Tuyển Tập Arsene Lupin

PHẦN THỨ HAI



Héclốc Sôm và Uynxơn người ở bên phải và bên trái lò sưởi lớn, chân duỗi gần ngọn lửa than ấm cúng.
Tẩu thuốc ngắn bằng thạch thảo, bịt bạc của Sôm tắt ngấm. Y dốc tàn ra, nhồi thuốc mới, châm lửa, kéo vạt áo ngủ lên đùi, rít mấy hơi thuốc dài rồi phả lên trần những vòng khói tròn.
Uynxơn nhìn y, cặp mắt không có hy vọng gì khác là phát hiện ra cử chỉ chờ đợi, như một con chó nằm cuộn khoanh trên thảm nhìn chủ với đôi mắt tròn, không chớp. Liệu chủ có phá vỡ bầu không khí yên lặng không? Liệu ông ta có lộ ra sự bí mật của điều ông đang nghĩ ngợi và cho phép vào vương quốc của sự suy ngẫm mà đối với Uynxơn, lối vào như bị cấm ấy không? Sôm vẫn yên lặng. Uynxơn liền nói:
– Tình hình yên ắng thật. Chẳng có vụ việc gì.
Sôm ngày càng lặng thinh đến sợ. Nhưng những vòng khói tròn ngày càng dầy. Chán nản, Uynxơn đứng dậy và tiến lại gần cửa sổ.
Đường phố buồn, kéo dài giữa những mặt tiền nhà ảm đạm, dưới bầu trời mưa rơi dữ dội, điên dại, tối đen. Một chiếc xe độc mã lao qua, lại một chiếc khác nữa. Uynxơn ghi các số xe vào sổ tay của mình. Biết đâu chả có lúc cần?
– Kia, y thốt lên, “người phát thư”.
Người giúp việc dẫn ông ta vào.
– Thưa ông có hai lá thư bảo đảm… ông ký chứ ạ?
Sôm ký vào sổ, tiễn người phát thư ra tận cửa và trở vào, vừa bóc một trong hai lá thư.
– Anh có vẻ rất vui thích – một lát sau Uynxơn nhận xét.
– Lá thư này có một đề xuất rất thú vị. Anh thích có một vụ việc thì có một vụ đây: Anh đọc đi…
Uynxơn đọc:
“Thưa ngài,
Tôi đến xin ngài cứu giúp bằng kinh nghiệm của ngài. Tôi là nạn nhân của một vụ trộm quan trọng và đến nay công cuộc điều tra tiến hành hình như không có kết quả.
Theo thư này, tôi gửi tới ngài một số tờ báo sẽ nêu với ngài về vụ đó, nếu ngài chấp nhận điều tra hộ, tôi bố trí khách sạn để ngài sử dụng. Xin ngài ghi vào tờ séc tôi đã ký, số tiền ngài cần tiêu về chi phí đi lại.
Xin ngài vui lòng đánh điện trả lời cho tôi và tin ở lòng thành kính của tôi.
Nam tước Vichto Đanhblơvan – 18 phố Muyrilô”.
– Ê! Này! – Sôm réo lên, – một tin tuyệt diệu… một cuộc du lịch nhỏ đến Pari; chắc chắn thế, tại sao lại không nhỉ? Từ sau cuộc đấu tay đôi của tôi với Arxen Lupanh, tôi chưa có dịp trở lại đấy. Tôi không tức giận gì khi thấy thủ đô của thế giới trong những điều kiện hơi yên tĩnh quá.
Y xé chiếc séc ra làm tư, mở chiếc phong bì thứ hai trong khi Uynxơn, tay chưa bình phục hẳn, nguyền rủa Pari.
Ngay lập tức, y cau có, một nếp nhăn hằn trên trán trong suốt cả quá trình đọc thư rồi vo tròn tờ giấy, ném mạnh xuống sàn nhà.
– Sao? Có chuyện gì thế? – Uynxơn thốt lên, hoảng hốt.
“Ngài sẽ biết sự thán phục của tôi đối với ngài và sự thiện cảm của tôi đối với danh tiếng của ngài. Vậy thì, xin hãy tin tôi, xin đừng nhúng vào vụ việc mà người ta xin ngài tranh tài. Sự can thiệp của ngài gây nên nhiều điều xấu, mọi cố gắng của ngài chỉ đưa tới một kết quả đáng thương và ngài buộc phải công khai thú nhận thất bại.
Thành tâm mong tránh cho ngài một sự nhục nhã như thế, nhân danh tình bạn giữa chúng ta, tôi khẩn khoản xin ngài ngồi yên ở góc bếp của ngài.
Xin gởi ông Uynxơn những kỷ niệm tốt lành và ngài, thầy của tôi sự tôn kính chân thành.
Arxen Lupanh!”
– Arxen Lupanh! – Uynxơn nhắc lại, bối rối…
Sôm đấm tay lên bàn.
– A! Nhưng, con vật đó nó bắt đầu làm tôi bực mình. Nó chế tôi như một thằng nhãi ranh. Công khai thú nhận sự thất bại của ta à! Ta chẳng bắt nó phải hoàn lại viên kim cương xanh đó sao?
– Nó đã sợ, – Uynxơn nói chen vào.
– Anh thốt ra những lời dại dột đấy! Arxen Lupanh chẳng bao giờ sợ và bằng cớ là nó thách thức tôi đấy.
– Nhưng làm thế nào mà nó biết được lá thư nam tước Đanhblơvan gửi cho chúng ta?
– Làm sao tôi biết được chứ? Anh hỏi tôi những câu hỏi ngớ ngẩn, anh bạn thân mến ạ!
– Tôi nghĩ… tôi tưởng…
– Sao? Tôi là một tên phù thuỷ à?
– Không, nhưng tôi đã thấy anh làm những điều kỳ diệu như thế!
– Chẳng ai làm những điều kỳ diệu… tôi cũng chẳng hơn người khác. Tôi suy nghĩ, tôi suy đoán, tôi kết luận nhưng tôi không đoán mò. Chỉ có những tên ngu ngốc mới đoán mò…
Uynxơn giữ thái độ nhũn nhặn của một con chó bị đánh và cố gắng để không phải là một tên ngu ngốc, để không hề đoán mò tại sao Sôm bước những bước dài giận dữ trong phòng. Nhưng Sôm đã nhấn chuông gọi người giúp việc và bảo lấy vali. Uynxơn tin là hợp lý, vậy là có một số việc cụ thể để suy nghĩ, để suy đoán và để kết luận là thầy đi du lịch.
Cũng hoạt động trí óc đó cho phép anh khẳng định, chắc chắn không sợ nhầm lẫn.
– Héclốc, anh đi Pari?
– Có thể.
– Và anh đi đến đó để trả lời sự thách thức của Lupanh hơn là yêu cầu của nam tước Đanhblơvan.
– Có thể.
– Tôi sẽ đi cùng anh, Héclốc ạ.
– Chà chà! Ông bạn già ơi, Sôm vừa thốt lên vừa ngừng đi, vậy anh không sợ tay trái sẽ chung số phận như tay phải à?
– Điều gì xảy ra với tôi cơ? Anh sẽ ở đấy cơ mà.
– Tốt lắm, anh là một người táo bạo đấy! Và chúng ta sẽ thể hiện cho ngài đó biết ông ta có thể đã sai lầm khi thách thức chúng ta quá sỗ sàng như vậy. Nhanh lên Uynxơn, và hẹn gặp ở chuyến tàu thứ nhất nhé.
– Thế không đợi những tờ báo mà nam tước nói là sẽ gửi à?
– Cần gì!
– Tôi đánh điện chứ?
– Vô ích, Arxen Lupanh sẽ nắm được tôi đến. Tôi không để lộ ra. Uynxơn ạ, lần này phải tiến hành kín đáo.
Buổi chiều, hai người lên tàu ở Đuvrơ. Chuyến đi thật tuyệt vời. Trong tàu nhanh Cale đi Pari. Sôm ngủ rất say ba tiếng đồng hồ trong khi Uynxơn gác cẩn thận ở cửa phòng toa và suy ngẫm, mắt nhìn xa xôi.
Sôm tỉnh dậy sung sướng, khoan khoái. Viễn cảnh một cuộc đấu tay đôi mới với Arxen Lupanh làm y vui sướng và y xoa tay, dáng điệu của một người hài lòng, chuẩn bị hưởng những niềm vui tràn trề.
– Sắp đỡ tù cẳng rồi! – Uynxơn thốt lên.
Và hắn cũng xoa tay với cùng dáng điệu hài lòng.
Đến ga, Sôm mang áo tơi, và Uynxơn theo sau xách vali – ai mang dồ nấy, nhanh nhẹn ra cửa.
– Uynxơn này, trời đẹp… Có nắng! Pari mở hội để đón chúng ta.
– Đông người quá!
– Càng tốt Uynxơn ạ! Chúng ta đỡ bị nhòm ngó. Chẳng ai nhận ra chúng ta giữa sự hỗn độn như thế này!
– Ông Sôm đấy, có phải không ạ?
Y dừng lại, hơi sửng sốt. Ai có thể gọi đích danh y như vậy? Một bà hay là đúng hơn một cô gái đứng ngay cạnh họ, cách ăn mặc rất đơn giản làm nổi bật dáng người hiếm có và khuôn mặt xinh đẹp, lộ vẻ ngạc nhiên và đau đớn.
Nàng nhắc lại:
– Ngài có đúng là ông Sôm không ạ?
Do Sôm yên lặng vì vừa bối rối cũng như vì thói quen thận trọng, nàng hỏi lại lần thứ ba:
– Có đúng là tôi được hân hạnh nói chuyện với ông Sôm không ạ?
– Cô muốn gì ở tôi nào? – Y hỏi lại khá cục cằn vừa tin đây là một cuộc gặp gỡ đáng ngờ.
Nàng đứng thẳng trước mặt hắn.
– Ông hãy nghe tôi, rất là hệ trọng, tôi biết là ông đến phố Murilô.
– Cô nói gì?
– Tôi biết… tôi biết… phố Murilô… số nhà 18. Vậy thì, không nên… không, ông không được đến đó… Tôi bảo đảm là ông sẽ hối hận. Đừng nghĩ là nếu tôi nói với ông như vậy, tôi có một số lợi ích gì. Đó là vì lẽ phải, vì lương tâm thôi.
Y tìm cách tách khỏi nàng, nàng nói thêm:
– Ôi tôi xin ông, đừng ương bướng nữa… Chà! Tôi biết thuyết phục ông thế nào đây! Hãy nhìn kỹ tôi, nhìn kỹ mắt tôi, chúng thật thà… chúng nói lên sự thật.
Nàng ngước ngay mắt lên, đôi mắt trang trọng, trong sáng từ đó như toát lên chính tâm hồn nàng. Uynxơn lắc đầu:
– Cô có vẻ rất thật thà.
– Vâng, đúng thế – Nàng khẩn khoản – và phải có lòng tin.
– Tôi có lòng tin, cô ạ. – Uynxơn đáp lại.
– Ôi! Tôi sung sướng quá! Và cả bạn ông cũng thế phải không ạ? Tôi cảm thấy thế… tôi tin chắc thế! Hạnh phúc quá! Mọi chuyện sẽ đâu vào đấy!… Chà! Ý định của tôi tốt biết bao!… Này, ông ạ, hai mươi phút nữa có chuyến tàu đi Cale… Vậy các ông hãy đi… Nhanh lên hãy theo tôi… đường đi ở bên này và các ông chỉ còn thời gian…
Nàng tìm cách kéo Uynxơn, Sôm nắm tay hắn lại và y cố ý tìm cách nói cho thật dịu dàng.
– Cô tha lỗi cho tôi là đã không thể chấp nhận lòng mong muốn của cô, chẳng bao giờ tôi bỏ dở một công việc đã dự định cả…
– Tôi xin ông… tôi van ông… chà! Nếu ông có thể hiểu được nhỉ!
Y bỏ qua và đi rất nhanh. Uynxơn nói với cô gái:
– Hãy hy vọng… ông ấy sẽ giải quyết công việc đến nơi đến chốn… chẳng có gì thể hiện là ông ấy sẽ thất bại cả…
Và hắn chạy theo để đuổi kịp Sôm.
HÉC LỐC SÔM – ARXEN LUPANH
Vừa được vài bước, những tên đó nổi bật bằng những chữ đen lớn, đập vào mắt họ. Hai người tiến lại gần; một nhóm những người quảng cáo đi lang thang người nọ tiếp người kia, tay cầm những gậy sắt nặng gõ nhịp trên vỉa hè và lưng đeo những tờ quảng cáo lớn, có thể đọc thấy:
TRẬN ĐẤU HÉCLỐC SÔM – ARXEN LUPANH. NHÀ VÔ ĐỊCH TỪ ANH ĐẾN. NHÀ THÁM TỬ ĐẠI TÀI TẤN CÔNG VÀO BÍ ẨN CỦA PHỐ MUYRILÔ. ĐỌC TỪ CHI TIẾT TRONG BÁO “ECHO DE FRANCE”.
Uynxơn lắc đầu:
– Anh Héclốc này, chúng ta tự phụ là làm việc bí mật. Tôi sẽ không ngạc nhiên khi đội cộng hoà vệ binh đợi chúng ta ở phố Muyrilô và có cuộc đón tiếp chính thức với tiệc rượu sâm banh ở đó.
– Khi anh hành động có suy nghĩ, Uynxơn ạ, anh giá trị bằng hai người đấy, – Sôm giận dữ nói.
Y tiến lại một trong số những người quảng cáo với ý định rất rõ rệt là dùng đôi tay mạnh mẽ tóm một tên và đập vụn hắn với biển quảng cáo ra thành từng mảnh. Tuy nhiên đám đông vây quanh các biển quảng cáo. Người ta nói giỡn và cười đùa.
Y kìm cơn giận dữ quá độ, hỏi một người:
– Người ta thuê anh hồi nào?
– Sáng nay.
– Anh mới bắt đầu đi à?…
– Một tiếng rồi.
– Nhưng các biển quảng cáo đều đã sẵn sàng cả à?
– Chà! Mẹ ơi, đúng thế… khi chúng tôi đến toà báo, chúng đã sẵn rồi.
Vậy Arxen Lupanh đã thấy trước hắn. Sôm sẽ nhận cuộc chiến đấu. Hơn thế nữa, lá thư Lupanh viết chứng tỏ hắn muốn cuộc chiến đấu này và một lần nữa bắt tay vào đọ sức với đối thủ. Tại sao? Lý do gì đã thúc đẩy hắn chiến đấu lại?
Héclốc chợt lưỡng lự. Rõ ràng là Lupanh tin chắc thắng lợi nên mới tỏ ra ngỗ ngược đến như thế và liệu có phải là rơi vào bẫy khi lao tới ngay từ tiếng thách thức đầu tiên như vậy không?
– Uynxơn! Ta đi thôi. Phu xe, đến số 18 phố Muyrilô, y lấy lại nghị lực, thốt lên.
Như sắp sửa lao vào cuộc tấn công, mạch máu nổi lên, tay nắm lại, y leo lên một chiếc xe.
Hai bên phố Muyrilô là những khách sạn đặc biệt sang trọng, mặt trước nhà trông ra công viên Môngxô. Một trong những mặt nhà đẹp nhất của những ngôi nhà đó mang số 18 và nam tước Đanhblơvan ở theo kiểu nghệ sĩ và triệu phú. Trước khách sạn là một sân lớn và hai bên nhà là những sân nhỏ. Đằng sau là một mảnh vườn, cây trong vườn giao cành với cây ở công viên.
Hai người Anh, sau khi kéo chuông báo, vượt qua sân và được người hầu đón vào phòng khách nhỏ ở mặt nhà đằng kia. Họ ngồi xuống, đưa mắt quan sát nhanh các báu vật ngồn ngộn trong phòng.
