Héclốc Sôm đứng ngây người ra như phỗng. Phản kháng ư? Buộc tội hai người ấy ư? Vô ích thôi. Héclốc Sôm thấy có nói cũng chẳng ai tin vì trong tay y chẳng có lấy một tý bằng chứng nào và y cũng thấy là chẳng hơi đâu mà tìm kiếm cho mất thì giờ.
Héclốc Sôm vừa thất vọng vừa tức sôi người lên, song trước mặt Ganimar đang hớn hở đắc thắng, y đành nắm chặt tay cố dằn lòng. Tay thám tử người Anh miễn cưỡng cúi chào hai anh em Lơru, những trụ cột của xã hội, rồi lặng lẽ rút lui.
Ra tới phòng ngoài, Héclốc Sôm bỗng quặt vào một lối đi dẫn tới một cửa thấp thông xuống hầm rượu. Héclốc Sôm nhặt được một viên đá quý màu đỏ: đó là một viên ngọc hồng lựu.
Héclốc Sôm bước ra cổng. Y đọc được ở sát bên cái biển đề số 40 của ngôi nhà một dòng chữ khắc vào đá:
LUXIÊNG ĐÊTĂNGGIƠ – Kiến trúc sư – 1877
Ở số nhà 42 cũng dòng chữ khắc như thế.
Vẫn cái lối đi bí mật thông hai nhà, Héclốc tự nhủ. Ở đây, nhà số 40 thông với nhà số 42. Tại sao mình lại không nghĩ ra nhỉ. Đáng lẽ đêm qua mình phải ở lại với hai tay cảnh sát mới phải.
Héclốc Sôm hỏi:
– Các ông cảnh sát này, có phải lúc tôi vắng mặt có hai người từ cửa nhà 42 đi ra phải không?
– Vâng, một người đàn ông và một người đàn bà.
Héclốc nắm lấy cánh tay ông chánh thanh tra, kéo đi và nói:
– Ông Ganimar này, ông cười diễu quá đấy! Chắc tôi đã làm ông giận về các chuyện phiền phức sáng nay.
– Ồ! Tôi không hề giận ông.
– Cám ơn ông. Nhưng những trò đùa tếu nhất cũng chỉ trong chốc lát thôi. Tôi thấy là ta nên chấm dứt.
– Tôi cũng đồng ý thế.
– Hôm nay đã sang ngày thứ bảy rồi. Ba ngày nữa tôi phải có mặt ở Luân Đôn.
– Ồ!
– Điều đó là chắc chắn, thưa ông. Tôi đề nghị ông hãy chuẩn bị sẵn sàng trong đêm thứ ba rạng ngày thứ tư…
– Để làm một chuyến công du đại loại như sáng nay?
– Vâng, đại loại như vậy.
– Để cuối cùng là…
– Là tóm cổ Arxen Lupanh.
– Ông chắc thế chứ?
– Tôi xin lấy danh dự thề với ông như vậy, thưa ông Ganimar.
Héclốc Sôm chào Ganimar, đoạn tìm vào một khách sạn gần đấy thuê một căn phòng. Sau ít phút nghỉ ngơi, Héclốc Sôm đã thấy tươi tỉnh và vững tin ở mình hơn. Y bèn quay trở lại phố Salgranh và giúi vào tay người đàn bà gác cổng hai đồng luis. Sau khi biết được ngôi nhà này là thuộc quyền sở hữu của ông Hácminhgiát và tin chắc hai anh em Lơru đã đi vắng, Héclốc Sôm bèn thắp một mẩu nến và lần xuống hầm rượu theo lối cửa thấp, nơi y nhặt được viên ngọc hồng lựu.
Xuống hết bậc thang, y nhặt được một viên ngọc nữa giống hệt viên trước.
– Mình đã không nhầm, – Héclốc nghĩ thầm, – họ đã đi sang nhà bên kia bằng con đường này… Xem nào! Liệu cái chìa khoá vạn năng của mình có mở được cái hầm rượu nho dành riêng cho người ở nhà dưới không nào? À, hay quá! Ta thử xem những ngăn để rượu này… Ô! Đây là những vệt bụi bị mất đi… những dấu chân ở dưới đất…
Thoáng có một tiếng động nhẹ! Héclốc Sôm dỏng tai nghe ngóng. Nhanh như cắt, y khép ngay cửa lại, thổi tắt ngọn nến, rồi nấp vào sau một chồng hòm rỗng. Mấy giây sau, y nhận thấy một ngăn để rượu bằng sắt bỗng xoay nhè nhẹ làm quay theo cả mảng tường treo ngăn. Ánh sáng lờ mờ của một cái đèn bão hắt sang. Một cánh tay hiện ra, rồi một người bước vào.
Hắn lom khom trong tư thế của một người đang lượm một vật gì ở dưới đất. Hắn dùng ngón tay xới bụi và nhiều bận đứng ngay người lên bỏ một cái gì đó vào trong một cái hộp bằng bìa cứng cầm ở tay trái. Tiếp đó, hắn cúi xuống xóa sạch những dấu chân của hắn, cũng như của cả Lupanh và người Đàn bà tóc hoe in trên nền hầm, rồi quay trở lại chỗ ngăn sắt.
Bỗng hắn kêu lên một tiếng khàn khàn và quỵ xuống. Héclốc Sôm đã chồm lên người hắn. Cái công việc đơn giản nhất thế giới ấy chỉ diễn ra trong nháy mắt: Kẻ lạ mặt đã nằm còng queo trên mặt đất, tay chân bị trói chặt.
Tay thám tử người Anh cúi xuống, hỏi:
– Mi muốn bao nhiêu để nói… để khai ra những điều mi biết? Hả?
Người ấy đáp lại bằng một nụ cười hết sức mỉa mai. Héclốc Sôm chợt hiểu có hỏi cũng bằng thừa, y bèn cúi xuống lục lọi các túi của kẻ bị bắt. Ngoài một chùm chìa khoá, một cái mùi xoa và cái hộp nhỏ bằng bìa cứng trong đựng hơn mười viên ngọc hồng lựu giống những viên y đã lượm được, thì chẳng có vật gì đáng giá.
Xử lý với gã này thế nào bây giờ nhỉ? Chờ đồng bọn của hắn đến cứu rồi bắt nộp hết cho cảnh sát. Để làm gì cơ chứ? Mình sẽ được lợi gì đối với Lupanh?
Héclốc Sôm đắn đo suy nghĩ. Bất chợt y đọc được địa chỉ in trên hộp: Lêônar – tiệm kim hoàn – phố hoà bình. Ngay lập tức, y quyết định bỏ mặc kẻ bị bắt nằm cong queo đấy. Y đứng dậy đóng các ngăn để rượu bằng sắt lại, khoá cửa hầm và ra khỏi ngôi nhà số 40 phố Salgranh. Từ một phòng bưu điện, Héclốc đánh cho ông Đêtănggiơ một bức điện, báo cho kiến trúc sư biết ngày mai y mới đến làm việc được. Sau đó, y tìm đến tiệm kim hoàn ở phố Hoà Bình, đưa cho ông chủ tiệm cái hộp bằng bìa cứng.
– Bà chủ sai tôi đem những viên đá quý đến cho ông. Những viên ngọc hồng lựu này bà chủ tôi mua ở đây.
Héclốc Sôm đã đoán đúng. Chủ tiệm kim hoàn đáp:
– Vâng, bà vừa gọi dây nói cho tôi. Chiều nay bà sẽ đến đây.
Héclốc rình ở vỉa hè. Mãi đến năm giờ y mới nhận thấy một người đàn bà che mạng dầy, dáng điệu khả nghi. Qua cửa kính của tiệm vàng, tay người Anh nhìn thấy bà ta đặt lên quầy hàng một vật nữ trang cổ, có trang trí những viên ngọc hồng lựu màu đỏ.
