Mỗi lần đại sứ quán nước Áo, hay phủ đệ của phu nhân Billingstone mở vũ hội, bà Bá tước phu nhân de Dreux-Soubise luôn luôn đeo trên cái cổ trắng nõn nà của mình “Chuỗi vòng cổ Nữ hoàng”. Và dường như năm nào có vài dịp trọng đại như thế để Bá tước phu nhân trưng chiếc vòng quý giá đó ra.
Chuỗi vòng cổ này có lai lịch khá lừng lẫy. Năm đó, theo lệnh của vua Louis 15, hai người thợ kim hoàn của hoàng gia là Bohmer và Bassenge đã làm chiếc vòng cổ lộng lẫy có giá trị cao ngất ấy, để nhà vua tặng cho tình nhân của mình là Bá tước phu nhân de Barry. Sau đó, Hồng y giáo chủ de Rohan-Soubise đã có âm mưu hiến tặng chuỗi vòng ấy cho vương hậu Marie-Antoinette. Khi vụ việc thất bại, thì vào một đêm tháng hai năm 1785, cùng tham gia vào âm mưu đó, Bá tước phu nhân de La Motte đã gỡ những viên kim cương vô giá đính trên chuỗi vòng cổ ra để cất giấu, với sự giúp đỡ của chồng và đồng đảng Retaux de Villette.
Thật ra, bây giờ chỉ có thể khẳng định là phần giá đỡ để gắn kim cương là đồ thật thôi. Nhân lúc ông de La Motte và phu nhân còn đang vội vội vàng vàng gỡ những viên kim cương quý giá mà người thợ kim hoàn Bohmer đã lựa chọn kỹ càng ra, thì Retaux de Villette đã cất giấu phần giá đỡ. Sau đó, ông ta đã bán lại nó cho Gaston de Dreux-Soubise ở Italia. Gaston là cháu gọ bằng chú và là người kế thừa tài sản của Hồng y giáo chủ Rohan, đã ra tay giúp đỡ khi Hồng y giáo chủ sa cơ lỡ vận. Ông ta tìm đến nhà buôn kim hoàn người Anh Jeffreys-người nắm trong tay đế chế kim cương và mua lại chỗ kim cương ấy, sau đó lại nghĩ cách phối thêm một ít kim cương khác vào. Phần kim cương mới, tuy có hình dáng, kích cỡ tương tự với số cũ nhưng chất lượng thì kém hơn hẳn. Cuối cùng, ông ta dựa theo chuỗi vòng cũ cho khảm lại các hạt kim cương vào, và tạo ra được “Chuỗi vòng cổ Nữ hoàng” nức tiếng gần xa ấy coi như là sự tưởng niệm đối với người chú của mình.
Hơn một thế kỷ trở lại đây, chuỗi vòng cổ này luôn luôn là niềm kiêu hãnh của gia tộc Dreux-Soubise. Dù thế sự đổi thay, dòng dõi suy yếu, nhưng các thành viên đời sau của gia tộc này thà sống tằn tiện, túng thiếu chứ cũng quyết không chịu bán lại kỷ vật vương giả quí báu ấy cho ai cả. Ông Bá tước bây giờ lại càng coi nó là vật báu gia truyền cất giữ rất kỹ. Cẩn tắc vô áy náy, ông ta đã thuê hẳn một két an toàn của Ngân hàng tín dụng Lyonnais, chuyên dùng để cất giữ chuỗi vòng cổ ấy. Khi nào vợ cần đeo “Chuỗi vòng cổ nữ hoàng” chiều hôm đó ông ta sẽ đích thân đi lấy, ngày hôm sau lại tự mình đem cất trở lại két an toàn.
Tối đó, trong buổi chiêu đãi Quốc vương Đan Mạch Christiansen tại cung Castille-sự việc này xảy ra đầu thế kỷ-Bá tước phu nhân đúng là được dịp chơi trội. Ngay đến bản thân Quốc vương cũng phải chú ý đến vẻ đẹp kiều diễm của bà ta, thật là bắt mắt. Một đồ trang sức quý báu như vậy xem ra chẳng có người phụ nữ nào có thẻ đeo nó một cách tao nhã và sang trọng như bà ấy.
Đây đúng là một thành công kép, Bá tước de Dreux quay trở về phủ đệ ở khu Saint-Germain, bước vào cửa phòng ngủ lòng đầy vui sướng. Ông vừa thấy tự hào về vợ mình, lại càng tự hào hơn về chuỗi vòng cổ gia truyền ấy đã đem lại vinh quang cho cả gia tộc ấy.
Bá tước phu nhân tháo chiếc vòng ra khỏi cổ mình một cách đầy nuối tiếc, đưa cho chồng. Ông ngắm nghía chiếc vòng cổ thật kỹ lưỡng với ánh mắt trìu mến pha lẫn sự ngưỡng mộ, cứ như mới nhìn thấy nó lần đầu vậy. Sau đó, ông cất chuỗi vòng cổ vào trong cái tráp đựng trang sức bọc da đỏ có khắc huy hiệu của Hồng y giáo chủ, để cái tráp vào trong căn phòng bí mật bên cạnh. Căn phòng nhỏ này thực ra là một không gian lõm vào phòng ngủ, tuy thông với phòng ngủ, nhưng lại ngăn cách hẳn. Muốn vào được căn phòng bí mật ấy, trước hết phải đi qua cuối chiếc giường trong phòng ngủ. Giống như mọi lần, Bá tước đặt cái tráp lên giá ngang trên cao, giấu lẫn vào đống hộp đựng mũ quần áo trong. Sau đó ông đóng cửa phòng ngủ, thay quần áo và lên giường ngủ sau một buổi tối vui vẻ.
