Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam

KHO TÀNG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT NAM ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ



Tính từ ngày tập I của bộ sách được xuất bản (1957), cho đến khi tập V ra đời (1982), tới nay (1993), đã gần bốn chục năm qua, giá trị của bộ sách và công lao của soạn giả đã hoàn toàn được khẳng định. Sách được tái bản nhiều lần, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của bạn đọc, tôi muốn nói đến các thế hệ bạn đọc. Lớp này nối tiếp lớp khác. Cả người nghiên cứu và độc giả bình thường, đều thấy cần có sách, mà là có cả bộ, chứ không phải từng quyển riêng lẻ. Có cả bộ trọn vẹn – cả phần Nghiên cứu và phần Khảo dị – chứ không phải chỉ có riêng phần Truyện để đọc cho vui. Không đợi đến các nhà chuyên môn phân tích đánh giá, khuynh hướng bạn đọc như vậy chứng minh một sự thực cần được nhắc lại: đây là một công trình khoa học, chứ không phải chỉ là một sách sưu tầm bình thường. Tôi muốn nhấn mạnh điều này, để lưu ý những bạn yêu thích truyện cổ và đã thích thú sưu tầm, nên rút kinh nghiệm của người đi trước nhằm nâng cao thêm chất lượng các loại sách tương tự sẽ ra đời. Vì phải nói thực rằng, từ sau 1982, không hiếm gì những bộ sưu tầm cổ tích mới, song chưa có bộ nào đuổi kịp bộ Kho tàng. Đó là chưa nói đến không ít những truyện vay mượn Kho tàng, vay nhiều khi vụng, mà mượn nhiều khi sót[1].

Sự công nhận giá trị bộ sách đã là nhất trí. Điều hầu như ai cũng thấy rõ là một công phu tích lũy lâu dài, đặc biệt là trình độ uyên bác của người soạn. Không thiết tha với kho tàng cổ tích, không theo dõi và thu thập tài liệu một cách cần mẫn bao quát, rộng rãi thì không thể tiến hành việc khảo dị một cách khá đầy đủ ở sau mỗi câu chuyện chính văn như vậy được. Người đọc cảm thấy như thế, và các bài phê bình cũng xác nhận như thế. Song nếu chỉ dừng lại với nhận xét ấy thì quả là chưa thỏa đáng đối với những đóng góp của soạn giả. Tôi rất hy vọng, nhất là trong giới nghiên cứu phôn-clo (folklore) ở Việt-nam, nhất là các nhà khoa học chuyên sâu về loại hình tự sự dân gian, sẽ có dịp bàn sâu về bộ sách này. Bộ sách đã đặt ra những vấn đề, về mặt lịch sử là hoàn toàn mới với phương pháp tiếp cận, về mặt chuyên môn thì có nhiều gợi ý cho việc đi vào các nhận định khoa học. Nhà học giả tuy đã khuất, nhưng chắc cũng như các bạn đồng nghiệp vẫn chờ đợi tri âm. Bao giờ thì có?

Xin thú thực rằng, tuy cũng say mê nghiên cứu phôn-clo, và cũng đã có dịp được cái duyên là bạn vong niên của tác giả mà tôi luôn luôn xem là người Anh, người Thầy, nhưng lại không chọn địa bàn cổ tích làm miếng đất chuyên sâu, nên ở góc độ này, tôi chỉ có thể góp thêm một vài cảm tưởng. Tôi nghĩ đến phương pháp tiếp cận của Nguyễn Đổng Chi trong bối cảnh chung về việc sưu lầm cổ tích. Không nói đến những Việt điện u linh, Lĩnh nam chích quái, Thính văn dị lục hay Kiến văn lục (và nhiều bộ sách khác nữa) là những tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh xã hội trước, những cuốn sưu tầm cổ tích (hay truyện cổ) từ khi chúng ta tiếp xúc với văn hóa phương Tây, kể cả một số nhà trí thức nước ngoài có sống ở Việt-nam nữa, rõ ràng chỉ thiên về tạp trở (miscellanées) hoặc về hợp tuyển (chrestomathie). Việc sưu tầm của họ chứng minh được nhiệt tình hoặc sự quan tâm, nhiều hơn là ở ý đồ nghiên cứu. Tôi nói về mặt lịch sử, Nguyễn Đổng Chi có cái mới là ở đó (rất tiếc là ở nhiều cuốn sưu tầm cổ tích gần đây nhất, vẫn chưa thể hiện được cái mới này). Tôi nhớ lại ngày đầu tiên, được Anh tặng tập I bộ Kho tàng, tôi hỏi anh có phải anh có ý đồ làm một bộ sách như của anh em Grim (Grimm) hay không. Anh đã cười không nói. Anh không nói, nhưng ý đồ khoa học thì rất rõ ràng.

