Tuyển Tập Arsene Lupin

CHÍN – ARSÈNE LUPIN GẶP SHERLOCK HOLMES



Velmont, cũng thật lạ, ông rất giống Arsène Lupin!
– Ông biết anh ta à?
– Ồ! Cũng như mọi người thôi, những bức ảnh của anh ta chẳng cái nào giống cái nào nhưng mỗi cái đều cho cảm giác một nét mặt tương tự… giống nét mặt ông.
Horace Velmont tỏ ra bực bội:
– Đúng thế, ông Devanne, hãy tin ông không phải người đầu tiên nhận xét tôi như thế đâu!
– Thực vậy. Ông Devanne gặng thêm. Nếu không có người anh họ giới thiệu ông, nếu ông không phải họa sĩ trẻ nổi tiếng có những bức tranh vẽ cảnh biển mà tôi rất thích thì tôi tự hỏi có nên báo cảnh sát ông đang có mặt ở đây không?
Câu nói ngộ nghĩnh ấy làm mọi người cười rộ lên. Hôm đó ở phòng ăn lâu đài Thibermesnil ngoài Velmont ra còn có tu viện trưởng Gélis, mục sư trong làng và một tá sĩ quan đóng quân trong vùng. Họ được chủ ngân hàng Georges Devanne và bà mẹ mời đến ăn tối. Một người trong bọn họ kêu lên:
– Không phải có tin Arsène Lupin đang ở ngoài bãi biển sau vụ xảy ra trên chuyến tàu nhanh Paris đi Havres à?
– Đúng, ông Devanne nói. Việc ấy xảy ra cách đây ba tháng; tuần sau đó thì tôi quen ông Velmont tài hoa này ở Câu lạc bộ; ông đã đến thăm tôi mấy lần, bước đầu dễ chịu nhưng cũng có thể mang lại cho tôi một cuộc nhận xét nghiêm túc hơn vào một ngày nào đấy!
Người ta lại cười và họ sang phòng bảo vệ cũ, một gian phòng cao, rộng, chiếm toàn bộ tầng dưới của tháp Guillaume mà ở đó Georges Devanne tập trung những tài sản vô giá do các công hầu Thibermesnil thu thập từ nhiều thế kỷ. Rương hòm, bàn đồ lễ, những giá đèn nhiều ngọn trang trí nội thất, những bức thảm tuyệt đẹp treo trên tường đá. Gian phòng có các khuôn cửa sổ rộng, ghế dài và tận cùng là những cánh cửa kính hình vòng cung gắn chì. Giữa cửa lớn và cửa sổ bên trái lừng lững một tủ sách đồ sộ kiểu thời Phục hưng, mép trên tủ có mấy chữ vàng Thibermesnil, phía dưới là câu châm ngôn kiêu hãnh của gia đình “Hãy làm việc anh muốn”.
Khi người ta bắt đầu hút thuốc thì Devanne nói:
– Nhanh lên, Velmont, chỉ còn đêm nay thôi!
– Vì sao? Họa sĩ cho là nói đùa bèn hỏi.
Devanne sắp trả lời thì bà mẹ ra hiệu nhưng do bữa ăn tối gây hào hứng và muốn làm cho khách mời thích thú, ông nhỏ nhẹ:
– Chà! Bây giờ lộ chuyện ra cũng chẳng đáng sợ nữa, tôi có thể nói ngay đây…
Mọi người vây quanh ông, thái độ tò mò sốt sắng. Ông tuyên bố, dáng điệu thỏa mãn của một người báo tin quan trọng:
– Ngày mai vào bốn giờ chiều, Sherlock Holmes, thám tử người Anh tài ba, người khám phá lạ lùng những bí ẩn, không hề có gì bí mật đối với ông, con người thần kỳ hình như chỉ do trí tưởng tượng của nhà văn xây dựng lên, Sherlock Holmes sẽ là khách mời của tôi.
Người ta kêu lên:
– Sherlock Holmes ở Thibermesnil à? Nghiêm túc đấy chứ? Thế Arsène Lupin có mặt trong vùng này ư?
– Arsène Lupin và băng nhóm lẩn quất không xa đây. Những vụ trộm Cahorn, ở Montigny, Gruchet, Crasville… nếu không do tay trộm quốc gia đó thì quy cho ai? Hôm nay đến lượt tôi bị trấn lột đây!
– Ông cũng được báo trước như nam tước Cahorn à?
– Mưu mẹo ấy không thành công được hai lần.
– Thế thì sao?
– Thế thì… các ông xem đây.
Ông đứng dậy, chỉ vào quãng trống giữa hai tập sách khổ lớn trong một ngăn tủ:
– Ở đó có một cuốn sách từ thế kỷ XVI tiêu đề “Biên niên sử Thibermesnil”, là lịch sử lâu đài từ lúc xây dựng trên vị trí một lâu đài phong kiến. Có ba bản khắc: một trình bày quang cảnh chung, bản thứ hai là những bản vẽ kiến trúc và bản thứ ba, xin các ông lưu ý, là bản vẽ một đường hầm mà cửa mở ra phía tường thành ngoài cùng và một cửa nữa ỏ đây, trong phòng này. Cuốn sách ấy tháng trước bị mất.
– Triệu chứng xấu đấy, Velmont nói. Nhưng việc đó không đến nỗi cần thiết phải nhờ Sherlock Holmes can thiệp.
– Đúng, không cần thiết nếu không có một việc khác xảy ra. Trong Thư viện quốc gia cũng có một bản sao cuốn biên niên sử ấy. Hai bản khác nhau về một số chi tiết đường hầm như bản mặt cắt đứng, tỷ lệ xích, một số ghi chép không in mà viết bằng bút mực đã phần nào mờ đi. Tôi biết những điểm đặc biệt đó và muốn khôi phục lại con đường hầm thì phải tỉ mỉ đối chiếu hai bản đồ. Thế mà sau hôm cuốn sách của tôi bị mất thì cuốn của Thư viện cũng đã bị một độc giả lấy đi nhưng không biết từ lúc nào.
Nhiều tiếng thốt lên:
– Lần này thì tình hình nghiêm trọng đấy!
– Vì thế lần này ngành cảnh sát bối rối, tiến hành hai cuộc điều tra liền nhưng không kết quả, Ông Devanne nói.
– Thì cũng như trong tất cả các vụ do bàn tay Arsène Lupin!
– Đúng thế, lúc đó tôi mới nghĩ đến việc nhờ Sherlock Holmes và ông ấy trả lời rất muốn tiếp xúc với Arsène Lupin.
