Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam
154. TẤM CÁM
Ngày xưa, có Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ. Hai chị em suýt soát tuổi nhau. Tấm là con vợ cả, Cám là con vợ lẽ. Mẹ Tấm đã chết từ hồi Tấm còn bé. Sau đó mấy năm thì cha Tấm cũng chết. Tấm ở với dì ghẻ là mẹ của Cám. Nhưng dì ghẻ của Tấm là người rất cay nghiệt. Hàng ngày, Tấm phải làm lụng luôn canh, hết chăn trâu, gánh nước, đến thái khoai, vớt bèo; đêm lại còn xay lúa giã gạo mà không hết việc. Trong khi đó thì Cám được mẹ nuông chiều, được ăn trắng mặc trơn, suốt ngày quanh quẩn ở nhà không phải làm việc nặng.
Một hôm người dì ghẻ đưa cho hai chị em mỗi người một cái giỏ bảo ra đồng bắt con tôm cái tép. Mụ ta hứa hẹn: – “Hễ đứa nào bắt được đầy giỏ thì thưởng cho một cái yếm đỏ!”.
Ra đồng, Tấm nhờ mò cua bắt ốc đã quen nên chỉ một buổi là được đầy giỏ vừa cá vừa tép. Còn Cám thì đủnh đỉnh dạo hết ruộng nọ sang ruộng kia, mãi đến chiều vẫn không được gì.
Thấy Tấm bắt được một giỏ đầy, Cám bảo chị:
Chị Tấm ơi chị Tấm! Đầu chị lấm, chị hụp cho sâu, kẻo về dì mắng.
Tin là thật, Tấm bèn xuống ao lội ra chỗ sâu tắm rửa. Cám thừa dịp trút hết tép của Tấm vào giỏ của mình rồi ba chân bốn cẳng về trước. Lúc Tấm bước lên chỉ còn giỏ không, bèn ngồi xuống bưng mặt khóc hu hu.
Bấy giờ Bụt đang ngồi trên tòa sen. Bỗng nghe tiếng khóc của Tấm liền hiện xuống hỏi:
– Con làm sao lại khóc?
Tấm kể sự tình cho Bụt nghe. Bụt bảo:
Thôi con hãy nín đi! Con thử nhìn vào giỏ xem còn có gì nữa không? Tấm nhìn vào giỏ rồi nói:
Chỉ còn một con cá bống.
Con đem con cá bống ấy về nhà thả xuống giếng mà nuôi. Mỗi bữa, đáng ăn ba bát thì con ăn hai, còn một đem thả xuống cho bống. Mỗi lần cho ăn, con nhớ gọi như thế này:
Bống bống, bang bang
Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta,
Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người
không gọi đúng như thế nó không lên, con nhớ lấy!
Nói xong là Bụt biến mất. Tấm theo lời Bụt thả bống xuống giếng. Rồi từ hôm ấy trở đi, cứ sau bữa ăn, Tấm đều để dành cơm giấu đưa ra cho bống. Mỗi lần nghe lời Tấm gọi, bống lại ngoi lên mặt nước đớp những hạt cơm của Tấm ném xuống. Người và cá ngày một quen nhau, và bống ngày một lớn lên trông thấy.
Thấy Tấm sau mỗi bữa ăn thường mang cơm ra giếng, mụ dì ghẻ sinh nghi, bèn bảo Cám đi rình. Cám nấp ở bụi cây bên bờ giếng nghe Tấm gọi bống, bèn nhẩm cho thuộc rồi về kể lại cho mẹ nghe.
Tối hôm ấy mụ dì ghẻ bảo Tấm sáng mai dậy sớm chăn trâu, và dặn:
Con ơi con! Làng đã bắt đầu cấm đồng rồi đấy. Mai con đi chăn trâu, phải chăn đồng xa, chớ chăn đồng nhà, làng bắt mất trâu.
Tấm vâng lời, sáng hôm sau đưa trâu đi ăn thật xa. Ở nhà mẹ con con Cám mang bát cơm ra giếng, cũng gọi bống lên ăn y như Tấm gọi. Nghe lời gọi, bống ngoi lên mặt nước. Mẹ con Cám đã chực sẵn, bắt lấy bống đem về làm thịt.
Đến chiều Tấm dắt trâu về, sau khi ăn uống xong Tấm lại mang bát cơm để dành ra giếng. Tấm gọi mãi nhưng chẳng thấy bống ngoi lên như mọi khi. Tấm gọi mãi, gọi mãi, cuối cùng chỉ thấy một cục máu nổi lên mặt nước. Biết có sự chẳng lành cho bống, Tấm òa lên khóc. Bụt lại hiện lên, hỏi:
– Con làm sao lại khóc?
Tấm kể sự tình cho Bụt nghe, Bụt bảo:
Con bống của con người ta đã ăn thịt mất rồi. Thôi con hãy nín đi. Rồi về nhặt lấy xương nó, kiếm bốn cái lọ bỏ vào, đem chôn xuống dưới bốn chân giường con nằm.
Tấm trở về theo lời dặn của Bụt đi tìm xương bống, nhưng tìm mãi các xó vườn góc sân mà không thấy đâu cả. Một con gà thấy thế, bảo Tấm:
– Cục ta cục tác! Cho ta nắm thóc, ta bới xương cho!
Tấm bốc nắm thóc ném cho gà. Gà chạy vào bếp bới một lúc thì được xương ngay.
Tấm bèn nhặt lấy bỏ vào lọ và đem chôn dưới chân giường như lời Bụt dặn.
*
* *
Ít lâu sau, nhà vua mở hội luôn mấy đêm ngày. Già trẻ trai gái các làng đều nô nức đi xem. Trên các nẻo đường, quần áo mớ ba mớ bảy dập dìu tuôn về kinh như nước chảy. Hai mẹ con con Cám cũng sắm sửa quần áo đẹp để đi trẩy hội. Thấy Tấm cũng muốn đi, mụ dì ghẻ nguýt dài. Sau đó mụ lấy một đấu gạo trộn lẫn với một đấu thóc, bảo Tấm:
Con hãy nhặt cho xong chỗ gạo này rồi có đi đâu hãy đi, đừng có bỏ dở, về không có gì để thổi cơm dì đánh đó.
Nói đoạn, hai mẹ con quần áo xúng xính lên đường, Tấm ngồi nhặt một lúc mà chỉ mới được một nhúm, nghĩ rằng không biết bao giờ mới nhặt xong, buồn bã, bèn khóc một mình. Giữa lúc ấy Bụt hiện lên, hỏi:
Con làm sao lại khóc? Tấm chỉ vào cái thúng, thưa:
Dì con bắt phải nhặt thóc cho ra thóc, gạo ra gạo, rồi mới được đi xem hội. Lúc nhặt xong thì hội đã tan rồi, còn gì nữa mà xem.
Bụt bảo:
Con đừng khóc nữa. Con mang cái thúng đặt ra giữa sân, để ta sai một đàn chim sẻ xuống nhặt giúp.
Nhưng ngộ chim sẻ ăn mất thì khi về con vẫn cứ bị đòn.
