Lúc ba giờ sáng có sáu chiếc xe ô tô đậu trước phòng trưng bày tranh chiếm dọc một bên đường Bertier. Cổng mở, một đoàn khách đàn ông lẫn đàn bà bước ra. Bốn chiếc xe chạy theo hai ngã; trên đường chỉ còn hai người chia tay nhau trước nhà một ông ở góc đường, ông còn lại đi bộ, bước qua đường và đi trên hè phố. Đêm mùa đông se lạnh, trong sạch, đi bộ thật dễ thở, ông thích thú nhanh nhẹn rảo bước.
Một lúc sau ông có cảm giác khó chịu như có người đi theo mình. Ngoảnh lại thì đúng thật, một bóng người ẩn ngay vào gốc cây. Ông không sợ nhưng bước nhanh để chóng về nhà. Người đi sau chạy tới, ông hơi lo, nghĩ phải giáp mặt với quân vô lại bèn rút khẩu súng ngắn và…
Không kịp nữa, người kia xông vào nhanh và một cuộc ẩu đả xảy ra trên phố vắng. Hai người ôm nhau vật lộn rồi ông cảm thấy mình thất thế, ông kêu cứu, vùng vẫy nhưng bị vật nhào xuống đống đá; đối thủ chẹt cổ và nhét khăn vào miệng ông. Mắt ông nhắm lại, tai ù lên sắp ngất đi, bỗng nhiên được nới lỏng; kẻ tì ông đến nghẹt thở phải đứng lên chống lại một tấn công bất ngờ. Bị một gậy trên tay, cú đá vào mắt cá… hắn gầm lên đau đớn, vừa bỏ chạy khập khiễng vừa chửi rủa.
Không thèm đuổi theo, người mới đến cúi xuống hỏi: “Ông có bị thương không, thưa ông?”
Ông không bị thương nhưng người tê dại, không đứng lên dược. May sao có một nhân viên phòng vệ nghe tiếng chạy đến. Anh này gọi một chiếc xe, ông lên xe dựa vào người đã cứu ông chạy về nhà.
Trước cửa nhà, đã lại sức, ông sốt sắng cám ơn:
– Thưa ông, ông cứu sống tôi, không bao giờ tôi quên được. Tôi không muốn làm vợ tôi sợ hãi lúc này nhưng chắc chắn từ hôm nay, bản thân bà cũng rất đội ơn ông.
Ông mời ân nhân trưa mai đến nhà ăn uống và nói tên: Ludovick Jmbert, đồng thời hỏi: – Ông có thể cho tôi hân hạnh biết tên…
– Tất nhiên, thưa ông. Người kia tự giới thiệu “Arsène Lupin”.
Dạo đó Arsène Lupin chưa nổi tiếng về vụ Cahorn, vụ vượt ngục và những phi vụ khác, cũng chưa gọi là Arsène Lupin. Tên tuổi sau này rất quang vinh ấy, chỉ đặc biệt được nghĩ ra để xưng danh người cứu ông Jmbert và mới xuất hiện lần đầu tiên việc này. Anh sẵn sàng chiến đấu, trang bị đầy đủ nhưng không có tiền lực, không có uy quyền để nắm chắc kết quả. Arsène Lupin lúc đó mới là dân tập sự trong một nghề mà sau này trở thành bậc thầy.
Vì vậy anh xiết bao vui sướng khi được mời đến ăn trưa. Như vậy đã với tới đích, sẽ làm một việc xứng đáng với sức lực và tài năng của mình! Những triệu bạc của gia đình Jmbert là mồi ngon cho người khao khát như anh!
Anh bận bộ quần áo đặc biệt, một áo lễ xơ xác, quần đã sờn, viền mũ lụa hơi đỏ, tay áo và cổ cồn sờn mép, toàn bộ sạch sẽ nhưng có vẻ nghèo nàn. Cà vạt là một giải băng đen găm một viên kim cương thật lớn. Ăn mạc nhố nhăng như vậy, anh xuống cầu thang căn nhà đang ở. Đến tầng ba không dừng lại, anh lấy đầu gậy gõ vào một cánh cửa đóng. Ra ngoài anh đi một đoạn rồi lên tàu điện ngồi. Người ở tầng ba đi theo anh, lên ngồi bên cạnh.
