Một hồi chuông làm người gác cổng nhà số 9 đại lộ Hoche tỉnh dậy. Bà bực bội kéo dây mở cửa: “ít nhất cũng đã ba giờ sáng. Tôi tưởng mọi người về hết rồi!” Ông chồng thì càu nhàu: “Chắc có người vào nhà bác sĩ”.
Quả vậy, một tiếng hỏi:
– Bác sĩ Harel… ở tầng mấy?
– Tầng ba, bên trái. Nhưng ban đêm bác sĩ không tiếp đâu.
– Ông ấy phải tiếp.
Một người đàn ông vào tiền sảnh, leo lên một tầng, hai tầng, và không dừng lại trước phòng bác sĩ mà tiếp tục lên đến tầng năm. Ở đây anh ta thử hai chìa khóa, một ở ổ khóa và một ở chốt cửa có khóa. Anh lẩm bẩm:
– Tuyệt, công việc đơn giản đi rất nhiều. Nhưng trước khi hành động phải bảo đảm đường rút lui. Thì giờ cần để gõ cửa nhà bác sĩ và bị ông từ chối phải bỏ đi đã hợp lý chưa? Chưa… kiên nhẫn đã…
Sau mười phút, anh ta đi xuống, vừa đụng vào tấm cửa vuông căn nhà vừa chửi rủa bác sĩ. Người gác mở cửa và khép lại sau lưng anh ta. Nhưng cánh cửa không chốt được vì anh đã nhanh nhẹn bỏ một miếng sắt vào vòng chốt cửa để lưỡi khóa không vào được.
Rồi anh ta trở vào mà người gác cổng không biết. Trường hợp có động anh cũng đã có đường an toàn rút lui. Bình tĩnh, anh leo năm tầng gác.
Ở tiền sảnh, dưới ánh sáng một ngọn đèn, anh bỏ áo ngoài và mũ xuống một chiếc ghế, ngồi trên một chiếc khác bọc đôi giày có cổ bằng một đôi giày vải phớt dày. Chà, được rồi… thật dễ dàng! Mình tự hỏi vì sao mọi người không chọn nghề ăn trộm cho chắc chắn? Chỉ một chút khéo léo và suy nghĩ thì không nghề nào tuyệt bằng. Một nghề nhẹ nhàng… làm chủ gia đình… tiện lợi quá, thậm chí… trở thành vô vị! (bó tay, kaka)
Anh ta mở xem sơ đồ chi tiết căn phòng: Bắt đầu từ định hướng. Đây là tiền sảnh hình chữ nhật mình đang ngồi. Bên cạnh đường đi là phòng khách, phòng ngủ và phòng ăn. Không nên mất thì giờ ở đó; bà bá tước hình như có một sở thích đáng thương hại… Không một đồ chơi có giá trị!… Phải đi thẳng đến đích… A! Đây là lối đi vào các phòng, vào ba mét sẽ gặp cửa phòng quần áo thông sang phòng bà bá tước. Anh xếp sơ đồ, tắt đèn và vừa bước theo lối đi vừa đếm:
– Một mét… hai..; ba…cửa đây rồi…. Mọi việc như đã tự sắp đặt! Một ổ khóa đơn giản ngăn cách gian phòng, cách sàn nhà một mét bốn mươi ba…
Chỉ một đường cắt nhẹ xung quanh là lấy đi được.
Anh lấy trong túi ra những dụng cụ cần thiết nhưng chợt nghĩ: – Nếu tình cờ không khóa… xem sao đã! Anh quay nắm đấm cửa mỏ. – Anh bạn Lupin, cơ hội tốt thật rồi! Làm gì đấy? Nắm rõ địa hình, biết chỗ bà bá tước giấu viên ngọc… Bây giờ phải nhẹ nhàng hơn im lặng, vô hình hơn đêm tối!
Arsène Lupin phải mất nửa tiếng để mở cánh cửa thứ hai vào gian phòng, làm cẩn thận đến mức nếu bà bá tước không ngủ thì cũng chẳng có tiếng động nào làm bà chú ý. Theo sơ đồ anh phải vòng quanh chiếc ghế dài, đến một ghế tựa rồi một cái bàn nhỏ gần giường; trên bàn có một hộp đựng thư từ và trong hộp là viên ngọc đen.