Con cứ bảo chúng thế này:
Rặt rặt (tức chim sẻ) xuống nhặt cho tao
Ăn mất hạt nào thì tao đánh chết [1]
thì chúng sẽ không ăn của con đâu.
Tự nhiên ở trên không có một đàn chim sẻ đáp xuống sân nhặt thóc ra một đằng, gạo ra một nẻo. Chúng nó lăng xăng ríu rít chỉ trong một lát đã làm xong, không suy suyển một hạt. Nhưng khi chim sẻ đã bay đi rồi, Tấm lại nức nở khóc. Bụt lại hỏi:
Con làm sao còn khóc nữa?
Con rách rưới quá, người ta không cho con vào xem hội.
Con hãy đào những cái lọ xương bống đã chôn ngày trước lên thì sẽ có đủ mọi thứ cho con trẩy hội.
Tấm vâng lời, đi đào các lọ lên. Đào lọ thứ nhất lấy ra được một bộ áo mớ ba, một cái xống lụa, một cái yếm lụa điều và một cái khăn nhiễu. Đào lọ thứ hai lấy được một đôi giày thêu, đi vừa như in. Lọ thứ ba đào lên thì thấy một con ngựa bé tí, nhưng vừa đặt con ngựa xuống đất bỗng chốc nó hí vang lên và biến thành ngựa thật. Đào đến lọ cuối cùng thì lấy ra được một bộ yên cương xinh xắn.
Tấm mừng qua vội tắm rửa rồi thắng bộ vào, đoạn cưỡi lên ngựa mà đi. Ngựa phóng một chốc đã đến kinh đô. Nhưng khi phóng qua một chỗ lội, Tấm đánh rơi một chiếc giày xuống nước không kịp nhặt. Khi ngựa dừng lại ở đám hội, Tấm lấy khăn gói chiếc giày còn lại rồi chen vào biển người.
Giữa lúc ấn thì đoàn xa giá cũng vừa tiến đến chỗ lội. Hai con voi ngự dẫn đầu đoàn đến đây tự nhiên cắm ngà xuống đất kêu rống lên không chịu đi. Vua sai quân lính xuống nước thử tìm xem; họ nhặt ngay được chiếc giày thêu của Tấm đánh rơi lúc nãy. Vua ngắm nghía chiếc giày không chán mắt, bụng bảo dạ: – “Chà, một chiếc giày thật xinh! Người đi giày này hẳn phải là trang tuyệt sắc”.
Lập tức vua hạ lệnh cho rao mời tất cả đám đàn bà con gái đi xe hội đến ướm thử, hễ ai đi vừa chiếc giày thì vua sẽ lấy làm vợ. Đám hội lại càng náo nhiệt vì các bà, các vô chen nhau đến chỗ thử giày. Cô nào cô ấy lần lượt kéo vào ngôi lầu giữa bãi cỏ rộng để ướm thử một tý cầu may. Nhưng chả có một chân nào đi vừa cả. Mẹ con con Cám cũng trong số đó. Khi Cám và dì ghẻ bước ra khỏi lầu thì gặp Tấm. Cám mách mẹ:
Mẹ ơi, ai như chị Tấm cũng đi thử giày đấy! Mụ dì ghẻ của Tấm bĩu môi:
Con nỡm!
Chuông khánh còn chả ăn ai,
Nữa là mảnh chỉnh vứt ngoài bờ tre.
Nhưng khi Tấm đặt chân vào giày thì vừa như in. Nàng mở khăn lấy chiếc thứ hai đi vào. Hai chiếc giày giống nhau như đúc. Bọn lính hầu hò reo vui mừng. Lập tức vua sai đoàn thị nữ rước nàng vào cung. Tấm bước lên kiệu trước con mắt ngạc nhiên và hằn học của mẹ con con Cám.
*
* *
Tuy sống trong hoàng cung, Tấm vẫn không quên ngày giỗ cha. Nàng xin phép vua trở về nhà để soạn cỗ cúng giúp dì. Mẹ con con Cám thấy Tấm sung sướng thì ghen ghét để bụng. Nay thấy Tấm về, lòng ghen ghét lại bừng bừng bốc lên. Nghĩ ra được một mưu, mụ dì ghẻ bảo Tấm:
– Trước đây con quen trèo cau, con hãy trèo xé lấy một buồng để cúng bố.
Tấm vâng lời trèo lên cây cau. Lúc lên đến sát buồng thì ở dưới này mụ dì cầm dao đẵn gốc. Thấy cây rung chuyển, Tấm hỏi:
Dì làm gì dưới gốc thế?
Gốc cau lắm kiến, dì đuổi kiến cho nó khỏi lên đốt con.
Nhưng Tấm chưa kịp xé cau thì cây đã đổ, Tấm ngã lộn cổ xuống ao, chết. Mụ dì ghẻ vội vàng lột áo quần của Tấm cho con mình mặc vào rồi đưa vào cung nói dối với vua rằng Tấm không may bị rơi xuống ao chết đuối, nay đưa em vào để thế chị. Vua nghe nói trong bụng không vui nhưng vẫn không nói gì cả.
Lại nói chuyện Tấm chết hóa thành chim vàng anh. Chim bay một mạch về kinh đến vườn ngự. Thấy Cám đang ngồi giặt áo cho vua ở giếng, vàng anh dừng lại trên một cành cây, bảo nó:
Phơi áo chồng tao phơi lao phơi sào, chớ phơi bờ rào, rách áo chồng tao.
Rồi chim vàng anh bay thẳng vào cung đậu ở cửa sổ, hót lên rất vui tai. Vua đi đâu, chim bay đến đó. Vua đang nhớ Tấm không nguôi, thấy chim quyến luyến theo mình, vua bảo:
Vàng ảnh vàng anh, có phải vợ anh, chui vào tay áo.
Chim vàng anh bay lại đậu vào tay vua, rồi rúc vào tay áo. Vua yêu quý vàng anh quên cả ăn ngủ. Vua sai làm một cái lồng bằng vàng cho chim ở. Từ đó, ngày đêm vua chỉ mê mải với chim không tưởng đến Cám.
Cám vội về nhà mách mẹ. Mẹ nó bảo cứ bắt chim làm thịt ăn rồi kiếm điều nói dối vua. Trở lại cung vua, Cám nhân lúc vua đi vắng, bắt chim làm thịt ăn, rồi vứt lông chim ở ngoài vườn. Thấy mất vàng anh, vua hỏi, Cám đáp:
– Thiếp có mang thèm ăn thịt chim nên trộm phép bệ hạ đã giết thịt ăn mất rồi.
Vua không nói gì cả. Lông chim vàng anh chôn ở vườn hóa ra hai cây xoan đào. Khi vua đi chơi vườn ngự, cành lá của chúng sà xuống che kín thành bóng tròn như hai cái lọng. Vua thấy cây đẹp rợp bóng, sai lính hầu mắc võng vào hai cây rồi nằm chơi hóng mát. Khi vua đi khỏi thì cành cây lại vươn thẳng trở lại. Từ đó, không ngày nào là vua không ra nằm hóng mát ở hai cây xoan đào.
