Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam
159. RẠCH ĐÙI GIẤU NGỌC
Ngày xưa, một ông vua nước ngoài có một viên ngọc vô cùng quý giá. Viên ngọc có hai điều lạ: một là cầm trên tay tưởng chừng rất nhẹ, thế nhưng đặt vào đâu thì ở đấy nặng trĩu; hai là đêm đến ngọc tỏa ánh sáng rực, dẫu cất chỗ kín thế nào đi nữa, ánh sáng vẫn cứ lọt ra ngoài. Từ lúc được làm chủ viên ngọc, nhà vua mừng lắm, đêm ngày ôm ấp không rời.
Nhưng một hôm ngọc quý bỗng không cánh mà bay. Nhà vua tiếc ngơ tiếc ngẩn, hạ lệnh cho thần dân khắp hang cùng ngõ hẻm phải hết sức dò tìm, tuy vậy vẫn vô hiệu. Mãi về sau, vua sai người đem kính thiên lý ra nhìn, thì mới biết ngọc đã bay về phương Nam. Lập tức vua sai một viên đại thần đem năm trăm quân sĩ ngồi lên mấy chiếc thuyền lớn, theo hướng Nam mà đi. Lệnh vua truyền thế nào cũng phải dò tìm bằng được. Sau bao ngày vượt biển tìm tòi, viên đại thần theo dõi kính thiên lý bỗng nhìn thấy viên ngọc bay vụt vào nước Nam, bèn ra lệnh cho quân sĩ cứ hướng ấy đuổi theo.
Bấy giờ ở làng Đại-lại, huyện Gia-bình có một người tên là Điển Chi. Một đêm nọ, ông đang ngồi chơi ở sân, chợt thấy có ánh sáng lạ bay xuống chiếu sáng cả một khu vườn. Ông lấy làm kinh ngạc, nhưng cũng đánh bạo chạy tới chỗ ấy tìm xem, không ngờ bắt được một viên ngọc. Biết đó là của hiếm trên thế gian, ông mừng quá, vội đưa về nhà cất trong hộp gỗ. Nhưng ông lấy làm lạ khi thấy đêm đến, ánh sáng của viên ngọc vẫn tỏa sáng khắp nhà. Ông lại cho vào một cái thùng sắt đậy kín, nhưng thùng sắt cũng không đủ sức che kín ánh sáng chói chang. Sợ ngọc có thể bị lộ và về tay người khác mất, ông bèn đào hố chôn đi. Nhưng dầu đào sâu chôn chặt bao nhiêu cũng hoài công vô ích. Đêm đêm, ngọc vẫn phát ra ánh sáng. Sau nhiều ngày mò mẫm đủ cách, ông mới biết chỉ có bỏ ngọc vào giữa thịt sống thì ánh sáng của ngọc mới được che kín trọn vẹn. Cuối cùng, ông đánh liều cầm dao rạch đùi mình nhét ngọc vào rồi khâu lại. Từ đó chân ông đau tê buốt không đi lại được, nhưng của báu thì hoàn toàn giấu kín không ai biết cả.
Lại nói chuyện quan quân nước ngoài theo dõi dấu ngọc tới vùng Gia-bình thì bỗng mất hút. Kính thiên lý cũng không còn tìm ra. Quan đại thần bèn cho quân sĩ vào dò la khắp miền, nhưng thảy đều vô ích.
“Hẳn có người nào ở vùng này bắt được ngọc biết cách dấu vào da thịt nên ngọc không phát sáng nữa”. Viên đại thần nghĩ vậy. Và ông cố moi óc tìm ra một kế để đưa ngọc về. Ông mới sai quân sĩ dựng rạp trên một hòn đảo giữa sông, rồi giết bò mổ lợn làm tiệc linh đình. Đoạn nhờ quan huyện ở đây mời tất cả nam phụ lão ấu các làng tới dự. Mỗi người đến dự tiệc đều phải đi qua một chiếc bè nứa thả nổi trên sông, nối liền với đảo. Ông còn cắt mấy người đứng đón ở bè nứa, dặn hễ thấy lúc nào có người đi qua, bè chìm thì báo ngay cho ông. Suốt mấy ngày liền, dân làng các vùng Gia-bình, kể cả dân làng Đại-lại lũ lượt đến ăn tiệc hết lớp này đến lớp khác, nhưng chẳng một ai có sức nặng làm cho bè chìm. Viên đại thần vẫn không nản lòng. Ông cố cho hỏi trong trong đám khách dự tiệc các làng xem may còn sót ai chưa đi chăng. Một người ở làng Đại-lại mách:
Người làng tôi thiếu mặt họa chỉ có ông Điển Chi vì ông ta gần đây bị đau chân không đi đâu được.
Nghe nói thế, viên đại thần vội sai mấy người lính sắm sửa cáng xá, đến tận nhà ông Điển Chi dặn họ cố dùng lời nói khéo mời ông đi. Về phần ông Điển Chi, không biết được mưu sâu nên nghe lời mời, liền vui vẻ lên cáng. Quả nhiên, vì có viên ngọc nhét trong đùi cáng ông vừa bước lên bè nứa, thì bè tròng trành dữ dội rồi chìm ngập xuống nước. Thấy vậy, viên đại thần reo lên:
– Ngọc đây rồi! Ta tìm được ngọc đây rồi!
