10 Điều Khác Biệt Nhất Giữa Kẻ Giàu Và Người Nghèo
1. Kẻ làm chủ tin tưởng nên chấp nhận rủi ro, Người làm thuê sợ hãi nên chọn an toàn
Trong cuốn sách 10 điều khác biệt nhất giữa kẻ giàu và người nghèo, tôi đã viết: “Rủi ro là cơ hội.” Khi chấp nhận rủi ro, bạn đang nắm lấy những cơ hội của cuộc đời. Rất nhiều người làm thuê đã để nhiều cơ hội trôi qua vì sợ hãi nhiều hơn tin tưởng. Những người làm chủ thành công có những niềm tin mạnh mẽ, điều này cho phép họ nhận thấy cơ hội và chấp nhận rủi ro. Hầu hết mọi người đều ít tin tưởng vào bản thân, và đó là lý do tại sao họ vẫn làm thuê. Rất nhiều người làm thuê nói rằng họ muốn tự kinh doanh nhưng sự sợ hãi không cho phép họ chấp nhận những rủi ro cần thiết.
Rủi ro là cơ hội
Tin tưởng bản thân
Bạn tin vào bản thân thế nào thì hiệu quả làm việc của bạn sẽ thế ấy. Bạn có tin tưởng bản thân không? Nếu bạn nhìn vào những kết quả mình đạt được và nghĩ rằng chúng chưa đủ tốt thì hãy cố gắng nhìn sâu hơn để tìm ra lý do cho các kết quả đó. Những kết quả bạn nhận được đơn thuần là sự phản chiếu những gì bạn làm hay không làm. Và những thứ bạn làm hay không làm đơn thuần là kết quả của những gì bạn đang nghĩ về bản thân.
Nếu cho rằng những kết quả mình đạt được chưa đủ tốt, bạn có thể có một niềm tin tiềm thức về bản thân rằng: “Tôi chưa đủ giỏi.” Và nếu nhìn sâu hơn, có thể bạn sẽ thấy một niềm tin đơn giản hơn rằng: “Tôi chưa đủ tầm.”
Bạn đã đủ tầm chưa? Tất nhiên là rồi! Người làm chủ luôn tin tưởng bản thân. Nếu không tin tưởng bản thân thì sẽ chẳng bao giờ nhận ra được những cơ hội, sẽ chẳng bao giờ chấp nhận những rủi ro cần thiết và sẽ chẳng bao giờ đạt được những thành công mình mong muốn. Bạn phải có niềm tin vào bản thân và dẹp bỏ tất cả những hoài nghi. Tự hoài nghi là nguyên nhân vì sao rất nhiều người làm công vẫn đi làm công. Thiếu niềm tin vào bản thân, bạn sẽ luôn cần ai đó chỉ bảo những gì phải làm, hay bạn sẽ chủ động yêu cầu người khác cho phép mình làm gì đó. Tôi tin rằng nguyên nhân quan trọng nhất khiến rất nhiều người vẫn làm thuê là vì họ đang chờ ai đó cho phép họ trở thành thứ gì khác.
Nếu không có nhiều niềm tin vào bản thân thì đây chính là lúc bạn phải nắm lấy những niềm tin đang có và làm quen với nó. Giống như cơ bắp, niềm tin phải được luyện tập để trở nên vững vàng hơn. Bạn có niềm tin. Tất cả chúng ta đều có. Nhưng liệu bạn có đang vận dụng niềm tin vào bản thân không? Đừng chờ đến khi ai đó cho phép bạn mới hành động để đạt được khao khát của mình.
Bạn tin vào bản thân thế nào thì hiệu quả làm việc của bạn sẽ thế ấy.
Tin tưởng những người khác
Tin tưởng bản thân cho phép bạn chấp nhận rủi ro. Nó cũng sẽ khiến bạn tin tưởng vào những người khác.