Cám biết chuyện lại về mách mẹ. Mẹ nó bảo cứ sai thợ chặt cây làm khung cửi rồi kiếm điều nói dối vua. Về đến cung, nhân một hôm gió bão, Cám sai thợ chặt hai cây xoan đào lấy gỗ đóng khung cửi. Thấy cây bị chặt, vua hỏi thì Cám đáp:
– Cây bị đổ vì bão, thiếp sai thợ chặt làm khung cửi để dệt áo cho bệ hạ.
Nhưng khi khung cửi đóng xong, Cám ngồi dệt vào dệt lúc nào cũng nghe thấy tiếng
khung cửi rủa mình:
Cót ca cót két,
Lấy tranh chồng chị,
Chị khoét mắt ra.
Thấy vậy con Cám sợ hãi vội về mách mẹ. Mẹ nó bảo đốt quách khung cửi rồi đem tro đi đổ cho rõ xa để được yên tâm. Về đến cung, Cám làm như lời mẹ nói. Nó mang tro đã đốt đem đi đổ ở lề đường cách xa hoàng cung. Đống tro bên đường lại mọc lên một cây thị cao lớn, cành lá sum suê. Đến mùa có quả, cây thị chỉ đậu được có một quả, nhưng mùi thơm tỏa ngát khắp nơi. Một bà lão hàng nước ở gần đó một hôm đi qua dưới gốc ngửi thấy mùi thơm, ngẩng đầu nhìn lên thấy quả thị trên cành cao, bèn giơ bị ra nói lẩm bẩm:
– Thị ơi thị, rụng vào bị bà, bà đem bà ngửi, chứ bà không ăn.
Bà lão vừa dứt lời thì quả thị rụng ngay xuống đúng vào bị. Bà lão nâng niu đem về nhà cất trong buồng, thỉnh thoảng lại vào ngắm nghía và ngửi mùi thơm.
Ngày nào bà lão cũng đi chợ vắng. Từ trong quả thị chui ra một cô gái thân hình bé nhỏ như ngón tay nhưng chỉ trong chớp mắt đã biến thành Tấm. Tấm vừa bước ra đã cầm lấy chổi quét dọn nhà cửa sạch sẽ, rồi đi vo gạo thổi cơm, hái rau ở vườn nấu canh giúp bà hàng nước. Đoạn Tấm lại thu hình bé nhỏ như cũ rồi chui vào vỏ quả thị. Lần nào đi chợ về, bà lão cũng thấy nhà cửa ngăn nắp, cơm ngon canh ngọt sẵn sàng thì lấy làm lạ.
Một hôm bà hàng nước giả vờ đi chợ, đến nửa đường lại lén trở về, rình ở bụi cây sau nhà. Trong khi đó, Tấm từ quả thị chui ra rồi cũng làm các việc như mọi lần. Bà lão
rón rén lại nhìn vào các khe cửa. Khi thấy một cô gái xinh đẹp thì bà mừng quá, bất thình lình xô cửa vào ôm choàng lấy Tấm, đoạn xé vụn vỏ thị. Từ đó Tấm ở với bà hàng nước, hai người thương yêu nhau như hai mẹ con. Hàng ngày Tấm giúp bà lão các việc thổi cơm, nấu nước, gói bánh, têm trầu để cho bà ngồi bán hàng.
Một hôm vua đi chơi ra khỏi hoàng cung. Thấy có quán nước bên đường sạch sẽ bèn ghé vào. Bà lão mang trầu nước dâng lên vua. Thấy trầu têm cánh phượng, vua sực nhớ tới trầu vợ mình têm ngày trước cũng y như vậy, liền phán hỏi:
Trầu này ai têm?
Trầu này con gái già têm, bà lão đáp.
Con gái của bà đâu, gọi ra đây cho ta xem mặt.
Bà lão gọi Tấm ra, Tấm vừa xuất hiện, vua nhận ra ngay vợ mình ngày trước, có phần trẻ đẹp hơn xưa. Vua mừng quá, bảo bà hàng nước kể lại sự tình, rồi truyền cho quân hầu đưa kiệu rước Tấm về cung.
Cám thấy Tấm trở về được vua yêu như xưa thì nó không khỏi sợ hãi. Một hôm Cám hỏi chị:
Chị Tấm ơi chị Tấm, chị làm thế nào mà đẹp thế? Tấm không đáp, chỉ hỏi lại:
Có muốn đẹp không để chị giúp!
Cám bằng lòng ngay. Tấm sai quân hầu đào một cái hố sâu và đun một nồi nước sôi. Tấm bảo Cám xuống hố rồi sai quân hầu dội nước sôi vào hố. Cám chết, Tấm sai đem xác làm mắm bỏ vào chĩnh gửi cho mụ dì ghẻ, nói là quà của con gái mụ gửi biếu. Mẹ con Cám tưởng thật lấy mắm ra ăn, bữa nào cũng nức nở khen ngon. Một con quạ ở
đâu bay đến đậu trên nóc nhà kêu rằng:
– Ngon ngỏn ngòn ngon! Mẹ ăn thịt con, có còn xin miếng?
Mẹ con Cám giận lắm, chửi mắng ầm ĩ rồi vác sào đuổi quạ. Nhưng đến ngày mắm gần hết, dòm vào chĩnh, mụ thấy đầu lâu của con thì lăn đùng ra chết [2] .
KHẢO DỊ
Truyện trên do người miền Bắc kể, trong đó có vài chi tiết mỗi nơi một khác. Ví dụ câu nói của vàng anh với Cám khi Cám giặt áo cho vua, người Nghệ An có nơi kể là:
Giặt áo chồng tao, thì giặt cho sạch, nhược bằng không sạch, tao rạch mặt ra.
Phơi áo chồng tao, thì phơi bằng sào, đừng phơi bờ rào, tao cào mặt ra [3] . Hay là câu của quạ:
Ngon ngỏn ngòn ngon, ăn cả thịt con, thực ngon lắm phỏng [4] .
Riêng ở vùng Bắc-ninh, thì truyện Tấm Cám được truyền tụng như là lịch sử Thái phi
Lan. Quyển Lý triều đệ tam hoàng hậu sự tích đã chép truyện bà Ỷ Lan gắn liền với nhân vật Tấm (khác với truyện trên, ở đây gọi ngược lại Tấm là Cám và Cám là Tấm. Ỷ Lan thái phi là Cám) và tước bỏ đi nhiều chi tiết của truyện dân gian:
làng Thổ-lỗi (hay Siêu-loại) huyện Gia Lâm có ông Lê Công Thiết và vợ là Vũ Thị Tinh chuyên trồng dây nuôi tằm. Một đêm vợ nằm chiêm bao thấy mình nuốt mặt trăng, sau đó sinh một cô gái tên là Cám (hoặc Khiết Nương). Vợ chết, chồng lấy vợ kế là Chu Thị, sinh một gái khác là Tấm. Thế rồi, câu chuyện cũng diễn ra với đủ các tình tiết bắt cá, nuôi bống và nhặt xương bống chôn chân giường đúng như truyện trên vừa kể, chỉ có khác ở chỗ Bụt lại là nhà sư Đại Liên, tu ở chùa Linh-nhân. Và điều khác thứ hai đáng lưu ý là xương bống chôn một trăm ngày đào lên được một đôi hài quý, nhưng khi Cám phơi đôi hài, thì một con quạ thần trông thấy, cắp lấy một chiếc bay đến kinh đô rồi thả xuống sân điện. Vua bấy giờ là Lý Thánh Tông chưa có con, cho đấy là điềm lành, bèn loan báo cho đàn bà con gái khắp nơi đi ướm hài.