Sáng sớm hôm sau ông dậy vào lúc chín giờ, chuẩn bị đích thân đi đến Ngân hàng tín dụng Lyonnais rồi mới quay về ăn sáng. Ông thay quần áo, uống cốc cà phê rồi ra tàu ngựa sai người chuẩn bị ngựa. Thấy có con ngựa hơi ủ rũ, ông liền sai người chăn ngựa dẫn nó đi một vòng quanh sân. Sau đó ông quay vào nhà, trở lại bên vợ.
Bà vẫn chưa ra khỏi phòng ngủ, người hầu gái đang giúp bà trang điểm. Bà hỏi ông:
– Anh định ra ngoài ư?
– Ừ…chính là vì chuyện đó…
– Vâng … đúng vậy… như thế thì an toàn hơn…
Ông bước vào căn phòng nhỏ kia. Thế nhưng mấy phút sau, ông lại hỏi:
– Em đã lấy chiếc vòng cổ rồi à, em yêu?
Bà ngạc nhiên trả lời:
– Gì cơ? Không, em có lấy đâu.
– Nhưng em đã chuyển nó đi chỗ khác rồi sao?
– Không hề… Cửa phòng đó em còn chưa mở cơ mà.
Ông bước ra, mặt tái nhợt, nói lắp bắp:
– Em không…? Không phải em…? Vậy thì…
Bà vội vàng đi vào căn phòng bí mật. Hai người lật tung cả căn phòng, vứt hết các hộp đựng mũ ra, bới tung chỗ quần áo trong lên. Ông Bá tước vừa làm vừa không ngớt lầm bầm:
– Chẳng ích gì nữa đâu…chúng ta có tìm nữa cũng chẳng ích gì… Anh đã để ở đây, chính là trên cái giá ngang này.
– Không chừng anh đã nhớ nhầm rồi.
– Chính chỗ này, chính là cái giá ngang này cơ, không phải cái đó-ông nói như một cái máy.
Căn phòng nhỏ này rất ít ánh sáng. Họ thắp một cây nến lên, chuyển hết quần áo và các vật dụng khác trong phòng ra. Đợi đến khi căn phòng đã hoàn toàn trống không, họ đành phải đau đớn đón nhận sự thật ấy: “Chuỗi vòng cổ Nữ hoàng” đã thực sự biến mất!
Với tính cách mạnh mẽ, quyết đoán của mình, Bá tước phu nhân không lãng phí thời giờ vào việc khóc lóc kêu gào, bà sai người mời ngay cảnh sát trưởng Valorbe đến. Tài năng và sự sáng suốt của vị cảnh sát trưởng này họ đã nghe nói từ lâu. Cảnh sát trưởng lập tức phi ngựa đến ngay. Sau khi nghe kể đầu đuôi câu chuyện, ông liền hỏi:
– Thưa Bá tước, ngài có thể khẳng định rằng đêm qua không hề có người nào đi qua phòng ngủ của ngài không?
– Tôi khẳng định chắc chắn. Tôi vốn rất thính ngủ, huống hồ phòng ngủ lại được khoá. Sáng nay khi vợ tôi kéo chuông gọi người hầu, tôi chính là người mở khoá cửa cơ mà.
– Không có con đường nào khác có thể đi vào căn phòng bí mật đó chứ?
– Không có-Bá tước trả lời dứt khoát
– Không có cửa sổ?
– Tôi muốn kiểm tra một chút…
Họ thắp vàingọn nến lên, Valorbe lập tức chú ý ngay là cửa sổ chỉ được cái tủ quần áo chặn đến một nửa, hơn nữa tủ quần áo không hề kê sát vào cánh cửa sổ.
– Kê gần thế này là được rồi-Ngài Dreux giải thích-nếu có người muốn di chuyển cái tủ quần áo thì chắc chắn sẽ gây ra những tiếng động.
– Cánh cửa sổ hướng về hướng nào?
– Hướng về phía cái giếng trời trong nhà.
– Trên tầng này còn có một tầng nữa ư?
– Còn hai tầng nữa. Nhưng ở ngang với tầng mà người hầu ở, tôi đã cho giăng lưới sắt dày ở miệng giếng trời. Căn phòng này khá tối chính vì những nguyên nhân đó.
Sau khi đẩy tủ quần áo ra, họ phát hiện thấy cửa sổ đóng kín từ đó cho thấy không có ai đã bò vào qua cửa sổ.
– Trừ phi tên khốn đó-Bá tước trầm ngâm nói đã trốn sẵn trong phòng của chúng tôi.
– Nếu vậy thì chìa khoá phòng ngủ sao lại còn nguyên trên ổ khoá?
Suy nghĩ trong giây lát, cảnh sát trưởng quay sang hỏi Bá tước phu nhân:
– Thưa phu nhân, trong nhà có ai biết là tối qua bà đeo chuỗi vòng này không?
– Dĩ nhiên, điều này tôi không giấu ai cả. Nhưng không có ai biết là chúng tôi giấu nó trong căn phòng bí mật này.
– Không ai biết?
– Không ai biết ngoài…
– Thưa phu nhân, xin bà hãy nói cho rõ, điểm này rất quan trọng.
Bà quay sang như muốn nói riêng với chồng:
– Em muốn nói đến Henriette.
– Henriette? Cô ấy cũng giống mọi người, không hề biết gì về việc này đâu.
– Anh có chắc không?
– Cô Henriette này là người thế nào?- Valorbe hỏi.
– Là bạn tôi hồi học ở trường nội trú nữ tu. Cô ấy, vì chuyện hôn nhân với một người thợ mà xung đột với gia đình. Sau đó chồng cô ấy chết, tôi liền sắp xếp một gian buồng phụ cho cô ấy mang con đến ở.
