Ỷ THIÊN ĐỒ LONG KÝ

03. Bảo đao bách luyện sinh huyền quang



Lửa hồng nung đốt trăm lần nóng,
Đen sì đao cứng vẫn trơ gan.
Tráng sĩ nguy nàn đâu nhụt chí,
Dẫu đành một thác chẳng than van.
Hoa nở rồi hoa tàn, hoa tàn hoa lại nở, người thiếu niên năm nào nay đã già,
cô gái hồng nhan kia tóc mai cũng đã bạc. Năm đó là năm Chí Nguyên thứ hai
đời Nguyên Thuận Đế, nhà Tống đã bị diệt vong hơn năm chục năm rồi.
Lúc đó chính vào tháng ba cuối mùa xuân, ở bờ biển Giang Nam có một tráng
sĩ ước chừng ba mươi tuổi chân đi giày cỏ mặc áo màu lam, đang rảo bước
trên đường cái, thấy trời đã xế chiều, tuy hai bên đường đầy đào hồng, liễu
xanh, xuân sắc đang độ tốt tươi nhưng chàng không tâm trí đâu mà thưởng
ngoạn, trong đầu chỉ tính toán thầm: “Hôm nay đã là hai mươi bốn tháng ba,
đến mồng chín tháng tư chỉ còn mười bốn ngày, đường đi không có gì trở ngại
thì mới kịp ngày giờ về núi Võ Đương chúc mừng đại thọ chín mươi của ân
sư.”
Tráng sĩ đó họ Du, tên Đại Nham, là đệ tử thứ ba của tổ sư phái Võ Đương
Trương Tam Phong. Đầu năm đó, chàng vâng lệnh thầy xuống Phúc Kiến tiêu
diệt một bọn giặc cướp không việc ác gì không làm, chuyên tàn hại lương dân.
Tên đầu đảng nghe tin, lập tức trốn mất, Du Đại Nham phải mất hai tháng trời
mới tìm ra được sào huyệt bí mật của y, tiến đến khiêu chiến, sử dụng Huyền
Hư đao pháp của thầy truyền cho, đến chiêu thứ mười một mới giết được tên
giặc. Lúc đầu chỉ định mười ngày là xong, nhưng lại mất đến hơn hai tháng,
bấm đốt ngón tay, kỳ hạn đại thọ chín mươi của sư phụ chẳng còn bao xa, nên
vội vàng từ Phúc Kiến quay về, hôm nay đã đến phía nam sông Tiền Đường ở
vùng Triết Đông.
Chàng rảo bước một hồi, con đường hẹp lại, nhìn thấy một bên là biển cả, có
những khoảng đất bằng sáng loáng như gương, mỗi mảnh chừng bảy tám
trượng vuông, nếu thực là do nước biển bào mòn mà thành sao lại nhẵn đến
thế. Du Đại Nham đã đi khắp mọi miền Giang Nam, Giang Bắc, kiến văn cũng
rộng, nhưng chưa thấy cảnh lạ đó bao giờ, hỏi thổ dân, không khỏi bật cười,
hóa ra đó là những ruộng muối.
Nơi đây dân chúng dẫn nước từ biển vào ruộng, phơi cho khô bớt, nước mặn
đó lại dẫn vào ruộng khác, mỗi lúc một mặn thêm, sau cùng mới khô còn lại
muối hột. Du Đại Nham nghĩ thầm “Ta ăn muối ba mươi năm, nhưng chưa biết
để làm được một hạt muối, phải nhọc nhằn đến thế.?
Chàng đang đi bỗng thấy từ con đường nhỏ phía tây một bọn chừng hơn hai
chục người đang gánh đồ đi rảo bước. Du Đại Nham liếc mắt để ý, thấy cả bọn
đều mặc quần áo ngắn màu xanh, đầu đội nón rộng vành, hai bên quang đều
là muối cả. Chàng biết rằng hiện nay chính sách hà khắc, thuế đánh vào muối
rất cao, nên tuy ở ngay cạnh bờ biển, dân chúng cũng không được ăn muối
quan, mà phải đi mua lén của dân buôn muối lậu. Bọn người này hành động
nhanh nhẹn, táo tợn, thân thể rắn chắc, xem chừng là một bọn buôn lậu. Trên
vai họ cũng không phải là đòn gánh bằng tre hay bằng gỗ vì không thấy nhún
nhẩy chi cả, trông đen sì đúng là đòn gánh bằng sắt. Mỗi người phải gánh ít ra
cũng hai trăm cân nhưng đi rất nhanh. Du Đại Nham nghĩ thầm “Bọn diêm
kiêu này ai cũng có võ. Nghe nói ở Giang Nam, phái Hải Sa độc quyền muối
lậu, thanh thế rất lớn, trong môn phái này không ít những tay danh gia võ học.
Thế nhưng có đến hai mươi hảo thủ cùng ở một đoàn gánh muối lậu đi bán thì
thật không hợp lý chút nào.?
Giá như bình thời, ắt là chàng sẽ đi theo dọ thám, nhưng lúc này đang phải
tính chuyện chúc thọ sư phụ chín mươi, không hơi đâu mà mua chuyện thiên
hạ. Nghĩ thế chàng lại rảo bước đi.
Chiều hôm đó, Du Đại Nham đã đến huyện Dư Diêu, trấn Am Đông. Từ đây chỉ
qua sông Tiền Đường là đến Lâm An, rẽ qua hướng tây đi về phương bắc, qua
Giang Tây, Hồ Nam là đến Hồ Bắc, địa phận núi Võ Đương. Trời đã tối không
có thuyền sang sông, chàng chỉ còn cách ở lại Am Đông, kiếm một tiểu điếm
trọ qua đêm.
Ăn cơm chiều xong, Du Đại Nham rửa chân toan lên giường nằm, bỗng nghe
trong quán có tiếng lao xao, một đám người vào thuê phòng. Nghe giọng thấy
họ là người Triết Đông, nhưng trung khí sung mãn, hiển nhiên đều là nội gia,
chàng thò đầu ra xem, hóa ra chính là bọn buôn muối lậu gặp trên đường cái.
Du Đại Nham không để ý, ngồi xếp bằng trên giường, hành công đủ ba lần, rồi
mới nằm xuống ngủ.
Ngủ đến giữa đêm, bỗng nghe phòng bên cạnh có tiếng lách cách nhè nhẹ,
Du Đại Nham lập tức tỉnh dậy. Chỉ nghe thấy một người hạ giọng nói: -Anh em
mau mau ra đi, đừng kinh động đến người khách ở phòng bên cạnh, thêm
phiền ra.
Mọi người tất cả nhè nhẹ mở cửa phòng, đi ra ngoài. Du Đại Nham nhìn qua
khe cửa, thấy đám diêm kiêu đã gồng gánh đi ra cửa, nhớ đến câu kẻ kia nói
“đừng kinh động đến người khách ở phòng bên cạnh, thêm phiền ra? nghĩ
thầm “Bọn buôn muối lậu này lén lén lút lút, hẳn là đang tính làm điều gì sai
quấy, nên mới sợ mình trông thấy, không thể bỏ qua. Nếu có ngăn bọn họ làm
điều thương thiên hại lý, cứu được một hai mạng người lương thiện, dù cho có
lỡ tiệc thọ ngàn tuổi của ân sư, thì lão nhân gia chắc cũng vẫn vui lòng.?
Chàng đeo túi đựng binh nhận, ám khí lên lưng, vượt cửa sổ, nhảy qua tường
ra ngoài.
Chỉ nghe thấy tiếng chân người đi về hướng đông bắc, chàng thi triển khinh
thân công phu, lặng lẽ đuổi theo. Đêm đó mây đen đầy trời, ánh trăng không
có, trong bóng đêm dày đặc, thấp thoáng bóng hai chục tên buôn muối lậu
gánh hàng chạy trên những bờ ruộng, Du Đại Nham nghĩ thầm “Bọn buôn lậu
ban đêm gánh hàng chạy thì cũng là chuyện thường tình. Thế nhưng những
người này thân thủ bất phàm, nếu muốn làm chuyện phi pháp, chẳng nói chi
trộm cướp nhà giàu, có đến vào công khố ăn cướp, quan binh cũng chưa
chống nổi, việc gì phải lén lén lút lút đi buôn muối, kiếm chút lợi nhỏ? Ắt hẳn
bên trong có chuyện gì khác.”
Chỉ chưa đầy nửa giờ, bọn buôn lậu đã chạy trên hai chục dặm, nhưng Du Đại
Nham khinh công rất cao, bước chân không một tiếng động, bọn kia lại chừng
như có chuyện gì gấp, chỉ để ý đến lộ trình trước mặt, không quay đầu lại, nên
chẳng hề phát giác. Lúc đó họ đã đến ven biển, tiếng sóng vỗ vào đá ỳ ào
không dứt.
Đang trên đường đi, bỗng nghe tiếng tên đầu lĩnh huýt một tiếng còi nhỏ, cả
bọn đều đứng lại. Tên chỉ huy hỏi nhỏ: -Ai thế?
Trong bóng tối có tiếng một người khàn khàn: -Có phải các bạn là nhóm “ba
chấm thủy” chăng?
Người đầu lĩnh đáp: -Chính thế. Các hạ là ai?
Du Đại Nham thắc mắc: -Nhóm “ba chấm thủy” là bọn nào thế nhỉ?
Nhưng chỉ một thoáng chàng chợt nghĩ ra: -Ồ, quả nhiên là phái Hải Sa. Ba
chữ phái Hải Sa có ba chấm thủy ở bên cạnh.
Tiếng người khàn khàn lại nói tiếp: -Vụ đao Đồ Long, ta khuyên các người
đừng nhúng tay vào.
Tên đầu lĩnh nói: -Tôn giá cũng vì đao Đồ Long mà đến đấy ư?
Âm thanh dường như có vẻ vừa tức giận, vừa sợ hãi. Trong đêm tối chỉ nghe
mấy tiếng cười khẩy “hắc hắc hắc” nhưng không nghe người kia trả lời.
Du Đại Nham náu mình sau những tảng đá ở ven biển, trườn đến phía trước,
chỉ thấy một người đàn ông thân hình cao gầy đứng chắn trên đường. Vì trời
tối nên không nhìn rõ mặt y, chỉ thấy y mặc một chiếc áo bào trắng, đi đêm mà
mặc áo trắng hẳn phải tự phụ võ công của mình có chỗ hơn người.
Người đầu lĩnh phái Hải Sa nói: -Thanh đao Đồ Long đó đã thuộc về bản phái,
nhưng bị người ta lấy trộm mất, nay phải đi đòi lại.
Gã áo trắng lại cười khẩy “hắc hắc hắc” ba tiếng nhưng vẫn nghênh ngang
đứng chắn đường. Từ phía sau tên đầu lĩnh một người gằn giọng quát lên: –
Mau tránh ra, quân chó dữ chặn đường kia, bộ ngươi muốn chết hay sao?
Y chưa dứt lời, đột nhiên “A” lên một tiếng thảm khốc, ngã lật người ra sau.
Mọi người kinh hãi, chỉ thấy trong bóng đêm, tà áo trắng thấp thoáng, người
khách chắn đường không còn thấy đâu nữa.
Bọn buôn muối phái Hải Sa nhìn lại tên đồng bọn ngã dưới đất, chỉ thấy y nằm
còng queo, hiển nhiên đã chết rồi. Ai nấy đều vừa sợ vừa tức, có mấy người bỏ
quang gánh xuống theo hướng người áo trắng đuổi theo, nhưng y chạy nhanh
quá, trời tối còn làm sao kiếm ra được nữa.
Du Đại Nham nghĩ thầm “Gã này ra tay nhanh thực, ngón trảo đó dường như
là Đại Lực Kim Cương Trảo của phái Thiếu Lâm. Tuy nhiên trời tối, ta không
nhìn rõ. Nghe giọng nói của người này thì có vẻ từ quan ngoại mạn tây bắc
đến. Không ngờ phái Hải Sa kết hạ oán cừu xa đến như thế.?
Chàng thu mình sau những tảng đá, không dám cử động, sợ bọn người phái
Hải Sa phát giác, sẽ thêm rắc rối. Lại nghe gã đầu lĩnh nói: -Hãy đem thi thể
lão tứ để qua một bên, khi về hãy mang đi, sau này thể nào mình cũng tìm ra
y là ai.
Cả bọn đáp lời, lại mang gánh lên, chạy về phía trước.
Du Đại Nham đợi bọn họ đi một quãng xa mới đến xem thi thể, thấy cổ họng
có hai cái lỗ nhỏ, máu tươi vẫn còn chảy ra không ngừng, hiển nhiên là bị
ngón tay đâm thủng. Chàng biết việc này có nhiều điều khác thường, nên gia
tăng cước bộ, cố đuổi theo cho kịp bọn diêm kiêu. Đoàn người lại đi thêm vài
dặm nữa, gã đầu lĩnh huýt một tiếng còi, cả hai mươi người đều dàn ra, hướng
về phía một tòa nhà lớn ở mạn đông bắc chầm chậm tiến tới. Du Đại Nham
nghĩ thầm: -Bọn họ nói gì Đồ Long đao, chẳng lẽ ở trong cái nhà này sao?. Chỉ
thấy từ cái ống khói của căn nhà đó một cột khói bốc thẳng lên, tụ lại một hồi
mới tan. Bọn diêm kiêu bỏ quang gánh xuống, mỗi người cầm một cái gáo,
múc cái gì đó trong thúng, rải ra khắp bốn bề. Du Đại Nham nhìn thấy họ rắc
một loại phấn trắng như tuyết, rõ ràng là muối biển, nghĩ thầm: -Họ rắc muối
trên đường làm gì thế nhỉ? Thật là kỳ lạ, mai này mình có kể cho sư huynh đệ
nghe, chắc họ không tin đâu?
Du Đại Nham thấy họ rắc muối rất chậm chạp, kỹ lưỡng, hình như sợ muối đó
dính vào mình, chàng liền vỡ lẽ, biết rằng muối này có chất kịch độc, đám
người đó đem rải chung quanh, hẳn có ý đồ ám hại người trong nhà nên tính
trong bụng “Mình chẳng biết hai bên bên nào phải bên nào trái, nhưng bọn
này hành sự lén lút, không quang minh chút nào. Mình phải bằng mọi giá
thông tri cho người trong nhà, để họ khỏi bị bọn tiểu nhân này ám hại.? Chàng
thấy phái Hải Sa vẫn còn đang rắc phía trước nhà nên đánh một vòng thật lớn
đi ra phía sau, nhẹ nhàng nhảy qua tường vào bên trong.
Căn nhà đó lớn trước sau cả thảy năm khu, có đến ba bốn chục gian phòng,
trong nhà lại tối mò không đèn đuốc gì cả. Du Đại Nham nghĩ thầm “Khói đen
từ giữa một khu nhà bay lên, nơi đó ắt là có người.? Ngẩng lên nhận định rõ
khu vực khói bốc ra, rảo bước đi tới, nghe thấy trong phòng có tiếng lửa cháy
bừng bừng, củi kêu tí tách. Chàng đi vòng qua một bức tường ngang, thì vào
được vào chính sảnh, bỗng thấy sáng lòa, một làn hơi nóng phả vào mặt. Giữa
phòng là một cái lò lớn xây bằng đá, lửa bừng bừng bốc lên cao, chung quanh
có ba người đứng, mỗi người kéo một cái bễ, thổi lửa vào lò. Trong lò là một
thanh đơn đao đen sì, dài ước chừng bốn thước.
Ba người đó đều mặc áo bào xanh, khoảng sáu chục tuổi, đầu tóc đầy tro, trên
áo dài cũng lỗ chỗ đầy vết thủng do tàn lửa bắn vào. Chỉ thấy ba người cùng
ra sức thổi bễ, lửa lên cao đến năm thước, bao phủ lấy thanh đao, phát tiếng
vù vù. Chỗ Du Đại Nham đứng phải cách cái lò đến mấy trượng nhưng cũng
còn thấy nóng đủ biết lửa trong lò lợi hại đến bực nào. Ngọn lửa từ đỏ biến
thành xanh, từ xanh thành trắng, nhưng thanh đao đó vẫn nguyên một màu
đen, chưa thấy đỏ một tí nào.
Vừa khi đó, trên mái nhà có tiếng người khàn khàn nói: -Làm hư hại thanh bảo
đao, thật là thương thiên hại lý, mau ngừng lại!
Du Đại Nham nghe tiếng, biết ngay là người khách áo trắng gặp trên đường
cái đã đến. Ba ông già đang quạt lò nung đao kia dường như không nghe, lại
càng kéo bễ nhanh hơn. Lại nghe thấy từ mái nhà ba tiếng cười nhạt “hắc hắc
hắc”, phía trước nghe một tiếng cạch, gã áo trắng đã nhảy vào.
Lúc đó lửa trong lò đang phừng phừng nên Du Đại Nham nhìn rõ. Người áo
trắng ước chừng trên dưới bốn mươi, mặt tái mét, ẩn ẩn màu xanh, hai tay
không, lạnh lùng nói: -Trường Bạch Tam Cầm, tưởng các ngươi chiếm đoạt bảo
đao đã quá lắm rồi, lại còn dám lớn mật đem lửa nung bảo vật?
Nói xong y tiến lên phía trước.
Ông già phía tây lao tới vươn tay trái ra, chộp vào mặt người áo trắng. Người
khách lách đầu sang một bên, tiến lên một bước nữa. Ông già phía đông thấy
y tới gần mình, cầm ngay cái búa sắt lớn dựng bên cạnh lò, nghe vù một
tiếng, nhắm ngay đầu gã áo trắng nện xuống. Bạch bào khách hơi nghiêng
người, búa sắt giáng vào khoảng không, nghe bình một tiếng, lửa bắn tóe ra
như sao sa, hóa ra nền nhà không phải là đá xanh mà là đá hoa cương cứng dị
thường. Ông già phía tây lại tấn công từ bên hông, hai tay cong cong như
chân gà, nhảy lên hụp xuống, thế đánh thật là lợi hại.
Du Đại Nham thấy gã áo trắng ra chiêu võ công hiển nhiên thuộc phái Thiếu
Lâm, nhưng xuất thủ rất âm độc tàn nhẫn, khác hẳn lối cương mãnh nhưng
chính đại quang minh của danh môn. Đấu được vài hiệp, ông già cầm búa
quát lên: -Các hạ là ai? Muốn chiếm bảo đao này, hãy để tên lại.
Người áo trắng chỉ cười khẩy mấy tiếng, không trả lời. Chỉ thấy y xoay mình
một cái, hai tay chộp ra, nghe hai tiếng lách cách, hai cổ tay ông già phía tây
đã gãy lìa, cái búa trong tay ông già phía đông cũng tuột ra, văng thẳng lên
trời, phá vỡ mái nhà, rơi xuống trở lại, nghe bình một tiếng thật lớn. Lão già đó
lập tức cúi mình nhặt một chiếc kìm, đưa ngay vào lò kẹp thanh đơn đao.
Ông già đứng ở phía nam tay cầm ám khí lăm lăm chờ cơ hội đả thương địch
thủ, nhưng thấy gã áo trắng nhanh nhẹn dị thường, chưa kịp ra tay, bỗng thấy
ông già phía đông dùng kìm kẹp thanh bảo đao, lập tức thò tay vào lò, cầm
cán đao trước, lôi luôn ra ngoài. Y vừa cầm vào cán đao, một luồng khói trắng
lập tức bốc lên, mọi người ngửi thấy mùi khét lẹt, bàn tay y đã bị cháy phỏng.
Thế nhưng y không chịu buông, cả người lẫn đao nhảy vọt về sau, nghe bịch
một tiếng, ngã lăn ra đất. Tay trái y vươn ra, đỡ vào sống đao, bấy giờ mới
đứng lên được, xem chừng thanh đao đó quá nặng, một tay cầm không nổi,
nhưng cũng vì thế bàn tay trái y cũng bị cháy nghe xèo xèo.
Mọi người ai nấy kinh hãi, còn đang ngơ ngẩn, chỉ thấy ông già đó hay tay
múa thanh đơn đao, chạy thẳng ra ngoài. Người áo trắng cười nhạt: -Đâu có
dễ dàng như thế?