Liền sau đó, người đàn bà mặt che mạng đi ngay. Bà ta đi bộ ngược phố Clisy, vòng qua mấy phố mà Héelốc Sôm không biết. Trời tối, Héclốc Sôm lẻn vào sau người đàn bà mà người gác cổng không hề hay biết. Đó là một toà nhà năm tầng, gồm hai dãy nhà và tất nhiên rất đông hộ. Lên đến tầng hai, người đàn bà vào một căn phòng. Hai phút sau, Héclốc đánh liều rút chùm chìa khoá lấy được dưới hầm rượu ra và thận trọng thử hết chiếc này đến chiếc khác. Cái chìa khoá thứ tư xoay được trong ổ.
Qua bóng tối mờ mờ, Héclốc nhận ra những căn phòng hoàn toàn trống rỗng, các cửa đều mở toang hệt những căn phòng vô chủ.
Nhưng tới cuối một hành lang, ánh sáng lờ mờ của một ngọn đèn ló ra, Héclốc Sôm nhón chân bước tới. Qua một tấm gương không tráng thuỷ ngân, ngăn cách phòng khách với phòng bên, y nhìn thấy người đàn bà mặt che mạng đang bỏ mũ, cởi áo ngoài, vắt cả lên một cái ghế duy nhất ở trong phòng rồi khoác lên mình một cái áo choàng bằng nhung.
Xong xuôi, người đàn bà tiến tới lò sưởi và bấm vào một cái nút chuông điện. Lập tức, một nửa bức hoành ở bên phải lò sưởi bỗng lung lay, trượt dọc theo tường rồi dẫn vào trong bức hoành ở bên cạnh.
Ngay khi khe hở vừa đủ rộng, người đàn bà liền lách qua và biến mất, mang theo cả cây đèn.
Cách làm cũng đơn giản, Héclốc Sôm liền áp dụng ngay.
Héclốc Sôm lần bước trong bóng tối, nhưng lập tức mặt y chạm phải những vật mềm mềm. Y vội đánh diêm và xác định đang ở trong một góc nhà đầy những quần áo và áo dài treo lủng lẳng trên mắc. Y mở lối đi qua và tới trước khung một cửa ra vào bít bưng bởi một tấm thảm. Diêm tắt, Héclốc nhận thấy ánh sáng ở phòng bên chiếu sang xuyên qua lớp sợi ngang mủn và thưa thếch của tấm thảm cũ.
Héclốc Sôm hồi hộp ghé mắt nhìn qua.
Người Đàn bà tóc hoe đứng đó, ngay trước mắt và trong tầm tay của y.
Ả thổi tắt đèn, rồi bật điện lên. Lần đầu tiên Héclốc Sôm nhìn được rõ mặt của con người bí ẩn ấy ngay dưới ánh đèn sáng trưng. Y giật thót mình. Người đàn bà mà y đã phải giở bao thủ đoạn, bày bao mưu mô quanh quẹo mới chỏm được không phải ai khác, chính là tiểu thư Clôtiđơ Đêtănggiơ.
– Chà. Chà. Héclốc Sôm nghĩ thầm, mình đúng là một thằng ngu khổ ngu sở. Chỉ vì ả tòng phạm của Arxen Lupanh có mái tóc hoe, Clôtiđơ tóc lại màu nâu, có thế mà mình cũng không biết đường kéo hai người đàn bà ấy lại gần nhau. Cứ làm như sau khi giết nam tước Hôtơrếch và ăn cắp viên kim cương xanh, người Đàn bà tóc hoe ấy vẫn giữ nguyên bộ tóc màu vàng không bằng.
Héclốc nhìn thấy được một phần của gian buồng. Đó là một phòng khách lịch sự của phụ nữ trang trí những trướng phủ tường màu sáng và những đồ mỹ nghệ quý giá.
Clôtiđơ hai tay ôm đầu đang ngồi im lìm trên một chiếc ghế dài lưng chếch bằng gỗ gụ. Một lát sau, Héclốc thấy nàng khóc. Những giọt lệ đầy lăn trên đôi má nhợt nhạt, chảy qua khoé miệng rồi nhỏ giọt xuống ngực áo nhung. Những giọt lệ cứ nối tiếp nhau tuôn ra mãi như bắt nguồn từ một suối nước không bao giờ cạn. Không gì u sầu hơn là cảnh tượng dòng nước mắt của sự tuyệt vọng buồn tẻ và nhẫn nhục từ từ chảy trên khuôn mặt của một người đàn bà.
Nhưng một cánh cửa bỗng mở ra đằng sau nàng. Arxen Lupanh bước vào.
Hai người im lặng nhìn nhau lâu lắm. Rồi chàng quỳ xuống bên nàng, tỳ đầu lên ngực nàng, quàng tay ôm lấy nàng. Cử chỉ chàng ôm người thiếu nữ sao mà âu yếm đến thế, xót thương đến thế. Họ không nhúc nhích. Một sự yên lặng dịu ngọt quyện họ vào nhau và những giọt lệ cứ vơi dần đi.
– Anh những muốn làm cho em sung sướng! – Chàng thì thầm.
– Em vẫn sung sướng!
– Không, em đang khóc đấy thôi. Những giọt nước mắt của em làm anh buồn, Clôtiđơ ạ!
Dù sao nàng vẫn lắng nghe, buông mình theo giọng nói mơn trớn ấy, lòng háo hức hy vọng và hạnh phúc. Một nụ cười làm khuôn mặt của nàng dịu đi, nhưng vẫn là một nụ cười u buồn. Chàng van vỉ:
– Em đừng buồn nữa Clôtiđơ ạ! Em không được buồn, không có quyền buồn!
Nàng chìa đôi bàn tay trắng muốt, nhỏ nhắn và mềm mại ra, rồi nghiêm trang nói với chàng:
– Chừng nào những bàn tay này còn là bàn tay của em, anh Maxim, em vẫn buồn!
– Nhưng tại sao mới được chứ?
– Tại vì những bàn tay này đã giết người!
Maxim kêu lên:
– Em im đi! Em đừng nghĩ tới điều ấy nữa… Quá khứ chết rồi, quá khứ không tính đến nữa!
Chàng nâng hôn đôi bàn tay thon thả, nhợt nhạt. Nàng nhìn chàng với một nụ cười trong sáng hơn, như mỗi cái hôn đã xoá bớt đi được một chút của quá khứ khủng khiếp.
– Anh cần phải yêu em, anh Maxim ạ! – Nàng thủ thỉ. – Anh cần phải yêu em vì không một phụ nữ nào yêu anh hơn em đâu. Để làm anh vui lòng em đã hành động, và còn hành động nữa, không phải chỉ theo mệnh lệnh mà còn theo sự ham muốn sâu kín của anh nữa kia. Em thực hiện những hành động mà tất cả bản năng và lương tâm của em phẫn nộ, nhưng em không sao cưỡng lại được… Tất cả hành vi của em, em đã làm một cách máy móc, bởi vì nó có ích cho anh và bởi anh muốn thế… Mai đây, và mãi mãi em vẫn sẵn sàng!
Chàng cay đắng nói:
– Ôi! Clôtiđơ, tại sao anh lại lôi kéo em vào cuộc đời phiêu lưu của anh làm gì nhỉ? Đáng nhẽ anh nên giữ nguyên là chàng Maxim Bécmông yêu dấu của em cách đây năm năm, đừng lộ cho em biết con người khác của anh có phải hơn không?
Nàng thì thào rất khẽ:
– Em cũng rất yêu con người khác ấy. Em không ân hận chút nào cả.
– Có đấy, em có nuối tiếc cuộc đời đã qua, tiếc cuộc đời giữa ban ngày của em.
