VỤ ÁN PROTHÉRO

Chương XXII : Bức chân dung chứa đựng điều bí ẩn



Ngay khi gặp Landormy ở điện thoại, tôi đã nói cho anh ta ngay. Anh ta ra cho tôi một loạt những mệnh lệnh ngắn gọn. Theo lời anh ta thì không được để lộ ra chuyện gì cả và nhất là cô Cram, không được để cô ta biết gì hết. Cần phải tìm ngay chiếc va-li trong vùng khai quật.
Griselda và tôi quay về nhà khá xúc động bởi sự cố mới. Vì chúng tôi đã hứa với viên thanh tra là sẽ không nói gì nên chúng tôi ngại nói khi có mặt Denis. Còn chính nó cũng tỏ ra bận bịu với những lo lắng cá nhân. Nó vào phòng làm việc của tôi, sờ mó vào mọi thứ, có vẻ bối rối:
– Có chuyện gì đấy? – Tôi hỏi.
– Bác Len ơi, cháu không muốn vào hải quân nữa.
Tôi rất ngạc nhiên. Cho tới ngày hôm nay, Denis đã có vẻ rất cương quyết khi lựa chọn sự nghiệp cho mình.
– Nhưng cháu đã thích nó lắm cơ mà?
– Vâng, nhưng cháu đã thay đổi ý kiến.
– Thế bây giờ cháu muốn học gì?
– Tài chính ạ.
Tôi càng cảm thấy sững sờ.
– Cháu hiểu gì về tài chính?
– Đây này, cháu muốn đi Londres.
– Nhưng, cháu tội nghiệp của ta, ta chắc chắn rằng một cuộc sống như vậy sẽ làm cháu không thích đâu. Thậm chí nếu ta có thể xin cho cháu một chỗ làm việc ở ngân hàng.
Denis giải thích là không phải như vậy. Nó không muốn vào một ngân hàng. Tôi yêu cầu nó nói chính xác là nó muốn cái gì, nhưng, tất nhiên là nó không biết gì cả.
Thông qua câu “học tài chính” nó chỉ hiểu đơn giản là sẽ trở thành giầu có rất nhanh, với tính chủ quan của tuổi trẻ, nó cho rằng chỉ cần đến Londres là đủ. Tôi đã rất khéo léo làm cho nó tỉnh ngộ.
– Quỷ quái nào đã nhồi một ý nghĩ như vậy vào đầu cháu? – Tôi hỏi – Cháu đã rất thích thú với ý nghĩ gia nhập hải quân!
– Đúng vậy, bác Len, nhưng cháu đã suy nghĩ. Cháu cần phải cưới vợ vào một ngày nào đó, và phải giàu có để cưới được một cô gái trẻ.
– Có nhiều sự việc, – Tôi nói – luôn có thể cải chính lý thuyết của cháu.
– Cháu biết, cháu biết. Nhưng cháu muốn nói đến một cô gái trẻ rất giàu có, một cô gái trẻ luôn có được những gì cô ta muốn.
Tuy rằng lời nó rất mơ hồ những tôi cho rằng đã hiểu nó định nói về ai.
– Nhưng, tôi nhận xét, tất cả các cô gái trẻ không phải ai cũng như Lettice Prothéro.
Nó chợt nổi cáu.
– Bác thật bất công với cô ấy. Bác không thích cô ấy. Cả Griselda cũng không. Cô ấy thấy Lettice không thể chịu đựng được.
– Với quan điểm của phụ nữ, Griselda hoàn toàn có lý, nhưng bác cũng rất hiểu là một chàng trai trẻ thì không nghĩ thế!
– Không, mọi người không khoan dung chút nào. Cả gia đình Hartley Napiers cũng không ngừng chỉ trích cô ấy, trong những hoàn cảnh tương tự. Và bác biết tại sao không? Chỉ vì cô ấy đã bỏ cuộc trước khi hiệp tennis của họ kết thúc! Tại sao cô ấy lại phải ở lại nếu cô ấy thấy chán? Cô ấy có quyền làm như vậy!