Không thể giấu được nữa, ông Điển Chi đành phải thú thực mọi việc. Viên đại thần nói:
Hoàng đế nước chúng tôi mất một viên ngọc, hòn ngọc bay sang quý quốc, ông bắt được ngọc đó là một điều may mắn. Chúng tôi không có ý lấy không của ông. Nhưng để có ngọc về nộp hoàng đế, mong ông vui lòng đánh đổi hoặc quan tước, hoặc bạc vàng cho chúng tôi. Ông muốn gì, cũng xin làm cho ông vui lòng.
Thấy bọn quan quân không có gì ác ý, ông Điển Chi bảo họ:
Hãy chồng tiền vác cao bằng đầu người từ chỗ tôi đứng cho tới nơi nào hòn chì của tôi ném ra dừng lại!
Viên đại thần nước ngoài gật đầu. Cuộc trao đổi giải quyết chóng vánh. Từ đấy, ông Điển Chi trở nên giàu có, trong nước ít người sánh kịp.
Tin ông Điển Chi bỗng nhiên giàu bốc lên bay đến kinh đô. Nhà vua bèn cho đòi ông về kinh hỏi chuyện. Thấy ông tốt số kỳ lạ, vua chọn một công chúa gả cho ông, phong ông làm phò mã.
Hai vợ chồng ông Điển Chi sống với nhau rất tương đắc. Công chúa chiều chuộng ông rất mực. Ông Điển Chi những tưởng đời mình không còn gì sung sướng hơn thế nữa.
Nhưng một hôm, một người bạn nối khố của ông từ phương xa tới thăm. Ông vui vẻ dắt bạn đi khắp nơi xem tư cơ đồ sộ của mình. Thấy bạn luôn miệng tấm tắc khen ngợi, ông có vẻ đắc chí:
– Giàu như tôi mới thật là nhất nước!
Không ngờ câu nói ấy lọt vào tai công chúa. Không chịu được sự ngạo mạn của chồng, trong một lúc giận dữ, công chúa vội vàng về mách cha. Nhà vua không ngăn được cơn thịnh nộ, lập tức cho triệu phò mã về triều và ra lệnh:
Nhà ngươi tự khoe mình giàu có nhất nước. Được lắm! Bây giờ ngươi hãy thi với ta đem tiền ra phát chẩn cho dân. Ta phát ba ngày đầu, ngươi phát ba ngày cuối. Nếu ta không đủ tiền để phát thì coi như lời ngươi nói đúng, ngươi sẽ không có tội gì cả. Nhưng nếu ngươi không đủ tiền để phát, thì tức là ngươi đã nói láo, đã khinh mạn “quan gia”, phải phạt tội lột da nhồi trấu để làm gương cho thiên hạ!
Nghe lời truyền dõng dạc, ông Điển Chi khôn xiết kinh hoàng. Ông sụp xuống dưới chân vua kêu xin tha tội. Nhưng nét mặt vua thản nhiên như không nghe thấy. Chẳng biết tính sao nữa, ông đành tuân lời.
Sau những ngày bận rộn chuyển vận tất cả của cải về kinh đô, ông Điển Chi lại ra mắt vua. Cuộc thi bắt đầu. Mấy ngày đầu vua phát chẩn, dân chúng chưa mấy ai biết tin nên đến lĩnh chẩn còn thưa thớt. Cho nên số tiền vua ứng ra vẫn không phát hết. Nhưng đến lượt ông Điển Chi phát thì khắp nơi dân chúng đã hay tin, nên nô nức tuôn về lĩnh chẩn ùn ùn. Ông Điển Chi phát mãi, phát mãi, vợi hết cả kho tiền mà vẫn không đủ. Hết tiền ông lại đem gạo trong kho ra phát, mong có thể cứu được tính mạng. Nhưng không may cho ông, các kho gạo bắt đầu vơi mà dòng người vẫn tuôn về như nước chảy. Vì thế ông đành chịu thua cuộc.
Nhà vua vẫn không chút thương hại chàng rể ngạo mạn. Ông Điển Chi bị quân lính bắt ra lột da nhồi trấu, đem bêu trước cửa thành. Tất cả tài sản còn lại của ông đều bị sung công.
Thấy chồng bị vua cha làm tội, công chúa đâm ra hối hận. “Thì ra ta là gái giết chồng” Câu nói ấy luôn luôn ám ảnh lòng nàng. Rồi một hôm, công chúa giao tất cả ruộng đất của mình cho dân làng, bỏ đi tu. Ngày nay ở làng Đại-lại vẫn còn cánh đồng mà công chúa cúng cho dân, người ta gọi đó là cánh đồng Mả, cũng có người gọi là cánh đồng Ngọc [1] .
KHẢO DỊ
Đại-việt sử ký toàn thư có kể một câu chuyện được ngọc gần giống với truyện trên: thời Trần Minh Tông có người bố của Ngô Dẫn bắt được một viên ngọc rết rất to. Dẫn đem ngọc nhờ sở thương bạc ở Vân Đồn bán hộ. Một chủ tàu buôn nước ngoài biết là của hiếm nên đã dốc hết tất cả vốn liếng của mình để được làm chủ viên ngọc. Nhờ vậy Dẫn trở nên giàu có lớn. Vua Minh Tông nghe tin, triệu về kinh gả cho công chúa Nguyệt Sơn, phong làm phò mã.
Ngô Dẫn cậy mình giàu có, tư thông với một người đàn bà khác, và thường nói những lời khinh rẻ công chúa. Công chúa đem việc ấy tâu vua. Nhưng khác với số phận Điển Chi, ở đây Ngô Dẫn được vua tha cho tội chết, chỉ bắt tịch thu gia sản.
Theo lời kể của người Bắc-ninh (tài liệu của Lê Thước và Hồ Vi).
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.