– Có anh, em chẳng tiếc gì cả, nàng say đắm nói: Khi đôi mắt em nhìn thấy anh thì không còn lỗi lầm, cũng chẳng còn tội ác nào nữa. Bị khổ vì xa anh, bị đau đớn ê chề rồi khóc lóc, ghê rợn tất cả những gì đã làm… em cũng không cần! Tình yêu của anh sẽ xoá đi hết… Em chấp nhận tất cả… Nhưng anh cần phải yêu em, anh Maxim ạ!
– Em Clôtiđơ! Anh không yêu em do yêu cầu đâu mà chỉ là do anh yêu em thôi.
– Có chắc thế không anh? – Nàng hỏi, trong lòng hoàn toàn tin tưởng.
– Anh tin ở mình cũng như tin ở em. Tuy nhiên cuộc sống của anh mãnh liệt và sôi động, nhiều lúc có muốn dành thời giờ cho em cũng khó.
Nàng hoảng lên gặng hỏi:
– Có chuyện gì đấy hả anh? Nguy hiểm mới à? Anh nói cho em hay ngay đi, Maxim!
– Ồ, có gì nghiêm trọng đâu em. Thế nhưng…
– Nhưng làm sao ạ?
– À, y đang theo hút anh.
– Héclốc Sôm ấy à?
– Ừ, chính y đã ném Ganimar vào vụ tiệm ăn Hunggari. Chính y đã đặt hai tay cảnh sát đứng gác đêm ấy ở phố Salgranh. Anh có bằng chứng cụ thể. Ganimar đã đến khám nhà sáng hôm sau, có cả Héclốc Sôm đi kèm. Ngoài ra…
– Ngoài ra gì nữa hả anh?
– Giamô, một người của ta bị mất tích.
– Lão gác cổng Giamô ấy à?
– Ừ.
– Chính sáng nay, em sai lão đến phố Salgranh nhặt những viên ngọc hồng lựu mà em đánh rơi ở túi ra.
– Thế thì đúng rồi! Héclốc đã cho lão vào bẫy rồi!
– Quyết không phải vậy đâu. Những viên ngọc hồng lựu đã được mang đến tiệm kim hoàn phố Hoà Bình rồi kia mà?
– Thế từ bấy đến giờ lão đi đâu?
– Ôi! Anh Maxim, em sợ quá!
– Không việc gì phải hoảng cả. Nhưng thú thực là tình hình nghiêm trọng đấy. Héclốc Sôm đã biết gì? Y ẩn nấp ở đâu. Sức mạnh của y là ở chỗ y giấu mặt, không tài nào tìm ra y!
– Anh định thế nào bây giờ?
– Phải hết sức thận trọng Clôtiđơ! Đã từ lâu, anh đã định thay đổi chỗ ở, chuyển nhà đến một nơi không kẻ nào phạm tới được mà em đã biết. Sự can thiệp của Héclốc Sôm thúc anh phải khẩn trương. Khi một người như y theo hút anh, phải nói thế nào y cũng sẽ đi tới đích. Vì vậy anh đã chuẩn bị hết cả. Ngày kia thứ tư, sẽ dọn nhà. Tới trưa là xong. Đến hai giờ, anh đã có thể từ biệt nơi ấy sau khi đã xoá hết vết tích của chúng ta… những cái đó chỉ là chuyện vặt thôi. Từ giờ đến lúc ấy…
– Từ giờ đến lúc ấy thì sao ạ?
– Chúng ta không nên gặp nhau và cũng không nên gặp bất cứ ai, Clôtiđơ ạ! Em đừng đi ra ngoài phố nữa. Với anh, anh chẳng sợ gì. Anh chỉ lo cho em thôi.
– Liệu tay người Anh ấy có thể biết được em không?
– Với y, bất cứ điều gì cũng có thể cả, anh thấy ngờ lắm. Hôm qua, anh suýt bị cha em bắt được quả tang. Anh đến để lục tìm những số sách cũ của cha em để trong cái tủ đựng bằng gỗ sồi. Đúng là nguy hiểm. Chỗ nào cũng có nguy hiểm. Anh đoán có kẻ thù đang lẩn quất trong bóng tối và mỗi lúc một tiến sát tới anh. Anh cảm thấy y đang theo dõi chúng ta, đang chăng lưới quanh ta. Trực cảm ấy không bao giờ đánh lừa anh đâu.
– Nếu vậy anh nên đi đi thôi, anh Maxim ạ! – Nàng nói. – Anh đừng nghĩ tới nước mắt của em nữa. Em sẽ khoẻ và sẽ chờ tới lúc hết nguy hiểm. Tạm biệt Maxim.
Nàng ôm hôn chàng rất lâu. Và chính tay nàng đẩy chàng ra cửa. Héclốc Sôm nghe tiếng của hai người xa dần.
Hưng phấn quá độ do nhu cầu hành động kích thích từ chiều hôm trước, Héclốc Sôm táo bạo bước vào một căn phòng đợi, ở cuối phòng có một cầu thang. Nhưng đúng lúc toan đi xuống, y nghe tiếng trò chuyện từ dưới nhà vẳng lên. Anh chàng người Anh thấy tốt hơn hết là theo một hành lang tròn để xuống một cầu thang khác. Tới chân cầu thang, y sửng sốt nhận ra những đồ vật mà y đã quen với hình dạng và chỗ kê. Một cái cửa để ngõ: đó là thư viện của kiến trúc sư Đơtănggiơ.
– Hay lắm! Tuyệt lắm! – Héclốc Sôm thầm nói – Mình hiểu hết rồi! Phòng tiếp khách cua Clôtiđơ tức người Đàn bà tóc hoe, ăn thông với một căn hộ ở nhà bên cạnh. Ngôi nhà hàng xóm này có cổng không phải ra quảng trường Malêxép mà ăn ra một phố kế bên, nếu mình nhớ không nhầm là phố Môngsananh. Chà, đúng là tuyệt diệu. Mình có thể giải thích Clôtiđơ Đêtănggiơ làm cách nào đi gặp người yêu mà vẫn giữ được tiếng một cô gái cấm cung. Và mình cũng có thể giải thích chiều hôm qua Arxen Lupanh làm cách nào bỗng hiện ra ở sát nách mình trên hành lang tròn. Nhất định phải có lối ăn thông giữa căn hộ bên cạnh và thư viện này.
Héclốc Sôm kết luận:
– Đây cũng là một căn nhà xây dựng gian xảo. Một lần nữa, đúng là kiến trúc sư Đơtănggiơ rồi-Tiện đây ta kiểm tra những giấy tờ trong tủ bằng gỗ sồi kia và tìm thêm tư liệu về những ngôi nhà xây dựng gian xảo khác.
Như y đã biết, tủ đựng những giấy tờ cũ của kiến trúc sư, những hồ sơ, những bản dự toán, những sổ kế toán. Ở ngăn trên là một loạt sổ sách khác được sắp xếp theo thứ tự thời gian.
Héclốc Sôm lần lượt rút những cuốn sổ của những năm gần đây, xem xét ngay trang tóm tắt, đặc biệt chú ý tìm vần H. Cuối cùng y tìm được từ Hácminhgiát, kèm theo số 93. Y lật đến trang 93 và đọc:
– Hácminhgiát, 40 phố Salgranh.
Đọc tiếp chi tiết của những công việc làm cho khách hàng này về việc đặt một máy sưởi ấm nhà ở, y đọc được một dòng chữ ghi chú ở bên lề: “Xem hồ sơ.
– Chà, mình biết ngay mà, – Héclốc nói, – hồ sơ M.B. đúng là tập tài liệu mình đang cần. Qua đó, nhất định mình sẽ biết được nơi ở hiện tại của ngài Lupanh.
Mãi đến sáng, ở phần thứ hai của một cuốn sổ, Héclốc mới tìm ra tập hồ sơ nổi tiếng ấy.
