Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam
6. PHÂN BIỆT TRUYỆN CỔ TÍCH VỚI LỊCH SỬ VÀ VỚI TIỂU THUYẾT
Truyền thuyết cũng như cổ tích lịch sử là những truyện có gắn liền với một ý nghĩa, một cái tên lịch sử (tên người, tên đất, v.v…) chứ không phải là lịch sử thực sự. Nhưng đối với người đời xưa thì truyền thuyết, cổ tích, cả thầnthoại nữa, thường bị lẫn lộn với lịch sử. Khi chép tiểu truyện Chu An đời Trần, hay Nguyễn Trãi đời Lê, người ta không ngần ngại đưa cả Sự tích đầm Mực [1] hay truyện Rắn báo oán [2] xen lẫn với sử liệu thực.
Như chúng tôi đã nói “Truyền thuyết có khi là thần thoại bị sửa chữa cho gần với nhân tính, có khi là lịch sử bị thần thánh hóa hay lý tưởng hóa”[3]. Trong những giai đoạn khuyết sử của dân tộc, truyền thuyết, cổ tích lịch sử thường lẫn lộn với lịch sử và sự lẫn lộn này diễn ra từ đã rất lâu, khó lòng còn phân biệt. Có nhiều nhân vật trong thời Bắc thuộc được kể trong sách Việt điện u linh tập như Lý Ông Trọng, Lý Phục Man, Trương Hống, Trương Hát hay như bà Bát Nàn, bà Lê Chân, bà Thiều Hoa (theo thần tích đều là nữ tướng của Hai bà Trưng), v.v… ngày nay vẫn làm cho chúng ta ngờ vực không hiểu đó dễ thường là nhân vật lịch sử truyền thuyết hóa hay chỉ là nhân vật truyền thuyết mà thôi.
Điều cần lưu ý là không nên lẫn lộn truyền thuyết, cổ tích lịch sử với những truyện thuộc loại truyện thời sự đã chuyển hóa thành lịch sử, hay những truyện gần như là ” liệt truyện” hoặc “giai thoại lịch sử” được ghi vào sách vở ngày xưa, nhưng đồng thời cũng được nhân dân truyền tụng. Vè ẤmNinh khởi nghĩa, truyện Em Tám lự tẩm dầu đốt kho bom Tân-sơn-nhất đều là những truyện thời sự đã thành lịch sử, truyện Vua Ngọa Triều là một liệt truyện, truyện Công chúa Huyền Trân lấy vua Chàm là một giai thoại lịch sử.
Nhưng cổ tích lịch sử thường khi là tài liệu bổ ích cho lịch sử. Bởi vì nó là lịch sử do nhân dân kể, theo ý kiến và dư luận của nhân dân. Gor-ki từng nói: “Văn học dân gian có ý kiến riêng của nó đối với hoạt động của Lu-y XI, của I-van Hung đế, và ý kiến đó khác hẳn với cách đánh giá của những pho sử do những nhà chuyên môn viết ra, vì họ không quan tâm lắm đến vấn đề cuộc đấu tranh của các nhà vua chống lại bọn chúa phong kiến đã đem lại những gì cho đời sống của nhân dân lao động”[4].
Cho nên, cổ tích lịch sử cũng có khi được người xưa coi là dã sử. Có những nhân vật lịch sử như Chúa Thao (đời Mạc), Hầu Tạo (đời Minh Mạng) ta hầu như chỉ được biết qua truyện cổ tích mà thôi. Cũng vậy, nếu không có truyện Chàng Lía thì ngày nay mọi người dễ đã quên một anh hùng nông dân khởi nghĩa sống vào khoảng trước thời Tây Sơn, mà sử gia triều Nguyễn chẳng ai buồn chép đến. Nếu khéo sử dụng – nghĩa là không quá lạm dụng – thì cổ tích lịch sử sẽ giúp ích trong một chừng mực nào cho quốc sử.
Sau hết, cũng nên phân biệt truyện cổ tích với tiểu thuyết. Giữa hai loại hình này tuy phương thức biểu hiện có những chỗ giống nhau, nhưng thật ra lại khác nhau trên nhiều nét căn bản.
Tiểu thuyết cũng giống như truyện cổ tích, có thể chia làm hai loại: một loại, câu chuyện bị chi phối bởi yếu tố hoang đường quái đản, và một loại gần với đời sống thực. Tiểu thuyết có khi là những truyện rất dài dòng, với rất nhiều tình tiết, nghĩa là những câu chuyện có một phạm vi bao quát hiện thực rộng lớn, một khả năng tái hiện rất cao mọi diễn biến, màu sắc phức tạp và phong phú của đời sống xã hội mà truyện cổ tích không bao giờ có thể so sánh được. Nhưng tiểu thuyết cũng có khi là những truyện rất ngắn, những cốt truyện đơn giản đến mức sơ sài, hay hơn nữa là những cổ tích được phóng tác.