Từ đây truyện phát triển hoàn toàn khác với cổ tích nói trên. Vua đi cầu tự ở chùa, xa giá đến đâu mọi người đua nhau đi xem đến đấy. Chỉ có Cám vẫn chăm chỉ hái dâu. Một ông hàng dầu thấy một đám mây che trên đầu Cám, bèn mách cho quan quân biết. Vua cho gọi Cám đến hỏi tại sao không đi xem vua trẩy? Cám tâu là vì dì bắt đi hái dâu. Vua cho ướm chân vào hài thì vừa như in. Vua bèn lấy làm vợ, gọi là Ỷ Lan.
Truyện còn nối vào một mẩu nữa, kể việc Nguyễn Bông đầu thai: Ỷ Lan làm vợ vua lâu ngày vẫn chưa có con. Đại Điên gặp Nguyễn Bông (là người vua sai đến chùa) hỏi: “Có muốn làm hoàng tử không?”. Bông đáp: “Muốn”. Đại Điên dặn Bông lẻn vào buồng tắm của hoàng hậu trong lúc hoàng hậu đang tắm (tình tiết này giống với tình tiết của truyện Từ Đao Hạnh số 120, tập III). Kết quả, việc làm của Bông bại lộ, Bông bị án chém. Tối hôm ấy, Thánh Tông mộng thấy một tiên ông đưa đến cho một đứa con trai. Quả nhiên Ỷ Lan có mang đẻ ra một hoàng tử. Nhưng hoàng hậu họ Dương lại bắt trộm mất hoàng tử, nói dối là con do mình đẻ ra, và thay vào một con mèo nói là con của Ỷ Lan (giống với tình tiết của các truyện ở Khảo dị số 166, tập IV). Lớn lên, hoàng tử nhận ra mẹ đẻ của mình và giết chết hoàng hậu họ Dương cùng bảy mươi mốt cung nữ [5] .
Ở Bắc Ninh còn có người kể xen vào những tình tiết khác. Ví dụ: một trong bốn cái lọ
đào được có một lọ nước thần, Nhờ lọ nước, Cám tấm vào, da dẻ trở nên trắng trẻo, người đẹp tuyệt trần (giống với tình tiết trong truyện Ai mua hành tôi, số 135, tập III).
Hay là: do Đại Điên bày vẽ, Bông lẻn vào trước buồng tắm của hoàng hậu, bới cát nằm xuống tự vùi mình, khi hoàng hậu dội nước, cát trôi, Bông lộ nguyên hình (giống với tình tiết trong truyện Sự tích đầm Nhất dạ và bãi Tự-nhiên số 28, tập I.
Hay là: khi hoàng tử lên ngôi (lúc đó hoàng hậu họ Dương còn mạo nhận là con mình), một hôm bỗng “nhật nguyệt mờ mịt phất phân”, bèn đi tra cứu lại các nhà ngục, nhờ đó nỗi oan của Ỷ Lan mới được bày tỏ. Mẹ con nhận ra nhau do có dấu chữ vương dưới chân vua [6] .
Hay là: chiếc giày của Cám (Tấm) bị thất lạc, không phải do quạ thần tha đi mà là do chen chúc trong hội Chen (trước đây ở làng La-miệt thuộc huyện Quế Võ, có hội Chen, trong ngày hội trai gái tha hồ chen nhau (có khi ngã cả xuống ao) v.v… [7]
Trước đây ở làng Nam-sơn, huyện Võ-giàng còn có đền thờ Bà Tấm, Bà Cám, nhân dân thường kiêng tên, gọi gạo tấm là đớn, cám là bổi (hàng năm có rước xách).
Chúng tôi cho rằng những tình tiết nói trên là do người đời sau gán ghép vào truyện Tấm Cám, làm cho nó có bóng dáng một thần tích, chẳng khác gì một số tình tiết mà nhân dân vùng Bắc-ninh ghép vào truyện Thánh Gióng (Khảo dị truyện số 134, tập III).
Nam bộ cũng có lưu hành một truyện Tấm Cám có những tình tiết gần giống với những tình tiết của truyện Lý triều đệ tam hoàng hậu sự tích vừa kể. Sau đây là nội dung truyện kể ở miền Nam mà Jan-nô (G. Jeanneau), người sưu tầm sớm nhất đã ghi được ở Mỹ Tho năm 1886:
Có hai vợ chồng sinh hai cô gái Tấm và Cám, là con sinh đôi. Tấm được bố mẹ chăm
nom chiều chuộng rất mực, còn Cám thì bị đối đãi như tôi đòi. Một hôm người cha cũng giao cho mỗi con một cái giỏ, bảo đi bắt cá, ai bắt được nhiều hơn thì được gọi bằng chị. Cám được nhiều hơn, nhưng Tấm bảo đưa giỏ cho mình giữ hộ để đi hái rau thơm về kho cá. Cám trở về thì bao nhiêu cá đã bị Tấm lấy mất chỉ còn một con bống mú. Do đó Tấm được làm chị. Cũng như truyện kể ở miền Bắc, Cám được thần hiện lên bày cho cách nuôi cá bống mú, nhưng nuôi được ít lâu cá cũng bị Tấm tìm cách bắt ăn thịt. Thần hiện lên bày cách bỏ xương cá vào hũ chôn xuống đất, sau sẽ được nhiều vật quý. Một con gà cũng mách cho Cám chỗ vùi xương bống. Sau ba tháng mười ngày, Cám đào lên quả được áo quần đẹp và một đôi giày. Một hôm Cám đem giày đi ra đồng bị ướt, phải đem phơi, bỗng một con quạ cắp mất một chiếc đem bỏ vào cung vua. Hoàng tử bắt được cho rao mời đàn bà con gái mọi nơi về thử, ai đi vừa sẽ lấy làm vợ. Tấm được bố mẹ cho ăn mặc đẹp trẩy kinh, còn Cám thì phải ngồi nhặt một mớ đậu và vừng trộn lẫn. Thần cho bồ câu đến giúp (có người kể con quạ lần trước tha giày đến bày cho Cám cách sàng để nhặt được nhanh). Sau đó Cám đến kinh thử giày, và trở thành vợ hoàng tử.
