Tuyển Tập Arsene Lupin

BẢY – THANH TRA GARNIMA ĐỒNG PHẠM



Không khách du lịch nào không biết hai bên bờ sông Seine, giữa những phế tích, một lâu đài cổ Malaquis, kỳ lạ, sừng sững trên đá giữa lòng sông có chiếc cầu vồng nối ra đường cái. Nền những tháp nhỏ sẫm màu của lâu đài lẫn vào đá bên dưới, một khối đá khổng lồ không rõ được tách ra từ dãy núi nào và do chấn động địa chất thời kỳ nào để lại đó. Bốn xung quanh, mặt nước phẳng lặng của con sông lớn len lỏi giữa lau sậy; rải rác chim chìa vôi nhún nhảy trên bờ sỏi ẩm.
Lịch sử Malaquis cũng nặng nề như tên gọi, ngang ngạnh như hình dáng nó. Toàn những trận đánh, vây hãm, tấn công, trộm cướp và chém giết. Vào những đêm thức canh phòng ở vùng này, người ta kể lại những truyền thuyết bí hiểm, những án mạng, về con đường hầm trứ danh đi đến một tu viện và đến trang viên người đàn bà đẹp của một ông vua Pháp.
Sào huyệt cũ này của những anh hùng, đạo tặc, hiện nay do Nam tước Nathan Cahorn ở và đó là người bỗng nhiên giàu lên đột ngột. Các lãnh chúa Malaquis phá sản, phải bán di sản tổ tiên cho ông với giá rẻ mạt. Ông thu thập về đây những sưu tâp tuyệt đẹp về tranh ảnh, đồ sành sứ, gỗ chạm. Ông sống độc thân, có ba người hầu. Không ai được vào ngắm nhìn gian phòng trưng bày những đồ vật quý, đắt tiền ông mua được trong các cuộc đấu giá của những người giàu có nhất trong vùng.
Ông Nam tước hay lo ngại, không lo cho ông mà về tài sản tích luỹ với niềm say mê, với đôi mắt tinh tường của nhà sưu tầm mà không một lái buôn láu lỉnh nào lừa gạt được, ông yêu thích, thiết tha bộ sưu tập như con người bủn xỉn ghen tỵ những chàng trai si tình. Hàng ngày lúc mặt trời lặn, bốn lớp cửa sắt hai đầu cầu và lối vào sân đóng kín khóa chặt; chỉ một đụng chạm nhỏ là chuông điện vang lên báo động. Phía sông Seine đá tảng dốc đứng xuống tận mặt nước nên cũng chẳng ngại gì.
Một ngày thứ sáu trong tháng chín, người đưa thư như thường lệ đến đầu cầu và theo quy định, đích thân Nam tước ra mở hé cánh cổng nặng nề. Ông nhìn người ấy cẩn trọng như hàng bao nhiêu năm nay không biết anh, quan sát kỹ nét mặt tươi tỉnh và đôi mắt tinh quái của anh.
Anh ta cười nói:- Thưa Nam tước, bao giờ cũng là tôi đây, không phải một người nào khác đội mũ, bận quần áo của tôi đâu.
– Biết đâu đấy! Ông lẩm bẩm.
Người đưa thư trao cho ông một tập báo và nói thêm:
– Hôm nay có tin mới đây, thưa Nam tước.
– Tin mới ư?
– Một bức thư… lại thư bảo đảm.
Sống cách biệt, không bạn bè, chẳng ai quan tâm đến, Nam tước không bao giờ nhận được thư và lo ngại sẽ là một điềm không hay. Bức thư khó hiểu này mang gì lại cho ông đây?
– Thưa Nam tước, ông ký nhận cho. Ông càu nhàu ký vào sổ nhận thư. Chờ người kia đi khỏi, bước lui tới mấy bước rồi đứng dựa vào lan can xé thư xem.
Một tờ giấy kẻ ô vuông có tiêu đề: “Trại giam Paris”. Nhìn chữ ký: “Arsène Lupin”. Kinh ngạc, ông đọc:
“Thưa Nam tước
Trong hành lang nối liền hai phòng khách của ngài có bức tranh Philippe Champègne tuyệt hảo, tôi rất thích. Tấm Rubens, Vatteau của ngài cũng hợp thị hiếu tôi. Trong phòng khách bên phải tôi lưu ý đến chiếc bàn thời vua Louis XIII, những tấm thảm của Bovèrt, chiếc bàn quay thời Đế chế và chiếc rương gỗ thời Phục hưng; ở phòng bên trái, chiếc tủ đựng đồ trang sức và những bức tượng nhỏ.
Lần này tôi chỉ lấy những vật trên, dễ vận chuyển. Tôi mong ngài đóng gói chúng cẩn thận và gửi cho theo tên tôi (trả trước tiền vận chuyển) ở ga Batignolles trước tám ngày. Nếu không, tôi sẽ tự thu xếp chuyển chúng đi trong đêm thứ tư 27 sáng thứ năm 28 tháng chín và theo đúng lẽ, tôi không chỉ lấy những vật kể trên.