Hồ sơ gồm mười lăm trang. Một trang sao chép lại phần việc làm cho ông Hécminhgiát ở phố Salgranh. Một trang khác, trình bày chi tiết những công trình làm cho ông Vatinel, chủ ngôi nhà số 25 Clapêrông. Một trang khác dành cho nam tước Hôtơrếch, 134 đại lộ Hăngri Máctanh, một trang về lâu đài Đơ Crôgiông và mười một trang còn lại về những chủ sở hữu khác ở Pari…
Héclốc Sôm liền chép ngay danh sách mười một họ tên và địa chỉ ấy. Xong xuôi, y sắp xếp lại ngăn nắp như cũ, mở cửa sổ rồi nhảy tót xuống quảng trường vắng tanh, không quên khép chặt những cánh cửa còn lại.
Trong buồng khách sạn, Héclốc Sôm trịnh trọng châm điếu thuốc và giữa đám khói thuốc lá mịt mù, y xem xét những kết luận có thể rút ra được từ tập hồ sơ M.B, nói rõ hơn là tập hồ sơ của Maxim Bécmông tức Arxen Lupanh.
Đến tám giờ Héclốc Sôm đánh cho Ganimar một bức điện báo:
“Sáng hôm nay thế nào tôi cũng đên phố Pécgôledơ và trao cho ông một người mà việc bắt giữ hết sức quan trọng. Dù thế nào đi nữa mong ông có nhà đêm nay cho đến mười hai giờ trưa ngày mai thứ tư. Ông thu xếp sao cho có khoảng ba chục người sẵn sàng làm nhiệm vụ”.
Rồi Héclốc Sôm tìm chọn trên đại lộ một ôtô cho thuê mà tay tài xế mặt mũi xem ra vui vẻ và khá thông minh. Y bảo xe chở đến quảng trường Malexép, đỗ cách biệt thự Đêtănggiơ khoảng năm mươi bước.
– Này anh bạn, – Héclốc Sôm nói với người tài xế, – đóng cửa xe lại, kéo cao cổ áo lông lên, gió lạnh đấy, rồi chịu khó ngồi chờ. Độ một giờ rưỡi nữa anh hãy khởi động máy. Tôi trở lại và xe lên đường đến phố Pécgôledơ ngay. Lúc bước qua ngưỡng cửa biệt thự của kiến trúc sư Đêtănggiơ, Héclốc Sôm chợt thấy lưỡng lự. Liệu chú tâm đến người Đàn bà tóc hoe trong khi Arxen Lupanh kết thúc việc chuẩn bị lên đường có phải là sai lầm không? Dựa vào bản danh sách những ngôi nhà xây dựng gian xảo, tranh thủ tìm chỗ ở của đối thủ trước có phải hơn không?
– Kệ – Héclôc Sôm tự nhủ, – một khi người Đàn bà tóc hoe đã ở trong tay ta, ta sẽ làm chủ tình thế!
Héclôc Sôm bấm chuông gọi cửa.
Ông Đêtănggiơ đã có mặt trong thư viện. Hai người làm việc một lúc. Héclốc toan kiếm cớ để lên phòng của Clôtiđơ thì cô gái bước vào. Cô chào cha rồi đi vào phòng khách nhỏ, ngồi xuống viết lách gì đó.
Từ chỗ làm việc của mình, Héclốc nhìn thấy nàng đang nghiêng đầu trên bàn, thỉnh thoảng ngừng bút, ngẫm nghĩ gì đó, vẻ mặt đăm chiêu tư lự. Héclốc chờ một lát, cầm lấy một cuốn sách rồi nói với ông Đêtănggiơ:
– Đây đúng là cuốn sách mà tiểu thư Đêtănggiơ yêu cầu tôi mang tới cho tiểu thư.
Héclốc đi vào phòng khách nhỏ và đứng ngay trưóc mặt Clôtiđơ sao cho ông Đêtănggiơ không nhìn thấy con gái. Y nói:
– Tôi là Xtíchman, thư ký mới của ông kiến trúc sư.
– Thế à? – Nàng nói nhưng không ngẩng đầu lên. – Cha tôi đã thay thư ký rồi sao?
– Vâng, thưa tiểu thư, tôi muốn nói chuyện với tiểu thư.
– Mời ông ngồi xuống ghế, tôi xong rồi đây.
Nàng viết thêm vài chữ nữa vào lá thư, ký tên, dán phong bì, gạt giấy tờ sang một bên, bấm vào nút chuông điện thoại, bắt được liên lạc với bà thợ may, yêu cầu bà ta mau chóng hoàn thành tấm áo khoác mặc đi đường mà nàng cần gấp, rồi cuối cùng quay sang nói với Héclốc:
– Thưa ông, tôi xin nghe ông. Nhưng chúng ta có thể trao đổi trước mặt cha tôi được không?
– Không được, thưa tiểu thư. Tôi còn xin tiểu thư không cao giọng khi nói nữa kia. Ông Đêtănggiơ không nghe thấy chúng ta nói gì là tốt nhất.
– Tốt cho ai kia ạ?
– Tốt cho tiểu thư, thưa tiểu thư Đêtănggiơ.
– Tôi không đồng ý nói chuyện với ông mà cha tôi không nghe và không hay biết gì!
– Dù thế nào thì tiểu thư vẫn cứ phải đồng ý.
Hai người cùng đứng phắt dậy, nhìn nhau chăm chăm. Cuối cùng, nàng dằn giọng:
– Thưa ông, mời ông nói!
Vẫn đứng y nguyên, Héclốc lên tiếng hết sức rành rọt:
– Nếu tôi có nhầm lẫn ở một vài điểm thứ yếu nào đó, mong tiểu thư thứ lỗi cho. Điều mà tôi xin bảo đảm, đấy là sự chính xác chung của những việc rắc rối được trình bày ở đây.
– Yêu cầu ông không dài lời. Những sự việc thôi!
Bất thình lình bị ngắt lời, Héclốc Sôm cảm thấy cô gái có sự cảnh giác. Y nói tiếp:
– Được, tôi sẽ đi thẳng vào vấn đề. Như vậy là cách đây năm năm, ông thân sinh của tiểu thư có dịp gặp một ông Maxim Bécmông. Ông này ra mắt ông Đêtănggiơ với danh nghĩa nhà thầu khoán hoặc kỹ sư xây dựng gì đó, tôi không biết nói thế nào cho chính xác. Dù sao cũng vẫn là ông Đêtănggiơ thấy mến chàng trai trẻ ấy và do sức khoẻ không cho phép ông quán xuyến công việc, ông bèn trao cho ông Bécmông thực hiện một số đơn đặt hàng mà ông nhận của những khách hàng cũ và hình như những quý khách này có vẻ hợp với tư cách của người cộng tác ấy lắm.
Héclốc ngừng nói. Y thấy hình như mặt cô gái ngày càng tái đi. Thế nhưng nàng vẫn nói với một giọng hết sức bình tĩnh:
– Thưa ông, những sự việc mà ông nói, tôi hoàn toàn không biết và cũng chẳng hiểu nó có liên quan gì đến tôi.
– Về vấn đề này, thưa tiểu thư, chắc tiểu thư biết rõ hơn tôi nhiều. Tên thật của ông Maxim Bécmông là Arxen Lupanh.
Nàng cười phá lên:
– Lại thế cơ à? Arxen Lupanh! Ông Maxim Bécmông tên là Arxen Lupanh!
– Thưa tiểu thư, đúng như tôi có vinh hạnh được nói cho tiểu thư rõ, nhưng vì tiểu thư cố tình không muốn hiểu lấy nửa lời, tôi đành phải thêm là, do để thực hiện những ý đồ của mình, Arxen Lupanh đã tìm thấy ở đây một người bạn, một tòng phạm mù quáng và… tận tâm một cách say đắm.
Nàng đứng dậy không mảy may xúc động khiến Héclốc Sôm phải sửng sốt trước một sự tự chủ như vậy.