– Nhiều thứ đẹp, kiểu cách và phóng khoáng…- Uynxơn lẩm bẩm… – Có thể suy diễn là những ai rảnh rỗi để kiểm tra những vật này là những người đã đứng tuổi… có thể là năm mươi…
Hắn chưa nói hết, cửa mở và nam tước Đanhblơvan, theo sau Đơ Crôgiông vợ bước vào. Ngược với những điều suy diễn của Uynxơn cả hai vợ chồng đều còn trẻ, dáng điệu lịch thiệp, lời ăn tiếng nói rất nhẹ nhàng, cả hai đều nói lên những lời cảm ơn.
– Đối với một sự phiền nhiễu như thế này, các ngài thật quá tử tế! Chúng tôi thấy vui trong nỗi buồn xảy tới vì điều đó tạo ra sự thích thú…
– Những người Pháp này thật là quyến rũ! – Uynxơn nghĩ, hắn chẳng ngại gì đối với một ý nghĩ như thế.
– Nhưng thời gian là vàng bạc, – nam tước thốt lên… – nhất là đối với ngài, thưa ngài Sôm. Vì vậy xin đi thẳng vào vấn đề! Ngài nghĩ thế nào về vụ này? Ngài hy vọng thành công chứ ạ?
– Để thành công, trước tiên phải nắm vững đã.
– Ngài chưa nắm vững ạ?
– Chưa và xin ngài nên chi tiết vấn đề đồng thời đừng nhầm lẫn điều gì. Chuyện gì thế ạ?
– Đây là một vụ trộm.
– Xảy ra ngày nào?
– Thứ bảy trước, – nam tước đáp, – vào đêm thứ bảy rạng ngày chủ nhật.
– Thế là đã sáu ngày rồi. Bây giờ tôi xin nghe ngài.
– Thưa ngài, phải nói ngay là theo điều kiện phù hợp với cuộc sống của chúng tôi, nhà tôi và tôi ít ra ngoài. Dạy con cái, một số cuộc tiếp đón bạn bè và trang trí nội thất, đấy, sinh hoạt của chúng tôi như thế đấy! Tất cả các buổi chiều hay gần như thế, diễn ra ở đây, trong căn phòng này, khuê phòng của nhà tôi. Chúng tôi đã tập hợp một số đồ mỹ nghệ. Thứ bảy trước, khoảng mười một giờ, tôi tắt đèn, như thường lệ, nhà tôi và tôi về phòng chung.
– Ở đâu ạ?
– Ở bên cạnh, ngay chỗ cửa mà ngài thấy đó. Hôm sau, nghĩa là ngày chủ nhật, tôi dậy sớm. Vì Suydan – nhà tôi – còn ngủ, tôi sang khuê phòng hết sức nhẹ chân để không đánh thức cô ấy. Tôi vô cùng ngạc nhiên thấy chiếc cửa sổ này mở trong khi chiều tối hôm qua chúng tôi đã khép!
– Một người giúp việc…
– Buổi sáng không ai vào đây trước khi chúng tôi gọi. Ngoài ra tôi luôn luôn thận trọng chốt chiếc cửa thứ hai thông sang với phòng đợi này. Vậy thì rõ ràng cửa sổ đã bị mở từ bên ngoài. Thêm nữa, tôi đã có bằng chứng: ô cửa thứ hai của khung cửa kính bên phải – gần then cửa dọc – đã bị cắt.
– Và chiếc cửa sổ đó thế nào?
– Như ngài có thể thấy, cửa sổ đó nhìn ra một sân thượng có lan can bằng đá. Chúng tôi ở tầng một và chắc ngài thấy mảnh vườn ở sau khách sạn và hàng rào ngăn với công viên Môngxô. Vậy chắc chắn là thủ phạm đến công viên, đã vượt qua hàng rào bằng một cái thang và leo lên sân thượng.
– Có chắc chắn như ngài nói không?
– Đã thấy hai bên hàng rào, trên đất nhão của luống đất những lỗ của hai tay thang in lại và dưới chân sân thượng cũng có hai lỗ như vậy. Cuối cùng, bao lơn có hai vết xây xát nhẹ, tất nhiên do tay thang.
– Công viên Môngxô có đóng cửa ban đêm không?
– Đóng ấy ạ, không, nhưng dù sao đi nữa, ở số 14 có một khách sạn đang xây dở dang. Có thể dễ dàng đột nhập từ đấy.
Héclốc Sôm suy nghĩ một lát rồi hỏi:
– Chúng ta nói đến vụ trộm. Vậy là xảy ra ở gian chúng ta đang ngồi đây à?
– Vâng. Giữa tượng Đức Bà đồng trinh thế kỷ thứ 12 và chiếc tủ đứng này có một chiếc đèn Do Thái nhỏ. Nó đã biến mất.
– Chỉ có thế thôi à?
– Chỉ có thế thôi.
– Chà!… và ngài cho biết thế nào là một chiếc đèn Do Thái?
– Đó là những chiếc đèn bằng sừng gồm một thân đèn và một bầu chứa dầu mà người ta dùng trước kia. Từ bầu có hai hay nhiều ống muống để lồng bấc.
– Tóm lại, những đồ vật không có giá trị lắm.
– Đúng là không giá trị lắm. Nhưng nó là một chỗ giấu mà chúng tôi có thói quen cất một đồ trang sức cổ, đẹp, một tượng bằng vàng nạm hồng ngọc và ngọc bích rất đắt tiền.
– Tại sao lại có thói quen đó.
– Thưa ngài, quả thật, tôi cũng không biết nói sao. Có thể đó chỉ là vui mà dùng một chỗ giấu như thế thôi.
– Không ai biết chỗ giấu ấy chứ?
– Không ai cả.
– Tất nhiên trừ tên trộm bức tượng, – Sôm bẻ lại… – Nếu không nó chẳng tốn công lấy chiếc đèn Do Thái làm gì.
– Tất nhiên. Nhưng tại sao nó có thể biết được vì do tình cờ chúng tôi đã để lộ ra cơ cấu bí mật của chiếc đèn đó?
– Cũng sự tình cờ đó có thể lộ ra với ai đó… một người giúp việc… một người thân của gia đình. Nhưng báo nhà chức trách rồi chứ?
– Chắc thế ạ. Ông dự thẩm đã lập biên bản. Những ký giả điều tra của các báo lớn cũng đã ghi. Nhưng, như tôi đã viết tới ngài, hình như bài toán ít khả năng giải được.
Sôm đứng dậy, tiến lại cửa sổ, xem xét cửa kính, sân thượng, bao lơn, dùng kính lúp để nghiên cứu hai vết xây xát ở đá và nhờ ông Đanhblơvan dẫn xuống vườn.
Ở bên ngoài, Sôm chỉ ngồi trên chiếc bành bằng mây và nhìn mái nhà bằng con mắt mơ mộng. Rồi bất thình lình y tiến lại hai chiếc thùng gỗ nhỏ mà người ta đã dùng đậy lên những chỗ tay thang in ở lại chân sân thượng để giữ nguyên dấu vết. Y bỏ những thùng gỗ ra, quỳ trên đất, cong lưng, mũi chỉ cách mặt đất hai mươi centimet, y xem xét, đo kích thước. Cũng tiến hành như vậy dọc theo hàng rào nhưng ngắn hơn.
Thế là hết.
Cả hai người quay trở lại khuê phòng mà bà Đanhblơvan đang đợi.
Sôm yên lặng vài phút nữa rồi mới nói:
– Thưa nam tước, ngay từ đầu câu chuyện của ngài, tôi hơi choáng vì khía cạnh quá đơn giản của sự xâm nhập. Kê một cái thang, cắt một miếng kính, chọn một đồ vật và trốn đi, không, sự việc không diễn ra đơn giản như vậy. Tất cả những điều đó quá rõ, quá minh bạch.
– Đến nỗi sao ạ?…
– Đến mức là vụ trộm chiếc đèn Do Thái là do Arxen Lupanh chỉ đạo tiến hành.
– Arxen Lupanh! – Nam tước thốt lên.
– Nhưng hắn không trực tiếp tiến hành cũng như không có ai vào khách sạn này cả… Có thể là một người giúp việc từ cửa sổ trên gác nhỏ xuống sân thượng, theo ống máng mà ở vườn tôi đã nhận thấy.
– Nhưng dựa trên bằng chứng nào ạ?
– Arxen Lupanh sẽ không ra khỏi phòng tay không.
– Đôi tay không! Còn chiếc đèn?
– Cầm chiếc đèn không cản hắn lấy chiếc hộp đựng thuốc lá đầy những kim cương hay chiếc vòng ngọc cổ. Đối với hắn chỉ cần thêm động tác. Nếu hắn không làm là do hắn không thấy thôi.
– Tuy nhiên còn những dấu vết đã được phát hiện thì sao?
– Hài kịch thôi! Dàn cảnh ra để đánh lạc hướng!
– Những vết xây xát ở lan can thì sao ạ?
– Dối trá! Chúng được tạo ra bởi giấy ráp. Này, đây là mẩu giấy mà tôi đã thu được.
– Những vết do tay thang để lại thì sao?
– Trò đùa! Ngài hãy nghiên cứu hai lỗ vuông ở chân sân thượng và hai lỗ ở gần hàng rào. Hình dáng chúng như nhau nhưng ở đây thì song song còn ở đằng kia thì không. Hãy đo khoảng cách giữa hai lỗ: độ dài thay đổi tùy theo vị trí. Ở chân sân thượng là 23 centimét. Dọc theo hàng rào lại là 28 centimét.
– Và ngài kết luận ra sao?
– Vì hình dạng chúng giống nhau, tôi kết luận là cả bốn lỗ được tạo ra chỉ bằng một mẫu gỗ đẽo vừa đúng, duy nhất mà thôi. Chứng cớ hay nhất sẽ chính là cái mẫu gỗ đó. Nó đây, – Sôm nói, – tôi đã lượm được nó dưới cái két của một cây dâu.
Nam tước bái phục. Chỉ mới bốn mươi phút, người Anh vượt qua ngưỡng cửa của chiếc cửa này và tất cả những gì người ta tin dựa trên chứng cớ của chính những sự việc hiển hiện không còn đứng vững chút nào nữa. Thực tế, một thực tế khác dựa trên một số điều chặt chẽ sự biện luận của một Héclốc Sôm, toát lên.
– Thưa ngài, – Bà nam tước nói, – việc này kết tội đối với người giúp việc trong nhà chúng tôi thật là nặng. Những kẻ ăn người làm của chúng tôi đều là những người giúp việc lâu năm của gia đình và không ai trong số họ có thề phản chúng tôi cả.
– Nếu một người trong số họ không phản lại ông bà, thì giải thích thế nào đây về việc lá thư này lại có thể đến chỗ tôi cùng ngày và cùng chính với người đưa lá thư ông bà đã viết cho tôi.
Y đưa cho nữ bá tước lá thư của Arxon Lupanh đã viết.
Bà Đanhblơvan sửng sốt.
– Arxen Lupanh… làm sao hắn biết được?
– Ngài không cho ai hay về lá thư của ngài chứ?
– Không ai cả! – Nam tước đáp, – đó là một ý nảy ra trong chúng tôi ở bàn ăn chiều hôm trước ạ.
– Trước cả những người giúp việc à?
– Chỉ có hai đứa con chúng tôi thôi. Và thêm, không… Sôphi và Hăngriet không có mặt ở bàn ăn có phải không Suydan nhỉ?
Bà Đanhblơvan suy nghĩ và xác nhận:
– Thực thế, chúng đi theo cô giáo…
– Cô nào? – Sôm hỏi.
– Cô gia sư tên là Alixô Đơmun.
– Thế cô ấy có dùng bữa với ông bà không?
– Không, người ta dọn riêng ở phòng cô ấy.
Uynxơn có một ý kiến:
– Lá thư gửi cho bạn Héclốc Sôm của tôi đã bỏ ở bưu điện?
– Tất nhiên rồi.
– Ai mang thư đi?
– Đôminich, người hầu phòng đã hai mươi năm nay của tôi, – Nam tước đáp. – Mọi sự điều tra theo hướng đó sẽ mất thì giờ.
– Không bao giờ mất thời gian khi điều tra cả. – Uynxơn trịnh trọng nói.
Cuộc điều tra thứ nhất kết thúc. Sôm xin phép rút lui.
Một giờ sau, trong bữa ăn trưa, y thấy Sôphi, Hăngriet, hai đứa con của ông bà Đanhblơvan, hai con gái xinh đẹp tám và sáu tuổi. Người ta nói ít. Sôm đáp lại lòng mến khách của nam tước và vợ ông bằng một thái độ khó thương khiến họ quyết định lặng thinh. Người ta dọn cà phê, Sôm nuốt nhanh tách cà phê và đứng dậy.
Đúng lúc đó một người hầu bước vào mang một bức điện cho Sôm. Y mở và đọc:
“Gửi lời thán phục nhiệt liệt. Những kết quả ông đạt được trong ít thời gian như thế thật phi thường. Tôi thật hổ thẹn”.
“Arxen Lupanh”
Y tỏ ra khó chịu và đưa cho nam tước xem bức điện.
– Chắc ngài bắt đầu tin là vách nhà ngài có mắt và tai rồi chứ.
– Tôi chẳng hiểu gì cả, ông Đanhblơvan choáng váng lẩm bẩm.
– Tôi cũng vậy. Nhưng điều tôi hiểu đó là không một cử chỉ nào tiến hành ở đây mà hắn không nhận thấy. Không lời nào nói ra ở đây mà hắn không nghe thấy cả.
Đêm đó Uynxơn đi ngủ với tâm hồn thư thái như một người đã hoàn thành nhiệm vụ mà chẳng có việc gì khác là ngủ. Vì vậy hắn ngủ rất nhanh và những giấc mơ đẹp đến. Trong mơ hắn thấy một mình đuổi bắt Lupanh, chính tay bắt được chàng trộm và cảm giác cuộc đuổi bắt đó rõ rệt đến mức hắn choàng tỉnh.
Có ai đấy sờ soạng giường hắn. Hắn vớ lấy khẩu súng lục.
– Chỉ một động tác nữa thôi, Lupanh, tao sẽ bắn.
– Đồ quỷ! Anh tưởng chuyện gì thế ông bạn già!
– Sao, anh đấy à Sôm! Anh cần tôi à.
– Tôi cần đôi mắt của anh. Dậy đi…
Y dẫn Uynxơn tới cửa sổ
– Hãy nhìn… phía bên kia hàng rào…
– Ở trong công viên ấy à?
– Phải. Anh không thấy gì cả à?
– Tôi không thấy gì cả.
– Có, anh có thấy một vài thứ.
– Chà! Quả nhiên, một bóng người… mà hai.
– Có đúng không nào? Giáp hàng rào… Kìa, chúng cử động. Đừng để mất thời gian.
Họ sờ soạng, vịn vào thành cầu thang, đi xuống và đến một phòng nhìn ra lối vườn. Qua kính cửa, họ nhìn thấy hai bóng đen ở cùng một chỗ.
– Thật kỳ lạ, – Sôm nói, – hình như tôi nghe thấy tiếng động ở trong nhà.
– Ở trong nhà ấy à? Không thể được! Mọi người đều ngủ.
– Tuy nhiên, hãy nghe…
Vừa lúc đó, một tiếng còi nhẹ rung lên ở phía hàng rào và họ nhìn thấy một luồng ánh sáng mờ ảo hình như từ phía khách sạn tới.
– Chắc vợ chồng Đanhblơvan bật đèn, – Sôm thì thầm. – Phòng của họ ở phía trên chúng ta.
– Thế thì không ngờ gì nữa chúng ta đã nghe thấy họ nói, – Uynxơn đáp. – Có thể họ cũng đang xem xét phía hàng rào.
Một tiếng còi thứ hai, kín đáo hơn.
– Tôi không hiểu, tôi không thể nào hiểu được, – Sôm khó chịu nói.
– Tôi cũng thế. – Uynxơn thú nhận.
Sôm vặn khoá cửa, rút chốt và đẩy nhẹ cánh cửa. Một tiếng còi thứ ba. Lần này mạnh hơn một chút và lại ngân nga nữa. Phía trên đầu họ tiếng động to thêm, dội tới.
