Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam
90. GÁI NGOAN DẠY CHỒNG
Ngày xưa có một người nhà giàu, vợ chết sớm, chỉ có độc một người con trai, đứa con vốn người xấu nết, đần độn, lại là tay chơi bời lêu lổng không chịu học hành hay làm ăn gì cả. Thấy con không lo nối nghiệp nhà, người nhà giàu rất buồn phiền, biết rằng của cải của mình sẽ có một ngày đội nón ra đi mà thôi. Bởi vậy, ông mới tính chuyện kiếm cho con một người vợ khôn ngoan đảm đang, để may chi nó sẽ ngăn chặn tay chồng, bảo vệ một phần nào cơ nghiệp. Nghĩ vậy, ông cất công đi khắp nơi tìm kiếm, nhưng đi đã nhiều nơi mà vẫn chưa thấy một người nào vừa ý.
Một hôm, đến một vùng kia, nhân mỏi chân, ông nghỉ lại một gốc cây bên đường. Ông bỗng thấy ở một cây táo gần đấy có một bọn trẻ đang tranh nhau trẩy ăn. Một chốc sau, một cô gái tuổi chừng đôi tám, cũng đến trẩy táo. Ông mới lân la lại gần hỏi xin ăn. Lúc này, táo chín đã bị bọn người trước trẩy hết, chỉ còn những quả xanh, nhưng cô gái cũng cố chọn lấy những quả ương ương đưa cho khách.
Thấy cô gái tốt bụng, ông ta nghĩ: -“Sởi lời, trời gởi của cho, quăn co trời gò của lại. Chỉ có người nào tốt bụng với mọi người mới xứng đáng được hưởng giàu có sung sướng . Bởi vậy ông bèn tìm đến nhà cô gái, giả làm một người lỡ độ đường xin nghỉ trọ một tối. Và rồi ông được gia đình cô gái ân cần tiếp đãi.
Để thử xem cô gái có khôn ngoan không, ông lân la làm quen với nàng. Khi biết cô sắp đi chợ, ông đưa ra một quan tiền, nhờ mua hộ cho mình “một nắm gió, một bó lửa”. Cô gái chẳng nói thẳng rằng, mua về cho ông một cái quạt và một con dao đánh lửa. Thấy thế, ông thầm khen ngợi, nhưng vẫn định thử thêm cho biết.
Qua ngày mai ông dậy sớm, giở tay nải đưa cho cô gái mấy bát gạo nếp, nhờ nàng thổi giúp cho mình một nồi vừa cơm vừa bánh để ăn và đem đi ăn đường. Cô gái không từ chối, vội lấy gạo ra vo. Trước khi cho vào nồi, nàng bớt lại một ít giã làm bột vắt bánh rồi hấp luôn vào cơm. Khi nàng bưng ra, ông già lấy làm vừa ý, cho là con người đó đủ cả đức hạnh, khôn ngoan, đảm đang ít có. Bèn quyết định trở về sửa lễ hỏi cho con trai làm vợ.
*
* *
Đứa con trai của ông từ ngày có vợ lại càng thêm lêu lổng, hắn thường bỏ nhà đi đánh đàn đánh đúm với bọn vô lại, làm cho ông hết sức buồn. Và điều làm cho ông lo lắng nhất là hắn thỉnh thoảng lại trộm tiền của ông, khi dăm bảy quan, khi một vài vác, tung vào cuộc đỏ đen. Mặc dù ông đánh đập, mặc dù vợ khuyên lơn, nhưng hắn chứng nào vẫn giữ tật ấy. Dần dần ông buồn phiền thành bệnh. Một hôm, biết mình sắp chết, ông gọi con dâu đến bên giường dặn nhỏ:
Nay cha đã gần đất xa trời. Chồng con là một thằng “phá gia chi tử”, cơ nghiệp này chỉ còn một sớm một chiều mà thôi. Cha rất thương con xấu số. Từ lâu cha làm ăn dành dụm, có để được một hũ vàng chôn ở sau vườn. Vậy cha cho riêng con hũ vàng đó, đừng cho chồng con biết. Sau này, chồng con có thật sự ăn năn hẵng giúp cho nó làm lại cuộc đời.
