-Devanne tỏ ra khâm phục khả năng suy đoán như thần của Holmes-Lẽ nào chỉ dựa vào câu trích dẫn này mà ngài đã đoán ra mọi chuyện?
– Không-Thám tử người Anh đáp-Chỉ dựa vào nó thì không đủ. Trong bản sao quyển Niên phổ ở Thư viện Quốc gia, bên trái đường hầm dẫn đến một vòng tròn, điều này thì ngài cũng biết; còn bên phải do đã bị xóa đi nên ngài không biết, nhưng nhìn kỹ thì có thể thấy đó là một chữ thập rất nhỏ. Chữ thập dĩ nhiên là chỉ nhà thờ rồi.
Devanne đang thương mở to mắt bày tỏ sự ngạc nhiên tột độ:
– Đúng là thần kỳ. Nghe giảng giải xong xuôi thì thấy quá đơn giản! Nhưng vì sao từ trước đến nay, chưa có ai nghĩ đến điều này chứ?
– Vì không ai có thể cùng một lúc nắm bắt những phần mấu chốt: hai quyển niên phổ, hai câu trích dẫn. Chỉ có Arséne Lupin và tôi là ngoại lệ.
– Nhưng còn tôi-Devanne khe khẽ cãi-Còn cả cha cố Gelis nữa. Chúng tôi cũng biết cả mà.
Holmes mỉm cười:
– Ngài Devanne, có một số điều bí mật không phải ai cũng có thể giải được đâu.
– Nhưng tôi đã lần mò mất cả mười năm. Còn ngài, chỉ mới mười phút…
– À! Đây còn là vấn đề thói quen nữa.
Hai người bước ra khỏi nhà thờ. Thám tử người Anh bỗng reo lên:
– Nhìn kìa, có chiếc ôtô đang đợi ở đằng kia!
– Đó là xe của tôi!- Devanne ngạc nhiên trả lời.
– Của ngài? Tôi cứ tưởng là tài xế không về kịp cơ đấy.
– Đúng vậy… Tôi đang không hiểu…
Hai người bước đến trước chiếc ôtô, Devanne hỏi tài xế:
– Edouard, ai sai anh đến đây vậy?
– Ngài Velmont-Tài xế đáp
– Ngài Velmont? Tức là anh đã gặp anh ta?
– Ở ga xe lửa. Ngài ấy sai tôi lái xe thẳng đến trước nhà thờ và đợi ở đây.
– Lái xe đến trước nhà thờ? Làm gì?
– Đợi ngài… và cả bạn ngài nữa mà.
Devanne và Shelock Holmes nhìn nhau ngơ ngác. Devanne nói:
– Ngay cả chuyện ngài đưa tôi đến đây, hắn cũng trù liệu được, thật là quá tài!
Trên khóe miệng Holmes một ánh cười chợt vụt qua bày tỏ sự tán dương. Ông gât đầu:
– Đúng là một người tài ba! Ngay lần đầu tiên thấy hắn, tôi đã cảm nhận được điều này rồi.
– Ngài đã nhìn thấy anh ta?
– Mới hồi nãy thôi, chúng tôi vừa chạm mặt nhau trên con đường nhỏ.
– Ngài đã biết đó là Velmont, ý tôi là Arséne Lupin?
– Không, nhưng tôi đã mau chóng đoán ra được… từ thái độ của hắn ta.
– Nhưng ngài lại để cho hắn đi? Sao ngài không nhân cơ hội này tóm lấy hắn?
– Ngài phải biết là, thưa ngài-Thám tử người Anh đáp với vẻ rất cao ngạo-Đối với một đối thủ như Arséne Lupin, Shelock Holmes này sẽ không bao giờ nhân cơ hội để chiếm lấy lợi thế… Tôi phải tự tay bắt được hắn.
Nhưng thời gian rất gấp. Dù Arséne Lupin dã bố trí sắp đặt xe cộ, thì cái lợi thế ấy cũng khó mà chiếm được. Hai người lên xe. Ôtô lao như bay về phía ga Dieppe. Bỗng nhiên, trong hộp găng tay ở ghế trước, có một thứ đồ đã thu hút sự chú ý của Devanne.
– Ở đây là cái gì vậy? Một cái hộp nhỏ! Là của ai đây? Ồ, gửi cho ngài đấy.
– Gửi cho tôi?
– Ngài xem này “Gửi ngài Shelock Holmes. Arséne Lupin”.
Thám tử người Anh đón lấy cái hộp, xé hai lớp giấy bọc ra, bên trong là một chiếc đồng hồ quả quýt.
– Ối!- Cùng với tiếng kêu ngạc nhiên này là một cái chém gió tỏ vẻ tức giận của Holmes.
– Một chiếc đồng hồ- Devanne hỏi-Thế là cái trò gì vậy?
Thám tử người Anh không lên tiếng.
– Ồ! Đây là đồng hồ quả quýt của ngài! Arséne Lupin đã thó chiếc đồng hồ quả quýt của ngài! Nói vậy thì… Ha! Ha! Đồng hồ quả quýt của Shelock Holmes đã bị Arséne Lupin thó trộm! Trời ơi, thật là buồn cười quá! Ôi… xin hãy tha lỗi cho tôi… Quả thực tôi không nhịn nổi, xin ngài đừng phật ý!
Cười thỏa thích một hồi, Devanne mới nói bằng một khẩu khí đầy khâm phục.
– Ôi! Anh ta đúng là một kẻ tài ba.
Trên đường, thám tử người Anh nhìn chằm chằm về phía trước, không nói một lời nào. Cho đến khi xuống xe, ông mới mở miệng nói ra vài câu, tuy ngữ khí không hề tỏ vẻ bị kích động, nhưng từng câu từng chữ rất có sức mạnh:
– Đúng, hắn đúng là một kẻ tài ba. Nhưng cánh tay này của tôi sẽ có một ngày đặt tay lên vai của kẻ tài ba ấy, ngài Devanne ạ. Tôi nghĩ Arséne Lupin và Shelock Holmes sớm muộn rồi sẽ hội ngộ thôi… Đúng vậy… Thế giới này nhỏ như vậy đấy… Sẽ có ngày đó…