10 Điều Khác Biệt Nhất Giữa Kẻ Giàu Và Người Nghèo

01. Người giàu tư duy tích cực, Người nghèo sống bi quan



Nếu xét trên bề mặt, sự khác biệt này có vẻ không quan trọng; nhưng tôi dám chắc đây là một nguyên lý uyên thâm. Khi tạo cho mình thói quen tư duy tích cực, cuộc sống của bạn sẽ mang một ý nghĩa mới và thành công là điều hiển nhiên.

Sự khác biệt này phản ánh một nguyên lý chung, đã được tóm tắt lại trong kinh cổ “Hãy hỏi và bạn sẽ được hồi đáp.”

Bạn sẽ nhận được câu trả lời cho bất cứ câu hỏi nào của mình, cho nên tốt nhất bạn hãy hỏi những câu tích cực. Câu hỏi của bạn càng bao quát càng tốt. Hãy học cách đặt ra những câu hỏi vượt ngoài tầm hiểu biết và kinh nghiệm hiện tại của mình. Các câu hỏi đó chứa đựng những đáp án mà bạn cần để thành công.

Ví dụ về những câu hỏi tích cực

Câu hỏi nào tích cực hơn: “Làm thế nào để thu nhập tăng gấp đôi trong năm nay?” và “Làm thế nào để kiếm đủ tiền trả các hóa đơn tháng này?”

Bạn có thấy sự khác biệt không? Dù trả lời cả câu hỏi lớn hay nhỏ thì năng lượng trí não mà chúng ta bỏ ra đều như nhau. Hãy nghĩ đến những câu hỏi giúp mở rộng trí óc của bạn, bởi bạn sẽ có câu trả lời cho bất cứ câu hỏi nào mà bạn hỏi.

Hãy xem một vài ví dụ khác. “Làm thế nào để kiếm được 1 triệu đô-la mỗi năm bằng cách làm những việc tôi yêu thích?” hay “Làm sao để sếp cho tôi thăng chức?”

“Cuộc sống đang muốn dạy mình điều gì lúc này?” hay “Tại sao những điều tồi tệ luôn xảy ra với tôi?”

“Làm sao để có mối quan hệ sâu sắc hơn với người bạn đời của tôi?” hay “Tại sao việc hòa thuận với vợ/chồng lại khó đến thế?”

“Hôm nay tôi nên làm gì để chứng tỏ với bọn trẻ là tôi yêu chúng?” hay “Tại sao bọn trẻ lại không thích tôi?”

“Tôi thích làm những việc gì để giúp cơ thể luôn khỏe đẹp?” hay “Tại sao việc giảm cân lại khó khăn đến thế?”

“Ai có thể dạy tôi cách thu lại ít nhất 25% với mỗi khoản đầu tư?” hay “Tại sao tôi không thể để dành được tiền?”

“Làm sao để đầu óc luôn thanh thản?” hay “Tại sao lúc nào tôi cũng thấy căng thẳng thế này?”

Các câu hỏi quyết định cảm giác của bạn

Các câu hỏi tích cực hỏi những gì bạn có thể làm, còn các câu hỏi tiêu cực hỏi những gì bạn không thể làm. Câu hỏi tiêu cực cũng hỏi tại sao mọi việc lại khó khăn.

Các câu hỏi tích cực khiến bạn cảm thấy dễ chịu. Còn các câu hỏi tiêu cực làm bạn cảm thấy buồn chán. Bạn có thể kiểm soát cảm xúc của bản thân bằng cách tự hỏi những câu tích cực.

Người giàu là bậc thầy về việc quản lý cảm xúc của bản thân. Họ là bậc thầy trong việc đó vì họ có thói quen tự hỏi mình những câu tích cực.

Khi câu hỏi tích cực trở thành một phần trong thói quen suy nghĩ của bạn, bạn sẽ trở nên mạnh mẽ và thanh thản. Câu hỏi tích cực giúp bạn vươn tới mọi khả năng tiềm tàng của bản thân. Những câu hỏi bạn đặt ra cho mình quyết định kết quả cuộc sống. Nếu bạn cảm thấy không tận dụng hết được khả năng của mình, thì có thể là bởi bạn đang tự hỏi mình những câu tiêu cực. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng đó là sự thật.

Người giàu hỏi những câu khiến họ trở nên giàu có. Người nghèo hỏi những câu khiến họ cứ mãi nghèo.