– Có lẽ là ở trên sân thượng khuê phòng thì đúng hơn, – Sôm thì thào.
Y chui đầu qua khe cửa nhưng lùi lại ngay vừa rủa thầm. Riêng Uynxơn trố mắt nhìn. Ngay gần một chiếc thang dựng ở tường, tì vào bao lơn của sân thượng.
– Này! – Sôm nói, – đúng là có người trong khuê phòng! Có tiếng động đấy. Nhấc chiếc thang đi, nhanh lên.
Nhưng ngay lúc đó, một bóng người tụt từ trên xuống, thang được nhắc đi và người vác thang chạy rất nhanh ra phía hàng rào, đến vị trí có đồng bọn đợi. Sôm và Uynxơn nhẩy ngay tới. Họ lao theo người đàn ông trong khi người này để thang dựa vào hàng rào. Phía bên kia hai phát súng loé lên.
– Có bị thương không? – Sôm kêu lên.
– Không. – Uynxơn đáp.
Hắn ôm lấy thân người đàn ông và tìm cách làm cho tên này bất động. Nhưng người đàn ông quay lại, một tay siết chặt Uynxơn và tay kia phóng con dao vào giữa ngực. Uynxơn toát lên tiếng thở dài, lảo đảo và ngã xuống.
– Sát nhân! – Sôm thét lên, – nếu mày giết ông ấy, tao giết mày.
Y đặt Uynxơn trên bãi cỏ và nhảy bổ tới thang. Quá muộn rồi… người đàn ông đã trèo thang, được đồng bọn đỡ, trốn vào bụi.
– Uynxơn! Uynxơn, vết đâm không nặng đâu, hả? Chỉ sầy da thôi.
Các cửa khách sạn bất thình lình mở ra. Người đầu tiên, ông Đaiihbiơvan bất chợt đến rồi những người giúp việc, tay cầm nến.
– Sao! Chuyện gì thế. – nam tước kêu lên, ngài Uynxơn bị thương à?
– Không sao, chỉ sầy da thôi. – Sôm nhắc lại vừa tìm cách đánh trống lảng.
Máu chảy lênh láng và khuôn mặt Uynxơn nhợt nhạt. Hai mươi phút sau bác sĩ khám thấy mũi dao dừng cách tim bốn milimét.
– Cách tim bốn milimét! Tay Uynxơn này luôn luôn gặp may. – Sôm kết luận, giọng tỵ nạnh.
– Gặp may… gặp may… bác sĩ lẩm bẩm.
– Với thể trạng cường tráng, ông ấy sẽ khỏi…
– Sau sáu tuần điều trị và hai tháng hồi sức.
– Không hơn à?
– Không, nếu không biến chứng.
– Quỷ thần ơi! Ông lại muốn ông ấy bị biến chứng à?
Sôm hoàn toàn yên tâm đi theo nam tước lên khuê phòng. Lần này vị khách bí mật không phân biệt như trước. Hắn không hổ thẹn lấy chiếc hộp đựng thuốc lá đầy kim cương, chiếc vòng bạch ngọc và nói chung tất cả những gì cho được vào túi một tên trộm lương thiện.
Cửa sổ còn mở, một ô kính mới bị cắt và cuộc điều tra sơ bộ vào sáng Sôm xác định là chiếc thang thuộc khách sạn đang xây dựng, chỉ rõ lối tên trộm đã theo.
– Nói vắn tắt, đây là sự nhắc lại y nguyên việc lấy trộm chiếc đèn Do Thái, – ngài Đanhblơvan mỉa mai.
– Phải, nếu chấp nhận thuyết thứ nhất được luật pháp chấp thuận.
– Như vậy là ngài vẫn chưa chấp thuận nó à? Vụ trộm thứ hai này không lay chuyển ý kiến của ngài đối với vụ thứ nhất sao?
– Nó xác nhận ý kiến của tôi, thưa ngài.
– Tin được à! Ngài có bằng chứng rành rành là việc đột nhập đêm nay do một tên ở bên ngoài tiến hành và ngài khăng khăng bảo vệ là chiếc đèn Do Thái đó do một người trong nhà chúng tôi khử à?
– Do một tên nào đấy ở trong khách sạn kia.
– Thế ngài giải thích như thế nào?
– Thưa ngài, tôi không giải thích gì cả, tôi xác định hai sự việc chỉ có những quan hệ hình thức với nhau. Tôi xét đoán chúng riêng rẽ và tôi phát hiện mối liên kết chúng với nhau.
Sự thuyết phục của y tỏ ra rất sâu sắc, những phương thức hành động của y dựa trên những cơ sở mạnh mẽ khiến nam tước bị thuyết phục.
– Được. Chúng ta sẽ báo thanh tra.
– Không cần! – Ngài người Anh hăng hái gạt đi, – không cần! Tôi thỏa thuận chỉ báo những người đó khi tôi cần họ thôi.
– Tuy nhiên, những phát đạn thì sao?
– Không hề gì.
– Bạn của ngài thì sao?
– Bạn tôi chỉ bị thương xoàng… Hãy bảo bác sĩ im đi. Riêng tôi, tôi sẽ trả lời tất cả đối với pháp luật.
Hai ngày trôi qua, không có việc gì rắc rối, nhưng Sôm đã theo đuổi công việc một cách tỉ mỉ với lòng tự ái nổi xung lên vì nhớ lại cuộc đột nhập táo bạo, tiến hành ngay dưới mắt y, chẳng kể gì đến sự có mặt của y và khiến y không thể nào ngăn cản được. Y lục soát không mệt mỏi khách sạn, vườn tược, trao đổi với những người giúp việc và dừng lại rất lâu ở bếp và tàu ngựa. Dù không thu lượm được vết tích nào làm sáng tỏ vấn đề, y vẫn kiên trì.
– Ta sẽ phát hiện ra, y nghĩ, và chính ở đây ta sẽ phát hiện ra. Không phải là tiến hành một cách tuỳ tiện, theo những ngóc ngách xa lạ và nhằm một mục tiêu không rõ rệt như trong vụ người Đàn bà tóc hoe. Lần này, ta ở ngay trên chiến trường của cuộc chiến dấu. Kẻ thù không chỉ là tên vô hình vô ảnh Lupanh. Đó là đồng bọn bằng xương bằng thịt, sống và hoành hành trong giới hạn của khách sạn này. Chỉ cần chi tiết nhỏ thôi, ta sẽ quyết định.
Cái chi tiết mà y rút ra từ những hệ quả ấy, với một sự tài giỏi, phi thường mà người ta đã thấy trong vụ chiếc đèn Do Thái như một trong những vụ bùng ra huy hoàng nhất thiên tài trinh thám của y, chi tiết đó, sự may rủi sẽ đưa đến cho.
Buổi chiều ngày thứ ba, y gặp Hăngriet, cô gái út của gia đình Đanhblơvan, khi y bước vào một gian ở trên khuê phòng dùng làm phòng học cho trẻ. Cô bé tìm chiếc kéo.
– Bác biết không, – cô bé nói với Sôm, – cháu cũng làm những giấy như tờ bác nhận được chiều hôm trước ấy.
– Chiều hôm trước nào?
– Vâng, sau bữa ăn. Bác đã nhận được một tờ giấy với những băng ở trên ấy, một tờ điện… ôi, cháu cũng sẽ làm thế.
Cô bé đi xa. Những lời nói đó chẳng có ý nghĩa gì, chăng qua nó chỉ là suy nghĩ vô nghĩa của một đứa bé và chính Sôm đã nghe một cách lơ đãng và tiếp tục việc xem xét. Nhưng bất thình lình câu cuối cùng đập vào tai y, y liền chạy theo cô bé. Sôm đuổi kịp cô ở phía trên cầu thang và nói:
– Này, cháu cũng dán những băng trên giấy à?
Hăngriét rất hãnh diện đáp:
– Vâng, đúng rồi, cháu cắt các chữ và dán.
– Thế ai đã chỉ cho cháu trò chơi đó?
– Cô gia sư của cháu. Cháu cũng đã thấy cô ấy làm như thế. Cô ấy lấy những chữ trên báo và dán.
– Và cô ấy dùng chúng làm gì?
– Những bức điện, những lá thư mà cô ấy gửi đi.
Héc-lốc Sôm hết sức ngạc nhiên về lời tâm sự đó, y bước vào phòng học và cố gắng khai thác ra từ đó những điều suy diễn.
Có cả một bó báo trên lò sưởi. Y giở chúng ra và thấy ngay những nhóm chữ, hay những dòng thiếu đều đặn và mới lấy ra. Nhưng chỉ cần đọc những chữ trước hay những chữ sau là có thể thấy những chữ thiếu, tất nhiên do Hăng-ri-ét đã dùng kéo cắt hú họa. Có thể trong tập báo có một tờ do cô gia sư cắt, nhưng làm sao có thể bảo đảm thế được.
Héc-lốc lật một cách không chủ đích những trang sách học xếp trên bàn rồi những quyển khác để trên giá. Và bất chợt y bật lên một tiếng reo vui. Y tìm thấy trong một góc giá sách đó một quyển tranh cho trẻ, một quyển học vần có tranh dưới những chồng vở cũ và ở một trang của quyển tranh, y thấy có một chỗ trống.
Y xem xét lại. Đó là quyển danh mục những ngày trong tuần. Thứ hai, thứ ba, thứ tư v.v… Chỉ thứ bảy thiếu. Vậy mà, việc lấy trộm chiếc đèn Do Thái lại xảy ra đúng vào một đêm thứ bảy.
Héclốc cảm thấy tim hơi se lại, cái cảm xúc luôn luôn báo cho y một cách rõ ràng nhất là đã nắm được đầu mối của âm mưu rồi. Cái cảm xúc chắc chắn đó, việc nắm được sự thật đó không đánh lừa y bao giờ cả.
Y hăm hở, tự tin, vội giở tiếp quyển album. Thêm một vài tờ nữa, một sự bất ngờ khác đã đợi y. Đó là một trang có những chữ viết hoa tiếp đến là một hàng số. Chính trong số những chữ đó và ba trong số những số đó đã được lấy đi một cách thận trọng. Theo trình tự của chúng, Sôm ghi lại vào sổ tay của mình và thu được kết quả sau:
ITELNRGIVAAN – 237
– Kỳ quá, – Y lẩm bẩm, thoáng qua những chữ trên chẳng có ý nghĩa gì lắm.
Xáo trộn những chữ trên và dùng tất cả liệu có thể tạo thành một, hai hay ba chữ hoàn chỉnh không?
Sôm hoài công thử. Một lời giải độc nhất buộc hắn phải chấp nhận và thường hiện ra dưới bút chì đồng thời đối với hắn về lâu về dài tỏ ra đúng vì nó vừa phù hợp với tính lôgic của sự việc lại vừa khớp với hoàn cảnh chung nữa.
Có khả năng, có thể chắc chắn tìm thấy những chữ không đầy đủ và những chữ đó đã được hoàn chỉnh bằng những chữ lấy ở những trang khác do trang album chỉ có mỗi trang một chữ của toàn bộ chữ cái. Trong những điều kiện như thế là trừ trường hợp bị sai, điều bí ẩn chính là:
TRALI – IENGVAN – 237
Chữ thứ nhất đã rõ ràng: “trả lời” chữ Ơ thiếu vì chữ này đã dùng vào không có thêm. Còn chữ thứ hai giơ ra, không nghi ngờ gì cả, nó tạo thành cùng với số 237 địa chỉ mà người gửi báo cho người nhận thư. Người ta hãy ấn định ngày là vào thứ bảy và yêu cầu trả lời theo địa chỉ.
Hay IENGVAN – 237 là tên hòm thư lưu hay những chữ là thành phần một chữ không đầy đủ. Sôm giở tiếp album: những trang sau không có chỗ nào bị cắt cả. Vậy trước khi có phát hiện gì mới hãy chấp nhận điều giải thích trên.
– Trò chơi ấy vui đấy chứ, phải không bác? Hăngriet quay lại hỏi. Y đáp.
– Ồ, vui lắm! Tuy nhiên, cháu không có những tờ giấy khác à? Hay là những chữ đã cắt rời mà bác có thể dán ấy?
– Những tờ giấy khác à?.. Không… cô không bằng lòng.
– Cô không bằng lòng à?
– Vâng, cô ấy đã mắng cháu.
– Tại sao?
– Vì cháu đã nói với bác một số điều… và cô ấy dặn là không nên bép xép.
– Cháu nói hoàn toàn có lý.
Hăngriet tỏ ra rất sung sướng vì lời khen đến mức nó lấy ra từ trong chiếc túi vải nhỏ gài kim băng vào áo may mụn vải, ba cái cúc áo, hai miếng đường và cuối cùng, đưa cho Sôm một miếng giấy vuông.
– Đây, cháu cho bác đấy.
Đó là số của chiếc xe ngựa.
– Số này ở đâu ra, cháu?
– Ở trong ví của cô ấy rơi ra ạ.
– Lúc nào?
– Chủ nhật, trong buổi lễ ở nhà thờ, lúc cô ấy lấy tiền ra.
– Tốt lắm! Và giờ bác bảo cháu cách để không bị mắng. Nhớ đừng nói với cô là cháu đã gặp bác.
Sôm đi tìm ngài Đanhblơvan và tất nhiên là sẽ hỏi về cô giáo. Nam tước nhún vai:
– Cô Alixơ Đơmun! Ngài nghĩ sao về cô ấy?… không thể được.
– Cô ấy giúp việc dạy dỗ trẻ đã bao lâu rồi?
– Chỉ mới một năm thôi; nhưng chưa có người nào trầm tĩnh và tôi tin hơn được.
– Tại sao tôi lại chưa thấy cô ấy nhỉ.
– Cô ấy nghỉ hai ngày.
– Và bây giờ thì sao ạ?
– Ngay khi trở lại cô ấy muốn được ở cạnh giường để săn sóc bạn của ngài. Cô ấy có đầy đủ những đức tính của người trông nom người bệnh… dịu dàng… ân cần… Ông Uynxơn tỏ vẻ rất hài lòng.
– Chà! – Sôm thốt lên và đã quên hoàn toàn việc hỏi thăm ông bạn già.
Y suy nghĩ và hỏi:
– Thế sáng chủ nhật cô ấy đi à?
– Trước ngày xảy ra vụ trộm phải không ạ?
– Vâng.
Nam tước gọi phu nhân ra và hỏi. Bà ta đáp:
– Cô ấy đi ra như thường lệ để đi xem lễ với bọn trẻ vào lúc 11 giờ.
– Nhưng, trước đó có?
– Trước đó à? Không… Hay sớm hơn… nhưng tôi rất bàng hoàng vì vụ trộm này!… tuy nhiên tôi nhớ là buổi tối cô ây đã xin phép tôi đi sáng chủ nhật… để đến thăm người chị em họ ghé qua Pari, tôi tin là thế. Nhưng tôi không cho là ngài nghi cô ấy có phải không ạ?
– Chắc chắn không… Tuy nhiên tôi muốn được gặp cô ấy…
Y leo lên tận phòng của Uynxơn. Một phụ nữ vận một chiếc áo dài bằng vải xám giống như các y tá đang cúi xuống bệnh nhân và cho người này uống. Khi nàng quay lại, Sôm nhận ra đó là cô gái đã gặp y ở trước nhà ga phương Bắc.
Giữa họ không có lời giải thích nào cả. Alixơ Đơmun với đôi mắt đẹp và nghiêm trang, mỉm cười dịu dàng, không chút lúng túng, ông người Anh muốn nói, thốt ra vài tiếng rồi im bặt. Riêng cô ấy tiếp tục công việc, lắc những lọ con, tháo và cuốn băng lại, thao diễn bình thản dưới con mắt ngạc nhiên của Sôm và lại cười duyên với y. Sôm quay gót, đi xuống báo cho tài xế của ngài Đanhblơvan ở sân, ngồi vào xe và đi đến chỗ để xe ở Lơvalu mà địa chỉ được ghi vào giấy xe do Hăngriet đưa cho. Người đánh xe điều khiển chiếc số 8279 tên là Đuyprê, buổi sáng chủ nhật không có ở đấy. Y bảo xe hơi quay về và đợi đến giờ nghỉ.
