10 Điều Khác Biệt Nhất Giữa Kẻ Giàu Và Người Nghèo

9. Kẻ làm chủ nhận trách nhiệm khi thất bại, Người làm thuê xem thất bại là điều tệ hại



Nhiều năm trước, tôi thấy một tòa nhà cho thuê ở vị trí giống với các quán phục vụ gần đại lộ. Tôi nghĩ rằng nó sẽ là một cửa hàng bán cà phê và sinh tố tuyệt vời. Tôi bắt đầu nghiên cứu các mô hình kinh doanh, tìm một đối tác để quản lý công việc kinh doanh hàng ngày và mở cửa hàng.

Nhưng thực tế không diễn ra chính xác như kế hoạch. Chúng tôi dự định cửa hàng sẽ mở cửa hoạt động trong vòng ba đến bốn tháng sau nhưng công việc liên tục bị trì hoãn và chịu hàng đống chi phí phát sinh. Cuối cùng, sau tám tháng cửa hàng mới mở cửa. Quá trình đó mất thời gian và số vốn gấp đôi so với dự kiến. Mọi chuyện chưa kết thúc ở đó. Sau khi mở cửa, cửa hàng nhanh chóng thua lỗ và tình trạng đó kéo dài khoảng 18 tháng sau. Rốt cuộc, tôi đã đầu tư 250.000 đô-la vốn ban đầu và khoản tiền 50.000 đô-la thuê nhà. Tổng cộng, tôi mất hơn 300.000 đô-la và cả tá thời gian. Nó là kinh nghiệm đáng để học hỏi nhưng không vui vẻ gì.

Tôi tốn mấy tháng trời để tìm ra lỗi sai của đối tác và đổ trách nhiệm cho anh ta. Cuối cùng, sau khi ngẫm nghĩ lại, tôi cũng nhận ra mình phải chịu trách nhiệm cho những kết quả của bản thân. Tôi ghi nhớ thất bại này và nhận được nhiều bài học quý giá từ nó.

Thất bại là bước đệm của thành công

Hệ thống trường học truyền thống huấn luyện lũ trẻ gấp sách và không được nhờ ai trợ giúp khi làm bài thi. Trường học đánh giá chúng trên thang điểm từ đậu đến rớt và khiến chúng tin rằng thất bại là điều tệ hại. Thực ra, thất bại chỉ là một bước đệm. Nó cho chúng ta cơ hội học hỏi và trưởng thành, nó chỉ cho chúng ta thấy chỗ cần sửa sai. Thế nhưng với nhiều người, thất bại không phải là một cơ hội sửa sai mà là sự phủ nhận.

Thất bại chỉ cho chúng ta thấy chỗ cần sửa sai.

Tôi luôn quan niệm rằng thất bại là một động từ chứ không phải một danh từ. Thất bại là do hành động của bạn chứ không phải do bản thân bạn. Tất cả chúng ta đều thất bại nhiều lần trong đời và sẽ còn thất bại nữa. Đó là một phần của cuộc đời. Thất bại là cơ hội để bắt đầu lại theo một cách mới và tốt hơn. Những người làm chủ thành công đều tin rằng thất bại là hiển nhiên và có giá trị giáo dục.

Những bài học bạn nhận được từ thất bại đáng giá và hiệu quả hơn bất cứ điều gì bạn có thể học được từ sách vở. Thất bại là sự phản hồi của thế giới thực, sau khi bạn hành động. Hãy tự hào về bản thân khi thất bại vì bạn đã dám hành động. Bạn đã tạo ra một kết quả. Bạn đã tác động lên thế giới và tạo ra một khác biệt từ những hành động của mình dù tích cực hay tiêu cực.

Hãy hỏi bản thân: “Bài học quan trọng nhất từ thất bại này là gì?” Thường thì mỗi thất bại có thể dạy chúng ta một bài học lớn và vài bài học nhỏ hơn. Hãy học cách tận thu những bài học từ các thất bại như vắt một quả cam. Hãy nắm lấy tất cả những bài học có được từ chúng.