Đứa con trai ông sau khi người cha qua đời, lại càng chơi bời mặc sức. Vợ hết khuyên lơn đến cầu khẩn, hắn chẳng những không nghe, lại còn phũ phàng với vợ. Mỗi lần thua bạc, hai người lại càng xô xát. Nhiều lần vì vợ cản trở, hắn đánh đập vợ không tiếc tay và làm nhục nàng trước mặt mọi người. Một hôm để khỏi vướng, hắn viết giấy cho vợ đi lấy chồng khác rồi đuổi nàng ra khỏi cửa.
Từ đó: hắn phỉ chí tung hoành không một ai dám cản. Quả như lời đoán của bố hắn, mấy chục mẫu ruộng đều lần lượt “nướng” vào sòng bạc. Hết ruộng vườn tới nhà ở, chẳng bao lâu tất cả cái cơ nghiệp mấy đời truyền lại tiêu sạch sành sanh. Cuối cùng, không một đồng dính túi, không một nghề cầm tay, hắn đành bỏ làng mạc quê quán đi lang thang khắp đầu đường xó chợ, ngửa tay ăn xin qua ngày.
Lại nói chuyện người đàn bà sau khi bị chồng đuổi, bèn đổi tên họ tìm đến trấn thành mở một ngôi hàng nước. Sau ít lâu, kiếm được một số tiền nhỏ, nàng bắt đầu buôn hàng tấm. Số vốn của nàng ngày một lớn dần lên. Một hôm, gặp hai em bé mồ côi đi ăn xin, nàng thương tình đưa về nuôi làm con, coi như ruột thịt. Cuộc đời dần dần nở hoa trước mắt nàng. Trong một dịp đi kiếm củi, hai con nàng nhặt được một khúc gỗ mục, về chẻ ra thấy có mấy thoi vàng. Có vốn lớn lại có tài kinh doanh nên chẳng bao lâu nàng trở nên giàu có: nổi tiếng trong trấn. Tiền bạc tuôn về như nước. Tuy sống sung sướng nhưng nàng vẫn ở một thân một mình. Thấy nàng giàu có, nhiều kể ngấp nghé muốn “gá nghĩa Châu Trần”, nhưng người đàn bà ấy nhất thiết từ chối mọi lời đường mật. Mặc dầu người chồng bạc bẽo và mặc dầu mười lăm năm xa cách, nàng vẫn không quên được tình xưa nghĩa cũ. Đã nhiều lần nàng thuê người lần đi các chợ búa phố phương dò hỏi, nhưng tin tức của chồng càng hỏi càng bặt tăm.
*
* *
Năm ấy, sau mấy tháng hạn, lúa khoai chết dần chết mòn trên những cánh đồng nứt nẻ. Giá gạo cứ lên vùn vụt. Ngoài đường, người đi xin ăn kéo từng đoàn. Người đàn bà lúc này đã là bà chủ hiệu. Bà xin phép quan trên cho mình đem tiền gạo ra phát chẩn cho kẻ khó. Làm như thế, nàng còn mong một khi thấy yết thị dán khắp thôn xóm thì chồng mình tất sẽ lần mò về, nếu hắn còn sống. Y như thế thật, ngày bắt đầu phát, nàng đã thấy bóng dáng của chồng ngồi ở xa xa, lấp ló trong đội quân lĩnh chẩn. Đúng là hắn. Từ ngày bắt đầu cầm bị gậy đến nay, hắn vẫn chưa có cách gì để sống khá hơn và đỡ hèn hạ hơn trước. Bây giờ nghe nói có phát chẩn, hắn vội mò đến đây và ngồi về đầu hàng phía tả. Thế nhưng khi phát, những người giúp việc cho bà chủ hiệu lại được lệnh phát từ phía hữu lại. Khi sắp sửa đến lượt hắn thì bọn họ tự nhiên nói lớn: – “Hôm nay đã hết gạo, mời bà con về đợi đến ngày mai!”. Hắn buồn bực trở ra. Qua ngày mai, hắn cố tìm đến thật sớm, ngồi vào đầu hàng bên hữu. Nhưng hắn không ngờ những người phát chẩn hôm nay lại bắt đầu phát từ phía bên kia. Lúc sắp phát đến hắn thì chúng lại giơ thúng không lên: – “Hôm nay thế là lại hết gạo, bà con hãy đợi đến mai”.