Thực vậy người đánh xe Đuyprê kể lại là có “chở” một bà ở khoảng công viên Môngxô, một phụ nữ trẻ mặc đồ đen choàng khăn che mặt và tỏ ra nôn nóng.
– Chị ta có xách một gói không?
– Có ạ, một gói khá dài.
– Và anh chở chị ta đến đâu?
– Đến đường Tecnơ ở góc quảng trường Phecđinăng. Chị ấy dừng lại độ chục phút và rồi lại quay về công viên Môngxô.
– Anh có nhận biết ngôi nhà ở đường Tecnơ không?
– Tất nhiên! Có phải chở ngài đến không?
– Lát nữa. Hãy chở tôi đến số 36 bến cảng Oócphevrơ đã.
Ở đồn cảnh sát y may mắn gặp ngay ngài cảnh sát trưởng Ganimar.
– Ngài Ganimar, ngài không bận chứ ạ?
– Nếu về Lupanh thì không.
– Về Lupanh đấy.
– Thế thì tôi không làm gì đâu.
– Sao! Ngài từ chối…
– Tôi từ chối bất lực! Tôi mệt mỏi vì cuộc chiến đấu không cân sức trong đó chắc chắn chúng ta kém hơn. Thế là hèn, thế là vô lý. Ngài muốn nói gì thì nói… tôi mặc! Lupanh mạnh hơn chúng ta. Do đó, chỉ có bái phục.
– Tôi không bái phục.
– Nó sẽ làm ngài cũng như những người khác bái phục.
– Vậy đó là môt trò ngài không thích!
– Chà! Điều đó đúng, Ganimar thực thà đáp. – Và vì ngài không nhớ đòn, chúng ta đi.
Hai người lên xe ngựa. Theo lệnh người đánh xe dừng lại một chút trước ngôi nhà và phía bên kia đường Tecnơ, ngay tại một quán cà phê nhỏ có sân mà hai người vào ngồi giữa những cây nguyệt quế và cây than. Chiều bắt đầu đổ.
– Viết gì, – Sôm nói, – này bồi. Y viết và gọi người bồi. Hãy mang lá thư này cho người gác ngôi nhà trước mặt. Tất nhiên đó là người đội mũ kết, hút thuốc ở cổng chính ấy.
Người gác chạy đến và, sau khi Ganimar xưng danh là cảnh sát trưởng, Sôm hỏi sáng chủ nhật một phụ nữ trẻ vận đồ đen, có đến nhà không.
– Vận đồ đen phải không ạ? Có đến vào lúc chín giờ, chị ta lên tầng hai.
– Ông có thấy đến thường xuyên không?
– Không ạ, nhưng gần đây đến nhiều hơn… cuối tháng vừa rồi thì ngày nào cũng đến.
– Và từ chủ nhật thì sao?
– Chỉ một lần thôi… không kể hôm nay ạ.
– Sao? Chị ta đã đến rồi à?
– Cô ta đang ở đằng ấy. Độ mười phút rồi. Như thường lệ xe của cô ấy đợi ở quảng trường Xanh Phecđinăng. Tôi đã gặp cô ta ở cửa.
– Thế ai là chủ lầu hai?
– Có hai người, cô thợ mũ Lănggie và một ông có tên là Bretxông đã thuê hai phòng có đồ đạc từ một tháng nay.
– Sao ông lại nói là “có tên là”?
– Theo tôi nghĩ đó là một cái tên mượn thôi. Nhà tôi làm nội trợ cho ông ta. Ô, ông ấy không có đến hai chiếc sơ mi cùng ghi một tên.
– Ông ta sống ra sao?
– Ôi! Hầu như ở ngoài phố. Ba ngày rồi ông ta không về nhà.
– Đêm thứ bảy sáng ngày chủ nhật có về không?
– Trong đêm thứ bảy sang ngày chủ nhật à? Xem nào để tôi nghĩ. Có, tối thứ bảy ông ta về và ở yên tại nhà.
– Và đó là loại người như thế nào?
– Quả thật tôi không biết nói thế nào. Ông ta thay đổi luôn! Lúc to, lúc nhỏ, khi béo khi mảnh… lúc tóc hung khi tóc vàng. Tôi chẳng bao giờ nhận ra ông ta cả.
Ganimar và Sôm nhìn nhau.
– Chính hắn, cảnh sát trưởng nói nhỏ, đúng hắn không sai.
Ông cảnh sát có tuổi chắc chắn có lúc bối rối, thể hiện qua cái ngáp và hai tay nắm chặt, Sôm cũng vậy, dù tự chủ hơn vẫn thấy se lòng lại.
– Chú ý, cô gái kia kìa, – ông gác cửa nói.
Quả nhiên cô giáo hiện ra ở bực cửa và đi ngang quảng trường.
– Và kia là ông Bretxông
– Ông Bretxông à? Người nào?
– Người cắp một gói ở tay ấy.
– Nhưng hắn không quan tâm gì đến cô gái cả. Cô ấy ra xe một mình.
– Chà, về điều đó, chẳng bao gi tôi thấy họ đi cùng cả.
Hai nhà trinh thám vội đứng 1ên. Trong ánh đèn đường, họ nhận ra bóng dáng Lupanh khuất dần theo hướng đối diện với quảng trường.
– Ngài muốn theo dõi ai? – Ganimar hỏi.
– Hắn thôi! Đó là con mồi lớn.
– Thế thì tôi sẽ theo dõi cô gái, – Ganimar đề xuất.
– Không, không nên, – thám tử người Anh hăng hái nói và không muốn nêu lại sự việc về cô gái với Ganimar, – tôi biết cô ta ở đâu rồi. Đừng rời khỏi tôi đấy.
Họ tiến hành đuổi theo Lupanh, cách một đoạn và vừa sử dụng tạm thời chỗ ẩn là những người đi đường, những quán tạm. Tuy nhiên cuộc rượt đuổi dễ dàng vì hắn không quay lại, rảo bước, chân phải hơi tập tễnh, rất nhẹ đến mức phải có một con mắt điêu luyện của một người quan sát mới nhận ra được. Ganimar nói:
– Hắn giả vờ tập tễnh. Chà! Giá gì huy động được hai hay ba nhân viên cảnh sát và ập tới nó. Sợ nó thoát mất.
Nhưng ở trước cửa Tecnơ không có nhân viên cảnh sát nào cả và khi vượt qua tường thành họ tin là không nhờ được sự hỗ trợ của ai cả nữa.
– Chúng ta tách ra, – Sôm nói, – chỗ này vắng vẻ quá.
Đó là đại lộ Vichto Huygô. Mỗi người đi theo một bên hè phố và tiến theo hàng cây.
Họ cứ đi như vậy trong khoảng 20 phút đến khi Lupanh rẽ trái và đi dọc theo sông Xen. Ở đấy họ thấy Lupanh đi xuống bờ sông. Chàng ta đứng đấy một lát và họ không phân biệt được chàng làm gì. Rồi chàng lại leo lên và tiếp tục đi. Họ đứng dán người vào hàng cột một hàng rào. Lupanh đi qua trước mặt họ tay không còn ôm chiếc gói nữa. Khi chàng đi xa, một bóng người tách ra từ gốc tường nhà và lẩn giữa hàng cây.
Sôm trầm giọng nói:
– Tên kia như cũng có vẻ theo dõi Lupanh.
– Đúng, hình như tôi đã thấy hắn ban nãy.
Cuộc săn đuổi lại tiếp tục nhưng rắc rối hơn vì có mặt người mới. Lupanh vẫn theo đường cũ, lại qua cửa Tecnơ và vào ngôi nhà ở quảng trường Xanh-Phecđinăng.
Người thường trực vừa đóng cửa thì Gammar xuất hiện.
– Bác có thấy hắn phải không?
– Vâng, tôi vừa tắt đèn ở cầu thang, hắn đã đẩy chốt cửa phòng.
– Không có ai ở cùng với hắn à?
– Không, không có một người giúp việc nào cả… hắn không bao giờ ăn ở đây.
– Có cầu thang phụ nào không?
– Không ạ.
Ganimar nói với Sôm:
– Đơn giản nhất là tôi chắn ngay ở cửa phòng Lupanh còn ngài đi gọi nhân viên cảnh sát ở phố Đơniua. Tôi sẽ nói chuyện với anh ta.
Sôm phản đối:
– Thế nếu lúc đó hắn thoát mất thì làm thế nào?
– Tôi ở lại cơ mà!…
– Một chọi một, đối với hắn, cuộc chiến đấu không cân sức đâu.
– Tuy nhiên tôi không ập vào chỗ ở của hắn được, tôi không được phép, nhất là ban đêm.
Sôm nhún vai:
– Khi ngài túm được Lupanh, người ta không kiện cáo gì về điều kiện bắt giữ người nữa. Ngoài ra, sao nhỉ? Chỉ cần bấm chuông hỏi, chúng ta sẽ thấy những gì xảy ra.
Hai người lên thang gác. Một cửa ra vào với hai cánh cửa hiện ra ở bên trái đầu cầu thang, Ganimar bấm chuông. Không động tĩnh. Ông ta lại bấm lần nữa. Không có ai cả.
– Vào đi, – Sôm nói nhỏ.
– Ừ, vào nào.
Tuy nhiên cả hai cùng đứng yên, vẻ lưỡng lự. Họ ngại hành động, y hệt những người ngập ngừng khi tiến hành một việc quyết định. Và bất chợt họ thấy Arxen Lupanh không thể ở trong ấy, quá gần họ, chỉ sau bức vách mỏng manh mà một quả đấm có thể đánh đổ. Cả hai người đều biết cái nhân vật ma quái này quá rõ, nó không đời nào lại để bị tóm ngớ ngẩn như vậy. Không, không, nghìn lần không, nó không ở trong ấy. Chắc nó đã tẩu thoát sang các nhà kế bên, theo mái nhà, theo một lối đã chuẩn bị thích hợp và thêm một lần nữa chỉ sắp chộp được cái bóng của Lupanh thôi.
Họ rùng mình. Một tiếng động rất nhỏ vẳng từ phía bên kia cửa lại như chỉ làm thoáng vẩn sự yên lặng. Hai người có cảm giác, chắc chắn là dù sao đi nữa hắn vẫn ở đấy, chỉ khuất bởi bức vách gỗ và đang lắng nghe, đang theo dõi họ.
Làm gì đây? Hoàn cảnh thật bi thảm. Một sự xúc động như thế làm họ rối loạn – dù đều có lòng can đảm của những thám tử thành thạo, khiến họ như nghe rõ tim đập thình thịch, Ganimar đưa mắt thăm dò Sôm. Rồi ông ta lấy tay lay mạnh cánh cửa. Liền đó, có tiếng bước chân, một tiếng động không có ý giấu giếm gì cả. Ganimar lay cửa. Sôm nhô vai lên, lao mạnh, đẩy toang cửa và cả hai lao vào. Họ dừng ngay lại. Một tiếng súng vang lên ở phòng bên. Một tiếng nữa và có tiếng một xác người ngã vật xuống.
Khi bước vào, họ thấy một người đàn ông nằm sóng soài mặt úp vào đá lát lò sưởi. Xác người co quắp, khẩu súng lục tuột khỏi tay. Ganimar cúi xuống và xoay đầu người chết. Máu phủ kín mặt rỉ ra ở hai vết thương rộng, một ở má và vết kia ở thái dương.
– Bị hôn mê rồi, – trưởng thanh tra nói nhỏ.
– Ấy! – Sôm nói, – lại không phải hắn.
– Sao ngài lại biết? Ngài đã xem xét gì đâu.
Tay người Anh cười nhạo:
– Thế ngài nghĩ Arxen Lupanh là người tự bắn mình à?
– Tuy nhiên rõ ràng chúng ta đã tin là nhận ra hắn ở ngoài…
– Chúng ta đã tin vì chúng ta muốn tin. Người đó đã ám ảnh chúng ta.
– Vậy đó là một đồng bọn của hắn.
– Những đồng bọn của Arxen Lupanh không tự bắn mình.
– Thế thì đó là ai.
Hai người khám xét tử thi. Héelốc Sôm thấy một chiếc ví rỗng trong một túi quần và trong túi kia Ganimar thấy mấy đồng tiền. Áo quần trong, ngoài đều không có vết tích gì cả.
Trong một chiếc rương to và hai chiếc va li chỉ có quần áo. Trên lò sưởi có một gói báo. Ganimar giở chúng ra. Tất cả đều nói về vụ trộm chiếc đèn Do Thái.
Một tiếng sau, khi Ganimar và Sôm quay về, họ chẳng biết gì thêm về nhân vật kỳ lạ mà sự can thiệp của họ đã dồn người này tới chỗ tự tử.
Người đó là ai? Tại sao lại tự bắn mình? Có mối liên quan gì giữa người đó và chiếc đèn Do Thái? Ai đã theo dõi người đó trong cuộc đi dạo? Ngần ấy câu hỏi, câu nào cũng phức tạp cả… Ngần ấy điều bí mật. Héclốc Sôm đi ngủ, trong người rất bực bội. Thức dậy, y nhận được một lá thiếp lời lẽ như sau:
“Arxen Lupanh hân hạnh báo tin ngài hay về cái chết bi thảm của cá nhân ông Bretxông và mời ngài dự đám tang, tang lễ và mai táng sẽ tiến hành ngày thứ năm 25 tháng 6 bằng kinh phí nhà nước”.
– Thấy không, ông bạn già của tôi, – Sôm vừa nói với Uynxơn vừa chìa tờ thiếp của Arxen Lupanh ra, – điều làm tôi lộn tiết trong cuộc phiêu lưu này, đó chính là tôi luôn luôn thấy tên hào hiệp quỉ quái này để mắt vào tôi. Không một ý nghĩ bí mật nhất nào của tôi mà thoát khỏi hắn cả. Tôi hành động như một diễn viên mà tất cả các đường đi nước bước đều do một sự đạo diễn nghiêm khắc điều chỉnh theo một ý chí thượng đẳng… Uynxơn, anh có hiểu không?
Uynxơn chắc chắn sẽ hiểu nếu hắn không ngủ say như một người mà nhiệt độ cơ thể dao động giữa 40 và 11 độ. Nhưng hắn nghe hay không điều đó chẳng quan trọng gì đối với Sôm và y tiếp:
– Tôi phải dồn tất cả nghị lực và huy động tất cả mọi phương sách để không nản chí. Những trò chọc ghẹo nhỏ đó, cũng may đối với tôi tương tự như những vết kim kích thích mà thôi. Cái đau của kim đâm dịu xuống, vết thương tự ái kín miệng tôi đều tự nhủ được: “Cứ đùa đi chàng trai ạ. Một lúc nào đó chính mi sẽ tự hại mi”. Vì, cuối cùng Uynxơn ạ, phải chăng Lupanh. qua bức thư đầu tiên và do suy nghĩ của Hăngriet, đã trao cho tôi điều bí mật thư từ của nó với Alixơ Đơmun? Anh quên chi tiết đó, bạn già ạ.
Y đi đi lại lại nặng chân trong phòng để liều đánh thức người bạn già.
“Cuối cùng! Điều đó không tiến triển quá tồi và nếu các con đường tôi theo không quá tối tăm, tôi bắt đầu khám phá ra. Trước tiên tôi để ý tới ông Bretxông. Ganimar và tôi đã hẹn nhau ở bờ sông Xen, ở chỗ Bretxông đã ném cái gói và vai trò của ông ta, chúng ta sẽ biết. Còn lại đó là ván bài giữa Alixơ Đơmun và tôi? Đối thủ tài trí tỏ ra thường thường thôi phải không Uynxơn? Anh không nghĩ là trước đó một ít tôi đã biết cái câu trong quyển album và các chữ rời rạc, các chữ IENG và VAN ấy có nghĩa là gì sao? Mọi chuyện đều ở đó cả, Uynxơn ạ”.
