VỤ ÁN PROTHÉRO

Chương XIV : Những ý kiến của ông bác sĩ



Khi tôi về đến nhà thì tôi gặp ngay cô Hartnell. Tôi đã phải chịu đựng trong hơn mười phút nghe những lời phàn nàn của cô ta về sự thiển cận và bạc bẽo của những kẻ tội nghiệp. Sự thật là những kẻ tội nghiệp đó không muốn cô Hartnell quan tâm đến họ. Tôi thấy có cảm tình ngay với họ. Địa vị của tôi buộc tôi phải dè chừng hơn. Tôi hết lòng an ủi con chiên của tôi rồi tạm biệt.
Chiếc xe con của Haydock theo kịp tôi ở chỗ rẽ sang con đường về nhà xứ.
– Tôi vừa tiễn bà Prothéro về nhà. – Ông ta kêu to với tôi khi đi ngang qua. Khi tôi đến trước nhà ông ta thì ông đang đợi tôi ở hàng rào.
– Mời ông vào, một phút thôi.
Tôi chấp thuận.
– Đây rõ ràng là một vụ án kỳ lạ. – Ông ta nói và quẳng mũ xuống ghế.
Ông ta mở cửa phòng mổ và ngồi lún sâu hơn trên cái ghế bằng da cũ kỹ. Ông ta trông có vẻ mệt mỏi và ưu tư.
Tôi kể cho ông ta nghe chúng tôi đã xác định thời gian khi tiếng súng nổ ra như thế nào, ông ta nghe lơ đãng.
– Như vậy thì Anne Prothéro cũng được gạt ra ngoài, – Ông ta nói – tôi mừng là không phải bà ta, cũng chẳng phải Lawrence. Tôi mến cả hai người.
Tôi tin ông ngay không mấy khó khăn. Tuy vậy, có lúc tôi muốn hỏi tại sao khi bọn họ được trả tự do thì ông ta lại có vẻ thất vọng như vậy. Sáng nay ông còn có vẻ như một người vừa vứt đi được một nỗi lo lớn, vậy mà bây giờ trong ông hoàn toàn suy sụp và thất bại.
Tôi nhắc lại là tôi tin tưởng vào lòng thành thật của ông ta. Đúng, ông ta thân thiết với Anne và cả Lawrence.
– Vậy thì ai đã làm ông phải u sầu đến thế?
Ông ta nặng nề đứng dậy:
– Tôi muốn nói với ông về Hawes, câu chuyện này đã làm anh ta rối trí hoàn toàn.
– Anh ta ốm lắm à?
– Anh ta không hẳn là ốm. Ông có biết là anh ta bị chứng viêm não, một bệnh làm ngủ lịm đi như người ta nói?
– Không – Tôi nói, hơi bị bất ngờ – Tôi chẳng biết gì cả. Anh ta chưa hề nói với tôi. Anh ta bị khi nào?
– Một năm nay rồi. Và anh ta đã bình phục, gần như hoàn toàn. Đó là một bệnh có ảnh hưởng đến tâm tính. Tính cách có thể thay đổi hoàn toàn sau đó.
Haydock im lặng vài phút rồi nói tiếp:
– Thật rùng rợn khi ngày nay người ta nghĩ về cái thời mà lũ phù thủy bị thiêu sống. Tôi tin rằng một ngày nào đó thì mọi người cũng run sợ khi nghĩ đến những nguyên nhân dẫn đến giá treo cổ của một số tội phạm thời chúng ta.
– Tôi thấy rằng ông không tán thành hình phạt tử hình.
– Không hẳn là thế (ông ta dừng lại). Ông có biết là tôi ưa thích sứ mạng của tôi hơn là của ông không? – Ông ta nói nhấn từng từ chậm rãi.
– Tại sao vậy?