Hắn thở than cho số đen đủi, lần trở ra về. Qua hôm sau, lại lần mò đến thật sớm. Lần này hắn len vào ngồi đúng chính giữa đội quân lĩnh chẩn. Trong bụng hắn nghĩ lần này thì không thể mất phần được. Nhưng đến giờ phát hắn không ngờ người nhà của bà chủ hiệu hôm nay lại phát hai đầu phát lại và cuối cùng người không được gì cả vẫn lại là hắn. Ba lần hỏng cả ba, hắn rất ngao ngán, bèn đánh liều tìm đến dinh cơ bà chủ để xin ăn. Gặp hai đứa con gái nuôi của vợ, hắn ngả nón kêu van hết lời. Ở trong nhà, người đàn bà nhìn ra biết là chồng đã do mưu của mình mà đến đây, bèn sai người hầu ra hỏi, xem hắn có biết làm việc gì không để thuê mượn. Nghe hỏi thế, hắn vội trả lời:
Xin ông bẩm với bà lớn rủ lòng thương cho tôi được ở hầu bà, rửa bát, quét nhà, mọi việc tôi đều xin hết sức. Chỉ cho tôi ăn ba miếng là đủ rồi!
Người nhà trở ra cho hắn biết bà chủ nhận lời. Từ đó, hắn chăm chỉ làm lụng, cố làm vừa lòng chủ. Nhưng chung quy hắn vẫn không biết chủ chính là vợ cũ của mình. Về phần người vợ cũng không để lộ một tý gì cho hắn biết, chỉ dặn hai con và người nhà đối đãi tử tế mà thôi.
Sau một thời gian, thấy hắn chịu khó làm ăn, người đàn bà mừng lắm. Một hôm, nàng cho gọi hắn lên nhà hỏi xem có biết chữ nghĩa gì không? Hắn đáp:
Tôi lúc nhỏ được đi học có biết ít nhiều.
Vậy từ mai trở đi anh không phải hầu hạ nữa, cho anh ở gian nhà khách dạy đám trẻ học phóng, tôi sẽ trả mỗi năm ba mươi quan.
Nghe nói, hắn sung sướng bội phần, cảm thấy lòng nhân đức của bà chủ đối với mình bằng trời bằng biển, vội nhận lời ngay. Từ đó, hắn đóng vai thầy đồ, cố sức làm cho chủ tin cậy. Nhưng người vợ vẫn thử mãi không thôi.
Một lần, gặp ngày Tết, bà chủ sai lấy tiền ra cho kẻ hầu người hạ. Nàng nói:
– Ta cho mỗi người năm quan, hãy mang đi đánh bạc cho vui, nếu hết sẽ cho thêm.
Thầy đồ ta cũng được năm quan tiền. Nhưng trong khi mọi người đem tiền nướng vào xóc đĩa bài mười, thì trái lại, hắn mang nguyên vẹn số tiền đó về gửi cho chủ. Bà chủ hỏi:
– Tại sao anh không thích đánh bạc?
Hắn trả lời:
Bẩm bà, tôi ngày xưa vì cờ bạc mà đến nông nỗi này. Cho nên bây giờ buộc chỉ cổ tay thề rằng không đụng đến nó nữa.
Thế rồi luôn miệng hắn kể hết cho chủ nghe, từ cuộc đời cũ có ruộng nhiều, có vợ ngoan như thế nào, rồi bán ruộng đuổi vợ ra sao, cho đến lang thang đói rách, và ngày nay đã ăn năn hối lỗi. v.v… Bà chủ hỏi:
Anh còn thương vợ nữa không? Hắn rầu rĩ:
Tôi đã nhiều lần dò tìm mà không thấy.