Tất nhiên cũng phải thừa nhận một thực tế là, trong thời gian khá lâu, trước và sau 1945, có lẽ ở nước ta chưa mấy ai nghĩ rằng nghiên cứu cổ tích là một đề tài khoa học.

Một số người được học trong các trường đại học Pháp (ở Paris chứ không phải ở Hà-nội) chọn đề tài khác, chỉ có Nguyễn Văn Huyên mới đi vào ca dao. Cho nên vấn đề khoa học như việc nghiên cứu so sánh cổ tích là điều ta chưa quen lắm. Cuốn Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyện cổ tích qua truyện Tấm Cám của Đinh Gia Khánh mãi đến 1968 mới ra đời. Trước đó, năm 1963, khi soạn cuốn Truyện Từ Thức, tôi đã nêu những ý kiến khác biệt giữa hai quan niệm của Cô-xcanh (E. Cosquin) học giả Pháp và Lăng (Andrew Lang) học giả Anh, nhưng khi sách được phê bình, không ai hưởng ứng điều này. Những tập đầu của bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt-nam của Nguyễn Đổng Chi (từ 1957) tuy không dấy lên cuộc trao đổi gì, nhưng thực sự đã có tác dụng gợi ý cho một cách nhìn cổ tích Việt-nam bởi phần phiến diện, dân tộc học hẹp hòi. Gần đây nhất, chúng ta mới làm quen được với các nhà nghiên cứu nước ngoài, đặc biệt là với lý thuyết về “típ” và “mô-típ” của học giả Liên-xô cũ Prốp (Ia Propp) mở ra một hướng tìm tòi xuất sắc. Ở phần Khảo dị trong bộ Kho tàng của Nguyễn Đổng Chi, tuy nhà học giả chúng ta không trực tiếp bàn đến vấn đề (bộ sách của Anh có mục đích và có chủ đề khác), nhưng rõ ràng ta có thể khẳng định sự hơn hẳn của bộ sách so với đương thời (trong nước ta và cả nhiều nước ngoài sưu tập cổ tích Việt-nam. Các truyện cổ tích Việt-nam đều có thể đem ra so sánh sự tương đồng hoặc khác biệt giữa các típ hoặc mô-típ. Xét địa danh xuất xứ của các truyện ấy (dân tộc hay quốc gia), có thể tiến đến vẽ con đường đi của các truyện để thấy rõ mối giao lưu văn hóa cổ kim, Đông Tây. Đó là cách tiếp cận khoa học mà ở ta, trước Nguyễn Đổng Chi (cả không ít người sau Anh nữa) chưa mấy ai nghĩ đến. Thêm một ý nhỏ trong việc lần theo sợi dây tương đồng này, tôi còn cảm thấy có một sự lướt qua ở nhiều người đọc. Khi làm Khảo dị, Nguyễn Đổng Chi thường chú ý tìm những dị bản trong các tộc người Việt-nam và ở châu Á, nhất là Đông-nam Á. Một thí dụ: Truyện Thạch Sanh (tập II) có 10 dị bản, thì 2 ở Việt-nam. 1 ở Pháp, còn nữa ở Ấn-độ và Trung Á. Tôi không tin rằng cách khảo dị như thế lại không ẩn một khuynh hướng gì.

