10 Điều Khác Biệt Nhất Giữa Kẻ Giàu Và Người Nghèo

04. Người giàu rộng rãi, Người nghèo ki bo



Một hôm, tôi đến mua đồ ăn trưa tại một cửa hàng bánh sandwich. Một chàng trai khoảng 19 tuổi phục vụ tôi. Tổng số tiền phải trả không đến 5 đô-la, nhưng tôi đưa cậu ta 10 đô-la. Khi cậu ta trả lại tôi 5 đô-la và một ít xu lẻ, tôi đút những đồng xu vào túi và đưa cậu ta 5 đô-la. “Đây là tiền boa cho cậu”, tôi nói.

Trong một giây, cậu thanh niên có vẻ bối rối, sau đó cậu ta nói: “Ông nói thật à?” “Ừ”, tôi trả lời.

“Trời đất!” Cậu ta reo lên, không thể tin được tôi lại cho cậu ấy 5 đô-la.

Phản ứng của cậu trước 5 đô-la tôi cho thật đáng ngạc nhiên.

Khoảng 1 tuần sau, tôi quay trở lại đúng cửa hàng bánh đó. Lần này là một phụ nữ da đen lớn tuổi phục vụ tôi. Hóa đơn của tôi khoảng gần 8 đô-la, tôi đưa cho cô ấy tờ 20 đô-la. Khi cô trả lại tiền, tôi cầm những đồng lẻ và đưa cho cô 10 đô-la. “Đây là tiền boa cho cô!” tôi nói.

Người phụ nữ ngạc nhiên: “Thật sao?”

“Vâng,” tôi trả lời. “Chúa phù hộ cho cô!”

Người phụ nữ mừng rỡ reo lên “Chúa ơi! Cảm ơn ngài!”

Phản ứng của cô ấy khiến tôi mỉm cười khi bước ra khỏi tiệm bánh. Nếu chỉ trả đúng 5 đô-la hay 10 đô-la, tôi sẽ chẳng thể nào có được cảm giác như vậy khi thấy phản ứng của họ.

Hãy học cách hào phóng

Hào phóng đem lại cho bạn niềm vui. Bạn sẽ thấy rất thoải mái nếu trao đi từ tận đáy lòng. Tôi đã cho tiền những người hoàn toàn lạ mặt trong vô số dịp, và sẽ tiếp tục làm như vậy đến hết cuộc đời. Hào phóng là một thói quen tốt; để chắc chắn rằng đồng tiền không kiểm soát được bạn.

Có lần tôi nghe một thầy giảng đạo nói về một bài kiểm tra để phát hiện bạn sở hữu đồng tiền hay đồng tiền sở hữu bạn. Bài kiểm tra là: hãy cho chúng đi. Nếu bạn có thể làm điều đó, nghĩa là bạn sở hữu tiền bạc. Còn nếu không, tức là tiền bạc đang sở hữu bạn.

Những câu chuyện khác

Một lần tôi đang lái xe trên một con đường lớn trong thị trấn lúc 9 giờ tối. Trời mưa và gió thổi lạnh buốt. Tôi lái xe qua một phụ nữ đang đi bộ bên lề đường. Tôi không có thói quen cho phụ nữ lạ đi nhờ xe, nhưng tôi cảm thấy ái ngại khi cô ấy phải đi bộ dưới trời mưa lạnh. Tôi quay xe trở lại và tới hỏi xem cô ấy có muốn đi nhờ hay không. Người phụ nữ đồng ý và lên ngồi bên cạnh ghế lái. Tôi hỏi cô ấy định về đâu, rồi cô ấy trả lời.

Vài giây im lặng, sau đó cô ấy hỏi tôi: “Tôi có thể chạm vào anh không?” Trời ơi, tôi đã cho một cô gái làng chơi đi nhờ xe của mình!

Tôi cười lớn và nói: “Không, cô không được chạm vào tôi!”

Với giọng điệu sợ hãi, cô nói: “Anh là cảnh sát, đúng không?”

Tôi lại cười lớn và nói: “Không, tôi không phải là cảnh sát.” “Vậy tại sao anh không cho tôi chạm vào người anh?”

Tôi cho cô ấy xem chiếc nhẫn cưới và nói: “Bởi vì tôi đã có một gia đình rất hạnh phúc.”

Cô ấy thành thực xin lỗi tôi. Tôi hỏi: “Này, nếu giờ tôi cho cô một ít tiền, cô sẽ không lang thang ngoài đường đêm nay nữa chứ?”

Cô ấy ngay lập tức trả lời: “Vâng! Tất nhiên rồi!”

Tôi hỏi cô ta cảm thấy như thế nào khi phải nuôi thân bằng việc làm gái bán hoa. Cô ấy trùng giọng xuống trả lời: “Tôi có hai đứa con nhỏ ở nhà và tôi phải mua đồ ăn cho chúng. Giờ mẹ tôi đang giúp tôi trông hai đứa nhỏ.” Tôi cảm giác cô ấy nói thật, nên tôi đưa cô ấy đến cửa hàng tạp hóa để mua những thứ cần thiết. Cô gái khiên cưỡng đồng ý.