Rèn luyện trí não

Hầu hết người nghèo không biết hoặc không để ý đến những câu họ vẫn tự đặt ra cho mình. Tôi thường xuyên quan sát điều này khi nói chuyện với họ. Thật ngạc nhiên khi tôi có thể kiểm soát cuộc nói chuyện bằng cách đặt các câu hỏi, và những người nghèo sẽ chuyển hướng suy nghĩ của họ đến bất cứ nơi đâu tôi muốn. Tôi từng ghét nói chuyện với những kẻ chỉ biết buôn chuyện – cho đến khi tôi khám phá ra sức mạnh của câu hỏi. Giờ tôi không còn ghét việc đó nữa, vì tôi có thể dễ dàng chuyển hướng cuộc nói chuyện sang một chủ đề nào đó tích cực hơn, đơn giản bằng cách đặt câu hỏi.

Người giàu nhận thức được những câu hỏi họ tự đặt ra cho mình. Họ ý thức được những gì họ nghĩ. Họ liên tục rèn luyện trí não để vươn tới nhiều thành công hơn. Nguyên lý chung này cũng được tóm tắt trong một câu kinh cổ: “Khi con người suy nghĩ, bản chất anh ta cũng vậy.”

Vấn đề của người nghèo là họ không tự suy nghĩ cho bản thân. Họ tưởng rằng như vậy, nhưng thực chất chính những người khác mới điều khiển suy nghĩ của họ.

Bằng chứng của việc này có thể được tìm thấy trong sự khác biệt số 9, “Người giàu bàn về ý tưởng, người nghèo buôn chuyện tào lao”. Lúc nào họ cũng có chuyên để bàn ra tán vào, bởi đơn giản tâm trí họ phản ứng trước những gì người khác nói và làm.

Người giàu sáng tạo nhiều hơn là phản ứng. Bằng cách tư duy tích cực, họ kiểm soát trí óc của bản thân.

Tư duy tích cực là một trong những cách tốt nhất để rèn luyện trí não và tạo dựng thành công.

Cách chúng ta suy nghĩ là kết quả của sự rèn luyện. Người giàu rèn luyện đầu óc của họ một cách có ý thức. Bằng cách kiểm soát những câu hỏi được đặt ra cho chính mình, bạn sẽ học được cách tự suy nghĩ cho bản thân. Bạn giành quyền kiểm soát cuộc sống của mình bằng cách kiểm soát các mẩu hội thoại nội tâm. Và bạn phải nhận thức được những câu bạn tự hỏi mình nếu muốn gặt hái nhiều thành công hơn nữa.

Chín câu hỏi tích cực

Tôi muốn hỏi bạn chín câu hỏi tích cực mà mọi người đều phải trả lời để đạt được thành công và hạnh phúc thực sự. Những câu hỏi này giải quyết vấn đề: Bạn muốn trở thành người như thế nào, bạn muốn làm gì, và bạn muốn có những gì. Nếu dành thời gian trả lời trung thực những câu hỏi này, bạn sẽ thấy mình đang đi trên con đường dẫn tới thành công.

• Tôi muốn trở thành mẫu người như thế nào?

• Tại sao tôi muốn trở thành mẫu người đó?

• Tôi phải làm thế nào để trở thành mẫu người đó?

• Tôi muốn làm gì?

• Tại sao tôi lại muốn làm việc đó?

• Tôi làm việc đó bằng cách nào?

• Tôi muốn có cái gì?

• Tại sao tôi lại muốn có nó?

• Tôi tạo ra nó bằng cách nào?

Bạn phải trả lời những câu hỏi trên thật rõ ràng. Rõ ràng, ý tôi là phải cụ thể.

Càng cụ thể càng tốt.

Sự rõ ràng, rành mạch là sức mạnh. Người giàu biết họ muốn gì. Quan trọng hơn, họ biết tại sao họ lại muốn điều đó. Và bởi họ đã trả lời được câu hỏi cái gì và tại sao, họ sẽ tìm được cách làm thế nào. Người nghèo không biết làm thế nào để trở thành người giàu bởi họ không có cái gì thú vị hay một câu hỏi tại sao tích cực.

Khi trả lời câu hỏi tại sao, bạn có thể phát hiện ra rằng mình đang trở thành người mà người khác muốn như thế hoặc đang làm một việc mà người khác muốn bạn làm – nhưng bạn lại không thực sự muốn. Hoặc bạn ao ước thứ gì đó vì người khác nói với bạn như vậy. Cố gắng đáp ứng lòng mong mỏi của mọi người xung quanh là một cái bẫy.