Sau một lúc người này hỏi: – Thế nào ông chủ?
– Tốt rồi. Tôi đến ăn trưa ở đấy.
– Ông ăn trưa ở đó kia à?
– Hi vọng anh không muốn tôi lãng phí thì giờ quý báu chứ? Tôi cứu thoát ông Jmbert khỏi chết bởi tay anh, ông ta không vô ơn, đã mời tôi đến ăn uống.
Im lặng một lát, người kia thăm dò: – ông không bỏ việc ấy chứ?
– Này cậu bé, anh nói. Tôi tổ chức vụ tấn công vất vả lúc ba giờ sáng dọc đường, cho anh một gậy vào tay, một cú đá vào xương ống chân suýt làm hại người bạn độc nhất của tôi, không phải để bây giờ từ bỏ cái lợi của việc cứu người được xếp đặt khéo léo như thế.
– Nhưng có những tiếng đồn không hay về tài sản…
– Mặc họ đồn. Sáu tháng nay tôi theo đuổi công việc, thăm dò, nghiên cứu, giăng lưới, hỏi những người hầu, những người cho vay, sáu tháng tôi lén lút bên cạnh vợ chồng ông bà ấy. Vì thế tôi biết phải làm gì. Cho dù tài sản do cụ cố để lại như họ tự hào hay do nguồn nào khác, tôi khẳng định có tài sản đó. Và vì có, nó phải thuộc về tôi.
– Chà, chà! Một trăm triệu!
– Cứ cho là mười thậm chí năm cũng được, có những tập chứng khoán lớn trong tủ két. Có ngày tôi sẽ lấy được chìa khóa.
Tàu điện ngừng. Người đi theo anh thì thầm: – Bây giờ tôi phải làm gì?
– Lúc này không có việc gì làm. Tôi sẽ tin cho anh sau.
Arsène Lupin bước lên cầu thang sang trọng của ngôi nhà ông Jmbert. Ông giới thiệu anh với bà vợ. Đó là một người đàn bà nhỏ nhắn, tròn lẳn, vui chuyện, đón tiếp anh rất ân cần. Bà nói:
– Chúng tôi muốn chỉ riêng chúng tôi chào mừng ân nhân của gia đình.
Ngay từ đầu họ đối xử với “ân nhân gia đình” như một người bạn thân từ lâu. Đến giờ ăn tráng miệng họ đã hoàn toàn thân mật và thả sức tâm sự. Arsène Lupin kể về đời mình, đời ông bố, một viên tư pháp thanh liêm, kể về những ngày thơ ấu đáng buồn và những khó khăn hiện tại. Bà chủ đến lượt mình, kể về tuổi thanh xuân, đám cưới, lòng tốt của cụ cố để lại cho một trăm triệu thừa kế, những trở ngại làm cho họ hưởng thụ chậm đi, những món nợ bà phải vay lãi suất cực lớn, những bất hòa kéo dài với những người cháu của cụ, những chống đối, bảo lãnh, nghĩa là tất cả! Bà phàn nàn:
– Thưa ông Lupin, ông thử nghĩ xem, những chứng khoán nằm đó bên cạnh bàn làm việc của chồng tôi và nếu lấy ra một mảnh chúng tôi sẽ mất hết! Chúng nằm đó trong tủ két mà chúng tôi không thể sờ đến!
Lupin hơi rùng mình với ý nghĩ gần kề những chứng từ đó; anh có cảm giác rõ ràng mình không cao thượng đến mức ngần ngại như người đàn bà tốt bụng này. Cổ họng khô lại, anh lẩm bẩm:
– A! Chúng đang ở đó!
– Chúng ở cả đó.