Thất bại là cơ hội để bắt đầu lại theo một cách mới và tốt hơn.

Khi công việc kinh doanh cà phê của tôi trắc trở, tôi thừa nhận 50% lý do thất bại và đổ lỗi cho đối tác phần còn lại. Nó có vẻ logic vì rốt cuộc chúng tôi là đối tác của nhau. Nhưng sau một thời gian tức giận và bực bội với thất bại kia, tôi đã quyết định nhận nhiều trách nhiệm hơn. “Được rồi,” tôi nói: “Mình sẽ chịu 75% trách nhiệm. Chỉ 25% là lỗi của anh ta.” Tôi cảm thấy ổn hơn một chút nhưng trong lòng vẫn còn tức giận. Gần một năm sau ngày dẹp cửa hàng, khi đang đi dạo cùng vợ, bất thình lình, tôi nói: “Em biết không, anh nghĩ cuối cùng anh cũng có thể chấp nhận 90% trách nhiệm cho thất bại kia.”

Vợ tôi nói: “À, khi anh có thể nhận 100% trách nhiệm thì nghĩa là anh đã quên nó rồi.”

Tôi chẳng nói được lời nào. Sao vợ tôi dám nói thế? Tôi hơi bực mình nhưng sâu thẳm bên trong tôi biết cô ấy nói đúng, và tôi làm những gì mình phải làm: chấp nhận điều đó. Khi đó, tôi đã nhận 100% trách nhiệm, và ngay lập tức điều đáng kinh ngạc và thần kỳ đã xảy ra: một lực vô hình nhấc tôi lên khỏi mặt đất. Tôi cảm thấy sinh lực bản thân tăng lên cùng một cảm giác tự do và hạnh phúc mà đã lâu rồi tôi chưa từng trải qua.

Suốt cả một năm sau thất bại kia, tôi luôn tự hỏi bản thân: “Tôi có thể học được gì từ thất bại này?” Tôi đã nhận ra một quy luật: Nếu vẫn còn đổ lỗi và than phiền thì bạn sẽ chẳng thay đổi được. Nhưng khi chấp nhận 100% trách nhiệm cho kết quả của bản thân, bạn sẽ bắt đầu nhận được nhiều bài học giá trị từ những thất bại của mình. Tôi rút ra hai bài học lớn mà tôi nhận được sau khi ngừng đổ lỗi cho đối tác về thất bại của cửa hàng cà phê.

Bài học đầu tiên là hãy chấp nhận 100% trách nhiệm. Đó là tiền của tôi và chọn lựa của tôi khi chấp nhận rủi ro để mở cửa hàng và chính tôi đã lựa chọn anh đối tác kia.

Tôi đã để đối tác kiểm soát phần lớn công việc kinh doanh. Công bằng mà nói, anh đối tác này đã làm hết sức có thể khi nhận vị trí đó nhưng kinh nghiệm trước đây của anh ta không phù hợp với lĩnh vực mà tôi muốn anh làm. Nhận thức ra vấn đề này, tôi ước gì lúc đó anh ấy giao tiếp tốt hơn, kiên trì hơn và học cách tạo ra lợi nhuận cao hơn, nhưng rốt cuộc thì mọi chuyện đã rồi.

Nếu vẫn còn đổ lỗi và than phiền thì bạn sẽ chẳng thay đổi được gì.

Kẻ làm chủ phải chịu trách nhiệm cho mọi thất bại của mình. Đừng đổ lỗi, than phiền, biện minh nếu muốn học tập từ thất bại và sử dụng những bài học đó để trở nên mạnh mẽ và thông thái hơn. Kẻ làm chủ phải tìm ra câu trả lời cho cái họ cần và học cách ngừng đổ lỗi. Tức giận và đổ lỗi cho người khác khi mọi chuyện đã rồi sẽ chẳng mang lại lợi ích gì.