– Thực ra, – Tôi nói – là cô ấy đã tha cho họ đấy. Denis đã không nhận ra vẻ châm biếm trong lời nói của tôi. Nó đang bị Lettiee mê hoặc!
– Cô ấy cũng không đến nỗi ích kỷ lắm đâu! – Nó lại nói – Bác này, cháu cho bác biết, vào chính hôm đó cô ấy đã bắt cháu ở lại chơi tiếp. Bác cũng biết là cả cháu cũng muốn bỏ cuộc, vậy mà cô ấy lại không muốn vậy. Cô ấy đã bảo cháu là như vậy sẽ không lịch sự đối với gia đình Napiers. Để cho cô ấy vui lòng, cháu đã ở lại đó thêm 15 phút nữa.
Bọn trẻ ngày nay có những quan niệm thật kỳ cục về sự ích kỷ.
Nhưng Denis đã nói tiếp:
– Hình như Susane Hartley đã nói khắp nơi rằng Lettice rất vô giáo dục.
– Ở địa vị cháu, Denis, ta sẽ không coi đó là bi kịch.
– A! Nói thì dễ. Nhưng bác biết không, cháu sẽ làm bất cứ điều gì cho Lettice.
– Nếu chúng ta có thể làm điều gì đó cho người khác, với sự tình nguyện hết mình của mọi người thì chúng ta sẽ rất hùng mạnh.
– Cháu chỉ muốn chết thôi. – Denis kết luận.
Tội nghiệp thẳng bé! Tình yêu của một chàng trai trẻ ngốc nghếch là một căn bệnh trầm kha. Tôi kìm lại không nói cho nó biết sự thật hiển nhiển, nhưng không dễ chịu đang đến trong đầu tôi. Tôi thấy tốt nhất là tạm biệt nó và đi ngủ.
Sáng hôm sau, tôi tiến hành buổi lễ lúc 8 giờ. Khi quay về nhà, tôi thấy Griselda đang ngồi ở bàn ăn trưa. Cô ta cầm trong tay một lá thư đã mở sẵn. Cô đưa cho tôi ngay. Tôi nhận ra nét chữ của Anne Prothéro.
“Griselda thân mến!
Chị có thể đến cùng với ông mục sư, ăn trưa ở đây hôm nay, không nghi lễ cầu kỳ được không? Tôi sẽ rất biết ơn các vị. Vừa có vài việc rất kỳ lạ xảy ra và tôi muốn được biết ý kiến của ông Clément. Đừng nói gì về lá thư này khi đến. Tôi không nói cho ai biết là tôi viết thư cho các vị.
Thân ái.
Anne Prothéro”
– Tất nhiên là chúng ta sẽ đến đó. – Griselda nói.
Tôi đồng ý.
– Em tự hỏi điều gì đã xảy ra.
Tôi cũng đang tự hỏi như vậy.
– Em này, – Tôi nói với Griselda – anh có cảm giác là chúng ta chưa hết duyên nợ với vụ án này.
– Hiển nhiên rồi! Chừng nào mà người ta chưa bắt được hung thủ.
– Không, đó không phải là điều anh muốn nói. Anh nghĩ rằng câu chuyện này bao gồm một loạt sự việc lắt léo, nhiều hoặc ít bí mật, mà chúng ta không ngờ tới. Cần phải làm rõ một đống sự việc trước khi tìm ra sự thật.
– Anh muốn nói đến những sự việc không quan trọng lắm, nhưng lại vẫn làm chậm tiến trình của cuộc điều tra phải không?
– Ừ, chính thế đấy.
– Còn tôi, – Denis nói – tôi lại thấy chúng ta làm rắc rối thêm sự việc. Thực ra, thật may là ông già Prothéro đã chết. Chả ai ưa ông ta, chả có ai cả. Ồ! Tôi nghĩ là cảnh sát chỉ làm phận sự của mình trong việc điều tra vụ án. Nhưng, về phần tôi, tôi không mong cho cảnh sát tìm ra kẻ phạm tội. Bởi vì cái đó sẽ làm tôi không vui khi thấy Landormy được thăng cấp vì sự khôn khéo của anh ta và anh ta sẽ càng lên mặt hơn.