Anh vươn dài trên thảm sàn và vòng theo chiêc ghế dài. Nhưng đến đầu ghế anh dừng lại nén nhịp tim đập mạnh. Không có gì làm anh sợ nhưng không dẹp được hồi hộp trong tình trạng quá tĩnh mịch này. Anh cũng hơi lạ, đã từng vô cảm trước những trường hợp nghiêm trọng hơn, không có nguy hiểm nào đe dọa mà sao tim anh đập như chuông rung thế này? Hay vì người đàn bà đang ngủ kia có cuộc đời gần giống cuộc đời anh đã tác động đến anh?
Anh lắng nghe, hình dung lại nhịp đập hơi thở, lấy lại bình tĩnh coi như một cuộc gặp gỡ bè bạn, sờ chiếc ghế tựa và nhẹ nhàng bò đến cái bàn nhỏ, đưa tay mò mẫm trong bóng tối, bàn tay đụng phải một chân bàn.
Xong rồi! Anh chỉ còn đứng dậy lấy viên ngọc và ra đi. Nhưng tim anh lại bắt đầu nhảy trong lồng ngực như một con vật sợ hãi, đập to đến nỗi anh nghĩ bà bá tước phải thức dậy. Với ý chí quyết tâm, anh bình tĩnh, sắp đứng dậy thì tay trái đụng phải một vật trên tấm thảm và anh biết ngay là đèn nến bị đổ, tiếp đó lại một vật khác, chiếc đồng hồ du lịch có bao da.
Sao vậy? Có việc gì xảy ra ở đây thế? Chiếc đèn…đồng hồ… sao những vật này không nằm ở chỗ thường ngày? Chà! Chắc có việc gì đó trong đêm tối đáng sợ! Đột nhiên anh kêu lên một tiếng: vừa đụng phải… một vật gì lạ lùng không xác định được! Không, có lẽ sợ hãi làm anh rối trí. Anh yên lặng hai mươi, ba mươi giây, lo lắng, mồ hôi toát ra trán, những ngón tay còn cảm giác đụng chạm đó.
Với sự cố gắng phi thường anh lại vươn cánh tay, bàn tay đụng vào vật lạ, sờ soạng xem để biết rõ. Đó là mái tóc, một khuôn mặt…, khuôn mặt lạnh lẽo như đóng băng.
Dù sự thật có đáng sợ đến mấy thì một người như Arsène Lupin cũng tự kiềm chế được. Anh nhanh chóng bật đèn. Một người đàn bà nằm dài trước mặt anh, đầy máu. Nhiều vết thương khủng khiếp làm toác cổ và vai. Cúi xuống thấy bà đã chết, nhìn vào đôi mắt bất động, nhếch miệng, nước da xanh nhợt, máu chảy tràn trên thảm đã đóng lại, anh sợ hãi lặp đi lặp lại: “Chết, chết!”
Đứng thẳng dậy, trong gian phòng sáng anh thấy những dấu vết một cuộc giằng co quyết liệt. Giường xộc xệch, chăn đệm vung vãi; dưới sàn thì chiếc đèn rồi đồng hồ – kim chỉ mười một giờ hai mươi phút, xa hơn là một chiếc ghế bị lật nhào và máu… những vũng máu khắp nơi.
Anh lẩm bẩm: “Còn viên ngọc đen?” Hộp đựng thư còn trên bàn, mở ra thấy chiếc hộp rỗng; Anh tự nhủ:- Anh bạn Arsène Lupin, anh tự khoe vận may hơi sớm… Bà bá tước bị giết, viên ngọc đen bị mất, tình hình chẳng sáng sủa gì! Biến thôi, không thì sẽ trách nhiệm nặng đấy!
Tuy thế, anh không nhúc nhích: – Chạy à? Một người khác thì bỏ chạy nhưng Arsène Lupin… Không làm gì hơn được ư? Nào, xem lại trình tự… Để lương tâm mình cũng được thanh thản…, thử ví dụ mình là nhân viên cảnh sát và phải, tiến hành một cuộc điều tra… Nhưng, phải có đầu óc minh mẫn mà đầu óc mình đang trong tình trạng thế này!