– Thưa ông, – Clôtiđơ nói, – tôi không biết và cũng không cần biết ông định làm gì. Tôi yêu cầu ông không nói thêm một câu nào nữa và xin mời ông ra khỏi đây cho.
– Tôi không hề có ý định ở đây phiền tiểu thư mãi đâu, – Héclốc nói cũng bình thản không kém gì nàng. – Tuy nhiên, tôi định là sẽ không ra khỏi tòa biệt thự này một mình.
– Thưa ông thế ai có vinh hạnh đi cùng với ông ạ?
– Tiểu thư.
– Tôi ấy ạ?
– Vâng, thưa tiểu thư, chúng ta sẽ cùng ra khỏi biệt thự này và tiểu thư sẽ đi theo tôi không phản kháng, không nói nửa lời.
Có điều kỳ lạ trong cảnh này là sự bình tĩnh tuyệt đối của hai đối thủ. Có thể nói đây là một cuộc đấu tay đôi một mất một còn giữa hai ý chí mãnh liệt, hơn là một cuộc tranh luận lịch thiệp của hai người không cùng ý kiến.
Qua cửa mở rộng, vẫn thấy ông Đêtănggiơ ở trong đình tròn đang giở sách với những động tác đều đều.
Clôtiđơ lại nhún vai ngồi xuống. Héclốc Sôm rút đồng hồ ra, và nói:
– Bây giờ là mười giờ rưỡi. Năm phút nữa chúng ta sẽ lên đường!
– Nếu không thì sao, thưa ông?
– Nếu không, tôi sẽ ra gặp ông Đêtănggiơ và sẽ kể cho ông nghe.
– Ông kể cái gì?
– Sự thật! Tôi sẽ kể cho ông thân sinh của tiểu thư về cuộc đời giả dối của Maxim Bécmông, về cuộc đời lá mặt lá trái của ả tòng phạm…
– Ông bảo của ai kia?
– Của con người vẫn được gọi là người Đàn bà tóc hoe, của người phụ nữ mà trước đây tóc có màu vàng rực rỡ.
– Ông lấy bằng chứng đâu?
– Tôi sẽ dẫn ả tới phố Salgranh, sẽ chỉ cho ả thấy cái lối đi bí mật mà Arxen Lupanh lợi dụng những công việc do y chỉ huy, đã sai người làm thông từ nhà số 40 sang nhà số 42, cái lối đi mà hắn và tiểu thư, hai người đã theo trong đêm hôm kia.
– Rồi sao nữa ạ?
– Rồi tôi sẽ dẫn ông Đêtănggiơ tới nhà luật sư Đêtănggiơ, chúng ta sẽ đi xuốg cầu thang sau nhà, cái cầu thang mà Lupanh đã dắt tiểu thư thoát khỏi bàn tay của Ganimar. Rồi chúng tôi sẽ tìm cái lối đi ăn thông sang nhà bên cạnh, ngôi nhà có cửa ăn ra đại lộ Batinhon chứ không phải ra phố Clapêrông.
– Rồi sao nữa ạ?
– À, rồi tôi sẽ dẫn ông Đêtănggiơ tới lâu đài Đơ Crôgiông. Ông kiến trúc sư đã nắm được loại công việc do Arxen Lupanh thực hiện khi trùng tu toà lâu đài. Do đó ông sẽ dễ dàng tìm ra những lối đi bí mật mà Lupanh đã sai đồng bọn thi công. Ông sẽ nhận thấy ngay những lối đi ấy giúp người Đàn bà tóc hoe ban đêm lẻn vào buồng của bà Bá tước Đơ Crôgiông để lấy cắp viên kim cương xanh đặt ở trên mặt lò sưởi, rồi hai tuần sau lại đột nhập phòng của ông lãnh sự Blaikhen, giúi viên kim cương ấy vào trong lọ xà phòng bột… một hành động khá kỳ quái, phải chăng là một sự trả thù nhỏ nhặt của đàn bà? Nhưng cái đó không quan trọng…
– Và rồi sao nữa, thưa ông?
– Vâng, chưa hết đâu, – Héclốc Sôm nói giọng trầm hẳn xuống, – rồi sau đó tôi sẽ đưa ông Đêtănggiơ tới nhà 134 đại lộ Hăngri Máctanh và chúng tôi sẽ tìm hiểu xem làm sao ngài đại tướng nam tước Hôtơrếch…
– Ông im đi! Im đi! – Cô gái bỗng kinh hãi lắp bắp nói. – Tôi cấm ông! Sao ông dám bảo là tôi… Ông buộc tội tôi…
– Tôi buộc tội tiểu thư đã giết nam tước Hôtơrếch!
– Không! Không! Đó là một sự bêu riếu!
– Thưa tiểu thư, tiểu thư đã giết nam tước Hôtơrếch. Tiểu thư đã vào phục vụ ngài nam tước dưới cái tên Ăngtoanét Brêha với mục đích cướp viên kim cương xanh và tiểu thư đã giết ông ta.
Bị kiệt quệ, nàng đành hạ mình cầu xin:
– Tôi van ông, xin ông im đi cho. Chính vì ông biết nhiều chuyện thế nên ông cũng phải biết là tôi không giết ông nam tước!
– Thưa tiểu thư, tôi không nói là tiểu thư đã ám sát ông nam tước Hôtơrếch. Ông ta mắc chứng điên, thỉnh thoảng lại nổi cơn mà chỉ có xơ Ôguxtơ là có thể kềm chế được. Chi tiết này tôi được biết tận miệng nhà nữ tu hành ấy. Vắng xơ Ôguxtơ, ông ta đã nhảy bổ vào tiểu thư và trong lúc vật lộn, để tự vệ, tiểu thư đã đâm ông ta. Quá khiếp hãi về một hành động như vậy, tiểu thư đã bấm chuông rồi vùng chạy không kịp tháo khỏi tay nạn nhân viên kim cương xanh mà tiểu thư định lấy cắp. Một lúc sau, tiểu thư dẫn một tên gia nhân ở nhà bên cạnh sang. Tên này là tay chân của Lupanh. Hắn đã cùng tiểu thư khiêng xác ông nam tước đặt lên giường rồi sắp xếp ngay ngắn lại đồ đạc trong phòng… nhưng tiểu thư vẫn không dám lấy viên kim cương xanh. Sự việc xảy ra là như thế. Do đó tôi xin nhắc lại, tiểu thư không ám sát ông nam tước, tuy nhiên chính bàn tay tiểu thư đã đâm ông ta.
Nàng đặt chéo đôi bàn tay nhỏ nhắn và xanh xao lên trán và cứ để im như thế lâu lắm. Cuối cùng, gõ những ngón tay để lộ khuôn mặt đau đớn, nàng nghẹn ngào nói:
– Và tất cả những chuyện này ông định nói hết với cha tôi à?
– Phải. Tôi còn nói với ông là tôi có những người làm chứng. Tiểu thư Xugian Giécboa rất biết người Đàn bà tóc hoe, xơ Ôguxtơ không quên Ăngtoanét Brêha, nữ bá tước Đơ Crôgiông biết rõ bà Đơ Rêan. Đó là những điều tôi sẽ nói với ông Đêtănggiơ.
– Ông sẽ không dám làm thế! – Clôtiđơ bỗng lấy lại vẻ thanh thản đến kỳ lạ, nhẹ nhàng nói.
Héclốc Sôm đứng dậy, toan bước ra thư viện thì Clôtiđơ ngăn y lại:
– Khoan đã ông!
Nàng suy nghĩ giây lát, rồi cất tiếng hỏi với một giọng hết sức bình tĩnh và tự tin:
– Ông là Héclốc Sôm phải không?
– Phải.
– Ông định làm gì tôi?