– Thật vinh dự cho Arsène Lupin, Velmont nói. Nhưng nếu tay trộm quốc gia như các ngài gọi, không có một dự định nào ở Thibermesnil thì Sherlock Holmes ngồi không à?
– Có một việc nữa ông ấy quan tâm là khám phá đường hầm.
– Sao? Ông nói với chúng tôi đường hầm có một cửa ra ngoài đồng và cửa kia ngay trong phòng này?
– Chỗ nào trong phòng vậy? Nét vẽ chỉ đường hầm trên bản đồ một phía thông đến vòng trong nhỏ có hai chữ hoa “T.H”. Chắc có nghĩa là Tháp Guillaume, đúng không? Nhưng cái tháp thì tròn, ai xác định được nét vẽ chỉ con đường gắn vào chỗ nào?
Devanne châm điếu xì gà thứ hai và rót cho mình một ly rượu. Người ta hỏi dồn, ông cười, sung sướng đã gây cho mọi người sốt sắng và nói rõ:
– Bí mật đó bị thất lạc, không ai nắm được. Truyền thuyết cho rằng những chúa đất chỉ truyền lại cho con trên giường bệnh lúc sắp chết; đến người sau cùng thì bị chặt đầu trên máy chém vào ngày bảy tháng mười một năm thứ II Cộng hòa, lúc mười chín tuổi nên không truyền lại bí mật đó được.
– Nhưng người ta phải tìm kiếm từ một thế kỷ nay chứ?
– Người ta có tìm nhưng không ra. Chính tôi, khi mua lại lâu đài của người thừa kế, cũng đã cho tìm nhưng vô ích. Các ông nghĩ xem, cái tháp bốn xung quanh là nước chỉ nối vào lâu đài ở một điểm và tất nhiên đưòng hầm phải đi dưới những đường hầm cũ. Bản vẽ ở Thư viện quốc gia có bốn cầu thang liên tiếp gồm bốn mươi tám bậc, dự toán có thể sâu hơn mười mét. Tỷ lệ xích kèm theo bản vẽ kia thì ghi khoảng cách hai trăm mét. Thực tế tất cả vấn đề là ở đây, giữa sàn này, trần này và những bức tường này. Thú thực, tôi ngại phải phá huỷ những cái đó.
– Người ta không để lại một dấu tích gì sao?
– Không.
Tu viện trưởng phản bác:
– Thưa ông Devanne, chúng ta phải dựa vào hai cuốn sách.
Ông Devanne vừa cười vừa nói:
– Ồ, ông mục sư là một nhà sưu tầm văn thư lưu trữ, một độc giả lớn giàu trí nhớ và những việc dính dáng đến Thibermesnil làm ông say sưa. Nhưng sự giải thích chỉ làm thêm rối việc.
– Nhưng như thế nào?
– Ông nên biết hai ông vua Pháp lấy hai câu sách đó làm mật hiệu!
– Hai ông vua Pháp? Henri IV và Louis XVI?
– Trước một trận đánh vua Henri IV đến ăn tối và ngủ trong lâu đài này. Mười một giờ đêm người đàn bà đẹp nhất xứ được đưa vào theo đường hầm do một quận công trong gia đình thông đồng và cũng nhân việc này, tiết lộ bí mật cửa ra vào. Bí mật ấy sau được vua Henri IV uỷ thác lại cho một Bộ trưởng. Ông này kể lại giai thoại ấy trong một tạp chí Hoàng gia, không bình luận gì mà kèm theo một câu không lý giải được:
“Chiếc búa (ha-sơ) quay trong không khí (e- rơ) lay động những cánh chim (e-lơ) bay và người ta lên tận Chúa trời (đi-ơ)M.
Một lát im lặng, Velmont cười gằn:
– Nó không có ánh sáng nào hết.
– Đúng thế! Ông mục sư cho rằng ông Bộ trưởng khi đọc hồi ký cho thư ký viết, giữ bí mật vào câu ấy không để lộ ra ngoài.
– Đồng ý như vậy. Nhưng chiếc búa quay trong không khí và cánh chim có nghĩa gì?
– Và lên tận Chúa trời là gì?
– Bí ẩn!
Velmont lại nói:
– Còn ông vua Louis XVI cho mở đường hầm phải chăng cũng để tiếp một người đàn bà?
– Tôi không rõ, chỉ biết Louis XVI ở trong lâu đài này năm 1784 và trong chiếc tủ sắt nổi tiếng ở cung điện Louvres có một tài liệu do nhà vua ghi mấy chữ:
“Thibermesnil: 2-6-12″
Horace Velmont cười phá lên:
– Thắng rồi! Màn tối tan dần: 2 lần 6 là 12.
– Ông cứ cười thoải mái, Tu viện trưởng nói, có thể hai câu ấy chứa đựng giải pháp mà một ngày nào đấy có người phân tích được.
– Trước hết là Sherlock Holmes… nếu Arsène Lupin không khám phá ra trước, ông Devanne khẳng định. Ông nghĩ thế nào ông Velmont?
Velmont đứng dậy, đặt tay lên vai Devanne tuyên bố:
– Tôi nghĩ những ghi chép trong cuốn biên niên sử của ông và của Thư viện quốc gia còn thiếu một thông tin quan trọng nhất ông đã có nhã ý cho biết. Tôi xin cám ơn ông…
– Như vậy là sao?
– Như vậy, bây giờ chiếc búa đã quay trong không khí, cánh chim đã bay và 2 lần 6 là 12. Tôi phải tiến hành ngay công việc.
– Không chậm một phút chứ?
– Không chậm một giây! Nên chăng đêm nay, trước khi Sherlock Holmes đến tôi có thể lấy trộm ở lâu đài ông?
– Thực tế còn rất ít thì giờ! Tôi tiễn ông nhé?
– Đến Dieppe à?
– Đến Dieppe. Tôi tiện đường đi đón ông bà bạn và cô bạn gái của họ đến chuyến tàu đêm.
Hướng về các sĩ quan, ông Devanne nói thêm:
– Xin mời tất cả các ông ngày mai đến ăn trưa. Lâu đài này phải ủy thác cho liên đội các ông; tôi dựa vào các ông về sự cố lúc mứời một giờ.
Họ nhận lời mời, chia tay nhau. Một lát sau một chiếc ô tô chở Devanne và Velmont đi Dieppe. Devanne để người họa sĩ xuống trước Câu lạc bộ và đi thẳng ra ga.
