Ỷ THIÊN ĐỒ LONG KÝ
08. Cùng phát thập tải phiếm qui hàng
Thắm thoát mười năm qua,
Tha hương nay về nhà.
Oán ân đâu đà dứt,
Huynh đệ nay đành xa.
Tạ Tốn chậm rãi nói: -Tình cảnh buổi tối hôm đó, đến nay ta vẫn còn nhớ thật
rõ ràng. Ta ngồi trên giường trong khách điếm ám vận chân khí, đem pho Thất
Thương Quyền ôn lại trong lòng một lượt. Ngũ đệ, người từ trước tới nay chưa
biết đến Thất Thương Quyền, có muốn xem thử hay không?
Trương Thúy Sơn chưa kịp trả lời, Ân Tố Tố đã chen vào: -Chắc hẳn là thần
diệu vô song, uy mãnh tuyệt luân. Đại ca, sao lúc đó đại ca không đi kiếm
Tống Viễn Kiều?
Tạ Tốn mỉm cười, nói: -Cô sợ ta thử quyền pháp sẽ làm bị thương ông chồng
của cô ư? Nếu như quyền lực không thu phát tùy ý được, thì sao còn được gọi
là Thất Thương Quyền?
Nói xong y đứng dậy, đi đến cạnh một cây lớn, quát lên một tiếng như tiếng
sấm, nghe bùng một tiếng, một quyền đã đánh ngay vào thân cây.
Cứ như công lực của y, quyền đó nếu không đánh gãy đôi thân cây, thì quyền
đầu cũng ngập vào trong gỗ, nào ngờ khi y thu quyền lại, cây đó tuyệt nhiên
không tổn hại chút nào, ngay cả cành cây cũng không gãy. Ân Tố Tố trong
lòng nhủ thầm “Đại ca ở trên đảo luôn chín năm, võ công tất cả đều mất hết.
Từ trước tới nay không thấy đại ca luyện công, việc đó cũng không có gì làm
lạ”. Sợ Tạ Tốn thương tâm, nàng vẫn lớn tiếng khen ngợi.
Tạ Tốn nói: -Ngũ muội, tiếng khen của cô nghe gượng gạo lắm. Cô nghĩ võ
công của ta không còn bằng trước, có phải không?
Ân Tố Tố nói: -Tại nơi đảo hoang cực bắc này, đi qua đi lại cũng chỉ có bốn
người thân, luyện võ để làm gì?
Tạ Tốn hỏi: -Ngũ đệ, ngươi có nhìn thấy gì áo diệu không?
Trương Thúy Sơn nói: -Tiểu đệ thấy thế quyền của đại ca mười phần cương
mãnh, thế nhưng khi đánh vào thân cây, đến cái lá cũng không lay động, điểm
đó tiểu đệ không sao hiểu được. Đến như Vô Kỵ đánh một quyền, cành cây
cũng còn rung chuyển nữa là.
Vô Kỵ kêu lên: -Con làm được.
Y chạy tới đấm bình một cái vào thân cây, quả nhiên cành cây rung rinh, dưới
ánh trăng chiếu vào, bóng cây dưới đất lay động không ngừng. Vợ chồng
Trương Thúy Sơn thấy con mình đánh ra hơi có sức, trong lòng mừng rỡ, cùng
nhìn Tạ Tốn, đợi y giảng giải đạo lý bên trong.
Tạ Tốn nói: -Ba ngày nữa, lá cây sẽ vàng và từ từ rụng xuống, nửa tháng sau,
cả cây sẽ khô héo. Quyền của ta đã đánh đứt tất cả các thớ gỗ bên trong thân
cây rồi.
Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố không khỏi kinh hãi, biết rằng y không phải kẻ
đại ngôn, những lời đó ắt không phải giả dối. Tạ Tốn cầm thanh đao Đồ Long
ở bên cạnh lên, rút ra khỏi vỏ, nghe soẹt một tiếng, chém xéo vào thân cây
một nhát, chỉ nghe ầm một tiếng, nửa trên của đại thụ đã đổ xuống. Tạ Tốn
thu đao về nói: -Các ngươi nhìn thử xem uy lực Thất Thương Quyền của ta có
còn như xưa không?
Ba người đến nhìn vết đao cắt ngang thân cây, thấy lõi cây quá nửa thớ gỗ
đứt đoạn, thớ thì xoắn lại, thớ thì nát nhừ, có thớ đứt thành mấy khúc, có thớ
chỗ đứt chỗ không, hiển nhiên trong một quyền đó bao hàm nhiều kình lực
khác nhau. Trương Ân hai người hết sức thán phục.
Trương Thúy Sơn nói: -Đại ca, hôm nay quả thực khiến cho tiểu đệ mở mắt.
Tạ Tốn không khỏi đắc ý, nói: -Trong quyền của ta bao gồm bảy kình lực không
đồng đều, cương mãnh có, âm nhu có, cương trung hữu nhu có, nhu trung
hữu cương có, chém ngang có, đánh thẳng có, ép vào bên trong có. Địch
nhân đỡ được kình lực thứ nhất, không đỡ được kình lực thứ hai, nếu đỡ được
kình lực thứ hai, đến kình lực thứ ba làm sao đối phó? Ha ha, Thất Thương
Quyền do đó mà thành tên. Ngũ đệ, hôm ngươi cùng ta đấu chưởng lực, nếu
như ta đánh Thất Thương Quyền ra, ngươi không sao đỡ nổi.
Trương Thúy Sơn đáp: -Đúng vậy.
Vô Kỵ định hỏi xem tại sao cha nó lại đấu chưởng với nghĩa phụ, thấy Tố Tố
liên tiếp xua tay, nên không dám hỏi, chỉ nói: -Nghĩa phụ, cha dạy cho con
Thất Thương Quyền được không?
Tạ Tốn lắc đầu: -Không được.
Vô Kỵ có vẻ thất vọng, toan nhõng nhẽo năn nỉ, Ân Tố Tố cười nói: -Vô Kỵ, sao
con ngốc thế? Môn võ công tinh diệu của nghĩa phụ con, nếu như không có
nội công thượng thừa, làm sao luyện nổi?
Vô Kỵ đáp: -Phải rồi, vậy để khi nào con có nội công thượng thừa rồi sẽ tính
sau.
Tạ Tốn vẫn lắc đầu: -Môn Thất Thương Quyền này không luyện là hơn. Thân
thể chúng ta ai ai cũng âm dương nhị khí, kim mộc thủy hỏa thổ ngũ hành.
Tim thuộc hỏa, phổi thuộc kim, thận thuộc thủy, tì thuộc thổ, gan thuộc mộc,
một khi luyện Thất Thương Quyền thì bảy bộ phận đó cũng đều bị tổn thương.
Pho quyền đó mỗi lần luyện công, nội tạng trong người lại tổn hại thêm một
chút, nên mới gọi là Thất Thương, đúng là tổn thương mình trước, tổn thương
địch sau. Nếu không phải vì luyện quyền pháp này mà bị thương tâm mạch, ta
đâu có thỉnh thoảng nổi cơn điên, không cách gì chế ngự.
Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố bây giờ mới biết, tại sao y tài sức hơn người, võ
công cao cường, nhưng khi phát điên rồi thì tâm trí đều mất hết. Tạ Tốn nói
tiếp: -Giá như nếu nội lực của ta thực là hồn hậu chắc chắn, được bằng Không
Kiến đại sư, hoặc Võ Đương Trương chân nhân, rồi hãy luyện môn Thất
Thương Quyền này, thì có lẽ không bị tổn thương, hoặc tổn hại chút ít, cũng
không đáng ngại. Chỉ vì hồi đó ta quá nóng lòng báo thù, phải mất bao nhiêu
tâm lực mới đoạt được trong tay phái Không Động một bản sao Thất Thương
Quyền Phổ, quyền phổ vừa đến tay, lập tức ra tay luyện ngay, chỉ sợ quyền
công chưa thành mà sư phụ ta đã chết, không báo thù được. Đến khi phát
giác nội tạng đã bị tổn thương nặng thì không còn cách nào cứu chữa được
nữa. Lúc đó ta không nghĩ ra, phái Không Động đời đời tương truyền bản
quyền phổ, nhưng sao lại không có ai danh dương thiên hạ về môn công phu
này. Ta cũng thích lộ quyền pháp này vì khi xuất quyền, hình thức cương
mãnh, ồn ào rất có lợi thế. Ngũ muội, cô có hiểu được cái nguyên do trong đó
không?
Ân Tố Tố trầm ngâm, đáp: -Hừ, phải chăng quyền pháp này với công phu tích
lịch gì đó của sư phụ đại ca không khác nhau bao nhiêu?
Tạ Tốn nói: -Đúng thế. Sư phụ ta có ngoại hiệu là Hỗn Nguyên Tích Lịch Thủ,
chưởng lực chẳng khác gì sấm sét, uy lực cực kỳ ghê gớm kinh người. Nếu ta
kiếm được ông ta, nếu dùng môn quyền Thất Thương này đối địch, ông ta sẽ
cho rằng đây là quyền pháp chính ông dạy cho ta, đợi đến khi trúng đòn, ông
ta biết là không phải thì cũng đã muộn. Ngũ đệ, ngươi đừng trách là ta dụng
tâm hiểm độc, sư phụ ta bề ngoài trông có vẻ quê mùa, nhưng lại là người lắm
mưu nhiều kế. Nếu không dĩ độc công độc, cái đại cừu này không cách gì báo
được? ôi, nói đến chi tiết thì thật quá nhiều mà vẫn chưa nói đến Không Kiến
đại sư. Trở lại hôm đó ta ngồi vận khí ôn lại ba lượt Thất Thương Quyền công,
rồi vượt tường ra ngoài, định đi kiếm Tống Viễn Kiều.
Ta vừa nhảy qua tường, thân hình chưa rơi tới đất, bỗng thấy đầu vai bị ai vỗ
nhẹ một cái. Ta giật mình kinh hãi, cứ như võ công của ta lúc đó, một người
nào giơ tay đập vào người mà không đỡ được, là điều khó mà tưởng tượng. Vô
Kỵ, con nghĩ xem cái vỗ đó nhẹ thôi, nếu như người đó đem kình lực vào
chưởng, có phải ta đã bị thương nặng rồi ư? Ta vội vàng quay lại giơ tay chộp,
nhưng chỉ chộp vào quãng không, lại phản kích một quyền, quyền đó cũng
không trúng ai cả, chân trái vừa chạm đất, lập tức quay lại, thì ngay lúc đó,
lưng ta lại bị vỗ nhẹ một chưởng nữa, rồi người sau lưng ta thở dài nói: -Khổ
hải vô biên, hồi đầu thị ngạn. [1]
Vô Kỵ thấy câu chuyện thật thú vị, bật cười, nói: -Nghĩa phụ, người đó định
đùa chơi với cha hả?
Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố cũng đã nghĩ ngay, người đó hẳn phải là Không
Kiến đại sư. Tạ Tốn kể tiếp: -Lúc đó ta sợ đến lạnh cả người, chẳng khác gì rơi
xuống vực sâu. Người đó võ công như thế, muốn giết ta thật dễ như trở bàn
tay. Ông ta chỉ nói có tám chữ “Khổ hải vô biên, hồi đầu thị ngạn” chỉ trong
một giây thôi, nhưng trong giọng nói đầy lòng từ bi, từng chữ một lọt vào tai
ta thật rõ ràng. Thế nhưng lúc đó trong bụng ta chỉ toàn là kinh hoàng phẫn
nộ, quay đầu nhìn lại, thấy một nhà sư mặc áo trắng đứng đằng xa khoảng
bốn trượng. Khi ta quay mình, nghĩ bụng ông ta chắc chỉ cách ta chừng ba
thước, nào ngờ vừa vỗ vai ta xong, đã bay vút ra bốn trượng, thân pháp
nhanh như thế, bộ pháp nhẹ như thế, thực không ai ngờ nổi.
Lúc đó trong đầu ta chỉ có một ý niệm “Chắc là oan hồn nào bị ta giết hiện ra
đòi mạng đây”, còn nếu là người sống, làm sao có ai thân pháp nhanh như
thế. Ta nghĩ đó là ma, trong lòng thấy can đảm trở lại, quát: -Yêu ma quỉ quái,
cút ra cho xa, trời ông không sợ, đất ông không sợ, đâu có lẽ lại sợ cô hồn dã
quỉ?
Nhà sư áo trắng chắp tay chào, nói: -Tạ cư sĩ, lão tăng Không Kiến xin chào
ngài.
Ta nghe hai chữ Không Kiến, nghĩ đến trên giang hồ vẫn nói đến hai câu
“Thiếu Lâm thần tăng, Kiến Văn Trí Tính”. Ông ta đứng đầu tứ đại thần tăng,
hèn gì võ công cao siêu đến thế.
Trương Thúy Sơn nghĩ đến vị Không Kiến đại sư này về sau bị y đánh mười ba
quyền mà chết, trong lòng cảm thấy áy náy không an.
Tạ Tốn nói tiếp:
Ta mới hỏi: -Có phải là Không Kiến thần tăng của chùa Thiếu Lâm đấy chăng?
Nhà sư đáp: -Hai chữ thần tăng, quả không dám nhận. Lão nạp [2] chính là
Không Kiến ở chùa Thiếu Lâm đây.