Một hôm, Cám nghe tin bố đau nặng bèn về thăm. Thật ra Cám bị lừa, dưới giường chỗ bố nằm có để nhiều tấm bánh đa nướng để khi trở mình nghe tiếng răng rắc. Cám tưởng bố gãy xương thương lắm, khóc rưng rức. Rồi Cám cởi áo trèo cau theo lời bố. Cây cau bị Tấm chặt gãy, Cám rơi vào hố nước sôi chết. Nhờ có mặt mũi giống Cám, Tấm mặc áo quần rồi vào cung mà không ai biết, kể cả hoàng tử, nhưng hoàng tử ngày một nguội lạnh với Tấm. Cám hóa thành chim quành quạch, và cũng như truyện kể ở miền Bắc, chim bay vào cung gặp Tấm đang giặt áo. Chim cũng nói câu: “Phơi áo chồng tao…” và sau đó cũng được hoàng tử đem về nuôi ở lồng. Tấm cũng bắt chim ăn thịt và nói rằng mình có mang thèm ăn thịt chim. Chỗ vứt lông chim mọc lên một măng tre, sau đó bị Tấm chặt làm thức ăn. Vỏ măng hóa thành một cây thị chỉ có mỗi một quả, mỗi lần hoàng tử ở nhà thì cành lá xòa xuống thấp, nhưng khi đi vắng thì cây vươn lên cao vút, vì thế Tấm muốn hái thị ăn mà không được. Sau đó thị rơi vào bị một bà lão ăn mày. Tiên nữ trong quả thị cũng nhiều lần hiện ra giúp bà lão, sau cùng bà lão cũng rình bắt được, bèn xé nát vỏ thị.
Một hôm, Cám hóa phép làm cỗ bàn rất linh đình để dọn cúng chồng bà lão, nhưng lại ép nài bà đi mời hoàng tử tới dự. Hoàng tử đòi phải có thảm trải từ cung đến nhà mới chịu đi. Quả có thảm trải thật, lại có cả miếng trầu têm rất đẹp làm hoàng tử chú ý, hỏi thì bà lão nói dối là mình têm. Hoàng tử bảo bà thử têm cho mình xem. Cám hóa làm con ruồi vẽ cho bà cách têm, nhưng khi hoàng tử đuổi ruồi thì bà lão lại không têm được, đành phải thú thật là do con gái mình têm. Nhờ đó hoàng tử gặp lại vợ cũ.
Đoạn kết giống hẳn với truyện trên: Tấm hỏi Cám làm sao lại đẹp. Cám nói nhờ ngã vào hố nước sôi. Tấm nhảy vào nước sôi mà chết. Cám liền làm mắm gửi cho dì ghẻ, dì ghẻ cũng khen ngon, rồi cũng có con quạ đến mách và bị đuổi. Khi ăn gần hết, thấy đầu lâu con gái mẹ Tấm lăn ra chết [8] .
Đuy-mu-chiê (Dumoutier) có sưu tầm được một dị bản, cũng ở Bắc-ninh, có lẽ xuất phát từ nguồn gốc thần tích, cách kể và một số tình tiết có khác với các dị bản trên:
Vào cuối thời Hùng Vương có một người tên là Đào Chí Phẩm ở làng Lãm-sơn, huyện Quế-dương (Bắc Ninh), vợ đẻ được một con gái là Tấm rồi mất. Đào Chí Phẩm lấy vợ sau là Thị Cao đẻ được Cám. Khi chồng chết, Thị Cao bạc đãi con ghẻ. Các tình tiết bắt cá, nuôi bống, ăn thịt bống, nhặt xương bống chôn dưới gầm giường, và đổ lẫn các giống hạt bắt nhặt (ở đây là các giống đỗ) v.v… đều đại khái giống với các truyện Tấm Cám đã kể. Khi Bụt mách cho Tấm đào những lọ dưới chân giường, Tấm đào được trong lọ một cô gái hầu, các lọ kia là áo giày và ngựa (nhưng về sau không thấy cô gái hầu xuất hiện trong các tình tiết kế tiếp). Do chiếc giày của Tấm đánh rơi khi đi xem hội, mà hoàng tử tìm được Tấm. Thấy nàng đẹp, hoàng tử muốn lấy làm vợ, Tấm bảo về hỏi người mẹ ghẻ. Hoàng tử phái quan đến hỏi, Thị Cao thuận gả nhưng đến ngày cưới lại bảo Tấm đi chơi xa, rồi lấy áo quần Tấm mặc cho Cám, đưa Cám vào cung. Tấm về thất vọng nhảy xuống giếng chết. Hồn Tấm hóa thành chim vàng anh bay vào cung. Thấy Cám giặt áo cho hoàng tử, chim cũng dặn không được phơi bờ rào “rách
áo chồng tao”. Nghe nói thế, hoàng tử biết mẹ con Thị Cao lừa gạt, bèn hỏi chim: – “Có phải vợ anh chui vào tay áo”. Chim bay ngay vào tay áo.
Truyện không nói đến những hành vi độc ác của Cám và mấy lần tái sinh của Tấm mà cho rằng Cám thấy chim, biết đó là chị nó thì sinh ra hối hận, bèn nhảy xuống giếng chết.
Đuy-mu-chiê (Dumoutier) còn cho biết: người ta thờ chung cả hai cô vào một đền ở Lãm-sơn. Những lúc có hạn hán, dân làng đến đây cầu đảo thường nghiệm [9] .
Đồng bào Chăm-pa có truyện Ca-dong và Ha-lớc.
Truyện này với truyện Tấm Cám (do người miền Nam kể) gần như là một.
Ngày xưa có hai nhà nọ có hai cô gái Ca-dong và Ha-lớc. Ha-lớc là con đẻ, còn cô kia là con nuôi. Nhưng hai cô cùng một lứa tuổi như nhau, không ai chịu nhường ai làm chị. Bà mẹ liền trao cho mỗi cô một cái giỏ bảo đi bắt cá, ai nhiều hơn thì được làm chị. Ca-dong bắt được độ nửa giỏ thì mệt, bèn lên bờ nằm ngủ. Ha-lớc bắt được ít, thừa dịp lấy trộm bỏ vào giỏ của mình. Khi Ca-dong dậy, hỏi ai lấy hết cá, Ha-lớc nói không biết. Biết là Ha-lớc lấy trộm, Ca-dong rất buồn. Xuống ao lần nữa, cô chỉ bắt được cột con cá gia-rốc.
Trở về, Ha-lớc được làm chị. Ca-dong không nói gì chỉ nuôi con cá gia-rốc làm em, vì nghĩ nó cũng trơ trọi như mình. Ngày nào ăn cơm, cô cũng không quên đến giếng gọi: “Ơi cá! Lên mà ăn với chị!”. Ha-lớc cũng đến rình và cuối cùng bắt cá về làm thịt ăn.
Ca-dong mất cá, khóc lóc ngày đêm. Cô chiêm bao thấy cá kể lại việc bị bắt và bảo hãy lấy xương bỏ vào gáo dừa đem chôn ở ngã tư đường, nơi hàng ngày cô cho dê qua lại. Ca-dong làm theo lời. Một hôm đi qua, cô thấy một đôi giày vàng. Cô chỉ nhặt được một chiếc, còn chiếc kia bị quạ tha đi mất. Quạ bay đến cung thả rơi chiếc giày
trước mặt vua. Vua xuống chiếu cho các cô gái đến ướm thử, hứa sẽ lấy cô nào ướm thử vừa làm vợ.