Cùng lúc đó cô gia sư vào và khi thấy y hoa chân múa tay cô đã dịu dàng nói:
– Ông Sôm ạ, tôi sẽ phê bình nếu ông đánh thức bệnh nhân của tôi. Chắng hay gì khi quấy rầy ông ấy. Bác sĩ yêu cầu một sự yên lặng tuyệt đối đấy.
Y yên lặng ngắm nàng, ngạc nhiên như ngày đầu gặp nàng bình tĩnh đến khó hiểu.
– Có gì mà ngài nhìn tôi thế, ngài Sôm? Không có chuyện gì à? Nhưng có đấy… luôn luôn ngài có ẩn ý… Điều gì đấy ạ? Xin ngài cho biết.
Nàng hỏi y với cả khuôn mặt trong sáng. Với đôi mắt ngây thơ, với cái miệng mỉm cười và với tất cả thái độ nữa, – với đôi tay chắp lại, với thân hình hơi ngả ra phía trước. Người nàng toát lên biết bao sự trong trắng khiến thám tử Anh cảm thấy căm giận. Y tiến lại gần nàng và hạ giọng nói:
– Bretxông tự bắn mình chiều qua.
Có vẻ như không hiểu, nàng nhắc lại:
– Bretxông tự bắn mình chiều qua…
Thực tế không một sự phối hợp nào làm biến đổi khuôn mặt của nàng và cả không gì lộ ra nàng cô gắng nói dối nữa.
– Cô đã được báo trước rồi, hắn cau có nói với nàng… Nếu không, ít ra cô cũng phải rùng mình… Chà! Cô cương nghị hơn là tôi nghĩ đấy… Nhưng tại sao lại che giấu như vậy?
Y cầm quyển album mà y vừa để trên một chiếc bàn bên cạnh và mở trang bị cắt, hỏi:
– Cô có thể cho tôi biết người ta phải sắp xếp các chữ thiếu ở đây theo thứ tự nào để biết nội dung chính xác của tờ giấy cô gửi cho Bretxông bốn ngày trước khi xảy ra vụ trộm chiếc đèn Do Thái không?
– Theo thứ tự nào à?… Bretxông?… Vụ trộm chiếc đèn Do Thái nào?
Nàng nhắc lại các chữ, chậm rãi như để làm toát lên cái nghĩa của chúng.
Y nhấn lại:
– Đúng. Đấy là những chữ đã dùng… trên mẩu giấy này. Cô đã nói gì với Bretxông?
– Những chữ đã dùng… tôi đã nói gì…?
Bất thình lình nàng phá lên cười:
– A! Tôi hiểu rồi! Tôi là kẻ tòng phạm của vụ trộm! Có một ông tên Bretxông đã lấy chiếc đèn Do Thái và tự bắn mình. Và tôi, tôi là bạn của cái ông ấy. Ồ! Ngộ thật đấy!
– Trong buổi chiều hôm qua cô đã đến thăm ai ở tầng hai một ngôi nhà ở đường Tecnơ?
– Ai à? Nhưng đó là cô thợ mũ Lănggie. Thế cô thợ mũ và ông bạn Betxông của tôi có là một người độc nhất và cùng một người không?
Dù sao đi nữa, Sôm vẫn ngờ vực. Có thể giả vờ để bộc lộ ra mọi tình cảm, sự đổi thay, nỗi sợ hãi, niềm vui, sự ngạc nhiên nhưng không thể nào là sự lãnh đạm, lại càng không thể là cái cười vui vẻ và vô tư.
Tuy nhiên y còn nói với cô ấy:
– Một câu cuối cùng, chiều hôm nọ tại sao cô lại gặp tôi ở nhà ga phương Bắc? Và tại sao cô lại cầu xin tôi đi ngay đừng dính vào vụ trộm này?
– Chà! Ngài Sôm, ngài quá tò mò đấy, – nàng đáp, vừa cười rất tự nhiên. – Để phạt ngài, ngài sẽ không biết được gì cả và ngoài ra ngài sẽ trông nom bệnh nhân trong lúc tôi ra hiệu thuốc… Một đơn thuốc cấp cứu… tôi đi đây.
Nàng đi ra.
– Tôi bị đánh lừa, – Sôm than vãn. – Tôi chẳng khai thác gì được ở cô ta mà chính tôi lại để lộ ra.
Y nhớ lại vụ “kim cương xanh” và cuộc thẩm vấn đối với Clôtiđơ Đêtănggiơ. Phải chăng người đàn bà tóc hoe cũng đã đối địch với hắn bằng sự bình tĩnh như vậy và liệu một lần nữa hắn có đối diện với một trong những con người được Arxen Lupanh che chở vẫn giữ được sự bình tĩnh kỳ lạ ngay cả trong cơn nguy hiểm hãi hùng không?
– Sôm… Sôm…
Uynxơn gọi, y lại gần và cúi xuống.
– Có chuyện gì thế bạn già? Đau à?
Uynxơn mấp máy môi không nói dược thành lời. Cuối cùng hắn hết sức cố gắng, ấp úng:
– Không… Sôm… không phải cô ấy… không thể là cô ấy…
– Anh nói gì vậy? Tôi đã nói với anh là chính cô ấy, tôi nói đấy! Trước mặt chỉ mới có một nhân vật do Lupanh tạo ra, huấn luyện, dàn dựng mà tôi đã mất trí và hành động điên rồ như vậy… Giờ đây nó biết hết chuyện cuốn album… Tôi cuộc với anh là trước một giờ Lupanh sẽ được báo tin. Trước một tiếng ấy à? Gì nhỉ! Ngay tức khắc thôi! Hiệu thuốc, đơn cấp cứu… toàn chuyện bịa!
Y lẩn nhanh, đi xuống đường Netxin và nhìn thấy cô gia sư vào một hiệu thuốc. Mười phút sau nàng xuất hiện tay cầm mấy cái lọ và một chiếc chai bọc giấy trắng. Nhưng trong khi nàng đang đi trên đại lộ, một người mũ kết cầm ở tay, dáng điệu khúm núm, lại gần, đi theo nàng như xin bố thí. Nàng dừng lại, bố thí rồi lại tiếp tục đi.
– Nàng đã nói với hắn, – Thám tử Anh nhủ thầm.
Nhờ trực giác khá mạnh hơn là một sự đoán chắc, y liền đổi chiến thuật. Y lao theo hút tên ăn mày giả và bỏ mặc cô gái. Cứ vậy, người này sau người kia, họ đến quảng trường Xanh Phecđimăng và người đàn ông lang thang khá lâu quanh nhà Bretxông, thỉnh thoảng ngước mắt nhìn lên cửa sổ lầu hai vừa theo dõi những người vào nhà.
Khoảng một tiếng sau, hắn leo lên tầng trên của tầu điện chạy về hướng Nơiy. Sôm cũng leo lên và ngồi sau, hơi xa kẻ đó một chút và cạnh một ông khuất sau tờ báo mở rộng. Đến tường thành, khi tờ báo hạ xuống, Sôm nhận ra Ganimar và ngài thanh tra trưởng nói thầm vào tai y vừa chỉ cá nhân kia.
– Đó là người đàn ông chiều hôm trước, người đã theo Bretxông. Hắn đã lang thang trên quảng trường một tiếng đồng hồ rồi.
– Vẫn không có gì mới về Bretxông à? – Sôm hỏi.
– Có, sáng nay một lá thư đến theo địa chỉ của hắn.
– Sáng nay à? Vậy nó được bỏ ở bưu điện hôm qua, trước khi người gửi biết về cái chết của Bretxông.
– Đúng. Thám tử điều tra đang giữ thư dó. Nhưng tôi nhớ nội dung: Hắn không nhận bất cứ một điều đình nào. Hắn muốn tất cả. Vật thứ nhất cũng như thứ hai của vụ việc. Nếu không, hắn hành động”. Và không có chữ ký gì cả. – Ganimar thêm. – Những dòng đó, như anh thấy đấy, sẽ không giúp được cho chúng ta gì cả.
– Tôi không nhất trí hoàn toàn với quan điểm của ngài, ngài Ganimar ạ. Đối với tôi những dòng đó ngược lại rất lý thú.
– Tại sao hả trời?
– Vì những lý do cá nhân, – Sôm trả lời một cách suồng sã với đồng nghiệp.
Xe điện đỗ ở phố Đuy Chatô, chỗ ga chót. Người kia xuống và thanh thản bước đi. Sôm kèm hắn quá gần, đến mức Ganimar lo sợ:
– Nếu hắn quay lại, chứng ta sẽ bị “cháy”.
– Hắn sẽ không quay lại ngay đâu.
– Sao ngài biết điều đó?
– Đó là một đồng bọn của Arxen Lupanh và việc một đồng bọn của Lupnnh đi hai tay đút túi, như vậy trước tiên tỏ ra rằng nó biết nó bị theo dõi, thứ hai nó không sợ gì cả.
– Tuy nhiên chúng ta đã xáp lại hắn khá gần!
– Chưa đủ để nó có thể tuột khỏi tay chúng ta trong vòng chưa đến một chút đâu.. Hắn quá tự tin.
– Này! Này! Anh làm cho tôi có giá trị đấy. Có hai cảnh sát đi xe đạp ở đằng kia, ở cửa tiệm cà phê ấy. Nếu tôi điều họ và bám sát nhân vật đó, tôi tự hỏi làm sao nó có thể sẽ thoát khỏi tay chúng ta.
– Nhân vật đó tỏ ra không xao xuyến lắm trước sự bất ngờ đó. Tự tay hắn sẽ trưng dụng họ.
– Chó má thật, – Ganimar nguyền rủa, thế là có sự cân bằng à!
Người câu cá kẹp cần câu vào nách lấy ở túi ra một quyển sổ tay, viết lên một trang, xé ra rồi đưa cho Sôm. Thám tử Anh rùng mình. Đảo mắt, y thấy ở giữa trang giấy đang cầm trong tay một loạt chữ xé ra trong quyển album.
ITELNGRIVATVAN -237
Nắng mênh mang trên sông. Người đàn ông lại tiếp tục câu ẩn dưới chóp mũ rơm rộng, chiếc áo khoác và chiếc gilê gập để bên cạnh. Hắn chăm chú câu trong khi chiếc phao nổi trên mặt nước. Khoảng một phút, một phút trang trọng và khủng khiếp yên lặng trôi qua. “Có phải hắn không?” Sôm nghĩ với một nỗi lo âu gần như đau khổ. Và sự thật đã rõ ràng.
– Chính hắn! Chính hắn! Chỉ hắn là có thể ngồi yên không hề lo lắng, không chút sợ hãi những gì sắp xảy tới như vậy… Và người nào khác có thể biết chuyện quyển album ấy? Alixơ đã nhờ người báo cho hắn.
Bất chợt thám tử Anh thấy bàn tay, chính tay mình đã nắm báng súng lục và mắt y nhằm vào lưng, phía trên gáy của người đó. Một động tác thôi và tất cả tấm thảm kịch kết thúc, cuộc đời của tên phiêu lưu lạ lùng sẽ chấm dứt thê thảm. Người câu cá không động đậy. Sôm xiết chặt vũ khí với lòng mong muốn dữ dội là y và kết liễu đồng thời là sự hãi hùng một hành động trái ngược với bản chất của y. Cái chết là chắc chắn. Thế là hết.
– Chà! – y nghĩ, hắn hãy đứng lên, chống cự đi… nếu không mặc xác hắn… Một giây nữa thôi… và ta bắn…
Nhưng tiếng chân người làm y quay đầu lại, y thấy Ganimar đến cùng một nhóm thám tử. Thế là y đổi ý, lấy đà, nhảy vút một cái vào trong thuyền khiến dây buộc đứt, đồng thời y đè lên người câu cá và xiết ngang lưng hắn, cả hai người lăn vào lòng thuyền.
– Sao thế này? – Lupanh vừa kêu lên vừa chống đỡ, – điều này chứng tỏ cái gì? Khi một người trong chúng ta vô hiệu hoá người kia, hắn sẽ mất công toi! Ngài không biết sẽ làm gì được tôi, cũng như tôi đối với ngài. Hai người sẽ là những tên ngốc thôi.
Hai mái chèo tuột xuống nước. Con thuyền trôi dạt di. Những tiếng kêu nổi lên loạn xạ dọc theo bờ sông và Lupanh nói tiếp:
– Chúa ơi, bao nhiêu là chuyện! Ngài đã mất khái niệm về các sự vật rồi hả?… Bao nhiêu là hành động dại dột như thế này ở tuổi của ngài! Và một người tiếng tăm như ngài nữa! Gớm, đê tiện quá!…
Hắn đã gỡ ra được. Héclốc Sôm nổi giận, liều lĩnh cho tay vào túi quần. Y thốt lên một tiếng nữa: Lupanh đã lấy khẩu súng của y. Thế là Sôm quỳ xuống và cố lấy một mái chèo để bơi vào bờ trong khi Lupanh cố để cho thuyền ra khơi.
– Lấy được… không lấy được. – Lupanh nói. – Thực ra điều đó không quan trọng gì cả… Nếu ngài có một mái chèo, tôi sẽ cản không cho ngài sử dụng nó. Và ngài cũng vậy. Nhưng đây này, trong cuộc sống, người ta cố hành động… không theo lý trí chút nào, số mệnh luôn luôn định đoạt… Này, ngài biết đó, số mệnh… thế thì nó định đoạt cho Lupanh quý mến của nó… Thắng lợi rồi! Dòng nước ưu đãi tôi mà!
Quả thật chiếc thuyền ngày càng tách ra.
– Coi chừng, Lupanh kêu lên.
Trên bờ, một người nào đó chĩa súng lục. Chàng cúi đầu, một tiếng nổ vang lên, một ít nước vọt lên gần hai người. Lupanh phá lên cười.
– Xin Chúa tha tội cho tôi, ông bạn Ganimar đấy mà!… Nhưng ngài làm như vậy rất tồi, ngài Ganimar ạ. Ngài không có quyền bắn trong trường hợp tự vệ chính đáng. Chàng Arxen đáng thương đã làm cho ngài trở nên dữ tợn đến mức quên tất cả mọi nhiệm vụ như thế cơ à?… Được, ông ấy lại tái diễn kia kìa!… Nhưng, bất hạnh, chính ông thầy quý mến của tôi, ngài sẽ bắn trúng đấy.
Chàng biến Sôm đang đứng trong thuyền, đối diện với Ganimar thành vật cản cho thân mình.
– Tốt! Giờ thì tôi yên tâm rồi… Hãy ngắm đây, Ganimar ạ, giữa tim ấy!… cao hơn… về bên trái… Trượt rồi… vụng về quá… Thêm một phát nữa à?… Nhưng Ganimar ngài run à… Theo sự điều khiển phải không và can đảm thật đấy!… Một, hai, ba, bắn!… Trượt! Toi cơm, chính quyền toàn cấp đồ chơi trẻ con cho ngài thay súng à?
Chàng lấy ra một khẩu súng lục dài, to và dẹt rồi không ngắm gì cả, bắn liền. Ngài thanh tra sờ lên mũ: một viên đạn đã xuyên thủng.
– Ngài thấy sao, ngài Ganimar? Chà! Cái này được chế tạo tốt đây. Xin chào các ngài, đó là khẩu súng lục của ông bạn cao quý của tôi, thầy Héclốc Sôm đấy!
Và chàng vung tay ném khẩu súng ngay đến tận dưới chân Ganimar.
Sôm không nhịn được cười và thán phục. Sức sống thật là dồi dào! Cái vui thật là trẻ trung, hồn nhiên! Và đúng là chàng ta đùa giỡn! Có thể nói rằng sự nguy hiểm lại tạo cho chàng niềm vui thực sự và với con người kỳ lạ đó, sự tồn tại không có mục đích gì khác là việc tìm kiếm những điều nguy hiểm mà sau đó chàng đùa giỡn để tránh khỏi.