– Tôi định làm gì ấy à? Giữa tôi và Arxen Lupanh đang diễn ra một cuộc đấu tay đôi mà tôi phải là người chiến thắng. Trong khi chờ đợi sự kết thúc sắp tới, tôi hy vọng với một con tin quý báu như tiểu thư tôi sẽ có thể lợi đối với địch thủ của tôi. Do đó, tiểu thư sẽ đi theo tôi. Tôi sẽ phó thác tiểu thư cho một người bạn. Ngay khi đạt được mục đích, tiểu thư sẽ được tự do.
– Thưa ông, có thế thôi ư?
– Vâng, chỉ có thế thôi. Tôi không thuộc cảnh sát của nước này, do đó tôi thấy là không có quyền… xét xử.
Hình như nàng đã quyết định. Tuy nhiên thấy cần phải lấy lại sức, nàng bèn nhắm mắt lại một lát. Héclốc thấy nàng đứng đó bình thản và hầu như thờ ơ với mọi nguy hiểm đang vây quanh. Y nghĩ thầm:
– Không hiểu nàng có cho là đang bị đe doạ không nhỉ? Chắc là không, vì Lupanh đang bảo vệ nàng. Với Lupanh không gì có thể động đến anh được! Lupanh là bá chủ! Lupanh là tất thắng!
Nghĩ đoạn Héclốc bèn nói:
– Thưa tiểu thư, tôi báo là năm phút mà bây giờ đã quá nửa tiếng đồng hồ rồi!
– Ông cho phép tôi lên phòng lấy đồ đạc của tôi chứ?
– Thưa tiểu thư, cái đó tuỳ tiểu thư. Tôi xin xuống đợi ở dưới phố Môngsananh. Tôi với lão gác cổng Giácmô thân nhau lắm.
– Trời! Ông biết… – Nàng khiếp hãi thốt lên.
– Vâng, tôi biết rất nhiều chuyện!
– Thôi được, tôi bấm chuông gọi vậy.
Gia nhân mang mũ và áo khoác cho nàng. Héclốc nói:
– Theo tôi, với ông Đêtănggiơ, tiểu thư nên biện một lý do nào đó về việc tiểu thư đi với tôi và sẽ vắng mặt vài ngày.
Một lần nữa hai người nhìn nhau thách thức, mỉa mai và tươi cười. Nàng nói:
– Không cần. Tôi sẽ trở về nhà sớm thôi.
– Tiểu thư tin tưởng và Lupanh quá nhỉ? – Héclốc nói.
– Vâng, tin một cách mù quáng ấy ạ!
– Tất cả những gì Lupanh làm đều tốt, tất cả những gì Lupanh muốn đều thực hiện được, phải không tiểu thư? Và… tiểu thư tán thành tất cả, sẵn sàng tất cả cho Lupanh?
– Tôi yêu chàng! – Nàng say sưa thốt lên.
– Và tiểu thư tin là Lupanh sẽ cứu.
Nàng nhún vai rồi đi tới bên ông Đêtănggiơ và nói:
– Thưa cha, con mượn cha ông Xtíchman. Con xin phép đến Thư viện quốc gia.
– Con có về ăn trưa không?
– Có lẽ… à không đâu cha ạ! Cha đừng chờ con. Đoạn nàng quay lại nói với Héclốc, giọng quả quyết:
– Thưa ông, tôi xin theo ông.
– Không ẩn ý gì chứ ạ?
– Không! Tôi nhắm mắt đưa chân.
– Nếu tiểu thư có ý định chạy trốn. Tôi gọi, tôi kêu và người ta sẽ bắt tiểu thư, thế là vào tù. Xin tiểu thư đừng quên là đã có trát bắt người Đàn bà tóc hoe.
– Tôi xin lấy danh dự thề với ông là không tìm bất cứ cách gì để trốn cả!
– Tôi tin ở tiểu thư. Chúng ta đi thôi.
Như Héclốc đã tuyên bố, hai người cùng nhau bước ra khỏi biệt thự.
Trên quảng trường, chiếc xe hơi vẫn đỗ chờ. Héclốc trông thấy lưng tay lái xe và chiếc mũ lưỡi trai chụp xuống gần sát cổ áo lông. Tới gần, y nghe thấy tiếng động cơ nổ đều đều. Y bèn mở cửa xe mời Clôtiđơ lên rồi ngồi xuống bên cạnh nàng.
Ngay lập tức, xe rồ máy và lăn bánh chạy vào đại lộ Hôsơ, rồi theo đại lộ Granđơ Acmê.
Héclốc trầm tư, nhẩm tính kế hoạch.
– Ganimar ở nhà… mình sẽ trao cô gái cho lão. Có nên nói với lão thiếu nữ này là ai không nhỉ? Không. Lão sẽ lôi cô ấy đến thẳng sở cẩm mất. Như vậy sẽ hỏng hết việc. Khi rảnh tay rồi mình sẽ tham khảo bản danh sách của hồ sơ M.B. và tiến hành cuộc săn bắt. Và đêm nay hoặc sáng mai là cùng, mình sẽ đi tìm Ganimar như đã thoả thuận và nộp cho lão Arxen Lupanh cùng đồng bọn.
Héclốc Sôm xoa hai tay vào nhau, sung sướng cảm thấy cuối cùng thắng lợi đã ở trong tầm tay và không một chướng ngại nghiêm trọng nào ngăn cách y với cái đích ấy cả. Và trái với bản chất vốn kín đáo của y, Héclốc thổ lộ tâm tình:
– Thưa tiểu thư, mong tiểu thư thứ lỗi nếu tôi có tỏ vẻ thoả mãn như vậy. Cuộc chiến đấu đầy gian khổ, nên khi thành công, tôi thấy đặc biệt phấn khởi.
– Thưa ông, đó là một sự thành công chính đáng mà ông có quyền vui mừng.
– Cảm ơn tiểu thư. Ơ này, ta đang đi đâu thế nhỉ. Buồn cười thật đấy. Tay lái xe lúc nãy không nghe thấy gì chắc?
Đúng lúc ấy chiếc xe hơi qua cửa ô. Nơi y ra khỏi Pari. – Quái nhỉ? Phố Pécgôledơ có ở ngoại thành đâu?
Héclốc bèn hạ tấm kính xuống, quát:
– Này anh lái xe, nhầm đường rồi! Phố Pécgôledơ cơ mà!
Gã tài xế không đáp. Héclốc Sôm bèn quát to hơn:
– Phố Pécgôledơ! Tôi bảo anh phố Pécgôledơ cơ mà!
Anh chàng lái xe vẫn lặng ngắt.
– Chà! – Héclốc kêu lên, – ông bạn điếc đấy à? Hay là định giở quẻ đấy? Ra ngoại thành làm quái gì hả? Quay lại phố… PÉC… GÔ… LE… Dơ mau!
Vẫn im lặng. Tay thám tử người Anh vừa tức vừa lo. Y nhìn Clôtiđơ: Một nụ cười thoáng nở trên đôi môi cô gái.
– Sao tiểu thư lại cười? – Y càu nhàu. – sự cố này không quan hệ gì… chẳng thay đổi gì sất!
– Vâng, hoàn toàn chẳng thay đổi gì cả.
Bất chợt một ý nghĩ loé lên trong óc khiến Héclốc Sôm choáng váng. Y vội nhổm người lên, nhìn chằm chằm vào gáy người lái xe. Hình như đôi vai của thằng cha này có vẻ thon thả hơn, thái độ có vẻ ung dung hơn… Héclốc Sôm bỗng rùng mình, mồ hôi toát ra như tắm lạnh ngắt, hai bàn tay co quắp lại… Y thấy kinh hãi quá thể. Không còn nghi ngờ gì nữa, tay lái xe chính là Arxen Lupanh!
– Sao? Ông Héclốc Sôm? Ông thấy cuộc dạo chơi nho nhỏ này thế nào hả?
– Rất thú vị! Cực kỳ thú vị, ông bạn thân mến ạ!