Bạn có tin tưởng những người khác không? Người không tôn trọng người khác thường thiếu tôn trọng bản thân mình. Người dễ dàng nổi nóng với người khác cũng sẽ dễ dàng nổi nóng với những hành vi của bản thân. Niềm tin bản thân sẽ phản chiếu lên mọi người và khi bạn chọn tin tưởng vào bản thân, bạn sẽ thấy tin tưởng vào những người khác dễ dàng hơn. Bạn cần mọi người và mọi người cần bạn. Bằng cách tin tưởng vào bản thân, những người khác sẽ cảm thấy bạn cũng tin tưởng vào họ. Họ sẽ muốn giúp bạn vì họ cảm thấy bạn chân thành trong việc giúp đỡ họ.
Khi bạn tin vào bản thân và mọi người, và cùng nhau chấp nhận rủi ro, khả năng thành công của bạn sẽ cao hơn. Chân lý đơn giản là càng chấp nhận nhiều rủi ro thì khả năng thành công càng cao. Càng ít chấp nhận rủi ro thì khả năng thành công càng thấp. Do đó, hãy chấp nhận rủi ro và chấp nhận chúng với niềm tin vào những kết quả tích cực. Chấp nhận rủi ro khi đang sợ hãi thường dẫn đến thất bại.
Người không tôn trọng người khác thường thiếu tôn trọng bản thân mình.
Rủi ro và nỗi sợ
Bạn luôn đưa ra lựa chọn để tin tưởng hay sợ hãi. Lý do lớn nhất khiến mọi người sợ là vì họ tin vào những thứ không có thật. Có lẽ bạn đã từng biết đến cụm từ viết tắt phổ biến đại diện cho từ sợ hãi (FEAR) – False Evidence Appearing Real (Tạm dịch: Chứng cứ sai nhưng có vẻ như đúng).
Trong hội thảo “Thông Thái Dẫn Đến Tự Do” của tôi, tôi dạy học viên cách sử dụng những câu hỏi đầy quyền lực để xử lý nỗi sợ. Khi đối mặt với nỗi sợ hãi, hãy tự hỏi bản thân: “Cái gì tôi tin là thật nhưng thực tế không phải là sự thật?” Dù đơn giản, cách này rất hiệu quả. Câu trả lời của câu hỏi đó sẽ giúp bạn xác định những niềm tin sai lầm và nhận ra thực trạng. Sự thật sẽ giúp bạn vượt qua nỗi sợ và củng cố niềm tin, từ đó bạn có thể chấp nhận những rủi ro cần thiết cho thành công. Niềm tin sai lầm nuôi dưỡng nỗi sợ còn sự thật nuôi dưỡng niềm tin. Hãy sử dụng kỹ thuật này mỗi khi đối mặt với nỗi sợ hãi. Cái tôi sẽ muốn biện minh cho những niềm tin giới hạn nhưng con tim bạn biết đâu là sự thật. Nếu sẵn lòng lắng nghe con tim mình và đặt nghi vấn cho những niềm tin đang có, bạn sẽ bắt đầu cảm nhận được nhiều bình yên và niềm vui hơn. Bình yên và niềm vui là những đồng minh đầy sức mạnh trong cuộc đời một kẻ làm chủ thành công.
Sự thật tạo ra niềm tin, niềm tin sai lầm tạo ra nỗi sợ. Có thể bạn có niềm tin sai lầm rằng bạn vẫn chưa đủ giỏi. Có thể bạn có niềm tin sai lầm rằng những gì người khác nghĩ về bạn rất quan trọng. Có thể bạn có niềm tin sai lầm rằng bạn không thể làm gì đó, dù “gì đó” là gì đi chăng nữa. Niềm tin sai lầm tạo ra những nỗi sợ – cái ngăn không cho bạn chấp nhận những rủi ro dẫn bạn đến thành công. Dù nỗi sợ của bạn là gì đi chăng nữa, chúng cũng được xây lên từ những niềm tin sai lầm.
Sự thật là bạn đủ giỏi. Sự thật là những gì người khác nghĩ về bạn không quan trọng. Sự thật là bạn có thể làm được điều đó, dù “điều đó” là gì đi chăng nữa.