Tuy nhiên hai bên bờ sông, người ùn lại, Ganimar và tay chân của ngài theo dõi con thuyền đong đưa ngoài khơi, bị dòng nước cuốn đi rất nhẹ nhàng. Nhất định, chắc chắn là bị bắt thôi.
– Thú thật, thầy ạ, – Lupanh kêu lên, vừa quay về phía thám tử Anh, – là thầy không nhường vị trí của thầy để đổi lấy tất cả vàng của Trăngxvan đâu! Vì thầy đang ngồi ở ghế đệm hàng đầu. Nhưng trước tiên và trước hết là lời giáo đầu đã… sau đó chúng ta nhảy phắt một cái sang màn năm, màn truy bắt hay vượt ngục của Arxen Lupanh. Vì thế, thầy thân mến của tôi, tôi hỏi một câu và để tránh mập mờ xin thầy chỉ trả lời bằng một tiếng có hay không thôi. Ngài có từ bỏ can dự vào vụ này không. Hãy còn thời gian và tôi có thể bổ khuyết điều sai lầm mà ngài đã phạm phải. Chậm hơn nữa, tôi không có khả năng đâu. Đồng ý chứ?
– Không.
Khuôn mặt của Lupanh bậm lại. Sự lì lợm trên làm chàng tức giận. Chàng nhắc lại:
– Tôi nhấn mạnh thêm. Chắc chắn ngài là người đầu tiên hối hận vì đã can thiệp vào vụ này, tôi nhấn mạnh cho ngài hơn là cho tôi. Lần cuối cùng có hay không?
– Không.
Lupanh ngồi xuống, chuyển một trong những miếng ván ở đáy thuyền và tiến hành trong mấy phút một công việc mà Sôm không biết rõ là gì. Rồi chàng ngửng lên, ngồi gần thám tử Anh và nói điều sau:
– Thầy ạ, tôi tin là chúng ta đến bờ sông này vì những lý do tương tự: lấy lên vật mà Bretxông đã vứt bỏ có phải không? Về phần tôi, tôi đã hẹn với mấy người bạn tiến hành một cuộc thám hiểm dưới dòng sông Xen – quần áo đơn giản của tôi đã chứng thực điều đó, thì các bạn tôi báo là ngài đến gần. Thú thật với ngài là tôi không bị bất ngờ khi thấy những tiến bộ cuộc điều tra của ngài, tôi dám nói rằng do được báo trước từng giờ một. Rất dễ thôi, khi ở phố Muyrilô xảy ra chuyện gì nhỏ nhất mà thôi thích thú, một tiếng điện thoại, rất nhanh, thế là tôi đã được báo! Ngài sẽ hiểu là trong những điều kiện đó…
Chàng dừng lại. Tấm ván chàng tách ra giờ nâng lên và xung quanh đó những tia nước nhỏ thấm vào.
– Quỷ thật! Không hiểu tôi làm thế nào, nhưng chắc là có một đường rỉ nước ở đáy của chiếc thuyền cũ này. Ngài không sợ chứ ạ?
Sôm nhún vai. Lupanh nói tiếp:
– Trong những điều kiện trên vậy là ngài hiểu và biết trước là ngài đang lao vào một cuộc chiến đấu thật ác liệt nhưng tôi, tôi lại tránh nó. Tôi thích tiến hành với ngài một ván có lối thoát chắc chắn vì tôi có các chủ bài trong tay. Và tôi muốn cuộc gặp gỡ của chúng ta có nhiều tiếng vang nhất để cuối cùng sự thất bại của ngài được mọi người biết đến và một bà bá tước Đơ Crôgiông khác hay một nam tước Đanhblơvan khác không có ý đồ nhờ sự giúp đỡ của ngài chống lại tôi. Ngài thấy không, thầy thân mến của tôi…
Chàng lại ngừng nói và dùng bàn tay khum lại như ống nhòm, quan sát đôi bờ.
– Chà chà! Họ đã thuê một chiếc ca nô đẹp quá, một tàu chiến thật sự và kìa họ đang ra sức chèo. Chưa đến năm phút nữa sẽ cập lại đây và tôi sẽ thua. Ngài Sôm ạ, có một lời khuyên ngài hãy lao vào tôi, trói tôi lại và giao cho pháp luật của nước tôi… Chương trình đó ngài có hài lòng không?… Loại trừ ở đây chúng ta làm đắm tàu, trong trường hợp ấy chỉ còn cách là chuẩn bị di chúc. Ngài nghĩ sao?
Hai người nhìn nhau. Giờ đây Sôm hiểu cách thức của Lupanh: hắn đã đục thủng đáy thuyền.
Và nước dâng lên. Nó lên đến đế giày của họ. Nó phủ chân họ, hai người không động đậy. Nó lên quá mắt cá, thám tử Anh lấy túi thuốc, cuốn một điếu và châm lửa.
Lupanh nói tiếp:
– Ngài không thấy à, thầy thân mến của tôi, sự thú nhận bất lực khiêm tốn của tôi đối với ngài. Đó là nghiêng mình trước ngài để nhận riêng những cuộc chiến đấu trong đó tôi sẽ thu được thắng lợi, để tránh những trận mà tôi không chọn trận địa. Đó là thừa nhận Sôm là kẻ thù duy nhất mà tôi gờm và công bố sự lo ngại của tôi chừng nào Sôm chưa lánh đi. Đó, thầy thân mến của tôi, đó là điều tôi muốn nói với ngài vì số phận ban cho tôi vinh dự nói chuyện với ngài. Tôi chỉ tiếc một điều: đó là cuộc nói chuyện này xảy ra trong khi chúng ta đang tắm chân!… Vị trí thiếu trang trọng, tôi thú nhận… Và tôi nói gì! Đang tắm chân!… đúng hơn đang tắm ghế cơ!
Quả nhiên nước lên đến ghế họ đang ngồi và chiếc thuyền ngày càng chìm xuống. Sôm thản nhiên, điếu thuốc ở môi, như đang bị cuốn hút vào việc ngắm bầu trời.
Sao! Hai người có vẻ sắp nói, liệu có hoảng hốt trước chuyện tầm phào như thế không? Một lúc liệu có xảy ra việc chết đuối trong sông không? Liệu từ đó những sự kiện có đáng để người ta chú ý không? Và một người nói còn người kia mơ mộng, cả hai người vừa giấu sự xung đột mãnh liệt của lòng kiêu hãnh sau một mặt nạ vô tư.
Một phút trôi qua và họ say đắm.
– Điều cơ bản, – Lupanh nói, – là biết chúng ta sẽ đắm trước hay sau các nhà vô địch của luật pháp đến. Tất cả là ở đó vì pháp luật không hề đặt ra đối với vấn đề đắm tàu. Thầy ạ, đã đến giờ trang trọng của di chúc. Tôi để lại tất cả của cải của tôi cho Héclốc Sôm, công dân Anh theo điều kiện của ông ấy… Nhưng, Lạy Chúa, các nhà vô địch của luật pháp tiến đến nhanh thế! Chà! Những người dũng cảm! Nhìn họ thích thật. Họ chèo thật là chính xác! Kìa, ngài đấy à, ngài đội Phônlăngphăng? Hoan hô! Ý kiến về tàu chiến thật tuyệt vời. Tôi phó thác ngài cho cấp trên, đội Phônlăngphăng ạ. Ngài có thích huân chương không? Được… xong rồi. Và bạn Điơđi của ngài đâu? Ở trên bờ bên phải, giữa hàng trăm dân sở tại phải không? Như vậy nếu tôi có thoát chết đuối tôi sẽ được Điơđi cùng dân địa phương bờ trái vớt hay do Ganimar và dân chúng Nơy ở bờ phải?… tiến thoái lưỡng nan…
Nước xoáy cuộn. Con thuyền chòng chành và Sôm phải bám vội vào lòng mái chèo.
– Thưa thầy, – Lupanh nói, – xin thầy cởi áo vét ra. Thầy sẽ thấy thoải mái hơn lúc bơi. Không à? Ngài từ chối à? Thế thì tôi mặc áo của tôi vào vậy.
Chàng mặc áo, cài kín khuy như áo của Sôm và thở dài:
– Ngài thật sắt đá đấy! Và tai hại biết mấy khi ngài lại cứng đầu trong một vụ việc mà ngài tỏ rõ khả năng với các mưu kế của ngài nhưng vô hiệu! Quả thật, ngài phí phạm thiên tài cao quý của ngài…
– Ông Lupanh, – Sôm nói, cuối cùng đã thôi im lặng – ông nói quá nhiều và ông thường phạm tội do quá tự tin và nhẹ dạ.
– Lời trách cứ nặng nề.
– Chính vì thế, không biết chứ, ông vừa cung cấp cho tôi điều chỉ dẫn mà tôi đang tìm kiếm.
– Thế nào! Ngài tìm tôi một điều chỉ dẫn và ngài lại không nói cho tôi hay!
– Tôi không cần ai cả. Ba giờ nữa tôi sẽ tiết lộ điều bí ẩn đối với ông bà Đanhblơvan. Đó là câu trả lời duy nhất…
Y chưa nói hết câu. Chiếc thuyền chìm ngay xuống, kéo theo cả hai người. Rồi nó lại nhô lên, lộn ngược, thân thuyền chổng lên trời. Hai bên bờ vang lên những tiếng kêu rồi đến một sự yên lặng lo lắng và bất chợt những tiếng reo mới: một người bị đắm đã xuất hiện. Đó là Héclốc Sôm. Là một tay bơi cừ, y sải nhanh về phía chiếc ca nô của Phônlăngphăng.
– Dũng cảm lên, ngài Sôm. – Viên đội cảnh sát kêu to, – có chúng tôi đây… đừng nản… sẽ lo đến hắn sau… chúng tôi bắt nó; nào… cố lên một chút, ngài Sôm… hãy cầm lấy dây…
Thám tử Anh nắm lấy sợi dây người ta tung cho. Nhưng trong lúc y leo lên thuyền, đằng sau y một giọng hỏi:
– Thầy thân mến của tôi, chữ bí ẩn, vâng ngài sẽ biết. Tôi khá ngạc nhiên là ngài đã không biết rồi… Còn sau này? Cái đó sẽ giúp gì cho ngài? Thế đúng là ngài đã thua trong cuộc chiến đấu…
Arxen Lupanh vừa leo lên vách ngăn mui thuyền bây giờ ngồi dạng chân thoải mái, vừa ba hoa, vừa nói tiếp lời diễn thuyết với những động tác trang trọng như hy vọng thuyết phục người đối thoại với mình.
– Hãy hiểu rõ, thầy ạ, không làm gì được đâu, tuyệt đối không… Ngài đang ở hoàn cảnh đáng thương của một người…
Phônlăngphăng cắt ngang:
– Lupanh, đầu hàng đi.
– Ông là người thô lỗ, ông đội Phônlăngphăng ạ, ông cắt ngang lời tôi. Tôi nói…
– Lupanh, đầu hàng di.
– Thô tục quá ông đội Phônlăngphăng ạ, nhưng người ta chỉ đầu hàng nếu đang gặp nguy hiểm cơ. Thế ông không có cao vọng tin là tôi gặp nguy hiêm nào chứ!
– Lupanh, lần cuối cùng, tôi buộc anh phải đầu hàng.
– Đội Phônlăngphăng, ông chẳng dám có ý định giết tôi, hơn thế nữa cả làm tôi bị thương, đến nỗi ông rất sợ tôi thoát mất. Và nếu chẳng may lại là vết trọng thương thì sao? Không, nhưng hãy nghĩ tới những điều ông sẽ hối hận, con người bất hạnh ạ! Và tới cả tuổi già khốn khổ nữa!…
Viên đạn bắn đi. Lupanh lảo đảo, bám lấy thuyền một lát rồi buông ra và biến mất.
Những biến cố trên xảy ra vào lúc đúng ba giờ. Đến sáu giờ như đã được báo, Héclốc Sôm, mặc một chiếc quần dài quá ngắn và một chiếc véttông quá chật mượn của một chủ quán ở Nơiy, đội chiếc mũ kết và diện một chiếc sơmi bằng nỉ có dây thắt lụa, bước vào khuê phòng phố Mayrilô sau khi nhờ báo với ông bà Đanhblơvan y muốn trao đổi.
Ông bà nam tước thấy y rảo bước dọc ngang căn phòng. Họ thấy y quá hài hước trong bộ quần áo kỳ dị khiến cả hai phải cố kìm để không phá lên cười. Y bước, dáng điệu suy nghĩ, lưng cong xuống hệt như một người đần độn, từ cửa sổ ra cửa chính, từ cửa chính ra cửa sổ mỗi lần đều bước đúng số bước vừa quay vòng đứng theo một chiều.
Y dừng lại, tóm lấy một đồ vật thường, xem xét như một cái máy rồi lại dạo bước. Cuối cùng, y đứng thẳng trước hai người, hỏi:
– Cô giáo có ở đây không ạ?
– Có, cô ấy đang ở trong vườn với bọn trẻ.
– Thưa ngài nam tước, cuộc trao đổi mà chúng ta sắp tiến hành có tính chất quyết định, tôi mong muốn cô Đơmun cũng dự.
– Liệu có… bắt buộc…?
– Hãy kiên nhẫn một chút, thưa ngài. Sự thật sẽ lộ ra rõ ràng từ những sự việc mà tôi sẽ trình bày trước ngài một cách chính xác nhất.
– Được, Suydan, em mời cô gia sư được chứ?
Bà Đanhblơvan đứng dậy và gần như trở lại ngay: có cô Alixô Đơmun đi cùng. Cô ấy hơi tái hơn bình thường, đứng tựa vào bàn và cũng chẳng buồn hỏi lý do tại sao gọi cô đến.
Sôm tỏ ra như không thấy cô, và bất chợt quay lại phía ông Đanhblơvan, y nói rõ từng lời, với một giọng chắc chắn:
– Thưa ngài, sau nhiều ngày điều tra, và dù một số sự việc đã bị thay đổi trước cách xem xét của tôi một chút, tôi nhắc lại với ngài điều mà tôi đã nói ngay từ giờ đầu: chiếc đèn Do Thái bị một người ở trong ngôi nhà này lấy.
– Kẻ phạm tội tên gì ạ?
– Tôi đã biết.
– Những bằng chứng thì sao?
– Những bằng chứng tôi có đủ để làm nó cứng họng.
– Nó cứng họng không đủ. Nó cần phải hoàn lại cho chúng tôi…
– Cái đèn Do Thái ấy à? Nó đang ở tay tôi.
– Thế chiếc vòng ngọc? Chiếc hộp đựng thuốc lá thì sao?
– Chiếc vòng ngọc, chiếc hộp dựng thuốc lá, nói vắn tắt, tất cả những gì lấy của ông bà lần thứ hai đều ở trong tay tôi…
Sôm thích những đòn đột ngột như thế và cái cách báo tin thắng lợi hơi khô khan đó. Thực tế nam tước và phu nhân tỏ ra ngạc nhiên và nhìn y với sự tò mò, yên lặng như những lời ca ngợi tốt đẹp nhất. Y kể tiếp từ chi tiết câu chuyện y đã tập hợp trong ba ngày qua. Y nêu việc phát hiện ra quyển album, ghi trên một tờ giấy câu ghép bằng những chữ cắt ra rồi kể về việc Bretxông đi ra bờ sông Xen và cuộc tự tử của con người mạo hiểm, cuối cùng là cuộc chiến đấu mà chính Sôm vừa tiến hành chống Lupanh, việc chiếc thuyền chìm và Lupanh mất tích.
Khi y nói xong, nam tước hạ giọng nói:
– Giờ ngài chỉ còn vạch ra cho chúng tôi tên của thủ phạm. Vậy ngài buộc tội ai?
– Tôi buộc tội cái người đã cắt những chữ quyển học vần này và liên lạc với Arxen Lupanh bằng những chữ đó.