Ta nói: -Tại hạ vốn không quen biết đại sư, sao lại đùa rỡn như thế?
Không Kiến nói: -Lão nạp nào có dám đùa rỡn với cư sĩ đâu? Xin hỏi cư sĩ, giờ
này đang định đi đâu?
Ta đáp: -Tôi đi đâu, có can hệ gì đến đại sư?.
Không Kiến nói: -Tối nay cư sĩ định đi giết đại hiệp Tống Viễn Kiều của phái Võ
Đương, phải không?.
Ta nghe ông nói đúng việc ta đang định làm, lấy làm lạ lùng, lại thêm sợ hãi.
Ông ta lại nói: -Cư sĩ muốn có một vụ đại án chấn động võ lâm, khiêu khích
Hỗn Nguyên Tích Lịch Thủ Thành Côn ra mặt, để báo thù việc y giết hại toàn
gia?
Ta nghe ông ấy nói đúng tên sư phụ ta, lại càng sợ hãi. Nên biết việc sư phụ ta
giết hại cả nhà, ta chưa hề hé răng nói với một ai. Việc xấu xa đó sư phụ ta dĩ
nhiên giấu kín, còn bản thân ta cũng không nói ra, làm sao vị hòa thượng
Không Kiến này lại biết được?
Lúc đó ta bị khích động mạnh, nói: -Nếu như đại sư cho biết y ở đâu, Tạ Tốn
này xin cam nguyện một đời làm trâu làm ngựa cho ngài.
Không Kiến thở dài nói: -Chuyện Thành Côn làm quả thật tội nghiệt quá lớn,
nhưng cư sĩ vì cơn giận, làm hại bao nhiêu là nhân vật võ lâm, cũng thực là sai
lầm.
Lúc đó ta định nói “Việc đó có liên can gì đến ông?”, nhưng nghĩ lại ông ta vừa
hiển thị võ công, ta không phải là địch thủ. Huống chi ta đang muốn cầu xin
ông, nên đành cố dằn cơn giận, nói: -Tại hạ quả thực thế chẳng đặng đừng, vì
Thành Côn lẩn trốn vô ảnh vô tung, bốn bể mênh mông, khiến tôi không sao
tìm y được.
Không Kiến gật đầu nói: -Ta cũng hiểu trong lòng cư sĩ chứa đầy oán độc,
không có cách nào phát tiết. Thế nhưng Tống đại hiệp là thủ đồ của Trương
chân nhân phái Võ Đương, nếu cư sĩ định giết ông ta, họa đó to lớn không biết
đâu mà lường.
Ta nói: -Lòng tôi muốn gây ra họa, họa càng lớn, càng sớm bức bách Thành
Côn ra mặt.
Không Kiến nói: -Tạ cư sĩ, nếu như ông giết hại Tống Viễn Kiều, thì Thành Côn
quả thực không ra mặt không được. Thế nhưng Thành Côn hôm nay không
còn là Thành Côn ngày trước, võ công của ông còn kém y xa lắm, mối huyết
hải oan cừu đó chưa báo được đâu.
Ta nói: -Thành Côn là sư phụ của tôi, võ công của ông ta đến đâu, tôi chắc
biết rõ hơn đại sư nhiều.
Không Kiến lắc đầu: -Y đã được một minh sư nhận làm học trò, ba năm qua
tiến bộ không ngờ, cư sĩ tuy đã luyện được Thất Thương Quyền của phái
Không Động, nhưng cũng không đả thương được y đâu.
Ta kinh ngạc vô cùng, vị Không Kiến hòa thượng này ta chưa từng gặp bao
giờ, nhưng nhất cử nhất động, ông ta biết chẳng khác gì chính mắt trông
thấy. Ta lặng người hồi lâu, hỏi lại: -Sao đại sư lại biết?
Ông ta đáp: -Chính Thành Côn nói cho lão nạp nghe.
Khi nghe y nói tới đây, hai vợ chồng Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố lẫn Vô Kỵ
đều cùng “A” lên một tiếng. Tạ Tốn nói: -Các ngươi lúc này nghe tới còn kinh
ngạc, lúc đó ta nghe câu này, nhảy dựng lên, quát hỏi: -Làm sao y lại biết
được thế?
Ông ta chậm rãi nói: -Trong mấy năm qua, y lúc nào cũng ở bên cạnh cư sĩ, có
điều y luôn luôn cải trang, nên cư sĩ không nhận ra y đấy thôi.
Ta nói: -Hừ, tôi không nhận ra ông ta ư? Dù ông ta có biến thành tro, tôi cũng
vẫn nhận ra.
Không Kiến nói: -Tạ cư sĩ, ông không phải là người sơ xuất, vô tâm, thế nhưng
trong mấy năm qua, ông chỉ lo việc luyện võ báo thù, những việc chung quanh
không để ý tới. Ông ở ngoài sáng, y ở trong bóng tối. Cư sĩ không nhận ra y,
mà dù có gặp cũng không nhận ra y đâu.
Câu nói đó ta không thể không tin, huống chi Không Kiến đại sư là một cao
tăng nổi danh trong thiên hạ, lẽ đâu đến để nói láo ta làm chi. Ta nói: -Nếu
như thế, sao ông ta không giết tôi đi, cho khỏi rắc rối?
Không Kiến nói: -Nếu y có bụng hại cư sĩ, thì thật chỉ giơ tay là xong. Tạ cư sĩ,
ông đã hai lần tìm y báo thù, hai lần đều thua cả, nếu y muốn sát hại ông, sao
lúc đó không hạ thủ cho được việc. Hãy nói việc đi lấy Thất Thương Quyền
Phổ, cư sĩ đã đấu nội lực với ba đại cao thủ của phái Không Động, thế còn hai
người trong Không Động ngũ lão kia đi đâu? Sao họ không ra vây đánh cư sĩ?
Nếu như cả ngũ lão đều xông lên, liệu cư sĩ có toàn tính mạng không?
Hôm đó khi ta đả thương Không Động tam lão rồi, mới phát giác ra hai người
kia cũng bị trọng thương, việc lạ đó ta vẫn giữ trong lòng, là một nghi vấn
chưa giải thích được. Hay là phái Không Động có tranh chấp lẫn nhau? Hay là
có cao thủ nào ta chưa biết tên ở bên trong bí mật giúp ta? Khi ta nghe Không
Kiến đại sư nói, trong bụng bàng hoàng, hỏi lại: -Không lẽ nhị lão do Thành
Côn đả thương sao?
Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố nghe y nói càng lúc càng thấy lạ kỳ, tuy tên
chốn giang hồ có biết bao nhiêu chuyện khúc mắc, nhưng hai người kiến văn
đều quảng bác, chuyện gì cổ quái mấy cũng đã từng nghe qua, nhưng câu
chuyện Tạ Tốn đang kể cho nghe thì không sao tưởng tượng được. Hai người
đều ngầm hiểu rằng, Tạ Tốn là một người kỳ tài, nhưng sư phụ của y là Hỗn
Nguyên Tích Lịch Thủ Thành Côn, về võ công cững như mưu trí lại còn hơn y
một bậc.
Ân Tố Tố nói: -Đại ca, vậy Không Động nhị lão quả thực do sư phụ của đại ca
đứng ngầm bên trong đả thương ư?
Tạ Tốn nói: -Lúc đó ta cũng đã mở miệng hỏi, Không Kiến đại sư nói: -Không
Động nhị lão bị thương ra sao, Tạ cư sĩ có chính mắt thấy không? Sắc mặt hai
người như thế nào?
Ta chỉ đứng yên không trả lời, một lúc sau, nói: -Nếu như thế, quả thực Không
Động nhị lão đã bị sư phụ tôi đả thương rồi.
Nguyên lai khi ta thấy hai người trong phái Không Động nằm dưới đất, mặt
đầy máu lấm chấm, hiển nhiên hai người đó dùng âm kình đánh người ta, bị
cao thủ dùng Hỗn Nguyên Công đẩy trở lại. Cái kiểu mặt đầy ban điểm đó,
theo như ta biết, nếu không phải bị Hỗn Nguyên Công đẩy ngược âm kình trở
lại, thì chỉ có bị bệnh thương hàn thôi, nhưng hôm đó khi ta mới gặp Không
Động ngũ lão, cả năm người đều bình thường mạnh khỏe, không thể nào đột
khởi bạo bệnh được. Đương thời trong võ lâm, trừ hai thầy trò ta ra, không
người thứ ba nào có luyện qua Hỗn Nguyên Công cả.
Không Kiến đại sư gật đầu, thở dài nói: -Sư phụ ngươi uống rượu rồi làm
chuyện vô đức, giết hại lớn bé toàn gia cư sĩ, khi tỉnh lại, xấu hổ vô cùng, nên
hai lần cư sĩ tìm y báo thù, y không sát hại. Y thậm chí cũng không muốn đả
thương cư sĩ, nhưng cả hai lần cư sĩ đều nổi điên toan thí mạng với y, nếu
không đả thương ông, y không thể nào thoát thân được. Sau đó y bí mật theo
dõi cư sĩ, ba lần ông bị nguy nan, y đều ám trung giải cứu.
Ta thầm tính trong lòng, ngoài vụ Không Động ngũ lão ra, quả nhiên có ba lần
đang cực kỳ khó khăn, trong cơn nguy cấp, công thế của địch nhân tự nhiên
mở ra. Không Kiến đại sư nói tiếp: -Y biết rằng tội lỗi quá nhiều, không thể nào
xin cư sĩ tha thứ được, chỉ mong sau một thời gian, cư sĩ sẽ dần dần nguôi
ngoai. Nào ngờ cư sĩ càng ngày càng làm dữ, giết người mỗi ngày một nhiều.
Hôm nay cư sĩ lại định đi giết Tống Viễn Kiều Tống đại hiệp, trường đại họa đó
không thể nào để yên được.
Ta nói: -Nếu đã như thế, xin đại sư gọi sư phụ tôi ra gặp tôi, chúng tôi thanh
toán với nhau, không liên quan gì đến người ngoài cả.
Không Kiến đại sư nói: -Sư phụ ông không mặt mũi nào gặp ông cả, cũng
không dám gặp ông. Hơn nữa, Tạ cư sĩ, không phải lão nạp dám coi thường
ông, dù ông có gặp y thì cũng uổng công thôi.
Ta nói: -Đại sư là hữu đạo cao tăng, phải trái đen trắng, chắc biết rõ ràng.
Không lẽ cái huyết cừu toàn gia của tôi, đành bỏ qua không lý đến hay sao?
Ông ta nói: -Thảm họa mà Tạ cư sĩ gặp phải, lão nạp cũng thấy thương tâm
giùm. Thế nhưng tôn sư vì say rượu mà làm bậy, không phải do bản ý, huống
chi y đã thành tâm sám hối, chỉ mong Tạ cư sĩ nghĩ đến tình thầy trò xưa, mở
cho một lối đi.
Ta giận như điên cuồng, nói: -Nếu tôi có đánh không lại, thì cùng lắm ông ta
một chưởng đánh tôi chết mà thôi. Còn mối thù này không báo được, tôi cũng
không muốn sống làm gì.
Không Kiến đại sư trầm ngâm hồi lâu, nói: -Tạ cư sĩ, tôn sư võ công ngày nay
khác xưa nhiều lắm, dù ông luyện xong Thất Thương Quyền rồi, cũng không
đả thương được y đâu. Nếu cư sĩ không tin, cứ đánh lão nạp vài quyền thì
biết.
Ta nói: -Tại hạ với đại sư không thù không oán, lẽ nào lại làm đại sư bị thương.
Mặc dù võ công tại hạ kém cỏi thật, nhưng Thất Thương Quyền này không
phải dễ dàng đối phó đâu.
Ông ta nói: -Tạ cư sĩ, ta cùng với cư sĩ đánh cuộc. Tôn sư giết cả nhà cư sĩ
tổng cộng mười ba mạng người, vậy cư sĩ đánh ta mười ba quyền. Nếu như đả
thương được ta, lão nạp sẽ sõng tay không can thiệp vào chuyện này nữa, tôn
sư sẽ tự ý ra gặp cư sĩ. Nếu không thì mối oan cừu này coi như chấm dứt,
được không?
Ta trầm ngâm không đáp, biết rằng vị cao tăng này võ công cực kỳ cao thâm,
Thất Thương Quyền tuy lợi hại thật, nhưng chưa chắc gì đả thương được ông
ta, chẳng lẽ mối thù này không trả hay sao?
Không Kiến đại sư lại nói: -Nói thực với cư sĩ, lão nạp đã nhúng tay vào giải
quyết việc này, nhất quyết không để cư sĩ giết thêm những đồng đạo võ lâm
vô tội nữa đâu. Nếu ông có ý hướng thiện, thì nên phủi tay, những chuyện đã
qua coi như xong hẳn. Nếu không cư sĩ tìm người báo thù, không lẽ gia nhân
đệ tử những người bị cư sĩ giết, không biết đi tìm cư sĩ báo thù hay sao?
Ta nghe ông ta giọng nói có vẻ nghiêm nghị, cuồng tính nổi lên, quát lớn: –
Được rồi, để tôi đánh đại sư mười ba quyền, nếu khi nào ông chịu không nổi
thì cứ nói tôi sẽ ngừng tay. Đại trượng phu nói ra một lời nặng như núi, lúc đó
ông phải gọi sư phụ tôi ra gặp nhau.
