10 Điều Khác Biệt Nhất Giữa Kẻ Giàu Và Người Nghèo

5. Kẻ làm chủ nói: “Lỗi của tôi”, Người làm thuê nói: “Không phải tại tôi”



Học cách chịu trách nhiệm cá nhân là chủ đề xuyên suốt cuốn sách này và nhiều cuốn sách khác của tôi. Con đường trở thành một kẻ làm chủ vĩ đại bắt đầu bằng việc học cách chịu trách nhiệm cho cuộc sống cá nhân của bạn. Khi học được cách chịu trách nhiệm cho chính cuộc đời mình, bạn cũng sẽ biết cách chịu trách nhiệm cho một doanh nghiệp.

Mỗi ngày bạn đều có thể lựa chọn: giữa nhận trách nhiệm và đổ lỗi, than phiền biện hộ. Đổ lỗi, than phiền và biện hộ chỉ là những hành động biện minh cho lý do bạn không thể đạt được những gì bạn muốn. Bạn sẽ không thể chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình khi đang đổ lỗi, than phiền và biện hộ.

Một phần của hành động chịu trách nhiệm là chấp nhận thực tế. Hầu hết mọi người thường phí phạm sức lực khi cưỡng lại thực tế. Thực tế là thực tế. Mong ước mọi thứ khác đi sẽ không thay đổi được sự thật đó. Trong khi nhiều người ngồi loanh quanh và ước ao cái này hay cái kia xảy ra thì những người có trách nhiệm dám đứng dậy và tạo ra những thay đổi. Chấp nhận thực tế không phải là không làm gì cả, mà là công nhận cách mọi thứ đang diễn ra. Chịu trách nhiệm nghĩa là làm việc chăm chỉ để khiến mọi thứ tốt đẹp hơn. Dám nói: “Lỗi của tôi” nghĩa là người đó đã dám thừa nhận thực tế và hành động để cải thiện thực tế. Chịu trách nhiệm nghĩa là tập trung và hành động đều đặn hướng đến những mục tiêu của bạn.

Loanh quanh đổ lỗi, than phiền và biện hộ tiêu tốn nhiều sức lực hơn so với hành động. Bạn có thể nghĩ rằng hành động sẽ khiến bạn mệt mỏi, nhưng thực tế, hành động hướng đến một mục tiêu sẽ tiếp thêm năng lượng cho bạn. Mọi mặt của cuộc sống đều liên quan đến nhau và những gì xảy ra ở mặt này sẽ ảnh hưởng đến những mặt khác. Bạn có công nhận là khi tập thể dục, cả thể chất lẫn tinh thần của bạn đều khỏe khoắn hơn không? Bạn có nhận ra rằng khi bạn buồn bã, sức khỏe thể chất của bạn cũng bị ảnh hưởng không? Bạn có nhận ra rằng khi bạn tập trung sức mạnh tinh thần vào những mục tiêu trước mắt hay nhớ về những kỷ niệm vui, cả thể chất lẫn tinh thần của bạn đều hưng phấn hơn không? Nhận trách nhiệm quản lý năng lượng bản thân là một trong những công việc quan trọng nhất bạn có thể làm.

Hãy công nhận cách mọi thứ đang diễn ra.

Khi đổ lỗi, than phiền và biện hộ, bạn đang tự hạ thấp năng lượng bản thân. Khi thực hiện những hành động tích cực hướng đến các mục tiêu, bạn sẽ tăng cường năng lượng và xây dựng một xung lực tích cực. Nếu thấy mình rơi vào một vòng xoáy tiêu cực khi mọi thứ dường như ngày càng tệ đi thì nhiều khả năng bạn đang đổ lỗi, than phiền hay biện hộ.

Chịu trách nhiệm nghĩa là từ chối không tham gia trò chơi đổ lỗi, từ chối than phiền và biện hộ. Bằng cách tập trung vào những mục tiêu và đều đặn hành động hướng về chúng, bạn đang ở trong một trạng thái: “Lỗi của tôi, thành công và thất bại đều là trách nhiệm của tôi.” Khi từ bỏ tất cả những hành động đổ lỗi, than phiền hay biện hộ và đều đặn hành động, bạn sẽ ngạc nhiên với những gì mình có thể đạt được.