Khi chúng tôi ở trong cửa hàng, cô có vẻ ngần ngại không muốn bỏ bất cứ món hàng gì vào giỏ. Cô chọn một vài thứ như sữa và bánh mì. Tôi hỏi: “Cô còn muốn mua gì nữa không?” Cô ta không biết trả lời sao, tôi lại gợi ý: “Thế còn bơ đậu phộng, kẹo dẻo hay ngũ cốc thì sao?” Cô gái đồng ý. Tôi cũng mua vài hộp bánh quy và một số thứ khác. Tổng hóa đơn là hơn 40 đô-la.

Cô cảm ơn tôi vài lần khi chúng tôi ở bãi đỗ xe. Chúng tôi quay lại xe và tôi hỏi địa chỉ nhà cô ta. Cô sống trong một căn nhà di động cách nơi tôi cho cô ta đi nhờ xe khoảng gần 5 km. Khi chúng tôi về đến gần nhà cô gái, tôi nhìn thấy một phụ nữ đang đứng trên thềm cửa.

Cô gái trẻ nhảy khỏi xe tôi và hét lên: “Mẹ ơi, mẹ ơi! Con gặp người đàn ông này, anh ta mua đồ ăn cho chúng ta mẹ ạ! Mai bọn trẻ có sữa uống buổi sáng rồi!” Sau đó cô nói: “Và anh ấy rất yêu vợ, để con kể cho mẹ nghe!”

Mẹ cô gái bước ra ngoài thêm một chút và hỏi tôi: “Anh có phải là thiên thần hay không vậy?”

“À vâng, chắc là vậy!” Tôi trả lời.

Cô gái trẻ đưa túi đồ ăn cho mẹ đem vào nhà và nói cảm ơn tôi thêm vài lần nữa. Khi cô chuẩn bị quay vào nhà, tôi nói: “Chờ một chút! Lại đây, tôi có cái này cho cô.” Cô bước đến chỗ tôi và tôi đưa cho cô ta 100 đô-la. Cô gái không biết nói gì. Tôi bèn nói: “Tiền này để cô mua thêm đồ ăn vào mấy ngày tới cho bọn trẻ. Chúc ngủ ngon!” Cô ta lại cảm ơn tôi lần nữa. Tôi quay lại xe và trở về nhà.

Có rất nhiều cơ hội để chúng ta thể hiện sự hào phóng mỗi ngày. Hào phóng chắc chắn sẽ đem lại hạnh phúc. Còn tham lam chắc chắn sẽ dẫn tới đau khổ.

Tôi biết mình không thể giúp người phụ nữ đó giải quyết vấn đề của cô ta về lâu dài, nhưng ai mà biết được chuyện gì sẽ xảy ra với cô ta đêm hôm đó? Một lý do tôi viết sách và nói chuyện ở các buổi hội thảo về thành công là để truyền cho mọi người kiến thức giúp họ tiến bộ về lâu dài, nếu họ muốn như thế.

Mặc dù tôi có rất nhiều câu chuyện khác về sự hào phóng, nhưng tôi sẽ chỉ kể thêm hai câu chuyện khác ở đây.

Một hôm tôi đang ngồi trong chiếc xe bán tải của mình tại bãi đỗ xe gần sông Halifax. Bố và tôi đang bàn bạc về ý tưởng mở một cửa hàng nội thất nữa vào lúc đó. Trong khi chúng bàn về các khả năng khác nhau, tôi để ý thấy một người đàn ông da đen ngồi trong một chiếc xe cũ cà tàng cạnh đó. Ông ta đang nhìn đăm đăm vào khoảng không và có vẻ đang nghĩ ngợi gì miên man lắm. Tôi cảm thấy có gì đó thúc giục tôi phải cho ông ta 100 đô-la. Khi tôi và bố nói chuyện xong, tôi ra khỏi xe và bước tới chiếc xe của ông ta.

Kính cửa sổ xe ông ta đang mở và tôi nói: “Xin lỗi…” Người đàn ông giật mình và ngẩng lên nhìn tôi. Trước khi ông ta kịp nói gì, tôi nói: “Tôi chỉ muốn cho ông cái này và mong Chúa phù hộ cho ông.” Người đàn ông nhìn tờ 100 đô-la, chậm rãi nhận nó, nhưng chẳng nói lời nào. Ông ta không nói được một lời. Tôi thấy lúng túng bèn nói: “Uhm… Chúa phù hộ cho ông!”

Khi tôi quay đi được một bước, người đàn ông mới lên tiếng: “Chờ một chút.”

Tôi bước lại phía cửa kính và ông ta nói: “Tôi chỉ đang ngồi đọc cuốn sách này thôi.”

Tôi đã không để ý cuốn sách trên tay ông ta. Ông quay cuốn sách lại để tôi có thể nhìn thấy tựa đề. Đó là một cuốn sách nhỏ mang tên “Sức mạnh sáng tạo của Chúa”.

Tôi mỉm cười một lần nữa và nói: “Vâng, Chúa phù hộ cho ông.” Người đàn ông vẫn không nói gì còn tôi thì quay trở lại xe và đi khỏi.