Người làm thuê có thể đổ lỗi, than phiền và nghỉ việc khi mọi thứ trở nên khó khăn nhưng kẻ làm chủ phải luôn mạnh mẽ và chọn cách trở nên mạnh mẽ hơn qua những thất bại. Những thất bại đó có thể không dễ dàng nhưng nếu học cách chấp nhận và học hỏi từ chúng, bạn sẽ trở nên mạnh mẽ và tự tin hơn.

Bài học quan trọng thứ hai là cần học cách giao tiếp tốt hơn. Tôi phải chịu trách nhiệm cho khả năng giao tiếp chưa tốt. Tôi thất bại trong việc truyền đạt mong đợi của mình một cách rõ ràng đến đối tác, và anh ta thất bại trong việc giao tiếp với tôi. Rất nhiều thất bại xảy ra vì những hiểu lầm, và nhiều hiểu lầm đơn thuần là vì giao tiếp kém.

Giao tiếp cởi mở và thành thật là một kỹ năng mà kẻ làm chủ cần liên tục phát triển. Thất bại trong giao tiếp sẽ dẫn đến nhiều thất bại khác. Học được cách giao tiếp sẽ dẫn đến thành công. Hãy học giao tiếp bằng cách thực hành mỗi ngày.

Thất bại trong giao tiếp sẽ dẫn đến nhiều thất bại khác.

Những người làm chủ thành công thường xuyên củng cố kỹ năng giao tiếp của mình. Học cách truyền tải thông điệp rõ ràng để người khác hiểu được là một kỹ năng cần thiết. Giao tiếp rõ ràng xuất phát từ suy nghĩ và tầm nhìn rõ ràng. Nếu bạn suy nghĩ không rõ ràng thì khó mà truyền đạt được một thông điệp rõ ràng. Một số người dễ dàng truyền tải suy nghĩ của mình hơn so với những người khác, thường được gọi là “những người có năng khiếu giao tiếp”. Dù họ không có năng khiếu đi chăng nữa, họ cũng có thể học nếu thực sự quyết tâm. Giao tiếp là một kỹ năng có được nhờ năng khiếu hoặc học tập.

Giao tiếp là một trong số những kỹ năng quan trọng mà bất cứ kẻ làm chủ tham vọng nào cũng phải học và thực hành. Để hiểu biết sâu hơn về giao tiếp hiệu quả, tôi đề nghị bạn đọc cuốn sách viết bởi cố vấn của tôi – Nido Qubein là Để trở thành bậc thầy giao tiếp.

Thất bại là một phần của cuộc đời, nhất là với những người đang học để trở thành kẻ làm chủ thành công. Hãy luôn nhớ rằng thất bại không phải là kẻ thù mà là người bạn, người thầy trong đời bạn. Khi bắt đầu nhìn nhận thất bại một cách tích cực, bạn sẽ bắt đầu nhìn thấy những lợi ích mà nó mang lại. Hãy tin rằng nó tốt, bạn sẽ thu được những bài học và trưởng thành hơn. Kẻ làm thuê nhìn nhận thất bại bằng con mắt tiêu cực và đã đánh mất sức mạnh để đạt được thành công thực sự. Chính góc nhìn của bạn tạo ra những kết quả. Nếu muốn đạt kết quả mang tên Thành Công, bạn phải tập luyện để phát triển những góc nhìn tích cực về thất bại. Hầu hết những người làm chủ thành đạt tôi biết đã từng thất bại rất rất nhiều lần và chính những thất bại đó mang lại thành công tuyệt vời. Nếu tìm được những bài học từ thất bại, bạn sẽ biết chính xác mình cần gì để bước tới thành công.

Giao tiếp là một kỹ năng có được nhờ năng khiếu hoặc học tập.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.