Cánh tay y vung ra, đã chộp vào giữa lưng ông già. Ông già đó xoay người,
thuận tay chém lại một nhát. Lưỡi đao chưa tới, hơi nóng đã phà vào mặt, tóc
râu, lông mày người áo trắng đã quăn cả lại. Y không dám đỡ, kình lực trên
tay đẩy ra, ném ông già cả người lẫn đao vào trong lò lửa.
Du Đại Nham thấy bọn người đó ai ai cũng hung ác, chuyện không liên quan gì
đến mình nên chẳng muốn ra tay. Thế nhưng lúc này mạng ông già chỉ trong
đường tơ kẽ tóc, chỉ cần rơi vào lò, thì sẽ thành tro ngay. Chàng thấy cứu
người là việc khẩn cấp, lập tức tung mình nhảy lên, vừa xoay người vừa lắc
mình một cái, giữa không trung thò tay ra, chụp lấy búi tóc của ông già nọ,
nhẹ nhàng khéo léo rơi sang một bên.
Người áo trắng và Trường Bạch Tam Cầm vốn đã thấy chàng đứng ở một bên,
từ trước đến giờ không làm gì, đột nhiên thi triển khinh công thượng thừa, cả
bọn đều kinh hãi. Bạch bào khách nhướng đôi lông mày, hỏi: -Thân thủ đó có
phải là “Thê Vân Túng” mà thiên hạ hằng nghe danh chăng?
Du Đại Nham thấy y nói lên được tên của lộ khinh công mình vừa sử dụng, lúc
đầu hơi kinh hoảng, nhưng sau trong lòng không khỏi đắc ý “Công phu của
phái Võ Đương chúng ta quả danh dương thiên hạ, chấn động đến tận nơi xa
xôi.? Chàng liền đáp: -Không dám, xin thỉnh giáo quí tính đại danh của tôn
giá? Chút công phu nhỏ nhặt của tại hạ có gì đáng nói đâu.
Gã áo trắng nói: -Hay lắm, hay lắm. Khinh công của phái Võ Đương quả nhiên
cũng có đôi phần đáng kể.
Khẩu khí của y nghe thật ngạo mạn. Du Đại Nham trong lòng tức giận, nhưng
không nổi nóng, nói: -Trên đường đi, tôn giá vừa giơ tay là đã giết ngay một
cao thủ của phái Hải Sa, công phu thần xuất quỉ một như thế, khiến cho
không ai biết đâu mà đo lường.
Người đó hơi giật mình, nghĩ thầm: -Việc đó quả nhiên ngươi đã trông thấy,
vậy mà ta lại không thấy ngươi. Không biết khi đó gã tiểu tử này ẩn náu ở chỗ
nào?
Y liền lạnh lùng đáp: -Không sai. Môn võ công đó của ta, người ngoài không dễ
gì lãnh hội. Không nói các hạ mà cả đến ông già họ Trương chưởng môn của
phái Võ Đương, cũng chưa chắc đã hiểu nổi.
Du Đại Nham nghe gã áo trắng làm nhục cả đến ân sư làm sao nhịn nổi. Tuy
nhiên, đệ tử phái Võ Đương trước nay vẫn coi trọng việc tu tâm dưỡng tính,
chàng nghĩ thầm “Y cố ý khiêu khích, không biết bên trong còn có ý định gì?
Người này công phu quái dị, không nên vì một vài câu nói mà bản môn phải có
thêm một cường địch.? Bèn mỉm cười: -Võ công trong thiên hạ vô cùng vô tận,
chính phái tà đạo, hàng nghìn hàng vạn, sở học của phái Võ Đương chỉ là một
hạt nước trong biển cả. Công phu của tôn giá, giống Thiếu Lâm mà không phải
Thiếu Lâm, e rằng bản sư cũng không biết được.
Câu đó nghe có vẻ khách khí, nhưng bên trong hàm nghĩa là phái Võ Đương
không thèm biết đến võ công của bọn bàng môn tả đạo. Người đó nghe thấy
câu “giống Thiếu Lâm mà không phải Thiếu Lâm” lập tức biến sắc.
Trong khi hai người ngôn ngữ châm chọc đối lại với nhau thì thanh đao nóng
hừng hực ấy đã cháy hết thịt da, ăn vào tới xương ông già ở phía nam rồi. Hai
ông già ở phía đông và phía tây vẫn khom mình thủ thế, đang tìm cơ hội đoạt
lại thanh đao. Đột nhiên nghe một tiếng vù, ông già phương nam lại huy động
đơn đao chạy ra ngoài lần nữa. Y múa đao, tuy không chủ ý chém ai nhưng Du
Đại Nham đang đứng chắn lối, nên đao đó chém chàng trước hết. Du Đại
Nham không ngờ mình vừa mới cứu ông ta thoát chết, nay y lại ra tay ngay với
mình, vội vàng nhảy lên tránh khỏi đường đao.
Ông già đó hai tay cầm thanh đao như điên như cuồng chém lung tung, vượt
được ra ngoài. Gã áo trắng và hai người kia đều sợ đao thế hung hiểm không
ai dám cản, chỉ luôn mồm kêu gào, đuổi theo sau. Ông già cầm đao loạng
choạng chạy ra khỏi cửa, bỗng thấy chân vấp một cái ngã nhào về trước, chỉ
nghe một tiếng kêu thảm thiết, hình như đột nhiên bị trọng thương.
Gã áo trắng và hai ông già kia lập tức nhảy tới, cùng giơ tay cướp thanh đơn
đao, nhưng cả ba cùng kêu lên một lượt, tưởng như dưới đất có rắn độc, quái
trùng gì cắn phải. Gã áo trắng chỉ loạng choạng rồi gượng lại được, chạy
thẳng ra ngoài, còn ba ông già thì lăn lộn dưới đất, không sao đứng lên nổi.
Du Đại Nham nhìn thấy thảm trạng đó, toan nhảy ra cứu người, bỗng giật
mình, nhớ đến việc phái Hải Sa rắc muối độc bên ngoài tòa nhà, biết là chung
quanh đều là độc diêm, mình không còn cách gì chạy ra được. Chàng nhìn
quanh bốn bề, thấy bên trong cánh cửa có dựng mấy chiếc ghế dài, vội thò
tay dựng hai chiếc, nhảy lên mỗi chân một bên dùng như cà khêu đi ra cửa.
Thấy ba ông già kêu la thảm thiết, không ngừng lăn qua lộn lại, Du Đại Nham
dùng một miếng giẻ lót tay, chộp vào hậu tâm ông già cầm đao, lênh khênh
chạy ra hướng đông.
Việc xảy ra ngoài ý của bọn người phái Hải Sa, tuy trông thấy nhưng không
ngăn kịp, vội tứ tán đuổi theo, kêu la om sòm, cương tiêu tụ tiễn, cùng khoảng
một chục món binh khí khác đều nhắm sau lưng Du Đại Nham ném tới.
Du Đại Nham sử kình vào hai chân, đẩy mạnh vào hai chiếc ghế, vọt ra xa hơn
một trượng, ám khí đều rơi vào khoảng không. Hai chân chàng móc vào hai
chiếc ghế thành thử dài thêm mấy thước nên chỉ chạy bốn năm bước là đã bỏ
bọn người phái Hải Sa một quãng xa. Nghe thấy tiếng người rầm rập đuổi
theo, Du Đại Nham một mặt nhắc ông già kia nhảy lên, đồng thời đá mạnh hai
chiếc ghế vọt về phía sau. Chỉ nghe hai tiếng bình bình, lại có ba bốn người
kêu la, hiển nhiên đã bị ghế văng trúng. Vì trở ngại này, Du Đại Nham chạy
thêm được mươi trượng nữa, trong tay tuy cầm thêm một người, nhưng càng
lúc càng xa, phái Hải Sa không sao đuổi kịp.
Du Đại Nham chạy một hồi nghe thấy tiếng sóng ỳ ào, đằng sau không còn ai
đuổi theo, mới hỏi: -Ông thấy sao?
Ông già đó chỉ hừ một tiếng nhưng không trả lời, rồi lại rên rỉ. Du Đại Nham
nghĩ thầm “Người y dính đầy muối độc, phải rửa sạch y trước đã.? Chàng chạy
xuống bãi biển, kiếm một chỗ nước nông nhúng y xuống một chập, đang toan
nhắc lên, bỗng đâu một làn sóng lớn xô tới đẩy ông già lên trên mặt cát.
Du Đại Nham nói: -Hiện giờ ông đã thoát hiểm, tại hạ có việc cần, không thể
giúp ông hơn được nữa, thôi mình từ biệt nhau ở đây.
Ông già đó nhỏm dậy, lắp bắp: -Ngươi? ngươi? không cướp thanh bảo đao ư?
Du Đại Nham cười: -Bảo đao có quí, nhưng không phải của tôi, tôi lấy làm gì?
Ông già đó trong lòng thấy kỳ quái, không tin, nói: -Ngươi quả thực trong
bụng có ngụy kế gì, định lừa ta?
Du Đại Nham nói: -Tôi với ông không thù không oán, lừa ông làm gì? Đêm nay
tôi vô tình qua đây, thấy ông trúng độc bị thương nên ra tay cứu thôi.
Ông già nọ lắc đầu, hằn học nói: -Tính mệnh ta ở trong tay ngươi, muốn giết
thì cứ việc giết. Còn như muốn dùng độc thủ để gia hại ta, dù ta có chết cũng
thành quỉ sứ không tha ngươi đâu.
Du Đại Nham biết rằng y bị thương rồi, thần trí không còn tỉnh táo, nên không
thèm chấp, chỉ mỉm cười, đang toan bước đi, một làn sóng lớn nữa lại từ biển
xô tới. Ông già đó lại rên rỉ, chỉ nằm mọp trong nước biển mà run rẩy. Du Đại
Nham nghĩ thầm “Cứu người thì cứu cho tới cùng, ông già này trúng độc
không phải là nhẹ, nếu mình bỏ y ở đây, y thể nào cũng chết chìm dưới nước.?
Chàng đưa tay nhắc ông già lên một cái gò nhỏ, nhìn quanh bốn bề, thấy phía
đông bắc có một mỏm đá, trên đó có một căn nhà, hình dáng dường như một
cái miếu, nên xách ông ta chạy đến đó. Chàng nhìn lên biển ngạch, thấy thấp
thoáng ba chữ?Hải Thần Miếu?, nên đẩy cửa bước vào, thấy cái miếu này thật
là sơ sài, nền đầy bụi đất, bên trong chẳng có gì cả.
Chàng để ông già lên trên tấm gỗ đằng trước thần tượng, lần trong bọc thấy
đồ đánh lửa đã bị nước biển làm ướt, mò quanh bàn thờ, tìm thấy bùi nhùi và
đá lửa và một cây nến thắp dở. Đốt nến lên, chàng nhìn lại ông già thấy y mặt
mày tím ngắt, hiển nhiên trúng độc rất nặng, vội lấy trong bọc ra một viên
“Thiên Tâm Giải Độc Đơn” nói: -Ông uống viên thuốc giải độc này đi.
Ông già đó hai mắt đang nhắm nghiền, thấy chàng nói thế, mở choàng ra nhìn
trừng trừng nói: -Ta không uống thuốc độc hại người của ngươi đâu.
Du Đại Nham tâm tính thật tốt nhịn, nhưng cũng không chịu nổi, nhướng lông
mày nói: -Ngươi coi ta là hạng người gì? Môn hạ phái Võ Đương không lẽ đi hại
người sao? Đây là một viên thuốc giải độc, chỉ vì ngươi trúng độc rất nặng,
viên thuốc này chưa chắc đã giải cứu được đâu, nhưng ít nhất cũng giúp
ngươi sống thêm được ba ngày. Ngươi mau mau đem thanh đao này giao lại
cho phái Hải Sa, đổi lấy thuốc giải độc của họ.
Ông già đó bỗng đứng lên, gay gắt nói: -Cái gì chứ lấy đao Đồ Long của ta thì
không thể được.
Du Đại Nham nói: -Tính mệnh của ngươi chẳng còn, có bảo đao cũng để làm
gì?
Ông già đó quyết liệt nói: -Ta thà chết thì thôi, chứ thanh đao Đồ Long này là
của ta.
Nói rồi y ôm thanh đao lên, áp má vào sống đao, trông hết sức yêu quí, tay kia
cầm viên thuốc “Thiên Tâm Giải Độc” nuốt vào bụng. Du Đại Nham thấy hiếu
kỳ, toan hỏi vài câu xem thử thanh đao này có cái gì quí giá, nhưng nhìn lại hai
mắt lão già thấy đầy nét tham tàn hung ác, trông như con thú muốn vồ người
ăn thịt, bỗng thấy chán ghét cùng cực, xoay mình toan đi ra. Bỗng nghe ông
già hậm hực nói: -Đứng lại, ngươi định đi đâu thế?
Du Đại Nham cười: -Ta đi đâu việc gì đến ngươi?
Nói rồi chàng cất bước đi ra. Đi được vài bước nghe thấy ông già nọ khóc òa
lên, Du Đại Nham quay đầu lại, hỏi: -Ngươi khóc gì thế?
Ông già nói: -Ta trăm cay nghìn đắng mới lấy được thanh đao Đồ Long này,
nhưng chỉ trong khoảnh khắc tính mệnh cũng không còn, có bảo đao để làm
gì?
Du Đại Nham hừ một tiếng: -Trừ việc ngươi đem đao đổi lấy thuốc giải độc của
phái Hải Sa ra không còn cách nào khác nữa.
Ông già vẫn khóc òa: -Nhưng bảo ta bỏ nó thì không được, ta không bỏ nó
được.
Thần thái của y trong cái sợ hãi có thêm ba phần hoạt kê. Du Đại Nham muốn
cười nhưng không cười nổi, một lát sau mới nói: -Người học võ toàn do công
phu bản thân để khắc địch chế thắng, trượng nghĩa hành đạo, để lại tiếng
thơm cho đời sau. Bảo đao bảo kiếm chỉ là bên ngoài, được cũng chẳng đáng
vui, mà mất cũng chẳng đáng buồn, lão trượng việc gì phải lo lắng đến thế?
Ông già đó giận dữ nói: -Võ lâm chí tôn, bảo đao Đồ Long, hiệu lệnh thiên hạ,
mạc cảm bất tòng![1] Câu nói đó ngươi đã nghe tới bao giờ chưa?
Du Đại Nham không nhịn được cười, hỏi lại: -Câu đó lẽ dĩ nhiên tôi đã nghe nói
tới, sau đó còn hai câu nữa, gì gì?Ỷ Thiên bất xuất, thùy dữ tranh phong?[2]?
phải không? Đó là nói về chuyện một đại sự kinh thiên động địa trong võ lâm
mấy mươi năm trước, chứ đâu phải nói về bảo đao nào đâu.
Ông già đó lại hỏi: -Thế đại sự kinh thiên động địa đó là cái gì?
Du Đại Nham nói: -Đó là chuyện năm xưa Thần Điêu đại hiệp Dương Quá giết
được hoàng đế Mông Cổ Mông Kha, làm hả cơn giận cho người Hán chúng ta.
Từ đó, Dương đại hiệp ra lệnh gì, anh hùng trong thiên hạ?không thể không
theo?.?Long? đây chỉ hoàng đế Mông Cổ,?Đồ Long? có nghĩa là giết hoàng đế
Mông Cổ, chứ trên đời này làm gì có con rồng thật đâu?
Ông già cười khẩy: -Ta hỏi ngươi, năm xưa Dương Quá đại hiệp dùng binh khí
gì thế nhỉ?
Du Đại Nham sững người, nói: -Tôi nghe sư phụ nói rằng, Dương đại hiệp cụt
một cánh tay, bình thời không dùng binh khí nào cả.
Ông già hỏi lại: -Thế ư! Vậy Dương đại hiệp giết hoàng đế Mông Cổ bằng cách
nào?
Du Đại Nham nói: -Ông ấy dùng đá ném chết Mông Kha, thiên hạ ai ai chẳng
biết chuyện ấy.
Ông già thật là đắc ý, nói: -Dương đại hiệp bình thời không dùng kinh khí, giết
hoàng đế Mông Cổ thì dùng đá ném, vậy bốn chữ?bảo đao Đồ Long? kia ở đâu
ra?
Câu hỏi đó khiến cho Du Đại Nham không sao trả lời được, một hồi sau mới
nói: -Cái đó chắc là trong võ lâm thuận mồm mà nói cho xuôi, chứ chẳng lẽ nói
“thạch đầu Đồ Long” ư, nghe chối tai làm sao?
Ông già lại cười nhạt: -Cưỡng từ đoạt lý, nói lấy được thôi. Ta hỏi ngươi thêm,
thế còn?Ỷ Thiên bất xuất, thùy dữ tranh phong? hai câu đó giải nghĩa thế nào
cho phải?
Du Đại Nham trầm ngâm một hồi, nói: -Tôi không biết. Ỷ Thiên có lẽ là một
người nào đó chăng? Nghe nói Dương đại hiệp học võ công từ bà vợ ông ấy,
chắc Ỷ Thiên là tên của phu nhân, hay cũng có thể là chỉ Quách Tĩnh đại hiệp
tử thủ thành Tương Dương.
Ông già nói: -Thế à. Ta xem chừng ngươi không biết gì cả, chỉ nói nhăng nói
cuội thôi. Để ta cho ngươi hay, Đồ Long là tên thanh đao, chính là thanh đao
này. Ỷ Thiên là tên một thanh kiếm, gọi là Ỷ Thiên kiếm. Sáu câu đó ý nghĩa
như sau “Trong võ lâm vật cao quí hơn cả là thanh đao Đồ Long, ai có được
thanh đao đó, không kể ra bất cứ lệnh lạc gì, anh hùng hảo hán trong thiên hạ
đều phải nghe theo mà hành động cả. Nếu như thanh kiếm Ỷ Thiên không
xuất hiện, Đồ Long đao là khí giới sắc bén hơn hết.?
Du Đại Nham nửa tin nửa ngờ, nói: -Ông đưa thanh đao tôi xem, có cái gì thần
kỳ?
Ông già đó ôm chặt thanh đơn đao, cười khẩy: -Bộ ngươi tưởng ta là đứa trẻ
lên ba ư? Định lừa ta để lấy đao hả?
Y sau khi trúng độc vốn dĩ thần suy lực kiệt, chỉ nhờ uống viên thuốc giải độc
Du Đại Nham đưa cho, nên mới phấn chấn được một chút, lúc này lại cố
gượng sức nên lại rên rỉ luôn mồm. Du Đại Nham cười: -Không cho tôi xem thì
thôi. Ông có bảo đao Đồ Long trong tay, nhưng có ra lệnh cho ai được đâu?
Chẳng lẽ tôi thấy ông ôm thanh đao đó là tôi phải nghe lệnh ông sao? Nghe
thật là tức cười, ông đang mạnh khỏe bình thường, nghe những lời nói vu vơ ở
đâu, bây giờ sắp chết đến nơi, vậy mà còn mê man không tỉnh ngộ. Nếu ông
không ra lệnh cho tôi được, đủ biết thanh đao này chẳng có chỗ nào gọi là kỳ
lạ.
Ông già đó ngẩn ngơ một hồi, không nói nên lời, một lúc lâu sau mới nói: -Này
lão đệ, hai người mình đính ước với nhau, ngươi cứu mạng ta, ta sẽ đem
những gì lợi lộc thu được từ thanh đao này chia cho ngươi một nửa.
Du Đại Nham ngửng đầu cười lớn, nói: -Lão trượng, ông xem thường phái Võ
Đương chúng tôi quá. Cứu khổn phò nguy, đó là bổn phận của chúng tôi, chứ
đâu phải mong chuyện báo đáp? Trên người ông nhiễm đầy muối độc, tôi cũng
không biết độc dược đó là loại gì, ông nên đi kiếm phái Hải Sa mà cầu cứu.
Ông già nói: -Thanh đao này chính là chúng tôi ăn cắp của phái Hải Sa, họ hận
tới xương tủy, đâu có chịu cứu tôi?