Nói xong, bà ngượng ngùng bổ sung thêm một câu:
Cô Henriette cũng giúp tôi làm chút việc nhà. Cô ấy rất khéo léo.
– Cô ấy ở tầng nào?
– Ngay tầng này, cách đây không xa… Ở đầu bên kia hành lang… Còn nữa, cửa sổ bếp của cô ấy…
– Cũng hướng về cái giếng trời này, chứ gì?
– Đúng vậy, đối diện với cái cửa sổ đó.
Nói xong thì tất cả lặng im một hồi lâu. Sau đó, Valorbe nhờ họ dẫn đường cùng đến xem chỗ của Henritte.
Khi vào phòng thì thấy cô ta đang khâu vá; con trai cô-Raoul đang đọc sách. Cảnh sát trưởng không thể ngờ rằng chỗ ở của mẹ con họ lại có thể tồi tệ đến vậy: Ngoài một căn phòng không có lò sưởi, chỉ có một khoảng sân lấn vào chỗ nhà bếp. Ông hỏi cô ta vài câu. Nghe thấy chuyện chuỗi vòng đã bị mất cắp, cô ta tỏ vẻ vô cùng kinh ngạc. Tối hôm qua, chính cô ta đã chuẩn bị quần áo cho Bá tước phu nhân, chính tay cô đã đeo lên cổ phu nhân chuỗi vòng quý giá đó.
– Trời ơi! Cô hét lên. Ai ngờ được rằng có thể xảy ra chuyện này chứ.
– Cô không hề thấy có điểm gì khả nghi chứ? Người gây án rất có thể đã đi qua phòng cô.
Cô cười lớn, thậm chí chẳng hề nghĩ rằng mình cũng nằm trong diện khả nghi.
– Nhưng tôi không hề rời khỏi phòng mà! Tôi không ra ngoài lúc nào. Hơn nữa, chẳng lẽ ngài cũng không thấy ư?
Cô mở cửa sổ ngoài sân:
– Ngài xem, chỗ này cách cái cửa sổ đối diện kia ba mét đấy.
– Ai bảo cô là đồ bị lấy trộm ở căn phòng đó?
– Nhưng… chẳng phải cái vòng cổ được cất ở đó sao?
– Sao cô biết?
– Ơ! Tôi đã biết là tối qua nó ở đấy mà… Tôi nghe thấy nói như vậy ngay trước mặt mà.
Cô tuy chưa lớn tuổi, nhưng trông rất tiều tuỵ, trên khuôn mặt lộ vẻ hiền thục, vâng lời. Cô im lặng một lúc, rồi đột nhiên tỏ ra vô cùng lo sợ, dường như cô linh cảm được một tai hoạ lớn sắp giáng xuống đầu. Cô kéo đứa con trai về phía mình và ôm ghì lấy nó. Đứa bé nắm lấy tay mẹ, tựa đầu vào ngực cô ra điều hiểu biết.
Sau khi ra khỏi phòng của Henriette, ngài de Dreux nói với cảnh sát trưởng:
– Tôi nghĩ là ngài không đến nỗi nghi cho cô ấy chứ? Tôi có thể đảm bảo cho cô ấy. Cô ấy rất đáng tin cậy.
– Ồ! Tôi hoàn toàn đồng ý với ngài-Valorbe đáp-Đầu tiên tôi nghĩ là có thể cô ấy đã vô tình tham gia vào vụ trộm, nhưng bây giờ thì có thể loại bỏ khả năng này rồi.
Cuộc điều tra của cảnh sát trưởng không hề có tiến triển gì cả. Vài ngày sau đó, Chưởng lý tiếp tục cuộc điều tra. Ông ta tra hỏi những ngưòi hầu, khiểm tra khóa cửa, thử đóng mở cửa sổ của căn phòng bí mật đó mấy lần, rồi lại còn kiểm tra kỹ cái giếng trời đó từ trên xuống dưới vài lần… Kết quả cũng chẳng thu được gì. Ổ khoá hoàn toàn không có một vết xước. Từ phía ngoài không cách nào mở hoặc đóng được cửa sổ cả.
Phạm vi điều tra dần dần thu hẹp lại, xoay quanh Henriette. Theo điều tra, ba năm qua cô chỉ ra khỏi nhà có bốn lần, hơn nữa đều là đi mua đồ cho bà Bá tước. Thực ra, cô chính là người hầu và thợ khâu vá gần nhất với phu nhân de Dreux. Phu nhân đối xử với cô rất nghiệt ngã, không nể nang tình nghĩa gì cả; những người hầu trong phủ đều kín đáo xác nhận điều này.
Sau một tuần điều tra, Chưởng lý đã đi đến một kết luận hoàn toàn thống nhất với cảnh sát trưởng. Ông nói:
– Chúng tôi vẫn chưa biết thủ phạm là ai. Và dù có biết đó là ai, thì chúng tôi cũng không thể xác định người đó đã gây án như thế nào. Cửa thì khoá, cửa sổ thì đóng, kẻ đó rốt cuộc đã vào bằng cách nào? Càng khiến người ta khó lý giải hơn là sau khi kẻ cắp ra khỏi, khoá cửa phòng vẫn đóng với chìa khoá còn cắm nguyên trong ổ, cửa sổ phòng cũng đóng chặt như cũ. Đúng là không thể hiểu nổi.
Công tác điều tra kéo dài bốn tháng, cuối cùng cũng chấm dứt. Nhận định được giữ kín của phía cảnh sát là: vợ chồng bá tước, do túng quẫn quá đã bán “Chuỗi vòng cổ Nữ hoàng” đi rồi phao tin mất cắp. Sau khi vụ ná được khép lại thì không còn ai điều tra nữa.