Nửa đêm, mấy người bạn của ông xuống tàu, mười hai giờ rưỡi xe về đến Thibermesnil. Lúc một giờ, sau bữa ăn nhẹ dọn trong phòng khách, mọi người rút lui. Ánh đèn tắt dần, đêm tĩnh lặng bao trùm tòa lâu đài.
Trăng ló ra khỏi mây, qua hai cửa sổ chiếu vào gian phòng khách một màu sáng trắng. Chỉ một lát thôi và ánh trăng khuất nhanh sau dãy đồi, trời lại mờ tối. Bóng đêm càng im lìm, thỉnh thoảng có tiếng đồ đạc đụng nhau khuấy động tĩnh mịch hoặc có tiếng lau sậy xào xạc trên bờ hồ nước bao quanh tường nhà.
Chiếc đồng hồ không ngừng đếm giây gõ luôn hai tiếng. Rồi tiếng tích tắc lại vội vàng, đơn điệu trong tĩnh lặng ban đêm.
Ba giờ sáng. Bỗng một vật gì như cột tín hiệu nâng lên hạ xuống khi con tàu đi qua. Một tia sáng nhỏ quét qua lại trong gian phòng như mũi tên lướt đi để lại một đường sáng. Nó loé ra từ đường xoi chính một cột trụ vuông sát bên phải mái tủ. Nó dừng lại ở tấm bảng đối diện theo một vòng tròn sáng rồi loang loáng xung quanh như ngước nhìn lo lắng dò xét bóng đêm, tắt đi, lại loé ra; trong lúc đó một phần chiếc tủ xoay tại chỗ để lộ một lỗ rộng hình vòm.
Một người bước vào, tay cầm đèn lồng. Một người nữa rồi người thứ ba, mang một cuộn dây và một số dụng cụ. Người thứ nhất quan sát gian phòng, nghe ngóng rồi nói:
– Gọi các bạn nào!
Các bạn đó đến theo đường hầm, tám người lực lưỡng, nét mặt cương quyết. Họ bắt đầu chuyển đồ đạc, Arsène Lupin đến gần vật này rồi vật khác xem xét, theo kích thước và giá trị nghệ thuật từng cái mà ra lệnh mang đi hoặc để lại không lấy. Đồ đạc được nâng lên, đưa vào cửa hầm đang mở đi vào lòng đất. Bằng cách đó sáu chiêc ghế bành, sáu ghế dựa, những tấm thảm giá đèn, tượng biến mất… toàn những đồ vật cổ chính gốc. Đôi khi Arsène Lupin dừng lại trước một chiếc hòm đẹp hoặc một bức tranh tuyệt vời, thốt lên: “Cái này nặng quá… to quá… Tiếc thật!” Và anh tiếp tục công việc giám định.
Sau bốn mươi phút, gian phòng được “dẹp gọn” theo lối nói của Lupin. Và những việc đó tiến hành với một trật tự hoàn hảo, không tiếng động như đồ vật họ khiêng đi được bọc lớp bông dày.
Arsène Lupin nói với người đi cuối cùng có mang theo chiếc đồng hồ treo:
– Không phải trở lại nữa. Khỉ chất tất cả lên xe xong, các anh chạy đến kho chứa. Thống nhất thế nhé?
– Nhưng thưa ông chủ, ông thì sao?
– Để lại cho tôi chiếc xe máy.
Người ấy đi, anh đẩy mặt di động của chiếc tủ, phủi sạch dấu vết chuyển đồ đạc, chùi dấu chân rồi nâng một cánh cửa vào hành lang thông từ tháp đến lâu đài. Giữa hành lang có một tủ kính, vì cái tủ này mà Lupin bỏ công tìm tòi.
Tủ kính chứa những vật tuyệt diệu, cả một sưu tập đồng hồ, hộp đựng thuốc, nhẫn, những tượng nhỏ quý tộc rất tinh xảo. Dùng kìm mở khóa, anh sung sướng thu thập những đồ trang sức vàng bạc, những tác phẩm nhỏ nhắn với nghệ thuật quý hiếm.
Anh mang quanh cổ một túi rộng, vải đặc biệt dùng cho những di sản này, lấy đầy túi vàng ngọc mà tổ tiên rất thích và hiện nay người ta say sưa tìm kiếm… Tức thì anh nghe một tiếng động nhẹ. Lắng nghe, không nhầm, có tiếng động. Đột nhiên anh nhớ lại: đầu hành lang có một thang gác dẫn lên một căn phòng bỏ không, chiều nay đã bố trí để cô gái cùng đi với những người bạn của Devanne nghỉ. Anh bấm tắt đèn đi sắp tới khung cửa sổ thì phía trên cầu thang cửa mở, ánh sáng bắt ra hành lang. Có tấm màn che nên không thấy, anh có cảm giác một người thận trọng bước xuống cầu thang, tiến lại gian phòng. Người đó kêu lên một tiếng, chắc thấy tủ kính vỡ và rỗng đến ba phần tư.
Do mùi nước hoa, anh biết là cô gái, áo quần gần đụng vào bức mành che lấp và như nghe rõ nhịp đập tim của cô. Cô cũng đoán sau bức màn có người, trong bóng tối… Anh tự nhủ: Cô ta sợ…, sẽ đi thôi… Không thể không đi…” Cô không đi. Ngọn nến rung trong tay, cô dừng lại, ngập ngừng một tí như nghe ngóng rồi đột nhiên kéo chiếc màn.
Họ trong thây nhau. Arsène Lupin hoảng hốt, thì thầm:
– Ô… cô… Đó là Nelly, người hành khách cùng trên chuyến tàu xuyên Đại Tây Dương, người đã cùng mơ mộng với anh trong hành trình không thể quên đó, đã chứng kiến việc bắt giữ anh và có cử chỉ đẹp quăng xuống biển chiếc máy ảnh anh giấu đồ trang sức và tiền mà không phản bội anh… Cô Nelly! Con người thân thiết, vui tươi mà hình ảnh thường làm anh buồn nhớ hoặc hớn hở trong những ngày dài ở tù!
Sự tình cờ kỳ diệu lại đưa họ gặp nhau trong lâu đài này, trong giờ này ban đêm làm họ bất động, không nói một lời, kinh ngạc như bị thôi miên vì hiện diện của người này trước người kia.
Lảo đảo, xúc động đến kiệt sức, Nelly phải ngồi xuống, Arsène Lupin đứng trước mặt cô. Dần dần, sau những phút dài dằng dặc trôi qua, anh tự thấy làm cho người ta có cảm giác ra sao trước bộ dạng đôi tay mang đồ chơi, túi áo quần căng phồng, túi xách nhét đầy muốn rách. Thẹn thùng, anh đỏ mặt vì bị bắt gặp quả tang đang lấy trộm. Đối vối cô, từ nay dù thế nào anh cũng là một tay trộm, một con người thọc tay vào túi người khác, mở khóa cửa nhà người ta lén lút chui vào!