Anh ngồi xuống ghế tựa, tay bóp trán nóng bỏng. Sự việc ở đường Hoche là một trong những vụ làm pháp luật bối rối trong thời gian gần đây nếu không có sự tham gia của Arsène Lupin. Sự tham gia ấy ít người nghĩ đến; không ai biết được sự thật chính xác và kỳ lạ đó.
Cựu nữ ca sĩ, vợ góa của bá tước d’Andillot, cách đây hai mươi năm là bá tước phu nhân đã làm lóa mắt Paris vì những trang sức sang trọng bằng kim cương và ngọc, nổi tiếng khắp châu Âu. Người ta nói bà mang trên đôi vai mình két bạc của nhiều ngân hàng và mỏ vàng của nhiều công ty Úc. Những nhà kim hoàn lớn gia công cho bà như trước đây gia công cho những vua chúa, hoàng hậi. Và ai cũng nhớ đến một tai họa đã nhận chìm mọi tài sản đó. Ngân hàng, mỏ vàng bị vực sâu nuốt chửng hết; bộ sưu tập tuyệt diệu đó bị định giá phân tan hết, chỉ còn lại viên ngọc đen rất quý. Nếu bà bá tước muốn bán đi thì viên ngọc đen cũng là một tài sản lớn. Nhưng bà không muốn thế, thà sống nghèo khó trong một căn nhà đơn giản với một bà hầu, bà làm bếp và người đầy tớ còn hơn bán vật trang sức vô giá ấy đi. Có một lý do bà không ngại thú nhận: Viên ngọc đen là tặng vật của một vị vua! Tuy gần như bị phá sản, cuộc sống khó khăn, bà vẫn trung thành với người bạn của những ngày huy hoàng..
Bà nói: – Còn sống thì tôi không bỏ nó.
Từ sáng đến tối bà mang nó trên cổ; ban đêm bà để vào một chỗ chỉ có mình bà biết.
Báo chí nhắc lại những điều trên kích thích tò mò và một điều lạ nhưng dễ hiểu đối với những người nắm được bí ẩn là việc bắt thủ phạm làm cho màn bí mật thêm phức tạp và kéo dài sự thương cảm.
Thực thế, ngày hôm sau báo đưa tin:
“Người ta cho biết đã bắt Victor Danègre, người đầy tớ của bá tước phu nhân d’Andillot. Có nhiều chứng cứ chống anh ta: ở tay áo vải láng của chế phục ông cảnh sát trưởng tìm thấy trên gác anh ở, giữa đệm và lo-xo, có những vệt máu. Chiếc áo này lại thiếu một chiếc cúc bọc vải mà người ta nhặt được dưới giường nằm của nạn nhân ngay hôm đầu điều tra. Có thể sau bữa ăn tối, đáng lẽ lên tầng gác mình ở thì Danègre ở lại, nấp trong phòng quần áo và qua cửa kính nhìn thấy bà bá tước cất viên ngọc, cần nói rằng chưa có bằng chứng xác nhận giả thuyết này. Một điểm khác cũng chưa rõ: lúc bảy giờ sáng Danègre đến quán thuốc trên đường; người gác cổng và người tạp vụ làm chứng điều này. Mặt khác, bà làm bếp và bà hầu của bá tước phu nhân, ngủ đầu hành lang, xác nhận lúc tám giờ họ dậy thì cửa phòng xép và cửa bếp vẫn đóng chặt. Hai mươi năm làm việc cho bà bá tước, hai người này không thể bị nghi ngờ.
Người ta tự hỏi Danègre đi ra bằng cách nào hay có chìa khóa riêng? Cuộc điều tra sẽ làm sáng tỏ những điểm khác nhau đó”.
Nhưng cuộc điều tra hoàn toàn không làm sáng tỏ được gì. Victor Danègre là một thủ phạm nguy hiểm, rượu chè trụy lạc, không ngại gì đâm chém. Sự việc càng đi sâu càng tối tăm, đầy mâu thuẫn không giải thích nổi.