Kính mong ngài lượng thứ đã có chút làm phiền ngài và xin nhận cho những tình cảm trân trọng.
Arsène Lupin”.
“Tái bút – Ngài đừng gửi cho tôi tấm Vatteau lớn. Tuy ngài đã mua đến ba mươi nghìn phrăng, nó cũng chỉ là một phiên bản vì bản gốc đã bị cháy trong một đêm chè chén. Ngài tra cứu ở tập kỷ yếu không công bố của Gara thì rõ! Tôi cũng không nhận bức tượng bà Thánh chủ Louis XV vì không chắc là của thật!.”
Bức thư làm Nam tước hoảng loạn. Một kẻ nào khác cũng là báo động đáng sợ, đằng này lại ký tên Arsène Lupin! Đọc báo chí ông đã biết mọi việc trộm cắp, án mạng xảy ra ngoài xã hội và nắm rõ những chiến tích của tên trộm quỷ sứ này. Ông biết hắn bị địch thủ là Garnima bắt ở Châu Mỹ, bị giam giữ cẩn thận và người ta đang khó khăn tìm chứng cứ để kết án. Nhưng ông cũng biết hắn có thể làm mọi chuyện. Hơn nữa, sự hiểu biết tường tận về lâu đài, những chỗ bố trí tranh và đồ đạc sưu tập là một biểu hiện đáng sợ. Ai đã chỉ cho hắn biết những vật không ai trông thấy?
Nam tước ngửng đầu nhìn hình sáng dữ dằn của lâu đài Malaquis, những bức tường thẳng đứng, nước sâu bao quanh rồi nhún vai. Nhất định không đáng sợ; không có ai trong đời lọt vào được chính điện bất khả xâm phạm lưu giữ những bộ sưu tập của ông.
Có thể không có một ai nhưng Arsène Lupin thì sa o? Những cửa sắt, cầu treo, tường thành không đáng kể với Arsène Lupin. Những vật cản tinh vi nhất, bố phòng khôn ngoan nhất không có nghĩa gì với anh ta khi muốn đạt mục đích.
Ngay chiều hôm đó Nam tước viết báo cáo cho ông biện lý kèm bức thư đe doạ đề nghị giúp đỡ bảo vệ. Có thư trả lời ngay: “Arsène Lupin đang bị giam giữ và giám sát chặt chẽ không thể viết thư được; bức thư chắc mạo danh. Thực tế là vậy nhưng để cẩn thận hơn, người ta cử chuyên gia so chữ viết. Người này tuyên bố tuy có những nét tương tự, chữ viết trong thư không phải của người đang bị giam giữ.
“Tuy có những nét tương tự…” Nam tước chỉ nhớ dòng chữ này mà theo ông cũng có sự nghi ngờ đủ để pháp luật can thiệp. Ông càng lo sợ hơn khi đọc lại bức thư: “…Tôi sẽ tự thu xếp chuyển đi…” và thời hạn cụ thể: “… Tối thứ tư 27 sáng thứ năm 28 tháng chín”…
Vốn hay nghi ngờ và trầm lặng, trước đây ông không dám tin tưởng, trao đổi việc gì với những người hầu, lần này là lần đầu tiên trong nhiều năm nay ông thấy cần phải nói chuyện và hỏi ý kiến họ. Cơ quan luật pháp trong tỉnh không lưu tâm, ông chỉ còn hi vọng tự bảo vệ bằng phương tiện của mình và dự định đi Paris nhờ một thám tử tư có kinh nghiệm về giúp bạo vệ.
Hai ngày qua. Đến ngày thứ ba, đọc một tờ báo ông rất mừng thấy một thông báo ngắn:
“Chúng ta vinh dự được chánh thanh tra Garnima, một kỳ cựu trong ngành cảnh sát đến đã ba tuần này. Ông Garnima nổi tiếng khắp châu Âu vì kỳ công mới bắt được Arsène Lupin, hiện đang nghỉ phép đi câu cá ở bờ biển”.
Garnima! Chính là trợ thủ Nam tước đang cần! Còn ai hơn con người tinh khôn, kiên trì này người phá hỏng kế hoạch của Arsène Lupin?
Không chần chừ, Nam tước đi bộ sáu cây số đến vùng đó, bước chân nhanh nhẹn của một người hy vọng được giải thoát. Loanh quanh hỏi địa chỉ ông chánh thanh tra nhiều lần không được, ông đến tòa soạn tờ báo ở ngay bến tàu thì được người biên tập cho biết: – Garnima? Ngài đi dọc bờ kè chắn chắn sẽ gặp ông ta, tay cầm cần câu. Tôi cũng làm quen với ông ấy ở đó vì tình cờ thấy tên ông khắc trên cần câu. Đấy kìa, ông già nhỏ người đang đứng dưới rặng cây kia.
– Người mặc áo choàng, đội mũ rơm ấy à?
– Đúng! Chà, một người lạ lùng, ít chuyện trò mà hay cáu gắt!
Năm phút sau, Nam tước chào ông Garnima nổi tiếng, tự giới thiệu và khi cố gợi chuyện không thành, ông trình bày thẳng vấn đề của mình.