Không Kiến đại sư mỉm cười nói: -Mời cư sĩ phát quyền đi.
Ta thấy ông ấy thân hình gầy gò, nhỏ bé, râu mi trắng xóa, khuôn mặt từ bi
trang nghiêm, không nỡ đả thương, quyền thứ nhất chỉ dùng có ba thành sức
lực, nghe bình một tiếng đánh trúng ngực nhà sư.
Vô Kỵ kêu lên: -Chao ôi, nghĩa phụ, cha sử dụng pho Thất Thương Quyền
đánh đứt gân mạch cái cây ấy ư?
Tạ Tốn nói: -Không đâu. Quyền đầu tiên ta đánh ra là môn quyền sư phụ ta
Thành Côn truyền thụ, tức Tích Lịch Quyền. Quyền của ta đánh ra, thân hình
ông ta lảo đảo, lùi lại một bước. Ta nghĩ thầm quyền này mới có ba thành sức
lực, ông ta đã lùi một bước, nếu như thi triển Thất Thương Quyền thì chỉ ba
quả đấm đã đánh chết ông ta rồi. Thành thử, quyền thứ hai ta gia tăng kình
lực, nhưng ông ta cũng chỉ loạng choạng, lùi lại một bước. Quyền thứ ba ta
dùng đến bảy thành lực, ông ta cũng lắc lư một cái, lùi lại một bước. Ta hơi lấy
làm lạ, quyền lực của ta đã gia tăng gấp bội, nhưng đánh trúng cũng chỉ có
thế. Cứ cái thân hình gầy gò của nhà sư, một quyền của ta cũng đã đánh ông
ta đứt gân gãy xương, nhưng thân thể ông ta cũng không phát sinh sức lực
phản kích nào, chỉ chịu ba quyền mà dường như không có gì xảy ra.
Ta nghĩ, nếu muốn đánh ngã ông ta, không thể không đem hết toàn lực,
nhưng nếu ta dùng hết sức, nhà sư không chết cũng bị thương. Ta tuy tác ác
đã nhiều, nhưng đối với vị cao tăng xả thân mình cứu người khác, đầy lòng từ
bi này bỗng thấy trong lòng kính trọng, nên nói: -Đại sư không trả đòn, tôi
không nỡ nào đánh tiếp. Tại hạ đánh ba quyền rồi, bằng lòng không đi kiếm
Tống Viễn Kiều nữa.
Ông ta nói: -Còn mối oán thù với Thành Côn thì sao?
Ta nói: -Mối thù này không đội trời chung, ông ta không chết, thì tôi phải chết.
Ta ngừng lại một lát, nói tiếp: -Nhưng đại sư đã ra mặt, Tạ mỗ kính trọng đại
sư, từ giờ trở đi, chỉ đi kiếm Thành Côn hay người nhà y, quyết không kiếm
người ngoài không liên quan đến việc này nữa.
Không Kiến đại sư chắp tay đáp: -Thiện tai, thiện tai. Tạ cư sĩ có ý như thế, lão
nạp thay mặt võ lâm đồng đạo xin cảm tạ. Có điều lão nạp phát tâm hóa giải
trường oan nghiệt này, nay còn lại mười quyền, xin đánh nốt cho.
Ta trong bụng tính toán, chỉ còn cách dùng Thất Thương Quyền đánh cho ông
ta bị thương, có thế sư phụ ta mới xuất hiện. Được cái là quyền kình của Thất
Thương Quyền có thể thu phát theo ý muốn, ra tay có chuẩn mức, nên nói: –
Như thế thì đành đắc tội vậy. Quyền thứ tư ta đánh ra, lần này dùng quyền
kình Thất Thương Quyền. Quyền đánh trúng ngực, ngực ông ta hơi lõm vào,
nhưng lại tiến lên trước một bước.
Vô Kỵ nói: -Cái đó lạ thật, lần này vị lão hòa thượng không lùi lại mà lại tiến
lên.
Trương Thúy Sơn nói: -Cái đó có phải là thần công Kim Cương Bất Hoại Thể
của phái Thiếu Lâm chăng?
Tạ Tốn gật đầu: -Ngũ đệ kiến đa thức quảng, đoán không sai chút nào. Quyền
đó ta đánh ra, so với ba quyền trước khác nhau xa, trên thân thể ông ta sinh
ra một lực phản kích, khiến ta chấn động trên ngực dưới bụng, tưởng như
ruột gan đều đảo lộn hết. Ta biết rằng ông ta cực chẳng đã phải sử dụng đến
thần công đó, nếu không sẽ không đỡ nổi Thất Thương Quyền của ta. Ta đã
nghe danh Kim Cương Bất Hoại Thể thần công của phái Thiếu Lâm là một
trong năm đại thần công, lúc đó chính bản thân mình được lãnh giáo, quả
thực thật là ghê gớm. Vì thế quyền thứ năm ta hơi chuyển qua âm nhu, ông ta
chỉ tiến lên trước một bước, và luồng âm kình phản kích lại ta cũng dễ dàng
hóa giải à.
Vô Kỵ hỏi: -Nghĩa phụ, vị lão hòa thượng nói là sẽ không trả đòn, nhưng sao
còn đưa quyền kình của cha phản kích trở lại?
Tạ Tốn xoa đầu thằng bé, nói: -Ta đánh đến quyền thứ năm, Không Kiến đại
sư mới nói “Tạ cư sĩ, lão không ngờ uy lực của Thất Thương Quyền lại ghê
gớm đến thế, nếu như không vận nội công phản hồi chấn động, thì chắc hẳn
không thể nào chịu nổi”.
Ta nói: -Đại sư không ra tay đánh trả, tôi thật cảm kích cái thịnh tình sâu xa
đó?. Tiếp theo ta ra quyền như gió, quyền thứ sáu, thứ bảy, thứ tám, thứ chín
một hơi đánh bốn cái liền. Nhưng vị Không Kiến đại sư này quả thực bản lãnh
hơn người, cả bốn quyền đó đánh trúng vào người ông ta đều bị dội lại, cương
nhu phân minh, từng lớp từng lớp cái nào ra cái nấy.
Ta trong bụng quả thực kinh sợ, quát lên “Cẩn thận nhé! ”
Quyền thứ mười ta nhẹ nhàng đánh ra. Ông ta hơi gật đầu, không để cho
quyền trúng vào người, tiến lên hai bước, chỉ trong chớp mắt đó đã đi trước
một nước.
Vô Kỵ dĩ nhiên không hiểu hai bước đó có cái gì trong đó nhưng Trương Thúy
Sơn biết rõ khi cao thủ đối địch, chỉ cần biết trước đối thủ xuất chiêu, thì quả
thực rất là lợi thế, thông thường chỉ cần biết trước một chiêu cũng đã có thể
thắng rồi, nên gật đầu nói: -Không xong rồi, không xong rồi.
Tạ Tốn kể tiếp: -Quyền thứ mười đó ta chưa sử hết toàn lực, ông ta tiến lên
nên kình lực dội ngược lại trước, khiến ta phải lùi về hai bước. Tuy ta không
nhìn được sắc mặt mình thế nào, nhưng cũng tưởng tượng ra, chắc lúc đó
mặt ta phải trắng như tờ giấy, không còn một chút máu. Không Kiến đại sư từ
từ thở ra một hơi, nói: -Quyền thứ mười một cư sĩ đừng đánh vội, hãy nghỉ
một chút rồi hãy ra tay.
Ta tuy vạn phần yêu cường hiếu thắng, nhưng trong người trộn trạo, quyền
thứ mười một quả không thể nào đánh ra được.
Trương Thúy Sơn nghe tới đoạn này, trong lòng bồn chồn. Vô Kỵ đột nhiên nói:
-Nghĩa phụ, tất cả còn ba quyền nữa, cha không đánh nữa thì hơn.
Tạ Tốn hỏi: -Sao vậy?
Vô Kỵ đáp: -Vị lão hòa thượng đối xử thật tốt bụng, nếu cha đánh được ông
ta, trong lòng sẽ không yên, còn nếu để cho chính mình bị thương, thì cũng
không thích.
Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố hai người nhìn nhau, trong bụng nghĩ thầm con
mình tuy tuổi còn nhỏ, nhưng đã có kiến thức như thế, có thể nói không phải
dễ. Trương Thúy Sơn lại càng yên tâm, thấy Vô Kỵ tâm địa nhân hậu, đã biết
phân biệt đâu là phải đâu là trái.
Chỉ nghe Tạ Tốn thở dài một tiếng, nói: -Uổng cho ta sống đến mấy mươi tuổi,
lúc đó trí tuệ không bằng được đứa bé con. Lúc đó trong lòng ta đầy những ý
tưởng báo thù rửa hận, không tìm được sư phụ của ta, thì không chịu thôi,
nên biết rằng có đánh thêm nữa, một trong hai người phải có một người chết,
nhưng đâu có chịu suy nghĩ cho thấu đáo. Ta vận đủ kình lực, quyền thứ mười
một lại đánh ra. Kỳ đó ông ta khi tiến lên lại ưỡn người, quyền đó thay vì đánh
trúng ngực, nhưng vì ông ta ưỡn người nên quyền đánh trúng ngay phía bụng
trên. Ông ta chau mày, hiển nhiên rất là đau đớn. Ta hiểu ngay ý của nhà sư,
nếu như dùng ngực để đỡ quyền của ta, lực phản hồi quá lớn, sợ ta chịu
không nổi, còn bụng tuy phản lực nhẹ hơn, nhưng bản thân ông ta chịu lại
đau nhiều hơn.
Ta đứng ngơ ngẩn một hồi, nói: -Sư phụ của tôi tội nghiệt thâm trọng, có chết
cũng đáng, thân thể vàng ngọc của đại sư việc gì mà phải khổ sở chịu thay
ông ta tai ách này?
Chỉ thấy Không Kiến đại sư điều quân hô hấp, cười gượng nói: -Chỉ mong chịu
thêm hai quyền nữa, thế thế là hóa giải được cái kiếp nạn này.
Ta nghe ông ta nói hơi thở không được liên tục, đột nhiên nghĩ ra một điều
“Xem ra khi ông ta vận Kim Cương Bất Hoại Thể thần công thì không thể mở
miệng nói năng, sao ta không dụ cho ông ta nói, đột nhiên đánh ra một
quyền?” nên nói: -Nếu như trong mười ba quyền tôi đả thương được đại sư,
đại sư có bảo đảm là sư phụ tôi sẽ ra cho tôi gặp hay không?
Ông ta nói “Chính miệng ông ta nói với ta như thế!”
Ngay lúc đó, ta không đợi ông ta nói xong, vù một tiếng đánh ngay một quyền
vào bụng Không Kiến đại sư. Quyền đó thế đi thật nhanh, chỗ đánh lại thấp,
cốt để ông ta không kịp vận thần công hộ thể.
Nào ngờ Phật môn thần công, tùy tâm mà phát ra, quyền kình của ta tuy
trúng vào bụng, nhưng thần công của ông ta đã trải ra khắp mọi nơi. Ta chỉ
thấy trời xoay đất chuyển, tim phổi dường như vỡ nát, bị đẩy lui đến bảy tám
bước, lưng đụng vào một cái cây, mới đứng lại được.
Ta thấy thật thất vọng, ác niệm nảy sinh, nói: -Thôi rồi, thôi rồi. Mối thù này
thực khó mà trả được, Tạ Tốn này đâu còn gì mà sống trên thế gian này nữa.
Giơ tay lên, một chưởng nhằm ngay thiên linh cái đánh xuống.
Ân Tố Tố kêu lên: -Diệu kế, diệu kế.
Trương Thúy Sơn hỏi lại: -Vì sao?
Lập tức hiểu ngay, nói: -Ồ, dùng cách đó đối phó với một vị hữu đạo cao tăng,
chẳng độc ác quá ư?
Hóa ra chàng đã nghĩ đến, Tạ Tốn đánh xuống đỉnh đầu chính mình, Không
Kiến đại sư thể nào chẳng kêu ngừng lại, chạy tới cứu. Tạ Tốn thừa cơ nhà sư
không phòng bị, ra tay tấn công. Trương Thúy Sơn thông minh cơ cảnh chẳng
kém gì vợ, nhưng bình thời không bao giờ nghĩ tới những ý nghĩ gian trá, nên
suy nghĩ vì thế chậm hơn một bước.
Tạ Tốn buồn bã thở dài: -Ta đã lợi dụng tấm lòng tốt thương người của vị lão
hòa thượng, các em nghĩ không sai, ta giơ chưởng đánh ngay đỉnh đầu mình,
tuy có giấu ngụy kế bên trong nhưng cũng hết sức nguy hiểm. Nếu chưởng đó
đánh xuống xem không đủ mạnh, ông ta có thể thấy ngay chuyện giả trá, sẽ
không chạy tới ngăn lại. Mười ba quyền nay chỉ còn lại một quyền sau cùng,
Thất Thương Quyền tuy lợi hại, nhưng cũng đâu có phá nổi hộ thể thần công
của nhà sư? Nếu thế việc tìm kiếm sư phụ ta để báo thù coi như chấm dứt. Do
đó chưởng của ta xuống đầu quả thực dùng toàn lực đánh xuống, nếu như
ông ta không lại cứu, ta sẽ chính mình đánh vỡ sọ mình chết ngay, vì nếu
không trả được thù, cũng chẳng muốn sống làm gì.