Nghe anh nói tôi rất thương tình. Vậy tôi cho anh năm quan để anh đi tìm vợ. Nếu hết tiền mà vẫn chưa thấy, anh cứ về đây tôi sẽ cho thêm mà tìm cho ra.
Hắn mừng rỡ vâng vâng dạ dạ, mang tiền đi tìm. Nhưng sau ba tháng trở về với bộ mặt thiểu não, hắn cho chủ biết không hề thấy tung tích đâu cả, chắc là vợ đã chết.
Từ đấy, vợ thấy chồng chí tình, lại có lòng tu tỉnh, nên rất mừng. Nhưng nàng vẫn chưa ra mặt vội, chỉ an ủi hắn hãy ở lại đây, may chi sẽ có ngày hội ngộ.
Một hôm, nhân ngày giỗ cha chồng, bà chủ nhờ thầy đồ chép bài văn tế. Hắn ta ngạc nhiên và khôn xiết mừng rỡ khi thấy bài vị của tổ tiên nhà chủ chính là bài vị tổ tiên mình. Lập tức, hai vợ chồng ôm nhau khóc lóc. Rồi sau khi cúng xong, họ mời làng xóm và người nhà ngồi lại kể rõ sự tình. Ai nấy đều cho là một cuộc tái ngộ hiếm có.
Về sau, hai vợ chồng dựng vợ gả chồng cho hai con nuôi, giao cửa hiệu lại cho chúng cai quản. Sau đấy, họ dắt nhau trở về quê hương xưa, chuộc lại vườn tược nhà cửa cũ. Và sau khi đã sống yên ổn ở quê nhà, vợ mới sai đào hũ vàng của bố chồng cho mình ngày xưa lên. Nàng nói:
Có vàng chắc gì đã có hạnh phúc. Cho nên trong những cơn túng thiếu nhất, tôi vẫn không cần đến nó.
Nói đoạn, đem số vàng ấy cúng cho đền chùa để bố thí cho người nghèo.
Từ đấy hai vợ chồng sống với nhau đến đầu bạc [1] .
Câu tục ngữ:
Làm trai rửa bát quét nhà,
Vợ gọi thì: – “Dạ, bẩm bà tôi đây!”. là do truyện này mà ra.
KHẢO DỊ
Ở đoạn ông già thử cô gái nấu cơm, người Hà-tĩnh kể:
Ông già đưa ra một bát gạo bảo cô gái nấu cho mình “cả cơm, cả cháo, cả bánh cỗ khảo, lại cả nước chè”. Cô gái liền thổi một nồi cơm, chắt ra một ít nước cơm làm cháo, rồi đốt nhiều than vần cho có cháy, lấy ra một tấm cháy tròn và giòn ở đáy nồi làm bánh cỗ khảo. Đoạn, lấy một ít cơm cháy khác rang lên rồi đổ nước vào nấu thành một loại nước chè uống rất thơm mát. Khi tất cả bưng lên. Ông già lấy làm vừa ý.
Người Hải-dương thì lại kể như sau:
Ông già đến nhà đưa ra một bát gạo đỏ nhờ nấu “tý cơm tý cháo”. Trong khi người chị (truyện ở đây kể rằng nhà ấy có hai chị em) mắng ông già dở hơi “một nhúm gạo đỏ đòi nấu cả cơm cả cháo thì nấu sao được”, thì cô em nhận lời. Đoạn cô lấy bát gạo nấu hơi nhiều nước. Khi sôi chắt lấy một ít nước cơm làm cháo, xong, gạo trong nồi còn lại thì cô ghế thành cơm.