Một chiếc đồng hồ rơi xuống thảm, một chiếc nữa và những vật khác trượt khỏi tay anh. Tức thì, quyết định rất nhanh, anh đế xuổng ghế bành một phần những đồ vật đã lấy, dốc hết túi áo và túi xách. Cảm thấy thoải mái hơn trước mặt Nelly, anh bước lại phía cô định nói. Nhưng cô có một động tác lùi lại rồi như sợ hãi, đứng dậy bước vội vào phòng khách. Anh đi theo cô, cửa đóng lại. Cô đứng sững sờ, run rẩy, đôi mắt lo sợ nhìn gian phòng rộng bị tước đoạt.
Anh bèn nói ngay với cô:
– Ngày mai vào ba giờ, mọi cái được trả về chỗ cũ… Đồ đạc sẽ được mang lại…
Cô không trả lời, anh lặp lại:
– Vào ba giờ ngày mai, tôi cam đoan như vậy… Không có gì trên đời này ngăn cản được tôi giữ lời hứa…
Một lúc im lặng. Anh không dám phá đi không khí im lặng đó và sự xúc động của cô gái làm anh đau đớn thực sự. Nhẹ nhàng, không một lời anh đi xa cô, tự nhủ:
– Cô ấy phải đi đi… tự do ra đi! Không phải sợ hãi vì mình!…
Đột nhiên cô giật mình, ấp úng:
– Anh nghe không?… Có tiếng chân… Có người tới đấy…
Anh ngạc nhiên nhìn cô. Cô có vẻ hoảng hốt như một thảm họa đến gần. Anh nói:
– Tôi không nghe thấy gì cả, mà dù có…
– Sao? Phải chạy trốn đi… nhanh lên, anh chạy ngay đi…
– Chạy trốn? Vì sao?…
– Cần phải trốn… A! Anh đừng chậm trễ…
Cô chạy lại đầu hành lang lắng nghe. Không, không có ai… Có thể tiếng động từ ngoài vào chăng?… Chờ một giây rồi yên tâm, cô quay lại… Arsène Lupin đã đi mất.
Ngay lúc Devanne thấy lâu đài mình bị phá hại, ông tự nhủ:
– Đây là hành động của Velmont rồi, và Velmont không ai khác là Arsène Lupin.
Mọi việc đều thấy rõ như thế, không khác được. Ý nghĩ ấy cũng chỉ thoáng qua thôi vì không thể tin Velmont không phải là người họa sĩ quen biết, người bạn trong Câu lạc bộ của ông anh họ. Và khi người đội trưởng cảnh sát được tin báo đến, Devanne cũng không nghĩ đến việc trao đổi ý nghi ngờ vô lý ấy.
Suốt buổi sáng ở Thibermesnil không ngớt người đi lại. Bảo vệ, cảnh sát, cảnh sát trưởng, dân làng… đám đông luôn nhốn nháo ở hành lang, vườn hoa hoặc xung quanh lâu đài. Đoàn diễn tập quân đội cũng đến, tiếng súng lách cách càng làm khung cảnh thêm náo nhiệt.
Cuộc tìm kiếm ban đầu không tìm ra dấu vết nào. Cửa sổ không gãy, cửa ra vào không bị phá, chắc chắn việc chuyển đồ đạc phải theo con đường bí mật. Mặt khác trên thảm không một vết chân, trên tường không có hiện tượng gì khác thường.
Có một điều bất ngờ cho thấy ý ngông của Arsène Lupin, cuốn biên niên sử thế kỷ XVI đã được đặt vào chỗ cũ, bên cạnh là một cuốn giống thế, hẳn là bản của Thư viện quốc gia bị mất.
Đến mười một giờ, các sĩ quan kéo đến. Devanne tiếp họ vui vẻ tuy có nỗi buồn mất một tài sản nghệ thuật rất lớn. Những người bạn của Devanne và cô Nelly cùng đi xuống. Trong lúc giới thiệu, thấy thiếu một người khách, Horace Velmont. Ông ấy không đến sao?
Sự vắng mặt này gợi lại những nghi ngờ của Georges Devanne. Nhưng đúng trưa ông ta đi vào và Devanne kêu lên:
– Tốt quá, ông ấy kia rồi!
– Tôi đến đúng giờ đấy chứ?
– Đúng, nhưng không thể như vậy… sau một đêm biến động đến thế! ông biết tin mới chưa?
– Tin gì?
– Ông đã lấy trộm ở nhà tôi!
– Chà, chà!
– Đúng thế! Nhưng trước hết hãy đưa tay cho cô Nelly và ta đi ăn trưa…
– Thưa cô, cô cho phép tôi…
Velmont ngừng nói vì thấy cô gái bối rối rồi đột nhiên nhắc lại:
– Nhân tiện xin hỏi cô: Có đúng trước đây cô cùng đi trên tàu cùng Arsène Lupin… trước khi anh ta bị bắt…? Anh ta giống tôi làm cô ngạc nhiên phải không?
Cô không trả lời; Velmont mỉm cười nghiêng mình trước mặt cô. Cô nắm cánh tay anh; anh đưa cô lại chỗ ngồi và ngồi trước mặt cô.
Suốt bữa ăn người ta chỉ nói về Arsène Lupin, đường hầm, những đồ đạc bị lấy đi, về Sherlock Holmes. Cuối bữa, khi người ta nói về những vấn đề khác, Velmont mới tham gia câu chuyện, khi vui cười, khi nghiêm nghị, hùng biện và sắc sảo. Mọi chuyện anh nói hình như chỉ để cô gái quan tâm nhưng mãi suy nghĩ, cô có vẻ như không nghe thấy.
Người nhà phục vụ cà phê trên khoảng nền cao khống chế sân danh dự và ngôi vườn, bên cạnh mặt nhà chính. Giữa sân cỏ, ban nhạc bắt đầu chơi và đám đông quân đội, nông dân tỏa ra trên những con đường vườn hoa.
Nelly vẫn nhớ tới lời hứa của Arsène Lupin:
– Vào ba giờ… tôi cam đoan là mọi đồ vật được mang trả lại!…
Vào ba giờ! Và kim chiếc đồng hồ lớn trang trí ở cánh phải chỉ hai giờ bốn mươi phút! Dù không muốn cô vẫn nhìn nó liên tục, cùng nhìn Velmont đang bình thản đung đưa trên chiếc ghê xích đu vững chắc.