Có lẽ chưa bao giờ Héclốc Sôm phải gắng sức một cách khủng khiếp đến thế để nói ra những lời ấy sao cho không rung giọng, không lộ sự giận dữ đang sôi lên trong lòng y. Nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó. Do một sự phản ứng ghê gớm, lòng căm thù và tính hung dữ bỗng trào lên như sóng cồn phá bung đê điều, khiến y mất hết ý chí. Tay thám tử người Anh bất thình lình rút súng sau ra, chĩa vào tiểu thư Đêtănggiơ và quát:
– Lupanh! Dừng xe lại! Nếu không ta sẽ bắn tiểu thư.
– Ông Héclốc Sôm này, – Lupanh không quay lại đáp, – tôi khuyên ông nên nhằm vào má mà bóp cò nếu ông muốn bắn trúng thái dương.
Clôtiđơ nói với Lupanh:
– Anh Maxim, phóng vừa vừa thôi, đường thì trơn mà em lại nhát lắm.
Nàng vẫn tươi cười, mắt chăm chú nhìn xuống đường.
– Dừng lại! Bảo hắn dừng lại! – Héclốc điên tiêt quát Clôtiđơ. Tiểu thư cũng biết là tôi có khả năng làm mọi chuyện!
Nòng súng ngắn của Héclốc Sôm chạm vào mái tóc quăn. Clôtiđơ thì thầm:
– Cái anh Maxim này bất cẩn quá! Phóng bạt mạng kiểu này có ngày trượt bánh chứ chẳng chơi!
Héclốc Sôm đút súng vào túi, nắm lấy quá đấm cửa xe hơi toan nhảy đại xuống đường.
Clôtiđơ khuyên y:
– Cẩn thận đấy ông ạ! Sau chúng ta có một chiếc xe hơi nữa đấy!
Héclốc Sôm nghiêng đầu nhòm lại sau. Đúng là có một chiếc xe hơi đang chạy theo xe của họ: xe to, vẻ hung dữ với cái mũi xe nhọn, sơn đỏ như tiết và bốn gã mặc áo lông xù ngồi chật ở bên trong.
– Hừ! – Héclốc nhủ thầm, – mình bị kèm chặt rồi! Phải bình tĩnh chờ dịp thôi.
Héclốc Sôm đành khoanh tay trước ngực với vẻ ngạo nghễ của một kẻ thất cơ ngồi chờ thời. Trong khi chiếc xe hơi băng băng vượt sông Xen, qua Xurétxnơ, Ruen, Satu, không dừng lại ở một nơi nào, thì Héclốc Sôm ngồi im ngậm đắng nuốt cay, nhẫn nhục nén giận và cố nghĩ xem Arxen Lupanh đã dùng pháp thuật nào để thế chân gã lái xe? Bảo anh chàng tài xế tử tế mà y đã chọn hồi sáng trên đại lộ là đồng bọn của Lupanh được bố trí trước, y thấy giả thiết ấy không ổn. Tuy nhiên nhất định Lupanh phải được thông báo trước, mà sự thông báo ấy chỉ có thể sau khi y đe doạ Clôtidơ, vì trước lúc đó không ai ngờ tới ý đồ trong đầu y. Vả lại từ lúc ấy, y và Clôtiđơ không hề rời nhau lấy một giây.
Héclốc Sôm chợt nghĩ tới “cuộc” điện thoại mà cô gái liên lạc với bà thợ may. Y bỗng hiểu: ngay khi chưa kịp nói, mới chỉ tự giới thiệu là thư ký mới của ông Đêtănggiơ, Clôtiđơ đã đoán thấy nguy hiểm, tên thật và mục đích của y và lập tức, một cách hết sức lạnh lùng và tự nhiên, nàng đã dùng mật khẩu cầu cứu Arxen Lupanh núp dưới danh nghĩa bà thợ may.
Arxen Lupanh đã đến bằng cách nào, làm sao chiếc xe hơi máy vẫn rung đỗ bên vỉa hè lại khiến hắn nghi ngờ, làm thế nào hắn “mua” được tay lái xe… tất cả không đáng để ý. Điều làm Héclốc Sôm thích thú đến quên cả tức giận, đó là sự gợi lại cái lúc ly kỳ mà một thiếu nữ bình thường, một cô gái si tình kiềm chế được mình, dẹp bản năng, giấu ánh mắt, giữ nét mặt bình thản, đã đánh lừa được tay cáo già như y.
Làm gì để chống lại một người được phục vụ bởi những tay chân như thế, một người mà chỉ với ảnh hưởng của uy quyền thôi đã truyền cho một người đàn bà biết bao nghị lực và táo bạo.
Xe qua sông Xen rồi ngược dốc Xanh Giécmanh. Nhưng quá thành phố ấy chừng năm trăm mét, xe chạy chậm lại. Chiếc xe đi sau đuổi kịp và cả hai cùng đỗ lại. Xung quanh vắng tanh vắng ngắt.
– Ông Héclốc Sôm, – Lupanh nói, – mời ông chuyển sang xe kia. Xe này của chúng ta chạy chậm như rùa!
– Sao lại thế? – Héclốc kêu lớn, – đã vội còn kén cá chọn canh làm gì cơ chứ!
– Ông làm ơn cho mượn cái áo lông của ông nữa, vì chúng ta sẽ đi khá nhanh đấy. À, mời ông hai cái bánh mì kẹp nhân. Ông Héclốc Sôm, ông cầm lấy đi! Chưa biết bao giờ mới ăn bữa chiều đâu, ông ạ!
Bốn người ngồi ở xe sau bước xuống. Một gã lại gần và khi gã bỏ cặp kính, Héclốc nhận ra cái lão mặc áo rơđanhgốt ở tiệm ăn Hunggari. Lupanh nói với gã:
– Anh đưa chiếc xe hơi này về trả cho tay lái xe mà tôi đã thuê. Hắn ngồi chờ trong quầy bán lẻ rượu đầu tiên ở bên phải phố Lơgiăngđrơ. Trả hắn hộ tôi thêm một nghìn phrăng nữa là hai nhé! À quên mất, anh làm ơn đưa cặp kính của anh cho ông Héclốc Sôm.
Arxen Lupanh trao đổi đôi lời với tiểu thư Đêtănggiơ rồi ngồi vào sau tay lái. Xe chạy. Héclốc Sôm ngồi bên cạnh Lupanh. Ở ghế sau là một người của chàng.
Lupanh không thổi phồng khi chàng nói xe sẽ chạy “khá nhanh”. Ngay thoạt đầu xe đã phóng với một vận tốc chóng mặt. Chân trời ào ào lao tới như bị lôi cuốn bởi một ma lực để rồi biến mất ngay sắp như bị hút vào một cái vực sâu thẳm. Những vật khác như cây cối nhà cửa, đồng ruộng và rừng cây cũng nhộn nhạo vội vã lao theo, hệt một dòng thác sắp chảy tới miệng vực.
Héclốc và Lupanh không nói với nhau một câu nào. Ở trên đầu họ, lá cành của những cây dương réo ào ào như sóng biển một cách hết sức nhịp nhàng do khoảng cách đều đặn giữa những gốc cây. Rồi những thành phố cũng theo nhau biến đi: Măngtơ, Vécnông, Gayông. Xe vẫn chạy bon bon hết đồi này tới đồi khác, qua Đôngxơcua đến Căngtơlơ, Ruăng và ngoại vi Ruăng, bến cảng với kè sông dài hàng kilômét khiến nó có vẻ một phố của một vạn chài. Rồi đến Đule, Côđơbếch, xư Cô, Lilơbon và Kiơbớp. Bỗng họ lại gặp bờ sông Xen, với một kè đá nhỏ, một chiếc thuyền yat đường nét khoẻ và giản dị, từ ống khói từng cuộn khói đen đang tuôn lên trời.