Không Kiến đại sư thấy việc bất ngờ xảy ra, kêu lên “?Chớ có đánh, sao ngươi
lại?” lập tức lao mình tới, giơ tay chặn hữu chưởng của ta. Ngay lúc đó, tay trái
ta đánh ra, nghe bình một tiếng, đánh trúng ngay bụng của vị hòa thượng.
Quả nhiên lần này ông ta không một chút đề phòng, ngay cả ý nghĩ vận thần
công cũng không có. Cái thân thể máu thịt con người, làm sao chịu nổi một
quyền như thế? Lập tức nội tạng nát nhừ, ngã lăn xuống đất.
Ta đánh quyền đó xong, trước mắt thấy ông ấy không sao sống được, trong
lòng thiên lương nổi dậy, nằm phục xuống bên cạnh nhà sư khóc lóc, kêu lên:
-Không Kiến đại sư, Tạ Tốn này vong ân phụ nghĩa, thật không bằng con chó
con heo.
Trương Thúy Sơn cả nhà ba người lặng yên, nghĩ đến việc Tạ Tốn dùng ngụy
kế đánh chết một cao tăng hữu đức, trong lòng ai nấy đều không vui. Tạ Tốn
nói: -Không Kiến đại sư thấy ta khóc lóc, mỉm cười, an ủi ta rằng “Có ai không
chết đâu? Cư sĩ việc gì phải sầu đau như thế? Sư phụ của ngươi sắp đến đây
bây giờ, ngươi nên trấn định lại, đừng nên lỗ mãng”. Một lời của ông ấy khiến
ta tỉnh ngộ, mười ba quyền vừa rồi hao phí biết bao chân lực, trước mắt kẻ
địch tới nơi, đâu có thể khóc lóc làm tổn thương đến tinh thần? Thế là ta ngồi
xuống xếp bằng tọa công, quân điều nội tức. Nào ngờ sau một hồi lâu, vẫn
không thấy sư phụ ta đến. Ta trong lòng lạ lùng, nhìn Không Kiến đại sư dò
hỏi.
Khi đó hơi thở nhà sư đã yếu lắm rồi, thều thào nói “Đâu, đâu có ngờ y … y
không giữ lời! Không lẽ, không lẽ có ai ngăn trở y sao?”
Ta nổi giận, quát lên: -Ông lừa tôi, ông lừa tôi đánh chết ông, mà sư phụ tôi
không chịu ra cho tôi gặp.
Ông ta lắc đầu: -Ta không lừa dối ngươi đâu, đối với ngươi quả thật không
phải.
Ta trong cơn cuồng nộ, toan chửi mắng, bất chợt nghĩ ra: -Ông ta lừa ta đánh
ông ta chết thì đâu có lợi gì? Ta đánh chết ông ấy mà ông ấy còn ngỏ lời xin
lỗi.
Trong lòng thật hối hận, ta quỳ xuống bên cạnh vị hòa thượng khóc nói: -Đại
sư, ngài có tâm nguyện gì, tôi xin hết sức làm tròn.
Ông ta lại mỉm cười, nói: -Chỉ mong từ nay về sau, mỗi khi cư sĩ sắp sửa ra tay
giết người, nghĩ tới lão nạp một chút.
Vị cao tăng đó không những võ công tinh thâm, mà còn đại trí đại tuệ, biết rõ
con người ta lắm. Ông ta biết ta không thể nào dứt được lòng thù hận, thay
đổi để thành người tốt được, nên không có thể khuyên giải điều gì, chỉ còn
cách nói trắng ra là khi sắp giết người thì nghĩ đến ông ta. Ngũ đệ, hôm đó ở
trên thuyền ta cùng ngươi tỉ thí chưởng lực, sở dĩ ta không lấy mạng của
ngươi, cũng chính vì bất chợt nghĩ đến Không Kiến đại sư.
Trương Thúy Sơn không sao ngờ được tính mạng của mình lại do Không Kiến
đại sư cứu, trong lòng lại càng kính ngưỡng vị cao tăng này. Tạ Tốn thở dài: –
Hơi thở ông ta mỗi lúc một thêm yếu dần, tay ta để trên Linh Đài huyệt của
nhà sư, cố gắng dùng nội lực kéo dài tính mệnh lúc nào hay lúc nấy. Đột nhiên
ông hít mạnh một hơi, hỏi lại: -Sư phụ ngươi chưa đến ư?.
Ta đáp: -Chưa đến.
Ông ta nói: -Vậy thì y không đến rồi.
Ta nói: -Đại sư, xin ngài yên tâm, tôi từ nay không giết người bừa bãi nữa, gọi
ông ta ra đi. Dù tôi có phải đi khắp chân trời góc biển, cũng sẽ tìm ông ta cho
bằng được.
Ông ta nói: -Ôi, thế nhưng, võ công của ngươi chưa bằng được y đâu! trừ phi
… trừ phi …
Nói đến đây, tiếng của ông ta mỗi lúc một nhỏ, ta để sát tai vào miệng ông ấy,
mới nghe mấp máy “Trừ phi kiếm được thanh đao Đồ Long, tìm ra trong thanh
đao có gì bí”.
Ông ta nói đến chữ bí, hơi thở dứt luôn, không còn sống được nữa rồi.
Đến giờ phút này, vợ chồng Trương Thúy Sơn mới hiểu tại sao Tạ Tốn cố gắng
suy nghĩ để tìm cho ra cái bí mật trong thanh đao Đồ Long, vì sao bình thời
mềm mỏng lễ mạo, nhưng khi nổi cơn điên thì chẳng khác gì dã thú, vì sao
trên người mang tuyệt thế võ công, nhưng lúc nào cũng buồn rầu khổ sở?
Tạ Tốn nói: -Về sau ta nghe được tin tức của thanh đao Đồ Long, lên đảo
Vương Bàn Sơn đoạt lấy. Ngũ muội, lệnh tôn trước kia là bạn tri giao của ta,
thân thiết không biết chừng nào. Ưng Vương, Sư Vương tên tuổi cùng hàng
trên đời, đến sau lại trở mặt thành thù nghịch. Chuyện đó có những đầu dây
mối nhợ liên quan đến nhiều người khác, ta không thể nói cho hai em biết
được. Trước khi ta có được thanh đao, trăm phương nghìn kế đi kiếm cho bằng
được Thành Côn, thế nhưng sau khi được đao rồi lại sợ y kiếm được mình, cho
nên phải đi tìm một nơi thật kín đáo để từ từ kiếm cho ra bí mật trong thanh
đao. Vì sợ các ngươi tiết lộ hành tàng, nên mới phải cùng nhau đến đây.
Không ngờ thấm thoát đã mười năm, Tạ Tốn ơi là Tạ Tốn, mọi sự ngươi vẫn
chưa làm được gì?.
Trương Thúy Sơn nói: -Không Kiến đại sư khi sắp chết, có thể nói chưa hết
câu, ông ta nói:-“Trừ phi kiếm được thanh đao Đồ Long, tìm ra trong thanh
đao có gì bí” có thể có ý nghĩa khác không chừng.
Tạ Tốn nói: -Trong mười năm qua, mọi sự, mọi điều ta đã nghĩ đến cả rồi,
nhưng không có chuyện gì phù hợp với lời ông ta cả. Trong thanh đao nhất
định phải có cái gì bí mật, không còn nghi ngờ gì nữa. Thế nhưng ta đã hết
tâm hết sức, vẫn không tìm ra đầu mối.
Từ sau cuộc nói chuyện này, Tạ Tốn không đề cập gì đến việc đó nữa, nhưng
càng thúc ép Vô Kỵ luyện công, trở nên nghiêm nhặt dị thường. Vô Kỵ lúc này
bất quá mới chín tuổi đầu, tuy thông minh, nhưng trong một thời gian ngắn
làm sao lãnh hội được võ công trên đời hiếm có của Tạ Tốn được? Tạ Tốn lại
dạy cho nó cách chuyển hoán huyệt đạo, giải trừ các huyệt đạo bị đóng, là
công phu rất cao thâm trong võ học. Vô Kỵ đến huyệt đạo còn chưa nhận ra
được, lại không có căn cơ nội công, sao học cho nổi? Tạ Tốn vừa đánh vừa la
mắng, không cho thằng bé được nghỉ ngơi giây phút nào.
Ân Tố Tố thấy trên người con chỗ thì xanh, chỗ thì tím, thương thằng bé vô
hạn, nói với Tạ Tốn: -Đại ca, thần công của đại ca cái thế, trong vòng vài ba
năm, làm sao Vô Kỵ luyện thành cho được? Trên hoang đảo này thời giờ vô
hạn, sao đại ca không từ từ dạy cho cháu?
Tạ Tốn nói: -Hừ, từng chiêu từng thức một mà luyện thì biết bao giờ cho kịp?
Ta chỉ cần nó nhớ, sao nhớ kỹ được trong đầu là đủ.
Ân Tố Tố không hiểu nguyên do, nhưng biết vị đại ca này hành sự khác người,
mọi sự tùy mình mà làm. Thế nhưng khi thấy trên mình thằng bé lằn ngang
lằn dọc, chỉ còn nước ôm con vỗ về một hồi. Thế nhưng Vô Kỵ hiểu rõ nguyên
do, nói: -Mẹ ơi, nghĩa phụ muốn con giỏi, càng đánh nhiều thì càng nhớ kỹ đó.
Cứ như thế độ già nửa năm. Một buổi sáng sớm, Tạ Tốn bỗng nói: -Ngũ đệ,
ngũ muội, chỉ còn bốn tháng nữa gió sẽ chuyển sang hướng nam, bây giờ
mình chuẩn bị đóng bè là vừa.
Trương Thúy Sơn vừa mừng vừa sợ, hỏi lại: -Đại ca nói là đóng bè để về Trung
Thổ đấy ư?
Tạ Tốn lạnh lùng đáp: -Cái đó cũng còn để xem trời già có tốt bụng không, vì
“mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Thành công thì về được, còn không thì
vùi thây nơi biển cả.
Cứ như bản tâm Ân Tố Tố, ba người cứ ở trên cái hoang đảo này, tiêu dao tự
tại, việc gì phải mạo hiểm quay về làm gì, thế nhưng khi nghĩ đến Vô Kỵ lớn
lên làm sao lấy vợ sinh con, một đời mai một, nàng lại vui vẻ khởi công làm bè.
Trên đảo không thiếu gì cây cao cổ thụ, vì ở chốn lạnh lẽo, thớ gỗ thật bền
chắc, cứng như sắt đá. Tạ Tốn và Trương Thúy Sơn hì hục chặt cây, còn Ân Tố
Tố thì tết dây, dùng da thú may buồm, còn Vô Kỵ chạy qua chạy lại đưa tin.
Cũng may Tạ Tốn và Trương Thúy Sơn võ công tinh thâm, Ân Tố Tố cũng
không phải là loại phụ nữ chân yếu tay mềm, nhưng có điều không có dụng cụ
đầy đủ, thành thử việc làm bè mất nhiều công lao mà thành tựu không được
mấy.
Đến khi làm bè gần xong, Tạ Tốn bắt Vô Kỵ ở bên cạnh mình, tra hỏi sở học võ
công. Bấy giờ Trương Ân không còn tị hiềm mà phải tránh ra chỗ khác nữa,
nghe nghĩa phụ, nghĩa tử hai người một hỏi một đáp, toàn là khẩu quyết mà
thôi. Tạ Tốn thậm chí còn dạy cả đao pháp, kiếm pháp, nhưng cũng toàn bắt
Vô Kỵ nhớ thuộc lòng như kiểu đọc sách. Cái phương pháp “dạy võ mà như
học văn” này thật là lạ kỳ, không nửa lời giải thích, chẳng khác gì một ông
thầy đồ dở mùa dạy trẻ, bắt trẻ con đọc tụng “thi vân, tử viết” như cháo chảy.
Ân Tố Tố đứng bên nghe thấy, không khỏi thương thằng bé, nghĩ bụng không
cứ gì trẻ con, dù cho người lớn tinh thông võ học, cũng chưa chắc đã nhớ nổi
biết bao nhiêu chiêu thức, khẩu quyết, lại không thi diễn, chỉ nhớ xuông trong
đầu thì có ích lợi gì? Chẳng lẽ chỉ đọc vài câu khẩu quyết đã có thể thắng địch
hay sao? Huống chi Vô Kỵ chỉ đọc sai một chữ, lập tức Tạ Tốn giáng cho một
bạt tai ngay. Tuy y không sử nội kình, nhưng cũng đủ cho thằng bé sưng một
bên má cả nửa ngày trời.
Cái bè đó làm mất hơn hai tháng mới xong, dựng thêm cột buồm lớn, cột
buồm nhỏ lại mất thêm hơn nửa tháng nữa. Tiếp theo đi săn bắn, muối thịt,
may bao da chứa nước uống. Đến khi mọi việc đầy đủ thì ngày đã thật ngắn,
đêm lại thật dài, vậy mà gió vẫn chưa chuyển hướng.
Ba người làm một cái lều tranh ngay bên cạnh bờ bể để che cho cái bè, đợi gió
thổi về nam, là cho bè xuống nước. Lúc đó Tạ Tốn không rời Vô Kỵ một bước,
đến đêm ngủ, cũng bắt thằng bé ngủ với mình. Vợ chồng Trương Thúy Sơn
thấy đối với con mình vừa nghiêm khắc vừa thân thiết như thế, chỉ còn cách
nhìn nhau cười gượng.