Sự thật tạo ra niềm tin
Khi bạn nhận ra những niềm tin sai lầm và chọn tin vào những sự thật về bản thân, niềm tin của bạn sẽ phát triển. Dù luôn tồn tại khả năng thất bại, hãy nhớ thông điệp của khác biệt 9: Thất bại là người bạn, không phải kẻ thù. Sợ thất bại là một trong những nỗi sợ chủ yếu khiến con người không chấp nhận rủi ro. Những người làm chủ thành công hiểu rằng thất bại chỉ là một phần của quá trình thành công, và sợ thất bại sẽ ngăn cản chúng ta tiến về phía ước mơ và làm những gì yêu thích. Thất bại là điều không thể tránh khỏi. Sẽ rất ngu ngốc khi để những nỗi sợ không thể tránh khỏi ngăn cản bạn sống cùng giấc mơ và làm những gì mình yêu thích. Khi có thể trải qua nhiều thất bại mà không mất niềm tin, thành công sẽ trở nên khả dĩ. Nếu chọn niềm tin thay vì nỗi sợ, cuối cùng bạn sẽ đạt được thành công thực sự. Nếu mất niềm tin sau một hay vài thất bại, bạn vẫn có thể chọn cách có lại niềm tin. Khi nói về niềm tin, bạn có thể chọn có hay mất nó. Mất niềm tin đơn thuần chỉ là chọn ngừng tin tưởng. Chọn có niềm tin là lựa chọn vẫn tin tưởng vào khả năng thành công. Niềm tin nói rằng: “Đúng, bạn có thể.” Nỗi sợ nói rằng: “Không, bạn không thể.” Mỗi khi nỗi sợ mách bảo rằng bạn không thể đạt được thành công, hãy tỉnh táo chứng minh rằng nó đang lừa dối bạn. Hãy chọn lắng nghe tiếng nói của niềm tin trong bạn.
Niềm tin là một sức mạnh rất thật trong cuộc sống của những ông chủ thành công. Niềm tin sẽ thúc đẩy và cho bạn những lời khuyên thông minh trong những lúc khó khăn nhất. Nó mách bảo bạn rằng: “Hãy theo đuổi đi, bạn có thể làm được!” Nó cũng có thể nói hay thậm chí hét to rằng: “Không! Dừng lại đi! Làm vậy là sai rồi!” Với những người làm chủ trẻ tuổi, dù hành động với niềm tin, họ vẫn thất bại. Có thể là họ đã sai, hoặc thất bại chính là họ cần trải qua để có những kiến thức cho thành công sau này.
Bạn có thể làm được điều đó dù “điều đó” là gì đi chăng nữa.
Niềm tin vào những con số
Khi nói đến niềm tin và hoạt động kinh doanh, có một thứ bạn có thể đặt niềm tin vào, đó là những con số. Nhiều kẻ làm chủ đặt niềm tin vào những điều thần bí của thành công và hy vọng điều tốt đẹp nhất sẽ xảy ra. Niềm tin đó chẳng có gì sai cả. Người làm chủ thành công nhất mà tôi từng gặp đã nói rất nhiều lần rằng phép màu nằm ở sự kết hợp. Nghe có vẻ kỳ lạ khi một doanh nhân thành công nói đến phép màu. Bạn có thể nghĩ rằng một người làm chủ thành công chỉ nhìn vào lợi nhuận, nhìn vào những con số chứ không phải những điều thần bí. Nhưng có một sự cân bằng giữa thực tế và thần bí trong kinh doanh đó là niềm tin. Chỉ cần tin tưởng rằng bạn sẽ thành công ngay cả khi thất bại, bạn sẽ thành công dù xảy ra chuyện gì đi chăng nữa. Trong niềm tin có bao hàm kỳ vọng thành công. Niềm tin “tôi thành công”sẽ dẫn đến rất nhiều thành công. Vài ông chủ thiếu niềm tin nghĩ rằng: “Khi nào trải qua thành công thì tôi mới thành công”, nhưng những kẻ làm chủ thành công thực sự tin rằng họ đã thành công.