Tôi cũng cần thành khẩn nhận rằng tôi cũng nghĩ như vậy về viên thanh tra. Một người suốt đời chọc tức những người khác, và lấy đó làm vui, thì sẽ không mong gì được mọi người yêu mến!
– Mặt khác, – Denis lại nói – bác sĩ Haydock cũng đồng ý với tôi. Ông ta sẽ không bao giờ chấp nhận tố cáo kẻ giết người với cảnh sát. Ông ta đã tuyên bố như vậy.
A! Đã thấy những lý thuyết của Haydock nguy hiểm chưa? Những lý thuyết đó có vẻ đúng – tuy rằng phán xét chúng không phải việc của tôi – nhưng chúng có thể gây ra cho những đầu óc non nớt những ảnh hưởng mà chính ông ta, tôi chắc rằng cũng không ngờ tới.
Griselda đang nhìn ra cửa sổ, báo cho chúng tôi rằng các phóng viên đang đi lại trong vườn.
– Họ còn phải chụp ảnh cửa sổ buồng làm việc của anh. – Cô nói và thở dài.
Vụ án buồn thảm này đâ gây ra cho chứng tôi nhiều việc bực mình! Chúng tôi cần phải chịu đựng, đầu tiên là sự tò mò rỗi hơi của cả làng, mọi người đều đến xem xét dưới cửa sổ nhà tôi. Sau đó là các nhà báo đến với các máy ảnh của họ. Và, lại lần nữa, cả làng đến xem các nhà báo. Cuối cùng, chúng tôi phải nhẫn nhục yêu cầu một viên cảnh sát đến để xua đi những kẻ không mời.
– Chúng ta cũng tự an ủi rằng, – Tôi nói và nghĩ đến tang lễ sẽ tiến hành vào sáng mai – thật ra tất cả cái đó đều không có nghĩa lý gì cả.
Và đến đây thì chúng tôi lên đường đến Old Hall. Khi chúng tôi đến nơi, tôi thấy cũng có vài đại diện của báo chí. Những người đó thật là dai như đỉa. Họ hỏi tôi dồn dập những câu rất bất ngờ, và tôi luôn chỉ có một câu trả lời (mà tôi thấy là hay nhất).
– Tôi chả có gì để nói cả.
Một người hầu mời chúng tôi vào phòng khách, ở đó còn có cô Cram và cô ta có vẻ vui vẻ.
– Thật bất ngờ. – Cô ta nói thay lời chào – Tôi chẳng bao giờ nghĩ ra. Nhưng bà Prothéro thật đáng mến quá! Bởi vì thật không dễ chịu chút nào đối với một cô gái trẻ phải ở một mình ở quán Cá xanh với bọn nhà báo ở khắp các xó xỉnh và hơn nữa tôi lại có ích… Các vị thấy là không thể tin tưởng vào Lettice được.
Tôi vui thích nhận thấy rằng mối ác cảm từ lâu của cô Cram đối với Lettice vẫn còn dai dẳng, ngược lại cô gái trẻ bây giờ rất nhiệt tình đối với Anne. Tôi thậm chí tự hỏi liệu lời giải thích về sự có mặt của cô ta ở đây có đúng không? Dường như đây là sáng kiến của Anne, nhưng liệu mọi việc có phải xảy ra đúng thế không? Cô Cram đúng là không thích ở Cá Xanh tí nào.
Nhưng, đúng lúc đó, Anne Prothéro bước vào. Bà ta mặc đồ đen, rất kín đáo. Bà ta cầm ở tay một tuần báo và chìa cho tôi với một ánh mắt sầu não.