Một trong những phần quan trọng nhất của chịu trách nhiệm là đo lường kết quả. Những người làm chủ thường dừng lại và tự hỏi bản thân: “Hành động của tôi có giúp tôi tiến gần đến những mục tiêu không?” Hầu hết mọi người không thường xuyên tự hỏi bản thân như thế. Họ cứ lặp đi lặp lại cùng một hành động với hy vọng sai lầm rằng mọi thứ sẽ tiến triển tốt hơn. Bạn thường xuyên nhìn nhận vị trí hiện tại và đo lường nó với quá khứ như thế nào? Bạn có đang tiến bộ không? Sẽ rất khó để trả lời câu hỏi đó trừ khi bạn dừng lại và đo lường kết quả. Hầu hết mọi người biện minh cho những kết quả tiêu cực bằng cách đổ lỗi và than phiền. Đừng làm vậy. Hãy học cách chịu trách nhiệm bằng cách nhận ra thực tế, quản lý năng lượng bản thân, đều đặn hành động hướng đến các mục tiêu và đo lường kết quả.

Hành động của tôi có giúp tôi tiến gần đến mục tiêu không?

Khi thuyết trình trong các buổi hội thảo, tôi thường sử dụng câu chuyện về chiếc xe kéo nhỏ màu đỏ.

Hãy tưởng tượng ai đó đang kéo một chiếc xe kéo nhỏ màu đỏ. Đó đúng là một cảnh tượng thú vị vì chiếc xe kéo đầy phân, chất thành đống cao và tràn ra ngoài. Bạn có thể ngửi được mùi hôi thối từ nó. Chiếc xe đầy phân tượng trưng cho tất cả những biện minh của mọi người về những thất bại và thất vọng trong cuộc sống.

Giờ hãy tưởng tượng ai đó đang tiến đến gần và nói: “Cuộc đời của bạn là trách nhiệm của bạn. Nếu nhận trách nhiệm cho những kết quả, bạn có thể tạo ra một cuộc sống tuyệt vời.” Người kéo chiếc xe lập tức chuyển sang trạng thái tự vệ và nói: “Cái gì? Bạn không hiểu gì về tôi cả! Tôi không thể làm được điều đó, đời tôi có cả đống phân!”

Tất cả chúng ta đều có những điều không như ý. Chúng ta có thể nhận trách nhiệm, buông tay ra khỏi chiếc xe kéo nhỏ màu đỏ và tiến lên phía trước, cũng có thể đổ lỗi, than phiền, biện minh và vẫn y nguyên như thế. Vài người tự lừa dối bản thân và những người khác nghĩ rằng họ là người có trách nhiệm trong khi tiếp tục giữ chặt chiếc xe kéo nhỏ màu đỏ. Thậm chí có thể họ còn lấy một chai sơn xịt màu và sơn đống phân thành màu vàng. Nó có thể trông khá hơn nhưng vẫn bốc mùi! Nếu cuộc sống của bạn bốc mùi thì hãy thả tay ra khỏi chiếc xe kéo. Hãy ngừng đổ lỗi, than phiền, biện minh và bắt đầu chịu trách nhiệm.

Mỗi khi đổ lỗi, than phiền hay biện hộ, chúng ta đang trong một tình trạng: “Không phải tại tôi.” Điều buồn cười là chúng ta không đổ lỗi, than phiền hay biện minh cho những thành công mà chỉ cho những thất bại hay những hành động dẫn đến thất bại. Dù ai đó đổ lỗi cho cha mẹ của họ, những chính trị gia, những tập đoàn, giáo viên hay những giảng viên, thì sớm muộn họ cũng phải tự nhìn lại mình để tìm ra sự thật. Sự thật là chúng ta phải chịu trách nhiệm cho những thành công và thất bại của bản thân. Nói rằng: “lỗi của tôi” nghĩa là bạn sẵn sàng ngừng việc đổ lỗi cho người khác. Có một cái nhìn rất thông minh mà tôi học được từ Jim Rohn, đó là: “Không biện minh, không than phiền.” Ông mô tả triết lý này: Nếu đang thu hoạch một mùa vụ lớn, đừng biện minh. Nếu không nhận được gì nhiều, đừng than phiền. Tôi thích thuật lại triết lý này như sau: Nếu đang có những thành công lớn, đừng biện minh, nếu có những thất bại tệ hại, đừng than phiền. Jim nói rằng triết lý này là dạng cao nhất của sự thông thái. Một người làm chủ thành công là người dày dạn kinh nghiệm, với rất nhiều trải nghiệm thành công và thất bại. Chỉ người làm chủ trưởng thành mới có thể nói câu: “Lỗi của tôi.” Bất kỳ người làm thuê còn non nớt nào cũng có thể nói: “Không phải tại tôi.” Hãy tận hưởng những thành công và chịu đựng các thất bại với một thái độ không xin lỗi, không than phiền. Người trưởng thành biết chấp nhận; đó là người không đổ lỗi, than phiền và biện minh.

Nếu đang có những thành công lớn, đừng biện minh, Nếu có những thất bại tệ hại, đừng than phiền.

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.