Niềm tin thần bí rằng mình đã là một người thành công cho phép người làm chủ tạo ra những thành công kinh doanh thật sự. Những thành công đó được thể hiện qua những con số. Một trong những ví dụ kinh điển nhất của việc con số phản ánh thực tế là tỷ lệ đánh trúng bóng trung bình của môn bóng chày. Ai đó có tỷ lệ đánh trúng bóng là 0.3, nghĩa là người đó chỉ đánh trúng bóng ba lần trong mười lần. Một cách nhìn khác là người đó đánh hụt bảy lần trên số mười lần đánh bóng. Trong kinh doanh, tổng người bán hàng có thể nghe hai mươi lần từ chối để có một lần khách hàng đồng ý mua sản phẩm. Một lãnh đạo trẻ có thể trải qua chín thất bại để có một lần thành công. Một ông chủ dày dạn kinh nghiệm có khả năng thành công bốn lần sau sáu lần thất bại. Những nhà môi giới chứng khoán hiệu quả nhất trên thế giới chỉ thành công phân nửa số lần, có nghĩa là họ mất tiền trong phân nửa số giao dịch. Một người tiếp thị mạng lưới thiếu kinh nghiệm có thể chỉ “săn” được một trong số mười người họ nói chuyện, một tay tiếp thị kinh nghiệm hơn có thể đạt được năm trên mười người.
Một khi bạn biết được những con số trung bình trong bất kỳ ngành nghề nào, bạn có thể hành động với niềm tin vào những con số. Nếu bán hàng và biết con số trung bình là hai mươi lần từ chối cho một lần thành công, bạn có thể vượt qua những lần từ chối với niềm tin chắc chắn rằng bạn đang tiến gần hơn đến việc bán được sản phẩm. Là một doanh nhân, nếu biết việc kinh doanh sẽ thất bại chín trên mười lần, bạn có thể vượt qua những thất bại với niềm tin rằng mình đang tiến gần hơn đến thành công. Do đó, hãy đặt niềm tin vào những điều thần bí và thực tế.
Sức mạnh thần bí của niềm tin có hai cái tên là: tự tin và kiên trì. Tự tin đến từ niềm tin rằng tôi là người thành công và do đó sẽ thành công. Kiên trì là sức mạnh để chịu đựng và tiếp tục tiến lên phía trước thậm chí khi bạn cảm thấy muốn từ bỏ. Kiên trì sẽ tưởng thưởng bạn! Sự kết hợp giữa tự tin và kiên trì là sự kết hợp giữa niềm tin bên trong và hành động bên ngoài. Tự tin là niềm tin bên trong và kiên trì là hành động bên ngoài. Kết hợp sức mạnh của tự tin và kiên trì sẽ tăng cường năng lực của bạn! Càng tin tưởng và nuôi dưỡng niềm tin bằng hành động, bạn sẽ càng sớm thấy được những kết quả thực tiễn, thực tế, vật chất, hữu hình trong thế giới thực gọi là Thành Công.
Kiên trì sẽ tưởng thưởng bạn.
Một cách đơn giản để tăng cường niềm tin
Tôi đã để dành phần trình bày này ở phần cuối của cuốn sách vì muốn bạn nhớ và áp dụng nó ngay sau khi đọc xong. Đó là: Hãy ăn mừng thành công của bạn. Tất cả chúng ta đều có những thành công, nếu tìm bạn sẽ thấy chúng xuyên suốt cuộc đời mình. Hầu hết mọi người không tự ghi nhận công trạng của mình. Đừng rơi vào tình trạng đó. Hãy suy nghĩ về những khoảng thời gian thành công và ăn mừng chúng. Bằng cách ăn mừng những khoảnh khắc thành công trong quá khứ, bạn đã trao cho bản thân niềm tin để chấp nhận rủi ro trong hiện tại.
Ăn mừng thành công bao gồm cả biết ơn những thử thách dẫn đến thành công. Tất cả chúng ta đều có những khoảng thời gian khó khăn – thứ giúp chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn. Tất cả chúng ta đều từng gặp những cản trở và hiện tại phải biết ơn chúng. Sự biết ơn nuôi dưỡng niềm tin. Càng gieo trồng nhiều sự biết ơn với những trải nghiệm cuộc đời thì bạn càng có nhiều niềm tin. Hãy ăn mừng bằng cách biết ơn những trải nghiệm – không chỉ là những trải nghiệm đẹp mà cả những trải nghiệm khó khăn. Giai đoạn khó khăn nhiều khả năng là thời điểm bạn phát triển nhiều nhất.