Hãy khám phá bạn thực sự muốn được là ai, muốn làm gì và muốn có cái gì.

Hãy chắc chắn rằng bạn xếp những câu hỏi trên theo thứ tự: “là ai, làm gì và có gì”. Mẫu người mà bạn muốn trở thành sẽ quyết định những gì bạn làm và bạn có.

Rất nhiều người nghèo lại sắp xếp chúng theo thứ tự ngược. Họ nghĩ thứ họ có quyết định việc họ làm, và những việc họ làm quyết định họ là ai. Cách nhìn cuộc sống như vậy chắc chắn sẽ khiến bạn lúng túng. Việc tôi là ai mới quyết định tôi làm gì và tôi có gì.

Thay vì hỏi “Ý nghĩa cuộc sống của tôi là gì?” bạn hãy hỏi: “Điều gì sẽ khiến cuộc sống của mình ý nghĩa hơn?” Câu hỏi đó mang sắc thái tích cực hơn. Câu trả lời trung thực của bạn cho câu hỏi thứ hai sẽ tiết lộ đáp án cho câu hỏi thứ nhất.

Ý nghĩa cuộc sống của chúng ta không phải là SỞ HỮU sự thành công mà là TRỞ NÊN thành công.

Tự hỏi bạn sẽ trở thành người như thế nào có lẽ là câu hỏi tích cực nhất. Suốt nhiều thế kỷ qua, con người đã tự hỏi mình câu hỏi “Tôi là ai?”, còn tôi gợi ý bạn nên tự hỏi “Tôi đang trở thành người như thế nào?” Nếu bạn không thích đáp án của mình cho câu hỏi đó, vậy hãy hỏi “Tôi muốn trở thành người như thế nào?” và làm bất cứ điều gì để trở thành kiểu người như vậy. Là một người giàu cũng bao gồm (ai), làm (gì) và sau đó là có (gì).

Người giàu tư duy tích cực,người nghèo sống bi quan

Giờ thì sao?

1. Hãy đọc đi đọc lại cuốn sách nhỏ này. Tôi đề nghị bạn đọc nó mỗi tháng một lần đến khi cảm thấy 10 sự khác biệt đó đã trở thành một phần của con người bạn. Sự lặp đi lặp lại là cách chúng ta rèn luyện trí não suy nghĩ một cách khác biệt. Khi suy nghĩ khác đi, chúng ta hành động khác đi và từ đó kết quả đạt được cũng khác đi.2. Chia sẻ cuốn sách này với những người phù hợp xung quanh bạn để cùng thảo luận về các điểm khác biệt và học hỏi từ kinh nghiệm và quan điểm của nhau.3. Truy cập trang www.keithcameronsmith.com và đăng ký nhận email về Những điểm khác biệt Khôn ngoan (Wise distinctions) để được tiếp tục hỗ trợ phát triển tư duy thành công và tự hoàn thiện. Bạn cũng có thể tham gia các buổi thảo luận trên truyền hình cùng với tôi và lấy thông tin về các buổi thảo luận hoặc hội thảo chủ đề Trí Khôn Đem Lại Tự Do.

Phụ lục

SẼ THẾ NÀO NẾU NHƯ PHONG CÁCH SỐNG ĐÔNG – TÂY KẾT HỢP?

Sự khác biệt giữa hai nền văn hóa Đông Tây luôn là một đề tài thú vị. Mặc dù toàn cầu hóa đang từng bước ảnh hưởng đến mọi mặt của cuộc sống, nhưng không vì thế mà đặc trưng của những nền văn hóa này dần bị hòa tan vào nhau.

Lưu Dương, một nữ họa sĩ người Trung Quốc từng có cơ hội được học tập và sinh sống nhiều năm tại Đức đã truyền tải thông điệp về sự khác biệt giữa hai nền văn hóa này thông qua triển lãm tranh “East meets West” – Đông Tây tương ngộ.

Cùng xem qua những điểm khác biệt giữa hai nền văn hóa này. (Hình bên trái minh họa cho lối sống, văn hóa của người phương Tây, còn bên phải là người phương Đông).

1. Cách bày tỏ quan điểm

Người phương Tây bộc trực, thẳng thắn, không dấu giếm, không vòng vo khi thể hiện suy nghĩ của mình.

Ngược lại, ở phương Đông, mỗi một ý kiến được đưa ra cần có những câu “mở đầu” thật lịch sự, văn hoa, tránh làm mất lòng người nghe.