– Tôi không quen với những loại việc này – Bà ta nói – Thật là mệt mỏi! Tôi đã gặp một phóng viên, theo yêu cầu. Tôi đã nói với người ấy là tôi đang rất bối rối và không thể nói thêm điều gì. Anh ta lại hỏi tôi liệu tôi có nóng lòng muốn người ta phát hiện ra kẻ giết chồng tôi không và tất nhiên là tôi trả lời: “Có”. Anh ta còn gặng hỏi liệu tôi có nghi ngờ gì không? Khi tôi trả lời rằng không, anh ta gợi ý cho tôi rằng tội ác có thể do một người rất thông thuộc mọi việc trong làng thực hiện. Tôi cảm thấy điều đó rất chắc chắn và tôi đã nói ra với anh ta. Chỉ có vậy thôi. Thế mà, bây giờ hãy xem báo đi.
Ngay chỗ trang trọng nhất của tờ báo, tôi thấy một tấm ảnh có lẽ phải được chụp từ ít nhất mười năm trước. Có trời biết các nhà báo moi các tấm ảnh từ đâu ra và tôi đọc những dòng này, in chữ to tướng:
“Bà vợ góa của nạn nhân tuyên bố rằng bà ta sẽ không ngơi nghỉ chừng nào người ta chưa phát hiện ra kẻ giết chồng bà ta”.
và tiếp theo, được in chữ đậm:
“Bà Prothéro nhất trí rằng người ta cần phải tìm kiếm hung thủ tại Saint Mary Mead. Bà ta có một số nghi ngờ, những chưa chắc chắn. Bị gục ngã bởi sự đau đớn vô tận, bà ta đã thề rằng sẽ tìm ra kẻ giết người bằng bất cứ giá nào”.
– Điều đó chẳng giống tôi chút nào, có phải không? – Anne nói.
– Lẽ ra còn có thể tồi tệ hơn! Tôi nói và trả tờ báo.
– Thật là lắm điều, bọn nhà báo này. – Cô Cram nói – A! Tôi thật thích thú nếu họ thử moi tin ở tôi.
Tôi không thể không nghĩ rằng cô Cram rõ ràng rất muốn được hỏi ý kiến. Và tôi thấy rõ, qua nụ cười của cô, là Griselda cũng nghĩ thế.
Người ta báo là bữa trưa đã được dọn và chúng tôi đi vào phòng ăn. Lettice chỉ đến khi bữa ăn đã xong một nửa: Cô ta trườn vào chỗ còn trống, mỉm cười với Griselda và chào khẽ tôi. Tôi chăm chú nhìn cô ta: đây vẫn chính là sinh vật hư ảo hơn là bình thường. Đẹp, rất đẹp, cần phải công nhận như vậy. Cô ta vẫn chưa đeo tang. Chiếc váy của cô ta, màu xanh nhạt duyên dáng, làm tôn lên vẻ mỏng mảnh của làn da.
Sau khi uống cà phê, Anne nhẹ nhàng nói:
– Tôi muốn nói chuyện với ông mục sư một chút. Chúng tôi sẽ đi lên phòng khách nhỏ.
Cuối cùng tôi sẽ biết vì sao bà ta gọi tôi đến đây. Tôi đứng dậy và đi theo bà ta. Đến cửa phòng bà ta dừng lại. Tôi định nói, bà chìa tay ra hiệu im lặng. Bà nghe ngóng vài giây. Rồi nhìn vào tiền sảnh bên dưới:
– Tốt rồi, – Bà nói – họ đi vào vườn. Đừng ở đây. Chúng ta lên trên.
Trước sự ngạc nhiên của tôi, Anne đưa tôi qua hành lang đến đầu kia của ngôi nhà. Ở đó có một cầu thang, gần giống như một cái thang, bà ta trèo lên và tôi đi theo. Chúng tôi lại đến một cái hành lang để đầy giá đỡ và đầy bụi. Anne mở cửa và đẩy tôi vào một cái kho nhỏ dùng để chứa đồ bỏ. Những cái hòm chất hành đống và những đồ gỗ sắp hỏng, vài bức tranh tóm lại là những loại đồ đạc trong những phòng thuộc loại đó.
Tôi tỏ ra ngạc nhiên đến nỗi bà Anne không ngăn được phải mỉm cười tội nghiệp.