Mỗi ngày bạn đều có thể lựa chọn niềm tin hay nỗi sợ. Hãy chọn niềm tin. Càng thường xuyên chọn niềm tin, bạn sẽ càng trở nên mạnh mẽ và nỗi sợ sẽ càng ít tác động đến bạn. Hãy tiếp tục đi theo hướng đó. Niềm tin là tài sản lớn nhất. Hãy nuôi dưỡng nó và tìm kiếm tự do.
Hãy ăn mừng thành công của bạn.
Giờ thì sao?
Hãy ghé thăm website www.keithcameronsmith.com và đăng ký nhận Thông Tin Những Khác Biệt Thông Minh để tiếp tục phát triển tư duy cho mục tiêu tự do cá nhân và tài chính. Bạn cũng sẽ nhận được những cập nhật về những sự kiện mà bạn có thể trực tiếp gặp tôi.
Hãy chia sẻ cuốn sách này với những người thích hợp trong cuộc đời bạn. Hãy thảo luận những khác biệt này với họ. Hãy hỏi họ khác biệt nào quan trọng nhất trong tình thế hiện tại của họ.
Hãy đọc lại cuốn sách này mỗi tháng, và hãy nuôi dưỡng hạt giống bạn vừa cấy trồng vào tư duy của bạn. Tôi viết cuốn sách này ngắn gọn và đơn giản để bạn có thể đọc lại nó nhiều lần.
Phụ lục
Chủ với làm thuê và cách thợ săn quản lý bầy chó
Một cách miêu tả khác giữa người làm chủ và kẻ làm thuê là cách “thợ săn quản lý bầy chó”. Các bạn sẽ thấy, quan hệ ông chủ và người làm thuê không khác là bao.
1. Một chú chó săn chạy khắp cánh đồng dưới chân núi mà không bắt được con thỏ nào.
Người chăn dê thấy thế cười, trêu chú chó:
– Chú thật bất tài. Con thỏ nhỏ hơn chú bao nhiêu mà còn chạy nhanh hơn. Chó săn đáp:
– Ông không biết mục đích chạy của bọn tôi hoàn toàn khác nhau! Tôi chạy chỉ vì miếng ăn, còn thỏ chạy vì tính mạng!
Thợ săn nghe cuộc trò chuyện của người chăn dê và chú chó, nghĩ bụng: “Con chó này nói đúng. Nếu ta muốn có nhiều thỏ hơn thì phải nghĩ cách khác”. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu thợ săn. Đó là tia lửa đầu tiên của khoa học quản lý.
2. Thế là thợ săn ra chợ mua thêm mấy con chó săn khác. Sau đó, ông ta ra chính sách mới: Hễ con nào bắt được đủ số thỏ sẽ được “trả lương” bằng mấy chiếc xươ ng. Không bắt được thỏ thì không có ăn.
Chiêu mới quả cao tay. Bầy chó tranh nhau săn bắt, đem rất nhiều thỏ về, bởi chẳng con nào muốn thấy chó khác gặm xương, trong khi mình hóp bụng trương mắt ếch.
3. Được một thời gian, lại có vấn đề xuất hiện. Bầy chó nhận ra: thỏ lớn khó bắt hơn thỏ bé, vậy mà bắt được bất kể thỏ lớn hay thỏ bé thì đều nhận trả công như nhau. Lúc đầu chỉ có một vài con giỏi nhận xét mới chuyên bắt thỏ nhỏ, sau cả đàn đều làm theo.
Thợ săn hỏi:
– Gần đây thỏ bọn bay bắt được càng ngày càng nhỏ, vì sao vậy? Bầy chó trả lời:
– Thỏ lớn thỏ nhỏ không khác nhau, ai phí công đi bắt thỏ lớn đây?