2. Lối sống

 

Ở châu Âu, châu Mỹ, mỗi người là một cá thể có chính kiến riêng, sống độc lập và việc tôn trọng cái “tôi” là đặc trưng của cách sống phương Tây.
Trái lại, “chúng ta” là điều mà xã hội Á châu luôn hướng đến, một cuộc sống trong đó không chỉ có bản thân, mà còn cần cộng đồng, cái “tôi” chỉ là một phần nhỏ trong cái “chúng ta” mà thôi.

3.Thời gian

 

Người phương Tây ưa đúng giờ, không “cao su”, họ coi việc đến trễ là điều tối kị. Đến muộn là một hành động thể hiện sự thiếu tôn trọng với những người phải chờ đợi mình.

“Cao su, co kéo thời gian, cho leo cây” là tình trạng thường thấy của người châu Á, những hành động này không chỉ làm người đợi phải bực mình, đến muộn còn khiến chậm tiến độ công việc, thật không nên chút nào!

4. Phương thức làm việc

Trong khi người phương tây làm việc với sự liên kết một cách mạch lạc và có hệ thống, người phương Đông lại có cách tổ chức khá rối rắm và nhằng nhịt.

5. Cách biểu lộ cảm xúc

Cũng giống như lúc đưa ra ý kiến, phương Tây có cách thể hiện cảm xúc một cách thẳng thắn, không nói dối suy nghĩ của bản thân, ngược lại người phương Đông lại có tâm lý “sự thật mất lòng”, thường giấu giếm cảm xúc thật của mình để tránh người khác thấy phiền, khó chịu.

6. Cách xếp hàng

Trong khi ở châu Á, khái niệm xếp hàng có lề có lối có phần “xa xỉ” với rất nhiều quốc gia thì tại châu Âu-Mỹ, hình ảnh những đoàn người đứng chờ mua hàng hay lên xe bus chẳng có gì khiến ta ngạc nhiên.

7. Cái tôi cá nhân

Một người Đức có thể coi cái “tôi” của mình là lớn nhất, quan trọng nhất, đặt mọi nhu cầu cá nhân lên hàng đầu, nhưng một người Trung Quốc hay Nhật Bản sẽ sẵn sàng gác bỏ cái “tôi” ấy qua một bên nhường chỗ cho cái “chúng ta”. Theo người phương Đông, cộng đồng quan trọng hơn cá nhân.

8. Số lượng người trên phố ngày cuối tuần

Sau cả một tuần làm việc mệt mỏi, bạn sẽ làm gì vào ngày cuối tuần quý báu? Nếu bạn là người châu Âu, chắc sẽ chọn phương án ở nhà vui vẻ cùng gia đình, tránh đi phố hay ra ngời đường. Nhưng nếu bạn người châu Á, chắc hẳn tụ tập phố phường là niềm vui của bạn.

9. Tiệc tùng

Khi dự tiệc, người phương Tây sẽ đứng thành những nhóm nhỏ cho dễ nói chuyện, bắt bạn, làm quen. Ngược lại, người phương Đông có thói quen đứng thành vòng tròn như chơi mèo đuổi chuột vậy.

10. Đo mức âm thanh ở nhà hàng

Phương Tây coi trọng sự riêng tư, chính vì vậy ở những nơi công cộng, họ cố gắng nói nhỏ để không làm ảnh hưởng đến người khác, cũng như để người khác không làm ảnh hưởng đến mình. Ngược lại, khi vào một nhà hàng, người phương Đông sẽ “việc ta ta nói”, khiến âm thanh vô cùng ồn ào, khó chịu.

11. Tiêu chuẩn của cái đẹp

Người châu Âu, Mỹ vô cùng hâm mộ làn da bánh mật, họ coi người có làn da như vậy là một người khỏe mạnh, tràn đầy sức sống. Trong khi đó, người châu Á lại thích thú khi sở hữu một làn da “trắng như trứng gà bóc” hơn.

12. Cách giải quyết khó khăn

Phương Tây thường sử dụng phương pháp trực tiếp để tiếp cận vấn đề, nhưng người Á Đông có vẻ khoái cách lòng vòng hơn.

Mười sáu tư duy của người giàu

Bạn có tư duy theo người nghèo trước sự giàu có không? Hãy thử tìm xem…

1.Người giàu tin rằng “Tôi tạo ra cuộc sống”, người nghèo tin rằng “Cuộc sống tạo ra tôi.”