– Bởi vì vai trò của ông bao gồm việc phân biệt giữa cái thiện và cái ác, và ông thấy đấy, tôi không luôn tin chắc về sự tồn tại của chúng. Tôi nghi ngờ rằng người ta thường lẫn lộn giữa những người bệnh hoạn và lũ tội phạm. Người ta không treo cổ một người vì anh ta bị ho lao.
– Tất nhiên rồi vì người đó không nguy hiểm đối với cộng đồng.
– Về mặt nào đấy thì có chứ vì anh ta làm lây bệnh cho đồng loại. Nhưng hãy xét trường hợp một kẻ tự xưng là hoàng đế Trung Hoa chẳng hạn. Các ông không coi anh ta là một tội phạm. Hãy nhớ là tôi cũng nghĩ như ông về chủ đề xã hội. Xã hội cần được bảo vệ, che chở. Nhưng tôi nói là người ta nhốt họ lại, ngăn cản họ không được phá hoại… và thậm chí làm họ biến mất, nếu cần… đúng tôi đã nói tới đó. Chỉ có điều đừng gọi đó là sự trừng phạt và nhất là để xấu hổ không rơi vào gia đình vô tội của họ.
Tôi nhìn Haydock rất ngạc nhiên:
– Đây là lần đầu tiên tôi nghe ông nói như vậy.
– Tôi không có thói quen là bộc bạch suy nghĩ của mình ở khắp nơi. Hôm nay tôi lại giở ngón sở trường của mình ra. Ông là người thông minh, Clément, và ông cũng biết như tôi là không phải mục sư nào cũng vậy. Tất nhiên rồi! Các ông sẽ không chấp nhận là cái ác không tồn tại nhưng các ông có tâm hồn rộng lớn để nhận định rằng, ít nhất thì giả thiết này cũng được đặt ra.
– Bấy nhiêu thôi cũng đủ để người ta công kích rồi. – Tôi nói.
– Chúa ơi, chúng ta chẳng phải là, nhiều hoặc ít, những tâm hồn chật hẹp vì thỏa mãn và chúng ta có xu hướng phán xét tất cả, kể cả những việc chúng ta không biết. Tôi quay lại ý kiến của tôi: Tôi thành thật tin rằng tội ác này liên quan cả đến bác sĩ, cảnh sát và mục sư nữa. Ai biết tương lai là thế nào?
– Ông đã tìm thấy một phương thuốc nào chăng?
– Tại sao không? Đấy là một ý nghĩ tuyệt vời, Clément.
– Ông có nghiên cứu những thống kê về tội phạm không? Không à? Ít người làm thế. Ấy mà tôi đã nghiên cứu đấy. Ông sẽ ngạc nhiên khi thấy số vụ giết người do bọn trẻ gây ra. Ông có nhớ thằng bé Neil người đã giết năm cô bé trước khi bị nghi ngờ không? Cho đến khi đó nó đã là một thằng bé ngoan, dễ dạy bảo, rất thông minh. Và Lyli Rose, cô bé Galloise đã giết bác cô ta với cái cớ là ông bác đã cấm cô ăn bánh ga-tô. Cô bé đã bổ một nhát rìu trong khi ông ta ngủ. Quay lại nhà, mười lăm ngày sau, cô ta giết chị cô vì một lỗi nhỏ. Bọn chúng điên đấy. Chẳng đứa nào trong hai đứa đó bị treo cổ cả. Người ta nhốt chúng lại, tôi không biết liệu chúng có bị trừng phạt vào một ngày nào đó không. Tôi thú thật rằng đối với cô bé thì không vì bây giờ cô ta chỉ thích xem cắt tiết các con lợn. Clément ông có biết ở độ tuổi nào người ta hay tự tử không? Khoảng 15, 16 tuổi. Cũng chẳng có sự khác nhau lớn giữa giết chính mình và giết người khác. Và tất cả cái đó theo tôi là một vấn đề về bệnh lý nhiều hơn là đạo đức.