– Đầu tiên tôi thấy cần phải giải thích cho ông, – Bà ta nói – rằng tôi rất thính ngủ suốt thời gian này. Tôi ngủ rất tồi và thậm chí không ngủ tí nào. Đêm qua, chính xác hơn là sáng nay, tôi như nghe có ai đó đi lại trong nhà. Tôi nằm nghe ngóng một lát, sau đó, không chịu được nữa, tôi trở dậy và ra khỏi phòng. Khi ra đến hành lang tôi nhận thấy là tiếng động không phải từ bên dưới mà là bên trên. Tôi đi đến chân cái cầu thang mà chúng ta vừa leo lên. Tôi lại nghe thấy cái gì đó lần nữa. Tôi kêu lên: “Ai đó!”. Không ai trả lời. Rồi thì, vì không nghe thấy gì nữa, tôi nghĩ rằng thần kinh của tôi đã lại lừa tôi một cú nữa, và tôi đi về giường. Tuy vậy, sáng sớm nay tôi đã lên đây chỉ vì tò mò. Ấy vậy mà tôi đã tìm thấy cái gì? Bà ta cúi xuống và lật lại một bức tranh đang tựa vào tường.
Tôi không thể ngăn được tiếng kêu ngạc nhiên. Bức tranh là một chân dung bằng sơn dầu, nhưng mặt đã bị đâm nhiều nhát dao như khi người ta muốn không thể nhận ra được nó là ai và những vết đâm còn rất mới, không thể nghi ngờ điều đó.
– Thật lạ lùng quá! – Tôi nói.
– Phải vậy không? Ông có thể giải thích điều này không?
Tôi lắc đầu.
– Trong hành động này có một sự cố ý hoang dại làm tôi khó chịu kinh khủng. Có thể nói đây là tác phẩm của một kẻ điên, trong cơn rồ đại.
– Vâng, tôi cũng đã nghĩ như vậy.
– Nhưng chân dung ai đây?
– Tôi chả biết gì hết! Ông thấy là tôi chưa trông thấy nó bao giờ. Khi tôi đến đây ở, sau lễ cưới, thì những đồ đạc này vẫn ở trong kho, tôi chẳng bao giờ quan tâm đến chúng cả.
– Vâng, chuyện này thậm chí rất kỳ lạ.
Đến lượt tôi cúi xuống xem xét các bức tranh khác. Đó đúng là những bức tranh mà ta đã đoán trước là sẽ thấy: những phong cảnh tầm thường, nghiên cứu về màu sắc, những phiên bản tranh lồng trong khung không giá trị, vả lại, trong cái kho này chẳng có gì có thể dùng được.
Một cái hòm to, cổ lỗ sĩ, loại mà ngày xưa người ta gọi là “rương” mang những chữ viết tắt E.P. Tôi nhấc nắp hòm lên. Nó rỗng không. Không, chẳng có gì có thể đưa chúng tôi đi theo dấu vết nào cả. Tôi lại nhắc lại:
– Thật đúng là kỳ lạ. Và cũng vô lý nữa!
– Đúng – Anne nói – Tôi hơi lo sợ.
Chúng tôi chẳng còn gì làm ở đó. Tôi đi theo bà Prothéro vào phòng khách nhỏ, bà đóng cửa lại:
– Tôi phải làm gì đây? – Bà nói – Báo cho cảnh sát ư?
Tôi lưỡng lự.
– Nói cũng không dễ nếu…
-… điều này liên quan đến tội ác – Anne ngắt lời – hoặc không liên quan. Đấy, cũng là ý kiến của tôi. Thoạt đầu, thì nó có vẻ không có liên quan gì.
– Đúng vậy. Nhưng như vậy thì chúng ta lại đang đứng trước một điều bí ẩn khác.
Cả hai chúng tôi đều mông lung suy nghĩ. Tôi nói đầu tiên:
– Tôi có thể hỏi bà định làm gì không?