Một đêm khuya, Trương Thúy Sơn nửa đêm tỉnh dậy, nghe thấy tiếng gió có
chiều khác lạ. Chàng ngồi dậy, thấy quả nhiên gió đã từ phương bắc thổi
xuống, vội lay Ân Tố Tố dậy, vui mừng nói: -Em nghe kìa!
Ân Tố Tố còn đang nửa tỉnh nửa mê chưa kịp trả lời, đã nghe tiếng Tạ Tốn từ
ngoài động nói vọng vào: -Chuyển sang gió bắc rồi, chuyển sang gió bắc rồi.
Trong giọng nói dường như có tiếng nghẹn ngào, thổn thức, trong đêm khuya
nghe thật thê lương, sầu khổ. Sáng hôm sau, vợ chồng Trương Thúy Sơn vui
vẻ không biết chừng nào, thu thập hành trang. Thế nhưng đã ở trên đảo này
mười năm trời, nay phải ra đi, lòng không khỏi bùi ngùi quyến luyến. Cho đến
khi mọi thứ đều chuyển lên trên bè xong thì đã chính ngọ, ba người hợp lực
đẩy bè xuống nước. Vô Kỵ là người nhảy lên bè trước tiên, kế đó là Ân Tố Tố.
Trương Thúy Sơn nắm tay Tạ Tốn, nói: -Đại ca, cái bè cách đây sáu thước, hai
người mình cùng nhảy lên nào.
Tạ Tốn nói: -Ngũ đệ, anh em mình từ nay vĩnh biệt, mong các em bảo trọng
lấy thân.
Trương Thúy Sơn bất giác giật mình, chẳng khác gì bị ai đánh một quyền trúng
ngực, kêu lên: -Đại ca … anh?
Tạ Tốn nói: -Ngũ đệ tâm địa nhân hậu, mong rằng phúc trạch thật dày, có
điều trái phải, thiện ác hơi cố chấp, nên cẩn thận. Vô Kỵ bụng dạ rộng rãi,
xem ra sau này hành sự xử thế, so với em sẽ dễ dàng hơn nhiều. Ngũ muội tuy
là phận nữ nhi, nhưng không chịu kém ai. Người mà ta lo hơn cả, chính là hiền
đệ đó.
Trương Thúy Sơn càng nghe càng kinh hoảng không tin nổi, run run nói: -Đại
ca nói sao? Đại ca không cùng? không cùng đi với gia đình tiểu đệ ư?
Tạ Tốn nói: -Mấy năm trước đây, ta đã từng nói với hiền đệ rồi, không lẽ ngươi
quên rồi ư?
Mấy câu đó lọt vào tai Trương Thúy Sơn chẳng khác gì tiếng sấm, bấy giờ mới
nhớ lại, hồi đó Tạ Tốn đã từng nói sẽ không rời hòn đảo này, nhưng về sau
không đề cập đến, Trương Ân hai người vì thế không để tâm. Ngay cả khi đóng
bè, Tạ Tốn cũng không hề lộ ra một tí gì dự định sẽ một mình ở lại, nào ngờ
đến phút khởi hành, bấy giờ mới nói ra. Trương Thúy Sơn vội nói: -Đại ca, một
mình đại ca ở đây tịch mịch thê lương có gì là vui thú, mau nhảy xuống bè đi.
Nói rồi tay sử kình, dùng sức lôi y lên. Nhưng thân hình Tạ Tốn chẳng khác gì
một cây đại thụ mọc rễ xuống đất, không hề lay chuyển. Trương Thúy Sơn kêu
lên: -Tố Tố, Vô Kỵ, mau lên trở lại đi. Đại ca nói là không đi với mình đâu.
Ân Tố Tố và Vô Kỵ nghe nói thế đều giật mình kinh hãi, cùng nhảy lên bờ. Vô
Kỵ nói: -Nghĩa phụ, sao cha không đi? Cha không đi con cũng không đi.
Tuy trong lòng Tạ Tốn không muốn rời ba người chút nào, vì đã ra đi là quyết
không bao giờ có dịp gặp lại, còn y sẽ lênh đênh cô khổ trên hoang đảo, thực
là sống mà như chết. Thế nhưng y với Trương Thúy Sơn, Ân Tố Tố ba người
kết nghĩa kim lan, y lo lắng cho hai người còn hơn đối với bản thân nữa. Đối
với đứa con nuôi Vô Kỵ, y yêu nó còn hơn con ruột. Tạ Tốn suy nghĩ lâu nay,
biết mình có nợ máu với nhiều người, trên giang hồ bất luận là danh môn
chính phái hay lục lâm hắc đạo, không biết bao nhiêu người muốn giết y,
huống chi thanh đao Đồ Long lại ở trong tay, việc đó khó mà không tiết lộ ra
ngoài. Giá như ngày xưa, y hiên ngang nào có sợ gì ai, nhưng bây giờ hai mắt
đã mù, quyết không sao chống đỡ nổi một số đông kẻ thù cùng vi công, mà
Trương Ân hai người ắt chẳng có thể thõng tay không can thiệp, cho nên nếu
như tranh chấp xảy ra, dù mình chết đi thì cả bọn cũng không một ai sống sót.
Nếu như trở về đại lục, e rằng bốn người không sống được quá nửa năm, một
năm. Thế nhưng những suy nghĩ đó y không thể nói trước cho hai người biết,
nên đành đợi đến phút cuối cùng mới nói ra cái ý định sẽ ở lại.
Y nghe Vô Kỵ nói mấy lời thật chân tình, nên bồng nó lên, dịu dàng nói: -Vô
Kỵ, con ơi, con nghe nghĩa phụ nói. Nghĩa phụ năm nay tuổi đã cao rồi, mắt lại
mù, ở đây thật là sung sướng, về lại Trung Nguyên e rằng mọi nơi mọi chốn
đều không quen, hóa ra lại không khoái hoạt.
Vô Kỵ nói: -Về đến Trung Nguyên rồi, hài nhi ngày ngày hầu hạ cha, không rời
cha nửa bước. Cha muốn ăn gì uống gì, con đem tới ngay, thì cũng chẳng
khác gì ở đây sao?
Tạ Tốn lắc đầu đáp: -Không được đâu. Ta thích ở đây hơn.
Vô Kỵ nói: -Con cũng thích ở đây nữa. Cha, mẹ, hay tất cả đừng đi nữa, ở đây
tốt hơn.
Ân Tố Tố nói: -Đại ca có điều gì lo lắng, xin nói rõ ra. Tất cả bọn mình cùng
thương lượng tính toán. Còn để đại ca một mình ở đây thì không thể được.
Thắm thoát mười năm qua,
Tha hương nay về nhà.
Oán ân đâu đà dứt,
Huynh đệ nay đành xa.
Tạ Tốn nghĩ thầm: -Ba người này đối với ta tình sâu nghĩa nặng, nếu nói họ bỏ
ta mà đi thì e có nói đến rã lưỡi, cũng không xong. Nhưng mình phải tìm cách
nào bắt họ phải đi bây giờ.
Trương Thúy Sơn bỗng nói: -Đại ca, đại ca sợ kẻ thù quá nhiều, làm liên lụy
đến chúng tôi, phải không? Bốn người mình về đến Trung Nguyên rồi, kiếm
chỗ hoang vắng nào đó mà sống, không để cho người ngoài lai vãng, như thế
không còn lo gì nữa. Tốt nhất là tất cả mình lên núi Võ Đương ở, ai mà nghĩ
rằng Kim Mao Sư Vương lại ở trên đó.
Tạ Tốn kiêu ngạo đáp: -Hứ, đại ca của ngươi tuy chẳng bằng, nhưng cũng đâu
đến nỗi phải dưới mái của tôn sư Trương chân nhân che chở.
Trương Thúy Sơn hối hận mình đã lỡ lời, vội nói: -Võ công đại ca cũng đâu kém
gì sư phụ của đệ, nào có cần phải che chở. Hồi Cương, Tây Tạng, hay miền sa
mạc cực bắc, nơi đâu mà chẳng có chỗ cho bốn người mình tự tại tiêu dao?
Tạ Tốn lắc đầu: -Nếu tìm nơi hoang tích để ở, trên thiên hạ còn có chỗ nào
hơn chính nơi đây? Các ngươi có đi hay không thì bảo?
Trương Thúy Sơn nói: -Đại ca không đi, ba người chúng tôi cũng nhất quyết
không đi.
Ân Tố Tố và Vô Kỵ cùng nói: -Nếu ông không đi, mọi người chúng ta đều ở lại.
Tạ Tốn thở dài: -Được rồi, tất cả đều ở lại. Đợi khi nào ta chết rồi, các ngươi
hãy đi cũng chưa muộn.
Trương Thúy Sơn nói: -Đúng thế, mình đã ở đây mười năm rồi, đâu có gấp gáp
gì.
Tạ Tốn lớn tiếng quát: -Sau khi ta chết đi, các ngươi chắc không còn gì lưu
luyến, phải không?
Ba người còn đang ngạc nhiên, thấy y đưa tay ra, soạt một tiếng, rút phắt
thanh đao Đồ Long, đưa lên cổ cắt ngang. Trương Thúy Sơn kinh hãi, kêu lên:
-Đừng cắt trúng Vô Kỵ.
Chàng biết với võ công của mình, không thể nào cản trở nghĩa huynh hoành
đao tự tận, trong cơn nguy cấp kêu y đừng cắt trúng Vô Kỵ. Tạ Tốn quả nhiên
khựng lại, thu đao, quát: -Cái gì?
Trương Thúy Sơn thấy y cương quyết như thế, nghẹn ngào nói: -Đại ca nếu
quyết ý như thế, tiểu đệ đành phải bái biệt.
Nói rồi quì xuống lạy mấy lạy. Vô Kỵ lớn tiếng nói: -Nghĩa phụ không đi, con
cũng không đi. Nghĩa phụ tự tận, con cũng tự tận. Đại trượng phu nói sao làm
vậy, cha vung đao cứa cổ, con cũng vung đao cứa cổ.
Tạ Tốn quát lên: -Trẻ con chỉ nói bậy nói bạ.
Nói rồi nắm cổ thằng bé, cầm nó ném lên trên bè, liền theo hai tay chụp
Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố vứt theo, lớn tiếng nói: -Ngũ đệ, ngũ muội, Vô
Kỵ, lên đường thuận gió, mong các người bình an, sớm về Trung Thổ.
Lại nói: -Vô Kỵ, khi con về đến Trung Thổ rồi, nên tự xưng là Trương Vô Kỵ, ba
chữ “Tạ Vô Kỵ” chỉ nên để trong bụng, tuyệt đối đừng có nói ra.
Vô Kỵ khóc òa lên: -Nghĩa phụ, nghĩa phụ.
Tạ Tốn vung đao lên dọa: -Các ngươi mà còn lên bờ, thì tình nghĩa từ đây
đoạn tuyệt.
Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố thấy nghĩa huynh tâm ý kiên quyết, không thể
nào đổi được, chỉ còn nước gạt lệ giơ tay từ biệt. Bấy giờ hải lưu lay động bè
gỗ, từ từ trôi ra, thấy hình bóng Tạ Tốn mờ dần, từ từ nhỏ lại. Một lúc thật lâu
sau, mãi đến khi không còn thấy thân hình y, ba người mới quay đầu lại. Vô Kỵ
nằm phục trong lòng mẹ, khóc đến khi hết hơi, rồi ngủ thiếp đi.
Chiếc bè trôi trên biển, quả nhiên từ đó đều là gió bắc, thổi chiếc bè về
phương nam. Trong biển cả mênh mông, không nhận biết phương hướng,
nhưng thấy mỗi ngày mặt trời mọc ở phía bên trái, lặn ở phía bên phải, còn
đến đêm vì sao Bắc Đẩu lấp lánh phía sau, và chiếc bè vẫn không ngừng di
động, nên biết rằng họ mỗi ngày một gần Trung Nguyên.
Trong hai mươi ngày đầu, Trương Thúy Sơn còn sợ chiếc bè va phải băng sơn,
nên chỉ giương nửa chiếc buồm nhỏ ở cột buồm phụ, đi tuy có chậm thật
nhưng an toàn, dù có đụng phải băng sơn, cũng chỉ chao đảo, rồi lại dạt ra.
Đến khi đã ra khỏi vùng băng sơn rồi, họ mới giương tất cả buồm lên.
Gió bắc ngày đêm không chuyển hướng, chiếc bè trôi mỗi lúc một nhanh, cũng
may trên đường không gặp gió bão, xem ra việc về được cố hương hi vọng có
đến bảy, tám phần. Suốt thời gian đó, Trương Ân hai người sợ Vô Kỵ thương
tâm, nên không nói đến chuyện Tạ Tốn. Trương Thúy Sơn nghĩ thầm: -Võ công
đại ca truyền cho Vô Kỵ, có dùng được hay không, cũng khó mà nói. Vô Kỵ về
đến Trung Thổ rồi, thể nào cũng gia nhập phái Võ Đương của ta?. Ở trên chiếc
bè, ngày dài không biết làm gì, chàng bèn truyền lại cho con các công phu
nhập môn về quyền pháp, chưởng pháp. Phương pháp chàng dạy so với Tạ
Tốn cao minh hơn nhiều, căn bản phái Võ Đương lại không khó, chỉ cần giảng
vài lần, chỉ điểm thêm một chút, Vô Kỵ liền học được ngay. Hai cha con ở trên
chiếc bè sách chiêu tập dợt.