Hai giờ năm mươi… Hai giờ năm mươi lăm phút… Một trạng thái sốt ruột lẫn lo sợ xâm chiêm cô gái. Có thể chấp nhận điều huyền diệu được thực hiện không?.Thực hiện trong giây phút được định trước, trong lâu đài, sân vườn đầy người và cũng trong lúc ông dự thẩm, ông biện lý đang tiến hành điều tra.
Vậy mà… Vậy mà Arsène Lupin đã hứa trịnh trọng như thế! Cô nghĩ điều anh ta nói sẽ xảy ra và trong lòng xốn xang vì thái độ cương quyết, quyền lực và sự chính xác của con người đó. Việc ấy hầu như không phải một điều huyền diệu mà chỉ là một biến cố tự nhiên!
Hai đôi mắt gặp nhau một giây; cô đỏ mặt ngoảnh đi.
Ba giờ… Tiếng chuông thứ nhất, thứ hai, thứ ba… Horace Velmont rút đồng hồ ra, ngước nhìn đồng hồ treo tường rồi bỏ đồng hồ của anh vào túi. Vài giây trôi qua, đám đông tản ra quanh bãi cỏ để hai chiếc xe, mỗi xe hai ngựa kéo vào qua cổng vườn. Đó là những chiếc xe có mui, đi sau các liên đội chở binh lương. Xe dừng lại trước tam cấp lớn, một hạ sĩ quân quân nhu nhảy xuống hỏi gặp ông Devanne.
Devanne chạy tới, bước xuống thềm. Bên dưới những tấm vải dầu ông thấy đồ đạc, tranh ảnh, đồ chơi mỹ thuật của ông được sắp xếp gọn gàng, che đậy cẩn thận. Hỏi thì người hạ sĩ quan bảo thực hiện mệnh lệnh của sĩ quan trực, ông này cũng mới được báo sáng nay. Theo lệnh, trung đội hai, đại đội bốn được giao nhiệm vụ đưa những đồ đạc để ở ngã tư gần khu rừng đến cho ông Georges Devanne, chủ lâu đài Thibermesnil vào lúc ba giờ. Lệnh do đại tá Beauvel ký. Người hạ sĩ nói thêm:
– Ở ngã tư mọi thứ đã sẵn sàng, sắp dãy trên bãi cỏ, dưới sự bảo vệ của… những người qua đường. Điều đó có vẻ kỳ cục nhưng… đã là lệnh thì phải nghiêm chỉnh chấp hành!
Một trong các sĩ quan xem chữ ký: rất giống nhưng là giả mạo. Ban nhạc ngừng chơi; người ta giở đồ đạc xuống và xếp vào chỗ cũ.
Giữa lúc sôi động đó, Nelly đứng một mình ở đầu thềm. Cô nghiêm nghị và lo lắng, lòng xao xuyến về những ý nghĩ không rõ ràng mà cô không muốn lý giải. Bỗng thấy Velmont lại gần, cô muốn tránh nhưng góc lan can trên thềm bao cả hai phía, rồi một hàng cây cam, trúc đào, tre chỉ hở một con đường rút lui được thì anh đang tiến đên. Cô đứng yên, một ánh nắng qua lá cây lay động trên mớ tóc vàng của cô. Ai đó nói rất khẽ:
– Tôi giữ lời hứa hồi đêm.
Arsène Lupin đứng gần cô và xung quanh không có ai. Anh lặp lại, thái độ ngập ngừng, giọng nói bẽn lẽn:
– Tôi đã giữ lời hứa.
Anh chờ một lời cám ơn, một cử chỉ ít nhất cũng tỏ ra quan tâm đến việc làm đó nhưng cô im lặng.
Thái độ khinh khi này làm Arsène Lupin giận đồng thời anh cảm thấy sâu sắc những gì cách biệt anh với Nelly giờ đây khi cô đã biết rõ sự thật. Anh muốn tự biện hộ, xin lỗi, chứng minh sự dũng cảm, lớn lao trong cuộc sống của anh nhưng trước hết những lời nói đó sẽ xúc phạm anh; anh thấy mọi giải thích đều vô lý và ngạo mạn.
Nhớ lại bao kỷ niệm, anh buồn bã thì thầm:
– Ngày ấy xa xôi quá rồi! Cô còn nhớ thời gian dài trên tàu Frovence không? A, cô này! Hôm đó cô cũng cầm một bông hồng như hôm nay, cũng bông hồng nhạt như vậy… Tôi đã xin cô… cô có vẻ như không nghe thấy… Nhưng sau khi cô đi, tôi thấy bông hồng… Có thể bỏ quên…, tôi đã giữ nó…
Nelly vẫn không trả lời, giống như xa cách lắm. Anh tiếp tục:
– Kỷ niệm những giờ phút đó, cô đừng nghĩ đến những điều cô biết, để ngày ấy nối liền với hiện tại, cho rằng tôi không phải là người cô bắt gặp hồi đêm mà là người trước kia, và mong đôi mắt cô nhìn tôi, dù chỉ một giây, hãy nhìn tôi… đề nghị cô… Phải chăng tôi không phải là người đó nữa?
Cô ngước mắt nhìn anh như yêu cầu. Rồi không một lời cô để ngón tay lên chiếc nhẫn anh đeo ở ngón trỏ. Người ta chỉ thấy chiếc nhẫn nhưng mặt đá quay vào trong là một viên hồng ngọc tuyệt đẹp.
Arsène Lupin đỏ mặt; chiếc nhẫn của Georges Devanne. Anh cười chua chát:
– Cô có lý, cái gì đã xảy ra thì tồn tại mãi. Arsène Lupin là, và chỉ có thể là Arsène Lupin; giữa cô và anh ta đến mức không có một kỷ niệm… Cô tha lỗi… tôi phải hiểu chỉ riêng việc tôi có mặt bên cạnh cô đã là một sự lăng nhục…
Anh tránh ra nép vào dọc lan can, tay cầm mũ. Nelly đi qua trước mặt. Anh muốn thử giữ cô lại, cầu khẩn cô nhưng không đủ can đảm, chỉ nhìn theo cô như trước đây khi cô đi qua trên cầu tàu ở bến New York. Cô bước theo những bậc thang lên cửa và một lát sau dáng người thon thả in lên mặt đá hành lang, anh không nhìn thấy cô nữa.