Bà ngẩng đầu lên:
– Tôi sẽ ở lại trong ngôi nhà này trong sáu tháng, ít nhất (Bà ta nói điều đó với vẻ thách thức). Tôi không thích đâu: ý nghĩ là phải ở đây, trong ngôi nhà này làm tôi ghê sợ. Nhưng cần phải thế. Mọi người sẽ nói là tôi bỏ trốn, rằng lương tâm tôi không thanh thản.
– Ồ không! Ồ không!
– Có đấy, ông Clément thân mến. Nhất là khi…
Bà ta dừng lại, rồi nói tiếp ngay:
-… khi, sau sáu tháng, tôi sẽ cưới Lawrence. (Bà ta nhìn vào mắt tôi). Bởi vì chúng tôi sẽ không đợi lâu hơn được.
– Tôi vẫn nghĩ, – Tôi nói – rằng điều đó sẽ đến.
Bà ta đột nhiên lùi lại, vùi mặt vào lòng bàn tay:
– Ông không biết tôi chịu ơn ông đến thế nào. Không, ông không biết đâu. Chúng tôi đã vĩnh biệt nhau và anh ấy định ra đi. Bởi vậy tôi đã không cảm thấy xấu hổ khi biết là Lucius đã chết; như sẽ cảm thấy nếu chúng tôi dự định bỏ trốn cùng nhau. Chính ông đã làm cho chúng tôi hiểu được điều tồi tệ nếu chúng tôi hành động như vậy. Vậy đấy, tại sao tôi lại biết ơn ông đến thế!
– Tôi cũng hài lòng về điều đó như bà. – Tôi nói.
Anne đứng dậy:
– Dù sao, – Bà ta nói – nếu người ta không xác định được hung thủ thì người ta vẫn nghi đó là Lawrence. Đúng thế! Khi người ta thấy anh ta lấy tôi…
– Lời khai của Haydock dù sao cũng đã làm rõ nhiều việc.
– Vâng, nhưng ông nghĩ là mọi người ở đây quan tâm đến bằng chứng à? Và hơn nữa, một lời làm chứng của bác sĩ không nói lên điều gì với người ngoại đạo. Đấy cũng là một nguyên nhân làm tôi muốn bỏ đi khỏi đây. Tôi cần phải biết sự thật.
Cặp mắt sáng lên. Bà ta nói thêm:
– Vì vậy tôi đã cho mời cô gái trẻ này đến.
– Cô Cram à?
– Vâng.
– Vậy là bà đã yêu cầu cô ta đến?
– Đúng thế! Nói thực với ông, cô ta cũng than vãn một chút về yêu cầu. Cô ta đã ở đây khi tôi đến. Nhưng chính tôi đã yêu cầu cô ấy đến.
– Và bà tưởng tượng rằng cái con bé ngốc nghếch ấy có thể giúp bà tìm ra hung thủ à?
– Thật dễ làm ra vẻ ngốc, thưa ông Clément. Đấy là một trong những việc dễ nhất trên đời.
– Vậy là, bà tin… thật ư?
– Không. Không phải. Nhưng cái tôi tin là cô ta biết điều gì đó. Tôi phải xem xét cô ta ở gần.
– Vậy chính cái đêm cô ta đến nhà bà, bức tranh đã bị đâm nát à? Tôi nhận xét.
– Ông cho là cô ta à? Nhưng tại sao? Thật là ngốc nghếch. Tôi thấy điều đó không thể có.
– Cũng có vẻ rất ngu xuẩn và không thể có việc chồng bà đã bị giết trong phòng làm việc của tôi, tôi cay đắng nói. Thế mà, sự việc là như vậy.
– Tôi biết (bà ta đặt tay lên cánh tay tôi). Thật là một việc khủng khiếp đối với ông. Nào, tôi cũng nhận ra thế!
Chính vào thời điểm này của cuộc nói chuyện tôi lấy từ trong túi ra chiếc hoa tai cẩm thạch. Tôi đưa cho Anne xem:
– Của bà phải không ạ?
– Ồ, vâng (Bà chìa tay ra với vẻ hài lòng). Ông đã tìm thấy nó ở đâu?
