10 Điều Khác Biệt Nhất Giữa Kẻ Giàu Và Người Nghèo

06. Kẻ thắng nghe nhiều hơn nói, Người thua nói nhiều hơn nghe



Bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi tôi hay ai đó nói rằng kỹ năng giao tiếp tuyệt vời không liên quan gì đến việc nói cả. Kỹ năng giao tiếp tuyệt vời nhất là lắng nghe.

Bằng cách học trở thành một người tận tâm lắng nghe, bạn có thể phát triển những mối quan hệ sâu sắc hơn. Khi chú ý lắng nghe để hiểu hơn là lắng nghe để phản hồi, bạn học được nhiều điều hơn, kết giao tốt hơn và cuộc trò chuyện sẽ đạt được những kết quả sâu sắc hơn.

Chúng ta thường có tật xấu là cắt ngang lời người khác nói. Khi một nội dung khiến chúng ta nảy sinh ý tưởng, chúng ta cảm thấy mình cần phải nói ngay ý tưởng đó ra. Nếu nghĩ rằng mình đã biết những gì người khác đang nói, chúng ta sẽ cắt ngang để chia sẻ những ý kiến hay niềm tin về chủ đề. Vậy nhưng thật đáng buồn, cắt lời mọi người như vậy là chúng ta bỏ sót điều mà họ thực sự muốn nói.

Kỹ năng giao tiếp tuyệt vời nhất là lắng nghe.

Người chiến thắng học cách lắng nghe và rèn luyện để thành thạo kỹ năng này. Kẻ thua cuộc thì nói không ngừng. Họ cứ tiếp tục nói và nói, không để ý xem họ đã cắt lời người khác bao nhiêu lần. Hãy thử một lần chú ý tới cuộc trò chuyện của bạn. Bạn thường cảm thấy cần cắt lời người khác thế nào? Bạn có cắt lời mọi người nhiều hơn lắng nghe chân thành hay không?

Nếu thử suy nghĩ lại, bạn sẽ thấy rằng khi nói chuyện với người mình thực sự ngưỡng mộ và tôn trọng, bạn có xu hướng nghe nhiều hơn nói. Điều tôi muốn nhắn nhủ ở đây không phải là bạn không nên cắt lời những người bạn tôn trọng, thực ra

người chiến thắng tôn trọng mọi người như nhau, mà là hành động cắt lời thể hiện sự thiếu tôn trọng người đang nói chuyện với mình.

Một khác biệt quan trọng nữa là người chiến thắng lắng nghe để cảm thông, còn kẻ thua cuộc lắng nghe để phán xét. Các hoạt động ý thức do cái đầu điều khiển đều thụ động và bị chế ngự bởi cái tôi trong mỗi chúng ta. Cái tôi tự hào về những gì chúng ta nghĩ rằng chúng ta biết và muốn chứng mình điều đó. Khi sử dụng trí tuệ cảm xúc – sử dụng trái tim để lắng nghe, chúng ta kết nối với người khác ở một cấp độ sâu sắc hơn. Chúng ta cố gắng hiểu những gì họ cảm nhận và nói, chứ không phải hiểu những gì chúng ta nghĩ rằng họ muốn nói. Những người lắng nghe bằng con tim giành được tình cảm của mọi người. Việc không hiểu được sự khác biệt này chính là ngọn nguồn của những quan hệ hôn nhân và kinh doanh đổ vỡ.

Khi tận tâm lắng nghe, bạn sẽ trở thành người chiến thắng. Dưới đây là một thử thách khác cho bạn. Trong 10 ngày tới, hãy quyết tâm trở thành một người lắng nghe trong mọi cuộc hội thoại của bạn. Hãy cưỡng lại ham muốn cắt lời và nói. Hãy lắng nghe bằng con tim mình. Bạn sẽ nhận ra rằng thử thách này cũng sẽ giúp bạn rất nhiều trong thử thách không than phiền ở trên, vì rốt cuộc, nếu bạn nói ít đi thì bạn sẽ than phiền ít đi. Trong 10 ngày, hãy nghiêm khắc với chính mình, không phàn nàn và tận tâm lắng nghe. Hai thử thách đơn giản này sẽ đưa bạn đến với con đường của người chiến thắng.

Bạn đã bao giờ tự hỏi vì sao Chúa cho chúng ta hai cái tai và một cái miệng chưa? Tôi nghĩ rằng đó là một thông điệp rõ ràng rằng chúng ta nên nghe nhiều gấp đôi nói. Rất nhiều người bị “nghiện” nói và làm điều ngược lại – nói nhiều gấp đôi lắng nghe. Điều gì tạo ra sự thiếu cân bằng đó?

Người chiến thắng lắng nghe để cảm thông, còn kẻ thua cuộc lắng nghe để phán xét.