– Làm sao ngài lại biết được kẻ giao dịch với cái người đó là Arxen Lupanh?
– Chính Lupanh tự nói ra.
Y chìa ra một mẩu giấy ướt và nát nhầu. Đó là tờ giấy Lupanh đã xé ở sổ tay ra và trên đó có ghi cái câu viết tắt, lúc ở trên thuyền.
– Nên nhớ rằng không ai bắt hắn phải đưa cho tôi tờ giấy này, để tự thú cả. Sôm hài lòng nhận xét. Với hắn chỉ là trò tinh nghịch nhưng nó đã hướng dẫn cho tôi.
– Ai đã hướng dẫn cho ngài… – Nam tước nói. – Vậy mà tôi chẳng thấy gì cả…
Sôm tô lại bằng bút chì những chữ và những số: ITELNRGIVATVAN – 237
– Thế thì sao, – ông Đanhblơvan hỏi lại, – đó là dòng chữ chính ngài vừa đưa cho chúng tôi xem.
– Không. Nếu ngài cứ xoay dòng chữ đó theo các chiều thì thoáng một cái ngài sẽ thấy như tôi đã thấy, nó không giống dòng chữ đầu tiên.
– Ở chỗ nào ạ?
– Nó thêm hai chữ, một chữ T và một chữ V.
– Quả thật, tôi không nhận ra…
– Gắn hai chữ đó với những chữ còn lại ngoài chữ “trả lời” và ngài sẽ thấy chỉ có thể là chữ TIẾNG VANG.
– Nghĩa là gì ạ?
– Nghĩa là “Tiếng Vang Pháp”, cơ quan ngôn luận chính, tờ báo của Lupanh, báo mà hắn cho đăng những “thông báo”. Hãy trả lời “Tiếng Vang Pháp”, mục nhỏ thư tín số 237″. Đó là điểu bí ẩn, tôi hết sức tìm kiếm và đó là điều Lupanh đã cung cấp cho tôi hết sức tốt. Tôi đến toà báo “Tiếng Vang Pháp”.
– Và ngài đã phát hiện ra?
– Tôi đã thấy đầy đủ câu chuyện chi tiết quan hệ của Arxen Lupanh và cô… tòng phạm của hắn.
Sôm dàn ra bảy tờ báo mở ở trang tư và y đã tách ra bảy dòng sau:
1) ARX.LUP. Bà ấy nhờ che. 540.
2) 540. Đợi giải thích A.L
3) A.L. Kẻ thù chế ng. Thất bại.
4) 540. Ghi địa chỉ. Sẽ điều tra.
5) A.L. Muyrilô.
6) 540. Công viên ba giờ. Hoa tím.
7) 237. Đồng ý thứ bẩy, chủ n. buổi s. công viên.
– Và ngài gọi thế là một chuyện chi tiết! – ông Đanhblơvan thốt lên.
– Chúa ơi, phải và chỉ cần ngài chú ý một chút, ngài sẽ đồng ý với tôi. Trước hết, một bà ký là 540 cầu xin sự che chở của Arxen Lupanh, từ đó Lupanh đáp lại bằng một lời yêu cầu giải thích. Bà ta trả lời là đang bị một kẻ thù, chắc là Đơ Bretxông, bức bách và bà sẽ chết nếu không có sự giúp đỡ. Lupanh, ngờ vực, còn chưa dám tiếp xúc với một người lạ, yêu cầu địa chỉ và đề xuất một cuộc điều tra. Bà ấy lưỡng lự trong bốn ngày – xin hãy tham khảo ngày tháng – cuối cùng bà đã cho biết tên phố Muyrilô của mình do bị thúc ép bởi các sự kiện, do ảnh hưởng bởi những lời đe doạ của Bretxông. Hôm sau, Arxen Lupanh báo lúc ba giờ hắn sẽ đến công viên Môngxô và xin bà khách lạ cầm một bó hoa tím làm dấu hiệu liên lạc. Đấy, vì sao có một sự gián đoạn trong thư tín tám ngày liền. Arxen Lupanh và bà kia không cần viết bằng con đường báo chí: họ gặp nhau và viết thẳng. Kế hoạch được bày ra: để thoả mãn những yêu cầu của Bretxông, người đàn bà sẽ lấy đi chiếc đèn Do Thái. Chỉ còn ấn định ngày. Do thận trọng, bà ta liên hệ nhờ những chữ cắt dán, quyết định vào thứ bảy và thêm: Hãy trả lời Tiếng vang – 237. Lupanh trả lời đồng ý và thêm là sẽ đến công viên vào sáng chủ nhật. Việc lấy cắp đã xảy ra vào đúng sáng chủ nhật.
– Quả là mọi việc liên quan với nhau và câu chuyện đã hoàn chỉnh, – nam tước xác nhận.
Sôm tiếp:
– Thế là việc lấy cắp diễn ra. Sáng chủ nhật, người đàn bà ra khỏi nhà, báo cho Lupanh việc đã làm và đem chiếc đèn đến cho Bretxông. Các việc diễn ra như Lupanh đã tiên đoán. Luật pháp bị đánh lạc hướng bởi một chiếc cửa sổ mở toang, bốn lỗ chân thang trên đất và hai vết xây xát ở bao lơn, sớm chấp nhận là kẻ gian đã cạy cửa để lấy trộm. Người đàn bà yên ổn không sao hết.
– Đúng, – Nam tước nói, – tôi chấp nhận sự giải thích rất logic đó. Nhưng còn vụ trộm thứ hai…
– Vụ trộm thứ hai xảy ra từ vụ thứ nhất. Báo chí đã thuật lại chiếc đèn Do Thái đã biến mất như thế nào, một kẻ nào đấy có ý nghĩ lặp lại việc đột nhập và đoạt những gì chưa bị lấy đi. Và lần này không phải là một vụ trộm giả vờ nữa mà là một vụ trộm thật sự, có cạy cửa thật, leo thang v.v…
– Chắc là Lupanh…
– Không! Lupanh không hành động ngớ ngẩn như vậy. Lupanh không bắn người vì một tiếng có hay không.
– Thế thì ai?
– Không nghi ngờ gì nữa đó là Bretxông. Chính Bretxông đã vào đây, chính hắn, tôi đã rượt theo, chính hắn đã đâm ông bạn Uynxơn đáng thương của tôi.
– Ngài chắc chắn thế à?
– Tuyệt đối như vậy. Hôm qua một trong những kẻ đồng loã với Bretxông, trước khi tự tử, đã viết cho tên này một bức thư chứng tỏ là hắn đã nhiều lần trao đổi với Lupanh để trả lại tất cả những vật đã lấy trộm trong nhà của ngài. Lupanh buộc phải đưa tất cả, “vật thứ nhất (tức là chiếc đèn Do Thái) cũng như các vật của vụ lấy trộm thứ hai”. Ngoài ra hắn còn theo dõi Bretxông. Chiều hôm qua, khi tên này đi ra bờ sông Xen, một trong số những bạn của Lupanh đã bám sát cùng lúc với chúng ta.
– Bretxông ra bờ sông Xen để làm gì?
– Để nghe báo về sự tiến triển cuộc điều tra của tôi.
– Ai báo?
– Chính cũng người đàn bà đó, vì bà ta sợ việc phát hiện ra chiếc đèn Do Thái dẫn tới sự khám phá ra việc làm của mình… Được báo một cái, Bretxông tập trung tất cả những gì có thể bị liên luỵ vào một bọc và ném vào một chỗ mà hắn có khả năng lấy lại khi hiểm hoạ qua đi. Chính lúc quay về, bị Ganimar và tôi theo dõi đồng thời chắc cũng bị lương tâm cắn rứt, hắn mất bình tĩnh rồi tự tử.
– Nhưng cái bọc đó chứa những gì?
– Chiếc đèn Do Thái và các vật không giá trị khác của ngài.
– Thế chúng chưa ở trong tay ngài à?
– Ngay sau khi Lupanh biến mất, lợi dụng việc rơi xuống nước, tôi tiến lại chỗ Bretxông đã chọn và thấy những vật chúng đã đoạt của ngài gói trong vải, và lụa không thấm nước. Nó ở trên bàn này đây.
Nam tước không nói câu nào cắt dây, xé ngay vải bọc ướt, lấy chiếc đèn ra, vặn chiếc ốc ở dưới chân đèn, hai tay nắm chắc bầu đèn, vặn, mở thành hai phần bằng nhau và thấy pho tượng bằng vàng nạm ngọc hồng cùng ngọc bích.
Tượng không suy suyển gì.
Trong toàn bộ cảnh trên, bề ngoài rất tự nhiên, bao gồm việc trình bày đơn giản những sự việc, có cái gì đó làm cho nó trở nên khủng khiếp. Đó chính là từng lời một Sôm tung ra buộc tội rõ ràng, trực tiếp, không thể bác bỏ được, cô gia sư. Và đó cũng là sự yên lặng lạ lùng của cô Alixơ Đơmun.
Trong cả một chuỗi dài, danh sách những bằng chứng nhỏ, cái nọ bổ sung cho cái kia, nét mặt cô không hề biến đổi, không một thoáng phản ứng hay sợ hãi làm vẩn đục cái nhìn trong sáng tinh khiết của cô. Cô đã nghĩ gì? Và nhất là cô sẽ nói gì vào cái giờ phút quan trọng mà cô phải trả lời, mà cô phải bảo vệ và bẻ gẫy cái xiềng sắt Héclốc Sôm đã khoá cô rất khéo léo đó?
Cái giờ phút ấy đã điểm và cô gái vẫn lặng yên.
– Nói đi! Nói đi nào! – ông Đanhblơvan kêu lên.
Nàng vẫn không nói gì.
Nam tước nhấn mạnh:
– Một lời để xác minh cho cô. Chỉ một lời kháng cự và tôi sẽ tin cô.
Lời đó cô cũng không hề nói ra.
Nam tước rảo bước đi đi, lại lại trong phòng rồi nói với Sôm:
– Ồ, không nói gì cả, thưa ngài! Tôi không thể chấp nhận điều đó là đúng! Có những tội thật kỳ cục vô lý! Và tội này ngược hẳn với tất cả những gì tôi đã biết, với tất cả những gì tôi đã biết từ một năm nay.
Ông để tay lên vai thám tử Anh.
– Nhưng, cả ngài nữa, ngài có tuyệt đối và chắc chắn là không lầm lẫn chứ?
Sôm ngập ngừng như một người bị tấn công bất ngờ và không kịp phản ứng ngay. Tuy nhiên y cười và nói:
– Chỉ riêng người mà tôi buộc tội, do vị trí ở trong gia đình của ngài, có thể biết là chiếc đèn Do Thái chứa đồ trang sức tuyệt vời dó.
– Tôi không muốn tin điều đó, – nam tước lẩm bẩm.
– Hãy hỏi cô ta điều ấy.
Quả thực đó là điều duy nhất ông không hề muốn thử, do cô gái đã tạo nên cho ông niềm tin mù quáng đó. Tuy nhiên thực tại không cho phép ông loại trừ sự việc hiển nhiên ấy.
Ông lại gần nàng, mắt nhìn vào mắt, hỏi:
– Có phải chính là cô không? Chính cô đã lấy đồ trang sức có phải không? Chính cô đã trao đổi với Arxen Lupanh và làm giả vụ trộm không?
Nàng đáp:
– Chính tôi, thưa ngài.
Nàng không cúi đầu. Nét mặt không thể hiện sự xấu hổ hay bối rối gì cả…
– Có thể thế à! – Ông Đanhblơvan lẩm bẩm… – Tôi chẳng bao giờ tin như thế… cô là người cuối cùng mà tôi đã nghi ngờ… Cô đã tiến hành như thế nào hả cô gái bất hạnh?
Nàng đáp:
– Tôi đã tiến hành điều mà ông Sôm đã kể ra. Đêm thứ bảy rạng chủ nhật, tôi đã xuống khuê phòng này lấy chiếc đèn và, buổi sáng tôi trao nó cho… người ấy.
– Không! Nam tước bác bỏ, – điều cô quả quyết không chấp nhận được.
– Không chấp nhận được! Tại sao ạ?
– Vì buổi sáng tôi vẫn thấy cửa khuê phòng cài chốt.
Nàng đỏ mặt lên, luống cuống và nhìn Sôm như để xin lời khuyên giải. Sôm tỏ ra xúc động vì sự bối rối của cô Alixơ Đơmun hơn cả sự đối lập của nam tước. Vậy là nàng không còn gì khai cả à? Những lời thú tội, công nhận điều giải thích Sôm đã cung cấp về vụ trộm chiếc đèn Do Thái có che giấu điều dối trá mà sau này việc xem xét kỹ những sự việc sẽ loại trừ không?
Nam tước nhắc lại:
– Chiếc cửa đó đóng. Tôi khẳng định là tôi đã thấy cái chốt như tôi đã cài lúc chiều. Nếu cô đã vào bằng cửa đó như cô đã nói thì phải có một người nào đó mở cho cô ở bên trong, tức là từ bên trong khuê phòng hay từ phòng của chúng tôi. Tuy nhiên, không có người nào ở trong hai phòng đó cả, không có ai ngoài nhà tôi và tôi cả.
Sôm cúi thấp người xuống, lấy hai tay che giấu khuôn mặt đỏ ửng. Như bất ngờ bị dọi một tia sáng y chói mắt khó chịu. Mọi việc lộ ra trước y như một quang cảnh tối tăm mà bóng đêm bất chợt vén lên.
Alixơ Đơmun vô tội.
Alixơ Đơmun vô tội. Đó là một sự thật hiển nhiên, rõ ràng và đồng thời đó cũng là điều giải thích sự lúng túng của y, y cảm thấy ngay từ ngày đầu khi hướng lời buộc tội khủng khiếp về cô gái. Giờ thì y đã thấy rõ. Y biết. Một cử chỉ và ngay tức khắc, một bằng cớ không thể bác bỏ, lộ ra với y.
Y ngẩng đầu lên và cố làm vẻ tự nhiên, nhìn ngay về phía bà Đanhblơvan. Mặt bà tái đi một cách lạ lùng. Đôi tay, bà đã cố giấu đi, run nhè nhẹ.
– Một giây nữa thôi và bà ấy sẽ tự nói ra, – Sôm nghĩ.
Y đứng vào giữa hai vợ chồng nam tước với ý đồ mau chóng tách mối hiểm họa khủng khiếp đang đe dọa hai người do lỗi của bà nam tước. Nhưng vừa nhìn nam tước, y đã run bắn cả người lên. Cũng sự bộc lộ bất ngờ như thế đã làm y bàng hoàng thì bây giờ chuyển sang nam tước. Ông cũng đang nghĩ ngợi rất lung. Ông bắt đầu hiểu. Ông đã thấy!
Alixơ Đơmun chống đối một cách tuyệt vọng trước sự thật hiển nhiên.
– Thưa ngài, ngài nói có lý, tôi nhầm…, quả thực tôi đã không lẻn vào đây. Tôi đã qua phòng trước và sân bằng một chiếc thang.
Cố gắng cao độ của sự hy sinh… Nhưng là sự cố gắng vô ích! Giọng cô lạc hẳn đi. Cô dịu dàng nói ngập ngừng và mắt không còn trong sáng cũng như cử chỉ không còn chân thật nữa. Nàng cúi đầu, thất bại.
Sự yên lặng trở nên khủng khiếp. Bà Đanhblơvan chờ đợi, mặt tái mét, ngây người ra vì sợ hãi và lo âu. Nam tước hình như vẫn còn quẫy cựa như không muốn tin vào sự đổ vỡ hạnh phúc của mình.
Cuối cùng ông lẩm bẩm:
– Nói đi! Em hãy giải thích đi!
– Em không có gì nói với anh, anh yêu ạ, – nàng nói rất nhỏ và nét mặt đau khổ.
– Thế thì… cô…
– Cô ấy đã tận tâm… thương yêu… cứu em… và tự buộc tội.
– Cứu về cái gì? Về ai?
– Về người đàn ông đó.