Tôi không đặt món đồ trang sức đó vào bàn tay đang chìa ra:
– Liệu bà có phiền không nếu tôi giữ vài ngày?
– Ô, không sao cả.
Bà ta tỏ ra nghĩ ngợi và tò mò. Vậy là tôi hỏi bà về tình trạng tài chính của bà.
– Đây là một câu hỏi xoi mói. Nhưng bà biết tại sao…
– Ông không xoi mói chút nào, ông Clément. Ông và Griselda, là những người bạn tốt nhất của tối, tôi cũng thích cô Marple: cô ấy thật ngộ nghĩnh. Lucius giàu có, ông không biết điều đó đâu. Ông ta đã để lại tài sản cho chúng tôi, chia tương đối đều giữa Lettice và tôi. Old Hall thuộc về tôi, còn Lettice có thể chọn đủ đồ đạc để trang bị cho một ngôi nhà nhỏ. Cô ta cũng sẽ có tiền để mua ngôi nhà đó.
– Bà có biết cô ấy định làm gì không?
Anne bĩu môi châm biếm.
– Cô ấy không cho tôi biết. Tôi biết rằng cô ấy sẽ rời bỏ tôi càng sớm càng tốt. Cô ấy không thích tôi. Cô ấy chưa bao giờ thích tôi. Có thể là lỗi ở tôi nhưng có phải tất cả các cô gái trẻ đều chứng tỏ một loại ác cảm đối với mẹ ghẻ của họ?
– Bà có yêu cô ấy không? – Tôi hỏi vào điểm nóng bỏng nhất.
Anne không trả lời tôi ngay, điều đó làm tôi xác định trong ý nghĩ rằng bà là một phụ nữ lương thiện và trung thực.
– Lúc đầu, tôi rất yêu nó. Nó là một bé gái xinh đẹp. Còn bây giờ, không, tôi không yêu nó. Tôi không biết tại sao. Có thể là do chính nó cũng không yêu tôi. Tôi muốn người ta có tình cảm với tôi.
– Chúng ta đều như vậy. – Tôi nói.
Anne Prothéro mỉm cười và đứng dậy.
Tôi còn một nhiệm vụ khác phải hoàn thành. Tôi muốn gặp Lettice một mình. Tôi thấy cô ta trong phòng khách. Griselda và cô Cram vẫn ở trong vườn. Tôi bước vào và đóng cửa lại.
– Lettice, – Tôi nói – tôi cần nói chuyện với cô.
Cô ta nhìn tôi hoàn toán thờ ơ.
– A!
Tôi đã chuẩn bị trước. Tôi cho cô ta xem chiếc hoa tai và nói với cô, bình thản:
– Tại sao cô lại đánh rơi chiếc hoa tai này trong phòng làm việc của tôi?
Tôi thấy cô ta ngây người – chỉ một giây – sau đó bình tĩnh lại với một sự nhanh chóng tột đỉnh. Rồi nói với vẻ cởi mở:
– Tôi chả đánh rơi gì trong phòng làm việc của ông. Và cái này không phải của tôi. Nó là của Anne.
– Tôi biết điều đó.
– Vậy thì tại sao ông lại hỏi tôi? Anne đã làm mất nó.
Bà Prothéro chỉ đến nhà xứ một lần từ sau tội ác nhưng trong ngày đó, bà đang để tang, và tôi không cho là bà đeo hoa tai màu xanh lơ.
– Có thể bà ấy đã làm mất từ trước. Không logic ư?
– Rất logic, thực vậy. Cô không nhớ là bà mẹ kế của cô đeo đồ trang sức này lần cuối khi nào à?
– Ồ! (Cô ta nhìn tôi với vẻ vừa tin tưởng vừa lo lắng). Điều đó có quan trọng lắm không?
– Có thể có đấy. – Tôi nói.