Ông kia im lặng nghe, mặt không rời con cá sắp cắn câu rồi ngoảnh lại nhìn Nam tước từ đầu đến chân có vẻ thương hại nói rành rọt:
– Thưa ngài, thường vụ trộm không báo trước; đặc biệt Arsène Lupin không làm trò vô vị như thế đâu.
– Nhưng…
– Thưa ngài, tôi vẫn thích đụng độ với tay Lupin thân mến này nhưng là ở trường hợp khác kia. Không may tay này đang bị tống giam.
– Nếu anh ta thoát ra?
– Không kẻ nào thoát được từ trại giam đó.
– Nhưng anh ta…
– Anh ta không hơn gì người khác. Nếu thoát ra càng hay, tôi sẽ tóm lại. Ngài hãy về và ngủ yên, đừng làm cá sợ nữa.
Cuộc trao đổi kết thúc, Nam tước quay về nhà, có phần yên tâm qua thái độ bình thản của Garnima. Ông kiểm tra lại khóa cửa, dò xét những người hầu và bốn mươi tám tiếng đồng hồ qua đi. Nam tước sắp xác định những lo sợ của ông thật vớ vẩn. Chắc chắn như Garnima nói, không ai báo trước cho người sẽ bị trấn lột.
Thời gian hẹn trong thư đến gần; sáng thứ ba tức ngày 26, một hôm không có gì đặc biệt. Nhưng lúc ba giờ chiều, một chú bé gọi cửa đưa bức điện:
“Không có gói hàng nào ở ga Batignoỉlas. Ngài hãy chuẩn bị cho tối ngày mai.
Ansène.”
Lại lo sợ cuống cuồng đến mức Nam tước nghĩ nên chăng phải chấp nhận đòi hỏi của Arsène Lupin. Ông chạy tới Garnima vẫn câu cá ở chỗ cũ, ngồi trên chiếc ghế xếp. Không nói không rằng ông đưa bức điện. Garnima hỏi:
– Thì sao?
– Thì sao à? Việc này sẽ xảy ra ngày mai.
– Việc nào?
– Vụ trộm! Việc huỷ hoại những bộ sưu tập của tôi!
Garnima đặt cần câu xuống, ngoảnh lại hai tay khoanh trước ngực nói với giọng bực bội:
– Ái chà! Ngài nghĩ rằng tôi sẽ bận tâm đến một việc ngây ngô như vậy sao?
– Ông cần thù lao bao nhiêu để đến lâu đài đêm 27 sáng 28 tháng chín?
– Không một xu nào cả, ngài để tôi yên.
– Ông cứ định giá, tôi giàu có, rất giàu.
Việc trả công táo bạo khiến Garnima nói lại, bình tĩnh hơn:
– Tôi đang nghỉ phép và tôi không có trách nhiệm.
– Sẽ không ai biết. Tôi cam đoan dù sự việc xảy ra như thế nào tôi cũng xin giữ kín.
– Ô! Sẽ không xảy ra việc gì đâu!
– Như vậy, ba nghìn phrăng đủ chưa?
Viên thanh tra hút một hơi thuôc, suy nghĩ và nói:
– Thôi được. Nhưng tôi thẳng thắn nói với ngài, đấy là tiền vứt qua cửa sổ.
– Đối với tôi thế cũng được.
– Nếu vậy… Vả lại rốt cuộc ai biết được sẽ ra sao với tay Lupin quỷ quái này! Hắn có cả một băng nhóm dưới quyền… Ngài có tin chắc ở mấy ngươi hầu không?
– Theo tôi…
– Nếu thế đừng dựa vào họ. Tôi điện báo cho hai người bạn của tôi để yên tâm hơn… Bây giờ ngài về đi, đừng để người ta thấy chúng mình nói chuyện với nhau. Chín giờ tối mai tôi đến.
Ngày hôm sau, đúng thời hạn Arsène Lupin qui định, Nam tước Cahorn lấy vũ khí xuống lau chùi và đi lại xung quanh lâu đài. Không có gì khả nghi.
Chiều tôi, lúc tám giờ rưỡi ông cho những người hầu ra ở chỗ hồi nhà giáp đường cái ngay đầu lâu đài nhưng lùi về phía sau. Còn lại một mình ông nhẹ nhàng mở bốn lớp cửa.
Một lúc sau có tiếng chân bước tới. Garnima giới thiệu hai trợ thủ người to lớn, cổ như cô trâu, tay chân rắn chắc và đề nghị Nam tước chỉ dẫn một số nơi. Bao quát được vị trí, ông cẩn thận khép chặt mọi lối ra vào những phòng cần bảo vệ, kiểm tra những bức tường, nhấc xem những tấm thảm, đồ đạc quý rồi bố trí người của ông canh gác gian phòng chính.
– Đừng để sơ suất nhé! Ta đến đây không phải để ngủ. Hơi có tiếng động thì mở cửa sổ phía sân gọi tôi. Chú ý cả phía mặt nước; mười mét bờ thẳng đứng không là gì đối với loại quỷ sứ ấy đâu!