Một lần nữa, tôi biết mình không giải quyết được vấn đề lâu dài của người đàn ông đó, nhưng ai mà biết được ông ta đang nghĩ gì? Có thể ông ta đang cầu nguyện một thứ gì đó, và tờ 100 đô-la là một dấu hiệu cho ông. Điểm mấu chốt của câu chuyện là: hãy hào phóng.

Không phải người giàu nào cũng rộng rãi về tiền bạc, nhưng những người hạnh phúc đều hào phóng! Hầu hết người giàu đều tin vào luật “gieo và gặt”. Họ coi đồng tiền là hạt giống và rằng nếu hào phóng, họ sẽ nhận lại tiền bạc.

Người giàu không chỉ cho nhiều, mà còn nhận lại rất nhiều. Họ có niềm tin rất khác biệt về việc nhận so với người nghèo. Họ tin rằng mình xứng đáng được nhận vì họ hào phóng. Theo kinh nghiệm của tôi, những người nghèo không được nhận nhiều. Tôi tin đó là vì họ không cảm thấy mình xứng đáng. Làm sao họ có thể xứng đáng, nếu họ không hào phóng?

Một câu chuyện nữa…

Sau khi buổi hội thảo tại Charlotte, Bắc California kết thúc, khoảng 11h30 tối, tôi và vợ rất đói, vì thế chúng tôi lái xe loanh quanh và tìm thấy một cửa hàng Domino’s Pizza trong một khu mua sắm nhỏ. Tôi vào gọi pizza và quay lại xe để chờ. Tôi đứng cạnh xe, còn vợ tôi ở trong xe với cánh cửa xe mở, và chúng tôi đang nghe nhạc. Lúc đó, một đám khoảng 8 cậu nhóc da đen, khoảng chừng 10 đến 15 tuổi tiến lại từ phía cửa khu mua sắm. Bằng trực giác, tôi cảm nhận được lũ trẻ đang chuẩn bị gây sự với chúng tôi.

Khi đám trẻ tiến tới gần chiếc xe của chúng tôi, một trong những đứa nhỏ nhất tiến đến phía tôi. Cậu bé có vẻ lớn nhất trong nhóm bèn nắm lấy cánh tay cậu ta và nói: “Này, không được đâu. Đừng.” Bọn nhóc bước thêm vài bước và rẽ vào đường đi bộ bên cạnh khu mua sắm.

Vợ tôi trông thấy bọn trẻ đi qua, nhưng không để ý thấy điều gì nữa cả. Tôi hỏi cô ấy xem chúng tôi có nên mua cho bọn trẻ một chiếc pizza hay không. Vợ tôi mỉm cười và nói: “Vâng.”

Tôi bước tới đoạn rẽ và bọn trẻ đã đi được khoảng 20 mét. Cậu nhóc nhỏ nhất định gây sự với tôi lúc nãy lại nhìn thấy tôi và nói: “Này, chúng mày. Nhìn kìa.” Sau đó cậu ta rút ra một khẩu súng và chĩa thẳng vào mặt tôi. Cậu bé lớn nhất một lần nữa lại can ngăn và giằng lấy súng từ tay cậu ta, sau đó hỏi tôi: “Ông muốn gì?”

Tôi hơi nhún vai, nói: “Tôi chỉ muốn mua cho các cậu một cái pizza, nếu các cậu muốn.”

“Thật chứ?” Cậu ta hỏi lại.

“Đúng thế.”

“Tại sao ông lại muốn mua pizza cho chúng tôi?” cậu ta hỏi.

“Tôi chỉ muốn làm một việc tốt cho các cậu. Có muốn không nào?” Tôi trả lời. “Có,” cậu bé nói và tất cả chúng đều bước tới phía tôi. Tôi hỏi chúng thích ăn loại gì và vào cửa hàng gọi pizza cho chúng.

Khi tôi ở trong cửa hàng, bọn trẻ hỏi vợ tôi rằng tôi có phải là cảnh sát và đang định bắt chúng hay không. Cô ấy nói không. Chúng còn hỏi vậy tại sao tôi lại muốn mua pizza cho chúng. Cô ấy bèn giải thích rằng chúng tôi thích hào phóng như vậy.

Tôi bước ra và cùng bọn trẻ chờ đợi khi cửa hàng đang chuẩn bị pizza. Tôi nói chuyện với chúng về ước mơ và hy vọng của chúng, mặc dù dường như chúng chẳng có mơ mộng hay mong muốn gì cả. Chúng khá ít lời, dè dặt và tỏ ra rất biết ơn khi chiếc pizza được mang tới. Tôi nói với chúng thêm vài phút nữa về việc hy vọng những điều tốt đẹp sẽ đến với chúng, sau đó chúng tôi chào tạm biệt nhau.

Hào phóng là bằng chứng cho lòng tốt và tình yêu thương. Nó đem lại lợi ích cho người cho nhiều như, thậm chí nhiều hơn, người nhận.

Người giàu rộng rãi,người nghèo ki bo.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.