Hôm đó Ân Tố Tố thấy mặt biển sóng êm, chiếc bè căng gió xuôi nam, không
nhịn nổi nói: -Đại ca không những võ công tinh thâm, lại tính toán thiên thời
địa lợi đều chính xác, quả là kỳ tài.
Vô Kỵ đột nhiên nói: -Nếu cứ nửa năm gió thổi về nam, nửa năm gió thổi về
bắc, sang năm mình quay lại Băng Hỏa đảo thăm nghĩa phụ.
Trương Thúy Sơn vui mừng nói: -Vô Kỵ nói phải lắm, đợi khi nào con lớn rồi, cả
nhà mình lại lên phương bắc?
Ân Tố Tố đột nhiên chỉ về phương nam, kêu lên: -Cái gì thế kia?
Chỉ thấy nơi mặt biển xa xa tít tận chân trời có hai điểm đen. Trương Thúy Sơn
giật mình kinh hãi, nói: -Liệu có phải cá voi chăng? Nếu nó đến húc vào bè thì
nguy mất.
Ân Tố Tố nhìn một hồi, nói: -Không phải cá voi đâu, đâu có thấy phun nước.
Ba người chăm chăm nhìn hai điểm đen đó, mãi đến hơn một giờ sau, Trương
Thúy Sơn vui mừng kêu lên: -Thuyền đó, thuyền đó.
Chàng cao hứng nhảy tung người lên, lộn một vòng. Chàng từ khi sinh được
Vô Kỵ, lúc nào cũng tất bật, chưa bao giờ có dịp hành động một cách trẻ con
như thế. Vô Kỵ cười khanh khách, bắt chước cha, cũng lộn tùng phèo hai
vòng.
Lại thêm hơn một giờ nữa, dưới ánh mặt trời xiên xiên, nhìn rõ ràng là hai
chiếc thuyền lớn. Ân Tố Tố bỗng nhiên run run, sắc mặt đại biến. Vô Kỵ lạ lùng
hỏi: -Mẹ, mẹ sao thế?
Ân Tố Tố môi mấp máy, nhưng không nói được nên lời. Trương Thúy Sơn nắm
lấy tay nàng, mặt đầy vẻ quan tâm. Ân Tố Tố thở dài nói: -Vừa về đến đã gặp
ngay rồi.
Trương Thúy Sơn nói: -Cái gì?
Ân Tố Tố nói: -Chàng thử nhìn cánh buồm kia.
Trương Thúy Sơn nheo mắt nhìn kỹ, thấy chiếc thuyền lớn bên trái, trên buồm
có vẽ một con chim ưng lớn màu đen, giang rộng hai cánh, hình thù uy mãnh,
nhớ đến trên Vương Bàn Sơn đảo năm nào nhìn thấy trên đại kỳ của Thiên
Ưng giáo, trong lòng chấn động, nói: -Đó? đó là Thiên Ưng giáo?
Ân Tố Tố cúi đầu đáp: -Đúng rồi, chính là Thiên Ưng giáo của cha em.
Ngay lúc đó, trong đầu Trương Thúy Sơn nổi lên biết bao ý niệm: -Cha của Tố
Tố chính là giáo chủ Thiên Ưng giáo, tà giáo này xem ra không việc ác gì
không làm, khi ta gặp nhạc phụ phải tính sao đây? Ân sư đối với việc hôn nhân
của ta sẽ nói như thế nào?
Chàng thấy bàn tay nhỏ nhắn của Ân Tố Tố trong tay mình run rẩy, biết rằng
trong lòng nàng cũng có biết bao tâm sự, liền nói: -Tố Tố, con của mình cũng
đã lớn rồi. Trên trời dưới đất, nhất quyết không bao giờ xa nhau. Em còn sợ gì
nữa?
Ân Tố Tố thở phào một hơi, liếc chàng mỉm cười, nói nhỏ: -Chỉ cầu em không
làm cho anh phải khó khăn, mong có gì anh nghĩ đến Vô Kỵ.
Vô Kỵ trước nay chưa nhìn thấy thuyền bao giờ, nay thấy lạ nên chăm chăm
nhìn hai chiếc thuyền, không nghe cha mẹ nói gì cả. Chiếc bè trôi mỗi lúc một
gần, thấy hai chiếc thuyền kia đậu gần sát nhau, tưởng như ở cùng một chỗ.
Nếu phương hướng không đổi, chiếc bè sẽ trôi đến cách chỗ giao thoa của hai
chiếc thuyền kia chừng vài chục trượng thôi.
Trương Thúy Sơn hỏi: -Em có muốn gọi người trên thuyền không? Hỏi thăm tin
tức cha em xem thế nào?
Ân Tố Tố nói: -Thôi đừng gọi, để về đến Trung Nguyên rồi, em sẽ đưa anh và
Vô Kỵ đến thăm gia gia.
Trương Thúy Sơn nói: -Ừ, thế cũng được.
Bỗng chàng thấy trên chiếc thuyền kia có ánh đao lấp loáng, dường như có
bốn năm người đang giao đấu nên nói: -Người trên hai chiếc thuyền này đang
động thủ.
Ân Tố Tố chăm chú nhìn một hồi, có vẻ hơi lo, nói: -Không biết cha em có trên
thuyền này không?
Trương Thúy Sơn nói: -Nếu có ở trên đó, bọn mình nên đến xem sao.
Chàng kéo nghiêng buồm, bẻ tay lái phía sau, chiếc bè nghiêng qua bên trái,
chầm chậm trôi về hướng hai chiếc thuyền.
Tuy buồm trên chiếc bè căng gió nhưng trôi cũng rất chậm, phải mất nửa ngày
mới đến gần hai chiếc thuyền. Bỗng nghe từ trên chiếc thuyền của Thiên Ưng
giáo có người lớn tiếng nói: -Có việc làm ăn đứng đắn, người ngoài không liên
quan gì xin tránh ra nơi khác.
Ân Tố Tố kêu lên: -Nhật nguyệt quang chiếu, thiên ưng triển xí, thánh diễm
hùng hùng, phổ huệ thế nhân[3]. Đây là đường chủ của tổng đà. Trên đó đàn
nào nổi lửa đốt hương đó?
Câu nàng nói là mật ngữ của Thiên Ưng giáo. Người trên thuyền lập tức cung
kính đáp lại: -Thiên Thị Đường Lý đường chủ tất lãnh Thanh Long Đàn Trình
đàn chủ, Thần Xà Đàn Phong đàn chủ ở trên này. Có phải Thiên Vi Đường Ân
đường chủ giá lâm đấy không?
Ân Tố Tố đáp: -Tử Vi Đường Đường chủ đây.
Người trên thuyền đó nghe thấy năm chữ “Tử Vi Đường Đường chủ”, lập tức
náo loạn cả lên. Một lát sau, hơn một chục người cùng kêu lên: -Ân cô nương
về rồi, Ân cô nương về rồi.
Trương Thúy Sơn cùng Ân Tố Tố thành hôn đã mười năm, trước nay chưa hề
hỏi vợ về việc bên trong Thiên Ưng giáo, cũng không nghe nàng nói chuyện
bao giờ, bây giờ nghe hai bên đối đáp, mới biết vợ mình là “Tử Vi Đường
Đường chủ” chi đó, xem ra đường chủ quyền vị còn cao hơn đàn chủ.
Khi chàng ở trên đảo Vương Bàn Sơn, đã chứng kiến tài năng của hai vị đàn
chủ Huyền Võ Đàn, Chu Tước Đàn. Nếu cứ võ công mà luận họ đều giỏi hơn
Ân Tố Tố, nhưng nàng được giữ địa vị đường chủ, chẳng qua chỉ vì là con gái
của giáo chủ. Xem như thế, vị Lý đường chủ của Thiên Thị Đường này, ắt phải
là một nhân vật cực kỳ lợi hại.
Bỗng nghe từ phía thuyền bên kia, một giọng già nua cất lên: -Nghe nói thiên
kim của giáo chủ tệ giáo là Ân cô nương đã trở về, tất cả tạm thời ngừng đấu,
được chăng?
Kế đó có tiếng một người vang vang nói: -Được, mọi người ngừng tay.
Sau đó tiếng binh khí chạm nhau đều im bặt, những người đang giao đấu lập
tức giãn ra hai bên.
Trương Thúy Sơn nghe thấy tiếng người trầm hùng kia rất quen thuộc, liền
sững người, kêu lên: -Có phải Du Liên Châu Du sư ca đấy không?
Người trên thuyền nghe hỏi liền đáp: -Ta chính là Du Liên Châu? ồ? ồ? ngươi?
ngươi?
Trương Thúy Sơn nói: -Tiểu đệ Trương Thúy Sơn đây.
Chàng tâm tình kích động, thấy chiếc bè còn cách xa hai chiếc thuyền đến
mấy trượng, liền nhặt một khúc gỗ, vận kình ném ra, tiếp theo thân hình nhảy
tới, đạp vào khúc gỗ mượn sức, nhảy lên đầu thuyền kia.
Du Liên Châu vượt lên trên, sư huynh sư đệ xa nhau mười năm, không biết
mất hay còn, sống hay chết, lần này gặp lại, vui mừng biết mấy. Bốn bàn tay
nắm chặt, người thì kêu “Nhị ca”, người thì gọi “Ngũ đệ”, cả hai nước mắt
rưng rưng, không nói nên lời.
Phía bên kia nghênh tiếp Ân Tố Tố xem ra có vẻ rầm rộ hơn. Tám chiếc tù và
bằng ốc biển cùng thổi u u, Lý đường chủ đứng trên cùng, Phong Trình hai
đàn chủ đứng sau lưng Lý đường chủ, sau cùng là khoảng một trăm giáo
chúng. Từ bè lên thuyền có bắc ván cầu, lại thêm bảy tám tên giáo chúng
thủy thủ dùng sào dài móc chặt chiếc bè lại. Ân Tố Tố dắt tay Vô Kỵ theo ván
gỗ đi lên thuyền.
Giáo chủ Bạch Mi Ưng Vương Ân Thiên Chính chia Thiên Ưng giáo ra thành nội
tam đường, ngoại ngũ đàn, cai quản tất cả giáo chúng. Nội tam đường gồm có
Thiên Vi, Tử Vi, Thiên Thị, còn ngoại ngũ đàn có Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền
Võ, Chu Tước, Thần Xà năm đàn. Thiên Vi Đường đường chủ là Ân Dã Vương,
con trai lớn của Ân Thiên Chính. Tử Vi Đường đường chủ là Ân Tố Tố, còn
Thiên Thị Đường đường chủ là Lý Thiên Viên, sư đệ của Ân Thiên Chính.
Lý Thiên Viên thấy Ân Tố Tố áo quần lam lũ, chỗ thì bằng da, chỗ thì lông thú,
tay lại dắt một đứa bé con, không khỏi ngạc nhiên, nhưng vẻ mặt đổi ngay
thành vui mừng, cười nói: -Tạ trời tạ đất, cháu đã về, mười năm qua cha cháu
khắc khoải không biết bao nhiêu mà kể.
Ân Tố Tố vái lạy, nói: -Sư thúc vẫn khỏe chứ?
Nàng quay qua Vô Kỵ nói: -Mau khấu đầu trước sư thúc tổ đi con.
Vô Kỵ quì xuống khấu đầu, đôi mắt đen láy chăm chăm nhìn Lý Thiên Viên.
Thằng nhỏ thấy trên thuyền có rất đông người, không khỏi lạ lùng. Ân Tố Tố
đứng dậy, nói: -Sư thúc, đây là con của điệt nữ, cháu tên Vô Kỵ.
Lý Thiên Viên kinh ngạc, nhưng lập tức cười ha hả, nói: -Tốt lắm, tốt lắm, cha
cháu chắc sướng điên người, không những con gái trở về, lại còn mang theo
một đứa cháu ngoại tuấn tú thế này.
Ân Tố Tố thấy trên sàn thuyền hai bên đều có mấy tử thi, các nơi máu me
vương vãi, hạ giọng hỏi: -Đối phương là ai? Vì sao động võ.
Lý Thiên Viên nói: -Là người của phái Võ Đương và phái Côn Lôn.
Ân Tố Tố đã nghe trượng phu gọi “Du sư ca” rồi nhảy lên thuyền phía bên kia,
cùng một người ôm nhau, nên đã biết đối phương có phái Võ Đương trong đó,
bây giờ nghe Lý Thiên Viên trình bày, liền nói: -Tốt nhất là đừng động thủ, hóa
giải được thì nên hóa giải.
Lý Thiên Viên đáp: -Ừ.
Ông ta tuy là sư thúc, nhưng trong Thiên Ưng giáo, Thiên Thị Đường là chót
hết trong ba nội đường, xếp sau Tử Vi Đường. Nếu luận theo sư môn, Lý Thiên
Viên là vai trên, nhưng khi giải quyết giáo vụ thì quyền vị của Ân Tố Tố lại cao
hơn sư thúc.
Bỗng nghe Trương Thúy Sơn từ thuyền phía bên kia gọi: -Tố Tố, Vô Kỵ, qua
bên này để chào sư ca của ta.