2.Người giàu cam kết mình phải giàu có, người nghèo muốn mình trở nên giàu có.

3.Người giàu ngưỡng mộ những người giàu khác, người nghèo phẫn nỗ với những người giàu có và thành công.

4.Người giàu giao du với những người có thái độ sống tích cực, người nghèo kết bạn với những người có thái độ sống tiêu cực hay những người thất bại.

5.Người giàu sẵn sàng quảng cáo mình và nâng cao giá trị bản thân, người nghèo nghĩ về việc rao bán và quảng cáo bản thân một cách tiêu cực.

6.Người giàu là người biết nhận, người nghèo không biết nhận.

7.Người giàu nghĩ “cả hai”, người nghèo nghĩ “hoặc cái này hoặc cái kia”.

8.Người giàu biết cách quản lý đồng tiền của mình, người nghèo không biết cách quản lý đồng tiền của mình.

9.Người giàu khiến tiền phục vụ mình, người nghèo bị đồng tiền sai khiến.

10.Người giàu luôn học hỏi và phát triển, người nghèo nghĩ mình “biết tuốt”.

11.Người giàu tham gia cuộc chơi tiền bạc để thắng, người nghèo tham gia cuộc chơi chỉ để không thua.

12.Người giàu nghĩ lớn, người nghèo manh mún.

13.Người giàu tập trung vào cơ hội, người nghèo tập trung vào những khó khăn.

14.Người giàu đứng cao hơn những vấn đề của họ, người nghèo nhỏ bé hơn những vấn đề của họ.

15.Người giàu chọn được trả công theo kết quả, người nghèo chọn được trả công theo thời gian.

16.Người giàu hành động bất chấp sự sợ hãi, người nghèo để nỗi sợ hãi ngăn cản họ.

Trong số các lý do này, đâu là những suy nghĩ đã hạn chế sự phát triển của bạn và hủy hoại thành công của bạn? Bạn đang sở hữu Tư duy triệu phú hay Tư duy bần cố nông? Nếu sở hữu Tư duy bần cố nông, bạn cần phải thay đổi.

Bạn phải học cách nghĩ của người giàu và đưa ra quyết định nếu muốn giàu.

Tuy nhiên, nhận thức được vấn đề thôi chưa đủ. Bạn cần phải biết cách tách mình ra khỏi vấn đề này và tạo ra những thói quen tích cực để bạn được tự do về tài chính.
Cuộc sống của bạn sẽ không bao giờ khởi sắc trừ khi bạn tách mình ra khỏi vùng an toàn và thử nghiệm những điều mới mẻ.

Bảy bài học thành công

1. Có tiền tốt hơn không có tiền

Tiền không mua được cho bạn hạnh phúc nhưng mua được nhiều thứ khác, ví như sự an toàn về tài chính, chế độ chăm sóc y tế, giáo dọc, du lịch, cuộc sống về hưu chất lượng tốt. Nói tóm gọn: Tự do.

2. Đừng trở thành người thừa tiền và thiếu thời gian

Dành mọi thời gian rỗi của bạn để kiếm tiền thực sự là một vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt ở những nghề nghiệp đặc thù. Luật sư, bác sỹ, nhân viên ngân hàng và kế toán, do bản chất công việc, có thể mải mê đến mức họ bỏ qua mối quan hệ với gia đình.

Khi sự ổn định của đời sống bình thường chấm dứt, yếu tố mất cân bằng giữa công việc và gia đình sẽ tăng lên.

Làm việc thực chất là quá trình đổi thời gian lấy tiền. Hãy nhớ rằng “Việc bạn làm gì với tiền có ý nghĩa hơn nhiều so với khối tài sản bạn mua được bằng tiền. Nếu bạn trở nên giàu có nhưng quên đi mối quan hệ với bạn đời và không chăm sóc được lũ trẻ khi chúng đang tuổi lớn, bạn sẽ nghèo hơn bạn tưởng.”

3. Kỷ niệm quan trọng hơn vật chất

Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng đối với người giàu có, ô tô xịn, du thuyền, nhà cửa, trang sức và đồng hồ đứng cuối bảng ưu tiên.

Ưu tiên của họ: Kỷ niệm và thành công. Điều này còn đúng hơn khi nhìn từ góc độ gia đình.