Trong khi Ha-lớc soạn sửa ra đi, thì Ca-dong được mẹ giao cho một cuộn chỉ rối, bắt gỡ. Lại lấy một đấu vừng trộn lẫn với một đấu ngô bắt nhặt xong mới được đi. Ca-dong khóc. Thần hiện ra sai mọi giống chim, mối, kiến, bò cạp, gián vàng, gián đỏ đến nhặt giúp. Xong, Ca-dong lấy chiếc giày gói vào khăn ra đi một mình. Trong khi các cô gái giàu có sang trọng “kẻ thì mặt trăng rằm, người thì vú tròn như quả dưa” chen chúc ướm chân, thì Ca-dong ăn mặc rách rưới chỉ đứng nấp bên ngoài cung điện. Mọi người ướm xong, không ai vừa chân cả. Vua hỏi còn ai nữa không? Người hầu cho biết chỉ còn Ca-dong đứng nấp bên ngoài. Vua cho gọi vào ướm thử thì vừa như in. Vua sai người hầu đưa cô đi tắm và lấy làm vợ. Hỏi về gia đình, cô đáp là bố mẹ đẻ đều chết, ở với mẹ nuôi. Hỏi còn chiếc giày nào nữa thì cô đưa chiếc trong khăn ra. Vua biết đó là người có số làm hoàng hậu.
Ít lâu sau, mẹ Ha-lớc đến xin cho Ca-dong về nhà vài ngày kẻo “nhớ lắm”. Ca-dong về không được ăn, cũng không được ngủ trên chiếu. Sáng dậy ha-lớc rủ Ca-dong đi trảy dừa. Ca-dong trèo cây thì Ha-lớc chặt gốc. Ca-dong chuyển sang một cây khác, Ha-lớc lại chặt cây kia. Ca-dong rơi xuống hồ hóa thành rùa vàng ở dưới hồ.
Mẹ Ha-lớc đưa con đến cung nói là để thế cho Ca-dong đi đâu mất không tìm thấy. Vua nhận, nhưng tỏ ý không vui. Một hôm vua đi săn đến hồ tự nhiên thấy người buồn bã, bèn bảo dừng lại, cho người lặn xuống hồ, và rất mừng khi thấy người ấy bắt được một con rùa. Vua ôm lấy rùa đưa về cung nuôi trong chậu vàng.
Một hôm vua đi chơi. Ha-lớc bắt rùa làm thịt, quẳng mai ở sau nhà. Từ cái mai mọc lên một măng tre. Thấy mất rùa, vua hỏi, Ha-lớc nói không biết. Vua hỏi thầy bói. Ha-lớc mới thú thật rằng mình có mang nên thèm thịt rùa. Vua không nói gì, chăm chút cho măng tre, nhưng rồi Ha-lớc lại chặt măng nấu ăn khi vua đi vắng. Vua về hỏi, Ha-lớc lại đổ cho là vì có mang nên thèm ăn măng. Vua cũng không nói gì. Vỏ măng sau
đó lại hóa thành chim bếch (sáo) đến hót ở cung. Vua bảo: “Có phải Ca-dong thì đậu vào tay áo”. Chim đậu vào tay áo, vua giữ lại nuôi. Ha-lớc lại bắt chim làm thịt ăn, quẳng lông ra đường cái. Lông chim mọc thành cây pen (thị). Vua hỏi, Ha-lớc đáp: – “Chim bay qua nồi canh đang sôi rơi vào, tôi vớt cho chó ăn”. Vua cũng không nói gì.
Cây pen chỉ có một quả. Quả chín bay mùi thơm khác thường làm ai đi qua cũng thèm nhưng nhìn lên thì không thấy, trừ một bà già. Cũng như ở truyện Tấm Cám, bà già ước nó rơi xuống, và nó rơi ngay, bà đưa về rấm vào vại.
Từ đoạn này về sau đều y như truyện của ta, chỉ thêm một tình tiết là khi bà già mời vua tới ăn cỗ, vua ăn bánh thấy giống hệt bánh Ca-dong làm ngày trước. Hỏi bà già thì bà nói vì có nhiều người làm giúp nên không biết bánh của ai. Vua ăn trầu lại thấy giống hệt trầu của Ca-dong têm. Vua thở dài. Ca-dong trong buồng cũng thở dài. Nghe tiếng, vua chạy vào thì gặp vợ. Một tình tiết khác nữa là khi Ca-dong bảo người hầu đưa mắm Ha-lớc về cho mẹ nó ăn có nhắn tin mời mẹ Ha-lớc đến chơi. Mẹ Ha-lớc đến, thấy Ca-dong lại tưởng là Ha-lớc, nói rằng: – “Có phải con mời mẹ đến chơi không?”. Ca-dong đáp: “Không”. Mẹ Ha-lớc mới biết là Ca-dong còn sống, thẹn trở về. Ăn gần hết mắm thấy có bàn tay (không phải đầu lâu), mụ nhận ra chiếc nhẫn của con gái mình mới biết là con đã chết [10] .
Người Khmer có truyện Nàng Can-tóc và nàng Song Ang-cát rất gần với truyện của ta và của Cham-pa, chỉ khác không có đoạn cuối:
Một người đàn ông góa vợ có một con gái tên là Can-tóc (xinh), lại lấy vợ kế có con riêng là Song Ang-cát (đầu mẩu củi). Ở đây cũng có tình tiết người bố bảo hai con bắt cá, ai được nhiều hơn thì làm chị. Song Ang-cát chỉ bắt được một con cá quả bằng ngón tay nhưng bằng mẹo xách hộ, hắn tráo lấy giỏ cá đầy của Can-tóc về trước để giành làm chị. Thấy Can-tóc khóc, một pháp sư hiện ra bảo thả con cá quả xuống ao, hàng ngày bỏ cơm cho ăn và gọi: “Quả đẹp quả xinh, lên ăn cơm lành, cho mau chóng lớn”. Khi phát giác ra việc nuôi cá do con gái mách, người dì ghẻ giấu nồi cơm.
Can-tóc phải ngậm cơm ở miệng đem cho cá. Dì lại bắt ăn xong phải há miệng. Can-tóc giấu cơm vào tóc. Mụ lại cấm không cho ra ao. Sau đó, mụ định bắt con cá, nhưng không làm sao gọi được nó lên, bèn thả lỏng Can-tóc để rình xem cách cô gọi cá. Nhờ vậy mụ mới bắt được. Mất cá, Can-tóc khóc lóc, vị pháp sư lại hiện ra bảo nhặt xương bỏ dưới gầm giường. Đặc biệt có tình tiết pháp sư hiện ra lần nữa bảo ở gầm giường có một đôi giày chỉ nên lấy một chiếc cất đi. Can-tóc làm theo. Chiếc kia bị Song Ang-cát nhặt nhưng không biết làm gì, bèn vứt qua hàng rào. Một con quạ bay qua cắp lấy bay đi, thả xuống sân nhà vua.