Những câu chuyện bắt đầu có nhiều triệu chứng tốt như thế thắt chặt thêm tình cảm và được tế nhị hỏi thăm, Arsène Lupin thú thật sự nghèo túng, thất vọng của anh. Lập tức anh được mời làm thư ký riêng cho đôi vợ chồng, mức lương hàng tháng một trăm năm mươi phrăng. Anh vẫn ở nhà anh nhưng ngày ngày đến làm việc và để thuận tiện người ta bố trí cho anh một phòng làm việc ở tầng ba. Anh lên chọn phòng và do sự tình cờ nào mà phòng ấy ở ngay phía trên phòng làm việc của gia đình Jmbert.
Không bao lâu, Arsene nhận ra rằng nhiện vụ thư ký rất giống với việc ngồi không. Trong hai tháng, anh chỉ viết lại hai bức thơ vô vị và chỉ có một lần được gọi vào bàn giấy của ông chủ, một dịp chính thức tham quan chiếc tủ két. Ngoài ra anh để ý thấy người ngồi không này không xứng đáng ra mắt những ông nghị viên luật sư… vì người ta không để anh tham dự những cuộc tiếp xúc xã hội long trọng.
Anh không phật lòng về việc đó vì muốn được tách ra tự do, giữ địa vị khiêm tốn của mình. Tuy nhiên anh không để thì giờ lãng phí, đấu tiên thực hiện một số thăm viếng bí mật phòng ông Jmbert và chiếc tủ sắt luôn luôn đóng kín. Đấy là một khối sắt thép lớn, trông dáng dễ sợ, cưa khoanh, kìm đối với nó không ăn thua gì. Anh không cố chấp, tự nhủ: “Ở đâu sức mạnh thất bại thì ở đó mưu mẹo sẽ thành công; chủ yếu con mắt, lỗ tai bám thật sát”.
Anh dùng những biện pháp cần thiết và sau những thăm dò tỉ mỉ, xuyên một ống chì qua sàn phòng anh đến trần gian phòng làm việc của ông chủ, giữa hai đường gờ hiên nhà. Từ đường ống đó, với ống nghe và kính nhìn xa, anh hy vọng nghe và thấy được phía dưới. Từ đó anh thường nằm sấp trên sàn, nghe thấy vợ chồng Jmbert trao đổi với nhau trước tủ két, xét duyệt tài liệu và hồ sơ, sổ sách. Khi họ vặn liên tiếp bốn nút điểu khiển ổ khóa, anh gắng tìm số bằng đếm nấc vặn. Anh theo dõi mọi cử chỉ, lời nói của nọ, xem cách họ giấu chìa khóa ra sao.
Một hôm thấy họ ra khỏi phòng không đóng tủ két, anh đi vội xuống, cương quyết vào phòng. Họ quay trở lại, anh nói:
– Xin lỗi ông bà, tôi nhầm cửa.
– Bà chủ kéo anh vào: – Ông Lupin, mời ông vào? Đây không phải nhà ông sao? Ông cho chúng tôi một lời khuyên: nên bán loại chứng từ nào chứng khoán nước ngoài hay phiếu công trái?
– Thế phản ứng chung thế nào? Lupin ngạc nhiên hỏi lại.
– Ồ, họ không đánh vào tất cả các chứng khoán.
Bà mở rộng cánh tủ. Những chiếc cặp buộc dây vải chồng chất trên các ngăn. Bà cầm một tập nhưng ông chồng ngăn lại:
– Đừng, đừng. Điên mà bán loại chứng khoán nước ngoài, nó còn lên… Phiếu công trái đang cao hơn. Ông nghĩ sao, bạn thân mến?
Ông “bạn thân mến” không có quan điểm gì nhưng cũng khuyên nên hy sinh phiếu công trái. Bà vợ lấy tập khác và tình cờ rút một tờ. Đó là tờ phiếu một nghìn ba trăm bảy mươi tư phrăng, lãi suất ba phần trăm. Ông chồng bỏ vào túi và buổi chiều, cùng với viên thư ký, ông bán tờ phiếu và thu được bốn mươi sáu nghìn phrăng.