Vụ mất trộm “Chuỗi vòng cổ Nữ hoàng” là một đòn nặng nề đối với vợ chồng bá tước, hơn nữa ảnh hưởng của nó còn rất dài lâu. Hồi xưa có được chuỗi vòng ấy đúng là một sự đảm bảo về uy tín, nhưng giờ đây thì tình hình đã thay đổi. Thái độ của những người chủ nợ đã không còn như trước nữa, đến muốn vay chút tiền thì sắc mặt của họ không còn dễ coi như ngày xưa. Vợ chồng bá tước đành phải đưa ra quyết định khẩn cấp: giao quyền sở hữu một phần tài sản cho các chủ nợ làm thế chấp. Tóm lại, nếu không nhờ cậy vào gia sản đồ sộ mà tổ tiên để lại thì họ đã phá sản từ lâu rồi.
Bá tước phu nhân trút giận lên đầu người bạn học ở trường nội trú của mình, thường xuyên xỉ vả cô trước mặt mọi người. Trước là chính thức hạ cô xuống hạng người hầu, sau đuổi cô đi luôn.
Không ngờ, sau khi Henriette rời khỏi phủ đệ bá tước, bá tước phu nhân lại nhận được một bức thư của cô gửi đến:
“Phu nhân kính mến!
Tôi cảm ơn bà rất nhiều. Vì tôi nghĩ chắc chắn là bà đã gửi nó đến cho tôi, nếu không thì còn có thể là ai nữa? Chẳng có ai biết tôi ở nơi hẻo lánh xa xôi này cả. Nếu như tôi đoán sai thì xin bà hãy thứ lỗi, và xin nhận lời cảm ơn của tôi đối với những gì mà bà đã giúp đỡ tôi trước đây…”
Cô ta nói vậy là có ý gì? Bây giờ cũng vậy mà trước đây cũng thế, bá tước phu nhân chẳng có gì gọi là giúp đỡ cô ta cả. Cô ta cảm ơn như thế rốt cuộc là thế nào?
Bá tước phu nhân viết ngay thư trả lời, yêu cầu cô ta giải thích. Thư phúc đáp đã đến, trong thư Henriette nói, cô ta nhận được một bức thư từ bưu điện, không có số hay khai giá gì cả, bên trong là hai tờ séc mệnh giá 1000 franc. Cô ta đã gửi kèm bì thư đó cùng với thư trả lời này. Trên bì thư đó đóng dấu Paris, người gửi chỉ viết địa chỉ, bút tích rõ ràng là giả mạo.
2000 Franc này ở đâu ra đây? Là ai đã gửi? Cảnh sát lại tiến hành điều tra, nhưng chẳng có manh mối gì cả.
Một năm sau, lại xảy ra lại việc tương tự như thế. Cô Henriette đáng thương đã nhận được khoản trợ cấp đặc biệt như vậy liên tục trong sáu năm, năm nào cũng vậy. Chỉ khác là hai năm cuối cùng sô tiền tăng gấp hai lần, lúc ấy cô Henriette đang mắc bệnh, may mà có sô tiền ấy để chữa trị.
Còn có một điểm khác nữa: bưu điện lúc ấy đã từng mượn cớ là không có khai giá để giữ lại một bức thư. Thế là hai bức thư sau liền được gửi đi theo đúng quy định của bưu điện, bức thư trước được gửi từ Saint Germain, bức thư sau gửi từ Suresnes, người gửi ký tên là Anquety và Pechard. Nhưng địa chỉ của người gửi thì tất nhiên đều là giả. Sáu năm sau Henriette qua đời bí mật ấy vẫn không được khám phá. Trước mắt mà hai mươi năm đã trôi qua.
Hôm nay, phủ đệ của bá tước de Dreux mở tiệc. Trong số khách khứa có hai đứa cháu trai và một người em gái họ của ngài de Dreux. Ngoài ra còn có chánh án de Essavile, nghị sĩ hạ nghĩ viện Bochas, nhà quý tộc Floriany-ông này là bạn mà bá tước quen hồi đi du lịch đảo Sicily, và tướng quân de Rouzieres-bạn cũ của bá tước ở câu lạc bộ. Sau bữa cơm, các quý bà phu nhân và các cô tiểu thư uống cà phê, còn các quý ông thì rời khỏi phòng khách để đi hút xì gà; nhưng họ không đi cùng một lúc để trách làm cho không khí trong phòng khách quá vắng lặng. Thế là mọi người đều bắt đầu nói chuyện phiếm. Có cô tiểu thư lấy bài ra bói cho vài quý ông. Tiếp đến, họ lại chuyển chủ đề sang các vụ án đã từng gây xôn xao dư luận một thời. Tướng quân Rouzieres vốn rất thích trêu trọc ngài bá tước, vì thế ông ta liền lôi chuyện “Chuỗi vòng cổ nữ hoàng” ra. Đây chính là đề tài mà bá tước de Dreux sợ phải nghe thấy nhất.
Mọi người bàn tán sôi nổi và đua nhau phát biểu ý kiến. Dĩ nhiên, tất cả các giả thiết đều có chỗ sơ hở hoặc tự mâu thuẫn cả.
– Thưa ngài-bá tước phu nhân hỏi ông Floriany-xin hỏi ngài có cao kiến gì không?