Du Đại Nham nói: -Thì ông cứ giao hoàn lại thanh đao, oán cừu tự nhiên sẽ
cởi, bọn họ còn giết ông làm gì?
Ông già nói: -Ta xem ngươi võ công cao siêu lắm, hãy đến phái Hải Sa lấy trộm
thuốc giải ra đây cứu ta.
Du Đại Nham nói: -Một là tôi đang có việc gấp, không thể trì hoãn, hai là chính
ông đi ăn trộm của người ta, làm điều trái trước, lẽ nào tôi lại điên đảo thị phi?
Lão trượng, ông mau mau đi kiếm phái Hải Sa đi, đừng chậm trễ nữa, độc tính
phát ra, không cứu kịp đâu.
Ông già đó thấy chàng lại dợm bước toan bỏ đi, vội nói: -Khoan đã, để ta hỏi
ngươi thêm một câu, khi ngươi xách ta lên, thấy có cái gì khác thường không?
Du Đại Nham nói: -Tôi thấy có điều kỳ quái, thân thể ông gầy yếu ốm o, nhưng
phải nặng đến hai trăm cân, không biết vì duyên cớ gì, lại cũng không thấy
ông mang gì nặng trên người cả.
Ông già đó bỏ thanh đao xuống đất, nói: -Bây giờ ngươi thử nhắc ta lên xem
nào?
Du Đại Nham nắm vai ông ta nhắc lên, thấy tay nhẹ bỗng, chỉ độ chừng tám
mươi cân là cùng, chợt hiểu ra “Hóa ra cái thanh đơn đao nhỏ bé này, lại nặng
tới hơn một trăm cân, quả thực là cổ quái, không như những võ khí thường.?
Chàng đặt ông già xuống, nói: -Thanh đao này quả thực là nặng.
Ông già lại ôm chặt thanh đao vào người, nói: -Không phải chỉ nặng mà thôi
đâu. Này lão đệ, ngươi họ Du hay họ Trương?
Du Đại Nham đáp: -Tôi họ Du, thảo tự là Đại Nham, sao lão trượng lại biết?
Ông già đáp: -Trương chân nhân của phái Võ Đương thu bảy người đệ tử,
trong Võ Đương thất hiệp thì Tống đại hiệp phải khoảng bốn mươi, Ân, Mạc
hai vị chưa đến hai mươi, còn lưỡng hiệp thứ hai, thứ ba họ Du, lưỡng hiệp
thứ tư, thứ năm họ Trương, trong võ lâm ai ai cũng biết cả. Hóa ra là Du tam
hiệp, thảo nào công phu cao siêu đến thế. Võ Đương thất hiệp uy chấn thiên
hạ, hôm nay được gặp, quả thực danh bất hư truyền.
Du Đại Nham tuy tuổi tác chưa lớn, nhưng lịch duyệt giang hồ đã nhiều, thấy y
giở trò nịnh nọt, biết rằng chỉ vì muốn cầu mình giúp đỡ, trong lòng càng thêm
chán ghét, hỏi lại: -Lão trượng tôn tính đại danh là gì?
Ông già đáp: -Tiểu lão nhi họ Đức, tên một chữ Thành. Bạn bè ở Liêu Đông
tặng cho tôi một cái ngoại hiệu, gọi là Hải Đông Thanh.
Hải đông thanh là tên của một giống chim ưng lớn ngoài Liêu Đông, hung ác
lắm, chuyên bắt các con thú nhỏ để ăn, là một mãnh cầm trứ danh ở quan
ngoại. Du Đại Nham chắp tay: -Ngưỡng mộ đã lâu, ngưỡng mộ đã lâu.
Nói rồi ngửng đầu nhìn trời xem xét. Đức Thành biết chàng muốn đi, không
đem đại lợi ra nhử sẽ không nhờ cứu mệnh mình được, nên nói: -Ngươi không
biết nghĩa sâu xa của câu “hiệu lệnh thiên hạ, mạc cảm bất tòng”. Tám chữ đó
không phải chỉ là ai cầm thanh Đồ Long đao này mở miệng ra lệnh thì mọi
người phải nghe theo. Không phải vậy, không phải vậy, nghĩ thế là hoàn toàn
sai.
Y vừa nói tới đây, Du Đại Nham mặt hơi biến sắc, tay phải vẫy một cái, nghe
một tiếng phụp nhỏ, ngọn nến trên bàn thần tượng tắt ngay, hạ giọng nói
nhỏ: -Có người đến đấy.
Đức Thành nội công so với chàng kém nhiều, nên không nghe thấy tiếng động
nào, còn đang trù trừ, bỗng thấy từ xa có mấy tiếng còi, lại có người nói lao
xao, chạy về phía miếu. Đức Thành hoảng sợ nói: -Địch nhân đuổi tới rồi, mình
mau mau theo lối sau chạy đi.
Du Đại Nham nói: -Đằng sau cũng có người rồi.
Đức Thành nói: -Chẳng biết?
Du Đại Nham nói: -Đức lão trượng, bọn người đến đây là phái Hải Sa, ông nên
hỏi họ thuốc giải độc. Tại hạ không muốn dây dưa vào chuyện này làm gì.
Đức Thành vươn tay trái ra chụp lấy cổ tay chàng, run run nói: -Du tam hiệp,
ông đừng bỏ tôi, đừng?
Du Đại Nham thấy năm ngón tay y lạnh như băng, bấu chặt vào da thịt mình,
nên xoay cổ tay một cái, dùng nửa chiêu “Cửu Chuyển Đơn Thành”, vòng nửa
vòng, đã thoát ra khỏi tay y.
Bấy giờ nghe tiếng chân người rầm rập, chạy đã đến bên ngoài miếu. Nghe
bình một tiếng, có người đã đá toang cửa miếu, kế đó nghe tiếng loạt soạt,
trong đêm tối có vật gì nho nhỏ ném vào. Du Đại Nham rụt người, nhảy vào
sau tượng hải thần bồ tát. Chỉ nghe Đức Thành “A” lên một tiếng nho nhỏ, lại
nghe loạt soạt, ám khí đã trúng người y, rồi rơi xuống đất.
Ám khí đó hết lượt này đến lượt khác, liên tiếp ném vào không ngớt. Du Đại
Nham nghĩ thầm: -Đây là muối độc của phái Hải Sa.
Lại nghe thấy tiếng lách cách trên nóc nhà, đã có người nhảy lên gỡ ngói ra,
lại ném độc diêm từ trên xuống.
Du Đại Nham đã thấy người áo trắng cùng Trường Bạch Tam Cầm bị trúng
muối độc, người áo trắng tuy võ công cao cường như thế, nhưng vừa trúng
độc đã phải kêu la thảm thiết bỏ chạy ngay, đủ biết loại này lợi hại như thế
nào. Trong cái miếu nhỏ, độc diêm bay tứ tán, biết rằng chỉ trong giây lát,
không thể nào không trúng mình, trong tình hình nguy cấp, chàng liền đấm
mấy cái vỡ lưng pho tượng, co mình chui vào nằm bên trong bụng, lập tức
thành một cái áo dày bằng đất, muối độc tuy nhiều, nhưng không sao trúng
chàng được.
Chỉ nghe bên ngoài người của phái Hải Sa bắt đầu bàn bạc với nhau: -Tên đó
không nghe tiếng gì, chắc mê man rồi.
-Tên trẻ tuổi kia tay chân đáng ngại lắm, chi bằng chờ thêm một chốc, việc gì
phải gấp gáp?
-Sợ rằng gã đã đi mất đâu rồi không còn trong hải thần miếu nữa.
Chỉ nghe một người kêu lên: -Này, tên chó chết kia, mau mau ra đầu hàng đi.
Trong khi đang hỗn loạn, bỗng nghe từ xa có tiếng vó ngựa, chừng mươi con
khoái mã ở đâu chạy tới. Trong tiếng chân ngựa, bỗng nghe có người lớn tiếng
nói: -Nhật nguyệt quang chiếu, ưng vương triển sí.[3]
Người phái Hải Sa ở bên ngoài miếu lập tức im lặng không một tiếng động,
một lát sau, có tiếng run run: -Đây là Thiên?. Thiên Ưng giáo, bọn mình chạy
mau?
Nói chưa dứt lời, vó ngựa đã ngừng ngay trước miếu. Phái Hải Sa có người rụt
rè: -Chạy không kịp đâu.
Nghe thấy tiếng chân rầm rập, mấy người đã chạy vào trong miếu. Du Đại
Nham ẩn bên trong bụng pho tượng, thấy hình như có ánh sáng, đoán chừng
người đi vào mang theo đèn lồng. Một lát sau, có người hỏi: -Các ngươi có biết
bọn ta là ai không?
Trong phái Hải Sa có mấy người cùng đáp: -Biết, biết, các vị là bằng hữu trong
Thiên Ưng giáo.
Người kia lại nói: -Vị này là Thiên Thị Đường Lý đường chủ trong Thiên Ưng
giáo. Lão nhân gia lâu nay không ra ngoài, hôm nay các ngươi vận số may mắn
lắm, mới gặp được. Lý đường chủ hỏi các ngươi, Đồ Long đao ở đâu, mau mau
đưa ra, Lý đường chủ mở lòng từ bi, bọn ngươi sẽ không mất mạng.
Nghe thấy một người trong phái Hải Sa đáp: -Chính y? y ăn trộm đem ra đây,
chúng tôi đuổi vừa tới, Lý? đường chủ?
Người của Thiên Ưng giáo lại nói: -Hừm, thanh đao Đồ Long đâu?
Câu hỏi đó hiển nhiên là hỏi Đức Thành. Đức Thành không trả lời, bỗng nghe
một tiếng huỵch, có người ngã xuống đất. Mấy người khác kêu lên: -Ối chà.
Người Thiên Ưng giáo nói: -Y chết rồi, mau tra xét trong người y xem.
Lại nghe có tiếng áo quần loạt soạt, tiếng thân người lật qua lại. Người của
Thiên Ưng giáo nói: -Bẩm báo đường chủ, trong thân gã này không có gì lạ.
Tên đầu lĩnh của phái Hải Sa run run nói: -Lý đường … đường chủ, rõ ràng là
gã này ăn trộm bảo đao … chính y …, chúng tôi quyết không dám giấu diếm …
Nghe giọng của y, hiển nhiên y bị nhãn quang của Lý đường chủ uy hiếp, sợ
quá nên không còn hồn vía nào. Du Đại Nham nghĩ thầm “Thanh đao đó rõ
ràng Đức Thành ôm ở trong tay, sao lại không thấy nhỉ?”
Chỉ thấy gã trong Thiên Ưng giáo nói tiếp: -Các ngươi nói là y ăn trộm thanh
đao đem ra đây, sao không thấy đâu cả? Chắc là chúng bay đã lén giấu đi rồi.
Nếu đã thế, người nào nói thật ra, Lý đường chủ sẽ tha cho người đó. Trong cả
bọn các ngươi, chỉ một người được sống thôi, ai nói trước, người đó khỏi chết.
Trong miếu lặng yên, một hồi sau, tên đầu lĩnh phái Hải Sa mới nói: -Lý đường
chủ, quả thật chúng tôi không biết, nếu như Thiên Ưng giáo đã đòi, chúng tôi
đâu dám giữ?
Lý đường chủ chỉ?hừ? một tiếng, không trả lời. Gã hạ thuộc lại nói: -Ai trả lời
trước, người đó được sống.
Lại thêm một lát nữa, trong phái Hải Sa không ai nói gì. Bỗng nhiên một người
kêu lên: -Chúng tôi tới trước để đoạt đao, nhưng còn đứng bên ngoài chưa
vào, các ông đã đến rồi. Chính các ông Thiên Ưng giáo vào trong miếu trước,
làm sao chúng tôi có đao được? Nếu các ông không tin, đằng nào cũng chết,
hôm nay quyết thí mạng. Vật đó có phải của Thiên Ưng giáo đâu, sao lại ép
uổng bá đạo, xem ra?
Nói chưa dứt lời, nghe một tiếng bịch, hình như y đã chết rồi. Lại nghe một
người run rẩy đáp: -Có một tên chừng ba mươi tuổi, cứu lão già này ra, người
đó khinh công rất cao, bây giờ không biết đi đâu, bảo đao có lẽ y cướp đi rồi.
Lý đường chủ nói: -Xét trên người bọn chúng xem sao.
Mấy người cùng lên tiếng đáp, chỉ nghe thấy trong điện có tiếng sột soạt, có lẽ
là tiếng động do bọn Thiên Ưng giáo đang xét người phái Hải Sa. Lý đường
chủ nói: -Có lẽ gã đó lấy mất thật rồi. Thôi mình đi.
Lại nghe thấy tiếng bước chân bọn người Thiên Ưng giáo ra khỏi miếu, rồi
nghe tiếng vó ngựa đi về phía đông bắc mỗi lúc một xa hơn. Du Đại Nham
không muốn ẩn thân trong bụng thần tượng chật hẹp này lâu hơn nữa, chỉ
chờ phái Hải Sa đi khỏi là chui ra. Thế nhưng một lúc lâu sau vẫn không nghe
động tĩnh gì, tưởng chừng cả bọn phái Hải Sa bỗng dưng biến mất. Chàng từ
sau thần tượng thò đầu ra thăm dò, thấy hơn hai chục tên diêm kiêu đứng
sừng sững không động đậy, có lẽ đã bị người ta điểm trúng huyệt đạo.
Chàng từ trong bụng tượng đất nhảy ra, lúc ấy những ngọn đuốc dưới đất
cũng còn cháy lập lòe nên bên trong miếu vẫn còn sáng, nhưng Du Đại Nham
thấy những người của phái Hải Sa mặt mày thật dễ sợ, nghĩ thầm: -Thiên Ưng
giáo này không biết là giáo phái nào, sao mình chưa từng nghe đến? Bọn phái
Hải Sa vốn dĩ cũng đâu phải hiền lành gì, sao vừa gặp người của Thiên Ưng
giáo đã bị trói chân trói tay, quả thực đúng là vỏ quít dày gặp móng tay nhọn.
Chàng thò tay vỗ vào huyệt Hoa Cái của người đứng kế bên để giải huyệt cho
y.
Nào ngờ chàng dùng lực khá mạnh nhưng người đó vẫn đứng trơ trơ, vội đưa
tay thăm mũi y thì không còn thở nữa, hóa ra đã bị điểm vào tử huyệt. Chàng
đi soát quanh một vòng, hơn hai chục người của phái Hải Sa đều chết đứng,
chỉ còn một người nằm còng queo dưới đất, thở hổn hển, là người nói sau
cùng, đã được tha cho khỏi chết. Du Đại Nham vừa kinh hoàng, vừa nghi ngại:
-Khi Thiên Ưng giáo hạ độc, không thấy tiếng động gì cả, thủ pháp đó quả
thực quái dị âm độc.
Chàng đỡ gã diêm kiêu chưa chết kia lên, hỏi: -Thiên Ưng giáo là giáo phái nào
thế? Giáo chủ của họ là ai?
Hỏi luôn mấy câu, người đó chỉ trợn trắng mắt ra, thần sắc đờ đẫn. Du Đại
Nham vội cầm tay y, chỉ thấy mạch chạy tán loạn, biết rằng tính mệnh tuy
không chết, nhưng đã bị người ta dùng trọng thủ đánh đứt một số kinh mạch,
thành người ngớ ngẩn.
Lúc này chàng không còn sợ mà trở nên giận dữ, nghĩ thầm: -Bọn Thiên Ưng
giáo này sao hạ độc quá ư tàn nhẫn? Nhưng nghĩ đối phương võ công cực cao,
mình chỉ có một thân, không thể nào địch lại, chi bằng trước là về lại núi Võ
Đương bẩm lại sư phụ xin ý kiến, xét cho rõ lai lịch của bọn Thiên Ưng giáo rồi
sẽ tính sau.
Du Đại Nham thấy mặt đất đầy những muối độc trắng xóa như tuyết, nghĩ
thầm: -Sớm muộn gì cũng có dân chúng vào đây, vô tình không biết thể nào
cũng bị tai ương. Dọn dẹp muối độc và chôn cất những xác chết này quả thực
khó khăn, chi bằng đốt luôn cái miếu hải thần này cho khỏi hậu họa? Nghĩ thế
chàng kéo người bị chấn động kinh mạch ra ngoài, rồi quay trở vào thấy hơn
hai mươi người chết đứng đầy trong điện, hình dáng thật là kỳ bí, lại thấy bên
cạnh bàn thờ có một người phủ phục, trên lưng có vết máu chảy. Du Đại
Nham hơi kỳ quái, nắm cổ áo người đó định kéo ra xem, thấy khác thường đến
nỗi đẩy chàng ngã về phía trước. Chàng tự hỏi sao thân hình y cũng chỉ bình
bình, không to béo gì, sao lại nặng nề như thế?
Nhìn kỹ hơn, thấy trên lưng y có một vết thương dài, Du Đại Nham đưa tay
vào vết thương xem thử, thấy lạnh như băng, lôi ra một thanh đao, nặng ít
nhất cũng phải hơn một trăm cân. Đó chính là đao Đồ Long mà bao nhiêu
người tranh đoạt đến mất mạng. Chàng chỉ suy nghĩ một tí biết ngay nguyên
do: Đức Thành khi sắp chết đã cả đao lẫn người ngã xuống, chém ngay vào
lưng một tên diêm kiêu phái Hải Sa. Thanh đao đó vừa nặng vừa sắc bén, chỉ
rơi xuống đã đâm lút vào trong cơ thể. Thiên Ưng giáo khi tra xét người bọn
phái Hải Sa đã không tìm thấy.
Du Đại Nham chống đao đứng nhìn bốn bề, cảm thấy bâng khuâng, nghĩ
thầm: -Con đao này có thực sự là võ lâm chí bảo hay không, khó mà biết được,
nhưng xem ra là một vật chẳng lành, Hải Đông Thanh Đức Thành cùng bao
nhiêu người của phái Hải Sa cũng vì nó mà táng mạng. Trước mắt chỉ còn cách
đem về trình cho sư phụ để xem lão nhân gia định đoạt thế nào.?
Nghĩ thế chàng nhặt một mồi lửa dưới đất châm lên mái nhà, đợi đến lúc lửa
đã bén lên mới ra khỏi miếu. Chàng lau sạch thanh Đồ Long đao, bên ánh lửa
xem lại cho kỹ. Thanh đao đó đen sì, chẳng phải sắt cũng không phải vàng,
không biết bằng kim loại gì, trước đã bị Trường Bạch Tam Cầm nung như thế
nhưng không hề suy suyển, quả là dị vật. Du Đại Nham lại nghĩ: -Thanh đao
này nặng nề như thế khi đối địch làm sao có thể thi triển chiêu thức? Quan
vương gia [4] thần lực hơn người, nhưng Thanh Long yển nguyệt đao cũng
chỉ nặng tám mươi mốt cân.
Chàng gói đao vào bọc, hướng về phía thi thể Đức Thành khấn thầm: -Đức lão
trượng, tôi không phải là tham thanh đao này, nhưng đao này là một dị vật
trong thiên hạ, nếu rơi vào tay kẻ ác, có khác gì hùm thêm cánh, ắt là di họa
cho người đời. Sư phụ tôi vốn là người chí công, lão nhân gia ắt sẽ có cách xử
trí cho tốt đẹp.
Chàng buộc bao lên lưng, rảo bước về hướng bắc, chỉ trong nửa tiếng đã đến
bờ sông. Dưới ánh trăng mờ, mặt nước long lanh, lấp loáng tưởng như sao
rụng đầy sông. Chàng nhìn quanh một vòng không thấy một bóng thuyền nào.
Nước sông xuôi về hướng nam, chàng đi theo dòng độ chừng một bữa cơm,
thấy trước mặt có ánh đèn lấp lánh, một chiếc thuyền chài đậu cách bờ chừng
vài trượng đang giăng câu. Du Đại N(am kêu lớn: -Anh đánh cá ơi, làm ơn
giúp tôi qua sông, tôi xin hậu tạ.