Lại một lần nữa, chúng ta nhận ra cái tôi là nguồn gốc của vấn đề. Rất nhiều người cố chứng minh quan điểm của mình và bằng mọi giá thuyết phục người khác đồng ý với quan điểm đó. Có những người không thể ngồi yên khi ai đó không thừa nhận lời họ nói là đúng. Mọi thứ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu bạn hiểu rằng ai cũng có quan điểm riêng, cố thuyết phục ai đó đồng ý với một quan điểm mới không phải là cách dùng thời gian hiệu quả nhất.

Tôi cảm thấy rất buồn cười khi tưởng tượng cảnh những kẻ thua cuộc nói, nói và nói – họ tự làm phức tạp hóa rồi lại cố gắng giải thích những gì vừa nói.

Người chiến thắng giỏi chứng minh quan điểm của mình và hiểu họ đúng hay sai và tại sao. Kẻ thua cuộc giao tiếp nông cạn, thậm chí họ thường độc thoại chứ không phải đối thoại trong các cuộc trò chuyện với người khác. Họ cũng bị mắc kẹt trong những suy nghĩ về quan điểm của người khác, nhất là khi nó không giống với ý kiến của họ.

Sự khác biệt này tiết lộ một bí mật đơn giản nhưng sâu sắc cho thành công: Nói ít và lắng nghe nhiều hơn. Nếu tuân theo nguyên tắc này, bạn sẽ học hỏi nhiều hơn và nhìn thế giới bằng một đôi mắt khác, những kinh nghiệm và ý tưởng mới cũng nảy sinh từ đó.

Nói ít hơn, lắng nghe nhiều hơn là cách tuyệt vời để giữ nội tâm bình yên – một trạng thái đầy quyền lực và khởi nguồn cho sự thịnh vượng. Nếu bạn muốn tăng thêm bình yên và giảm bớt căng thẳng, hãy nói ít hơn.

Lắng nghe người khác chăm chú hơn cũng giúp bạn lắng nghe con tim mình nhiều hơn. Tiếng nói bên trong âm thầm mà chúng ta gọi bằng cái tên “cảm xúc thẩm thấu” hay “trực giác” sẽ rõ ràng và dễ nghe hơn khi bạn im lặng. Nói ít hơn và lắng nghe nhiều hơn, bạn sẽ ngạc nhiên vì mình có thể nghe thấy những bí mật thú vị. Khi đang trò chuyện, hãy chỉ nói những gì bạn thực sự cần nói và sau đó đơn giản là lắng nghe.

Việc lắng nghe đối với người này là bình thường nhưng với người khác lại rất khó khăn. Nếu bạn thuộc nhóm người khó khăn thì những lời khuyên từ kinh nghiệm của tôi dưới đây sẽ dành cho bạn. Nếu khả năng lắng nghe của bạn đã tạm ổn thì phần này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những người bạn cho rằng ngốc nghếch nhưng thực sự không phải vậy.

Nếu bạn muốn tăng thêm bình yên và giảm bớt căng thẳng,hãy nói ít hơn.

Như tôi đã nhắc ở trên, mỗi người chúng ta đều có điểm yếu và điểm mạnh, đôi khi thế mạnh lớn nhất của chúng ta lúc này có thể trở thành điểm yếu vào lúc khác. Ví dụ, một người giỏi nghiên cứu và thu thập thông tin nhanh nhạy sẽ tránh được nhiều rủi ro trước khi ra quyết định. Tuy nhiên, nếu người đó quá sa đà vào các chi tiết, họ có thể bị rối loạn và bỏ lỡ mất cơ hội của mình. Một người khác có thể ra quyết định nhanh chóng vì anh ta luôn tự tin và định hướng cuộc sống rõ ràng. Thế nhưng, sự tự tin thái quá đôi khi lại biến thành sự kiêu ngạo, một điểm yếu vô cùng lớn. Nói vậy để bạn hiểu rằng điều quan trọng là chúng ta biết được cái gì tốt nhất trong một tình huống cụ thể, nên lắng nghe hay cắt lời.

Khi bạn trò chuyện với một người gặp khó khăn trong việc lắng nghe, bạn nên bắt đầu cuộc hội thoại bằng một hay tất cả các cách sau:

Vui lòng nghe tôi nói hết rồi hãy trả lời.

Tôi có chuyện muốn chia sẻ với bạn, làm ơn lắng nghe cẩn thận.

Chuyện này chỉ mất khoảng một phút, do đó hãy kiên nhẫn lắng nghe tôi giải thích nó.

Điều lớn nhất tôi muốn nhắn nhủ trong khác biệt này đó là chúng ta nên lắng nghe lời người khác nói, trọn vẹn, kiên nhẫn và tận tâm trước khi trả lời. Điều đơn giản này đôi khi chúng ta không để ý đến. Hãy bắt đầu cuộc nói chuyện bằng việc nhận trách nhiệm trở thành một người lắng nghe tận tâm, bạn sẽ tạo ra những mối quan hệ sâu sắc và trọn vẹn hơn, một yếu tố quan trọng đưa bạn trở thành người chiến thắng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.