Thái tử theo tục lệ phải lấy vợ mới được lên ngôi. Nhân nhặt được chiếc giày đẹp, thái tử hứa ai đi vừa sẽ lấy làm vợ. Song Ang-cát đến thử không vừa. Nhận ra đó là giày của Can-tóc, hắn bảo mẹ không cho Can-tóc đi thử. Can-tóc bị dì giam lại, nhưng lừa lúc mọi người ngủ say, cô trốn đi. Người bố cô về hùa với dì ghẻ hành hạ con. Cô bị bố đi tìm bắt về đánh đòn. Không chịu được, cô nhịn ăn. Người bố bèn rắc gạo đầy sân cỏ, bảo nhặt sao cho đầy bình sẽ cho đi. Trong hai ngày kiên nhẫn nhặt gạo, cuối cùng bố cô phải cho đi. Khi ướm chân vào giày thì vừa khít. Can-tóc mở gói lấy chiếc thứ hai ra. Lập tức thái tử rước vào cung làm vợ.
Nghe lời vợ xúi giục, bố Can-tóc viết thư xin vua cho hoàng hậu về thăm mình, rồi nhân lúc Can-tóc tắm, dội nước sôi vào người cô. Rồi ông bảo Song Ang-cát mặc áo của Can-tóc vào cung, giả làm hoàng hậu. Vua biết có sự lộn sòng, nhưng không nói gì. Từ đó vua trở nên buồn bã, thường đi chơi cho khuây khỏa.
Chỗ chôn Can-tóc mọc lên một cây chuối. Người bố chặt cây chuối nhưng lúc trở lại,
chỗ gốc chuối đã mọc lên một cây tre. Sợ quá, hắn ngã xuống sông, bị sấu ăn thịt. Thấy tre có bóng mát, vua đến nghỉ. Tre rủ cành che và quạt cho vua ngủ. Vua quyến luyến cây tre, ngày nào cũng đến đấy nghỉ. Can-tóc hiện ra khẽ chạm vào người vua mấy lần. Và cũng mấy lần vua tỉnh giấc. Cuối cùng hai vợ chồng gặp nhau, cùng nhau cười vui về cung. Thấy thế Song Ang-cát bỏ chạy vào rừng. Từ đấy không ai còn thấy mẹ con hắn [11] .
Trước khi tìm hiểu một số dị bản khác của truyện Tấm Cám, cần phải thấy Tấm Cám là một trong những truyện cổ tích phổ biến nhất thế giới. Mê-lê-tin-xki (Mélétinski) trong Nhân vật trong truyện cổ tích thần kỳ xuất bản ở Mat-xcơ-va năm 1958 cho biết, con số dị bản của truyện Tro bếp (tên nhân vật chính của loại truyện Tấm Cám ở châu Âu) trên thế giới đã lên đến năm trăm và còn có thể nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, theo chúng tôi, truyện của ta cũng như truyện của Cham-pa, v.v… cũng là loại dị bản đặc biệt. Nếu một truyện cổ tích có thể phân đoạn được thì truyện Tấm Cám của ta có thể chia làm ba đoạn, mỗi đoạn có một chủ đề với những hình tượng như sau:
Mâu thuẫn giữa dì ghẻ và con chồng tập trung quanh hình tượng chủ yếu là con cá bống và đôi giày.
Những cuộc tái sinh của Tấm xoay quanh hình tượng chủ yếu là con chim vàng anh và quả thị.
Cuộc báo thù của Tấm với hình tượng lọ mắm làm bằng thịt con Cám, trong đó có cái đầu lâu con Cám.
Những truyện của các dân tộc thường chỉ có một hoặc hai đoạn có thể kết hợp hay không với một vài hình tượng của truyện khác.
Trước hết, cũng nên nói đến một loạt dị bản mà trong đó sự khác biệt với truyện của ta là ở chỗ, trong đoạn đầu còn có thêm nhân vật bà mẹ cô Tấm. Bà cũng bị giết và hóa thành một bà tiên hay một con vật gì đó thỉnh thoảng lại hiện lên giúp Tấm vượt qua những khó khăn mà mụ dì ghẻ gây ra cho nàng.
Truyện của đồng bào Tày Tua Gia Tua Nhi cũng có đủ ba đoạn như truyện của ta. Ở đây bà mẹ là nàng tiên.
Có hai chị em, chị là Tua Gia đẹp và hiền, em là Tua Nhi con gái riêng của dì ghẻ, thì trái lại. Mẹ Tua Gia là vợ cả bị chồng giết chết sau một chuyến đi bắt ếch (y bỏ ếch vào giỏ rách, ếch lọt ra ngoài hết, lại tưởng là vợ tham ăn, không để dành cho mình). Chỗ này giống như truyện Nàng Khao Nàng Đăm (Khảo dị truyện số 12, tập I). Tua Gia từ đấy bị dì đối xử tệ, thường đặt điều để hành hạ, như bảo đi múc nước bằng ống bương thủng (nhưng nhờ quạ bảo giúp nên không việc gì), hay bảo bưng nồi cháo nóng (bỏng tay làm đổ hết thức ăn). Từ đấy về sau không được ăn no. Nhưng nhờ một nàng tiên bí mật hiện ra bảo các con vật mang thức ăn đến cho. Tua Gia ăn, nên nàng vẫn không gầy ốm. Một hôm nàng gặp hoàng tử trong khi đi chăn vịt, hai bên yêu nhau, cùng nhau hát lượn và tặng trầu. Lúc về thì dì thấy đỏ môi, hỏi thì đáp là “vì ăn cứt vịt”. Dì bảo Tua Nhi giành lấy công việc chăn vịt để được như Tua Gia, nhưng Tua Nhi chẳng thấy môi đỏ tý nào. Chỗ này giống với truyện Côi, cô gái mồ côi (Khảo dị truyện số 12, tập I). Một hôm Tua Gia chăn vịt gặp một bà cụ nhờ nhổ tóc bạc. Thấy đầu cụ có sẹo, hỏi mới biết đó là mẹ mình. Mẹ đưa con về thủy phủ, cho con ăn ngon và cho một con gà về nuôi. Cũng như hình tượng cá bống, gà nuôi lớn, dì sai nàng đi lấy củi rừng xa, ở nhà bắt làm thịt ăn, quẳng xương ra bờ ao. Ra sông ngồi khóc, nàng lại gặp mẹ, mẹ trao cho một cái hộp nhỏ, bảo bỏ xương vào rồi chôn dưới chân giường. bảy ngày sau cô đào lên thì thấy có giày áo đẹp. Tua Nhi hỏi vì sao mà có, thì nàng đáp: – “Đem áo quần cho trâu ăn, rồi thò tay vào đít trâu sẽ lấy ra được đồ đẹp”. Tua Nhi làm theo nhưng chẳng được gì, lại mất hết áo xống, trần như nhộng chạy về.
Hoàng tử nhớ Tua Gia, bèn cho mở hội “bắt cá” (bư-pia) buộc nam nữ đều phải tham dự. Vì dì bắt Tua Gia đi muộn nên hoàng từ không gặp. Lần thứ hai hoàng tử nhân hội chợ, lại ra lệnh cho mọi người đi dự. Mụ lại trộn vừng vào gạo bắt Tua Gia nhặt xong mới cho đi. Mặc dù có nàng tiên sai sóc xuống giúp, nhưng nàng cũng đến muộn nên lại không gặp. Tua Gia về qua cầu đánh rơi giày xuống suối. Hoàng tử nhặt được, cho người loan báo cho tất cả các cô gái đến ướm chân. Cuối cùng chỉ có Tua Gia ướm vừa, nhưng dì nàng không bằng lòng, bắt phải thử thêm bằng cách đặt cáng dưới mái nhà để cho hai cô lăn từ trên nóc xuống, ai rơi vào cáng thì lấy được hoàng tử. Tua Nhi thử trước, lăn bịch xuống đất. Tua Gia lăn đúng vào cáng, mụ dì đành để nàng lấy
hoàng tử.