Một đám mây che khuất mặt trời. Arsène Lupin đứng yên quan sát những dấu chân nhỏ in trên cát. Bỗng anh giật mình: trên khóm tre Nelly đứng dựa, có một bông hồng, bông hồng nhạt mà anh không dám xin cô… Bông hồng này cũng bỏ quên ư? Tự nguyện bỏ quên hay vì đãng trí? Anh nhanh nhẹn cầm lấy, những cánh hoa rời ra, anh nhặt từng cánh một như những thánh tích… Anh tự nhủ:
“Nào, mình chẳng còn ở đây làm gì nữa. Nếu Sherlock Holmes can thiệp vào thì công việc càng tồi tệ”
Vườn hoa vắng người nhưng trước cửa ra vào có một toán cảnh sát. Anh lùi vào bụi cây, men theo tường bao, theo một con đường nhỏ giữa đồng để ra ga gần hơn. Đi chưa được mười phút, con đưòng hẹp lại kẹp giữa hai bờ dốc và khi anh đến đó, có một người đi tới theo hướng ngược lại.
Đó là một người đàn ông khoảng năm mươi tuổi, khá khỏe mạnh, mặt cạo nhẵn, mặc quần áo vẻ người nước ngoài, tay cầm gậy nặng và ở cổ treo cái xắc cốt. Họ gặp nhau, người kia hỏi, giọng nói của người Anh:
– Xin lỗi ông… đây có phải đường vào lâu đài?
– Thưa ông, cứ đi thẳng rồi rẽ trái cho tới khi đụng chân tường. Họ đang sốt ruột chờ ông.
– A!
– Vâng, ông bạn Devanne của chúng tôi có cho biết ông sẽ tới.
– Thì ra ông Devanne quá nhiều lời.
– Và tôi rất sung sướng là người đầu tiên đón chào ông Sherlock Holmes; không có ai nhiệt tình ngưỡng mộ hơn tôi.
Trong giọng nói thể hiện một khía cạnh ngạo mạn mà anh lập tức hốỉ tiếc, vì Sherlock Holmes nhìn anh từ đầu đến chân với con mắt bao quát và sắc sảo đến nỗi anh cảm thấy như bị tóm lấy, cầm tù và nhận diện chính xác hơn bất cứ chiếc máy ảnh nào. Anh tự nhủ:
“Máy ảnh bấm rồi, không thể cải dạng với con người ấy nữa. Nhưng… không biết ông ta có nhận ra mình không?”
Họ chào nhau. Những tiếng bước chân vang lên, vó ngựa vờn trong tiếng sắt thép: cảnh sát. Hai người phải nép vào bờ dốc, trong cỏ cao để khỏi bị dẫm phải. Cảnh sát đi qua và họ nhìn nhau một lúc lâu. Lupin nghĩ:
“Tất cả phụ thuộc vào việc ông ta có nhận ra không. Nếu có, ông ta may mắn lợi dụng được tình thế; cũng đáng ngại!”
Khi người ngựa cuối cùng qua khỏi, Sherlock Holmes đứng lên phủi bụi ở quần áo, không nói năng gì. Dây sắc-cốt vướng vào vai, Arsène Lupin vội gỡ ra; họ còn quan sát nhau một giây nữa. Bắt gặp họ lúc đó người ta sẽ thấy cảnh hồi hộp của cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai con người cùng trang bị đầy đủ, thực sự có tầm cao và bẩm tính đặc biệt, hai sức mạnh đụng độ nhau vì sự việc dần dần đùa họ lại với nhau.
Người Anh nói:
– Thưa ông, xin cám ơn ông.
– Rất hân hạnh được phục vụ ông. Lupin trả lời.
Họ chia tay nhau. Lupin đi ra ga và Sherlock Holmes tới lâu đài.
Sau những tìm kiếm vô ích, dự thẩm và biện lý bỏ đi, người ta chờ đợi Sherlock Holmes với niềm háo hức đúng với danh tiếng ông nhưng hơi thất vọng một chút vì dáng điệu bình thường của ông khác xa hình ảnh người ta tưởng tượng. Ông không có vẻ gì là người hùng trong sách, con người bí ẩn và ma quái như người ta vẫn nghĩ về Sherlock Holmes.
Tuy thế Devanne xởi lởi kêu lên:
– Thưa tiên sinh, cuối cùng ông đã tới, thật may mắn! Từ lâu tôi đã mong ước… Hầu như tôi sung sướng có những việc xảy ra như vậy để được gặp ông! Nhân tiện, xin hỏi ông đến đây bằng cách gì vậy?
– Đi tàu hỏa.
– Tiếc quá, tôi đã cho xe ra đón ông ở bến cảng.
Người Anh càu nhàu:
– Một cuộc đón tiếp theo nghi thức với trống kèn phải không? Một cách tốt nhất làm công việc tôi thêm dễ dàng đấy!
Giọng nói kém hứa hẹn ấy làm Devanne bối rối nhưng gắng vui vẻ, ông nói tiếp:
– May mà công việc dễ dàng hơn tôi viết trong thư cho ông.
– Vì sao?
– Vì vụ trộm đã xảy ra hồi đêm.
– Nếu ông không thông báo việc tôi đến, chắc vụ trộm không xảy ra hồi đêm mà vào ngày mai hoặc một ngày nào khác.
– Trường hợp ấy thì sẽ ra sao?
– Thì Lupin đã rơi vào bẫy.
– Và đồ đạc của tôi?
– Sẽ không bị lấy đi.
– Đồ đạc của tôi hiện vẫn còn.
– Ở đây à?
– Chúng được mang trả lại lúc ba giờ.
– Do Lupin?
– Do hai xe tải lương.
Sherlock Holmes đội mạnh mũ lên đầu và kéo lại dây sắc – cốt. Devanne kêu lên:
– Ông định làm gì vậy?
– Tôi đi đây. Đồ đạc của ông còn đó, Lupin đã đi xa, tôi hết nhiệm vụ rồi.
– Nhưng tôi rất cần sự giúp đỡ của ông. Việc xảy ra hôm qua, hôm sau có thể lặp lại vì chúng tôi không biết Arsène Lupin vào ra như thế nào và vì sao sau độ mấy tiếng đồng hồ anh ta cho đưa trả lại đồ đạc.
– À, ông không biết?…
Ý nghĩ có một điều bí mật để khám phá làm dịu Sherlock Holmes:
– Được rồi. Chúng ta tìm nhưng nhanh lên; và cố gắng chỉ riêng chúng ta thôi.