Tiếp đó, ông già lại đưa ra ba đồng tiền bảo: – “Nhờ mua cho lão một cái quạt cầm tay, một cái nón đội đầu và tấm bánh ăn trưa”. Cô chị lại bĩu môi chế nhạo ông già tiền đưa có ít đồ mua muốn nhiều. Nhưng cô em thì nhận lấy tiền mua vềcho ông mấy tấm bánh đa (bánh đa khi nắng có thể che đầu, khi nóng nực có thể dùng để quạt khi đói có thể ăn tạm). Ông già rất xứng ý.
đoạn sau, khi cưới con dâu về rồi, người Sơn-tây còn kể thêm chuyện ông già thử nàng dâu kiêng tên “Chín” của gia đình. Ông già đưa cho cô dâu chín đồng tiền, bảo đi chợ mua “chín nén nhang về cúng chín ông tượng”. Đoạn bảo con trai kín đáo đi theo xem con dâu có thực sự kiêng tên không. Cô dâu đến nhà hàng nói: – “Tôi có “thất nhị” đồng tiền, bà bán cho tôi “ngũ tứ” nén nhang”. Nhà hàng hiểu ý bán cho nàng đúng số. Khi về, ông già lại bảo con dâu thay mặt gia đình làm lễ rồi nấp ở một xó để xem khấn vái thế nào. Thì nghe con dâu thực sự kiêng tên đến nơi đến chốn: – “Lạy chư vị, tôi là con dâu ông “bát nhất”, vợ chồng tôi có “nhị thất” đồng tiền, mua “ngũ tứ” nén nhang về cúng “lục tam” thánh tượng…”.
Ông già khen dâu giỏi.
Ở truyện do người Hà-tĩnh kể còn nói đến một số thử thách khác của ông già đi kiếm vợ cho con trai.
Lúc đến một xóm nọ thấy có nhiều cô gái đi múc nước suối, để thử có người nào thông minh không, ông bèn mang đôi giày vốn cầm ở tay, vào chân để lội qua suối. Các cô thấy thế đều cười ồ cho ông già dở hơi, đường khô không đi giày lại đi vào đường lội. Nhưng có một cô bảo – “Cụ ấy,rất có ý tứ. Đường khô mắt nhìn thấy rõ không cần phải đi giày, chỉ có lội suối mới đi giày vào sợ giẫm phải gai góc, mảnh sành, mảnh chai què chân. Vậy đi giày là đúng”.
Lần thứ nhất ông già chú ý đến cô gái ngoan.
ngoài đường cái, ông già không che ô, nhưng khi vào đến cổng làng đi dưới bóng cây rậm, ông già lại giương ô lên che. Các cô gái lại được một phen cười khỏe. Nhưng cô kia nói hộ cho ông lão: – “Cụ ấy là người cẩn thận. Đi ngoài trời chẳng có gì đáng ngại nhưng đi dưới cây rậm, che ô là sợ con sâu con rắn rơi xuống, hoặc có con chim con chóc nó ỉa xuống đầu. Vậy che ô là đúng”.
Một lần nữa cụ già chú ý đến cô gái ngoan [2] .
Tình tiết vừa kể tương tự với tình tiết trong một vài truyện của Ấn-độ:
Một người bà-la-môn đi tìm vợ cho con quan đầu triều của vua Kô-sa-la. Một hôm đi đến gần suối thấy một toán con gái sắp lội qua suối. Các cô khác đều lột giày ra cầm tay, chỉ có một cô tên là Vi-sa-ca để cả giày mà lội. Sau đó ông tiến tại hỏi, thì cô đáp:
Trên đất, người ta có thể nhìn thấy rác rưởi, gai, đá, que nhọn, vảy cá, rắn rết, nhưng dưới nước thì chẳng thấy gì cả, vì vậy mà tôi đi cả giày.