Vấn đề phân loại cổ tích Việt-nam cũng là vấn đề khoa học có thể nghĩ đến khi đọc sách của Nguyễn Đổng Chi. Mặc dầu tác giả đã tự khiêm tốn nói rằng chưa làm việc này, chỉ mới gộp lại thành từng mục (grouper) chứ không phải là chia loại (classifier). Tôi đồng ý như vậy, nhưng vẫn nghĩ đến tình hình chung của việc nghiên cứu truyện cổ. Vào những năm 30, 40 của thế kỷ này, có nhiều người đã nghĩ đến việc phân loại. Chia loại lớn thì có những cổ tích thần kỳ, cổ tích thế sự. Chia loại nhỏ thì phân ra cổ tích diễm tình, cổ tích lịch sử, v.v… (còn nhiều nữa). Đã có những ý kiến phê bình tính cách hình thức, hoặc sự ngộ nhận, sự xô bồ trong việc phân loại này. Bộ Kho tàng của Nguyễn Đổng Chi đã không rơi vào sự lúng túng đó trong khi xếp thành các mục. Mười mục trong bộ sách này được trình bày theo các thứ tự:

1 Nguồn gốc sự vật

Sự tích đất nước Việt

Sự tích các câu ví

Thông minh, tài trí, sức khỏe

Sự tích anh hùng nông dân

Truyện phân xử

Truyện thần tiên, ma quỷ, phù phép

Đền ơn trả oán

Tình bạn, tình yêu, nghĩa vụ

Truyện vui tươi dí dỏm

Tôi nghĩ rằng, có hai điểm đang được lưu ý trong cách xếp mục (chưa nói phân loại) này. Những cốt truyện được gộp vào một mục, đối chiếu với những mục khác, như có
đồ lần theo hướng đi của cổ tích trong tiến trình chuyển đổi hình thái dần dà của xã hội Việt-nam. Chặng đường phát triển của loại hình tự sự dân gian chưa ai phác ra, nhưng có lẽ sau thần thoại, sử thi (Nguyễn Đổng Cho đã có riêng một cuốn Lược khảo về thần thoại Việt-nam), thì các truyện khác phải ra đời ở từng chặng thời gian nào đó. Lần theo mười mục của Nguyễn Đổng Chi có thể cảm nhận dấu vết thời đại (cố nhiên không thể rành mạch như việc phân kỳ lịch sử) cho việc xuất hiện các cốt truyện tương ứng. Đây chính là sự trình bày trong thực tiễn những kiến giải tổng quát phần nghiên cứu (Phần I chương III: Truyện cổ Việt nam qua các thời đại) mà M. Đuy-răng (M. Durand) và Lê Văn Hảo đều đã thừa nhận[2]. Một vài nhà nghiên cứu có cách định vị cho trường hợp truyện này hay truyện khác, nhưng hình như đã không quan tâm đến tổng thể cũng như đến lịch trình. Tôi vẫn nghĩ rằng cách nhìn của Nguyễn Đổng Chi, đến nay là thỏa đáng và đi trước nhiều người.

Còn một điều nữa. Phải chăng cách gộp những câu chuyện theo những mục trên đây – lấy ngay vấn đề xã hội làm hệ quy chiếu, chứ không theo kiểu căn cứ vào tính chất của câu chuyện thường được nhận định khác nhau – có phần hợp với cách hiểu của người Việt-nam, có thể gây cảm tưởng về một “phôn-clo Việt-nam như tự nó” hơn. Tôi đã nói điều này với Anh. Anh không trả lời về sự đồng tình của tôi, mà chỉ tán thành một khía cạnh nhận thức. Sự tán thành của anh đã động viên tôi về luận điểm: “folklore Việt-nam ra đời”. Tôi đã ghi lòng biết ơn anh về điểm đó[3].