Thế nhưng chiếc thuyền đó cách bờ quá xa, người trên thuyền dường như
không nghe thấy, nên không động tĩnh gì. Du Đại Nham hít một hơi, vận sức
kêu lên, tiếng chàng vang ra thật xa.
Một lúc sau, bỗng thấy từ trên thượng lưu một chiếc thuyền nhỏ xuôi dòng,
ghé vào bờ. Người lái đò kêu lên: -Khách quan muốn qua sông phải không?
Du Đại Nham mừng đáp: -Chính thế, phiền anh chèo đò giúp cho.
Người thuyền chài nói: -Xin mời ông xuống thuyền.
Du Đại Nham tung mình nhảy lên, đầu thuyền chìm hẳn xuống. Người lái đó
kinh sợ, nói: -Ông mang gì mà nặng thế?
Du Đại Nham cười: -Có gì đâu, tại thân thể tôi hơi đẫy đà, khai thuyền đi thôi.
Chiếc thuyền dựng buồm lên, thuận nước, thuận gió, đi chéo thật nhanh về
hướng đông bắc để qua sông. Được độ hơn một dặm, nghe xa xa có tiếng sấm
ầm ầm vang đến, Du Đại Nham nói: -Bác lái đò ơi, xem chừng mưa lớn đến nơi
chăng?
Người lái đó cười: -Đấy là thủy triều ban đêm ở sông Tiền Đường, cứ theo
nước triều mà đi, chỉ chớp mắt thôi là đến bên kia bờ, nhanh lắm.
Du Đại Nham nhìn về hướng đông, thấy ở chân trời một làn nước trắng xóa ùn
ùn kéo tới. Tiếng thủy triều mỗi lúc một thêm vang, chẳng khác gì tiếng quân
reo ngựa hí. Sóng sông đổ ào, từ xa một bức tường nước xô tới. Chàng nghĩ
thầm: -Trời đất sao có cảnh hùng tráng đến thế này, hôm nay mình thật là mở
mắt, cũng bõ cho những cay đắng phải trải qua.
Chàng còn đang say sưa ngắm cảnh, bỗng thấy một chiếc thuyền dương
buồm chạy đến, trên buồm trắng vẽ một con chim ưng lớn màu đen, hai cánh
giang ra, tưởng như đang muốn chồm tới vồ mồi. Du Đại Nham nghĩ ngay đến
Thiên Ưng giáo nên vội chuẩn bị đề phòng. Đột nhiên, gã lái đò nhảy phắt lên,
rơi ùm xuống nước, không còn thấy tung tích y đâu nữa. Chiếc thuyền nhỏ
không ai chèo chống, sóng vừa đánh tới đã xoay vòng vòng. Du Đại Nham vội
nhảy ra phía sau bẻ lái, thì ngay lúc đó, chiếc thuyền buồm có thêu con hắc
ưng kia đã lao vào nghe bình một cái. Đầu chiếc thuyền đó có bịt thép nên vừa
đụng chiếc thuyền con đã vỡ ngay một lỗ lớn, nước sông theo đó đổ vào như
trút. Du Đại Nham vừa sợ, vừa tức: -Bọn Thiên Ưng giáo các ngươi gian ác
thật. Hóa ra gã lái đó là người của các ngươi, đánh lừa ta như thế này.
Chàng thấy chiếc thuyền nhỏ không còn có thể dùng được nữa nên tung mình
nhảy lên, nhắm mũi chiếc thuyền buồm kia hạ xuống. Nào ngờ ngay lúc đó có
một làn sóng lớn vừa kéo đến, lắc mạnh chiếc thuyền buồm khiến đầu thuyền
bị đẩy lên cao hơn một trượng. Du Đại Nham đang ở trên không, chiếc thuyền
kia vừa nhô lên nên chàng rơi ngay ra ngoài khoang. Trong tình thế nguy cấp,
chàng hít một hơi chân khí, tay trái đánh một chưởng vào mạn thuyền, mượn
sức, hay cánh tay đẩy một cái, thi triển khinh công “Thê Vân Túng”, lại vọt lên
hơn một trượng, rơi xuống trở lại mũi thuyền buồm.
Chàng thấy cửa vào khoang thuyền vẫn đóng chặt, không một bóng người. Du
Đại Nham kêu lớn: -Có phải bằng hữu của Thiên Ưng giáo chăng?
Chàng gọi luôn mấy bận, trong thuyền không thấy ai đáp lời nên đẩy vào cửa
khoang thuyền, thấy lạnh ngắt, hóa ra cánh cửa đó đúc bằng sắt, không nhúc
nhích gì. Du Đại Nham vận sức vào hai cánh tay, quát lên một tiếng, hai
chưởng đánh ra, chỉ nghe lách cách, cánh cửa không mở nhưng bản lề hai
bên đã bị đánh gãy. Cửa sắt đã rung rinh nên chỉ thêm một chưởng nữa liền
tung ra.
Chàng nghe thấy trong khoang thuyền tiếng một người nói: -Khinh công Thê
Vân Túng và chưởng lực Chấn Sơn Chưởng của phái Võ Đương, quả nhiên
không phải là hư danh. Du tam hiệp, xin ông để con đao Đồ Long trên lưng lại,
chúng tôi sẽ tiễn ông qua sông.
Lời nói tuy có vẻ khách khí nhưng ngữ khí mười phần ngạo mạn, tưởng như ra
lệnh không bằng. Du Đại Nham nghĩ thầm: -Tại sao y biết được tên mình nhỉ?
Người kia lại nói tiếp: -Du tam hiệp, trong bụng ông thấy lạ, tại sao tôi lại biết
tên ông, phải không? Thực ra không có gì là khó hiểu, Thê Vân Túng và Chấn
Sơn Chưởng, trừ những cao thủ của phái Võ Đương, làm sao có ai sử được
xuất thần nhập hóa như thế? Du tam hiệp đến Giang Nam, Thiên Ưng giáo
chúng tôi là địa chủ, trên đường đi không tiếp đãi chào hỏi, xin thứ lỗi cho.
Du Đại Nham không biết phải trả lời sao cho phải, chỉ nói: -Cao tính đại danh
của tôn giá là gì, xin hiện thân để cho được gặp mặt.
Người kia đáp: -Thiên Ưng giáo cùng quí phái vô thân vô cố, không oán không
cừu, không gặp nhau thì tốt hơn. Xin du tam hiệp để thanh đao Đồ Long tại
đầu thuyền, chúng tôi xin đưa ông qua sông.
Du Đại Nham bừng bừng nổi giận, nói: -Thanh đao Đồ Long này là của quí
giáo chăng?
Người kia đáp: -Cái đó không phải. Đao này là võ lâm chí tôn, kẻ học võ trong
thiên hạ, ai ai chẳng muốn có nó trong tay.
Du Đại Nham nói: -Chính thế, đao này bây giờ rơi vào tay tại hạ, nên phải đem
về núi Võ Đương cho sư tôn phát lạc, tại hạ không được quyền tự tiện.
Người kia nói thêm mấy câu nho nhỏ, thanh âm như muỗi vo ve, Du Đại Nham
nghe không rõ, hỏi lại: -Ngươi nói gì thế?
Lúc ấy một ngọn sóng lớn đánh tới, nâng bổng chiếc thuyền buồm lên, Du Đại
Nham thấy trên ngực và đùi mình, bỗng như bị muỗi cắn. Lúc ấy đang vàng
đầu mùa xuân, làm gì có muỗi, nhưng chàng không để ý, lại lớn tiếng nói: -Quí
giáo chỉ vì một thanh đao mà giết bao nhiêu nhân mạng, trong miếu hải thần
còn thi thể mấy chục người, không khỏi hạ thủ quá tàn nhẫn.
Người trong khoang thuyền đáp: -Thiên Ưng giáo trước nay hạ thủ có nặng có
nhẹ, với kẻ ác thì ra tay nặng, với người tốt thì ra tay nhẹ. Du tam hiệp danh
chấn giang hồ, chúng tôi không muốn hại đến tính mệnh. Ông hãy để thanh
đao Đồ Long lại, tại hạ xin dâng lên giải dược cho Văn Tu Châm[5].
Du Đại Nham nghe thấy ba chữ Văn Tu Châm, giật nảy người, vội lấy tay ấn
vào những chỗ vừa bị muỗi đốt trên ngực, trên đùi, chỉ thấy hơi ngứa, quả
thực là cảm giác mới bị côn trùng cắn, nhưng nghĩ lại liền tỉnh ngộ: -Y cố tình
nói mơ hồ, nhỏ giọng để dụ ta tới gần, thừa cơ ném ám khí nhỏ bé này. Nghĩ
đến bọn diêm kiêu phái Hải Sa sợ Thiên Ưng giáo như rắn rết, ám khí này ắt là
tàn độc vô cùng, trước mắt phải làm sao bắt được y, ép y phải đưa cho mình
giải dược cứu trị, nên chàng hừ một tiếng, tay trái che mặt, tay phải bảo vệ
ngực, tung mình nhảy vào trong khoang thuyền.
Chân chưa chạm đất, trong bóng tối bỗng thấy kình phong ùa vào mặt, người
trong thuyền đã múa chưởng đánh ra. Du Đại Nham tay phải đánh ra, trong
cơn thịnh nộ, chưởng này sử đến mười thành công lực. Hai bên song chưởng
đụng nhau, nghe bình một tiếng, người trong thuyền bị đánh bật về phía sau,
nghe tiếng loảng xoảng, làm đổ vỡ không biết bao nhiêu bàn ghế.
Du Đại Nham cũng thấy lòng bàn tay đau nhói. Nguyên lai khi hai người giao
chưởng, trong bàn tay người kia có dấu vật gì nhọn sắc, nên khi đụng nhau,
vật đó liền xuyên thủng bàn tay Du Đại Nham. Đối phương tuy bị chàng đánh
trúng bị thương không nhẹ, nhưng trong bóng tối không biết phía địch đông
người, ít người ra sao, chàng không dám mạo hiểm xông lên bắt người, nên
vội lui ra ngoài đầu thuyền.
Chỉ nghe người kia ho húng hắng mấy tiếng, nói: -Du tam hiệp chưởng lực
kinh người, quả nhiên không phải tầm thường, bội phục a bội phục. Thế
nhưng Thất Tinh Đinh trong tay tại hạ cũng có chỗ dùng, thành ra chúng mình
kẻ nửa cân, người tám lượng, lưỡng bại câu thương.[6]
Du Đại Nham vội vàng lấy mấy viên Thiên Tâm Giải Độc Đơn ra uống ngay, cởi
bao ra, lấy thanh đao Đồ Long, hai tay cầm cán, nghe vù một tiếng, chém tạt
ngang. Chỉ nghe xoẹt một tiếng nhỏ, thanh đao này quả nhiên sắc bén lạ
thường, đã chặt cái cửa sắt ra làm hai. Chàng chém liên tiếp bảy tám nhát,
tấm cửa sắt gặp phải bảo đao chẳng khác gì làm bằng giấy, bằng rơm, người
trong khoang thuyền phải nhảy lùi lại phía sau, kêu lên: -Ngươi liên tiếp trúng
hai loại độc, còn hung hăng nữa ư?
Du Đại Nham múa đao chém tới, phạt ngang lưng người kia. Người kia thấy
thế đến hung mãnh, thuận tay cầm một cái neo sắt lên đỡ, nghe soẹt một
tiếng nhỏ, cái neo đã đứt làm đôi khiến y phải nhảy vọt qua một bên, kêu lên:
-Ngươi muốn tính mệnh hay muốn bảo đao?
Du Đại Nham nói: -Được rồi, ngươi đưa giải dược cho ta, ta đưa bảo đao cho
ngươi.
Khi ấy chàng thấy những chỗ trên đùi trúng phải Văn Tu Châm càng lúc càng
ngứa, biết rằng Thiên Tâm Giải Độc Đơn không giải nổi chất độc, thanh đao
Đồ Long này chàng cũng vô tình mà được, nên cũng không coi trọng lắm, nên
tiện thể cầm đao ném xuống sàn thuyền.
Người kia mừng quá, cúi xuống nhặt ngay lên, không ngừng vuốt ve, xem
chừng thích lắm. Người kia quay lưng về phía ánh trăng nên không nhìn rõ
mặt, tuy nhiên y chỉ nhìn ngắm thanh đao mà không lấy thuốc giải, Du Đại
Nham thấy lòng bàn tay đau bắt đầu đau nhói, nói: -Giải dược đâu?
Người kia cười ha hả, tựa như nghe một chuyện thật nực cười. Du Đại Nham
giận dữ: -Ta hỏi ngươi đưa thuốc giải, có gì đáng cười đâu?
Người kia lấy ngón tay trỏ để lên má, cười: -Hì hì, sao ngươi lại ngốc đến thế,
không đợi ta đưa giải dược mà lại đưa đao cho ta trước?
Du Đại Nham giận nói: -Nam nhi chỉ nói một lời, ngựa chỉ ra roi một lần, ta
bằng lòng đem đao để đổi lấy thuốc giải, không lẽ còn lần khân không đưa.
Đưa trước hay đưa sau có gì khác đâu?
Người kia cười nói: -Nếu như đao còn trong tay ngươi, ta còn e ngại ba phần,
vì như ngươi đánh không lại ta, ném đao xuống sông, chưa chắc ta đã tìm lại
được. Bây giờ đao đã ở trong tay ta rồi, ngươi còn mong ta đưa giải dược ư?
Du Đại Nham nghe vậy, một làn hơi lạnh từ tim bốc lên, vẫn tưởng Thiên Ưng
giáo và phái Võ Đương không thù không oán, người này võ công không phải
tầm thường, chắc hẳn cũng có chút thân phận, như đã được đao Đồ Long rồi,
lẽ nào nói không giữ lời? Chàng trước nay hành sự ổn trọng, không phải là kẻ
khinh suất, không ngờ phen này lại mất đi thế mạnh, một mình rơi vào trong
thuyền địch, ắt rằng đối phương phải chuẩn bị sẵn sàng, trong thuyền ắt có
người tiếp tay, lại thêm thân trúng hai loại độc, muốn có giải dược gấp, nên rơi
vào gian mưu của người, lập tức hít một hơi, hừ một tiếng hỏi: -Tôn giá cao
tính đại danh là gì?
Người kia cười đáp: -Tại hạ chỉ là một kẻ vô danh tiểu tốt trong Thiên Ưng
giáo, phái Võ Đương có đi tìm Thiên Ưng giáo để báo thù, thì đã có giáo chủ
bản giáo cùng các đường chủ tiếp đón. Thêm nữa, Du tam hiệp hôm nay chết
không minh bạch, dù tổ sư quí phái Trương Tam Phong có tài thông thiên triệt
địa chăng nữa, cũng chắc gì biết Du tam hiệp chết ở tay ai.
Y nói mà coi như Du Đại Nham đã chết rồi. Du Đại Nham thấy lòng bàn tay
như có muôn vạn con kiến đang cắn nhí nhói, vừa đau vừa ngứa không sao
chịu nổi, lập tức chụp lấy một nửa cái neo sắt gãy, nghĩ thầm: -Nếu hôm nay
ta không sống được, thì cũng cùng với ngươi đồng qui ư tận.
Nghe người kia nói năng thao thao, đang lúc cao hứng đắc ý, Du Đại Nham
quát lên một tiếng, nhảy vọt tới, tay trái múa cái neo gãy, tay phải đánh ra một
chưởng, nhắm thẳng vào ngực, vào mặt người kia đánh tới. Người kia kêu?Ối
chà? một tiếng, vung đao Đồ Long lên đỡ, nào ngờ đâu thanh đao nặng nề lạ
thường, y thuận tay múa lên, chỉ nhấc được một nửa thước, cổ tay liền trùng
xuống. Cứ như võ công của y, không phải không thể sử dụng con đao này, chỉ
vì lúc vận lực không lường đủ sức nặng của binh khí, lực đạo bất túc, nên
thanh đao mới rơi trở lại, chém ngay vào đầu gối y. Y kinh hãi vội vàng vận sức
lên cánh tay, vừa cố gượng lại thì đã thấy kình phong ùa vào mặt, nửa cái neo
gãy đánh thẳng tới. Cái neo đó uy mãnh lăng lệ, không cách gì đỡ, y vội vàng
sử kình đạp mạnh hai chân, lật ngửa một cái, lộn mèo xuống sông.
Người đó tuy tránh thoát được nửa cái neo sắt đánh vào mặt nhưng tay phải
của Du Đại Nham vẫn còn đánh tới, chưởng đó trúng ngay bụng dưới của y,
chỉ thấy lục phủ ngũ tạng đều đảo lộn, kêu lên một tiếng, bất tỉnh nhân sự
trước khi rơi tõm vào trong sóng nước.
Du Đại Nham thở phào một cái, thấy người nọ tuy trúng một chưởng mà vẫn
nắm chặt thanh Đồ Long đao không buông, cười nhạt nghĩ thầm: -Ngươi có
chiếm được bảo đao rồi cũng táng mệnh nơi đáy nước.
Bỗng nhiên có một bóng trắng lấp loáng, một dải lụa trắng lao vụt xuống sông,
cuốn lấy ngang lưng người nọ, luôn cả thanh đao, kéo lên thuyền. Du Đại
Nham giật mình, theo dải lụa nhìn theo, chỉ thấy tại mũi thuyền có một bóng
người gầy nhỏ, mặc áo bào xanh, đang luôn tay cuốn lụa. Du Đại Nham lại
muốn nhảy tới đầu thuyền đánh tiếp, nhưng độc tính trong thân đã phát tác,
mắt bỗng tối sầm, ngã ra sàn thuyền, ngất đi không còn biết gì nữa.
Không biết qua bao nhiêu thời gian, khi mở mắt ra, vật đầu tiên Du Đại Nham
nhìn thấy là một lá tiêu kỳ, trên lá cờ có thêu một con lý ngư màu vàng. Chàng
nhắm mắt lại, rồi lại mở ra lần nữa, vẫn chỉ thấy lá cờ nhỏ đó. Lá cờ đó cắm
trong một chiếc bình sứ màu cánh trả, có hoa màu xanh, ánh một màu vàng
lấp lánh, trên lá cờ thêu một con cá đang vùng vẫy trong làn sóng. Du Đại
Nham nghĩ thầm: -Đây là lá cờ của Long Môn tiêu cục ở phủ Lâm An. Mình
đang ở đâu thế này?
Lúc ấy đầu chàng mơ mơ màng màng, chỉ thấy hỗn loạn, không thể suy nghĩ
nhiều. Cố gắng định thần, mới hay mình đang nằm trên một cái cáng, trước
sau có người khiêng, còn chỗ đang ở dường như là một tòa đại sảnh. Chàng
định quay đầu nhìn hai bên, nào ngờ thấy cổ cứng ngắc, không cách gì cử
động.
Chàng kinh hãi quá, muốn nhảy ra khỏi cái cáng nhưng chân tay dường như
không còn là của mình nữa, không những không sử lực được, mà ngay cả
động đậy cũng không nốt, nên nghĩ ngay: -Ta bị trúng độc của Thất Tinh Đinh
và Văn Tu Châm trên sông Tiền Đường.
Chàng nghe thấy hai người đang nói chuyện. Một người tiếng oang oang, nói:
-Các hạ họ gì?
Người kia trả lời: -Ông không cần phải hỏi tên tôi, tôi chỉ hỏi ông, món hàng
này ông nhận hay không nhận?
Du Đại Nham nghĩ thầm: -Giọng người này nghe yểu điệu, dường như đàn bà.
Người có tiếng nói to hơi sẵng giọng: -Long Môn tiêu cục chúng tôi làm ăn
cũng chẳng ế ẩm gì, các hạ như nếu không cho biết tính danh, xin mời kiếm
tiêu cục khác vậy.
Tiếng đàn bà kia đáp: -Ở phủ Lâm An này chỉ có Long Môn tiêu cục là hơn cả,
các tiêu cục khác xem ra không bằng. Nếu như ông không quyết định được thì
mau mau đi mời Tổng tiêu đầu ra đây.