Sau một thời gian suy nghĩ, thợ săn quyết định không dùng xương để trả cho số lượng thỏ, mà dùng phương pháp đánh giá hiệu quả: cứ một thời gian lại thống kê trọng lượng thỏ của từng con săn về, từ đó trả công theo từng giai đoạn.
Cách quản lý mới của thợ săn lập tức có tác dụng, số thỏ bầy chó săn về tăng cả số lượng lẫn chất lượng. Thợ săn rất đắc ý.
4. Thế nhưng, ngày này qua ngày khác, thợ săn lại thấy số thỏ bầy chó săn về giảm rõ rệt, mà những con chó càng nhiều kinh nghiệm thì lại đem về càng ít thỏ.
Thợ săn hỏi bầy chó. Bầy chó đáp:
– Quãng đời đẹp nhất của bọn tôi đều là cho ông, chủ nhân. Nhưng giờ bọn tôi ngày một già. Khi không bắt được thỏ nữa, ông có còn cho tôi xương không?
Thế là thợ săn thống kê lại toàn bộ số thỏ bắt được của từng con, tiến hành phân tích, đưa ra quy định mới về trả công: Nếu bắt được số thỏ vượt một mức nhất định, chó săn khi về già sẽ được trả số xương nhất định.
Bầy chó vui sướng, tất cả lại lao đi săn, cố để hoàn thành nhiệm vụ ông chủ giao. Qua một thời gian, một số chú chó đã hoàn thành chỉ tiêu.
5. Một thời gian sau, có một con nói:
– Chúng tôi cố gắng thế mà chỉ được trả mấy khúc xương, mà số thỏ tôi săn được quý gấp bao nhiêu lần xương. Vì sao chúng tôi không bắt thỏ cho chính mình nhỉ?
Thế là có mấy chú chó bỏ thợ săn, tự mình lập xưởng bắt thỏ.
Vậy câu chuyện có ý nghĩa gì? Đó chính là các bước phát triển của khoa học quản lý.
Không chỉ có thợ săn, ngay cả chó săn cũng có nhu cầu lập nghiệp.
Nhìn từng chú từng chú chó săn bỏ đi, vì sao chúng ta không tạo cho họ cơ hội lập nghiệp trong nội bộ công ty? Nếu trong công ty có “Hội khích lệ nhân viên lập nghiệp”, hội sẽ tìm những cách thức thích hợp để khích lệ và giúp đỡ nhân viên lập nghiệp. Như vậy, một mặt công ty có thêm nhiều cơ hội đầu tư; mặt khác, nhân viên có thể tự quản lý một hạng mục mới, bước một bước dài trong sự nghiệp.
Nó không chỉ giữ chân được những người ưu tú trong công ty, mà còn tạo thêm nhiều lợi nhuận và tránh được những cuộc cạnh tranh phức tạp sau này.
Tiện nói luôn: anh là người tài, nhưng cậy tài mà khinh khi sẽ chuốc đố kị mà thôi. Như câu chuyện trên coi nhân viên là bầy chó là không được. Bạn sẽ bị đố kị ngay lập tức.
Lời kết: Công ty có được tinh thần cống hiến của nhân viên hay không, vấn đề cốt yếu là có tạo điều kiện cho họ sáng tạo hay không, có cho họ cảm giác thành đạt và thực hiện được ước mơ hay không. Trả lương, thưởng, đánh giá hiệu quả, tạo điều kiện để nhân viên thực hiện kế hoạch… đều là những công cụ hữu hiệu để nhà quản lý kích thích tinh thần làm việc của nhân viên.
Có những người mục đích làm việc không chỉ xuất phát từ tiền, mà còn từ tình yêu công việc. Trong tiềm thức, mỗi nhân viên đều hy vọng được làm và phát triển công việc mình yêu thích.
Tạo “đất” cho nhân viên làm việc là một kỹ thuật quản lý mới. Một mặt nó giúp nhân viên hiểu rõ vị trí và phương hướng làm việc của mình trong công ty, phát huy năng lực, thỏa mãn tình yêu công việc và khát vọng thành đạt của nhân viên; mặt khác nó là cách giữ gìn và phát triển hữu hiệu nguồn lực con người, đáp ứng cả nhu cầu hiện tại và tương lai của công ty.