Ông đóng cửa, mang theo chìa khóa và nói với Nam tước:
– Bây giờ về chỗ của hai chúng ta.
Để qua đêm ông chọn một phòng nhỏ giữa hai cửa chính, trước đây là chỗ những người gác đêm. Trên cầu, trên sân đều có một lỗ tròn, ở góc nhà nhìn ra trông như giếng nước. Ông hỏi:
– Thưa Nam tước, ngài có nói với tôi chiếc giếng này là con đường độc nhất xuống đường hầm mà người ta nhớ đã bịt lại rồi?
– Vâng.
– Vậy chúng ta có thể yên tâm. Trừ phi có một lối ra vào không ai biết mà Arsène Lupin biết. Điều đó thì không tin được.
Ông xếp ba chiếc ghế liền nhau, nằm dài ra châm thuốc hút và thở ra:
– Thưa Nam tước, thực ra vì tôi muốn xây thêm một tầng nhà nữa để cuối đời ở rộng rãi nên mới nhận công việc đơn giản này. Kể lại cho anh bạn Lupin nghe thì anh ta phải cười cho.
Nam tước không cười. Lắng tai nghe, mỗi lúc mỗi lo, ông nhìn vào màn đêm yên tĩnh, thỉnh thoảng thấp thỏm nhìn xuống đáy giếng trước mặt.
Mười một giờ, nửa đêm rồi một giờ sáng. Đột nhiên ông nắm chặt cánh tay Garnima làm ông này giật mình tỉnh dậy.
– Ông có nghe thấy gì không?
– Tiếng tôi ngáy đấy mà.
– Không phải, ông lắng nghe xem…
– À, đúng rồi! Tiếng còi ô tô.
– Vậy làm sao đây?
– Làm sao à? Chắc chắn Arsène Lupin không dùng một chiếc ô tô như chiến hạm để phá huỷ lâu đài của ngài Nam tước, cứ ngủ kỹ đi… Tôi cũng ngủ lại đây. Chúc ngài ngủ ngon.
Đó là lần báo động duy nhất. Garnima ngủ lại và Nam tước chỉ còn nghe tiếng ngáy giòn, đều đều.
Sáng hôm sau họ ra khỏi phòng. Không khí yên lành và sự bình lặng buổi ban mai bao quanh lâu đài bên bờ nước mát. Cahorn phấn khởi, Garnima bình tĩnh cũng lên thang gác. Không một tiếng động, không có gì khả nghi.
– Thưa Nam tước, Garnima ngượng ngùng nói. Tôi đã bảo rồi, đúng ra thì tôi không nên nhận lời… Thật xấu hổ…
Ông mở khóa vào gian phòng chính. Hai nhân viên nằm ngủ trên hai chiếc ghế dài, người cong lại, cánh tay buông thõng. Viện thanh tra gầm lên:- Đồ chó má…
Trong lúc đó Nam tước kêu lên: – Những bức tranh đâu?… Chiếc bàn!…
Ông lắp bắp, nghẹn ngào, tay vươn ra những chỗ mảnh tường trông chỉ còn đinh và dây. Tấm Vatteau, Rubens biến mất, những tấm thảm bị gỡ đi, tủ kính không còn đồ chơi trang trí nữa! Mất cả giá đèn thời vua Louis XVI, cây đèn sáp của Nhiếp chính vương!… tượng Thánh mẫu!…
Ông hốt hoảng, thất vọng chạy nơi này sang nơi khác, nhớ lại giá mua, thống kê mất mát, cộng những con số… tất cả lẫn lộn, giọng nói không rõ ràng, những câu bỏ dở. Ông dẫm chân, nhăn nhó, điên người vì giận dữ và đau khổ, đúng là một người bị phá sản chỉ còn tự bắn vào đầu!
Điều còn có thể an ủi ông một phần là thấy Garnima hoảng sợ. Trái với Nam tước, ông này đứng bất động, sững sờ, nhìn ngó xung quanh. Các cửa sổ đều đóng kín, không khóa cửa nào suy suyển, trần nhà nguyên vẹn, sàn nhà không có lỗ hổng… mọi thứ vẫn bình thường. Vụ trộm thực hiện có phương pháp theo một kế hoạch chặt chẽ, hợp lý. Trông ông thanh tra suy sụp hẳn, mồm lẩm bẩm: “Arsène Lupin! Arsène Lupin…”
Ông nhảy ra chỗ hai nhân viên lay gọi, chửi bới, vẫn không tỉnh dậy! Ghé quan sát thấy họ ngủ rất khác thường. Ông nói với Nam tước: – Dùng thuốc ngủ!…
– Ai?
– Hắn chứ ai?… Hoặc băng nhóm do hắn chỉ đạo. Đây là một cách làm của hắn. Móng vuốt của chúng thật dễ sợ!
– Như thế đồ đạc của tôi mất hết thôi còn làm gì được nữa.
– Không làm gì được nữa thật! Ngài nên gửi một đơn khiếu nại.
– Để làm gì?
– Cứ thử xem… Pháp luật có khả năng…
– Pháp luật! Cứ trông vào ông đấy! Lúc này ông cần cố tìm một dấu vết, khám phá một cái gì đó, thế mà ông vẫn đứng yên đấy thôi.