– Tôi sẽ cố nhớ lại. Cô ta ngồi và nhíu mày. Chưa bao giờ tôi thấy Lettice duyên dáng đến thế. – Tôi nhớ ra rồi, – Đột nhiên cô ta nói – bà ta đã đeo vào thứ năm. Tôi nhớ là…
– Thứ năm, – Tôi nói chậm rãi – là ngày của tội ác. Bà Prothéro đi đến xưởng vẽ ngày hôm đó, nhưng theo lời khai của bà ta, bà đã không bước vào nhà, bà ấy chỉ nhìn qua cửa sổ phòng làm việc của tôi.
– Ông tìm thấy chiếc hoa tai ở đâu?
– Dưới bàn giấy.
– Vậy là, – Lettice lạnh lùng nói – bà ấy đã không nói sự thật. Điều đó có vẻ là như vậy.
– Cô cho là bà ấy đã vào phòng làm việc à?
– Trời! Ông không nghĩ thế à?
Ánh mắt chúng tôi bình thản gặp nhau.
– Nếu ông muốn biết ý nghĩ của tôi, – Cô ta tiếp chậm rãi – thì đây, tôi không bao giờ tin rằng bà ấy sẽ nói sự thật.
– Và tôi, tôi biết rằng cả cô cũng không nói ra sự thật.
– Ông muốn nói gì?
Cô ta lo lắng.
– Cái tôi muốn nói à? Đây này: tôi đã thấy cô nghe rõ chứ, cặp hoa tai này lần cuối vào sáng thứ sáu khi tôi đến đây với đại tá Melchett. Chúng còn cả hai, tôi vẫn thấy nó, trên bàn trang điểm của mẹ kế của cô.
– Ôi!
Cô ta gục xuống tay ghế và khóc nức nở. Mái tóc vàng gần chấm xuống sàn nhà. Thật là một thái độ kỳ quặc, đẹp và lộn xộn.
Tôi để cho cô ta khóc một lúc, im lặng, sau đó, rất nhẹ nhàng hỏi:
– Lettice, sao cô lại làm thế?.
– Làm gì?
Cô ta đứng bật dậy, hất mạnh tóc ra sau, vẻ hoảng sợ.
– Ông nói gì? – Cô ta nhắc lại.
– Ừ, cái gì đã thúc đẩy cô làm như vậy? Cô ghen tức à? Hay là do ghét Anne?
– Thôi được! Đúng – Cô ta nói (cô lại trở lại chính cô) – Đúng. Ông có thể nói về lòng ghen tức. Tôi luôn ghét Anne. Tôi đã ghét bà ấy ngay từ ngày đầu tiên bà ấy đến nhà này. Vâng, chính tôi đã để cái hoa tai đáng nguyền rủa đó xuống dưới bàn giấy của ông. Tôi hy vọng rằng sẽ làm hại được bà ấy, và điều đó sẽ xảy ra nếu ông đã không nhìn thấy chúng trên bàn trang điểm. Dù sao thì không phải là việc của mục sư đi giúp đỡ cảnh sát.
Tôi không hề quan tâm đến sự bùng nổ của sự hờn dỗi. Thật sự là, vào lúc đó, Lettice đồng thời vừa có vẻ trẻ con, lại vừa thống thiết.
– Cũng chẳng cần phải làm to chuyện, cái âm mưu đã bị phá sản này. Tôi nói điều đó với cô ta và nói thêm là tôi sẽ đem trả lại cái hoa tai mà không nói là tôi đã nhặt được nó trong hoàn cảnh nào. Cô ta có vẻ cảm động,
– Vậy thì, ông thật là tử tế.
Cô ta ngừng một lát, rồi nói thêm, quay đầu lại để làm người ta chăm chú hơn vào lời cô ta.
– Nếu tôi là ông, ông Clément, tôi sẽ đẩy Denis ra xa, càng nhanh càng tốt… như thế sẽ tốt hơn…
– Denis ư?
Tôi hơi ngạc nhiên và buồn cười.
– Phải, tôi nghĩ như vậy thì hơn, cô ta nhắc lại vẫn bối rối. Điều đó làm tôi thấy lo cho Denis, nhưng tôi không tin rằng anh ta… Tôi thật sự rất buồn.
Cuộc nói chuyện của chúng tôi kết thúc ở đây.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.