Truyện ở vùng Ca-sơ-mia (Cachemire) cũng có một chàng trẻ tuổi con một quan đại thần (vi-dia) làm bạn đường với một nông phu già trở về làng. Dọc đường, anh này có nhiều câu nói thông minh kiểu câu đố làm lão già không hiểu nổi. Cuối cùng lão thấy khi lội qua một con suối anh ta đi cả giày. Về đến nhà, lão cho con gái mình hay là người bạn đường trẻ tuổi là một người dở hơi, đã nói những câu ngớ ngẩn, lại chẳng phân biệt chi suối với giày. Nhưng cô cho bố mình biết là anh rất thông minh, việc mang cả giày lội suối là để tránh giẫm những vật mà mắt không trông thấy có thể què chân [3] .
Người Nam Trung-bộ cũng có truyện Gái ngoan dạy chồng nhưng có một số tình tiết khác với truyện kể ở miền Bắc. Ví dụ ở đoạn người nhà giàu đi tìm dâu, thì ông ta không nhằm vào con gái nhà giàu mà tìm nhà nghèo. Ông lấy nhọ nồi và bùn bôi khắp người giả bộ nghèo khó, lại lấy giẻ rách buộc vào ống chân giả bộ ghẻ lở, đi ăn xin khắp nơi. Một hôm, gặp hai mẹ con một người ăn mày, ông trải chiếu nằm cạnh chỗ ở của họ, làm bộ rên đau. Cô gái, con người ăn mày động lòng thương, thăm hỏi và xua ruồi nhặng cho ông. Ngày hôm sau ông lại đến nằm rên đói. Cô gái nấu cơm cho ông ăn. Một hôm khác, ông làm bộ nằm mê, đánh rơi tiền quanh người, cô gái nhặt trả lại đầy đủ. Thấy con người tốt, ông mời về nhà mình, nói rõ sự thật, và sau đó cưới cô gái cho con trai làm vợ.
đoạn chồng gặp lại vợ sau ba lần phát chẩn, thì chồng không đóng vai thầy đồ, mà được vợ cho đi chăn bò. Mỗi ngày vợ cho chồng một mo cơm mang đi ăn trưa. Nhưng chồng lúc này vẫn chưa hết thói cờ bạc, nên hôm nào cũng nhịn ăn, đổi mo cơm lấy tiền để đánh bạc, lúc về nói dối với vợ là đã ăn no. Một hôm vợ làm một mo cơm trong có bỏ một món đồ nữ trang bằng vàng, chồng lại bán mo cơm để đánh bạc, không biết trong đó có vàng. Khi đánh bò về vợ hỏi:
Mo cơm đâu rồi!
Ăn rồi!
– Có thấy gì không?
Thấy chồng ngơ ngác, vợ hiểu ra là chồng chưa động đến cơm. Tra gạn mãi mới biết là mo cơm đã gán cho một người ở đám bạc. Vợ lập tức cho người đi chuộc về, rồi dỡ nắm cơm ra cho chồng thấy vàng. Chồng từ đó hối hận, tu tỉnh thực sự [4] .
Đồng bào Tày có truyện Cô gái ăn mày cũng là một dị bản của các truyện trên:
Xưa có một phú ông góa vợ, trong nhà có một trăm trâu, một trăm đám ruộng và mười chum vàng chôn ở gốc táo. Đứa con trai độc nhất chơi bời loang toàng không chịu làm ăn gì cả. Phú ông định tìm một người vợ đảm cho con nhưng chưa có đám nào vừa ý.
Một hôm, có hai cha con một người ăn mày đêm đến ngủ nhờ cạnh đống rơm trước cổng nhà phú ông. Cô gái thấy trong đống rơm còn sót nhiều thóc mới nhặt và nhằn từng hạt lấy gạo. Làm như vậy suốt đêm được một nhúm gần sáng dậy cô nấu cháo cho bố ăn. Bố hỏi làm gì mà có gạo, cô gái kể lại việc đã làm đêm qua. Phú ông đi qua nghe lỏm được câu chuyện, tấm tắc khen cô gái là một người hiếu hạnh và chịu khó, mới đón người ăn mày vào hỏi cô gái làm vợ cho con.