Lúc đầu một cô gái bà con, người thừa kế duy nhất của bá tước phu nhân khai rằng trước khi bị giết một tháng, bà có gửi thư cho cô, chỉ dẫn chỗ giấu viên ngọc. Sau hôm nhận được, thư bị mất, không biết ai lấy. Những người gác cổng kể có mở cửa cho một người lên phòng bác sĩ Harel; hỏi bác sĩ thì biết không có ai đến cả. Vậy người kia là ai, có phải tòng phạm không?
Giả thuyết có tòng phạm được báo chí và dân chúng đồng tình. Nhưng Garnima, chánh thanh tra cảnh sát không chấp nhận và cũng có lý. Ông nói với Chánh án:
– Trong vụ này có bàn tay Arsène Lupin đây.
– Cha! Ông thì chỗ nào cũng là Arsène Lupin. Chánh án bác bỏ.
– Chỗ nào tôi cũng cho là anh ta vì anh ta ở khắp nơi.
– Đúng hơn thì nên nói mỗi khi ông thấy việc gì không rõ ràng thì ông bèn gán cho anh ta.
Tuy nhiên một bằng chứng cần chú ý: vụ án mạng xảy ra lúc mười một giờ hai mươi phút theo kim của chiếc đồng hồ bị rơi, trong khi người gác cổng cho là xảy ra lúc ba giờ sáng. Pháp luật thường nhìn diễn biến vào bằng chứng và buộc sự việc dựa trên những lý lẽ ban đầu. Quá khứ của Victor Danègre, có tiền án, rượu chè trụy lạc đã tác động đến ông Chánh án. Tuy không có gì thêm ngoài hai, ba vết tích được phát hiện ông cũng cương quyết tiến hành xét xử, cho ngừng điều tra và sau đó vài tuần thì mở phiên tòa.
Việc tranh luận có vẻ rời rạc, lúng túng. Chánh án điều khiển không hăng hái lắm; biện lý luận tội cũng mềm dẻo. Trong trường hợp ấy, luật sư của Danègre gặp thuận lợi. Ông nêu lên những khe hở, những điều không buộc tội được. Không một bằng chứng cụ thể nào. Phải có chìa khóa, nếu không khi đi ra làm sao Danègre khóa trái cửa lại được? Ai thấy chìa khóa đó, hiện giờ nó ở đâu? Ai tìm được con dao của phạm nhân, ở đâu?
Luật sư kết luận:
– Tóm lại, đề nghị các ngài chứng minh khách hàng của tôi đã giết bà bá tước? Chứng minh thủ phạm vụ trộm và án mạng không phải con người đã vào nhà lúc ba giờ sáng? Các ngài bảo chiếc đồng hồ chỉ mười một giờ hai mươi phút, thế người ta không thể quay kim đồng hồ lại theo giờ thích hợp hay sao?
Thế là Victor Danègre được tha bổng.
Anh ta ra khỏi nhà từ vào chiều thứ sáu, người gầy gò, tiều tụy qua sáu tháng bị giam. Việc điều tra xét hỏi, cảnh lẻ loi, những tranh luận buộc tội của tòa án làm anh ốm yếu đi nhiều. Ban đêm, những giấc mơ khủng khiếp, hình ảnh máy chém ám ảnh, anh run lên vì sốt và sợ hãi.
Với một tên khác, anh thuê một căn phòng nhỏ ở một vùng đồi, sống vất vưởng với công việc nặng nhọc, gặp việc gì cũng làm. Cuộc sống đến khốn khổ! Đã ba lần xin việc ở ba ông chủ khác nhau nhưng khi nhận ra thì họ đuổi anh. Thường anh ta thấy hoặc tưởng nhận thấy có người theo dõi mình, chắc là nhân viên cảnh sát. Họ sẽ đưa anh vào bẫy và anh cảm thấy trước có bàn tay nào đó túm chặt lấy mình.
Một buổi tối, khi đang ăn ở một quán ăn trong vùng, có một người đàn ông trạc bốn mươi tuổi, bận chiếc áo khoác đen không sạch sẽ lắm, đến ngồi trước mặt anh. Ông gọi bát xúp, rau và một lít rượu vang. Ăn xúp xong ông ngoảnh nhìn Danègre rất lâu. Anh này tái mặt, chắc chắn người này đã theo dõi anh mấy tuần nay, ông ta muốn gì? Danègre gắng đứng dậy không được, đôi chân muốn xiêu di.