Chiếc xe hơi đỗ lại. Trong hai tiếng đồng hồ, xe đã chạy được hơn bốn mươi dặm.
Một người mặc áo xanh, đội mũ lưỡi trai bước tới và chào Lupanh.
– Hay lắm, ông thuyền trưởng! – Lupanh reo lên. – Ông nhận được bức điện của tôi chứ?
– Vâng.
– Thuyền Con Én sẵn sàng chứ hả?
– Con Én sẵn sàng chờ lệnh ạ!
– Vậy thì… ông Héclốc Sôm… xin mời ông xuống thuyền cho.
Tay thám tử người Anh ngó quanh, thấy một nhóm người đứng trên thềm một tiệm cà phê, một nhóm khác tụ tập ở gần hơn. Lưỡng lự giây lát, nhưng rồi y cũng hiểu ra rằng trước khi có một sự can thiệp nào đó thì y đã bị gô cổ ném xuống hầm tàu rồi. Héclốc đành nuốt hận bước xuống cầu tàu và theo Lupanh vào trong ca bin của thuyền trưởng.
Căn buồng khá rộng sạch như lau như li, chỗ nào cũng đánh vécni bóng lộn, đồ đồng sáng loáng.
Lupanh đóng sập cửa lại một cách thô bạo rồi nói với Héclốc Sôm:
– Thế nào, ông biết những gì?
– Biết tuốt!
– Biết tuốt à? Ông nói rõ xem nào!
Trong cách nói của chàng với tay thám tử người Anh không còn cái vẻ lịch sự pha chút mỉa mai lúc trước nữa mà đã ra giọng hống hách của một ông chủ quen sai khiến, quen mọi người phải phục tùng mình.
Hai người nhìn nhau từ chân lên đầu. Ánh mắt của họ giao nhau nảy lửa. Đó là ánh mắt của hai kẻ thù không đội trời chung. Lupanh gay gắt nói:
– Ông Héclốc Sôm, đã bao lần tôi gặp ông trên con đường tôi đi, tưởng thế đã là quá đủ. Tôi đã chán ngấy cái chuyện phải mất thì giờ để phá những cạm bẫy của ông. Tôi xin báo để ông biết là cách cư xử của tôi sẽ phụ thuộc vào câu trả lời của ông. Như vậy, đích xác ông biết những gì về tôi?
– Thưa ông, tôi xin nhắc lại với ông là tôi BIẾT TUỐT!
Arxen Lupanh cố nén lòng dằn giọng nói:
– Tôi, tôi sẽ nói cho ông những gì ông biết về tôi. Ông biết dưới cái tên Maxim Bécmông, tôi đã sửa lại mười lăm ngôi nhà do ông Đêtănggiơ xây dựng.
– Phải.
– Trong mười lăm ngôi nhà này, ông biết bốn.
– Phải.
– Và ông nắm danh sách mười một nhà còn lại.
– Phải.
– Có lẽ ông đã “moi” được bản danh sách ấy đêm hôm qua ở nhà ông Đêtănggiơ.
– Phải.
– Và ông cho là trong mười một ngôi nhà này nhất thiết tôi phải giữ lại một cho bản thân, cho nhu cầu của tôi cũng như của đàn em của tôi và ông đã giao phó cho Ganimar để tìm và phát hiện hang ổ ấy của tôi.
– Không.
– Thế nghĩa là thế nào?
– Nghĩa là tôi hành động một mình và đi tìm một mình!
– Thế thì tôi chẳng sợ gì nữa, vì ông đang nằm trong tay tôi!
– Vâng, CHỪNG NÀO tôi còn ở trong tay ông thôi, ông Lupanh ạ!
– Nghĩa là ông sẽ chuồn được?
– Phải.
Arxen Lupanh lại gần Héclốc Sôm, đặt nhẹ tay lên vai y và nói:
– Ông Héclốc, ông nghe đây, tôi không muốn tranh luận mà ông thì rất đáng buồn là không có khả năng hạ được tôi. Tốt hơn hết ta nên chấm dứt chuyện này.
– Nhất trí với ông, ông Lupanh!
– Ông hãy hứa danh dự với tôi không tìm cách trốn khỏi con tàu này trước khi về tới Anh.
– Tôi xin lấy danh dự hứa với ông rằng tôi sẽ tìm mọi cách để thoát thân. Héclốc Sôm bướng bỉnh đáp lại.
– Đồ chết giẫm ở đâu! Ông thừa biết tôi chỉ cần nói một câu là ông hết đường cựa quậy. Đàn em của tôi nhắm mắt vâng lời tôi. Tôi hất đầu một cái, chúng sẽ quăng ngay xích sắt vào cổ ông.
– Xích sắt có thể đứt được!
– Chúng sẽ quăng ông qua thành tàu cách bờ mười hải lý.
– Tôi biết bơi.
– Đối đáp khá lắm. – Lupanh thốt lên. – Lạy Chúa! Tôi nổi cáu mất rồi! ông Héclốc Sôm, ông thứ lỗi cho nhé! Chúng ta cũng nên kết thúc thôi ông ạ! Giả thử tôi tìm mọi cách cần thiết để bảo đảm an toàn cho tôi và cho đàn em của tôi.
– Mọi cách đều vô ích.
– Đồng ý. Tuy nhiên chẳng lẽ ông lại muốn tôi dùng những cách ấy?
– Đó là quyền ở ông.
– Vậy thì được.
Lupanh hé cửa gọi thuyền trưởng và hai thuỷ thủ. Ba người tóm lấy Héclốc. Sau khi đã lục túi y, họ buộc cẳng và trói y vào ghế nằm của thuyền trưởng.
– Thôi! – Lupanh ra lệnh. – Thưa ông, thực sự do ông cưỡng lại và do tầm quan trọng của tình huống nên bắt buộc tôi phải…
Các thuỷ thủ rút lui. Lupanh nói:
– Ông thuyền trưởng này, ông sẽ bố trí một người túc trực ở đây phục vụ ông Héclốc nhé. Còn ông, lúc nào rỗi, ông vào đây với ông ấy cho vui. Đừng để ông ấy thiếu một cái gì. Đồng hồ của ông mấy giờ rồi nhỉ?
– Hai giờ năm phút.
Lupanh kiểm tra lại đồng hồ của mình và đồng hồ quả lắc treo trên vách cabin của thuyền trưởng.
– Hai giờ năm phút. Đúng! Từ đây đến Xaothamxơn, tàu Con Én chạy hết mấy tiếng?
– Cứ nhẩn nha đi, mất chín giờ.
– Ông cứ kéo mười một giờ nhé. Ông không được cập bến trước giờ nhổ neo của tàu chở khách. Con tàu biển duy nhất rời cảng Xaothamxơn lúc nửa đêm tới Hayrơ vào tám giờ sáng. Ông hiểu chứ?
– Rõ! Thưa sếp.
– Thôi, xin chào Héclốc Sôm! – Lupanh quay sang nói với tay thám tử người Anh. – Hẹn sang năm gặp lại ở trái đất này hoặc ở thế giới bên kia!
– Không dám! Mai ta sẽ gặp nhau.
Vài phút sau, tiếng xe hơi chở Lupanh xa dần. Máy hơi nước của tàu Con Én cũng ầm ỹ khởi động. Đúng lúc ấy. Héclốc Sôm bị trói chặt trên ghế nằm, nhắm mất đánh một giấc ngủ say sưa.
Sáng hôm sau, ngày thứ mười và cũng là ngày cuối cùng của cuộc đấu tay đôi giữa hai đối thủ vĩ đại, báo Echo de France đăng một mẩu tin lý thú:
“Hôm qua Arxen Lupanh đã ra một sắc lệnh trục xuất thám tử người Anh Héclốc Sôm. Ngay trưa, sắc lệnh được thi hành. Đúng một giờ sáng Héclốc Sôm đã cập bến Xaothamxơn!”.