Bà chủ nói gì thì nói, Arsène Lupin vẫn không cảm thấy như ở nhà mình. Ngược lại, hoàn cảnh anh ở trong ngôi nhà Jmbert có nhiều điều lạ. Một số dịp cho thấy những người hầu không biết tên anh và gọi anh là ông. Ông chủ thì bao giờ cũng gọi “ông”, như: “Anh báo cho ông”… “ông ấy đến chưa?”
Vì sao có lối gọi khó hiểu như vậy? Hơn nữa, sau buổi đầu nhiệt tình ông bà Jmbert rất ít nói chuyện với anh; ngoài việc đối xử cần thiết với một ân nhân họ không quan tâm đến anh nữa. Người ta có vẻ xem anh như một người đặc biệt, không thích bị quấy rầy, nguyên tắc là lối sống đơn độc, tính thất thường của anh. Một lần đi qua tiền sảnh, anh nghe bà chủ nói với hai ông khách: “Ông ta đến là dã man!”
Anh nghĩ: “Được rồi, tôi dã man…” Và cũng chẳng cần tìm hiểu những điều kỳ quặc của họ, anh tiến hành thực hiện kế hoạch của mình. Biết chắc không nên trông chờ vào tình cờ hoặc sự dại dột của bà chủ vì chìa khóa tủ két bà không bao giờ rời ra, thậm chí khi đi còn làm rối hàng chữ số ở khóa. Phải hành động thôi!
Một sự kiện thúc đẩy công việc làm là dư luận báo chí công kích mạnh gia đình Jmbert. Người ta lên án họ lừa gạt. Arsène Lupin chứng kiến diễn biến của tấn kịch này, biết những hoạt động tố cáo họ và thấy nếu để chậm nữa thì mất hết.
Năm ngày liền đáng lẽ ra về lúc sáu giờ như thường lệ thì anh ở lại trong phòng và người ta tưởng anh về rồi. Anh nằm dài trên sàn theo dõi việc làm của chủ nhân. Năm đêm chờ cơ hội thuận tiện nhưng không có dịp, anh ra về lúc nửa đêm, theo một cánh cửa nhỏ thẳng xuống sân mà anh có chìa khóa.
Đêm thứ sáu anh biết chủ nhân dự định mở tủ két thống kê lại chứng từ để trả lời những ám chỉ độc địa. Lupin tự nhủ: “Đêm nay sẽ ra tay”.
Sau bữa ăn tối, ông chủ vào bàn giấy, bà vợ theo vào. Họ tra cứu sổ sách. Một giờ trôi qua, rồi một giờ nữa. Những người hầu đã đi nằm, tầng hai bây giờ chẳng có ai. Đến nửa đêm, ông bà chủ vẫn tiếp tục công việc.
Lupin lẩm bẩm: “Làm thôi!” Anh mở cửa sổ trông ra sân. Đêm không trăng sao, tối mò. Anh lấy trong tủ ra một cuộn dây có thắt nút, buộc chặt vào thang ban công, bước lên và dựa vào cái máng, nhẹ nhàng xuống đến cửa sổ phía dưới. Đây là cửa sổ phòng làm việc của chủ nhân, có tấm vải dày che căn phòng. Yên lặng một lúc nghe ngóng rồi anh khẽ đẩy hai cánh cửa kính ban chiều anh đã vặn thanh sắt dọc để cửa không khóa được, cẩn thận mở rộng thêm để ló đầu vào trong được. Qua ánh sáng giữa hai cánh màn không khít nhau, anh thấy vợ chồng Jmbert ngồi bên cạnh tủ két.
Họ tập trung vào công việc, chỉ nói với nhau rất ít, và nhẹ giọng. Arsène Lupin tính toán khoảng cách – dự tính những động tác chính xác để tấn công mà họ không kịp kêu cứu, đang sắp thực hiện thì nghe bà vợ nói:
– Gian phòng lạnh quá rồi, em đi nằm đây, còn anh thì sao?