Từ ngày có vợ, đứa con phú ông lại mặc sức phá của. Về sau chê vợ hắn mang theo một số vàng bỏ nhà đi biệt. Hắn đi rất xa, theo đàn theo đúm tiêu hết vàng, và cuối cùng lưu lạc làm nghề ăn xin.
nhà, phú ông buồn bực ốm nặng. Trước khi chết, ông chỉ cho dâu chỗ chôn vàng. Sau khi chôn cất bố chồng, cô dâu giao nhà cho bố đẻ, rồi giắt một ít vàng bạc và người, cải trang làm một người khác hẳn, ăn mặc rách rưới đi tìm chồng.
Sau khi tìm thấy chồng, vợ làm bộ không quen biết, giả cùng làm bạn ăn xin, lần hồi ăn ở với nhau như vợ chồng. Từ ngày ở với người đàn bà mới mà hắn không biết là vợ cũ, nhờ sức cảm hóa của vợ, hắn dần dần tu tỉnh. Để thử thách, một hôm vợ đưa cho chồng một số tiền nói dối là tiền chắt lót được, bảo thích gì cứ tiêu cho thỏa. Chồng cảm động không tiêu, từ đấy thức khuya dậy sớm làm hàng đi bán, bỏ nghề đi ăn xin.
Từ ngày có vốn liếng, chồng tỏ ý muốn về thăm nhà. Vợ cứ vờ như không biết, chuẩn bị cho chồng hành trang, trong đó có giá 500 chiếc bánh dầy cho chồng làm quà biếu bố, nhưng trong mỗi cái bánh có bỏ một ít vàng. Chồng đi rồi, vợ gửi nhà cho hàng xóm và đi đường tắt về trước. Đến nhà, vợ bỏ cải trang, trở thành người cũ. Chồng về thấy vợ, vẫn không biết là người bạn ăn xin vừa qua. Hắn tỏ lời hối hận, định cho vợ đi lấy chồng để mình trở về chỗ cũ. Nhưng vợ đã kể lại mọi việc, rồi bẻ bánh dầy cho chồng thấy vàng ở trong ruột, lại dắt chồng đào mười chum vàng ở gốc táo. Chồng mừng rỡ thương yêu vợ hơn trước[5].
Đồng bào Cham-pa có truyện Chàng ngốc, dường như cũng là dị bản của các truyện trên:
Hai vợ chồng giàu, có một con trai ngốc, nghĩ rằng nếu họ chết đi, đứa con không làm sau giữ được của. Bèn đào một lỗ giữa vườn chôn vàng bạc, rồi trồng lên trên một cây lựu, một cây ổi, một cây vải, một cây cam và một cây dừa. Lại đúc cho con một cái roi bằng vàng có bảy khúc. Trước khi chết, họ dặn con lấy vợ; lại đọc một câu đố bảo con học thuộc, và dặn đưa câu đố ấy ra đố vợ; vợ đoán ra thì chớ, nếu không đoán được thì bỏ và đền cho một khúc roi vàng. Câu đố là: “Cái nhúc (?) ở dưới cây vải ai thấy vua ở dưới cây cam?”
Sau khi bố mẹ mất được vài năm, đứa con quả bị người ta lừa lấy hết cả của cải. Không biết cách làm ăn, hắn đành đi xin đưa ngày. Hắn lần lượt lấy ba người vợ rồi lần lượt bỏ cả ba, vì không ai đoán được câu đố. Mỗi lần bỏ vợ hắn đều đền bù bằng một khúc roi vàng. Sau đó, người ta mách cho một đám khác: một cô con gái nghèo mồ côi, đi ở cho người. Sau ngày cưới, hắn đưa câu đố ra đố. Nghe xong, người vợ liền hỏi: – “Nói vườn cũ của cha mẹ ở trước đây có hàng rào không?” – “Người ta đã phá hết”, hắn đáp – “Còn cây gì không?” – “Có các cây ăn quả” – “Đưa tôi đến đấy.” – “Để làm gì?” – “Cứ đưa đi, đừng hỏi”. Thấy các cây, đoán biết ở dưới có của chôn, cô gái không nói gì, chỉ bảo chồng đào cây lựu lấy rễ – “Sao vậy?” – “Cứ việc làm đừng hỏi”. Đào lên thấy một đống tiền, và bảo chồng lấy tiền mua một đôi trâu, một cái xe và thuê hai người lạ chở xe về. Chồng làm như lời. Vợ bảo hai người đó chặt cây rào xung quanh vườn và mua gỗ làm một cái nhà. Làm xong, bảo chồng đào các cây lên và lấy được vàng bạc. Vợ chồng Ngốc lại trở nên giàu có[6].
