10 Điều Khác Biệt Nhất Giữa Kẻ Giàu Và Người Nghèo

10. Kẻ thắng nhận trách nhiệm, Người thua đóng vai nạn nhân



Hãy chấp nhận một sự thật là: Cuộc sống không phải lúc nào cũng diễn ra như kế hoạch. Có người nói rằng cuộc sống là những gì đang diễn ra khi bạn đang lập những kế hoạch khác.

Trở thành người chiến thắng trong tình thế bất khả đoán như vậy đòi hỏi bạn phải cân bằng hai quan niệm có vẻ như đối lập nhau. Quan niệm đầu tiên là: “Chuyện đó xảy ra là do tôi lựa chọn.” Quan niệm thứ hai gần như trái ngược: “Chuyện gì đến sẽ đến.”

Hai phát biểu này tự thân chẳng có vấn đề gì nhưng chúng bỗng chốc đối lập khi đặt cạnh nhau. Tuy nhiên, nếu đi theo hướng cực đoan của bất kỳ phát biểu nào cũng đều tạo ra những kết quả tiêu cực.

Ví dụ, hãy tập trung vào phát biểu thứ nhất:Chuyện đó xảy ra là do tôi lựa chọn. Nếu nhìn nhận và vận dụng triết lý này ở mức cực đoan sẽ dẫn đến thái độ tự cao và suy nghĩ mình không cần ai cả. Còn phát biểu thứ hai thì sao? Ở mức cực đoan, quan niệm chuyện gì đến sẽ đến sẽ đẩy bạn vào vị trí của nạn nhân, một người trôi nổi không kiểm soát.

BẠN CHỌN:

“Chuyện đó xảy ralà do tôi lựa chọn.”

HAY

“Chuyện gì đến sẽ đến.”

Lẽ phải nằm đâu đó ở giữa. Người chiến thắng phải tìm được sự cân bằng trong cuộc sống và điểm cân bằng cho hai phát biểu này rơi vào chữ Trách nhiệm. Trách nhiệm nghĩa là bạn làm mọi việc tốt nhất có thể và tin tưởng rằng kết quả tốt sẽ đến. Bạn không thể cứ mãi sống trong trạng tháichuyện gì đến sẽ đến – không động tay động chân làm việc gì tích cực cả. Bạn cũng không thể lúc nào cũng sống trong trạng thái chuyện đó xảy ra là do tôi lựa chọn – đánh giá quá cao bản thân mình và tự cao tự đại mà phán xét.

Chính những suy nghĩ cực đoan khiến kẻ than vãn trở thành người thiếu ý thức kiểm soát, đó cũng là con đường dẫn đến một địa điểm duy nhất: nỗi sợ hãi. Cảm giác sợ hãi đó bám riết lấy con người bằng những nỗi lo, lo sợ chính là kẻ thù của chiến thắng.

Người thắng không lo lắng còn kẻ thua thì có.

Nỗi sợ hãi khiến kẻ thua tin chắc rằng điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra còn người chiến thắng vẫn giữ vững niềm tin vào những kết quả tích cực từ con người và hoàn cảnh. Trong khi có rất nhiều người không đối xử tốt với bạn, vẫn có rất nhiều người có khả năng sẽ đối xử tốt. Người chiến thắng chỉ tìm kiếm những người con người tốt đẹp đó mà không phải lo lắng về số còn lại.

Lo sợ chính là kẻ thù của chiến thắng.

Người chiến thắng tin tưởng vào ý tưởng của người khác. Kẻ thua thì ngược lại, luôn đóng vai nạn nhân vì họ để nỗi sợ hãi sinh sôi thành nỗi lo, nỗi lo nhân lên thành sự nghi ngờ, và sự nghi ngờ biến thành sự chia rẽ. Bạn không thể chiến thắng nếu thiếu những người đồng hành vì cuộc sống là một môn thể thao đồng đội. Chiến thắng chỉ có được nhờ sự đoàn kết.

Chiến thắng chỉ có được nhờ sự đoàn kết.

Tin tưởng hay sợ hãi tùy thuộc vào bạn quyết định. Đó là một quyết định cá nhân và là điều bạn phải làm mỗi ngày như một trách nhiệm. Đừng giống những kẻ thua cuộc luôn nghĩ rằng những lựa chọn của mình phụ thuộc vào hoàn cảnh và hoàn cảnh lại là lỗi của ai đó khác.

Thực ra nỗi sợ hãi của người thua cuộc bắt nguồn từ suy nghĩ mình không còn lựa chọn nào khác vì thế họ trao lựa chọn của mình vào tay một ai đó. Còn người chiến thắng thì biết rằng mình luôn có các lựa chọn và nhận trách nhiệm thực hiện hành động đó. Hành trình chiến thắng khởi đầu bằng việc bạn nhận trách nhiệm lựa chọn về mình. Hãy nắm lấy quyền lực đó và sử dụng nó một cách thông minh nếu bạn muốn trở thành người chiến thắng.

Kẻ thua vào vai nạn nhân bằng cách đổ lỗi cho hoàn cảnh và người khác. Họ nói: “Giá như họ làm việc này, giá như họ đừng làm việc kia thì cuộc sống của tôi đã trở nên hoàn hảo.” Đổ lỗi và than phiền luôn đi cùng nhau, và cả hai đều được những kẻ thua đảm nhiệm rất tốt. Hãy luôn nhớ rằng: Lựa chọn quyết định hoàn cảnh, hoàn cảnh không quyết định lựa chọn. Nếu bạn vẫn rên rỉ không thôi về hoàn cảnh của mình, bạn sẽ không thể trở thành người chiến thắng được.