– Khám phá một cái gì đó của Arsène Lupin! Không thể, thưa ngài, hắn không để dấu vết gì lại đâu. Chẳng có sự tình cờ nào đối với Arsène Lupin cả! Tôi đang tự hỏi lúc ở châu Mỹ không biết có phải tự hắn muốn để tôi bắt giữ không?
– Nếu vậy tôi đành mất đi những bức tranh, tất cả. Nhưng với những viên ngọc trong bộ sưu tập, tôi hiến cả một gia tài để tìm lại. Nếu không ai làm gì được thì anh ta cứ cho tôi biết giá tiền cần chuộc!
Garnima nhìn thẳng vào ông: – ông biết điều đấy. Ngài không thay đổi ý kiến chứ?
– Không, không, không! Nhưng làm sao?
– Tôi có ý này.
– Ý gì vậy?
– Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này nếu việc điều tra không có kết quả. Nhưng đừng nói một tiếng nào về tôi nếu muốn xong việc… Và ông lẩm bẩm: – Sự thực tôi chẳng có gì đáng tự hào.
Hai nhân viên tỉnh dần, dáng điệu ngơ ngác như sau giấc ngủ thôi miên. Họ mở tròn mắt kinh ngạc, cố tìm hiểu sự việc. Garnima hỏi, họ chẳng nhớ được gì cả.
– Các anh có thấy một người nào chứ?
– Không ạ.
– Nhớ lại đi.
– Không, không có ai cả.
– Thế các anh có uống gì không?
Họ suy nghĩ và một người trả lời:
– Có, tôi uống một ít nước.
– Nước trong bình này à?
– Vâng.
– Tôi cũng có uống, người thứ hai nói.
Garnima ngửi, nếm nước trong bình. Không có mùi vị gì đặc biệt.
Ông nói: – Thôi, chúng ta mất thì giờ vô ích. Việc Arsène Lupin không thể giải quyết trong năm phút, nhưng mẹ kiếp, tôi thề sẽ tóm lại hắn…
Ngày hôm đó Nam tước Cahorn gửi một đơn khiếu nại về vụ mất trộm, kết tội Arsène Lupin lúc đó đang bị cầm tù!
Nam tước thường hối hận về đơn khiếu nại khi thấy lâu đài bị giao phó cho cảnh sát, biện lý, dự thẩm, nhà báo… để những người ấy xông vào mọi chỗ đáng lẽ không nên cho họ biết đến.
Vụ trộm làm dư luận chú ý đến mức tên của Arsène Lupin tạo nên nhiều chuyện tưởng tượng đăng đầy các cột báo được dân chúng đọc háo hức. Bức thư đầu tiên của Arsène Lupin trong báo Tiếng Vang (không biết được ai đưa đăng), bức thư báo trước tai họa cho Nam tước gây ra một cảm xúc mạnh. Nhiều lời giải thích hoang đường, người ta gợi lại con đường hầm nổi tiếng. Theo tác động của dư luận, sở biện lý điều tra theo hướng đó. Họ sục sạo lâu đài từ trên xuống dưới, nghiên cứu từng viên đá, ván lát tường, lò sưởi, khung gương, trần nhà. Họ đốt đuốc xem xét những tầng hầm trước đây của các lãnh chúa Malaquis chứa khí cụ và thực phẩm, người ta thăm dò cả trong lòng các lớp đá. Chỉ tốn công, không phát hiện được dấu vết gì về đường hầm, không thấy lối đi bí mật nào.
Ai cũng bảo những đồ đạc, những bức tranh không thể biến như ma, phải đi qua cửa. Những kẻ đến lấy trộm cũng phải qua cửa chứ! Nhưng kẻ đó là ai, đến và ra đi bằng cách nào?
Sở biện lý địa phương chịu bất lực đề nghị Paris cử người về giúp. Ông Dudouis, cảnh sát trưởng cử những thám tử giỏi nhất của các đội cảnh sát, bản thân ông cũng ở lại Malaquis bốn mươi tám tiếng đồng hồ nhưng cũng không kết quả gì hơn.
Sau đó ông cử thanh tra Garnima, người đã được ông khen thưởng nhiều dịp. Garnima im lặng nghe lời cấp trên chỉ dẫn rồi ngẩng cao đầu tuyên bố:
– Tôi cho rằng lục lọi ở lâu đài không đúng hướng. Phải giải quyết công việc ở bên ngoài.
– Ở đâu vậy?
– Ở ngay Arsène Lupin.
– Như vậy là công nhận Arsène Lupin nhúng tay vào vụ này?
– Đành vậy, vả lại tôi chắc chắn thế.
– Ô, Garnima! Vô lý lắm! Arsène Lupin đang bị giam giữ.
– Arsène Lupin đang bị canh phòng chặt chẽ, đồng ý. Nhưng dù anh ta bị cùm chân, trói tay, bịt miệng thì tôi cũng không thay đổi nhận định đó.
– Sao ông quả quyết thế?