Ân Tố Tố liền dắt tay Vô Kỵ, đi qua bên thuyền kia. Lý Thiên Viên và Trình,
Phong hai đàn chủ sợ có điều gì thất thố, lập tức nối gót.
Qua đến thuyền bên kia, thấy trên sàn thuyền có bảy tám người, một người
cao gầy chừng bốn mươi đứng nắm tay Trương Thúy Sơn, thần thái cực kỳ
thân mật. Trương Thúy Sơn nói: -Tố Tố, vị này là người mà anh hay nhắc đến,
Du nhị sư ca. Nhị ca, đây là vợ của em và đây là cháu Vô Kỵ.
Du Liên Châu và Lý Thiên Viên nghe thấy, hai người đều giật mình kinh ngạc.
Thiên Ưng giáo và phái Võ Đương hai bên đang ác đấu, nào ngờ mỗi bên lại có
một nhân vật trọng yếu kết thành vợ chồng, không chỉ là vợ chồng, lại còn có
một đứa con.
Du Liên Châu biết rằng nguyên ủy bên trong có nhiều khúc mắc, không thể
bỗng chốc mà nói cho rõ được, nên trước hết đưa Trương Thúy Sơn giới thiệu
với những người khác trên thuyền. Đạo nhân vừa lùn vừa mập, đội mũ vàng là
Tây Hoa Tử của phái Côn Lôn, còn người đàn bà trung niên là sư muội của Tây
Hoa Tử, Thiểm Điện Thủ Vệ Tứ Nương, trên giang hồ sau lưng vẫn gọi lén là
Thiểm Điện Nương Nương. Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố đã từng nghe qua
tên hai người rồi. Những người khác cũng đều là hảo thủ của phái Côn Lôn,
nhưng không nổi danh như Tây Hoa Tử và Vệ Tứ Nương. Gã Tây Hoa Tử tuy
tuổi tác không còn trẻ, nhưng không chút nào hàm dưỡng, vừa mở miệng là
hỏi ngay: -Trương ngũ hiệp, tên ác tặc Tạ Tốn nay ở đâu? Ngũ hiệp có biết
không?
Trương Thúy Sơn chưa về đến Trung Thổ, đang còn trên biển cả mênh mang,
đã gặp phải hai điều khó khăn: thứ nhất bản môn đang cùng Thiên Ưng giáo
động thủ; thứ hai vừa gặp ai cũng hỏi tung tích Tạ Tốn ở đâu. Chàng nhất
thời không biết phải trả lời thế nào cho phải, quay sang Du Liên Châu hỏi: -Nhị
ca, nguyên do chuyện này dầu đuôi như thế nào?
Tây Hoa Tử thấy Trương Thúy Sơn không trả lời câu hỏi của mình, tính hung
hăng nóng nảy nổi lên, lớn tiếng nói: -Ngươi không nghe ta nói gì sao? Tên ác
tặc Tạ Tốn ở chỗ nào?
Y nơi phái Côn Lôn vai vế thật cao, võ công lại giỏi, xưa nay đã quen hống
hách. Phong đàn chủ của Thần Xà Đàn phía Thiên Ưng giáo là người âm hiểm,
khi động thủ, có hai tên đệ tử thủ hạ bị chết dưới kiếm của Tây Hoa Tử, nên
rất căm ghét y, lúc này liền lạnh lùng cười khẩy: -Trương ngũ hiệp là ái tế của
bản giáo giáo chủ, ngươi ăn nói nên nể nang một chút.
Tây Hoa Tử nổi giận quát lên: -Yêu nữ của tà giáo, làm sao sánh duyên với đệ
tử danh môn chính phái được? Vụ hôn phối này, bên trong hẳn có gì tráo trở.
Phong đàn chủ cười nhạt nói: -Ân giáo chủ của bọn ta đã có cháu ngoại rồi,
ngươi nói năng nhăng cuội cái gì nữa?
Tây Hoa Tử tức giận nói: -Con yêu nữ?
Vệ Tứ Nương đã nhìn thấy dụng tâm của Phong đàn chủ, biết y muốn chọc
cho hai phái Côn Lôn, Võ Đương hiềm khích, lại vừa lấy lòng Trương Thúy Sơn
và Ân Tố Tố, biết Tây Hoa Tử càng nói càng phun ra những lời khó nghe, nên
nói: -Sư huynh, việc gì phải đôi co những lời vô vị với họ, tất cả chúng ta nên
nghe Du nhị hiệp phân bày.
Du Liên Châu nhìn Trương Thúy Sơn, rồi nhìn Ân Tố Tố, trong lòng có biết bao
nhiêu câu hỏi, nên nói: -Tất cả chúng ta nên vào thuyền để bàn chuyện lâu
dài, những anh em chết hay bị thương của cả hai bên, nên chữa trị trước.
Bấy giờ Thiên Ưng giáo là khách, mà quyền vị tối cao là Tử Vi Đường đường
chủ Ân Tố Tố. Nàng dắt tay Vô Kỵ đi đầu tiên, kế đó là Lý Thiên Viên. Khi
Phong đàn chủ bước lên khoang thuyền, bỗng thấy có một làn gió nhẹ đánh
vào ngang lưng, y là người kinh lịch phong phú, biết ngay là Tây Hoa Tử đánh
lén, nhưng không đưa tay đỡ, chỉ nhào về phía trước, kêu lên: -Ối chà, đánh
người hả?
Việc đó khiến cho chiêu “Tam Âm Thủ” của Tây Hoa Tử bị hụt ra ngoài, nhưng
vì Phong đàn chủ kêu lên, mọi người đều quay lại nhìn hai người. Vệ Tứ Nương
trừng mắt nhìn sư huynh, khuôn mặt tía của Tây Hoa Tử giờ đây có ẩn sắc
hồng. Ai cũng biết rằng khi đã lên trên thuyền này, cả bọn Phong đàn chủ đều
là khách, cái trò thâu tập của Tây Hoa Tử, thật quả mất đi cái thân phận cao
thủ trong danh môn chính phái.
Hai bên phân chủ khách ngồi xuống. Ân Tố Tố là thủ tịch của phe khách, Vô
Kỵ đứng bên cạnh mẹ. Phe chủ thì Du Liên Châu đứng đầu, chàng chỉ một cái
ghế bên dưới Vệ Tứ Nương nói: -Ngũ đệ, em ngồi ở đây.
Trương Thúy Sơn đáp “Vâng” theo lời ngồi xuống. Như thế hai vợ chồng
Trương Ân thành ra hai bên chủ khách, vào thế đối nghịch với nhau.
Trong mười năm qua, Du Đại Nham bị thương không ra ngoài được, Trương
Thúy Sơn thất tung, sống chết không ai biết, còn lại Võ Đương ngũ hiệp danh
tiếng nổi hơn nhiều. Tống Viễn Kiều, Du Liên Châu tuy chỉ là đệ tử đời thứ hai
trong phái Võ Đương nhưng trong võ lâm, nghiễm nhiên ngang hàng với
những cao tăng của phái Thiếu Lâm. Trên giang hồ đối với Võ Đương ngũ hiệp
hết sức kính trọng, vì thế Tây Hoa Tử, Vệ Tứ Nương phải nhường chàng vai
thủ tịch.
Du Liên Châu trong bụng tính thầm “Ngũ đệ mất tích mười năm, hóa ra đã
cùng với con gái của giáo chủ Thiên Ưng giáo kết thành vợ chồng, nếu bây giờ
trước mặt mọi người tra hỏi, thể nào y cũng có những điều khó nói”. Chàng
bèn lớn tiếng nói: -Chúng ta bao gồm Thiếu Lâm, Côn Lôn, Nga Mi, Không
Động, Võ Đương tất cả năm môn phái, cùng Thần Quyền, Ngũ Phượng Đao
chín môn, Hải Sa, Cự Kình bảy bang, tổng cộng hai mươi mốt môn phái bang
hội, vì việc truy tầm Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn, Thiên Ưng giáo Ân cô nương,
luôn cả sư đệ Trương Thúy Sơn của tệ phái nên không may có sự hiểu lầm với
Thiên Ưng giáo, hai bên đều có người chết, mười năm qua võ lâm chẳng được
yên?
Nói tới đây, chàng ngừng lại một chút, rồi tiếp: -Thật may Ân cô nương và
Trương ngũ đệ đột nhiên ra mặt, biết bao chuyện nghi nan trong quá khứ
chưa giải được, chắc sẽ minh bạch. Thế nhưng mười năm qua, mọi việc quá
nhiều đầu dây mối nhợ, không thể nào một lúc mà nói cho rõ hết. Cứ như ý
kiến tại hạ, tất cả chúng ta nên quay về đại lục, nhờ Ân cô nương bẩm minh
giáo chủ, tệ sư đệ cũng về núi Võ Đương trình với gia sư, sau đó hai bên sẽ
cùng chọn nơi hội họp, phân biện đâu là phải đâu là trái, chỗ nào ngay chỗ
nào cong, nếu từ đó có thể biến thù thành bạn, thì thật là tốt đẹp?
Tây Hoa Tử đột nhiên xen vào: -Tên ác tặc Tạ Tốn ở đâu? Chúng ta muốn tìm
tên ác tặc Tạ Tốn?
Trương Thúy Sơn nghe nói vì việc tìm kiếm ba người mình mà hai mươi hai
môn phái trong võ lâm trung nguyên phải đại động can qua, mười năm đánh
nhau, chết chóc hẳn đã nhiều lắm, trong lòng thật áy náy. Tai chàng nghe Tây
Hoa Tử luôn mồm hỏi chỗ ở của Tạ Tốn, khiến lại càng khó xử. Nếu nói thẳng
ra, sẽ không biết bao nhiêu cao thủ võ lâm đi đến Băng Hỏa đảo kiếm Tạ Tốn
báo thù, còn nếu không nói, thì làm sao có thể giấu được? Chàng còn đang
nghĩ ngợi, Ân Tố Tố đột nhiên nói: -Kẻ vô ác bất tác, giết người như ngóe Tạ
Tốn kia, chín năm trước đã chết rồi.
Du Liên Châu, Tây Hoa Tử, Vệ Tứ Nương cả bọn đồng thanh kinh ngạc kêu
lên: -Tạ Tốn chết rồi ư?
Ân Tố Tố nói: -Ngay hôm tôi sinh ra thằng bé này, ác tặc Tạ Tốn nổi cơn điên,
định giết Ngũ ca và tôi, đột nhiên nghe thấy tiếng khóc của hài tử, tâm bệnh
nổi lên, tên ác tặc Tạ Tốn lập tức chết liền.
Bấy giờ Trương Thúy Sơn mới minh bạch, khi Ân Tố Tố nói tới “tên ác tặc Tạ
Tốn đã chết”, cũng không phải là nói láo, vì từ khi Tạ Tốn nghe tiếng khóc
chào đời của Vô Kỵ, thiên lương đã trỗi dậy, bệnh điên không còn, bỏ đường
ác quay về đường thiện. Khi y ép ba người rời đảo rõ ràng có tấm lòng “xả kỷ
vi nhân”, hành vi đại nhân dại nghĩa như thế nên có nói “tên ác tặc không việc
ác nào không làm, giết người như ngóe Tạ Tốn kia” quả đã chết từ chín năm
trước, mà “con người tốt Tạ Tốn” cũng từ chín năm trước đã tái sinh.
Tây Hoa Tử nhăn mũi hừ một tiếng, y cho rằng Ân Tố Tố là yêu nữ của tà giáo,
nói ra không thể nào tin được, gay gắt nói: -Trương ngũ hiệp, tên ác tặc Tạ
Tốn đó có chết thật không?
Trương Thúy Sơn thản nhiên đáp: -Đúng thế, tên ác tặc làm điều sai trái Tạ
Tốn đó đã chết chín năm trước rồi.
Vô Kỵ đứng bên cạnh thấy mọi người chửi rủa ác tặc Tạ Tốn, cả cha mẹ nó
cũng nói y chết rồi. Thằng bé tuy thông minh, nhưng làm sao hiểu nổi những
khúc mắc trên chốn giang hồ. Tạ Tốn đối với nó ân sâu nghĩa nặng, chăm lo
cho nó nào có khác gì cha mẹ ruột đâu, nên cảm thấy đau lòng, nhịn không
nổi khóc òa lên: -Nghĩa phụ không phải là ác tặc, nghĩa phụ chưa chết, nghĩa
phụ chưa chết.
Mấy câu đó khiến cho mọi người trên thuyền ai cũng ngạc nhiên. Ân Tố Tố
giận điên người, tát trái cho Vô Kỵ một cái, quát lên: -Câm mồm.
Vô Kỵ mếu máo nói: -Mẹ ơi, sao mẹ lại nói là nghĩa phụ chết rồi? Nghĩa phụ rõ
ràng vẫn còn sống đấy chứ?
Từ nhỏ tới giờ Vô Kỵ chỉ sống với cha mẹ và nghĩa phụ ba người, những mưu
mô cơ trí của người đời nó chưa từng biết đến, nếu như một đứa trẻ lớn lên
trong chốn giang hồ, chỉ thông minh bằng nửa nó thôi, cũng biết người đời nói
dối như cơm bữa, sẽ không gây ra cái đại họa mới rồi. Ân Tố Tố mắng con: –
Người lớn nói chuyện, trẻ con không được lắm lời. Người ta nói đây là ác tặc
Tạ Tốn, đâu có phải nói nghĩa phụ của con đâu.
