10 Điều Khác Biệt Nhất Giữa Kẻ Giàu Và Người Nghèo
6. Kẻ làm chủ khen và sửa sai, Người làm thuê không khen và cố tránh việc sửa sai
Thầy dạy karate của con trai tôi thường sử dụng một phương pháp rất hữu hiệu để khai thác tiềm năng của học trò và bản thân là “KSK” hay còn gọi là Khen, Sửa, Khen.
Khi thầy giáo này thấy học viên mắc lỗi lúc đang tập luyện, thay vì chỉ trích hay sửa sai ngay lập tức, ông sẽ sử dụng chiến lược KSK để có được những kết quả tốt nhất. Đầu tiên là khen hay ca tụng cái đúng của học viên đó, sau đó sửa sai và sau đó khen sự tiến bộ.
Ví dụ khi đứa trẻ thực hiện cú đá không hết sức mà chỉ đá đúng lực, ông thầy sẽ nói: “Tốt, tuyệt vời, chân con đá đúng cách rồi. Giờ hãy đá mạnh thêm nữa.” Khi đứa trẻ đá mạnh hơn, ông thầy sẽ đập tay ăn mừng với nó và nói: “Đúng vậy, giỏi lắm!” Khen, sửa, sau đó lại khen.
Cách làm đó không chỉ đúng với những đứa trẻ, nó cũng cực kỳ hiệu quả với người lớn. Theo kinh nghiệm của tôi thì người lớn không khác trẻ con là mấy trong việc bị nhắc nhở và sửa sai. Bạn đã từng nghe câu: “Một thìa đường giúp thuốc đỡ đắng” chưa? Lời khen giống thìa đường, hành động sửa sai giống liều thuốc. Người lớn cũng thích được khen giống trẻ con, và khen là chìa khóa bí mật dẫn đến thành công. Những người làm chủ thành công đã học cách khen trước khi yêu cầu sửa sai và sau đó lại khen khi thấy những tiến bộ.
Người làm chủ hiểu rằng sửa sai không phải là chối bỏ, và trong vai trò lãnh đạo, họ sẽ giúp nhân viên cảm thấy an tâm để đưa ra những đề xuất và kiến nghị để sửa sai. Rất nhiều nhân viên cố gắng tránh việc sửa sai vì họ nhìn nhận nó rất cá nhân và cảm thấy bị chối bỏ. Khi hành động sửa sai thường bị hiểu lầm thành hành động công kích cá nhân, thì KSK giúp mọi người cảm thấy được công nhận và động viên.
Khen ngợi là chìa khóa bí mật dẫn đến thành công.
Kẻ làm chủ rèn luyện cách không nhìn nhận mọi thứ theo hướng cá nhân. Họ hiểu rằng con người nói và hành động theo những điều kiện tâm lý và tình cảm nhất định. Sự công kích cá nhân thường ít khi phản ánh đúng chúng ta mà thường phản ánh tâm trạng của người công kích.
Từ sửa sai thành giải pháp
Người làm chủ thành công không chỉ sử dụng KSK với nhân viên mà còn dạy nhân viên cách sử dụng KSK khi giao tiếp với họ. Những người chủ đánh giá cao việc nhân viên đưa ra một giải pháp khi thấy thứ gì hay ai đó cần được sửa sai. Một hành động sửa sai đúng nghĩa là nhìn thấy và thông báo rằng thứ gì đó không hiệu quả, sau đó đưa ra một cách khả dĩ để giải quyết vấn đề đó. Nếu chỉ ch ra cái sai mà không đưa ra một giải pháp, nghĩa là bạn đang than phiền. Tôi biết có rất nhiều nhân viên nghĩ rằng sếp của mình đang phàn nàn vì họ không hiểu rằng việc sửa sai liên tục là yêu cầu tiên quyết để giữ công ty vận hành tốt. Giống như người tài xế hay viên phi công, người làm chủ phải sửa hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lỗi sai để có thể đi đúng hướng và tới được đích đến. Không sửa sai sẽ không có thành công.