Lựa chọn quyết định hoàn cảnh, hoàn cảnh không quyết định lựa chọn.

Trong cuộc sống, sẽ có lúc bạn bị níu chân lại và khi đó, bạn có đổ lỗi cho người khác không? Nếu bạn trả lời là có, bạn sẽ chẳng thay đổi được đâu. Nhận trách nhiệm trước hoàn cảnh hiện tại mới chính là bước đầu tiên để phát triển.

Bản thân tôi cũng đã nhiều lần đổ lỗi cho người khác trong những hoàn cảnh khác nhau. Nhưng tôi nhận ra rằng nếu vẫn tiếp tục nhận vai nạn nhân bằng việc đổ lỗi và than phiền, tôi sẽ phải đối mặt với những cảm xúc thất vọng và chán nản.

Sự thật là tất cả chúng ta, chẳng ai trốn tránh được sự thất vọng cả đời. Thế nhưng, khi thất vọng, chúng ta phải học cách khích lệ bản thân trước khi mắc căn bệnh chán nản, vì theo sau chán nản sẽ là phiền muộn.

Kẻ thua chung sống với sự phiền muộn còn người chiến thắng đối đầu với những thất vọng, khích lệ bản thân và tiếp tục tiến tới. Một người chiến thắng nói: “Những suy nghĩ, cảm xúc và hành động của tôi là trách nhiệm của bản thân tôi.” Hãy chiến thắng từ trong suy nghĩ của bạn và lựa chọn những suy nghĩ tích cực bằng cách nhận trách nhiệm về mình.

Than thở là kết quả của những suy nghĩ tiêu cực nên đừng để người khác lấp đầy tâm trí bạn bằng những suy nghĩ kiểu đó. Hãy đưa ra những quyết định tỉnh táo dựa trên những gì bạn có trong đầu. Đừng để người khác kiểm soát suy nghĩ của bạn thay bạn, để rồi sau đó lại phải mất công đổ lỗi cho họ.

Kết quả là bức tranh phản chiếu các chọn lựa mà bạn thực hiện. Người chiến thắng nhìn nhận hầu hết mọi điều trong cuộc sống như một kết quả hay một sự phản chiếu. Sức khỏe là kết quả hay sự phản chiếu của những chọn lựa bạn đã thực hiện với chế độ ăn uống và tập luyện thể dục của mình. Sự giàu có là kết quả hay sự phản chiếu của những lựa chọn bạn thực hiện về tiền bạc. Hạnh phúc là kết quả hay sự phản chiếu của những suy nghĩ về cuộc sống. Bạn cần học cách nhận trách nhiệm cho những lựa chọn mình thực hiện trong từng lĩnh vực cuộc sống. Nếu không, bạn sẽ có cảm giác như mình là nạn nhân và hứng chịu những kết quả tiêu cực. Thay vì sức khỏe, sẽ là bệnh tật. Thay vì giàu có, sẽ là nghèo khổ. Thay vì hạnh phúc, sẽ là sự phiền muộn. Những kết quả tích cực hay tiêu cực đơn thuần là sự phản chiếu các lựa chọn chúng ta thực hiện mà thôi.

Giờ hãy nhìn vào những kết quả bạn đạt được như những trái chín trên cây. Than vãn là trái chín của suy nghĩ tiêu cực và chiến thắng là của suy nghĩ tích cực. Những kết quả tích cực mà bạn khao khát chính là trái chín của suy nghĩ tích cực đó. Người chiến thắng chịu trách nhiệm cho những kết quả của mình bằng cách chịu trách nhiệm cho những suy nghĩ. Suy nghĩ giống như những hạt giống và tâm trí thì như đất trồng phì nhiêu. Những suy nghĩ bạn lưu giữ trong đầu sẽ phát triển và bén rễ, cuối cùng hạt giống nhỏ đó sẽ trở thành một cái cây lớn với rất nhiều trái chín. Vì thế, hãy quan tâm đến việc lưu giữ những suy nghĩ tích cực trong đầu bạn.

Khi những suy nghĩ tiêu cực xuất hiện, đừng để chúng ở lại quá lâu, nếu không chúng sẽ bắt đầu mọc rễ, và một khi đã bén rễ rồi, bạn sẽ khó lòng mà nhổ chúng đi được. Người chiến thắng luôn tin rằng “các kết quả là trách nhiệm của tôi”, và đó là lý do tại sao họ chọn các suy nghĩ cẩn thận. Họ suy nghĩ về cái mình muốn chứ không phải cái không muốn. Còn kẻ thua thì phí thời gian suy nghĩ về những thứ họ không muốn và đó là cái họ sẽ chung sống suốt cuộc đời mình. Tất cả chúng ta đều muốn giành chiến thắng đều đặn hơn trong cuộc đời, điều đó đồng nghĩa với việc bạn phải học cách kiểm soát suy nghĩ của mình đều đặn hơn. Chỉ có thành công trong việc kiểm soát suy nghĩ của bản thân, bạn mới có thể thay đổi kết quả.

Suy nghĩ giống như những hạt giống và tâm trí thì như đất trồng phì nhiêu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.