– Ồ! Tôi nghe là tôi chẳng có ý kiến gì thưa phu nhân
Mọi người hò hét ầm lên. Thế là nhà quý tộc liền kể vài câu chuyện giật gân, một cách sinh động đó đều là những câu chuyện mà ông ta và cha ông ta-một vị quan tòa địa phương ở Palermo- đã đích thân trải qua. Những câu chuyện ấy cho thấy, ông ta không chỉ can đảm hiểu biết hơn người mà còn rất có hứng thú với những câu chuỵên giật gân kiểu như vậy.
– Tôi thừa nhận-ông ta nói-tôi đã may mắn giải quyết được một vài mà chính các cao thủ cũng phải bó tay. Nhưng xin các vị đừng vì thế mà coi tôi như Sherlock Holmes. Hơn nữa, tôi vẫn còn chưa biết rõ lắm về ngọn nguồn của vụ án này.
Các quan khách đều dồn ánh mắt về phía ông chủ của phủ đệ. Tuy không bằng lòng, Bá tứớc vẫn kể lại vắn tắt đầu đuôi câu chuyện. Nhà quí tộc vừa nghe vừa suy nghĩ, hỏi vài câu sau đó như là tự nói với mình:
– Lạ thật… Lúc tôi mới nghe thấy chuyện này, tôi không hề cảm thấy sự việc lại có nhiều chi tiết phức tạp đến vậy.
Bá tước nhún vai. Nhưng các quan khách thì ngồi vây quanh nhà quý tộc, muốn nghe ý kiến của ông. Thế là ông ta liền bắt đầu nói với một khẩu khí hơi võ đoán.
– Thông thường mà nói, muốn tìm ra kẻ gây án của một vụ giết người hay trộm cắp, thì trước tiên phải xác định hắn đã ra tay như thế nào. Vụ án này như tôi thấy thì cũng khá đơn giản, bởi trước mắt tôi có một giả thiết duy nhất có khả năng xảy ra: kẻ đó không phải vào từ cửa phòng ngủ, mà vào từ cửa sổ của gian phòng bí mật đó. Vì cửa phòng ngủ đã cắm chìa khóa, từ bên ngoài không cách nào mở được thì dĩ nhiên hắn chỉ có thể vào bằng đường cửa sổ.
– Nhưng cửa sổ bị đóng mà. Sau khi sự việc xảy ra chúng tôi đã kiểm tra rồi, đúng là đóng chặt mà-Bá tước giải thích.
– Nếu như hắn vào bằng chỗ ấy-Ngài Floriani không để ý đến lời nói của ông Bá tước, cứ nói tiếp
– Chỉ cần dùng thanh ván gỗ hoặc dùng thang bắc một cái cầu nối từ sân thượng đến bậu cửa sổ của gian phòng bí mật đó, đợi cái tráp…
– Nhưng tôi đã nói rồi, cửa sổ đóng mà!- Bá tước không nhịn được lại nói xem vào
Lần này thì ngài Floriani không thể không để ý đến những lời nói của bá tước được nữa. Lúc trả lời bá tước ông ta trông rất tự nhiên, thoải mái dường như lố bịch đến mức không thèm cãi lại lời giải thích của đối phương.
– Tôi tin là cửa sổ đóng chặt, nhưng chẳng phải là vẫn còn có cửa sổ thông gió ư?
– Sao ngài biết?
– Trước tiên, xét tới kiến trúc kiểu này của quý phủ thì đây dường như là một kiểu bố cục thường thấy. Tiếp nữa là cũng nên có cái cửa sổ thông gió này vì nếu không thì chẳng phải là không thể giải thích nổi vụ án này sao?
– Đúng là có một cái cửa sổ thông gió nhưng lúc đó cũng đã đóng. Do đó lúc ấy chúng tôi không để ý đến nó.
– Đây là một sai lầm! Nếu như lúc ấy để ý đến nó thì chắc chắn sẽ phát hiện nó đã được mở ra.
– Thế là thế nào?
– Tôi nghĩ cái cửa sổ thông gió này cũng giống như mọi cửa sổ thông gió khác, trên đỉnh có một vòng sắt nhỏ, móc vòng sắt là có thể mở được, đúng không?
– Chính là như thế.
– Cái vòng sắt này nằm giữa cửa sổ và tủ tường đúng không?
– Đúng vậy, nhưng tôi không hiểu.
– Xin hãy nghe tôi nói. Chỉ cần có dụng cụ. Ví dụ cầm một thanh sắt có đầu là móc cong, thò vào từ kẽ hở trên cửa sổ, móc vào vòng sắt và kéo thì cửa sổ thông gió sẽ mở ra.
Bá tước nhếch mép cười nhạt:
– Hừ! Hay lắm! Ngài nói rất hay! Nhưng ngài đã quên mất một chuyện ông bạn yêu quý ạ, đó là cửa sổ thông gió không hề có một kẽ hở nào cả.
– Có kẽ hở.
– Không thể nào, lúc ấy chúng tôi không nhìn thấy.
– Nếu muốn thấy thì phải quan sát kĩ, các ngài đã không quan sát kỹ. Chắc chắn là có kẽ hở, nó nằm dọc theo lớp mát tít chét cửa kính, và dĩ nhiên là theo hướng thẳng đứng.
Bá tước đứng dậy bước vài bước trong phòng khách với vẻ kích động, sau đó bước đến trước mặt Floriani và nói:
– Đồ đạc ở chỗ đó vẫn chưa bị di chuyển, còn nguyên hiện trạng… chưa có ai vào cái phòng bí mật đó cả.
– Đã như vậy thì thưa ngài hãy đến kiểm tra một chút xem tôi nói có đúng không.
De Dreux vội bước ra ngoài, phòng khách chìm vào im lặng mọi người đều lặng im như đang chờ đợi một điều gì đó.