– Vì Arsène Lupin trù tính tầm cỡ như một cỗ máy lớn nhằm đi đến mục đích… và đạt được.
– Garnima, ông quá lời!
– Nhưng đó là sự thực. Anh ta không cần đường hầm, cửa đá xoay và những chuyện nhảm nhí loại đó, không dùng những phương pháp cũ mà hiện đại hơn.
– Vậy ông kết luận ra sao?
– Xin cho phép tôi đến gặp anh ta một tiếng đồng hồ.
– Trong phòng giam à?
– Vâng. Ở Mỹ về, trên đường đi chúng tôi quan hệ tốt với nhau, có thể nói anh ta có cảm tình với người bắt mình. Nếu có thể gợi ý cho tôi mà không nguy hại gì thì anh ta không ngần ngại tránh cho tôi một chặng đường vô ích.
Sau buổi trưa ông được dẫn vào phòng giam Arsène Lupin. Đang nằm dài trên giường, anh ngẩng đầu dậy kêu lên vui vẻ:
– Chà! Đúng là một điều lạ. Ông Garnima thân mến đến đây à?
– Chính ông ta.
– Trong đợt nghỉ ngơi tôi chọn đây, tôi mong nhiều điều nhưng không điều nào thích thú hơn được tiếp ông…
– Tử tế thật.
– Không không, tôi có lòng quý mến ông đấy thôi.
– Tôi tự hào về điều đó.
– Tôi luôn luôn tin Garnima là nhà thám tử xuất sắc nhất của chúng ta. Nói thực, ông có thể sánh với Sherlock Homès. Ông thứ lỗi, chỉ có chiếc ghế đẩu, mời ông ngồi, không có bia, giải khát. Tôi ở đây chỉ tạm thời thôi.
Garnima vui vẻ ngồi xuống. Người tù hớn hở tiếp tục:
– Nhờ trời, tôi rất thích được ngắm gương mặt một người quân tử! Tôi chán ngấy những tay thám tử, do thám, hàng ngày trông vào phòng giam tôi mười lần để biết rõ tôi không chuẩn bị vượt ngục. Chà! Những việc Chính phủ xử trí với tôi…
– Họ có lý đấy.
– Nhưng không sao, tôi vẫn thích thú được người ta cho sống trong góc nhỏ này của mình.
– Với phụ cấp của những người khác!
– Đúng vậy. Như thế đơn giản hơn. Nhưng tôi đang ba hoa nhảm nhí mà ông có lẽ vội. Ta vào việc đi thưa ông Garnima. Có việc gì mà tôi được vinh dự đón ông ghé thăm thế?
– Vụ trộm nhà Cahorn.
– Gượm đã… Quá nhiều việc, để tôi moi trong óc hồ sơ về Cahorn… Đây rồi, vụ trộm Cahorn, lâu đài Malaquis ở hạ lưu sông Seine. Hai tấm Rubens, một Vatteau và những đồ đạc lặt vặt..
– Lặt vặt?
– Những cái đó kém quan trọng, có những cái có giá trị hơn. Nhưng miễn sự việc làm ông quan tâm. Ông cho biết đi, ông Garnima.
– Tôi có phải nói do đâu anh biết không?
– Vô ích, tôi đã đọc báo sáng nay. Có thể nói các ông tiến chậm lắm.
– Chính vì vậy tôi cần anh giúp đỡ.
– Hoàn toàn theo lệnh của ông.
– Đầu tiên là: Vụ ấy do anh chỉ huy chứ?
– Vâng, từ A đến Z.
– Thư báo trước, bức điện?
– Của tôi. Biên lai còn để đâu đó.
Arsène mở ngăn kéo chiếc bàn nhỏ, cùng chiếc giường và ghế đẩu là toàn bộ đồ đạc trong phòng giam, lấy ra hai mảnh giấy đưa cho Garnima. Ông này kêu lên:
– Ô! Tôi tưởng anh bị giám sát lục lọi hàng ngày. Thế mà anh đọc báo chí, thu thập cả biên lai bưu điện…
– Chà, những người ấy ngốc, lắm! Họ lật từng tầng áo lót, đế giày, khám kỹ các bức tường; không một người nào nghĩ Arsène Lupin lại tinh ranh chọn một chỗ giấu dễ thấy như thế này. Tôi dựa vào điều đó đấy.
Garnima thích chí kêu lên:
– Tay này kỳ lạ thật. Anh làm tôi rất ngạc nhiên. Thôi, kể việc làm của anh đi.
– Ồ! Ồ! Ông muốn thế đấy! Nắm những điều bí mật của tôi… vạch ra mọi mưu mẹo của tôi… Nghiêm trọng đây!
– Thế dựa vào tính dễ dãi của anh tôi có sai lầm không?
– Không, ông Garnima, và vì ông gặng hỏi…
Arsène Lupin đi hai ba bước dài trong phòng rồi đứng lại:
– Ông nghĩ về bức thư tôi gửi cho Nam tước thế nào?
– Tôi nghĩ anh muốn tiêu khiển, phá phách chút ít những bộ sưu tập đồ cổ.