Giọng người này có vẻ hơi vô lễ khiến người kia có vẻ không mấy vui, nói: –
Chính tôi là Tổng tiêu đầu. Tại hạ lúc này đang bận, không tiện tiếp khách, xin
mời tôn giá để dịp khác.
Người đàn bà kia nói: -A, hóa ra ông là Đa Tí Hùng Đô Đại Cẩm?
Ngừng lại một lát, y tiếp: -Đô tổng tiêu đầu, ngưỡng mộ đã lâu, đã lâu, tôi họ
Ân.
Hình như trong lòng Đô Đại Cẩm thấy hơi khoan khoái, mới hỏi: -Tôn giá có
việc gì cần sai khiến?
Người khách họ Ân nói: -Tôi hỏi ông trước đã, xem ông có nhận được không.
Món hàng này rất là quan trọng, không thể sai sót nửa phân.
Đô Đại Cẩm cố dằn cơn giận, nói: -Long Môn tiêu cục của chúng tôi mở ra đã
hai chục năm nay, quan tiêu, diêm tiêu, kim ngân châu báu, lớn mấy chăng
nữa cũng đã từng tiếp qua, trước nay chưa hề sai sẩy bao giờ.
Du Đại Nham đã từng nghe danh Đô Đại Cẩm, biết rằng y là tục gia đệ tử của
phái Thiếu Lâm, quyền chưởng đơn đao, đều xuất sắc, lại thêm tài ném cương
tiêu, có thể một hơi ném liền bảy lần bảy bốn mươi chín mũi, vì thế trên giang
hồ đặt cho y một ngoại hiệu là Đa Tí Hùng.[7] Long Môn tiêu cục của y ở
Giang Nam cũng khá nổi danh. Tuy nhiên đệ tử hai phái Võ Đương, Thiếu Lâm
trước nay ít lai vãng, thân cận nên tuy có nghe tiếng, nhưng hai người không
biết nhau.
Chàng nghe người khách họ Ân kia cười nho nhỏ, nói: -Nếu tôi chẳng nghe
tiếng Long Môn tiêu cục không sai sót, thì đâu có tới đây làm gì? Đô tổng tiêu
đầu, tôi có một món hàng giao cho ông, nhưng có ba điều kiện.
Đô Đại Cẩm nói: -Những món hàng cồng kềnh lôi thôi chúng tôi không nhận,
lai lịch không minh bạch chúng tôi cũng không nhận, hàng nào dưới năm vạn
lượng chúng tôi cũng không nhận.
Y chưa nghe ba điều của khách đã nói trước ba điều của mình. Người họ Ân
nói: -Món hàng của tôi ư, thật không có gì hợp với những điều đó. Đã không
những cồng kềnh, lai lịch cũng không rõ ràng, còn nói về giá trị thì cũng khó
nói. Thế nhưng ba điều của tôi không dễ gì đâu. Thứ nhất, phải đích thân Đô
tổng tiêu đầu áp tống. Thứ hai, từ phủ Lâm An đưa đến phủ Tương Dương,
Hồ Bắc, ngày đêm không nghỉ, trong mười ngày phải đến. Thứ ba, nếu có nửa
phân sai sót chậm trễ, ha ha, không nói gì tính mệnh Đô tổng tiêu đầu mà
thôi, đến toàn thể Long Môn tiêu cục gà chó cũng không còn.
Chỉ nghe bình một tiếng, hẳn là Đô Đại Cẩm đập tay lên bàn, quát lên: -Ngươi
muốn kiếm người đùa chơi cho vui, đừng có đến Long Môn tiêu cục. Không
phải vì ta thấy ngươi gầy gò, ẻo lả, trên người chưa được ba lạng thịt, thì hôm
nay đã cho ngươi biết tay.
Người họ Ân lại hắc hắc cười khẩy mấy tiếng, nghe mấy tiếng lịch bịch, có vật
gì nặng ném lên bàn, nói: -Đây là hai nghìn lượng vàng phí dụng bảo tiêu, đưa
ông cầm trước.
Du Đại Nham nghe thế, trong lòng kinh ngạc: -Hai nghìn lượng hoàng kim,
đáng giá đến mấy vạn lượng bạc. Nếu cứ như tiêu cục đưa mười lấy về một,
món hàng bảo tiêu cũng phải mấy vạn lượng vàng, nếu có chuyện gì không
biết phải khó nhọc bao nhiêu năm mới có thể đền cho đủ.
Du Đại Nham cổ không động đậy được, mở mắt trừng trừng chỉ nhìn được lá
cờ thêu con cá cắm trong bình, lúc đó thấy tòa đại sảnh bỗng dưng lặng thinh,
chỉ nghe thấy tiếng ruồi nhặng vo ve, bay qua trước mặt. Chỉ nghe thấy tiếng
thở của Đô Đại Cẩm trở nên nặng nề, dồn dập, Du Đại Nham tuy không thấy
mặt, nhưng cũng hình dung ra y đang há hốc mồm, trố mắt nhìn hai nghìn
lượng vàng sáng chói trên mặt bàn, trong lòng hoang mang, nghĩ đến việc y
mở tiệm bảo tiêu, hàng ngày nhìn thấy kim ngân châu báu, nhưng nhìn tới
nhìn lui cũng chỉ là tài vật của người khác, lúc này bỗng thấy hai nghìn lượng
vàng ngay trước mặt, chỉ cần gật đầu, số vàng đó sẽ thuộc về mình, làm gì
không khỏi động tâm?
Một lát sau, nghe Đô Đại Cẩm nói: -Ân đại gia, ngài định nhờ tôi bảo tiêu món
hàng gì?
Người họ Ân đáp: -Tôi hỏi ông trước đã. Tôi đưa ra ba điều kiện trên, ông có
theo được hay không?
Đô Đại Cẩm tính toán một hồi, giơ tay vỗ đùi một cái, nói: -Ân đại gia đã đưa
ra một giá cao như thế, họ Đô này dù có sống chết cũng phải làm. Bảo vật của
Ân đại gia bao giờ thì đem đến?
Người họ Ân đáp: -Món hàng tôi nhờ ông bảo vệ, chính là vị gia đài nằm trên
cáng kia kìa.
Lời đó nói ra, Đô Đại Cẩm dĩ nhiên kinh ngạc “Ồ” lên một tiếng, mà chính Du
Đại Nham cũng hết sức ngạc nhiên, không nhịn được phải kêu lên: -Ta? ta?
Nào ngờ tuy chàng há mồm thật to nhưng không phát ra thành tiếng, giống
như người bị ma đè, dù cố gắng cách nào, nhưng cũng không vùng vẫy được,
hóa ra lúc này toàn thân chàng đã bị phế, chỉ còn hai mắt chưa mù, tai chưa
điếc thôi. Chỉ nghe Đô Đại Cẩm lắp bắp hỏi: -Là là vị gia đài này ư?
Người họ Ân đáp: -Đúng thế. Ông phải đích thân hộ tống, đổi xe, đổi ngựa
nhưng không đổi người, đi suốt ngày đêm không nghỉ, trong mười ngày phải
đưa lên núi Võ Đương, phủ Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc, giao cho chưởng môn
tổ sư phái Võ Đương là Trương Tam Phong chân nhân.
Du Đại Nham nghe thấy câu đó, thở phào một cái, thấy yên bụng. Chàng nghe
Đô Đại Cẩm hỏi: -Phái Võ Đương? Chúng tôi là đệ tử phái Thiếu Lâm, tuy
không có liên hệ gì với phái Võ Đương, nhưng có điều? có điều trước nay chưa
hề lai vãng? thành thử?
Người họ Ân cười nhạt nói: -Vị gia đài này thân bị trọng thương, chỉ chậm giây
lát thì dù nghìn vạn lạng vàng cũng không mua được. Món hàng này ông nhận
thì nói, mà không nhận cũng nói. Đại trượng phu một lời đã quyết, chứ có gì
mà thành thử hay vì chưng?
Đô Đại Cẩm nói: -Được rồi, nể mặt Ân đại gia, Long Môn tiêu cục chúng tôi
nhận món hàng này.
Người họ Ân mỉm cười, nói: -Tốt lắm. Hôm nay là hai mươi chín tháng ba, đến
mồng chín tháng tư, nếu như ngươi không mang được vị gia đài này đến núi
Võ Đương bình an, thì tất cả Long Môn tiêu cục dù con gà con chó cũng không
để cho sống sót.
Nghe thấy tiếng leng keng leng keng, hơn một chục ngân châm nhỏ li ti bắn
ra, cắm vào chiếc bình dùng để cắm ngọn tiêu kỳ, nghe choang một tiếng,
chiếc bình sứ vỡ thành hơn chục mảnh, văng ra bốn phía.
Công phu phát xạ ám khí đó khiến ai nấy đều kinh hãi. Đô Đại Cẩm hoảng sợ
kêu lên?Ối chà?. Du Đại Nham trong lòng cũng sợ. Chỉ thấy người họ Ân nọ
quát lớn: -Thôi đi!
Những người khiêng Du Đại Nham để cái cáng xuống đất, cả bọn lục tục đi ra.
Một lát sau, Đô Đại Cẩm mới định thần, đến trước Du Đại Nham, nói: -Gia đài
cao tính đại danh là gì, có phải là người phái Võ Đương chăng?
Du Đại Nham chỉ giương mắt lên nhìn y, không sao trả lời được. Chàng thấy vị
Đô tổng tiêu đầu này ước chừng trên dưới năm mươi tuổi, thân thể cao to,
bắp thịt cánh tay cuồn cuộn, tướng mạo uy võ, rõ ràng là một hảo thủ của
ngoại gia.
Đô Đại Cẩm lại nói tiếp: -Vị Ân đại gia đó trông tuấn tú nho nhã thế, không
ngờ võ công thật kinh người, không hiểu thuộc môn phái nào?
Y hỏi luôn mấy câu, Du Đại Nham chỉ nhắm mắt lại không lý gì đến. Đô Đại
Cẩm trước nay vẫn tự hào là hảo thủ về phát xạ ám khí, cái ngoại hiệu Đa Tí
Hùng rất vang dội, nhưng gã thiếu niên họ Ân kia chỉ vung tay áo, mấy chục
mũi kim châm nhỏ như lông bò đã bắn vỡ tan một cái bình sứ, môn công phu
đó, y tự nhủ không sao bì kịp.
Đô Đại Cẩm trông coi Long Môn tiêu cục hơn hai mươi năm nay, những chuyện
lạ trên chốn giang hồ vốn đã thấy qua ít nhiều, nhưng việc đem hai nghìn
lượng vàng để bảo vệ một người sống, chẳng những tay mình chưa hề nhận
qua, mà có lẽ trên thiên hạ các tiêu hãng khác cũng chưa nghe đến. Nghĩ thế
rồi thu nhặt hoàng kim, sai người khiêng Du Đại Nham vào phòng nghỉ ngơi,
cho gọi tất cả các tiêu đầu trong tiêu cục, đóng xe thắng ngựa, ngay hôm đó
lên đường.
Mọi người ăn uống xong, hàng hóa chất lên, tên chạy hiệu tay cầm lá cờ thêu
con lý ngư đang vượt sóng, chạy ra cửa chính tiêu cục trương lên, lớn tiếng
rao: -Long Môn lý tam dược, Ngư nhi hóa vi long.[8]
Du Đại Nham nằm trong xe, trong lòng thật là cảm khái: -Ta Du Đại Nham
tung hoành trên giang hồ, trước nay không coi bọn bảo tiêu ra cái gì, không
ngờ hôm nay gặp phải đại nạn, lại phải nhờ đến bọn này hộ tống lên núi Võ
Đương.
Lại nghĩ thêm: -Vị bằng hữu cứu ta họ Ân kia là ai không biết, nghe giọng yểu
điệu, có lẽ là đàn bà, Đô tổng tiêu đầu lại nói hình dung tuấn nhã, nhưng võ
công trác tuyệt, hành sự khác người, chỉ tiếc ta không được gặp mặt y, để có
một lời tạ ơn. Nếu Du Đại Nham này không chết, ơn đó có ngày sẽ báo đáp.
Một hàng nhân mã ngựa không ngừng vó theo hướng tây mà đi, hộ tiêu ngoài
Đô, Chúc, Sử ba tiêu đầu còn có thêm bốn tiêu sư trẻ tuổi khỏe mạnh. Ngựa
chọn toàn là khoái mã, y như gã họ Ân đó nói, trên đường có đổi xe, đổi ngựa
nhưng không đổi người, ngày đêm không lúc nào ngừng nghỉ.
Khi ra khỏi Lâm An, Đô Đại Cẩm trong bụng đầy những lo lắng, không biết trên
đường sẽ xảy ra bao nhiêu trận ác đấu, nào ngờ khi đi qua Chiết Giang, An
Huy, đến tỉnh Ngạc[9], mấy ngày liền đều thái bình vô sự. Sau đó họ qua Phàn
Thành, ngang Thái Bình điếm, Tiên Nhân độ, huyện Quang Hóa, sang sông
Hán Thủy đến Lão Hà khẩu, chỉ còn cách núi Võ Đương một ngày đường.
Hôm sau khi chưa đến giờ ngọ, họ đã đến Song Tỉnh Tử, chỉ còn cách núi Võ
Đương chừng vài mươi dặm. Đường đi tuy có khó nhọc, nhưng không trễ hạn
kỳ người khách họ Ân đã đưa ra, đúng ngày mồng chín tháng tư là đến núi Võ
Đương. Từ hôm ra đi ai nấy đều canh cánh trong lòng đến nay cả bọn đều
thấy trong người thơ thới, nhẹ nhõm.
Khi ấy trời đang vào cuối xuân, đầu hạ, trên sơn đạo hoa nở rực rỡ đón chào,
trông thật đẹp mắt. Đô Đại Cẩm cầm roi ngựa chỉ lên ngọn Thiên Trụ Phong ẩn
trong mây, nói: -Chúc tam đệ, mấy năm gần đây phái Võ Đương thanh thế cực
thịnh, tuy chưa bằng phái Thiếu Lâm chúng ta, nhưng Võ Đương thất hiệp
danh tiếng vang dội, qua lại giang hồ đạt được tiếng tăm rất hiển hách. Xem
ngọn Thiên Trụ Phong cao vượt từng mây, người thường nói nhân kiệt địa linh,
phái Võ Đương xem quả có khác thật.
Chúc tiêu đầu nói: -Phái Võ Đương tuy mấy năm gần đây thanh uy có lớn thật,
nhưng nói cho cùng thì gốc rễ cũng chưa sâu, nếu so với đạo hạnh của phái
Thiếu Lâm đã có hơn nghìn năm nay, thì làm sao bằng được. Không nói chi xa
cứ ngay hai mươi bốn thế Hàng Ma Chưởng và bốn mươi chín mũi liên hoàn
cương tiêu của tổng tiêu đầu thôi, người của phái Võ Đương ắt không thể nào
tinh thuần đến thế được.
Sử tiêu đầu tiếp lời: -Đúng vậy, lời đồn trên giang hồ, quá nửa không đúng sự
thực. Võ Đương thất hiệp thanh danh có vang dội thật nhưng chân thực võ
công đến bực nào, bọn mình cũng đâu đã nhìn thấy. Chỉ e toàn là do những
người quê mùa trên chốn giang hồ thêm dầu thêm mỡ, phóng đại bản lĩnh của
họ lên đến tận trời xanh.
Đô Đại Cẩm mỉm cười, kiến thức của y so với hai người Chúc, Sử cao hơn
nhiều, trong lòng biết rằng thịnh danh của Võ Đương thất hiệp không phải khi
không mà có, ắt tài nghệ phải kinh người. Thế nhưng y làm nghề bảo tiêu hơn
hai mươi năm qua, ít khi gặp địch thủ, đối với công phu của mình cũng mười
phần tin tưởng, nghe Chúc, Sử hai người một tung một hứng tán dương tài
nghệ, dẫu rằng những câu đó nghe không biết bao nhiêu lần rồi, nhưng vẫn
không khỏi đắc ý thầm.
Đi được một quãng, sơn đạo hẹp dần, ba con ngựa không còn sóng vai được
nữa. Sử tiêu đầu gò cương đi sau vài bước, Chúc tiêu đầu nói: -Tổng tiêu đầu,
khi gặp lão đạo phái Võ Đương Trương Tam Phong mình làm lễ như thế nào?
Đô Đại Cẩm nói: -Hai bên không cùng môn phái, đúng ra thì coi như ngang
hàng. Có điều là Trương lão đạo nay đã chín mươi tuổi rồi, trong võ lâm hiện
nay thì ông ta cao tuổi hơn cả, bọn mình tôn trọng võ lâm tiền bối, có dập đầu
mấy cái cũng không sao.
Chúc tiêu đầu nói: -Cứ theo tôi, bọn mình khom lưng nói “Trương chân nhân,
bọn vãn bối xin khấu đầu lễ ngài” Ông ấy thể nào cũng đưa tay ngăn lại, nói
“Từ xa đến là khách, không phải đa lễ”. Thế là mình khỏi phải lạy mấy cái.
Đô Đại Cẩm mỉm cười tự hỏi người nằm trong chiếc xe bóng nhoáng kia quả
thực là ai. Người đó mười hôm nay không nói một lời, cũng không cử động, ăn
uống toàn do những người chạy hiệu trong tiêu hãng lo cho. Đô Đại Cẩm cùng
các tiêu sư đã đàm luận nhiều lần, nhưng cũng không tìm ra mối manh y là ai,
là đệ tử phái Võ Đương chăng? Hay là bằng hữu của họ? Hay là kẻ thù của
phái Võ Đương bị người ta bắt được đem lên núi? Đô Đại Cẩm càng gần núi Võ
Đương thêm một bước, việc nghi hoặc trong lòng lại thêm một tầng. Y biết
rằng không lâu nữa sẽ gặp Trương Tam Phong, chỉ nhìn mặt cũng sẽ minh
bạch ngay, thế nhưng là họa hay phúc, không thể nào không áy náy.
Trong khi y còn đang trầm ngâm, bỗng nghe thấy tiếng vó câu từ sơn đạo phía
tây vọng đến. Chúc tiêu đầu giục cương chạy lên xem. Chẳng mấy chốc, thấy
có sáu con ngựa chạy ra, đến trước đoàn người của tiêu hãng chừng mươi
trượng thì dừng lại, ba người trước, ba người sau. Đô Đại Cẩm trong lòng than
thầm: -Chẳng lẽ khi đã đến chân núi Võ Đương lại có chuyện?
Y nói nhỏ với Sử tiêu đầu: -Cẩn thận bảo vệ cái xe lớn.
Nói rồi giục ngựa chạy lên. Tên chạy hiệu cầm dược lý tiêu kỳ cuộn lại rồi
dương ra, đó là cách thức kính lễ, rao to lên: -Long Môn tiêu cục ở phủ Lâm
An đi qua quí địa, lễ vật chưa chu toàn, xin quí vị hảo bằng hữu rộng lòng tha
thứ cho.
Đô Đại Cẩm xem sáu người chặn đường kia, chỉ có hai người mặc áo mũ màu
vàng theo kiểu đạo sĩ, còn bốn người kia mặc quần áo thường. Những người
này bên hông đều đeo đao kiếm, người nào cũng đầy vẻ anh khí, tinh thần
sung túc. Đô Đại Cẩm chợt động tâm “Phải chăng đây là sáu người trong Võ
Đương thất hiệp?” nên vọt ngựa lên trước, chắp tay nói: -Tại hạ là Đô Đại Cẩm
của Long Môn tiêu cục ở phủ Lâm An, không dám xin hỏi cao tính đại danh
của quí vị?
Người bên phải trong ba người hàng đầu dáng gầy cao, trên má bên trái có
một nốt ruồi đen, trên nốt ruồi có mọc ba sợi lông dài, lạnh lùng nói: -Đô
huynh đến núi Võ Đương có chuyện gì thế?
Đô Đại Cẩm nói: -Tệ cục nhận lời gửi gấm của người, đưa một người bị thương
lên quí sơn, mong được gặp chưởng môn quí phái là Trương chân nhân.
Người đó hỏi lại: -Đưa một người bị thương? Là ai thế?