Khác với truyện cổ tích bắt buộc phải bó hẹp trong tính chất cổ và tính chất dân tộc, tiểu thuyết có thể mở rộng hơn về thời gian và không gian; nhân vật và hoàn cảnh mà nó xây dựng, sống trong thời đại nào và ở bất cứ vùng nào trên trái đất, đều được cả. Nhưng cái “bịa” của tiểu thuyết phải hợp lý. Trái lại, truyện cổ tích gần như lại được phép “phóng túng” về điểm này. Nhiều hình tượng trong cổ tích tưởng như là quá vô lý mà chẳng ai nghĩ đến việc giải thích tại sao lại như thế.
Nếu bằng vào thủ pháp nghệ thuật, chúng ta có thể phân chia tiểu thuyết thành hai loại khác nhau: một là “truyện kể” giống với cổ tích, hai là “truyện tả” khác hẳn với nghệ thuật cổ tích. Thường khi, hai loại vẫn được sử dụng xen lẫn với nhau mà thuật ngữ chuyên môn gọi là trần thuật phối hợp đặc tả. Nhưng dù phối hợp hay không phối hợp thì theo đúng nghĩa của nó, tiểu thuyết phải được tả nhiều hơn là kể. Mô tả tỷ mỷ nhân vật, sự việc cũng như đi sâu khai thác các cạnh góc khác nhau của cái thế giới bên trong của con người, nhà tiểu thuyết sẽ có vinh dự dựng lại những hình ảnh về đời sống đúng như nguyên mẫu. Và ở đây đặc trưng loại biệt của một ngòi bút tiểu thuyết trước hết phải là năng lực tạo hình. Mỗi nhà tiểu thuyết tạo ra một thế giới riêng, thông qua cái nét riêng không thể lẫn lộn trong thiên bẩm nghệ sĩ của tâm hồn anh ta; nhưng anh ta vẫn phải làm phong phú thế giới ấy bằng phong cách miêu tả, sao cho trong đó cũng đầy đủ mọi diện mạo khác nhau của đời sống, với những tình tiết phức tạp như thế giới ta sống hàng ngày.
Trái lại, thế giới trong truyện cổ tích không cần thiết phải miêu tả chi li. Vì thế mà chúng thường có tính ước lệ. Thời gian, không gian ở đây chỉ còn là những khái niệm phiếm chỉ. Và nếu đứng về một mặt nào đó, chúng bị bó hẹp so với tiểu thuyết, thì đứng về một mặt khác, chúng lại cũng quá rộng, đến nỗi không còn tính cụ thể lịch sử nữa. Cộng thêm vào đó là tính chất truyền miệng, đã làm xích gần thế giới của tất cả các truyện cổ tích Đông Tây lại, khoác lên cho chúng những màu sắc và không khí phảng phất giống nhau. Tất nhiên, truyện cổ tích của mỗi dân tộc vẫn có những điểm đặc thù. Vì cổ tích khác với tiểu thuyết như thế cho nên những truyện cổ tích đã đứng vững xưa nay sẽ không chịu mang hình thức tiểu thuyết hóa. Dĩ nhiên, không phải truyện cổ tích nào cũng chỉ có thể biểu hiện dưới một hình thức khô khan, đơn điệu.
Nói tóm lại, truyện cổ tích là một loại sáng tác văn nghệ của nhân dân. Nó có đặc trưng nghệ thuật riêng biệt không giống với các loại truyện ngụ ngôn, khôi hài, tiếu lâm, cũng như có phần khác với thần thoại, truyện tôn giáo và truyện thời sự. Do tính chất truyền miệng, nó mang hình thức truyện kể chứ không mang hình thức truyện tả, và do đó cũng không đồng nhất với thể loại tiểu thuyết. Nhưng với khả năng hấp dẫn không kém gì tiểu thuyết, trong một thời kỳ mà tiểu thuyết chưa phải là thứ nghệ thuật phổ cập, thì nó là một trong những loại hình nghệ thuật quan trọng, làm nhiệm vụ giải trí cho dân chúng, đồng thời cũng thỏa mãn nhu cầu cảm thụ thẩm mỹ, nhu cầu giáo dục và đấu tranh trong xã hội.
Chú thích:
Xem truyện số 29, tập này.
Xem truyện số 158, tập IV.
[3]Lược khảo về thần thoại Việt-nam, sách đã dẫn; tr.22.
Báo cáođọc ở Đại hội nhà văn Liên-xô năm 1934 (Gorki bàn về văn học, tập II, Nhà xuất bản Văn học, Hà-nội, 1970; tr.256 – 257).
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.