Truyện Mã Sài Lao Pản của người Mèo tuy diễn biến có phần khác nhưng chắc chắn có mượn một phần cốt truyện của loại hình Gái ngoan dạy chồng:
Hai vợ chồng nhà giàu nọ chỉ có một con trai, cưới vợ cho con xong thì họ qua đời. Đứa con trai thường đi buôn xa. Một hôm, vợ hắn cho một khách buôn nước ngoài ngủ trọ trên gác. Đêm lại khách dòng dây thả những thoi bạc xuống chỗ người đàn bà dệt vải, hy vọng nàng ưng thuận. Lần lượt thả đến 100 thoi mà không ăn thua, người đàn bà chỉ cho hắn ăn rồi phục rượu say để bảo toàn trinh tiết. Khách buôn ra đi, tiếc của, tình cờ gặp chồng người dàn bà, hắn nói: – “Tôi ngủ ở nhà một cô gái nọ, nó quyến rũ tôi lấy mất một trăm thoi bạc”. Nghe nói, chồng nghi cho vợ không trung thành, bèn đền bạc cho hắn rồi về đuổi vợ. Từ đây, truyện giống với truyện của ta: Vợ bỏ đi, lần hồi ra nước ngoài, ăn mặc giả đàn ông, buôn bán trở nên giàu có lớn, người vùng ấy gọi là ông chủ. Từ khi đuổi vợ, chồng trở nên buôn thua bán lỗ, của cải lần lượt phá tán. Hiểu nỗi oan của vợ, hắn bèn bỏ làng đi làm thuê, lưu lạc ra nước ngoài vô tình đến chỗ vợ ở mà không biết, nuôi thân bằng nghề kiếm củi. Một hôm vợ gặp, biết là chồng, liền mua gánh củi, dặn hàng ngày mang đến bán, ít lâu sau thuê hắn làm công ở trong nhà, nhưng không cho hắn biết mình là ai. Thấy hắn ký cóp để dành trọn, hỏi thì đáp là để đi tìm vợ, nói rồi hắn kể hết chuyện nhà và tỏ ý hối tiếc hành vi ngày xưa của mình.
Một hôm vợ thử chồng bằng cách rủ hắn đi chơi rồi rủ đánh bạc, nhưng hắn không nghe. Lần thứ hai lại thử bằng cách xin Trời cho hóa hổ rồi vác hắn lên lưng đặt vào nhà một bà góa, sau đó lại đặt vào nhà một cô gái đẹp và giàu, nhưng hắn đều không xiêu lòng. Hắn bỏ chạy về nhà “ông chủ” thì vợ đã trút lốt hổ đồng thời trút bỏ cải trang. Hắn dần dần nhận ra vợ, hai vợ chồng từ đó lại sống hạnh phúc[7].
Theo Thực nghiệp dân báo (1924) và theo lời kể của người Hà-tĩnh, Hải-dương, Sơn-tây.
Sưu tầm của Thanh Minh.
Đều theo Cô-xcanh (Cosquin). Truyện cổ tích dân gian miền Lo-ren.
Theo lời kể của người Phú-yên.
Theo Truyện cổ Việt-bắc, đã dẫn.
Theo Lăng-đờ (Landes). Truyện cổ tích Cham-pa, đã dẫn. Trong truyện này, Người kể chưa giải thích rõ ý nghĩa câu đố và do đó chắc có bỏ đi một số tình tiết hay của truyện.
Theo Truyện cổ tích dân tộc Mèo. Sách đã dẫn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.