Lát sau Bá tước xuất hiện trước cửa phòng khách, mặt tái nhợt có vẻ như đang rất xúc động. Ông run run nói với các quan khách:
– Xin các vị hãy thứ lỗi… Phán đoán của ngài đay quả là nằm ngoài sức tưởng tượng… tôi không thể nào ngờ được…
Bá tước phu nhân sốt ruột ngắt lời ông:
– Mau nói đi rốt cuộc là có không?
Bá tước lắp ba lắp bắp:
– Có kẽ hở… Chính là ở chỗ đó… dọc theo hèm cửa kính…
Bá tước tóm lấy tay nhà quí tộc, nói một cách khẩn thiết:
– Bây giờ thưa ngài, xin hãy nói tiếp!… Những lời ngài nói vừa nãy rất có lý, nhưng vẫn chưa kết thúc… Theo ngài thì rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì?
Ngài Floriani nhẹ nhàng rút tay ra, đợi giây lát rồi mới nói tiếp:
– Hừm, theo tôi nghĩ thì thế này. Kẻ gây án biết Bá tước phu nhân đeo chiếc vòng ấy đi dự tiệc liền nhân cơ hội khi hai người không có ở nhà đã bắc thang gỗ nối. Hắn theo dõi các hành động của hai người thông qua cửa sổ, nhìn thấy ngài giấu cái tráp đi. Đợi ngài vừa ra khỏi là hắn liền kéo cửa sổ thông gió ra qua kẽ hở đó.
– Cứ coi là như vậy, nhưng nếu hắn thò người vào từ cửa sổ thông gió thì vẫn không đủ vươn đến nắm đấm cửa sổ chứ.
– Cửa sổ bên dưới đã không mở được, thì dĩ nhiên là hắn chui vào qua cửa sổ thông gió rồi.
– Như thế sao được, đàn ông có gầy bé lắm thì cũng không chui qua được.
– Vậy thì chắc chắn là một đứa trẻ rồi.
– Một đứa bé!
– Chẳng phải ngài đã bảo là bạn của ngài, cô Henriette có một đứa con trai ư?
– Đúng nó tên là Raul.
– Vậy thì rất có khả năng là chính Raul đã gây án.
– Ngài có bằng chứng gì?
– Bằng chứng?… Dĩ nhiên là có… Ví dụ…- Ông ta ngừng lại suy nghĩ trong vài giây, sau đó nói tiếp-Ví dụ cái thanh gỗ bắc cầu ấy, nếu thằng bé đem từ ngoài vào thì hẳn người khác sẽ nhìn thấy. Vậy chắc chắn là nó lấy ngay trong nhà. Trong mảnh sân, chỗ Henriette dùng làm bếp chẳng phải có mấy thanh gỗ làm gác bếp ư.
– Tôi nhớ là có hai thanh.
– Nên đi xem lại một chút, hai thanh gỗ ấy có phải là được gắn cố định không. Nếu không phải thì dĩ nhiên có thể đưa ra giả thiết là thẳng bé đã cạy chúng ra và nối chúng với nhau. Và bên cạnh đã có một cái bếp lò thì không chừng còn có thể tìm thấy một cái cời lò có đầu cong, có lẽ thằng bé dã dùng nó để mở cửa sổ thông gió đấy.
Bá tước im lặng bước ra khỏi phòng khách. Lúc này, các quan khách thậm chí đều có thể dự cảm được là lời nói của nhà quý tộc chắc chắn sẽ không lệch đi đâu được. Quả nhiên, khi quay lại phòng khách Bá tước nói lớn:
– Đúng là thằng bé đó, đúng là thằng bé đó đã làm. Ngài nói không sai một li.
– Ngài đã nhìn thấy hai thanh gỗ ấy… hay là cái cời lò?
– Tôi thấy rồi… đinh trên thanh gỗ đã bị cạy ra… cái cời lò vẫn còn ở đấy.
Bá tước phu nhân kêu lên:
– Thằng bé đó… thực ra phải nói là mẹ nó, Henriette mới là thủ phạm thực sự, chắc chắn là cô ta đã sai thằng bé…
– Không-Nhà quý tộc ngắt lời bà-Việc này không liên can gì đến mẹ thằng bé.
– Làm gì có chuyện ấy! Mẹ con nó ở cùng một phòng, mỗi cử động của đứa bé làm sao qua mắt được mẹ nó.
– Vậy “Chuỗi vòng cổ Nữ hoàng” thì sao? – Bá tuớc hỏi-Nói như vậy thì lúc đó đã có thể tìm thấy nó trong đống đồ đạc của thằng bé chứ.
– Xin lỗi! Nó đã đem cái vòng ra ngoài rồi. Hôm đó, các ngài đột ngột đến chỗ ở của hai mẹ con nó, nó từ trường về. Đáng lẽ cảnh sát không nên huy động sức lực để đối phó với mẹ thằng bé, mà nên đến trường kiểm tra bàn học của nó mới phải.
– Vậy thì được, nhưng năm nào Henriette cũng nhận được hai ngàn Franc, đó lẽ nào không phải là bằng chứng cho thấy cô ta cũng là tòng phạm ư?
– Tòng phạm? Chẳng phải cô ta đã viết thư cảm ơn hai người vì món tiền đó ư? Hơn nữa, chẳng phải cô ấy luôn bị cảnh sát giám sát sao? Còn thằng bé đó thì tự do hoàn toàn, nó có thể đến các thành phố lân cận, tìm một nhà buôn và bán một vài viên kim cương với giá rẻ… Nó đặt điều kiện duy nhất là tiền phải gửi từ Paris đến và các năm sau thì cũng cứ lặp lại như thế.