Dùng kỹ thuật quản lý mới này, bạn có thể đề ra được bao kế hoạch, đồng thời tạo cho nhân viên cơ hội học tập và phát triển. Khích lệ tinh thần tiến thủ của nhân viên, bạn sẽ không ngừng tăng cao hiệu suất và thực hiện mục tiêu chiến lược của công ty.
Sưu tầm
Đi làm và làm chủ
Lúc đi làm, mỗi khi có chuyện xảy ra, có lẽ nó không liên quan đến bạn. Vì thế, ai đó cần phải giải quyết nó và người đó tất nhiên không phải là bạn.
Lúc làm chủ, mỗi khi có chuyện xảy ra, nếu không kịp xử lý doanh nghiệp có thể tiêu tùng. Vì thế bằng mọi giá phải ngay lập tức giải quyết nó.
Đây là một ví dụ cho thấy sự khác biệt rất cơ bản trong hai lối tư duy. Với nhiều nhà phân phối, thực là khó khăn để họ có thể thay đổi cách tư duy cố hữu của mình.
Một nhà phân phối chia sẻ thông tin với một khách hàng ở xa, nơi không có trung tâm phân phối. Người khách hàng đó than phiền rằng: “Tiền gửi sản phẩm về đây mắc quá em ơi, làm sao mà chị làm được”. Một số nhà phân phối với tư duy của người làm công sẽ bỏ cuộc.
Ngược lại, người với tư duy làm chủ sẽ ngay lập tức suy nghĩ để giải quyết tình huống mới đưa ra. Có khả năng họ sẽ đi đến một trong những giải pháp sau:
Tìm những khách hàng có thể chịu chấp nhận mức phí vận chuyển này.
Thử phương pháp vận chuyển khác.
Tìm những khách hàng muốn dùng sản phẩm đến mức họ không quan tâm đến phí vận chuyển.
Chứng minh cho khách hàng sản phẩm này không gì có thể thay thế được, phí vận chuyển không làm giảm khả năng tiêu thụ.
Lên kế hoạch tiêu thụ với số lượng lớn để giảm thiểu chi phí.
Một giải pháp hay ho nào khác mà bạn nghĩ ra.
Lần tới, khi suy nghĩ: “Có ai đó cần phải giải quyết vấn đề này chứ” xuất hiện, hãy tự hỏi và trả lời cho mình câu hỏi sau đây:
Hỏi: Trong kinh doanh chúng ta có gặp khó khăn không?
Đáp: Có chứ! Và những người chủ doanh nghiệp có trách nhiệm phải vượt qua nó. Đó là lý do tại sao họ làm chủ.
Bạn chọn làm chủhay làm thuê?
Những người thành công chọn làm bất kỳ điều gì để tạo ra cuộc sống mà họ mong muốn. Họ không ngồi một chỗ, chờ đợi ai đó trao cho họ đúng cơ hội, hay đưa cho họ “một kế hoạch hành động đảm bảo và ít rủi ro” nào đó. Sự khác biệt đem lại thành công nằm trong chính tay bạn, đó là tư duy làm chủ đối lập với tư duy làm thuê.
Sự khác biệt này không nằm ở việc bạn là một ông chủ hay nhân viên mà nằm ở tư duy. Rất nhiều nhân viên có tư duy làm chủ, trong khi nhiều ông chủ thể hiện tư duy làm thuê.
Tư duy làm chủ liên quan đến 6 điểm khác biệt chính sau đây:
1. Tập trung đóng góp thay vì đoạt được quyền hành
Nếu để ý đến cuộc sống hiện tại của bạn, bạn sẽ thấy có lúc mình cũng mang tư duy quyền lực, khi bạn tin rằng chỉ bằng việc hít vào thở ra, bạn có thể có được những phần thưởng và lợi ích mà không cần đến đóng góp và thành quả của những đóng góp ấy.