– Thật là khủng khiếp.
– Không, Clément, đấy là cái mới đấy, cần phải nhìn vào sự thật mới mẻ. Nhưng đôi khi, nó làm cho cuộc sống khó khăn hơn.
Ông ta vẫn ngồi, lông mày nhíu lại và có vẻ chán nản, rất chán nản.
– Haydock, – Đến lượt tôi nói – nếu ông nghi ngờ… nếu ông giết một người đã gây tội ác, thì ông sẽ làm gì? Ông sẽ tố cáo hay ngược lại sẽ che chở cho người đó?
Rõ ràng là ông ta không ngờ đến câu hỏi thẳng thắn ấy. Ông ta cáu kỉnh nhìn tôi.
– Cái gì làm ông nói như vậy, Clément? Ông nghĩ gì trong đầu? Trả lời đi!
– Chả có gì cả. Nhưng vì chúng ta nghĩ nhiều đến tội ác, vào lúc này, nên tôi tự hỏi liệu ông sẽ làm gì trong trường hợp ông tình cờ biết được sự thật. Chấm hết.
Cơn giận của Haydock dịu xuống. Ông ta nhìn trân trân về phía trước như một người chăm chú giải mã một bí ẩn chỉ có trong tưởng tượng của anh ta.
– Nếu tôi nghi ngờ… nếu tôi biết… thì tôi sẽ làm nghĩa vụ của tôi, Clément. Ít nhất là tôi hy vọng như vậy.
– Còn phải xem ông quan niệm thế nào là nghĩa vụ. – Ông ta nhìn tôi một lúc lâu vẻ khó hiểu.
– Cái đó là một câu hỏi mà mỗi người tự đặt ra suốt đời. Và mỗi người tự trả lời.
– Ông không biết à?
– Không, tôi không biết.
Tôi cảm thấy tốt nhất là chuyển đề tài câu chuyện.
– Đằng nào thì thằng cháu của tôi cũng rất vui thích vì vụ án này – Tôi nói – nó suốt ngày tìm dấu chân và tàn thuốc lá!
Haydock mỉm cười:
– Nó bao nhiêu tuổi?
– Nó vừa tròn 16 tuổi. Người ta không thể nghiêm túc vào tuổi đó! Người ta tưởng mình là Sherlock Homme hoặc là Arsene Lupin.
Haydock trầm ngâm nói:
– Đó là một thằng bé xinh trai. Ông định làm gì với nó?
– Khả năng của tôi không thể cho nó vào trường đại học. Nó muốn vào một tàu buôn. Nó đã bị rớt không vào được Hải quân.
– Thế cũng tốt, đấy là một cuộc đời gian khổ. Nhưng có thể có điều tệ hại hơn, phải tệ hại hơn!
– Ô! Tôi phải đi thôi, – Tôi kêu lên – tôi đã muộn giờ ăn trưa hơn nửa tiếng rồi.
Gia đình tôi vừa ngồi vào quanh bàn khi tôi về đến nơi. Mọi người đã kêu ca và tôi phải thuật lại chi tiết công việc của tôi vào sáng nay.
Denis vô cùng chú ý đến câu chuyện về cú điện thoại của bà Price Ridley. Nó phì cười khi tôi kể chi tiết về cú sốc mà hệ thần kinh của bà ta đã phải chịu đựng và sự cần thiết phải viện đến sự trợ giúp của rượu mận để bà ta hồi tỉnh lại.
– Thật đáng đời cho mụ già lắm điều! – Nó kêu lên – Đó là cái lưỡi độc địa nhất ở đây. Tôi tiếc rằng đã không nghĩ ra việc gọi điện cho mụ ta. Tôi cũng thích làm cho mụ ta sợ. Bác Len ơi, giá mà chúng ta bồi thêm một lần thứ hai nữa.