Đô Đại Cẩm nói: -Chúng tôi nhận lời một người khách họ Ân dặn dò, mang vị
gia đài bị trọng thương đưa lên núi Võ Đương. Vị gia đài đó là ai, tại sao bị
thương, bên trong có chuyện gì, chúng tôi hoàn toàn không biết. Long Môn
tiêu cục nhận lời của người, làm tròn việc người ta giao, còn việc riêng của
khách, chúng tôi trước nay không bao giờ hỏi đến.
Y bôn ba chốn giang hồ đã mấy chục năm, lại trông coi một hãng bảo tiêu, làm
việc dĩ nhiên trơn tru, đầy đặn, câu nói đó nói ngay không can hệ gì đến mình,
Du Đại Nham dù là bằng hữu của phái Võ Đương cũng được, mà dù là kẻ thù
cũng không sao, không ai trách gì y được.
Người mặt có nốt ruồi quay qua hai người đứng bên đưa mắt một cái, rồi hỏi: –
Người khách họ Ân ư? Người đó hình dáng thế nào?
Đô Đại Cẩm đáp: -Khách quan đó còn trẻ tuổi, người tuấn nhã đẹp đẽ, công
phu ném ám khí thật hay.
Người có nốt ruồi đen hỏi thêm: -Ngươi đã cùng y động thủ rồi ư?
Đô Đại Cẩm vội vàng chối: -Không, không phải. Người đó tự mình?
Câu nói chưa dứt, một gã lùn thấp trong những người đứng hàng đầu cướp
lời: -Còn Đồ Long đao đâu? Ở trong tay ai?
Đô Đại Cẩm ngạc nhiên hỏi: -Cái gì đao Đồ Long? Có phải cái mà trước nay
vẫn tương truyền “Võ Lâm Chí Tôn, Bảo Đao Đồ Long” chăng?
Gã lùn thấp tính tình xem chừng nóng nảy, không muốn phải giảng giải thêm,
đột nhiên xoay mình nhảy xuống ngựa, chạy đến trước cỗ xe lớn, vạch màn
che ra, nhìn vào bên trong.
Đô Đại Cẩm thấy y thân thủ nhanh nhẹn, cách tung mình nhảy lên và rơi
xuống, tư thức xem ra có vẻ quen thuộc, nghĩ thầm: -Tổ sư sáng phái của Võ
Đương là Trương Tam Phong trước đây đã từng ở chùa Thiếu Lâm mình, trong
tư thức của phái Võ Đương không thoát khỏi đường nét của Thiếu Lâm, nói là
tự mình sáng tạo ra, nhưng xem ra không hẳn thế.
Cho nên y không còn nghi ngờ gì nữa, hỏi: -Các vị có phải là Võ Đương thất
hiệp danh dương giang hồ đó chăng? Vị nào là Tống đại hiệp? Tiểu đệ nghe
đến anh danh đã lâu, rất là ngưỡng mộ.
Người mặt có nốt ruồi nói: -Cái hư danh lăng nhăng ấy, đáng gì đâu mà phải
nói đến? Đô huynh quá khiêm nhường đấy thôi.
Gã lùn quay lại nhảy lên ngựa, nói: -Y bị thương nặng lắm, không thể để lỡ,
bọn mình nhận lấy trước là hơn.
Người mặt có nốt ruồi ôm quyền nói: -Đô huynh từ xa đến thật khó nhọc, tiểu
đệ xin cảm tạ.
Đô Đại Cẩm chắp tay hoàn lễ, nói: -Không dám, xin đừng quá lời.
Người kia nói: -Vị gia đài nọ thương thế không phải là nhẹ, chúng tôi nhận
đem lên núi để cứu chữa trước.
Đô Đại Cẩm chỉ mong thoát được gánh nặng, vội vàng nói: -Tốt lắm, vậy
chúng tôi ở chốn này giao lại cho phái Võ Đương.
Người kia nói: -Đô huynh yên tâm, do tiểu đệ đảm nhận là xong. Còn tiêu kim
Đô huynh đã nhận đủ chưa?
Đô Đại Cẩm đáp: -Đã lấy trước rồi.
Người kia lấy trong bọc ra một cục vàng ròng[10] ước chừng hai chục lượng,
vươn tay đưa tới, nói: -Đây là chút tiền trà nước, xin Đô huynh thưởng cho các
anh em.
Đô Đại Cẩm từ chối không nhận, nói: -Hai nghìn lượng vàng tiêu kim, đã đủ
lắm rồi. Đô mỗ không phải là người tham lam bao nhiêu cũng không chán.
Người kia giật mình: -Ủa, hai nghìn lạng hoàng kim kia ư?
Hai người bên cạnh y thúc ngựa chạy tới, một người nhảy lên chỗ xa phu, cầm
lấy dây cương, đánh xe về phía trước, bốn người còn lại chạy theo phía sau.
Người mặt có nốt ruồi giơ tay một cái, nhẹ nhàng ném khối vàng đến trước
mặt Đô Đại Cẩm, cười nói: -Đô huynh không phải khách sáo, xin mời quay về
Lâm An đi thôi.
Đô Đại Cẩm thấy cục vàng ném tới trước mặt, chỉ còn cách đưa tay nhận lấy,
đang định ném trả, người kia đã giục ngựa, chạy vọt đi. Năm con ngựa kèm
cái xe, quẹo qua một ngã rẽ, trong giây lát không còn thấy hình bóng gì nữa.
Đô Đại Cẩm nhìn lại khối vàng, thấy có năm vết ngón tay, lõm sâu vào vài
phân. Hoàng kim tuy mềm hơn đồng sắt nhiều, nhưng chỉ lực như thế, không
khỏi làm cho người ta kinh sợ. Đô Đại Cẩm ngơ ngẩn nhìn theo, nghĩ thầm: –
Đại danh của Võ Đương thất hiệp, quả nhiên chẳng phải ngẫu nhiên mà có.
Trong phái Thiếu Lâm mình, có lẽ chỉ có vài vị sư bá, sư thúc chuyên nghiên
cứu Kim Cương Chỉ mới có công lực như thế này.
Chúc tiêu đầu thấy y chăm chăm xuất thần nhìn vào vết ngón tay trên đĩnh
vàng nói: -Tổng tiêu đầu, đệ tử của phái Võ Đương thật là không biết lễ số,
gặp mặt đã không thông báo tên họ, bọn mình vạn dặm đường xa tít mù tới
chân núi Võ Đương cũng không thèm mời lên núi nghỉ chân, ăn cơm. Anh em
trong võ lâm với nhau, quả không coi tình bằng hữu ra gì.
Đô Đại Cẩm trong lòng đã vốn bất mãn, chỉ không muốn nói ra lời thôi, nghe
vậy cười nhạt mấy tiếng, nói: -Thì cũng đỡ cho mình mấy bước đi, chẳng cũng
tốt sao? Đệ tử Thiếu Lâm bước chân vào đạo quan của phái Võ Đương, cũng
thật là khó xử. Hai vị hiền đệ, thôi mình về phủ là vừa.
Chuyến bảo tiêu này tuy không gặp gì rắc rối, nhưng mọi việc do người ta sai
khiến, dù vô tình hay cố ý thì cũng bị chiết nhục, Võ Đương thất hiệp đến tính
danh cũng không thèm nói ra, rõ ràng chẳng coi bọn họ ra gì. Đô Đại Cẩm
càng nghĩ càng tức, trong bụng tính thầm làm cách nào để cho hả giận. Một
đoàn người theo đường cũ mà về, Đô Đại Cẩm trong lòng không vui, nhưng
các tiêu sư và chạy hiệu trong lòng đều cao hứng, nghĩ lại mười ngày đêm
gian khổ, đổi lấy hai nghìn lượng kim tiêu, tổng tiêu đầu trước nay tiền bạc
rộng rãi, anh em thể nào cũng được hoa hồng phong hậu.
Đi đến chiều, cách Song Tỉnh Tử chỉ chừng mươi dặm, Chúc tiêu đầu thấy Đô
Đại Cẩm mặt mày u uất, nói: -Tổng tiêu đầu, việc ngày hôm nay, không nên để
bụng. Núi cao sông dài, trên chốn giang hồ rồi cũng có ngày gặp lại nhau, để
xem uy phong Võ Đương thất hiệp được đến đâu?
Đô Đại Cẩm thở dài đáp: -Có một việc, trong lòng ta nghĩ lại mà hối hận.
Nói đến đây, bỗng nghe đằng sau có tiếng vó câu vọng đến, một con ngựa từ
sau phi tới, tiếng chân lộp cộp, chạy ra vẻ rất nhàn nhã, nhưng lạ lùng thay
mỗi lúc một gần. Mọi người quay đầu nhìn lại, hóa ra con ngựa đó bốn chân
thật dài, thân so với ngựa thường phải cao hơn ít nhất là một thước. Chân dài
dĩ nhiên chạy phải nhanh. Con ngựa đó là giống thanh thông[11], toàn thân
đầy lông mượt.
Chúc tiêu đầu buột miệng khen một câu: -Ngựa tốt quá!
Lại nói tiếp câu chuyện hồi nãy: -Tổng tiêu đầu, chúng mình có làm gì sai trái
đâu.
Đô Đại Cẩm ngậm ngùi đáp: -Đây là ta nói chuyện hai mươi lăm năm trước.
Lúc đó ta còn học nghệ tại chùa Thiếu Lâm, đang định xuống núi. Ân sư muốn
giữ ta lại dăm năm, để dạy ta học cho hết pho Đại Vi Đà Chưởng. Lúc đó ta
tuổi còn trẻ, khí thịnh, cứ nghĩ rằng với tài nghệ của mình, đã đủ để hành tẩu
trên chốn giang hồ, không muốn chịu khổ sở ở lại chùa lâu hơn nữa, nên
chẳng nghe lời khuyên của ân sư. Chao ôi, nếu như lúc đó ta chịu khó thêm
năm năm khổ công, hôm nay nào có coi bọn Võ Đương thất hiệp ra gì đâu,
khỏi phải một phen chịu họ làm nhục?
Vừa nói đến đó, con ngựa thanh thông vượt qua bên cạnh đoàn xe của tiêu
đội, người cưỡi ngựa liếc nhìn Đô Đại Cẩm và Chúc tiêu đầu hai người một cái,
mặt lộ vẻ kinh ngạc.
Đô Đại Cẩm thấy có người đi qua nên ngừng lời, trên lưng ngựa là một thiếu
niên ước chừng hai mươi mốt, hai mươi hai tuổi, mặt mày tuấn tú, tuy dáng
người có hơi xanh xao, nhưng thần lãng khí sảng, thân hình tuy gầy yếu
nhưng không kém vẻ nhanh nhẹn, hoạt bát. Thiếu niên đó ôm quyền chào: –
Làm ơn cho qua, làm ơn cho qua!
Con ngựa thanh thông y cưỡi vẫn sải vó, vượt qua tiêu đội, chạy vọt về phía
trước.
Đô Đại Cẩm nhìn đằng sau lưng người nọ, hỏi: -Chúc hiền đệ, ngươi xem
người này là loại người nào?
Chúc tiêu đầu đáp: -Y từ trên núi xuống, có lẽ là đệ tử phái Võ Đương không
chừng. Có điều y không đeo binh khí, thân thể lại gầy gò yếu đuối, không ra vẻ
người luyện võ chút nào.
Vừa nói tới đó, thiếu niên đó đột nhiên quay đầu ngựa vòng lại, từ đằng xa đã
ôm quyền nói: -Xin lỗi đã làm rộn quí vị, tiểu đệ có câu muốn hỏi, đừng trách
cứ.
Đô Đại Cẩm thấy y ăn nói lễ độ, dừng ngựa hỏi lại: -Tôn giá muốn hỏi điều gì?
Chàng thiếu niên nhìn tên chạy hiệu cầm trong tay tiêu kỳ có thêu con cá
đang vượt vũ môn, nói: -Quí cục có phải Long Môn tiêu cục ở phủ Lâm An
chăng?
Chúc tiêu đầu đáp: -Chính thị.
Người thiếu niên lại nói: -Xin hỏi các vị cao tính đại danh? Đô tổng tiêu đầu
của quí cục vẫn mạnh khỏe chứ?
Chúc tiêu đầu tuy thấy y dịu dàng lễ phép, nhưng trên chốn giang hồ, lòng
người khó dò, không nên mới gặp đã nói thực ngay, nên nói: -Tại hạ họ Chúc.
Quí tính của bằng hữu là gì? Có quen biết gì với tổng tiêu đầu của tệ cục
chăng?
Chàng thanh niên xoay mình nhảy xuống ngựa, một tay cầm cương, bước tới
vài bước, nói: -Tại hạ họ Trương, tiện tự Thúy Sơn. Đã từng ngưỡng mộ đại
danh Đô tổng tiêu đầu của quí cục, nhưng vô duyên chưa được gặp.
Y vừa báo danh là Trương Thúy Sơn, Đô Đại Cẩm và Chúc, Sử nhị tiêu đầu đều
kinh ngạc. Trương Thúy Sơn là người đứng hàng thứ năm trong Võ Đương
thất hiệp. Trong những năm gần đây, võ lâm nhiều người ca ngợi đại danh,
đều nói võ công của y rất cao cường, nào ngờ lại là một thiếu niên văn chất
nho nhã, gầy gò ẻo lả như thế. Đô Đại Cẩm nửa tin nửa ngờ, vọt ngựa lên nói:
-Tại hạ chính là Đô Đại Cẩm, các hạ có phải là người trên giang hồ vẫn thường
ca ngợi Ngân Câu Thiết Hoạch Trương ngũ hiệp chăng?
Thiếu niên nọ mỉm cười: -Có gì là hiệp với không hiệp, Đô tổng tiêu đầu nói
quá lời. Các vị đến núi Võ Đương, sao qua cửa không vào? Hôm nay chính là
ngày tiệc thọ chín mươi tuổi của gia sư, nếu không làm lỡ việc gì gấp rút của
các vị, xin mời lên núi uống chén thọ tửu được không?
Đô Đại Cẩm nghe y ăn nói thành khẩn, nghĩ thầm: -Võ Đương thất hiệp sao
nhân phẩm không giống nhau tí nào? Sáu người kia ngạo mạn vô lễ, còn vị
Trương ngũ hiệp này lại thật là khiêm hòa thân mật.
Nghĩ thế liền nhảy xuống ngựa, cười nói: -Nếu như lệnh sư huynh đều có bụng
yêu bằng hữu như Trương ngũ hiệp, giờ này bọn chúng tôi chắc đang ở trên
núi Võ Đương rồi.
Trương Thúy Sơn nói: -Cái gì? Tổng tiêu đầu đã gặp các sư huynh của tôi rồi
ư? Người nào thế?
Đô Đại Cẩm nghĩ thầm: -Ngươi thật là giỏi đùa cợt, đến lúc này mà còn giả
ngây giả dại.
Liền nói: -Tại hạ hôm nay thật là may mắn, chỉ trong một ngày, gặp được đủ
cả Võ Đương thất hiệp.
Trương Thúy Sơn “A” lên một tiếng, đứng ngẩn người một hồi, hỏi lại: -Thế Du
tam ca của tôi ông đã gặp chưa?
Đô Đại Cẩm nói: -Du Đại Nham Du tam hiệp ư? Tôi chẳng biết vị nào là Du tam
hiệp. Chỉ được gặp sáu người, ắt là Du tam hiệp cũng ở trong số đó.
Trương Thúy Sơn nói: -Sáu người? Thế thì lạ thật? Sáu người nào vậy nhỉ?
Đô Đại Cẩm hậm hực đáp: -Các vị sư huynh đệ của ông không ai thông danh
báo tính, làm sao tôi biết được? Các hạ là Trương ngũ hiệp, những người kia ắt
phải là Tống đại hiệp cho chí Mạc thất hiệp chứ còn vào đâu được nữa.
Y nói đến chữ hiệp đều ngừng lại một tí, âm thanh kéo dài, có ý mỉa mai.
Thế nhưng Trương Thúy Sơn đang suy nghĩ, nên không để ý, hỏi thêm: -Quả
Đô tổng tiêu đầu thấy tận mắt ư?
Đô Đại Cẩm nói: -Không phải chỉ mình tôi, mà cả tiêu hãng này, mấy chục đôi
mắt đều thấy cả.
Trương Thúy Sơn lắc đầu: -Như thế nhất định là không phải. Tống sư ca và
những người kia hôm nay đều ở tại Tử Tiêu Cung hầu hạ sư phụ, chưa hề đặt
chân xuống núi một bước. Sư phụ và Tống sư ca thấy quá ngọ rồi mà Du tam
ca chưa về núi, nên sai tiểu đệ xuống dưới này chờ, làm sao Đô tổng tiêu đầu
lại gặp được bọn Tống sư ca được?
Đô Đại Cẩm nói: -Thế vị có một nốt ruồi đen trên mặt, trên nốt ruồi có ba sợi
lông dài là Tống đại hiệp hay Du nhị hiệp?
Trương Thúy Sơn ngạc nhiên: -Trong số sư huynh đệ của tôi, không ai trên mặt
có nốt ruồi, trên nốt ruồi mọc lông cả.
Đô Đại Cẩm nghe thấy nói như thế, một luồng hơi lạnh chạy từ tim lên, nói: –
Sáu người đó tự xưng là Võ Đương thất hiệp, lại xuất hiện ngay dưới chân núi
Võ Đương, trong số đó lại có hai người đội mũ đạo sĩ, chúng tôi tự nhiên?
Trương Thúy Sơn ngắt ngang: -Sư phụ chúng tôi tuy là đạo nhân, nhưng thu
nhận toàn là tục gia đệ tử. Bọn sáu người đó tự xưng là Võ Đương lục hiệp ư?
Đô Đại Cẩm nhớ lại chuyện lúc đó, mới nghĩ ra là mình cho rằng họ là Võ
Đương lục hiệp chứ đối phương không một lời nào tỏ lộ thân phận cả, chỉ
không phủ nhận những sai lầm của mình thôi. Y cùng hai tiêu đầu Chúc, Sử
mặt mày hoang mang, một lát sau mới nói: -Nếu thế thì xem ra bọn sáu người
này không có hảo ý, phải duổi theo ngay mới được.
Y nhảy lên ngựa, quay đầu lại theo hướng sơn lộ chạy lên.
Trương Thúy Sơn cũng lên ngựa, chạy song song với Đô Đại Cẩm, hỏi: -Bọn
sáu người đó mạo nhận tên tuổi, Đô huynh mặc họ đuổi theo làm gì.
Đô Đại Cẩm thở hổn hển nói: -Đâu phải chỉ bọn họ. Tôi còn được người ta dặn
dò phải mang người nọ lên giao cho Trương chân nhân. Sáu người đó giả mạo
tính danh, nhận người đó đem đi rồi, e rằng? e rằng có điều không ổn?
Trương Thúy Sơn hỏi lại: -Đô huynh phải đem ai giao cho sư phụ tôi? Sáu
người đó nhận người nào?
Đô Đại Cẩm giục ngựa chạy nhanh hơn, một mặt kể lại đầu đuôi việc người ta
ủy thác y giao một người trọng thương lên núi Võ Đương như thế nào. Trương
Thúy Sơn hơi ngạc nhiên, hỏi: -Người bị thương nặng kia tên họ là gì? Tuổi tác
hình dáng ra sao?
Đô Đại Cẩm nói: -Nào ai biết tên gì họ gì, y bị thương nặng không nói được,
cũng không động đậy, chỉ còn thở thoi thóp thôi. Người đó chừng độ trên dưới
ba mươi.
Sau đó y mô tả lại tướng mạo, hình dáng Du Đại Nham.
Trương Thúy Sơn giật mình kinh hãi, kêu lên: -Đó là? là Du tam ca của tôi rồi.
Tuy trong lòng hoảng loạn, nhưng chỉ giây lát chàng đã trấn tĩnh được, đưa
tay trái nắm cương ngựa Đô Đại Cẩm níu lại. Con ngựa đó đang chạy nhanh,
bị Trương Thúy Sơn ghìm lại, lập tức đứng dừng ngay tại chỗ, không có thể
bước lên đến nửa bước, máu từ mép chảy ra ào ào, hí lên rầm rĩ. Đô Đại Cẩm
bị hất rơi phịch xuống đất, chỉ nghe soạt một tiếng đã rút thanh đơn đao ra
khỏi vỏ. Y thầm sợ trong lòng, không ngờ người này thân hình gầy yếu, nhưng
chỉ giơ tay gò cương, đã giữ một con ngựa khỏe không sao chạy được.