Lấy đóng góp làm trọng tâm cuộc sống có nghĩa là bạn quan tâm đến những gì mà bạn có thể đóng góp cho bất cứ ai, trong bất kỳ tình huống nào mà bỏ qua tất cả những cảm giác bị ép buộc, nghĩa vụ trong đầu của bạn. Đó là triết lý “cho đi, cho đi và cho đi”.
2. Tập trung vào hiệu quả thay vì kết quả
Những người có tư duy làm chủ tập trung không mệt mỏi để đạt được những thành quả đặc biệt mà họ muốn tạo ra trong cuộc sống và chỉ làm những việc liên quan trực tiếp đến chúng. Họ loại bỏ hết những thứ tào lao không mang lại hiệu quả.
Trái lại, những người có tư duy làm thuê cảm thấy hài lòng khi chỉ cần làm việc chăm chỉ, chăm chỉ và chăm chỉ hơn nữa mà không quan tâm liệu tất cả nỗ lực của mình có trực tiếp tạo ra những hiệu quả cụ thể mà mình mong muốn hay không.
3. Phân loại công việc theo nhu cầu đối lập với yêu cầu
Nếu bạn tìm kiếm và quan tâm đến nhu cầu trong một tình huống thay vì yêu cầu của sếp, đồng nghiệp hay khách hàng, bạn sẽ luôn là người đầu tiên được đề bạt, người đầu tiên giành được vụ làm ăn/dự án mới và là người cuối cùng bị sa thải. Loại bỏ thói quen làm theo yêu cầu, bạn sẽ càng thành công.
4. Làm việc vượt ra khỏi quyền hạn – Đừng làm việc để bảo vệ vị trí hiện tại Điều gì ngăn cản bạn không thể tiến thêm bước nữa trong nấc thang sự nghiệp?
Đó là vì bạn bám quá chắc vào nấc thang hiện tại như thể đó là điểm tựa duy nhất cho cuộc sống của bạn.
Làm sao bạn có thể trở thành lãnh đạo hay sếp? Hãy bắt đầu bằng việc khiến mình không còn phù hợp với vai trò hiện tại và tìm cách nắm giữ vị trí cao hơn, và cứ tiếp tục như thế.
Thực sự, một ai đó liên tục khiến bản thân “không cần thiết” và “thừa” ở những công việc cấp thấp trong tổ chức, bằng cách tuyển dụng tốt, thuê ngoài, ủy quyền, tự động hóa, hệ thống hóa,… và tìm kiếm các vị trí cấp cao hơn, chính là người không thể thiếu trong tổ chức của bạn.
5. Hướng đến các quyết định lớn lao, thậm chí vượt quyền
Những người thành công không chờ ai đó bảo họ phải thành công, họ không đợi ai đó bắt họ phải ra những quyết định và gây ảnh hưởng lớn lao trong cuộc sống.
Những người có tư duy làm thuê không muốn chịu trách nhiệm với các quyết
định sai lầm của mình, vì thế họ né tránh trách nhiệm ra quyết định. Đó là một phần của hành động bảo vệ công việc.
Nhưng họ không hiểu rằng, cách ứng xử này đi ngược lại mục đích đảm bảo công việc tương lai của họ. Bởi họ không thực sự ra bất cứ quyết định nào, có nghĩa là họ chẳng mang lại ảnh hưởng gì. Họ sẽ là người đầu tiên phải ra đi khi cấp trên cân nhắc cắt giảm biên chế.
6. Nhìn nhận vấn đề đơn giản và thiết thực chứ đừng quá nặng nề
Một khía cạnh quan trọng của tư duy kinh doanh đó là quan sát thế giới xung quanh bạn với lăng kính rộng hơn. Những người có tư duy làm chủ nhìn ra thế giới với sự linh hoạt, mềm mỏng và đa dạng. Họ biết cách “uốn cong” thực tế hiện tại theo ý họ.
Trái lại, những người có tư duy làm thuê, nhìn ra và thấy thế giới đầy rẫy quy tắc, thứ bậc, quy định. Họ răm rắp làm theo quy trình với hy vọng nếu họ làm theo những gì được yêu cầu, mọi chuyện sẽ ổn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.