Ông kia rót một ly vang và rót đầy ly của Danègre:
– Cụng ly chứ anh bạn?
Victor ấp úng: – Vâng… vâng… Chúc sức khỏe ông.
– Chúc sức khỏe anh, Victor Danègre.
Anh giật nảy mình: – Tôi?… Không… Thề với ông dấy…
– Anh thề với tôi thế nào? Thề anh không phải là anh, người đầy tớ của bà bá tước ấy à?
– Đầy tớ nào? Tôi là Dufour, ông hỏi chủ quán xem.
– Đối với chủ quán là Dufour đúng, nhưng với pháp luật là Danègre.
– Không, không! Họ nói dối ông đấy.
Người lạ mặt rút trong túi áo ra một tấm danh thiếp đưa cho anh. Victor đọc:
“Gremaudan, Phó thanh tra, tình báo mật”. Anh ta run lên: – Ông là cảnh sát?
– Tôi không làm ở đây nữa nhưng tôi thích nghề này và tiếp tục công việc có lợi hơn, thỉnh thoảng khám phá vài vụ về.. vâng… như vụ của anh.
– Vụ của tôi?
– Như vụ của anh. Một vụ đặc biệt nếu chiều theo ý tôi một chút.
– Nếu tôi không đồng ý thì sao?
– Anh phải đồng ý. Trong hoàn cảnh không thể từ chối gì được.
Victor Danègre thầm lo ngại, hỏi: – Có việc gì thế? Ông nói đi.
– Được rồi, ta đi vào vấn đề cho xong. Mấy chữ thôi: Tôi được cô Sinclèves cử tới.
– Sinclèves?
– Người thừa kế của bá tước phu nhân d’Andillot.
– Và sao?
– Cô ấy uỷ nhiệm tôi đòi lại viên ngọc. đen.
– Viên ngọc đen?
– Viên ngọc anh đã lấy trộm.
– Nhưng tôi có đâu.
– Anh có.
– Nếu có, tôi là kẻ sát nhân
– Chính anh là kẻ sát nhân.
Danègre cố cười: – Thưa ông, Rất mong là tòa án không cùng ý kiến đó. Ông biết chứ, mọi bồi thẩm đều công nhận tôi vô tội. Và khi người ta tin ở lương tâm mình, ở lòng tin của mười hai người đứng đắn.
Viên phó thanh tra nắm lấy tay anh:- Cậu bé, không nhiều lời. Anh nghe kỹ và cân nhắc lời tôi nói, đáng giá đấy. Danègre, trước vụ án mạng ba tuần, anh lấy trộm trong bếp chìa khóa cửa phòng và đến người thợ khóa ở số nhà 244 đường Obercamp làm một chìa tương tự.
– Không đúng, không đúng! Victor gầm lên. Không ai thấy chìa khóa ấy… Nó không có.
– Nó đây.
Sau một lúc im lặng, ông nói tiếp:
– Anh đã giết bà bá tước với một con cao có khâu sắt mua ở chợ, ngay trong ngày anh đặt làm chìa khoá; lưỡi dao hình tam giác, có xoi rãnh.
– Tất cả đều bịa đặt, ông đoán mò, có ai thấy con dao nào đâu.
– Dao đây.
Victor Danègre lùi lại một bước. Phó thanh tra tiếp tục:
– Trên dao có những vết rỉ. Có cần giải thích vì sao không?
– Thì đã sao? Ông có chìa khóa và con dao… Ai xác nhận được là của tôi?
– Trước hết người thợ khóa rồi người anh mua con dao. Tôi đã gợi cho họ nhớ lại; trước mặt anh họ sẽ nhận ra.
Ông ta nói khô khan, cứng rắn với sự chính xác đáng sợ. Danègre co quắp người vì lo sợ. Quan tòa, luật sư, chánh án không ai nắm được anh chặt như thế, không thấy được việc làm rõ ràng như thế, những việc làm mà chính anh cũng không phân biệt rành mạch nữa. Tuy vậy anh cố tỏ ra không lo lắng:
– Nếu ông chỉ có những chứng cứ đó!