Tôi yêu cầu nó ngay tức khắc không được làm gì cả. Không gì nguy hiểm hơn là những cố gắng có chủ ý của bọn trẻ ngày nay để giúp chúng ta và để chứng minh nhiệt tình của chúng.
Nhưng Denis đã lấy lại vẻ thực tế quen thuộc:
– Tôi đã ở gần trọn buổi sáng với Lettice, – Nó nói – Griselda, cô có biết là cô ấy thực sự lo buồn không. Cô ấy đã không muốn người khác thấy điều đó nhưng không được.
– Nếu ngược lại thì sẽ rất bất ngờ. – Griselda nói và ngẩng đầu lên.
Griselda không thích gì Lettice Prothéro.
– Tôi thấy cô không công bằng lắm với Lettice.
– Thật à? – Griselda nói.
– Không thiếu gì người không để tang đâu.
Griselda im lặng và tôi cũng vậy. Denis tiếp tục:
– Cô ấy không tâm sự với tất cả mọi người nhưng cô ấy tâm sự với tôi. Cô ấy rất đau buồn và nghĩ rằng phải hành động.
– Cô ấy sẽ thấy, – Tôi nói – rằng Landormy cũng nghĩ như thế. Ông ta sẽ đến Old Hall chiều nay và sẽ mạnh tay với họ. Ông ta muốn tìm ra sự thật bằng mọi cách.
– Nhưng anh gọi cái gì là sự thật, hả Len? – Đột nhiên vợ tôi hỏi.
– Rất khó nói, em ạ, vì anh thì chẳng có ý kiến gì về điểm này.
– Anh đã nói là viên thanh tra sẽ tìm hiểu nguồn gốc của cú điện thoại gọi cho anh đến nhà Abbott phải không?
– Đúng vậy.
– Họ không làm được đâu. Quá khó khăn!
– Không phải đâu. Bưu điện đã ghi âm lại một số cuộc điện thoại.
– Thế à!
Vợ tôi lại chìm trong suy nghĩ.
– Bác Len ơi, – Denis nói – sao bác lại giận cháu sáng nay? Khi cháu nhắc lại là bác đã mong Prothéro chết, cháu chỉ nói đùa thôi mà..
– Đúng, – Tôi nói – nhưng không đúng lúc. Và Landormy chẳng có khiếu hài hước đâu. Anh ta đã tưởng những lời ngốc nghếch của cháu là thật, anh ta sẽ dò hỏi Marie và sẽ xin được lệnh bắt ta. Các cháu sẽ thấy.
– Anh ta thấy rõ là cháu đùa.
– Không, anh ta không có khả năng thấy rằng người ta đùa. Anh ta đã leo lên địa vị bây giờ bằng cách làm việc miệt mài và hăng hái. Anh ta đã không có thời gian để học môn tâm lý.
– Bác Len, bác có quý ông ta không?
– Không, ta không thích ông ta. Ta đã ghét hắn từ khi ta thấy hắn. Nhưng ta không nghi ngờ gì là anh ta sinh ra để lập nhiều thành tích trong sự nghiệp của mình.
– Bác tin rằng cuối cùng ông ta sẽ tìm ra kẻ giết ông đại tá chứ?
– Nếu anh ta không thành công thì cứ thử sức cũng không hại gì.
Marie đi vào.
– Ông Hawes muốn gặp ông. Tôi đã mời ông ta vào phòng khách. Và đây là lá thư cho ông. Người ta đang đợi trả lời, trả lời miệng cũng được.
Tôi xé phong bì và đọc:
“Ông Clément quý mến,
Tôi rất biết ơn nếu ông đến thăm tôi, chiều nay, càng sớm càng tốt. Tôi đang bối rối khủng khiếp và muốn được xin ý kiến ông.
Chân thành cảm ơn.
Estelle Lestrange”.
– Hãy nói là tôi sẽ đến sau nửa giờ.
Tôi đứng dậy và đi sang phòng khách.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.