– A! Phá phách chút ít! Ông Garnima, xin cam đoan tôi đã tưởng ông khá hơn thế. Tôi mất thì giờ nhảm nhí làm gì? Nếu lấy trộm được mà không cần viết thư thì tôi có viết không? Ông và cả những người khác phải hiểu rằng lá thư là điểm xuất phát cần thiết, chiếc lò xo bật bộ máy khỏi động.
Nếu ông muốn, chúng ta tuần tự hình dung lại việc chuẩn bị vụ trộm ở Malaquis.
– Tôi nghe anh.
– Vậy, gặp một lâu đài kiên cố, bảo vệ chu đáo như lâu đài Nam tước Cahorn, do không tấn công được, tôi có đành bỏ cuộc, dẹp khát vọng về của cải trong đó không?
– Tất nhiên không rồi.
– Tôi có cầm đầu một toán người xông vào như trước đây không?
– Trò trẻ con!
– Hoặc tôi bí mật lần mò vào?
– Không thể được.
– Thế chỉ còn một cách, theo tôi là cách duy nhất: làm cho chủ nhân lâu đài mời đến.
– Phương pháp độc đáo đấy.
– Cũng dễ thôi! Giả thử một hôm chủ nhân đó nhận được bức thư báo trước của Arsène Lupin, tay trộm nổi tiếng, có mưu mô trấn lột ông ta thì ông ta sẽ làm gì?
– Gửi bức thư ấy đến cho ông biện lý.
– Ông biện lý không xét vì Arsène Lupin đang bị giam giữ. Ông ta bèn hoảng hốt đi cầu cứu một người nào đó.
– Chắc chắn thế.
– Và nếu ông ta đọc một tờ báo lá cải biết được có một thám tử xuất sắc đang nghỉ mát ở một chỗ bên cạnh…
– Ông ta sẽ đến tìm người thám tử đó.
– Ông nói đúng. Dự kiến như vậy, Arsène Lupin cử một anh bạn thạo việc đến vùng đó, quan hệ với biên tập viên tờ báo Nam tước đặt hàng năm, nhờ tung tin có một thám tử đến nghỉ ngơi ở đấy, rồi sự việc sẽ ra sao?
– Biên tập viên thông tin lên báo thời gian hiện diện của thám tử.
– Rất đúng, và có hai khả năng: hoặc con cá, tôi muốn nói Nam tước Cahorn, không cắn câu – sẽ không có việc gì xảy ra – hoặc giả thiết đúng nhất, ông ta hổi hả chạy tới van nài anh bạn tôi giúp đỡ để chống lại tôi.
– Sự việc tiến triển ngày càng độc đáo!
– Tất nhiên viên thám tử giả danh lúc đầu từ chối. Arsène Lupin gửi bức điện. Lo sợ, Nam tước lại đến khẩn cầu, trả tiền để được cứu giúp. Anh bạn tôi nhận lời đưa theo hai đồng bọn và ban đêm, trong khi thám tử đến bảo vệ trông chừng Cahorn, họ chuyển đồ vật qua cửa sổ, dùng dây thòng xuống một chiếc tàu nhỏ đã thuê. Thật đơn giản như Lupin vậy!
Garnima thốt lên:
– Tuyệt vời! Tôi chỉ còn biết ca ngợi tính táo bạo của kế hoạch và sự sáng tạo những chi tiết. Nhưng có thám tử kiệt xuất nào lôi kéo được Nam tước đến mức ấy?
– Có đấy, và chỉ một thôi.
– Ai thế?
– Con người kiệt xuất, kình địch với Arsène Lupin. Ngắn gọn, đó là thanh tra Garnima.
– Tôi ấy à?
– Anh bạn tôi giả danh chính ông, Garnima ạ. Và điều này rất tuyệt: nếu ông đến đấy điều tra trao đổi với Nam tước, ông sẽ thấy nhiệm vụ của ông là bắt giữ ông, như ông đã bắt tôi ở Mỹ. Việc phục thù hài hước thật: tôi làm cho Garnima bị Garnima tìm bắt!
Arsène Lupin cười vang. Viên thanh tra bị chọc tức, mím chặt môi. Không đùa cợt đến thế được. Một người bảo vệ đến làm ông trấn tĩnh lại. Người ấy đem bữa ăn đến cho Arsène Lupin vì được chiếu cố đặc biệt nên đặt ở cửa hàng gần đấy.
Đặt thức ăn xuống bàn, anh ta rút lui. Arsène ngồi vào bàn, bẻ bánh ăn hai ba miếng rồi nói tiếp:
– Nhưng yên tâm thôi, ông Garnima, ông không phải tới đó nữa đâu. Tôi lộ cho ông biết chuyện làm ông kinh ngạc: Vụ Cahorn chuẩn bị xếp lại rồi…
– Anh nói gì?
– Xếp lại rồi.
– Nếu vậy tôi báo với ông cảnh sát trưởng phải đi ngay.