– Tôi còn cái này: Sau án mạng anh đi ra theo đường cũ nhưng giữa phòng quần áo, vì sợ hãi anh phải dựa vào tường để giữ thăng bằng.
– Làm sao ông biết? Chẳng ai có thể biết được! Danègre ấp úng.
– Pháp luật thì không. Chẳng có người nào trong bồi thẩm đoàn đốt nến xem xét bức tường.
Nếu làm thế người ta sẽ thấy trên vôi trắng có một vết đỏ rất mờ nhưng cũng đủ xác nhận ra ngón tay của của anh, ngón tay thấm máu anh đã chống vào tường. Chắc anh cũng chẳng lạ gì phương pháp so vân tay để xác định kẻ phạm tội!
Victor Danègre xanh như chàm. Mồ hôi trán chảy ra, đôi mắt điên dại, anh nhìn người đàn ông kỳ lạ nhắc lại tội ác của mình như một người chứng kiến vô hình. Anh cúi đầu bất lực, chịu thất bại. Đã nhiều tháng nay anh đấu tranh với mọi người nhưng với người này anh có cảm giác không làm gì được cả.
Anh ấp úng: – Nếu tôi trả lại viên ngọc, ông cho tôi bao nhiêu?
– Không có gì cả.
– Thế nào, ông đùa đấy à? Tôi đưa cho ông vật đáng giả hàng nghìn, hàng trăm nghìn mà không được gì à?
– Có đấy: mạng sống!
Anh ta run lên. Grimaudan nói thêm, giọng dịu lại:
– Nào, Danègre, viên ngọc ấy không có giá trị gì đối vối anh. Anh không thể bán được, giữ nó lại làm gì?
– Sẽ có người mua… Một ngày nào đó tôi bán với bất kỳ giá nào…
– Một ngày nào đó thì đã quá chậm.
– Vì sao?
– Vì sao à? Pháp luật sẽ tóm lại anh, lần này với những bằng chứng tôi cung cấp: con dao, chìa khóa, vân ngón tay cái. Anh sẽ đi đời người anh em ạ.
Victor giơ tay bóp mạnh đầu, suy nghĩ. Anh ta cảm thấy hoàn toàn thất bại đồng thời quá mệt mỏi, chỉ mong được nghỉ ngơi, bỏ mặc tất cả. Anh hỏi nhỏ:
– Bao giờ ông muốn lấy?
– Đêm nay, trước một giờ sáng.
– Không được thì sao?
– Nếu không tôi sẽ gửi bức thư này của cô Sinclèves tố cáo anh với ông dự thẩm.
Danègre rót thêm hai ly vang uống rồi đứng dậy:
– Thôi được, trả tiền đi… Tôi chán chuyện này lắm rồi.
Đêm xuống, hai người cùng đi với nhau, qua một số đường. Họ cùng im lặng, Victor mệt mỏi, lưng còng xuống. Đến công viên không xa đấy lắm, anh nói:
– Chỗ bên cạnh nhà…
– Ồ, trước khi bị bắt anh chỉ ra khỏi nhà đến quán thuốc!
– Chúng ta tới nơi rồi.
Họ đi dọc hàng rào sắt khu vườn, qua một con đường có quán thuốc ở một góc. Danègre dừng lại cách máy bước; đôi chân không vững, anh ngồi xuống một chiếc ghế dài.
Ông bạn cùng đi hỏi: – Thế nào?
– Ở đấy!
– Ở đấy? Anh nói gì vậy?
– Vâng, trước mặt chúng ta.
– Trước mặt chúng ta! Danègre, không nên…
– Tôi nói lại: nó ở đấy.
– Ở đâu?
– Giữa hai viên gạch lát.
– Những viên nào?
– Ông tìm đi.
– Những viên nào? Grimaudan hỏi lại.
Victor không trả lời.
– A được, anh bạn. Anh làm tôi…
– Không, nhưng… Tôi sẽ chết khốn khổ.
– Và anh ngần ngại? Thôi, tôi cũng tỏ ra hào phóng. Anh muốn bao nhiêu?
– Đủ để mua một vé sàn chuyến tàu đi Mỹ.
– Đồng ý.
– Và một tờ một trăm phrăng để chi tiêu bước đầu.
– Anh sẽ được hai tờ. Nói đi.