Vô Kỵ hoang mang không hiểu, nhưng không dám hỏi thêm.
Tây Hoa Tử cười nhạt, hỏi Vô Kỵ: -Này em bé, Tạ Tốn là nghĩa phụ của em,
phải không? Ông ta bây giờ ở đâu?
Vô Kỵ nhìn mặt cha mẹ, biết rằng những điều họ nói thật là trọng yếu, nghe
Tây Hoa Tử hỏi, liền lắc đầu, nói: -Tôi không nói.
Thằng bé nói ba tiếng “tôi không nói” lại càng minh xác điều Tạ Tốn chưa
chết. Tây Hoa Tử trừng mắt nhìn Trương Thúy Sơn, nói: -Trương ngũ hiệp, vị
Ân cô nương của Thiên Ưng giáo này có thực là vợ ngũ hiệp không?
Trương Thúy Sơn không ngờ y đột nhiên lại hỏi một câu như thế, lớn tiếng
đáp: -Phải, nàng chính là người vợ vụng dại của tôi.
Tây Hoa Tử gay gắt nói: -Phái Côn Lôn chúng tôi có hai đệ tử, bị tay Trương
phu nhân làm hại, biến thành sống dở chết dở, cái món nợ đó bây giờ tính sao
đây?
Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố cùng kinh ngạc. Ân Tố Tố nói ngay: -Nói năng
láo lếu.
Trương Thúy Sơn nói: -Việc đó chắc có chuyện hiểu lầm, vợ chồng chúng tôi
xa Trung Thổ đã mười năm, làm sao có thể hủy thương đệ tử của quí phái?
Tây Hoa Tử nói: -Mười năm trước thì sao? Cao Tắc Thành và Tưởng Đào hai
người bị hại, tính ra cũng đã mười năm rồi.
Ân Tố Tố hỏi lại: -Cao Tắc Thành và Tưởng Đào?
Tây Hoa Tử đáp: -Trương phu nhân còn nhớ được hai người đó ư? Chỉ sợ bà
giết người nhiều quá, nhớ không xuể nữa chứ.
Ân Tố Tố hỏi lại: -Hai người đó ra sao? Cớ gì lại nhất định vu cho tôi hại họ?
Tây Hoa Tử ngửng mặt lên trời cười ha hả, nói: -Tôi vu oan cho bà ư? Tôi vu
oan cho bà ư? Ha ha, Cao Tưởng hai người tuy đã mất trí, nhưng vẫn còn nhớ
được một việc, nói lên được tên của một người, nên mới biết được kẻ đã hại y
chính là “Ân … Tố … Tố”.
Y dằn mạnh từng tiếng Ân Tố Tố, trong cách nói chứa đầy oán hận, hai mắt
trợn tròn, nhìn nàng như muốn nuốt sống ăn tươi, tưởng như định rút kiếm
đâm mấy nhát mới hả giận.
Phong đàn chủ đột nhiên xen vào: -Khuê danh của bản giáo đường chủ Tử Vi
Đường, đâu phải để những người xuất gia như lão đạo tự tiện gọi ra đâu. Đến
thanh qui giới luật không biết giữ, vậy mà xưng là võ lâm tiền bối ư? Trình hiền
đệ, ngươi xem những việc vô sỉ trên đời có việc nào như thế không nhỉ?
Trình đàn chủ nối lời: -Chưa từng thấy. Trong danh môn chính phái lại có
những bọn cuồng đồ như thế, thật nực cười ôi là nực cười.
Phong đàn chủ không thèm liếc mắt nhìn y, nói: -Trình hiền đệ, những người
mới học được chút kiếm pháp mèo cào đâu đó, hành sự ăn nói đã lên mặt,
ngươi bảo hạng đó là hạng nào?
Trình đàn chủ nói: -Phái Côn Lôn từ khi Linh Bảo đạo trưởng lìa trần rồi, đời
sau càng kém đời trước, chẳng ra trò trống gì.
Linh Bảo đạo trưởng là sư tổ[4] của Tây Hoa Tử, võ công đức vọng, trong võ
lâm ai ai cũng khâm phục. Tây Hoa Tử nghe câu đó giận tím cả mặt, nhưng
không dám cãi lại, nếu nói rằng Trình đàn chủ nói sai, có khác nào nói rằng
mình còn giỏi hơn cả sư tổ danh chấn thiên hạ xưa kia. Y lạng người bước ra
ngoài khoang thuyền, soẹt một tiếng, trường kiếm cầm tay, kêu lớn: -Tên ác
tặc của tà giáo kia, có giỏi thì ra đây thử sức.
Phong đàn chủ và Trình đàn chủ khích cho Tây Hoa Tử nổi giận, bản ý chỉ
muốn giải vây cho Ân Tố Tố, nghĩ thầm Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố đã là vợ
chồng, Thiên Ưng giáo và phái Võ Đương bây giờ quan hệ khác hẳn ngày
trước, nếu như Du Liên Châu và Trương Thúy Sơn không tiện ra tay, thì ít ra
cũng không giúp bên nào, Thiên Ưng giáo đối phó với mấy người của phái Côn
Lôn có thể thắng được dễ dàng.
Vệ Tứ Nương mày nhướng lên, y thị cũng đã nhìn thấy chuyện đó, nếu chỉ có
sáu bảy người của mình và sư ca, không cách nào có thể đối địch được với bao
nhiêu là cao thủ của Thiên Ưng giáo, huống chi Trương Thúy Sơn tình nghĩa vợ
chồng thâm trọng, rất có thể ra tay tương trợ đối phương nên nói: -Sư ca,
người ta qua đến thuyền bên mình là khách, chúng ta nên nghe Du nhị hiệp
chỉ dạy là hơn.
Y thị dùng ngôn ngữ đẩy cho Du Liên Châu, nghĩ thầm thanh vọng địa vị của
chàng, quyết không thể nào xử sự thiên vị được. Nào ngờ Tây Hoa Tử tính
phổi bò, kêu lớn: -Phái Võ Đương và Thiên Ưng giáo đã kết thân gia rồi, cùng
giòng dính bẩn với nhau, y còn làm sao có thể ăn nói cho công chính được
nữa?
Du Liên Châu là người thâm trầm, hỉ nộ không lộ ra ngoài mặt, nghe Tây Hoa
Tử nói chỉ ngồi yên không trả lời. Vệ Tứ Nương vội nói: -Sư ca, sao sư ca lại nói
năng không giữ lời như vậy? Không nói gì phái Võ Đương cùng với phái Côn
Lôn chúng ta đồng khí liên chi, uyên nguyên thật sâu đậm, mười năm nay liên
thủ chống địch, hết sức bền chặt, Du nhị hiệp lại là một hảo hán tử thiết diện
vô tư, anh danh nổi khắp giang hồ, thiên hạ có ai không khâm phục? Võ
Đương ngũ hiệp xử sự có đâu lại thiên vị bao giờ?
Tây Hoa Tử hừ một tiếng, nói: -Cái đó chưa chắc.
Vệ Tứ Nương trong bụng mắng thầm sư ca mê muội, nhưng không thể nói
huỵch toẹt ý nghĩ của mình, lớn tiếng nói: -Sư ca, nếu sư ca để đắc tội với Võ
Đương ngũ hiệp, sư phụ và chưởng môn sư thúc hỏi tới, thì tiểu muội không
chịu đâu đấy nhé.
Y thị nói ra chỉ nhắc Võ Đương ngũ hiệp, không coi Trương Thúy Sơn ở trong
đó. Tây Hoa Tử nghe thị nhắc tới sư phụ và chưởng môn sư thúc ra, không
còn dám cãi nữa.
Du Liên Châu thủng thẳng nói: -Việc này liên quan đến các đại môn phái, các
đại bang hội trong võ lâm, tại hạ vô đức vô năng, làm sao dám chủ trương?
Tuy nhiên việc này cũng đã mười năm nay, có thêm nửa năm, một năm nữa
cũng không là bao nhiêu. Tại hạ phải cùng với Trương sư đệ quay về núi Võ
Đương, bẩm cho ân sư và đại sư ca rõ, để in ân sư chỉ thị.
Tây Hoa Tử cười nhạt nói: -Cái chiêu “Như Phong Tự Bế” của Du nhị hiệp dùng
để thoái thác, quả thực cao minh.
Du Liên Châu không phải là người dễ nổi nóng, nhưng Tây Hoa Tử nói đến
chiêu “Như Phong Tự Bế”, chính là công phu nổi danh thiên hạ chuyên về thủ
ngự của phái Võ Đương, lại do chính ân sư Trương Tam Phong sáng tác, y
nhạo báng võ công phái Võ Đương có khác nào làm nhục đến sư phụ. Tuy
nhiên chàng dằn được ngay, nghĩ thầm: -Việc này xử lý mà thất thố, sẽ dẫn
đến một trường hạo kiếp khó mà giải quyết trong võ lâm. Tên đạo sĩ lỗ mãng
này nói năng quấy quá, đâu đáng để mình phải đôi co làm chi.
Tây Hoa Tử thấy chàng nghe mấy câu sau, liếc mắt nhìn y một cái, thần quang
lấp loáng, như điện chớp, bất giác trong lòng sợ hãi: -Sư phụ và chưởng môn
sư thúc là hai cao thủ đứng đầu của môn phái, nhãn thần xem ra cũng không
mạnh bằng của người này.
Tinh quang trong mắt Du Liên Châu lập tức thu liễm, chàng lặng lẽ nói: -Tây
Hoa đạo huynh nếu như có cao kiến gì, tại hạ xin rửa tai lắng nghe.
Tây Hoa Tử mới rồi bị mắt chàng trừng mắt nhìn qua, trong lòng còn sợ, quay
sang nói: -Sư muội,? ngươi nghĩ sao? Không lẽ chuyện Cao Tưởng hai người
mình đành sõng tay bỏ qua?
Vệ Tứ Nương chưa kịp trả lời, bỗng thấy ở hướng nam có tiếng tù và báo hiệu,
u u không dứt. Một tên đệ tử của phái Côn Lôn chạy vào khoang thuyền nói: –
Hai phái Không Động và phái Nga Mi đã đến tiếp ứng.
Tây Hoa Tử và Vệ Tứ Nương mừng quá, Vệ Tứ Nương nói: -Du nhị hiệp nên
nghe cao kiến của hai phái Không Động và Nga Mi luôn thể.
Du Liên Châu đáp: -Tốt lắm.
Lý Thiên Viên và Phong đàn chủ, Trình đàn chủ ba người nhìn nhau, mặt hơi
biến sắc. Trương Thúy Sơn lại thêm một nỗi lo “Phái Nga Mi thì không có gì,
nhưng phái Không Động đối với đại ca kết thù rất sâu. Y đả thương Không
Động ngũ lão, đoạt được Thất Thương Quyền Kinh, bọn họ thể nào chẳng
chăm chăm đi kiếm nơi chỗ đại ca đang ở.
Ân Tố Tố cũng suy nghĩ như thế, lại tính nếu như Vô Kỵ không lắm mồm, sự
tình sẽ dễ giải quyết hơn nhiều. Thế nhưng nghĩ lại Vô Kỵ từ bé chưa bao giờ
từng nghe nói dối, đối với Tạ Tốn tình sâu nghĩa nặng, bỗng nghe nghĩa phụ
chết rồi, dĩ nhiên phải khóc la, không thể trách nó được. Nàng nhìn mặt thấy
vết tát còn hằn dấu tay sưng đỏ, không khỏi thương thằng bé, kéo con vào
lòng. Vô Kỵ vẫn chưa yên tâm, ghé vào tai mẹ hỏi nhỏ: -Mẹ, nghĩa phụ chưa
chết, phải không mẹ?
Ân Tố Tố cũng ghé miệng vào tai con, nói thầm: -Chưa chết. Mẹ đánh lừa họ
đó. Những người này đều độc ác, xấu xa, bọn họ muốn hại nghĩa phụ con đó.
Vô Kỵ chợt hiểu ra hằn học nhìn từng người, nghĩ thầm “Hóa ra bọn ngươi đều
xấu xa ác độc, định hại nghĩa phụ ta”.
Từ hôm đó, Trương Vô Kỵ bước chân vào chốn giang hồ, mới biết trên đời lòng
người hiểm ác. Nó đưa tay rờ má, cái tát của mẹ nó vẫn còn đau rát. Nó biết
rằng không phải mẹ nó đánh, mà chính là những kẻ độc ác xấu xa kia gây nên.
Từ bé đến giờ nó sống trong vòng tay bảo bọc nuông chiều của cha mẹ và
nghĩa phụ, đâu có biết rằng trên đời này còn có những kẻ địch tâm địa độc ác.
Tuy Tạ Tốn đã nói về chuyện Thành Côn, nhưng mới chỉ là tai nghe, đến lúc
này mới mắt thấy những người mà nó coi là kẻ địch.
[1] Bể khổ không có chỗ cùng, quay đầu lại thì đến bờ được.
[2] Áo của nhà sư chắp nhiều mảnh lại mà thành gọi là nạp (hay nột). Đây là
tiếng nhún mình của nhà sư.
[3] Mặt trời mặt trăng chiếu sáng, chim ưng giuơng cánh, lửa thánh bừng
bừng, cứu độ cho thế nhân
[4] tức là thầy của thầy mình
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.