– Để làm gì? Liệu các ông có biết việc của tôi hơn tôi không? Garnima,.xin lỗi, tôi nói là Garnima giả danh, đã thu xếp tốt đẹp với Nam tước rồi. Ông ta, vì lý do chủ yếu nào đó, đã uỷ nhiệm anh bạn tôi một việc rất tế nhị là điều đình với tôi và giờ này, vói số tiền nào đó, có thể Nam tước đã nhận lại những đồ vật quý của ông rồi. Đổi lại, ông ta rút đơn kiện. Như vậy coi như không có vụ trộm và tòa án chấm dứt sự việc…
Garnima sửng sốt nhìn người tù:
– Làm sao anh biết được mọi chuyện ấy?
– Tôi vừa nhận được bức điện đang chờ đợi.
– Anh vừa nhận được điện ư?
– Ông bạn chờ cho tí. Vì lịch sự tôi không muốn đọc trước mặt ông. Nhưng nếu ông cho phép…
– Anh chế nhạo tôi đấy à, Lupin?
– Xin ông bóc từ từ quả trứng này rồi sẽ thấy tôi không chế nhạo gì ông cả.
Garnima máy móc làm theo, bóc quả trứng và thốt lên kinh ngạc: trong vỏ quả trứng rỗng có một tờ giấy xanh. Theo đề nghị của Arsène Lupin, ông mở ra và thấy đó là một bức điện, đúng hơn là phần bức điện người ta đã xé bỏ địa chỉ gửi:
“Đã thoả thuận. Nộp một trăm nghìn tờ. Mọi việc tốt đẹp”.
Ông nói: – Một trăm nghìn tờ?
– Vâng, một trăm nghìn phrăng! It đấy nhưng thời buổi khó khản… Tôi cần chi tiêu nhiều! Ông biết, phải có một ngân quỹ lớn!…”
Garnima đứng dậy, tiêu tan cả khó chịu. Nghĩ ngợi mấy giây, nhìn bao quát một lượt hòng phát hiện sơ suất rồi ông thành thực khen: – May không có hàng tá người như anh. Không thì phải đóng cửa sớm!
Arsène Lupin ra vẻ khiêm tốn trả lời:
– Cũng phải tiêu khiển, giết thì giờ nhàn rỗi… Vả lại tôi ngồi tù thì mới đạt kết quả.
– Thế nào? Garnima kêu lên. Kiện tụng, thẩm vấn, bào chữa, những việc đó không đủ cho anh giải trí sao?
– Không, vì tôi quyết định không dự phiên tòa xử tôi.
– Thật thế ư?
– Ông bạn, ông nghĩ tôi sẽ mục người trên rơm ẩm sao? Ông xúc phạm tôi đấy. Arsène Lupin chỉ ở tù trong thời gian mình thích thôi, không hơn một phút.
– Nếu thế có lẽ không nên vào đây thì hơn.
– A! Ông nhạo tôi à? Nhớ lại dịp may bắt được tôi chứ? Ông bạn kính mến, nên hiểu không một ai kể cả ông tóm được tôi nếu không vì một thuận lợi lớn đến với tôi lúc đó.
– Anh làm tôi ngạc nhiên đấy.
– Một phụ nữ nhìn tôi, Garnima, mà tôi yêu cô ấy. Khi được người mình yêu nhìn thông cảm thì có một cái gì đó tác động mạnh. Còn lại không có gì đáng kể, tôi xin thề với ông như vậy. Vì thế hiện giờ tôi nằm ở đây.
– Việc đó lâu lắm rồi.
– Lúc đầu tôi muốn quên đi. Ông đừng cười. Sự việc diễn ra tốt đẹp và tôi còn giữ một kỷ niệm cảm động. Hơn nữa tôi suy nhược thần kinh đôi chút! Cuộc sống luôn náo nhiệt, đôi lúc, phải tìm một giây lát yên tĩnh. Chỗ này quá tốt cho việc đó, tha hồ nghỉ dưỡng sức.
– Arsène Lupin, anh phải trả nợ tôi đấy.
– Garnima, Lupin chấp nhận. Hôm nay thứ sáu, thứ tư tuần sau tôi đến nhà ông hút thuốc, lúc bốn giờ chiều.
– Tôi chờ anh.
Họ bắt tay nhau như đôi bạn quý biết rõ tài nhau và ông thám tử già đi ra.
– Garnima!
– Có việc gì thế? Ông này quay lại.
– Ông bỏ quên đồng hồ, nó lẫn vào túi áo tôi đây này.
Lupin đưa trả chiếc đồng hồ và xin lỗi: – Ông thứ lỗi cho… một thói quen xấu… Không nên vì họ lấy cái của tôi mà tôi lại tước của ông. Vả lại tôi đã có một chiếc đồng hồ chính xác đủ cho mọi yêu cầu của tôi.
Anh lấy ở ngăn bàn ra một chiếc đồng hồ to, bằng vàng, dày, đẹp, trang trí dây đeo dài. Garnima hỏi:.
– Cái này thì từ túi áo nào ra vậy?
Arsène Lupin lơ đãng nhìn những chữ khắc ở đồng hồ:
– Những chữ này là gì nhỉ… À, tôi nhớ ra rồi: Jules Buvier, ông dự thẩm, một con ngứời tuyệt diệu…”

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.