– Đếm những viên gạch lát bên phải cái cống giữa viên thứ mười hai và mười ba.
– Xuống mương nước à?
– Vâng, phía dưới bờ đường.
Grimaudan ngó xung quanh: tàu điện, người qua lại… Chà! Ai ngờ được!…
– Nếu không có?
– Nếu không ai thấy tôi cúi xuống chôn vào đó thì nó vẫn còn. Nó còn đó không? Viên ngọc đen quăng xuống bùn bên mương nước, trước mắt mọi người! Viên ngọc đen… cả một tài sản!
– Sâu bao nhiêu?
– Gần mười phân.
Ông bới cát ướt, đầu nhọn con dao đụng phải một vật gì đấy. Ông lấy tay moi rộng lỗ và thấy viên ngọc đen.
– Này hai trăm phrăng của anh đây. Tôi sẽ gửi cho anh chiếc vé đi Mỹ.
Hôm sau báo Tiếng Vang đăng một phóng sự ngắn được báo chí thế giới đăng lại: “ Từ hôm qua, viên ngọc đen quí giá đã ở trong tay Arsenne Lupin. Anh đã lấy lại nó từ tên tội phạm đã giết bá bá tước phu nhân d’Andillot. Ít lâu nữa, những phiên bản của viên ngọc này sẽ được trưng bày ở Luân Đôn, Pêtecbua, Cancuta..và New York. Arsene chờ đón đề nghị của các cộng tác viên.
Khi nói cho tôi biết mặt sau của vụ này, anh kết luận:
– Thế đấy, tội ác bao giờ cũng bị trừng phạt và tài năng được khen thưởng.
– Làm sao? Dưới cái tên Gremaudan, chánh thanh tra cảnh sát, anh lại được số phận giao cho nhiệm vụ tước đoạt thành quả của một tê sát nhân bât lực?
– Đúng vậy. Và đó là một trong những cuộc phiêu lưu tôi thấy tự hào nhất. Bốn mươi phút ở trong phòng bà bá tước sau khi thấy bà đã chết là những giây phút lạ lùng, sâu sắc nhất trong đời tôi. Trong thời gian vướng chân vào một hoàn cảnh rối rắm, tôi hình dung lại án mạng và qua một số dấu vết, xác định thủ phạm phải là một tôi tớ trong nhà bà bá tước. Tôi suy nghĩ người đầy tớ phải bị bắt và để lại chiếc cúc áo nhưng không cho họ có những bằng chứng xác thực nên đã nhặt cái dao trên thảm, lấy đi chiếc chìa khóa trên ổ khóa, đóng cửa lại hai vòng và chùi vết ngón tay trên tường gian phòng để quần áo. Theo tôi thì đó là những tia sáng…
– …của thiên tài! Tôi ngắt lời anh.
– Anh cho là thiên tài cũng được vì nó không lóe lên trong đầu người mới đến. Hãy tính toán trong một giây hai mặt của vấn đề, sự bắt giữ và tha bổng. Tôi nhờ hệ thống tư pháp làm loạn trí anh ta, đần độn đi, gây cho anh ta một trạng thái tâm thần bất định để khi được tha, anh ta không thể không rơi vào bẫy tôi giăng ra dù là khá thô thiển….!
– Khá thôi ư? Phải nói là tinh vi đấy vì anh ta không bị nguy hại gì.
– Ồ không đâu. Đã có quyết định tha bổng rồi.
– Anh chàng tội nghiệp!
– Tội nghiệp cho Victor Danègre à? Anh không nhớ đấy là một tên sát nhân sao? Nếu anh ta vẫn giữ được viên ngọc thì vô đạo đức quá. Danègre vẫn được sống kia mà!
– Và viên ngọc đen thì thuộc về anh.
Anh lấy nó từ một chiêc túi trong cặp ra, ngắm nghía, vuốt ve nó bằng tay và bằng mắt rồi thở dài:
– Tay quí tộc, gã vua chúa kiêu ngạo và ngu ngốc nào sẽ chiếm được tài sản này? Một vật nhỏ nhoi, xinh đẹp, trước đây trang điểm cho đôi vai trắng của một bá tước phu nhân sẽ dành cho tay tỉ phú Mỹ nào đây?…