– Anh làm xong đã.
– Làm xong thì phải suốt đêm!
– Không, quá lắm là một tiếng đồng hồ nữa thôi.
Bà Jmbert đi ra. Hai mươi phút rồi ba mươi phút trôi qua. Arsène đẩy thêm cửa sổ làm tấm màn rung rinh, ông chủ quay lại, thấy màn cửa bị gió tung bèn đứng dậy lại khép cửa…
Với mấy động tác chính xác và không để ông ta bị đau, Arsène làm ông choáng voáng, trùm đầu ông vào màn. Không một tiếng kêu, một biểu hiện chống cự; ông cũng không nhìn được kẻ tấn công.
Nhanh nhẹn lại tủ két lấy hai chiếc cặp kẹp vào cánh tay, Lupin ra khỏi phòng, xuống cầu thang ra sân mở cổng phụ. Một chiếc xe đậu sẵn bên đường. Anh bảo người lái:
– Cầm cái này và đi theo tôi.
Anh trở lên, khua hai lần lấy hết các thứ trong tủ két rồi lên phòng mình cởi cuộn dây, xóa dấu vết là xong.
Mấy tiếng sau có người bạn giúp, anh lục lọi hai chiếc cặp. Không thất vọng theo dự đoán nhưng cũng thấy tài sản gia đình Jmbert không quan trọng như người ta đồn đại. Không có hàng trăm triệu, thậm chí hàng chục nhưng tổng hợp lại cũng được con số đáng kể và có giá trị chứng khoán lớn. Anh thỏa mãn tuyên bố: “Tất nhiên lúc đến thời gian trao đổi sẽ có tình trạng giảm giá nhiều; ta sẽ gặp chống đối và nhiều lần thanh toán giá hạ. Kệ nó, với việc xây dựng vốn lần đầu như thế này mình có thể sống theo ý mình… và thực hiện được một số ước mơ vẫn ấp ủ trong lòng.”
– Thế số còn lại này?
– Có thể đốt đi cậu bé ạ. Đống giấy tờ này để trong tủ két thì đẹp đấy nhưng với chúng ta vô ích thôi. Các chứng khoán chúng ta cứ giữ yên chờ cơ hội thuận lợi.
Hôm sau Arsène nghĩ không vì lý do gì mà không trở lại nhà Jmbert. Nhưng đọc báo anh thấy một tin bất ngờ: vợ chồng Jmbert mất tích. Việc điều tra được tiến hành và khi trịnh trọng mở tủ két, nhân viên tư pháp chỉ thấy những gi mà Lupin để lại… rất ít ỏi.
Trên đây là nội dung và diễn biến một số sự việc Arsène Lupin nhúng tay vào. Tôi được chính anh trong một ngày sốt sắng tâm sự. Anh đi lại trong phòng làm việc của tôi, đôi mắt hơi đỏ, không nhận ra được đôi mắt trước kia.
Tôi hỏi: – Tom lại, đó là phi vụ khá nhất của anh chứ?
Không trả lời thẳng vào câu hỏi, anh nói:
– Trong sự việc này có những bí mật không khám phá ra được. Sau những điều tôi kể lại với anh còn bao nhiêu điều tối tăm. Tại sao có cuộc bỏ trốn? Tại sao họ không lợi dụng việc tôi làm để cứu nguy cho họ? Chỉ đơn giản nói: một trăm triệu trong tủ két bị trộm lấy mất!
– Họ rối trí mà.
– Phải họ rối trí… Nhưng đúng là…
– Đúng là gì?
– Không, không có gì..
Câu nói dở dang ấy hàm ý gì? Rõ ràng anh không nói hết và cố ý không nói. Tôi băn khoăn. Điều gì đó phải trầm trọng mới khiến một con người như thế ngập ngừng.
Tôi vô tình hỏi:- Anh không gặp lại họ à?
– Không.