Có thực sự rằng dàn loa 100.000 đô-la mang lại âm thanh tốt hơn 20 lần so với dàn loa 5.000 đô-la? Xe ô tô thể thao giá 250.000 đô-la chạy nhanh gấp 5 lần xe giá 50.000 đô-la? Hiện nay, người ta có thể mua căn nhà tuyệt đẹp tại Mỹ với giá 1 triệu đô-la và căn nhà 10 triệu đô-la cũng không đẹp gấp 10 lần. Bất kỳ ai đang sở hữu đồng hồ Rolex giá 10.000 đô-la sẽ nói với bạn rằng chiếc đồng hồ Casio 39 đô-la cũng rất tốt.

Khi nói đến lợi ích của tài sản, chúng ta thường được nghe câu chuyện về những kỷ niệm đẹp, buổi tụ họp của gia đình, kỳ nghỉ, sự kiện thể thao, đám cưới và nhiều kỷ niệm đẹp khác. Khi có việc gì đó cần tiền, gần như gia đình nào cũng có cách riêng phù hợp với điều kiện của mình.

4. Hãy cẩn thận với những khoản nợ, đặc biệt ở giai đoạn đầu đời

Có một sự thật tồi tệ: Các công ty thường muốn nhân viên của mình vay nợ thật nhiều. Họ sẽ giúp bạn làm việc đó, đồng ký kết các hợp đồng mua nhà thế chấp hoặc thậm chí trực tiếp cho bạn vay tiền với lãi suất ưu đãi.

Họ khuyến khích bạn tiêu xài điên cuồng, nới hạn mức tín dụng cho nhân viên xuất sắc. Bạn cần một căn nhà lớn và như vậy phải vay nợ nhiều. Với hình thức hỗ trợ như vậy, có thật các công ty đang đối xử tốt với nhân viên của mình hay không? Không hẳn như vậy. Các ngân hàng lớn, tổ chức đầu tư, công ty luật và kế toán

đã học được cách kiếm lời rất lớn bằng cách lắp “cùm vàng” vào tay nhân viên giỏi nhất. Những kẻ làm công ăn lương này sẽ làm việc chăm chỉ hơn, ở lại công ty nhiều thời gian hơn so với nhóm nhân viên chẳng vay nợ xu nào.

Hơn thế nữa, những nhân viên vay nợ sẽ không bỏ công ty sang làm việc cho một công ty nhỏ hay đối thủ cạnh tranh.

Hãy nhớ lấy điều này khi bạn nhận được ưu đãi tín dụng, bạn càng vay, càng thiệt.

5. Cần lập mục tiêu

Tác giả bài viết có một người bạn doanh nhân. Ông ấy là thành viên ban quản trị một công ty dotcom thập niên 1990. Ông bán cổ phiếu của mình quá sớm, chỉ với số tiền thu về 30 triệu đô-la, trong khi đó chỉ vài tháng sau con số này lên tới 90 triệu đô-la.

Tuy nhiên điều đó chẳng có nhiều ý nghĩa với ông. Ông sử dụng khoản tiền thu về cho công ty tiếp theo và cuối cùng thu về 1 tỷ đô-la. Mục tiêu dài hạn và khả năng hiện thực hóa mục tiêu đã giúp ông thành công.

Ông nói: “Tôi rất ngạc nhiên với việc nhiều người sống không có mục tiêu gì. Họ đơn giản chỉ để dòng sông cuộc đời trôi qua.”

Người Latinh có câu: “Chiến thắng cần đến sự chuẩn bị kỹ càng.” Khi bạn đã có kế hoạch cẩn thận, bạn sẽ ngạc nhiên với kết quả bạn đạt được.

6. Không nên quên mất hiện tại

Mục tiêu cũng rất quan trọng, tuy nhiên không nên quên đi những gì đang diễn ra hiện nay.

Điều này đặc biệt đúng với nhóm doanh nhân, nhà điều hành doanh nghiệp và người có tính cách thuộc nhóm A. Đừng để những giấc mơ về tòa lâu đài khiến bạn không tận hưởng được niềm hạnh phúc trong căn nhà mà mình đang sống.

7. Cần đến một chút may mắn

Tác giả bài viết hết sức ngạc nhiên với một điều sau khi gặp nhiều người giàu có, đặc biệt các doanh nhân công nghệ, đó là họ hết sức cám ơn sự may mắn của mình. Tác giả thường được nghe câu: “Thông minh cũng tốt nhưng may mắn còn tốt hơn.” Một triết gia nổi tiếng đã nói: “May mắn đến khi đã có sự chuẩn bị tốt đi kèm với cơ hội.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.