Trương Thúy Sơn nói: -Đô đại ca đừng hiểu lầm, ông đường xa vạn dặm hộ
tống sư ca của tôi đến đây, tiểu đệ hết sức cảm kích, không dám có ý gì khác
đâu.
Đô Đại Cẩm hừ một tiếng, đút đao vào vỏ nhưng tay phải vẫn để trên cán.
Trương Thúy Sơn nói: -Du tam ca của tôi vì sao bị thương? Kẻ địch là ai? Ai là
người nhờ Đô đại ca đưa anh ấy đến đây?
Cả ba câu hỏi đó Đô Đại Cẩm không trả lời được câu nào. Trương Thúy Sơn
nhíu mày, hỏi tiếp: -Những người tiếp nhận Du tam ca của tôi hình dáng ra
sao?
Sử tiêu đầu mồm miệng nhanh nhảu, chen vào mô tả bọn người đó. Trương
Thúy Sơn nói: -Tiểu đệ đi trước một bước.
Nói rồi ôm quyền chào, giục ngựa chạy trước. Con ngựa thanh thông ra sức
chạy, dĩ nhiên nhanh vô tả. Chỉ thấy hai bên tai gió vù vù, cây cối hai bên vùn
vụt chạy về phía sau. Võ Đương thất hiệp cùng học với nhau, lại chung sức
hành hiệp giang hồ, tình nghĩa khác gì ruột thịt. Trương Thúy Sơn nghe nói sư
ca bị trọng thương, lại rơi vào tay một bọn người lai lịch không rõ rệt, lòng
nóng như lửa đốt, giục ngựa luôn tay, dù con tuấn mã có lăn ra chết chắc
chàng cũng không tiếc.
Chàng chạy một mạch đến khi gặp một túp lều tranh, ở đó là ngã ba đường,
một lối đi lên núi Võ Đương, một lối hướng đông bắc đi về Vân Dương. Trương
Thúy Sơn nghĩ thầm: -Nếu bọn này có lòng tốt đưa Du tam ca lên núi Võ
Đương thì khi xuống núi ắt là mình đã gặp.
Nghĩ vậy chàng kẹp hai đùi, giục ngựa chạy về hướng đông bắc.
Thôi đường đó phải đến hơn nửa giờ, con ngựa tuy khỏe nhưng cũng chịu
không nổi, càng lúc càng chậm dần. Nhìn trời thấy đã sắp tối mà đường núi
không một bóng người, muốn hỏi thăm cũng không biết hỏi ai. Trương Thúy
Sơn không ngừng tính toán trong đầu: -Du tam ca võ công trác tuyệt, sao lại
có thể bị người ta đánh đến trọng thương? Thế nhưng xem thần tình của Đô
Đại Cẩm thì y không có vẻ nói láo.
Nhìn đường xem chừng đã sắp đến Thập Yển trấn.
Bỗng chàng thấy bên đường có một cỗ xe lớn lật nghiêng nằm trong đám cỏ
cao. Đến gần hơn nữa, thấy con ngựa kéo xe đầu bị đánh vỡ, óc tung tóe,
nằm chết trên mặt đất.
Trương Thúy Sơn nhảy xuống, lật rèm xe ra xem, thấy trong xe không có
người. Chàng quay đầu trở lại, thấy trong đám cỏ dày có một người nằm phủ
phục, không động đậy, tựa như đã chết từ lâu. Trương Thúy Sơn tim đập liên
hồi, vội vàng chạy đến, nhìn phía sau thấy đúng là sư huynh Du Đại Nham, vội
vàng thò tay bế lên.
Trong ánh chiều mờ mờ, chỉ thấy y hai mắt nhắm nghiền, mặt vàng như nghệ,
thần sắc cực kỳ đáng sợ. Trương Thúy Sơn vừa kinh hãi vừa đau lòng, lấy má
mình áp lên mặt y, cảm thấy còn hơi ấm. Chàng mừng quá, đưa tay vào sờ
trên ngực, thấy trái tim vẫn còn đập nhè nhẹ, có điều lúc đập lúc không, xem
ra lúc nào mạch cũng có thể ngừng.
Trương Thúy Sơn rơi lệ khóc: -Tam ca, anh sao lại? em là ngũ đệ? ngũ đệ đây.
Chàng ôm y từ từ đứng lên, thấy hai tay hai chân thõng xuống, hóa ra các đốt
xương tay chân đều đã bị người ta đánh gãy cả rồi. Lại thấy các đốt ngón tay,
cổ tay, cánh tay, đùi đều có máu tươi chảy ra, rõ ràng địch nhân hạ thủ chưa
lâu. Thế nhưng tất cả cũng đều gãy cả, ra tay độc ác như thế, khiến chàng
kinh sợ không dám nhìn.
Lửa giận của Trương Thúy Sơn bốc lên, mắt như muốn nổ con ngươi, biết rằng
kẻ địch đi chưa xa, bằng sức con tuấn mã chắc có thể đuổi kịp, trong cơn
cuồng nộ, chàng định đuổi theo nhưng nghĩ lại: -Tam ca mệnh trong giây lát,
việc cứu mạng cho anh ta cần hơn. Người quân tử báo thù mười năm chưa
muộn.
Khi chàng đi xuống dưới núi chỉ định một lát sẽ lên lại nên không mang theo
binh khí hay thuốc men, thấy tình cảnh Du Đại Nham như thế, nếu đi ngựa lắc
qua lắc lại, mỗi bước một thêm đau đớn. Do đó chàng nhẹ nhàng ôm sư ca lên
tay, thi triển khinh công, chạy lên núi. Con ngựa thanh thông lẽo đẽo theo sau,
thấy chủ nhân không cưỡi mình, dường như cũng lạ.
Ngày hôm đó chính là ngày mở tiệc mừng sinh nhật thứ chín mươi của tổ sư
phái Võ Đương Trương Tam Phong. Ngay từ sáng sớm, hỉ khí đã đầy Tử Tiêu
Cung, sáu người học trò từ đại đệ tử Tống Viễn Kiều trở xuống, ai ai cũng đều
bái thọ sư phụ, chỉ trong bảy người còn thiếu Du Đại Nham chưa về. Trương
Tam Phong cùng mọi người biết rằng Du Đại Nham hành sự cẩn trọng, đi
Giang Nam để tiêu diệt bọn giặc đó cũng không phải là lợi hại gì, nên nghĩ thể
nào cũng về kịp. Thế nhưng đợi đến chính ngọ vẫn chưa thấy hình bóng y
đâu. Mọi người không còn nhẫn nại được nữa, Trương Thúy Sơn nói: -Để con
xuống núi đón tam ca.
Nào ngờ chàng đi rồi, cũng lại không nghe tin tức gì cả. Con ngựa thanh thông
chàng cưỡi là loại chạy thật nhanh, dẫu có chạy đến Lão Hà Khẩu, quay trở về
cũng còn kịp. Đến giờ dậu cũng vẫn chưa thấy y về núi. Tiệc thọ bày ra trong
đại sảnh đã sẵn sàng, ngọn nến đỏ đã cháy đến quá nửa, mọi người ai nấy
đều thấy trong dạ không yên. Đệ tử thứ sáu là Ân Lê Đình[12], đệ tử thứ bảy
là Mạc Thanh Cốc sốt ruột đi ra đi vào Tử Tiêu Cung không biết bao nhiêu lần.
Trương Tam Phong biết tính hai người học trò mình, Du Đại Nham thì ổn trọng
dè dặt, có thể đảm đương việc lớn, Trương Thúy Sơn thì thông minh lanh lợi,
biện sự nhanh nhẹn, xưa nay không phải là kẻ do dự, lừng khừng, đến lúc này
chưa về núi hẳn có chuyện gì.
Tống Viễn Kiều nhìn ngọn hồng chúc, cười nói: -Sư phụ, tam đệ và ngũ đệ
chắc gặp chuyện không vừa ý, nên phải ra tay can thiệp. Sư phụ vẫn thường
dạy chúng con phải tích đức, làm việc thiện, hôm nay là ngày đại hỉ nghìn năm
chưa có một lần của lão nhân gia, hai đệ tử làm một việc nghĩa, thì cũng là
một cách ăn mừng thật phải.
Trương Tam Phong vuốt bộ râu dài, cười: -Ha ha, năm ta tám mươi tuổi, con
có cứu một người quả phụ đâm đầu xuống giếng, thật là hay. Chỉ có điều cứ
mười năm mới làm việc tốt một lần, người đời đợi lâu thế thì phát chán ngấy
mất thôi.
Cả năm người học trò cùng cười rộ. Trương Tam Phong tính tình vui vẻ, thầy
trò vẫn thường nói đùa với nhau.
Đệ tử thứ bốn Trương Tùng Khê nói: -Lão nhân gia phải thọ tối thiểu cũng hai
trăm tuổi, chúng con mỗi mười năm làm một việc tốt, tính ra cũng không phải
là ít đâu.
Đệ tử thứ bảy Mạc Thanh Cốc cười: -Ha ha, chỉ sợ bảy đệ tử chúng con không
sống được lâu đến thế?
Y nói chưa dứt câu, Tống Viễn Kiều và nhị đệ tử Du Liên Châu cùng đứng lên
đi tới bên mái hiên hỏi: -Phải tam đệ đó không?
Chỉ nghe Trương Thúy Sơn nói: -Em đây!
Thanh âm có lẫn tiếng nghẹn ngào. Mọi người thấy chàng hai tay bồng một
người tiến vào, mặt đầy vết máu lẫn mồ hôi, chạy đến trước mặt Trương Tam
Phong quì xuống, khóc không ra tiếng, kêu lên: -Sư phụ, tam? tam ca bị người
ta ám toán?
Mọi người hết sức kinh hãi, còn Trương Thúy Sơn loạng choạng, ngã ngửa về
phía sau. Chàng vừa chạy một quãng dài không ngừng, lại thêm trong lòng
đau thương, đến bây giờ chịu không nổi, vừa thấy mặt sư phụ và anh em đồng
môn là lăn ra bất tỉnh.
Tống Viễn Kiều và Du Liên Châu biết rằng Trương Thúy Sơn ngất đi chỉ vì tâm
thần xúc động, lại lao lực quá độ mà ra, còn tam sư đệ Du Đại Nham không
biết sống chết ra sao. Hai người không hẹn mà cùng xông tới bế Du Đại Nham
lên, chỉ thấy hơi thở rất yếu, mong manh như sợi tơ.
Trương Tam Phong thấy đứa học trò yêu bị thương đến thành như thế, trong
lòng hết sức chấn động, không kịp hỏi han, đi luôn vào phòng lấy ra một bình
“Bạch Hổ Đoạt Mệnh Đan”. Miệng bình vốn gắn kín bằng sáp trắng, lúc này
không còn thì giờ cạy sáp để mở nắp ra, hai ngón tay bên trái bóp nhẹ, chiếc
bình vỡ tan, lấy ra ba viên thuốc màu trắng, nhét vào miệng Du Đại Nham.
Thế nhưng Du Đại Nham không còn tri giác, làm sao nuốt xuống nổi?
Trương Tam Phong hai tay dùng ngón tay cái và ngón trỏ hợp lại, thành thế
Hạc Chủy Kình, dùng đầu ngón tay trỏ điểm vào huyệt Long Dược trên đầu Du
Đại Nham, cách vành tai ba phân, vận nội lực day nhè nhẹ. Với công lực của
ông hiện giờ, sử dụng “Hạc Chủy Kình điểm Long Dược huyệt” thì dù người có
mới chết cũng phải hoàn hồn giây lát, vậy mà tay ông day đến hai mươi lần,
Du Đại Nham vẫn không động đậy.
Trương Tam Phong thở dài, hai tay để thành kiếm quyết, lòng bàn tay úp
xuống, cùng ấn vào huyệt Giáp Xa của Du Đại Nham. Huyệt Giáp Xa này nằm
ở trên má, ngay chỗ hai hàm răng cắn lại, Trương Tam Phong âm thủ điểm
vào, lập tức chưởng tâm ngửa lên trên, biến thành dương thủ, một âm một
dương đổi cho nhau, đổi qua đổi lại đến lần thứ mười hai, Du Đại Nham mới há
miệng ra, chầm chậm nuốt đơn dược vào cổ họng.
Ân Lê Đình và Mạc Thanh Cốc từ nãy giờ nín thở đứng xem, bây giờ cùng kêu
“A” một tiếng. Thế nhưng bắp thịt cổ họng Du Đại Nham đã cứng rồi, viên
thuốc tuy vào đến cổ nhưng không xuống bụng. Trương Tùng Khê liền đưa tay
xoa bóp bắp thịt cổ, còn Trương Tam Phong đưa ngón tay đóng huyệt Khuyết
Bồn và Du Phủ trên vai, Dương Quan, Mệnh Môn ở sau lưng Du Đại Nham để
khi y tỉnh dậy không vì đau đớn quá mà lại hôn mê.
Tống Viễn Kiều và Du Liên Châu lúc bình thời thấy sư phụ dù gặp chuyện khó
khăn hung hiểm cách nào cũng vẫn an nhiên, bình tĩnh, bây giờ thấy ông tay
hơi run, mắt lộ vẻ kinh hoảng, hai người biết rằng thương thế tam sư đệ mười
phần nguy kịch, không phải chuyện nhỏ.
Không bao lâu, Trương Thúy Sơn mơ mơ màng màng tỉnh lại, kêu lên: -Sư
phụ, tam ca có cứu được chăng?
Trương Tam Phong không trả lời, chỉ nói: -Thúy Sơn, trên đời này có ai mà
không chết?
Bên ngoài bỗng thấy tiếng chân người, một tên tiểu đồng tiến vào bẩm: -Ngoài
cửa có một tiêu khách xin được gặp tổ sư gia, nói là Đô Đại Cẩm của Long Môn
tiêu cục ở phủ Lâm An.
Trương Thúy Sơn đứng vụt dậy, mặt đầy vẻ giận dữ, hét lên: -Chính y đó.
Chạy vọt ra ngoài, chỉ nghe mấy tiếng loảng xoảng của binh khí rơi xuống đất.
Ân Lê Đình và Mạc Thanh Cốc vừa định chạy ra trợ giúp sư huynh, đã thấy
Trương Thúy Sơn tay phải nắm cổ một đại hán, xách vào, quăng mạnh xuống
đất, giận dữ nói: -Cũng chỉ vì tên này làm hỏng hết mọi sự.
Mạc Thanh Cốc nghe nói y làm cho tam sư ca bị thương như thế, giơ chân
định đá vào Đô Đại Cẩm. Tống Viễn Kiều vội kêu lên: -Ngừng lại.
Mạc Thanh Cốc vội vàng co chân về.
Lại nghe bên ngoài có người nói: -Người của phái Võ Đương có nói chuyện
phải quấy hay không thì bảo? Chúng tôi có hảo ý lên đây cầu kiến, sao lại làm
nhục chúng tôi như thế?
Tống Viễn Kiều hơi nhướng mày, giơ tay vỗ vào sau lưng và vai của Đô Đại
Cẩm mấy cái, giải các huyệt đạo do Trương Thúy Sơn điểm, nói: -Khách ở bên
ngoài không nên huyên náo, chờ đó một lát, để xem phải trái thế nào.
Mấy lời đó ngữ khí uy nghiêm, nội lực đầy đủ. Chúc Sử hai tiêu đầu nghe thấy
bị nhiếp phục ngay, lại tưởng Trương Tam Phong xuất ngôn, nên đâu còn dám
hó hé gì nữa.
Tống Viễn Kiều nói: -Ngũ đệ, tam đệ bị thương ra sao, ngươi từ từ kể lại,
không phải vội.
Trương Thúy Sơn hậm hực trừng mắt nhìn Đô Đại Cẩm, rồi tường thuật Long
Môn tiêu cục nhận lãnh việc hộ tống Du Đại Nham lên núi Võ Đương thế nào,
bị sáu người mạo danh tiếp nhận, mọi sự kể lại đầy đủ. Tống Viễn Kiều nhìn
thấy tài nghệ của Đô Đại Cẩm như thế, quyết không thể nào có đủ bản lãnh
hại Du Đại Nham, vả lại còn dám lên đây cầu kiến, ắt trong lòng không phải
man trá, nên dịu xuống hỏi y kỹ càng mọi việc xảy ra.
Đô Đại Cẩm nhất nhất cứ thực tình kể lại, sau cùng mới nói: -Tống đại hiệp, họ
Đô tôi làm việc không chu đáo, làm lụy đến Du tam hiệp như thế này, có chết
cũng đáng. Có điều cả cục chúng tôi ở phủ Lâm An, già trẻ lớn bé lúc này
chẳng biết tính mệnh ra sao.
Trương Tam Phong liên tiếp dùng song chưởng đặt lên hai huyện Thần Tàng
và Linh Đài của Du Đại Nham, dùng nội lực đẩy vào thân thể của đứa học trò,
nghe Đô Đại Cẩm nói như thế, liền nói: -Liên Châu, con dẫn Thanh Cốc, lập
tức hai người xuống Lâm An, bảo hộ cho người già trẻ con trong Long Môn
tiêu cục.
Du Liên Châu đáp lời, trong lòng hơi ngạc nhiên, nhưng hiểu ngay lòng từ bi,
hiệp nghĩa của sư phụ, vì người khách họ Ân kía có nói là nếu như việc có nửa
phần sơ xuất, sẽ giết sạch tất cả toàn thể Long Môn tiêu cục đến con gà con
chó cũng không tha. Câu nói đó tuy chỉ là một lời hăm dọa, nhưng Đô Đại Cẩm
cùng tất cả các hảo thủ trong tiêu cục đều ra ngoài bảo tiêu, nếu như quả gặp
nguy nan, ắt không có ai chống cự.
Trương Thúy Sơn nói: -Sư phụ, gã họ Đô này làm việc quá ư hồ đồ, để đến nỗi
tam sư ca ra nông nỗi này, mình đã không hỏi tội thì thôi, lẽ đâu lại còn đến
bảo vệ gia quyến già trẻ nhà y?
Trương Tam Phong lắc đầu, không trả lời. Tống Viễn Kiều nói: -Ngũ đệ, sao em
bụng dạ hẹp hòi thế? Đô tổng tiêu đầu phải nghìn dặm bôn ba là vì ai?
Trương Thúy Sơn cười nhạt: -Y vì hai nghìn lạng vàng chứ đâu phải vì có lòng
tốt với Du tam ca?
Đô Đại Cẩm nghe nói mặt đỏ bừng, nhưng ngẫm lại thì quả thật y nhận món
hàng này cũng chỉ vì tiêu kim quá hậu. Tống Viễn Kiều quát lên: -Ngũ đệ,
không được vô lễ với khách, em đã mệt mỏi nửa ngày rồi, mau đi nghỉ.
Trong phái Võ Đương, quyền sư huynh rất lớn, Tống Viễn Kiều tính lại đoan
nghiêm, từ Du Liên Châu trở xuống, ai ai cũng rất kính trọng, Trương Thúy
Sơn vừa nghe sư huynh trách mắng, không dám cãi lời, nhưng vì lo lắng cho
thương thế của tam sư huynh nên không chịu lui về nghỉ. Tống Viễn Kiều nói
tiếp: -Nhị đệ, sư phụ đã có lệnh, em cùng thất đệ phải đi suốt ngày đêm, sự
tình khẩn cấp, không nên để lỡ việc.
Du Liên Châu và Mạc Thanh Cốc vâng lời, vội vàng về phòng chuẩn bị binh khí,
y phục. Đô Đại Cẩm thấy Du Mạc hai người định xuống Lâm An bảo hộ già trẻ
nhà mình, cảm thấy trong lòng hết sức an ủi, ôm quyền cảm tạ Trương Tam
Phong: -Trương chân nhân, việc của vãn bối, không dám làm phiền Du Mạc nhị
hiệp, xin cáo từ.