– Anh không có lúc nào thương hại hai vợ chồng không may ấy?
– Tôi ư? Anh giật mình bật ra.
Sự phản đối ấy làm tôi ngạc nhiên, có lẽ tôi đã đánh trúng nên nói thêm:
– Tất nhiên, không có anh có thể họ không bị nguy khốn…. hoặc ít nhất cũng ra đi với những chiếc túi đầy.
– Anh muốn nói tôi phải hối hận, đúng không? Anh đấm mạnh xuống bàn tôi.
– Anh có thế gọi là hối hận, hối tiếc, một tình cảm nào đấy…
– Một tình cảm nào đấy với những người….
– Với những người anh tước đi của họ cả một tài sản.
– Tài sản nào?
– Thì hai hay ba tập chứng khoán ấy…
– Hai hay ba tập chứng khoán! Tôi tước của họ hai hay ba tập chứng khoán, một phần tài sản thừa kế? Lỗi của tôi thế đấy! Mẹ kiếp, anh bạn thân mến, anh không đoán được đó là những chứng khoán giả mạo… Anh nghe thấy không?
– Chứng khoán giả? Tôi sửng sốt nhìn anh: – Giả mạo bốn, năm triệu ấy à?
Anh tức tối kêu lên:
– Giả! Cực giả! Giả tất. Những bảo lãnh, chứng khoán, vốn Nhà nước… chỉ là giấy! Tôi không rút được một xu nào từ cả khối đó, thế mà anh bảo tôi phải hối hận! Đúng ra họ phải ăn năn, đã chơi tôi như với một kẻ khờ dại thô thiển; họ vặt tôi trong việc lừa gạt cuốỉ cùng của họ.
Anh nổi giận thật sự, tự ái, căm hận:
– Từ đầu đến cuối tôi bị đánh bại hoàn toàn. Anh có biết tôi giữ vai trò gì, đúng hơn là họ bắt tôi giữ vai trò gì trong việc này? Vai trò, của một André Brawford! Tôi chỉ là người chứng kiến sự lừa gạt! Sau này qua báo chí và so sánh một số chi tiết tôi mới nhận thấy. Trong lúc tôi nghĩ mình là một người làm ơn, tự hy sinh để cứu họ khỏi nanh vuốt một kẻ vô lại thì họ biến tôi thành một người trong gia đình. Brawford.
Thế có tuyệt vời không? Con người tính tình khác thường ở căn phòng tầng ba, con người họ nói dã man là Brawford, và Brawford là chính tôi! Nhờ tôi, nhờ sự tín nhiệm của tôi dưới danh nghĩa Brawford nên các chủ ngân hàng cho vay, những công chứng viên khuyến khích khách, hàng của họ cho vay!
Thật là trường dạy nghề cho một người mới tập sự. Xin cam đoan với anh, tôi đã sử dụng được bài học đó!
Anh ngừng lại, nắm tay tôi, nói giọng phẫn nộ nhưng cũng có khía cạnh thán phục:
– Bạn thân mến, hiện bà Jmbert còn nợ tôi một nghìn năm trăm phrăng!
Tôi không nhịn được cười về điều đó. Một chuyện khôi hài thú vị. Bản thân anh cũng bật cười vui vẻ:
– Đúng, một nghìn năm trăm phrăng. Tất cả món tiền tiết kiệm thời trai trẻ! Anh có biết để làm gì không?… Nói là để cho những người nghèo khổ được bà ta giúp đỡ nhưng không muốn cho ông chồng biết. Và thế là tôi bị vặt, kỳ lạ chứ? Arsène Lupin bị lừa một nghìn năm trăm phrăng, bởi một người đàn bà tốt bụng mà anh ta lấy trộm bốn triệu chứng khoán giả! Và biết bao công sức, tính toán, mưu mẹo đi đến kết quả đẹp đẽ đó!
Đây là lần thất bại duy nhất trong đời tôi. Mẹ kiếp, lần ấy tôi phải trả giá nặng nề và cũng đáng lắm!…