Câu nói đề cập đến những người tham gia. Devanne hiểu và đưa thám tử vào phòng khách. Giọng khô khan, những câu nói như được tính toán trước và xiết bao tằn tiện! Ông ta nêu những câu hỏi về buổi tỗi hôm trước, về khách mời, những người thường đến lâu đài rồi xem kỹ hai cuốn biên niên sử, so sánh những bản đồ đường hầm, bảo ghi lại hai câu sách Tu viện trưởng nêu lên và hỏi:
– Đúng hôm qua ông mới nêu lên hai câu sách lần đầu?
– Vâng.
– Ông chưa bao giờ nói với Horace Velmont chứ?
– Chưa bao giờ.
– Được rồi. Ông cho chuẩn bị xe, sau một tiếng tôi đi đây.
– Sau một tiếng đồng hồ ư?
– Arsène Lupin không cần nhiều thời gian hơn đế giải quyết vấn đề ông đặt ra cho ông ta?
– Tôi?… Tôi đặt ra cho anh ta?
– Đúng! Arsène Lupin và Velmont là một thôi!
– Tôi đã nghi ngờ điều đó… Chà! Tên vô lại!
– Mười giờ đêm qua ông đã cung cấp cho Lupin những yếu tố mà anh ta thiếu và đã tìm trong nhiều tuần. Ngay đêm đó Lupin tìm hiểu, tập hợp băng nhóm và khuân đồ đạc của ông. Tôi cũng mong được mau chóng như thế.
Ông đi, lại trong phòng, suy nghĩ rồi ngồi xuống, khép đôi chân dài và nhắm mắt lại.
“Ông ấy ngủ hay suy nghĩ?” Devanne tự nhủ. Ông lúng túng chờ đợi, ra ngoài sai bảo người nhà, khi trở lại thấy ông ta đang quỳ dò tìm kỹ tấm thảm phía dưới cầu thang.
– Có gì vậy, thưa ông?
– Ông nhìn đây… những dấu nến…
– Đúng thế… và còn mới…
– Cả phía trên cầu thang, nhất là xung quanh tủ kính mà Arsène Lupin đã bẻ khóa lấy đồ trang sức, đồ chơi và để trên ghế bành này.
– Ông kết luận thế nào?
– Những hiện tượng này giải thích việc anh ta hoàn trả lại những đồ đạc. Nhưng đó là một khía cạnh của vấn đề mà tôi không có thì giờ đi sâu. Việc cần thiết là con đường hầm.
– Ông tưởng rằng…
– Tôi không tưởng, tôi biết. Có phải có một nhà thờ nhỏ cách lâu đài hai hay ba trăm mét?
– Một nhà thờ nhỏ đã đổ nát; ở đó có nấm mồ một quận công.
– Nói với lái xe chờ chúng ta ở gần nhà thờ ấy.
– Lái xe của tôi chưa về… Khi về sẽ báo với tôi… Ông cho rằng đường hầm ra chỗ nhà thờ phải không? Dựa vào dấu hiệu nào…
Sherlock Holmes ngắt lời ông:
– Ông cho một cái thang và cái đèn lồng.
– Ông cần thang và đèn lồng à?
– Tất nhiên, vì tôi đã đề nghị ông.
Devanne có chút sững sờ nhưng gọi người hầu đưa hai vật ấy tới.
Hiệu lệnh tiếp theo nghiêm ngặt và chính xác như mệnh lệnh quân đội.
– Dựa chiếc thang vào tủ sách, bên trái chữ THI-BERMESNIL… Devanne để thang. Người Anh tiếp tục:
– Dịch về bên trái… bên phải… Dừng lại! Ông leo lên đi… Tốt… Những chữ ấy đều là chữ nổi phải không?
– Vâng.
– Hãy xem chữ H có quay được không?
Devanne nắm lấy chữ H và kêu lên:
– Mà đúng, chữ này quay! Một phần tư vòng tròn về bên phải! Ai tiết lộ điều này với ông vậy?…
Không trả lời, sherlock Holmes nói tiếp:
– Ở chỗ ông đứng có với tới chữ R không? Có à?… Lay chữ ấy nhiều lần như ông nắm chốt cửa đẩy vào rút ra vậy…
Devanne lay chữ R. Thật kinh ngạc, ông thấy bên trong có chuyển động. Sherlock Holmes nói:
– Tuyệt, chỉ còn đẩy chiếc thang sang đầu kia, cuối chữ THIBERMESNIL…. Tốt… Nếu không nhầm, chữ L sẽ mở ra như một cánh cửa nhỏ!
Với cử chỉ khá trịnh trọng, Devanne nắm lấy chữ L. Chữ L mở ra và Devanne ngã nhào xuống vì cả phần chiếc tủ, từ chữ thứ nhất đến chữ cuối cùng quay quanh nó và mở ra lỗ thông vào đường hầm.
Sherlock Holmes hỏi, giọng lạnh lùng:
– Ông không bị thương chứ?
Devanne vừa đứng dậy vừa nói:
– Không, không! Không bị thương nhưng tôi thừa nhận… những chữ này chuyển động… và con đường hầm lộ ra.
– Thế không phải phù hợp hoàn toàn với câu sách của Tu viện trưởng hay sao?
– Ở chỗ nào thưa ông?
– Trời! Theo câu ấy, chữ H quay tròn, chữ R lay động và chữ L mở ra… để vua Henri IV tiếp người tình vào giờ bất thường đấy!
Devanne choáng voáng, hỏi:
– Nhưng còn vua Louis XVI?
– Louis XVI là một thợ rèn giỏi, một thợ khóa lành nghề. Tôi đã đọc một cuốn sách ca ngợi tài năng ấy của ông. Để tỏ ra là một triều thần tốt, người chủ lâu đài đã chỉ cho vua công trình máy móc đó. Muốn ghi nhớ, ông vua ghi 2-6-12, nghĩa là H-R-L, chữ thứ hai, thứ sáu và thứ mười hai của tên gọi lâu đài.
– Chà, tuyệt thật, tôi bắt đầu hiểu ra… Nhưng này ông, nếu tôi đã giải thích được cách ra khỏi phòng này thì vẫn chưa rõ làm sao Arsène Lupin vào trong này được, vì anh ta từ ngoài vào.
Sherlock Holmes châm đèn, tiến mấy bước vào đường hầm.
– Ông nên nhớ hệ thống máy móc ở đây như những lò xo một chiếc đồng hồ cũ và mặt trái những chữ trên ở chỗ này. Lupin chỉ việc quay những chữ đó ở phía này của mặt ngăn.
– Chứng cớ?