Tống Viễn Kiều nói: -Đêm nay xin các vị ở lại đây nghỉ ngơi, chúng tôi còn
nhiều điều muốn hỏi.
Tuy lời nói của ông bình thường nhẹ nhàng, nhưng lại có một vẻ uy nghiêm,
khiến người ta không dám từ chối. Đô Đại Cẩm chỉ lặng yên không nói, ngồi
sang một bên. Du Liên Châu và Mạc Thanh Cốc bái biệt sư phụ, bịn rịn nhìn
Du Đại Nham mấy lần, rồi mới xuống núi. Hai người trong lòng nặng như chì,
chẳng biết lần này là sinh ly hay tử biệt, không biết mai sau có còn gặp lại Du
Đại Nham nữa không.
Lúc đó trong đại sảnh lặng yên không một tiếng động, chỉ nghe thấy tiếng hô
hấp trầm trọng của Trương Tam Phong, lại thấy trên đỉnh đầu ông nhiệt khí
bốc lên, tưởng như một cái lồng hấp[13] vậy. Phải đến hơn nửa tiếng đồng hồ,
đột nhiên Du Đại Nham “A” lên một tiếng lớn, vang động cả nhà. Đô Đại Cẩm
giật nảy người, liếc mắt nhìn trộm Trương Tam Phong, thấy mặt ông không lộ
vẻ gì buồn hay vui nên không biết đó là triệu chứng tốt hay xấu.
Trương Tam Phong dẽ dàng nói: -Tùng Khê, Lê Đình, hai con đưa tam ca vào
phòng nghỉ ngơi.
Trương Tùng Khê và Ân Lê Đình vội đưa người bị thương vào phòng rồi lui ra.
Ân Lê Đình không nhịn nổi hỏi: -Sư phụ, võ công của tam ca có thể toàn bộ
khôi phục được không?
Trương Tam Phong thở dài, một hồi sau mới nói: -Y có bảo toàn được tính
mệnh hay không, phải một tháng sau mới rõ, nhưng gân chân tay đứt, xương
cốt gãy, không có cách nào nối lại được. Oại cả một đời, cả một đời.
Nói đến đây ông nghẹn ngào buồn bã lắc đầu. Ân Lê Đình đột nhiên òa lên
khóc.
Trương Thúy Sơn nhảy dựng lên, nghe bốp một cái, đã đánh cho Đô Đại Cẩm
một cái bạt tai. Lần này chàng ra tay nhanh như điện, Đô Đại Cẩm giơ tay đỡ,
nhưng tay đưa ra thì mặt đã trúng chưởng rồi. Trương Thúy Sơn không dằn
nổi cơn giận, cùi chỏ trái lại xoay qua, thúc luôn vào hông. Chiêu đó tuy thật
nhanh nhưng Trương Tùng Khê đã giơ tay đẩy vào vai Trương Thúy Sơn nên
thế đó rơi ra ngoài. Đô Đại Cẩm nhảy vội về phía sau, nghe coong một tiếng,
một khối vàng ròng từ trong bọc của y rơi xuống đất.
Trương Thúy Sơn chân trái móc một cái, hất đĩnh vàng lên, giơ tay bắt lấy,
cười khẩy: -Đồ tham tài vô nghĩa, người ta cho ngươi một đĩnh kim nguyên
bảo, ngươi liền đưa Du tam ca của ta ra cho họ giầy vò?
Nói chưa dứt câu, đột nhiên?Ủa? một tiếng, nhìn vào năm vết ngón tay trên
khối vàng: -Đại sư ca, cái này? cái này là công phu Kim Cương Chỉ của phái
Thiếu Lâm mà.
Tống Viễn Kiều cầm lấy thoi vàng, nhìn một lát, rồi đưa cho sư phụ. Trương
Tam Phong lật qua lật lại nhìn mấy lần, đưa mắt nhìn Tống Viễn Kiều, không
nói một lời.
Trương Thúy Sơn kêu lên: -Sư phụ, cái này đúng là Kim Cương Chỉ của phái
Thiếu Lâm. Trên đời này làm gì có môn phái nào có nổi công phu này, có phải
thế không, có phải thế không thầy?
Chỉ trong chớp mắt, Trương Tam Phong nhớ lại thuở còn nhỏ mình ở trong
Tàng Kinh Các hầu hạ sư phụ Giác Viễn ra sao, đấu chưởng với Côn Lôn Tam
Thánh Hà Túc Đạo thế nào, rồi bị tăng chúng chùa Thiếu Lâm đuổi bắt phải
chạy lên núi Võ Đương, mấy chục năm trời truyện cũ hiện ra rõ ràng. Mặt ông
hiện vẻ hoang mang, cứ theo vết ngón tay trên thoi vàng này, quả đúng là Kim
Cương Chỉ Pháp của phái Thiếu Lâm, Trương Thúy Sơn nói không sai, không có
môn phái nào có nổi công phu đó. Không nói gì phái Võ Đương chuyên về
luyện nội công cho thâm hậu, không để ý đến các môn ngạnh công đập vàng
phá đá, ngay các môn phái ngoại gia, chuyên luyện cạnh bàn tay, quả đấm,
sức cánh tay, sức chân đá cho đến cả dùng đầu đập, dùng cùi chỏ thúc, đầu
gối đánh hay cạnh bàn chân, nhưng đến luyện ngón tay thì không thể nào đạt
đến công phu đó.
Nghe Trương Thúy Sơn hỏi đi hỏi lại, nếu ông nói ra sự thực thì bọn học trò,
môn hạ nhất định sẽ không để yên cho phái Thiếu Lâm, và các đại môn phái
không thể không sóng gió.
Trương Thúy Sơn thấy sư phụ trầm ngâm không nói, biết rằng suy nghĩ của
mình không sai, lại gặng tiếp: -Sư phụ, trong võ lâm có kỳ nhân dị sĩ nào tự
mình luyện thành môn Kim Cương Chỉ này không?
Trương Tam Phong chầm chậm lắc đầu, nói: -Phái Thiếu Lâm phải mất hàng
ngàn năm mới thành được tuyệt kỹ này, không phải một lúc mà xong. Dù có
người nào tuyệt đính thông minh, cũng không tự mình nghĩ ra được.
Ngừng lại một lát, ông tiếp: -Hồi ta còn nhỏ ở chùa Thiếu Lâm, vì chưa được
truyền thụ võ công nên đến giờ phút này cũng không biết tại sao tấm thân
máu thịt của con người lại có thể luyện đến mức có ngón tay mạnh đến thế.
Mắt Tống Viễn Kiều bỗng dưng lóe lên một tia sáng khác lạ, nói lớn: -Gân cốt
chân tay của tam đệ, đúng là bị Kim Cương Chỉ Lực bẻ đứt rồi.
Ân Lê Đình “A” lên một tiếng, nước mắt dưng dưng, chịu không nổi chảy
xuống thành giòng. Đô Đại Cẩm nghe thấy người tàn hại Du Đại Nham là đệ tử
của phái Thiếu Lâm, lại càng kinh hoảng, há hốc mồm, một lát sau mới ấp
úng: -Không? nhất định là không phải, tôi ở trong chùa Thiếu Lâm học nghệ
hơn mười năm, chưa bao giờ gặp người mặt có nốt ruồi đó cả.
Tống Viễn Kiều ngưng thần nhìn y, thản nhiên không động thanh sắc, nói: –
Lục đệ, ngươi đưa Đô tổng tiêu đầu và anh em vào hậu viện nghỉ ngơi, sửa
soạn cơm rượu, dặn lão Vương tiếp đãi khách phương xa cho tử tế, không
được sơ sót.
Ân Lê Đình vâng lời, dẫn đường bọn người Đô Đại Cẩm đi xuống hậu viện. Đô
Đại Cẩm còn muốn biện bạch vài câu, nhưng trong tình cảnh đó, một câu
cũng không nói ra nổi.
Ân Lê Đình lo liệu cho bọn tiêu sư xong, quay trở lại phòng Du Đại Nham, chỉ
thấy tam sư ca mở mắt trừng trừng như người mất hồn, còn đâu hình dáng
anh hùng hào sảng lúc bình thời, trong lòng không khỏi đau đớn, chỉ kêu lên
được một tiếng “tam ca”, rồi ôm mặt chạy ra. Tới đại sảnh, chàng thấy Tống
Viễn Kiều và các anh em đang ngồi trước mặt sư phụ, nên đến bên cạnh
Trương Thúy Sơn ngồi xuống.
Trương Tam Phong nhìn ra cây hòe trước sân xuất thần, lắc đầu nói: -Việc này
ta cũng đành bó tay, Tùng Khê, con nghĩ sao?
Trong bảy đệ tử của phái Võ Đương, Trương Tùng Khê là người đa mưu túc trí
hơn cả. Bình thời chàng trầm mặc ít nói, nhưng suy tính liệu sự, nói đâu đúng
đó, từ lúc Trương Thúy Sơn ôm Du Đại Nham về núi, tuy trong lòng đau đớn,
nhưng vẫn suy tưởng mọi chuyện bên trong xem có gì, bấy giờ nghe sư phụ
hỏi, mới nói: -Cứ như đệ tử suy nghĩ, đầu dây mối nhợ không phải là phái
Thiếu Lâm mà là thanh đao Đồ Long.
Trương Thúy Sơn và Ân Lê Đình cùng “A” lên một tiếng. Tống Viễn Kiều nói: –
Tứ đệ, sự lý bên trong, em đã suy tưởng minh bạch, mau nói ra để xin sư phụ
chỉ thị.
Trương Tùng Khê nói: -Tam ca hành sự mau lẹ, vững vàng, đối với ai cũng hết
lòng, chắc không gây thù chuốc oán một cách khinh thị. Anh ấy xuống Giang
Nam trừ bọn giặc, là một bọn đầu trộm đuôi cướp, võ lâm ai ai cũng ghét bỏ,
phái Thiếu Lâm không thể nào vì chuyện đó mà hạ thủ đả thương tam ca.
Trương Tam Phong gật đầu. Trương Tùng Khê lại nói tiếp: -Tam ca chân tay
gân cốt bị gãy, chỉ là ngoại thương, nhưng tại phủ Lâm An Chiết Giang lại
trúng kịch độc. Cứ như đệ tử nghĩ, trước hết mình nên đến Lâm An tra xét
xem tại sao tam ca trúng độc, ai là người hạ thủ?
Trương Tam Phong lại gật đầu nói: -Chất độc mà Đại Nham bị trúng rất là kỳ
lạ, ta cũng chưa nghĩ ra là loại thuốc độc nào. Lòng bàn tay Đại Nham có bảy
cái lỗ nhỏ, hông và đùi lại có những vết châm li ti. Trên chốn giang hồ, chưa
nghe cao thủ nào sử dụng những loại ám khí độc như thế cả.
Tống Viễn Kiều nói: -Việc này quả thật kỳ quái. Cứ theo thường lý mà suy,
người bắn những ám khí nhỏ như thế mà tam đệ không tránh kịp, ắt phải là
cao thủ hạng nhất, thế nhưng quả thực là cao thủ thì sao lại tẩm thuốc độc
trên ám khí?
Mọi người lặng yên không nói, ai ai cũng đều suy nghĩ xem người nào, môn
phái nào sử dụng những loại ám khí như thế. Một lúc sau, cả năm người đều
hoang mang, không nghĩ ra là ai.
Trương Tùng Khê nói: -Tại sao gã mặt có nốt ruồi kia lại đánh đứt gân cốt của
tam ca? Nếu như y có thù oán với tam ca, một chưởng cũng đã giết được rồi,
còn nếu muốn cho thêm đau đớn, khổ sở, sao không đánh gãy xương sống,
xương sườn? Chuyện này thật rõ ràng, y chỉ muốn ép buộc tam ca cung khai.
Thế nhưng y hỏi việc gì, cứ đệ tử suy tưởng, ắt là vì đao Đồ Long. Đô Đại Cẩm
có nói, trong số sáu người có một tên hỏi là: -Đồ Long đao đâu? Ở trong tay
ai?
Ân Lê Đình nói: -Võ lâm chí tôn, bảo đao Đồ Long, hiệu lệnh thiên hạ, mạc
cảm bất tòng. Ỷ Thiên bất xuất, thùy dữ tranh phong. Câu này truyền đã mấy
trăm năm nay, chẳng lẽ đến bây giờ, quả thực mới xuất hiện thanh đao Đồ
Long sao?
Trương Tam Phong nói: -Làm gì đã mấy trăm năm, cùng lắm chỉ độ bảy, tám
mươi năm thôi. Hồi ta còn trẻ cũng chưa nghe thấy câu này.
Trương Thúy Sơn nhỏm dậy, nói: -Tứ ca nói rất phải, cái đầu dây mối nhợ làm
hại tam ca ắt là chỉ ở trong một giải Giang Nam thôi, mình phải đi tìm cho ra.
Có điều bọn ác tặc phái Thiếu Lâm hạ thủ độc ác đến thế, mình không thể nào
bỏ qua được.
Trương Tam Phong nói với Tống Viễn Kiều: -Viễn Kiều, con nghĩ bây giờ mình
phải tính sao?
Những năm gần đây mọi việc trong phái Võ Đương, Trương Tam Phong đều
giao cho Tống Viễn Kiều lo liệu cả, vị đại đệ tử này làm gì cũng chu đáo mực
thước, không để sư phụ phải lo nghĩ. Nghe sư phụ nói thế, y lập tức đứng dậy,
cung kính nói: -Việc này chẳng phải chỉ là báo thù cho tam đệ thôi đâu, mà
còn liên quan đến đại sự của bản phái, nếu như ứng phó không phải, chỉ sợ sẽ
gây ra một trận sóng gió trong võ lâm, kính xin sư phụ dạy bảo.
Trương Tam Phong nói: -Ừ, con và Tùng Khê, Lê Đình hai người, đem lá thư
của ta lên chùa Thiếu Lâm trên núi Tung Sơn bái kiến phương trượng Không
Văn thiền sư, nói rõ mọi việc, xin ông ta chỉ thị. Việc này chúng ta không cần
phải nhúng tay vào, chùa Thiếu Lâm môn hộ rất nghiêm cẩn, Không Văn
phương trượng là người vọng trọng võ lâm, ắt sẽ có cách xử trí thích đáng.
Tống Viễn Kiều, Trương Tùng Khê, và Ân Lê Đình ba người lập tức cung kính
vâng lời. Trương Tùng Khê nghĩ thầm: -Nếu như chỉ mang một lá thư, thì chỉ
cần sai lục đệ đi cũng đủ. Sư phụ bảo đại sư ca đích thân xuất mã, lại sai ta đi
theo, bên trong ắt có thâm ý. Chắc là phòng việc chùa Thiếu Lâm muối mặt
không nhận, nên muốn bọn mình tùy cơ mà hành sự.
Quả nhiên Trương Tam Phong nói tiếp: -Bản phái và Thiếu Lâm hai bên có
những liên quan thật đặc thù. Ta là đào đồ của phái Thiếu Lâm, trong bao
nhiêu năm nay, có lẽ họ thấy ta tuổi tác đã cao, nên không lên núi Võ Đương
bắt về, tuy vậy hai bên dẫu sao cũng vẫn có chỗ không thuận thảo.
Nói đến đây, ông mỉm cười, tiếp tục: -Các con lên núi Thiếu Lâm, đối với
phương trượng Không Văn dĩ nhiên cung kính, nhưng cũng không nên làm
mất thanh danh của bản môn.
Tống Trương Ân ba người cùng lên tiếng vâng mệnh.
Trương Tam Phong quay lại nói với Trương Thúy Sơn: -Thúy Sơn, sáng mai con
lên đường xuống Giang Nam, tìm cách tra xét, mọi việc nghe lời nhị sư ca dặn
dò.
Trương Thúy Sơn thõng tay nhận lệnh. Trương Tam Phong nói tiếp: -Chén rượu
thọ tối nay mình không uống nữa. Một tháng sau, tất cả lại tụ hội ở đây, nếu
như không chữa nổi cho Đại Nham, sư huynh đệ cũng được nhìn thấy y lần
cuối.
Ông nói tới đó không khỏi bùi ngùi, không ngờ mình uy chấn võ lâm mấy mươi
năm, đến năm chín mươi tuổi, đứa học trò yêu quí lại gặp phải chuyện bất
hạnh như thế này. Ân Lê Đình đưa tay áo gạt lệ, khóc lên rưng rức. Trương
Tam Phong phất tay một cái, nói: -Tất cả đi ngủ.
Tống Viễn Kiều khuyên: -Sư phụ, tam sư đệ một đời hành hiệp trượng nghĩa,
tích đức thật dày. Người đời thường nói rằng “người lành sẽ được trời giúp”,
hoàng thiên hữu nhãn, ắt không để cho y chết yểu.
Nói đến đây nghẹn ngào, nước mắt y ròng ròng chảy xuống, biết rằng càng
khuyên càng tăng thêm mối đau lòng, nên cùng các sư đệ chúc sư phụ ngủ
ngon, chia nhau về phòng.
[1] Cao quí nhất trong võ lâm là bảo đao Đồ Long, ra lệnh cho mọi người
không ai không tuân theo.
[2] Ỷ Thiên nếu không xuất hiện, thì không cái gì có thể ganh đua được.
[3] Mặt trời, mặt trăng chiếu sáng, vua loài chim ưng giương đôi cánh ra.
Trong chữ Hán, chữ nhật và chữ nguyệt ghép lại thành chữ minh, ý nói đây là
một chi lưu của Minh giáo.
[4] Tức Quan Vũ hay Quan Công, em kết nghĩa của Lưu Bị đời Tam Quốc.
[5] Kim nhỏ như râu con muỗi.
[6] Một cân Tàu có mười sáu lượng, ý nói ngang ngửa. Lưỡng bại câu thương
là hai bên cùng bị thương, ai cũng thiệt cả.
[7] Con gấu nhiều tay
[8] Sau ba lần nhảy ở Long Môn con cá chép hóa thành rồng.
[9] Tức Hồ Bắc
[10] Kim nguyên bảo là vàng được đúc thành từng cục, mỗi triều đại lại ban
hành khi tiền giấy còn chưa thông dụng. Cục vàng đó đúc như một chiếc
thuyền, thường là vàng từ 91.5% trở lên (khá nguyên chất) nặng chừng 90
gram, dưới đáy có hai chữ?túc kim? bên trên thường là chữ?thọ?. Loại ngân
nguyên bảo hay kim nguyên bảo ít lưu hành, thường chỉ do triều đình phong
thưởng những người có công, có thể coi là một loại tiền hiếm có. Đời Hán đúc
hình móng ngựa nên gọi là “mã đề kim”, qua đời Đường thì hình dẹp, đến đời
Tống, Nguyên, Minh, Thanh mới đúc thành hình thuyền, mỗi đời theo niên
hiệu mà gọi như Thiên Phúc, Thuần Hóa, Hồng Võ …
[11] ngựa có màu xanh trắng
[12] Cứ theo sách vở để lại, bảy người đệ tử của Trương Tam Phong là Tống
Viễn Kiều, Du Liên Châu, Du Đại Nham, Trương Tùng Khê, Trương Thúy Sơn,
Ân Lợi Hanh, Mạc Thanh Cốc. Tên của Ân Lợi Hanh lấy từ chữ trong kinh Dịch
“Nguyên Hanh Lợi Trinh”. Thế nhưng vì tên này không cùng một loại với sáu
tên kia? tất cả đều tả cảnh như cầu ở xa xa (Viễn Kiều), thuyền đậu liền nhau
(Liên Châu), tảng đá lớn (Đại Nham), cây tùng bên giòng suối (Tùng Khê), núi
biếc (Thúy Sơn), hang núi sâu (Thanh cốc). Vì thế trong bản này, Kim Dung đã
đổi tên người thứ sáu thành Ân Lê Đình (cây lê bên cạnh toà nhà).? lời chú
của dịch giả.
[13] Nguyên tác chưng lung là loại giỏ bằng tre đan để hấp bánh hay đồ ăn


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.