– Bretxông à?
– Vâng, hắn đã khống chế em vì những lời đe doạ… Em biết hắn ở nhà một người bạn gái… và em đã dại dột nghe hắn… Ôi! Không gì khiến anh có thể tha thứ được… tuy nhiên em đã viết hai bức thư… những lá thư mà anh sẽ thấy… Em đã chuộc lại chúng… anh biết tại sao… ôi! Hãy thương em… em đã khóc nhiều!
– Em! Em à! Suydan!
Ông giơ nắm đấm lên, sẵn sàng đánh, sẵn sàng giết nàng. Nhưng tay ông rơi xuống và, ông lại lẩm bẩm.
– “Em, Suydan!… Em!… liệu có thể!…”
Bằng giọng ngập ngừng, bà kể lại câu chuyện vô vị, thê thảm, sự thức tỉnh kinh hoàng trước nhục nhã của con người, những điều hối hận hoảng hốt, đồng thời bà cũng nói về đạo đức đáng phục của Alixơ. Cô đoán được sự thất vọng của chủ mình, đã gợi để bà tự bộc bạch, đã viết cho Lupanh và tổ chức câu chuyện ăn trộm để cứu chủ ra khỏi nanh vuốt của Bretxông.
– Em, Suydan, em, – ông Đanhblơvan nhắc lại, người cúi gập xuống, sửng sốt… – Làm sao em lại có thể…?
Buổi chiều ngày hôm đó, tàu máy Vinlơ Đơ Lôngđrơ chạy tuyến đường giữa Cale và Đuyrơ, trôi từ từ trên làn nước lặng lờ. Đêm tối đen và yên tĩnh. Những đám mây yên bình lộ ra trên tàu và xung quanh những vạt sương mù ngăn cách tàu với khoảng không bao la mà ở đó tràn ra ánh bạc của trăng và các vì sao.
Phần lớn hành khách đã về ngăn riêng và phòng khách. Tuy nhiên một vài người dũng cảm hơn đi dạo trên boong hay thiu thiu ngủ trong lòng ghế xích đu và đắp chăn dầy. Đây đó người ta thấy những đốm xì gà và vẳng lên tiếng thì thào cùng tiếng gió nhẹ trong sự yên lặng trang nghiêm.
Một trong những hành khách đều bước đi dạo dọc theo bao lơn tàu, dừng lại gần một người đang nằm dài trên một chiếc ghế, quan sát và khi người đó khẽ cử động, y hỏi:
– Tôi tưởng là cô ngủ, cô Alixơ.
– Không, không, ông Sôm ạ, tôi không buồn ngủ. Tôi suy nghĩ.
– Về cái gì? Có quá tò mò khi hỏi cô điều đó không?
– Tôi nghĩ về bà Đanhblơvan. Bà ấy chắc phải buồn lắm! Đời bà ấy thế là hết.
– Đâu, đâu có, – y hăng hái nói. – Điều sai lầm của bà ấy không phải là điều người ta không thể tha thứ được. Ngài Đanhblơvan sẽ quên đi sự yếu đuối ấy. Khi tôi và cô ra đi ông ấy đã đối xử với bà vợ đỡ khắt khe rồi.
– Cũng có thể… nhưng quên đi thì cũng còn lâu… và bà ấy đau khổ…
– Cô quý bà ấy lắm nhỉ.
– Vâng. Chính điều đó đã tạo cho tôi nhiều sức mạnh để cười khi tôi run lên vì sợ, để nhìn thẳng vào ông khi tôi muốn tránh mắt ông.
– Và cô có thấy bất hạnh khi rời xa bà ấy không?
– Rất bất hạnh. Tôi không còn cha mẹ, bạn bè gì… Tôi chỉ có bà ấy thôi.
– Cô sẽ có nhiều bạn bè – Thám tử Anh nói – vì nỗi buồn này làm cô bị xáo trộn, tôi hứa với cô điều đó… tôi có nhiều quan hệ… nhiều ảnh hưởng… tôi cam đoan là cô sẽ không hối tiếc về vị trí của cô.
– Cũng có thể, nhưng bà Đanhblơvan sẽ không có ở đó.
Họ không trao đổi thêm nữa. Héclốc Sôm đi hai ba lần vòng quanh boong rồi quay lại ngồi gần cô bạn đồng hành. Màn sương đã tan và những đám mây như tách ra khỏi bầu trời. Những vì sao nhấp nháy.
Sôm lấy chiếc tẩu ở túi áo choàng ra, nhồi thuốc và đánh liên tiếp bốn que diêm mà không châm được tẩu. Vì hết diêm, y đứng lên và nói với một ông ngồi gần đấy:
– Thưa ngài, ngài có lửa không ạ?
Ông đó lấy ra một bao diêm chịu gió và đánh. Một đốm lửa loé lên ngay. Sôm nhận ra Arxen Lupanh qua ánh lửa.
Nếu thám tử Anh không khẽ cử động, hơi lùi một chút, Lupanh có thể đặt giả thiết là y đã biết chàng có mặt trên tàu nhưng tên này đã tự chủ được và tự nhiên biết bao, chìa tay ra trước đối phương của mình.
– Mạnh khoẻ luôn chứ ông Lupanh?
– Hoan hô! – Lupanh tự chủ được thốt lên lời reo.
– Hoan hô à?… Tại sao?
– Như thế nào, tại sao à? Ngài thấy tôi lại xuất hiện như một bóng ma trước ngài, sau khi ngài đã chứng kiến tôi lộn xuống sông Xen – và phớt tỉnh, một sự phớt tỉnh kỳ lạ tôi cho là đặc biệt Anh, ngài chẳng hề có một cử chỉ sửng sốt, chẳng hề có một lời nói hốt hoảng! Quả thật, tôi xin nhắc lại, hoan hô, thật là đáng khen!
– Không đáng khen gì cả. Tôi thấy rõ là ông tự lao xuống khỏi thuyền theo cách của ông và ông không bị trúng đạn của tên cảnh sát.
– Và ngài đã bỏ đi chẳng cần biết tôi sẽ ra sao cả à?
– Ông sẽ ra sao à? Tôi biết. Năm trăm người đứng kín trên khoảng gần một kilômét hai bên bờ. Lúc ông thoát chết chắc chắn ông sẽ bị bắt.
– Thế mà tôi vẫn thoát đây.
– Ông Lupanh ạ, trên đời này có hai con người không có gì làm tôi ngạc nhiên cả: thứ nhất là tôi và thứ hai là ông.
Việc dàn hoà được thoả thuận.
Nếu Sôm không thu được kết quả gì trong việc đối địch với Arxen Lupanh, nếu Lupanh vẫn là kẻ thù đặc biệt phải từ bỏ vĩnh viễn việc bắt bớ, nếu trong những ngày xung đột bao giờ Lupanh cũng thắng. Với lòng kiên trì ghê gớm, thám tử Anh cố công tìm thấy chiếc đèn Do Thái như y đã phát hiện ra hạt kim cương xanh. Lần này có thể kết quả không rực rỡ bằng, nhất là về phương diện công chúng vì Sôm không được tiết lộ hoàn cảnh phát hiện ra chiếc đèn Do Thái và phải tuyên bố y chưa biết tên của thủ phạm. Nhưng từ người này đến người kia, từ Lupanh đến Sôm, từ tay trinh thám đến chàng đạo chích phải thẳng thắn mà nói là bất thắng bại. Một trong hai người đều có thể cho là thắng ngang bằng.
Vì thế họ nói chuyện với nhau như hai đối thủ lịch thiệp đã hạ vũ khí và biết tài nhau. Theo yêu cầu của Sôm, Lupanh thuật lại việc trốn thoát.
“Giả sử cứ cho đó là một việc trốn thoát đã – chàng nói. – Rất đơn giản thôi! Vì đã hẹn đến để lấy lại chiếc đèn Do Thái, các bạn của tôi quan sát cả. Do đó, sau khi ẩn hơn nửa tiếng đồng hồ dưới thân thuyền lộn ngược, tôi lợi dụng lúc Phônlăngphăng và quân của ông ta kiếm xác chết của tôi dọc đôi bờ để leo lên thuyền. Các bạn của tôi chỉ còn đón tôi khi xuồng máy đi qua và lướt đi dưới con mắt ngơ ngác của năm trăm người tò mò, của Ganimar và của Phônlăngphăng.
– Tuyệt đẹp! – Sôm thốt lên… rất đạt!… Và giờ đây ông có việc sang nước Anh à?
– Vâng, vài thứ cần thanh toán… Nhưng có quen được… ngài Đanhblơvan không?
– Ông ấy biết tất cả rồi.
– Chà! Thầy thân mến của tôi, tôi đã nói với thầy điều gì nhỉ? Điều sai lầm giờ thì không thể sửa được nữa. Để tôi hành động theo ý riêng có tốt hơn không? Chỉ còn một hay hai ngày nữa, tôi lấy lại chiếc đèn Do Thái cùng các vật khác ở tay Bretxông, tôi trả lại cho gia đình Đanhblơvan và hai con người hiền từ ấy sẽ sống yên lành bên nhau. Đáng lẽ thế…
– Đáng lẽ thế. – Sôm lầu bầu, – tôi đã làm rối loạn lên và gây ra chuyện bất hoà trong một gia đình mà ông đang che chở.
– Lạy Chúa, đúng, tôi che chở! Liệu có cần phải luôn luôn lấy cắp, lừa bịp và làm điều xấu không?
– Thế ông cũng làm việc tốt à?
– Khi tôi có thời gian. Và điều đó làm cho tôi thích thú. Tôi thấy rất kỳ lạ trong các vụ việc chúng ta tiến hành, tôi là thần hộ mạng luôn cứu giúp còn ngài lại là hung thần luôn đem đến nỗi thất vọng và nước mắt.
– Nước mắt! Nước mắt! – Thám tử Héclốc phản đối.
– Đúng thế! Gia đình Đanhblơvan tan vỡ và Alixơ Đơmun khóc.
– Cô ấy không thể ở lại được.., Ganimar cuối cùng vẫn phát hiện ra… và từ cô ấy sẽ dẫn tới bà Đanhblơvan thôi.
– Tôi hoàn toàn tán thành ý của ngài. Nhưng lỗi tại ai hả thầy?
Hai người đi qua trước mặt họ. Sôm nói với Lupanh bằng một giọng hơi thay đổi:
– Ông có biết các ngài kia là ai không.
– Tôi tin đó là chỉ huy con tàu.
– Và người kia?
– Tôi không rõ.
– Đó là ngài Ôtxtanh Gilet. Và ngài Ôtxtanh Gilet có một vị trí ở nước Anh tương tự như ngài Đuyđui cảnh sát trưởng của các ông.
– Chà! May mắn làm sao! Ngài có thể vui lòng giới thiệu tôi được không? Ngài Đuyđui là một trong số những bạn tốt của tôi và tôi sẽ lấy làm vinh dự có thể ca ngợi như thế đối với ngài Ôtxtanh Gilet.
Hai ngài phụ trách cảnh sát lại đi tới.
– Thế tôi nghe theo lời ông, ông Lupanh nhỉ? – Sôm vừa nói vừa đứng dậy.
Y nắm lấy cổ tay Arxen Lupanh và siết thật chặt.
– Sao lại siết chặt thế, thầy? Tôi đã hoàn toàn sẵn sàng để theo ngài mà.
Thực vậy, Lupanh để Sôm kéo đi không hề kháng cự gì. Hai người phụ trách đi xa dần. Sôm rảo bước. Những móng tay y đâm cả vào thịt Lupanh.
– Nào… nào… – Y lập cập thốt to lên như để thanh toán mọi việc sớm nhất… – Nào! nhanh hơn lên đi.
Nhưng y dừng lại ngay: Alixơ Đơmun đã theo sau họ.
– Làm gì thế cô Alixơ! Vô ích… Đừng theo chúng tôi.
Chính Lupanh đã trả lời:
– Xin thầy hãy xem, cô ấy không tự ý theo đâu. Tôi đã siết cổ tay cô ấy thật chặt hệt như ngài đã làm với tôi.
– Tại sao thế?
– Thế nào! Nhưng tôi nhất thiết phải giữ để cùng giới thiệu cô ấy chứ. Vai trò của cô ấy trong vụ chiếc đèn Do Thái còn quan trọng hơn tôi nhiều. Là tòng phạm của Arxen Lupanh, tòng phạm của Bretxông, cô ấy cũng phải khai chuyện của bà nam tước Đanhblơvan nữa – điều mà pháp luật cũng rất chú ý… Và bằng cách ấy ngài có thể nâng sự can thiệp từ thiện lên mức cao nhất, ngài Sôm hào hiệp ạ.
Thám tử Anh buông tay người bị bắt và Lupanh thả cô Đơmun. Họ đứng yên lặng trước mặt nhau một lát. Rồi Sôm quay lại ghế và ngồi xuống. Lupanh và cô gái cũng về chỗ minh. Một khoảng yên lặng kéo dài ngăn chia họ. Rồi Lupanh nói:
– Thầy thấy không, dù có làm gì đi nữa, chẳng bao giờ chúng ta ở cùng một bên cả. Ngài ở một bên miệng hố, còn tôi ở lại bên kia. Có thể chào, bắt tay nhau, trao đổi một lát nhưng hố ngăn đôi vẫn còn đó. Ngài sẽ mãi mãi là thám tử Héclốc Sôm và tôi là tên trộm Arxen Lupanh. Và Héclốc Sôm sẽ mãi mãi, sớm hay muộn tuân theo bản năng thám tử tức là hăm hở theo dõi tên trộm và “nhốt nó vào” nếu được. Đồng thời phù hợp với tấm lòng kẻ trộm, Arxen Lupanh vừa tránh cái tóm tay của nhà thám tử và vừa giễu cợt hắn nếu làm được. Và lần này thì làm được! Ha ha ha!
Chàng phá lên cười, một cái cười láu lỉnh, ác độc, và ghê gớm. Rồi bất chợt, chàng nghiêm nghị nghiêng về phía cô gái và nói:
– Thưa cô, xin cô hãy tin chắc là tôi không bao giờ phản lại cô dù có bị dồn tới chân tường. Arxen Lupanh không phản ai bao giờ nhất là đối với những ai hắn yêu mến và ngưỡng mộ. Và cô cho phép tôi nói là tôi mến và phục con người dũng cảm và quý giá của cô.
Chàng lấy ở ví ra một tấm danh thiếp, xé làm đôi, đưa một nửa cho cô gái và vẫn giọng xúc động, kính cẩn nói:
– Thưa cô, nếu ngài Sôm không làm xong việc, xin cô hãy đến gặp bà Xtrôngbôrut (cô sẽ thấy nhà bà ấy ở hiện nay dễ dàng). Cô hãy đưa cho bà ấy nửa tấm danh thiếp này và nói mấy chữ “kỷ vật chung thuỷ”. Bà Xtrôngbôrut sẽ hết lòng với cô như một bà chị.
– Xin cám ơn, – cô gái đáp, – ngày mai tôi sẽ đến chỗ bà đó.
– Và bây giờ, thầy ạ, tôi chúc thầy ngủ ngon, – Lupanh nói với giọng hả hê của một người đã làm xong nhiệm vụ. – Chúng ta còn phải ngồi trên tầu một tiếng nữa cơ. Tôi tận dụng thời gian đó đây.
Chàng nằm duỗi thẳng người ra và để tay sau gáy.
Bầu trời mở rộng ra nhờ ánh trăng. Quanh những vì sao và trên mặt nước biển, ánh sáng rạng rỡ nở ra. Mặt trăng nổi trên nước, những đám mây cuối cùng cũng đã tan và khoảng không bao la như thuộc về nó.
Đường bờ biển lộ ra ở chân trời tối ám. Hành khách lên thang. Boong tàu bây giờ đầy người. Ngài Ôtxtanh Gilet đi qua có hai người, mà Sôm nhận ra là nhân viên cảnh sát Anh, đi kèm.
Lupanh ngủ ngon lành trên ghế…

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.