Vợ chồng Bá tước và các quan khách có mặt ở đó dường như đều cảm nhận được sự oái oăm, trớ trêu khó nói nên lời. Trong lời nói và sắc mặt của ngài Floriani, có một ý vị như đang chế giễu, hơn nữa dường như lại không hề là đùa cợt, mà là xuất phát từ thái độ thù địch, cố ý mỉa mai…
Bá tước phu nhân cười ha hả nói:
– Đúng là quá xuât sắc! Sự tưởng tượng của ngài đúng để người ta phải khâm phục!
– Ngài nhầm rồi-Ông Floriani tỏ ra nghiêm túc-tôi không hề tưởng tượng, tôi chỉ thuật lại toàn bộ những gì đã xảy ra mà thôi.
– Vậy làm sao ngài có thể biết được tất cả những chuyện đó?
– Chính ngài đã nói cho tôi biết. Từ tình huống mà ngài kể, tôi biết là hai mẹ con họ đã đến sống ở một thị trấn hẻo lánh. Người mẹ lâm bệnh; đứa trẻ đó nghĩ cách bán kim cương đi để chữa bệnh cho mẹ, hoặc là ít nhất cũng giúp cô ấy sống đỡ khổ hơn trong những ngày cuối đời. Cô ấy không khỏi bệnh, cô ấy đã chết. Năm tháng qua đi, đứa trẻ đó đã lớn, trở thành một người đàn ông mạnh mẽ. Thế là điểu tôi sẽ nói ra đây-tôi thừa nhận là tôi đã phát huy hết khả năng tưởng tượng của mình-chúng ta hãy giả định rằng anh ta có một nguyện vọng, muốn quay trở lại những người mà ngày xưa đã từng nghi ngờ, sai khiến, chỉ huy mẹ anh ta… Khi anh ta quay lại nơi xưa cũ ấy, nhìn thấy ngôi nhà cũ, nơi đã xảy ra bi kịch… Xin các vị thử nghĩ xem, lòng anh sẽ cảm thấy bi phẫn biết bao.
Ngài Floriani vừa dứt lời thì phòng khách im lặng khác thường, trên khuôn mặt của vợ chồng Bá tước biểu lộ rất nhiều trạng thái cảm xúc phức tạp: vừa như muốn tìm hiểu xem ẩn ý của ông khách là gì, lại vừa như sợ hãi khi đã hiểu được hết những ý tứ mà ông ta ám chỉ. Bá tước hỏi không ra hơi:
– Rốt cuộc ngài là ai, thưa ngài?
– Tôi là ai? Là tước sĩ Floriani, người đã may mắn được kết giao với ngài ở Palermo, rồi sau đó nhiều lần được ngài mời đến phủ.
– Vậy ngài kể câu chuyện này là có ý gì?
– Ôi, chẳng có ý gì cả, nói chơi thôi mà. Tôi giả sử nhé, nếu như con trai cô Henriette còn sống trên đời này, hơn thế nữa có thể chính miệng nói với ngài, rằng anh ta đã gây ra vụ án đó, chính là khi mẹ anh ta sắp … mất bát cơm của một người hầu gái. Đau lòng khi thấy mẹ phải chịu đau khổ như vậy, anh ta đã gây án. Nếu như anh ta có thể chính miệng nói ra điểu đó với ngài, thì anh ta sẽ vui sướng biết bao.
Nói xong, với một tâm trạng đang cố chế ngự kích động, ông ta đứng dậy khom người trước vợ chồng Bá tước. Không còn nghi ngờ gì nữa, Floriani chẳng phải là ai khác, mà chính là con trai của Henriette. Thần thái của ông ta, lời nói của ông ta đều để lộ ra điều này một cách rõ như ban ngày. Hơn nữa động cơ của ông ta, xem ra chính là muốn họ nhận ra ông ta trong trưởng hợp như thế này!
Bá tước do dự, cảm thấy vô cùng khó xử. Kẻ không coi trời cao đất dày ra gì này, sẽ phải đối phó sao đây? Kéo chuông gọi người đến? Cãi nhau một trận? Vạch trần toàn bộ sự việc ra, chỉ ra hắn ta chính là kẻ ăn trộm hồi ấy? Nhưng đã bao nhiêu năm qua đi rồi, ai sẽ coi những lời này là thật đây? Ai sẽ tin vào câu chuyện phiếm này đây? Không, cách tốt nhất là án binh bất động, tiếp tục giả đò như không biết gì hết.
Thế là Bá tước đến trước mặt Floriani, nói lớn bằng một giọng ôn hòa:
– Câu chuyện của ngài thật là thú vị, đúng là không thể tuyệt hơn. Chỉ có điều, đứa con trai hiếu thảo mà ngài nói tới đó, không hề biết là sau đó đã sống ra sao? Hi vọng nó vẫn có thể tiếp tục đi trên đường đời.
– Ồ! Dĩ nhiên rồi.
– Đúng vậy! Đúng là ra tay quá tài! Mới sáu tuổi mà đã lấy trộm được “Chuỗi vòng cổ Nữ hoàng”, đó chính là chiếc vòng cổ mà Marie-Antoniette cũng phải thèm nhỏ dãi đấy!
– Lấy trộm-Floriani nhắc lại, rồi tiếp-Và hơn nữa là chẳng hề gặp phải chút phiềm phức nào, chẳng hề có ai muốn kiểm tra cửa sổ thông gió, hoặc kiểm tra bậu cửa sổ; trên bậu cửa sổ vốn tích một lớp bụi rất dày, vì nó để lại dấu vết trên đó nên đã lau sạch lớp bụi đi… Đúng vậy, một thằng bé vắt mũi chưa sạch, làm việc đó thì dĩ nhiên là vẫn còn thiếu kinh nghiệm lắm. Sự việc lại dễ dàng đến như thế? Chỉ cần muốn, chỉ cần thò tay ra là được?… Dĩ nhiên, nó muốn…
– Thế là nó liền thò tay ra rồi đó thôi.