Điều hành một công ty thành công đòi hỏi bạn phải sửa sai rất nhiều thứ. Miễn sao bạn vẫn sử dụng KSK, hành động sửa sai của bạn sẽ hiếm khi bị nhìn nhận là một hành động than phiền. Tôi biết những người quản lý trung bình và dưới mức trung bình thường than phiền rất nhiều, và việc than phiền của họ đã đuổi đi nhiều nhân viên giỏi và khách hàng vì họ không hiểu sức mạnh phá hủy của hành động đó. Dù bạn là một ông chủ hay một nhân viên, than phiền khiến bạn thất bại, sửa sai giúp bạn chiến thắng. Than phiền tạo ra những vấn đề chứ không giải quyết vấn đề. Do đó hãy sử dụng KSK để bảo đảm rằng bạn không chỉ đang than phiền và tạo ra những vấn đề. Là một doanh nhân, hãy chọn cách khen ngợi trước khi sửa sai để tạo ra một tinh thần hợp tác thay vì mâu thuẫn. Than phiền trước khi góp ý thường dễ biến cuộc trò chuyện thành cuộc cãi vã, oán giận, còn những lời khen chân thành trước khi sửa sai giúp hai bên vẫn tôn trọng lẫn nhau. Nếu bạn muốn vận hành công việc kinh doanh của mình theo cách được nhiều người tôn trọng và ít người oán giận, hãy thành thạo KSK. Nếu khen không phản ánh đúng hành động của bạn thì hãy gọi nó là chiến lược KSK: Compliment (khen ngợi), Correct (sửa sai), Compliment (khen ngợi). Con người thích được khen ngợi! Khen ngợi tạo ra sự hợp tác và sự hợp tác giúp mọi người làm việc cùng nhau suôn sẻ và tìm ra những giải pháp nhanh chóng. Khen ngợi là một chiến lược rất đơn giản và đầy sức mạnh. Nó giúp bạn thành công mà ít căng thẳng và hòa hợp với nhân viên.
Than phiền khiến bạn thất bại
Sửa sai giúp bạn chiến thắng.
Đón nhận sửa sai
Chấp nhận và áp dụng những góp ý sửa sai đòi hỏi ở bạn đức tính khiêm nhường. Khiêm nhường là việc sẵn sàng cân nhắc những gì ai đó nói. Nó sẽ giúp bạn học hỏi và phát triển. Những kẻ làm chủ và người làm thuê kiêu ngạo tự đánh mất sức mạnh và tiềm năng của mình khi không sẵn sàng cân nhắc quan điểm của người khác. Trong sự khiêm tốn có ẩn chứa sức mạnh, và học cách cân nhắc những quan điểm khác là bạn đã chạm đến sức mạnh đó.
Rất nhiều người nghĩ rằng nếu tỏ ra khiêm tốn thì họ sẽ bị lợi dụng. Theo kinh
nghiệm của tôi, sự thật lại ngược lại: Khiêm tốn là sức mạnh, sự kiêu ngạo là điểm yếu dẫn đến rất nhiều thất bại. Khiêm tốn giúp bạn thu nhận những cái hay từ mọi người và hình thành bức tranh ý tưởng hướng đến thành công to lớn.
Một trong những lợi ích to lớn nhất của khiêm tốn là giúp bạn phát triển khả năng lắng nghe mà không ngắt lời. Khi học cách chỉ lắng nghe mà không cắt lời, bạn vượt ra khỏi ranh giới giao tiếp để tiến đến kết giao với mọi người. Cố gắng kết giao với ai đó trước khi bạn sửa sai là một hành động thông minh, và KSK sẽ giúp bạn làm điều đó. Hãy giao kết trước khi sửa sai. Và khi là người bị sửa sai, hãy thể hiện sự tôn trọng bằng cách lắng nghe để hiểu góc nhìn của người kia. Khi bị sửa sai, bạn tự nhiên sẽ có khuynh hướng bảo vệ bản thân. Tuy nhiên, cách làm thông minh là giữ im lặng và thể hiện sự tôn trọng với người kia bằng cách để họ nói xong và cố gắng hiểu quan điểm của họ một cách chân thành.
Khiêm tốn cũng cho bạn khả năng nhận trách nhiệm mà không đổ lỗi cho người khác. Đổ lỗi không bao giờ tạo ra thứ gì mang tính xây dựng. Khi tập luyện đức tính khiêm tốn, hãy nghĩ đến việc sửa sai bằng một giải pháp thay vì chỉ đổ lỗi. Không có gì sai nếu bạn nói: “Tôi đã sai, tôi đã làm hỏng việc, tôi xin lỗi.” Với việc công nhận sai lầm của mình, bạn sẽ nhanh chóng có được sự tôn trọng của người khác. Ai cũng có lúc làm hỏng việc, nếu đổ lỗi, bạn sẽ không thay đổi được hiện tại mà còn khiến việc phát triển những mối quan hệ quan trọng trở nên rất khó khăn.
Lần sau khi bạn góp ý sửa sai, hãy nhớ thêm vào những lời khen chân thành và tạo lập quan hệ với người kia. Và lần sau khi đón nhận một góp ý sửa sai, hãy tập tính khiêm tốn và cố gắng tôn trọng chúng bằng thái độ chân thành nhất.
Sự kiêu ngạo là điểm yếu dẫn đến rất nhiều thất bại.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.