*

* *

Còn một vấn đề nữa cũng nên nghĩ đến khi miệt mài nghe Nguyễn Đổng Chi kể chuyện trong tập Kho tàng. Tôi không rõ trong sự say mê của người đọc bộ sách có bao nhiêu phần vì nội dung của truyện và bao nhiêu phần vì cách kể của soạn giả. Bởi vì, quả thực, cho đến hôm nay, tìm được một tác giả xuất sắc kể truyện cổ tích Việt-nam, cũng còn phải đắn đo suy nghĩ. Và ngay yêu cầu khoa học, yêu cầu thẩm mỹ của phương pháp kể cũng có ý kiến khác nhau. Có người bảo phải kể cho đúng phong cách dân gian. Có người còn nghĩ rằng phải biết đối tượng nghe là người thời nay, thì cách kể cũng phải cho hợp thời một chút. Viết cổ tích là làm một công trình nghệ thuật, chứ không đơn giản là một việc sưu tầm như đi ghi âm lời của các ông già bà cả. Rất mong là sẽ có dịp nhất trí về vấn đề này. Song tôi vẫn cứ băn khoăn khi đọc nhiều soạn giả. Rất nhiều người muốn nhân việc kể chuyện để làm văn, cứ như họ viết truyện ngắn. Nhiều người khác, nhất là các nhà văn, còn đảo lộn lên, thêm thắt chi tiết, miêu tả phong cảnh, phân tích tâm lý hoặc hiện đại hóa câu chuyện (đáng buồn là người ta lại cho như vậy mới hợp với “tư duy hiện đại”). Các cụ ngày xưa thường viết gọn hơn, nhưng lại hay khuôn theo đạo đức, lễ giáo phong kiến, làm mất khá nhiều bản sắc dân gian. Những tác giả cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX, với văn quốc ngữ buổi đầu, giữ được ít nhiều phần chân chất, song thường là kể chuyện không trôi chảy. Các học giả tân học có vốn kiến thức Nho học buổi giao thời (nhất là miền Bắc) giữ được phong cách cổ kính hơn cả, lại thường thu gọn lại như lối biên soạn những mẩu “cổ học tinh hoa”. Các nhà tân học kể chuyện bằng tiếng Pháp, dẫu có được lối diễn đạt sáng sủa của Pháp văn (không nhiều người lắm), nhưng lúc ấy cái hồn Việt văn lại giảm bớt. Tôi thấy Nguyễn Đổng Chi – dù chưa toàn bích – đã cố gắng để tránh được những hạn chế của người đi trước, kể cả những người đồng thời với anh. Cách kể của anh hồn nhiên, có ít nhiều vẻ dân dã và phong cách cổ. Ở những trang mở đầu và kết luận bộ Kho tàng, anh đã lưu ý đến những đặc trưng của cổ tích: Tính chất cổ của sự việc, của hình tượng, bản sắc dân tộc của câu chuyện kể, và trình độ tư tưởng và nghệ thuật cao trong loại hình tự sự dân gian. Khi kể chuyện, anh đã tỏ ra tôn trọng những đặc điểm mà anh đã nêu ra. Đồng thời, anh vẫn có tư cách một nhà văn. Cách kể của anh mộc mạc, có vẻ biến hóa, và điều đáng quý hơn cả: rất đáng tin. Nói một cách nôm na, đọc truyện cổ tích của anh, tôi không phải cảnh giác như khi đọc những truyện người khác kể, có nhiều chi tiết cứ phải băn khoăn là thật hay không thật. Trong nhà phôn-clo học Nguyễn Đổng Chi, có cả nhà văn và nhà sử học. Hai nhân vật sau này không lấn át nhân vật trước, mà lại làm nên sức thuyết phục cho công trình của Anh. Tiếp cận bộ Kho tàng của Nguyễn Đổng Chi, không thể quên điều đó.

25-III-1993

PGs. VŨ NGỌC KHÁNH

(Kiến thức ngày nay, SỐ 110,

1-VI-1993, TR.3-6)

Có thể xem lại một số sách của một số Nhà xuất bản ở miền Bắc mươi năm lại đây để thấy sự vay mượn này. Thậm chí có người còn mượn cả tên sách Kho tàng truyện cổ tích Việt nam và cách phân chia 5 tập để in những bộ sách giả nhằm đánh lừa độc giả như sách của Nguyễn Cừ, Nhà xuất bản Văn học in những năm 1996-1997. Còn ở miền Nam trước 1975 thì đã xảy ra một vụ án văn chương mà lý do là lấy gần như nguyên xi tài liệu trong sách của Nguyễn Đổng Chi. Xem Văn hóa Á châu, 1959, và Bách khoa, 1972. Những người “vay mượn” Nguyễn Đổng Chi trong Lược khảo thần thoại, Kho tàng truyện cổ tích Việt-nam và cả Sơ thảo lịch sử văn học đều đã phải ra tòa.

Xem: BEFEO, số 1 – 1964.

Xem: Dân 1uận nghiên cứu folklore Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học xã hội Hà Nội, 1991; tr.27.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.