– Thò cả hai tay ra-Nhà quý tộc cười lớn, đế thêm vào.
Sau đó ông ta đứng dậy, đi đến trước mặt bá tước phu nhân, lịch sự cúi người cáo từ bà. Bá tước phu nhân thấy ông ta đi đến gần bất giác co người lại. Ông ta cười mỉm:
– Ô! Phu nhân, bà sợ rồi sao! Lẽ nào vở diễn này của tôi đã không hợp với quy định của xã hội thượng lưu chăng?
– Đâu có! Câu chuyện của đứa bé này tôi rất hứng thú. Chuỗi vòng của tôi may mắn tìm được một người chủ tốt như vậy, đúng là tôi rất vui sướng. Nhưng theo ngài, người… phụ nữ ấy, đứa con trai của cô Henriette ấy, có theo ý trời, hoàn thành sứ mệnh của mình không.
Ông ta nghe thấy trong lời nói đó có chút ý châm biếm nên hơi run, rồi trả lời ngay:
– Tôi nghĩ là có, hơn nữa chắc chắn sứ mệnh này rất nghiêm túc, vì thế đứa trẻ ấy chưa bao giờ nhụt chí cả.
– Thế là thế nào?
– Chẳng phải sao, phu nhân biết đấy hầu hết kim cương đều là hàng nhái, chỉ có mấy viên mua lại của nhà buôn châu báu người Anh là đồ thật thôi. Thế mà dù cuộc sống vô cùng khó khăn, nó cũng không bán những viên kim cương thật đi.
– Nhưng rốt cuộc thì nó vẫn là “Chuỗi vòng cổ Nữ hoàng”, thưa ngài-Bá tước phu nhân nói với một thái độ kiêu ngạo-Điểm này, tôi nghĩ là con trai của Henriette không thể biết được.
– Anh ta biết, thưa phu nhân, dù là hàng nhái thì chiếc vòng cổ ấy vẫn là thứ có thể khoe được, tóm lại là một biểu hiện đại diện cho danh tiêng. Ngài de Dreux ra hiệu cho vợ, nhưng Bá tước phu nhân vẫn nói tiếp:
– Thưa ngài, nếu như người mà ngài nói đến đó còn một chút sĩ diện…
Bà ta chưa nói xong, thì đã bị ánh mắt của Floriani làm cho im bặt, không dám nói tiếp nữa. Ông ta nhắc lại lời bà:
– Nếu như người đó còn chút sĩ diện?….
Bà ta ý thức được rằng, nói chuyện với ông ta bằng kiểu đo thì sẽ chẳng có lợi lộc gì cả. Do đó, dù tính kiêu ngạo làm cho toàn thân run lên, bà ta vẫn cô kiềm chế bản thân, nén sự phẫn nộ lại, miễn cưỡng nói với ông ta một cách lịch sự:
– Thưa ngài, nghe nói sau khi Retaux de Villette lấy được “Chuỗi vòng cổ Nữ hoàng”, đã bàn với đồng bọn gỡ hết kim cương gắn trên vòng ra, nhưng không dám động đến cái giá để gắn kim cương. Ông ta biết rõ những viên kim cương đó chỉ là vật trang sức, còn cái giá đỡ đó mới chính là thứ có giá trị nghệ thuật thật sự, kiệt tác thực sự, do đó ông ta không hề làm hại đến nó. Ngài có cho rằng anh ta cũng hiểu rõ điểm này không?
– Tôi tin là cái giá đỡ đó vẫn còn nguyên vẹn, anh ta đã không phá hỏng nó-Nhà quý tộc điềm nhiên trả lời.
– Vậy thì tốt, thưa ngài. Hôm nào ngài gặp anh ta xin hãy nói với anh ta rằng, vật kỷ niệm quí báu đại diện cho tài sản và danh dự của gia tộc ấy, để anh ta cất giữ thì không hợp lắm. Anh ta có thể lấy chỗ kim cương đi, nhưng “Chuỗi vòng cổ Nữ hoàng” thì vẫn thuộc quyền sở hữu của chúng tôi, giống như họ tên và danh dự của chúng tôi vậy.
Nhà quý tộc chỉ nói vẻn vẹn một câu:
– Tôi nhất định sẽ nói lại với anh ta, thưa phu nhân.
Nói xong, ông ta cúi người ra vẻ lễ phép chào phu nhân, Bá tước và các quan khách, rồi quay người ra về.
Bốn ngày sau, Bá tước phu nhân phát hiện thấy cái tráp bọc da đỏ có biểu tượng Hồng y giáo chủ ở trên chiếc bàn trong phòng ngủ. Bà hồi hộp mở ra xem bên trong như thế nào, thì thấy lại chính là “Chuỗi vòng cổ Nữ hoàng” đó.
Nhưng đối với một người coi trọng logic, thì việc nào cũng phải có nguyên do của nó. Hơn nữa, cho tên mình lên báo thì cũng chẳng có hại gì-vì thế ngày hôm sau, báo “Tiếng vọng nước Pháp” đã cho đăng mẩu tin gây chấn động như sau:
“Chuỗi vòng cổ Nữ hoàng” mà gia tộc de Dreux-Soubise bị mất cắp ngày trước, nay đã được Arsene Lupin tìm lại được và hoàn trả ngay cho chủ nhân. Công chúng vô cùng tán thưởng cử chỉ cao thượng này.”