– Chứng cớ à? Ông thấy vũng dầu đây; Lupin đã dự kiến phải cho dầu vào bánh xe. Sherlock Holmes không khỏi thán phục nói.
– Như vậy anh ta biết lối kia?
– Cũng như tôi biết vậy, ông theo tôi.
– Trong đường hầm ư?
– Ông sợ à?
– Không, nhưng ông chắc chắn nắm được lối đi chứ?
– Nhắm mắt cũng biết!
Họ đi xuống, lúc đầu mươi hai bậc rồi mười hai bậc khác, lại hai lần mười hai bậc nữa. Sau đó họ đi qua một đường hẻm dài, mặt trong bằng gạch có dấu vết đã tu bổ nhiều lần và rò rỉ từng chỗ. Đất ẩm ướt.
Devanne không yên tâm nhận xét:
– Chúng ta đang đi dưới hồ.
Con đường hầm dẫn đến một cầu thang mười hai bậc đi lên một cách khó khăn và ra một lỗ nhỏ cắt ngay ở khối đá cứng. Đường cụt. Sherlock Holmes lẩm bẩm:
– Quỷ sứ, chỉ là bức tường! Vấn đề trở thành phức tạp đây.
– Hay chúng ta trở lại đi, Devanne thì thầm. Rốt cuộc cũng chẳng cần biết xa hơn nữa, tôi hiểu rõ rồi.
Ngẩng đầu lên, nhà thám tử Anh thở ra một hơi nhẹ người: ở phía trên họ, cũng có một hệ thống máy móc như ở cửa lối đi vào. Chỉ việc xoay ba chữ và một khối đá đung đưa. Phía bên kia là tấm bia của quận công khắc chữ THIBERMESNIL. Họ bước vào ngôi nhà thờ mà Sherlock Holmes đã nói tới. Ông bảo:
– Và người ta lên tận Chúa trời, nghĩa là đến tận nhà thờ, theo đoạn cuối câu sách.
Devanne thán phục sự sáng suốt và hoạt bát của nhà thám tử, kêu lên:
– Có thể nào chỉ do một dấu hiệu đơn giản như thế mà ông khám phá được?
– Chà, có thể cũng chẳng cần nữa, người Anh nói. Trong cuốn sách ở Thư viện quốc gia, ông thấy đường vạch tận cùng phía bên trái là vòng tròn và phía bên phải là một chữ thập đỏ đã mờ. Chữ thập đỏ chắc chắn là nhà thờ nhỏ chúng ta đang đứng đây.
Devanne không tin vào tai mình nữa:
– Đúng là phi thường, kỳ diệu nhưng cũng vô cùng đơn giản! Làm sao mà không ai thấy được điều bí ẩn này?
– Vì không ai tập hợp cả ba hay bốn yếu tố cần thiết, nghĩa là cả hai cuốn sách và câu sách….Không có ai, trừ Arsène Lupin và tôi!
Tôi và Tu viện trưởng… cả hai chúng tôi cũng biết như ông, thế mà…
Sherlock Holmes cười:
– Thưa ông, mọi người không phải ai cũng có khả năng khám phá những điều bí ẩn.
– Tôi đã tìm kiếm mười năm nay mà ông chỉ trong mười phút!
– Chà, thói quen thôi mà…
Họ ra khỏi nhà thờ, người Anh kêu lên:
– Này, có xe đang chờ!
– Đó là xe của tôi.
– Xe ông à? Tôi nghĩ lái xe chưa về?
– Đúng vậy… và tôi tự hỏi…
Họ bước đến bên xe, Devanne hỏi người lái:
– Ai bảo anh đến đây thế?
– Thưa ông, ông Velmont.
– Ông Velmont? Anh gặp ông ấy?
– Chỗ gần ga ạ, và ông ấy bảo tôi trở lại chỗ nhà thờ này.
– Lại chỗ nhà thờ? Để làm gì?
– Để đón ông… và người bạn ông…
Devanne và Sherlock Holmes nhìn nhau. Devanne nói:
– Anh ta biết điều bí mật đối với ông chỉ là một trò chơi. Việc ca ngợi ông tế nhị lắm.
Một nụ cười thỏa mãn nở trên môi người thám tử. Việc ca ngợi đó làm ông vui thích. Ông ngẩng đầu lên nói:
– Đúng là một người đàn ông. Trông anh ta thì biết, và tôi cũng đã đoán thế.
– Ông gặp anh ta rồi à?
– Chúng tôi vừa gặp nhau lúc nãy.
Và ông biết đó là Horace Velmont… tức Arsène Lupin?
– Không, nhưng tôi đoán ra… Anh ta có một khía cạnh ngạo mạn nào đó.
– Và ông đã để anh ta thoát?
– Vâng… nói thực, tôi làm gì cũng vô hiệu… Năm cảnh sát đi qua đó..
– Thật tiếc! Đấy là một dịp tốt hoặc không bao giờ…
– Thưa ông đúng thế, người Anh cao đạo nói, khi gặp một đối thủ như Arsène Lupin, Sherlock Holmes không lợi dụng tốt… mà sẽ tạo ra dịp tốt…
Nhưng rồi thì giờ gấp và vì Arsène Lupin đã có nhã ý bảo xe đến đón nên cũng phải tranh thủ. Devanne và Sherlock Holmes lên ngồi ghế sau chiếc xe trang bị hiện đại. Lái xe nổ máy lên đường. Đồng ruộng, cây cối lướt qua, Xe bon êm êm trên đường lượn sóng.
Bỗng Devanne thấy một gói nhỏ để trong hộp:
– Cái gì thế này? Gói này gửi cho ai đây? À, cho ông…
– Cho tôi?
– Ông đọc này: “Kính gửi ông Sherlock Holmes, của Arsène Lupin – Ngươi Anh cầm gói mở dây, bóc hai tờ giấy bọc: một chiếc đồng hồ! Ông kêu lên:
– Ồ! Đúng là một con người!
Người Anh không nhúc nhích. Cho đến tận Dieppe ông không một lời, mắt dán vào chân trời xa xa. Sự im lặng nặng nề, không lường được, dữ dội hơn cơn giận cao độ nhất. Xuống bến tàu, lần này ông không giận dữ, chỉ nói với giọng đầy tham vọng và cương quyết:
– Đúng, đấy là một con người và trên vai người đó tôi sung sướng được đặt bàn tay đang giơ ra cho ông đây, Devanne. Ông biết không, tôi nghĩ một ngày nào đó Arsène Lupin và Sherlock Holmes lại gặp nhau. Thế giới rất nhỏ hẹp nên không thể họ không gặp nhau… và ngày đó…

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.