Sang đoạn thứ hai và thứ ba thì giống với truyện của ta, nhưng cũng có tình tiết khác: Một hôm bố ốm, dì nhắn Tua Gia về. Ở đây Tua Gia cũng trèo cây hái quả cho dì. Thấy bố chặt gốc, nàng van khóc, bố bảo cởi áo quần ném xuống thì thôi, nhưng tuy con đã ném xuống, bố vẫn cứ chặt. Cây đổ, Tua Gia chết. Tua Nhi đóng bộ vào giả làm Tua Gia đến với hoàng tử, nói là mình phải trông nom bố nên hốc hác. Mặc dầu con không nhận mẹ, và hoàng tử tỏ ý hững hờ, nhưng Tua Nhi cứ ở lại với hoàng tử.
Tua Gia hóa thành chim yểng bay đến hỏi người chăn ngựa xem hoàng tử có còn nhớ vợ cũ nữa không. Thấy yểng, hoàng tử cũng hỏi: – “Yểng à, có phải Tua Gia, chui vào tay áo”, yểng bay đến, hoàng tử đưa về buồng. Yểng biến thành Tua Gia, kể lại mọi việc và dặn cứ để yên xem Tua Nhi làm những gì. Từ đấy đêm là Tua Gia, ngày là yểng. Chỗ này khác với truyện của ta. Một hôm Tua Nhi nhìn vào buồng thấy Tua Gia thì nổi ghen, bèn chờ dịp giết chết yểng, vùi vào gốc tre. Từ đấy mỗi khi hoàng tử đi qua thì cây tre cúi xuống vuốt ve, còn Tua Nhi đi qua thì nó cào xước mặt mũi. Tua Nhi chặt tre làm cọc màn, cọc đâm vào tay mỗi lần mắc màn. Lại ném vào lửa, cọc tỏa khói làm cay mắt. Một bà lão đến xin lửa, cầm cọc màn chạy về. Chỗ này giống với tình tiết trong Vợ chàng rắn (Khảo dị truyện số 128, tập III). Đưa về nhà cọc biến mất, chỉ để lại hai quả trứng. Rồi cũng có hai cô gái từ trứng chui ra dọn dẹp, lo cơm canh cho bà lão mỗi lần bà lão vắng nhà. Bà lão cũng giả tảng đi vắng, bất chợt nửa đường lộn về bắt gặp cả hai cô. Đó là Tua Gia và nàng hầu. Tua Gia bảo bà mời hoàng tử tới ăn cơm. Hoàng tử bắt phải trải lụa làm đường đi. Tua Gia bảo bà trải lá chuối rồi hóa phép biến thành lụa. Hoàng tử đến ăn thấy món ăn giống những thứ Tua Gia dọn cho mình ngày trước nhưng vẫn chưa gặp vợ. Nhờ có con mèo tha cái đùi gà, đứa con đuổi theo chạy vào buồng thì nhận ra mẹ nó. Hai người gặp lại nhau. Đoạn sau Tua Gia giả làm cô hàng bánh, bày cho Tua Nhi làm đỏm bằng cách nhảy vào nồi nước sôi. Và cũng như hình tượng của các truyện trên, Tua Gia cũng làm mắm Tua Nhi gửi về cho dì và bố. Một con quạ bay đến hỏi “ăn thịt con gái có thơm không?”. Mụ sinh nghi, tìm thấy đầu lâu con, mụ lăn ra chết. Người bố cũng đi lang thang chết ở xó rừng
[12] .
Ở một truyện khác của Pháp, người mẹ cũng là bà tiên:
Một lãnh chúa góa vợ, có một con gái vì làm việc bên bếp gọi là Tro Bếp. Vợ kế của lãnh chúa có hai đứa con, thường cay nghiệt với con chồng. Mẹ đỡ đầu của cô này dặn nàng hễ chúng có sai bảo gì thì làm bộ bắt chấy rồi lén bỏ muối vào bếp cho nổ lép bép, chúng sẽ để yên. Quả nhiên, chúng tưởng là chấy như sung nên hét lên: – “Chớ có đến gần chúng tao”. Một hôm mẹ con mụ dì đi dự hội, Tro Bếp cũng muốn đi, nhưng mụ đã đổ một túi đậu giữa bếp và bắt nhặt không được sót một hạt. Đang nhặt thì mẹ cô là tiên xuất hiện. Bà dùng đũa thần làm cho những hạt đậu trở về túi. Lại dùng đũa chạm vào người cô, tự nhiên hóa thành một cô gái xinh đẹp, áo quần trang sức đắt tiền, giày bằng thủy tinh. Bà dặn con phải về trước khi lễ tan. Cô nghe lời, cho nên khi mẹ con mụ dì đi về thì cô đã làm việc dưới bếp như thường lệ. Chúng khoe với cô là có một cô gái áo quần đẹp lắm. Chủ nhật sau lại đi lễ, mụ dì lại đổ một túi tro khắp nhà bắt cô hốt sạch, nhưng bà tiên lại hốt hộ và ban cho mọi thứ để đi dự hội. Hoàng tử gặp, đuổi theo cô. Khi bước qua bậc thềm nhà thờ, cô đánh rơi một chiếc giày, hoàng tử nhặt được, hỏi khắp nơi không ai biết. Bèn sai người đi từng nhà ướm thử, hẹn ai vừa thì lấy làm vợ. Hai chị em con mụ dì cũng thử, cô chị đi không vừa, cô em cắt bớt gót, cố nhét chân vào. Lúc đưa cô này đến nhà thì hoàng tử nghe một con chim hót vạch rõ sự thật và chỉ chỗ Tro Bếp ở. Mụ dì nói: – “Đừng có nghe con chim chết tiệt!”. Hoàng tử nghe chim hót lần thứ hai bèn tìm đến thì gặp Tro Bếp. Cô rút một chiếc giày kia ra đi vừa vặn. Trước khi hoàng tử rước cô, bà tiên mẹ cô lại xuất hiện, bà gõ chiếc đũa, cô có áo đẹp rực rỡ [13] .
2. Ở truyện Con rùa của Miến-điện (Myanmar) thì người mẹ là một con rùa:
Vợ chồng một người đánh cá có một cô gái đẹp tên là Bé. Một hôm hai vợ chồng đi đánh cá. Bắt được con cá nhỏ, vợ bảo để cho con ăn. Lại được con thứ hai, con thứ ba, vợ cũng nói như vậy. Chồng nổi giận đánh vợ một mái chèo. Vợ ngã xuống biển
chết, sau đó hóa thành một con rùa lớn. Ít lâu sau, người đánh cá lấy vợ kế là một phù thủy, mụ có cô con gái xấu xí. Thấy Bé đẹp, mẹ con mụ ghen ghét ra sức hành hạ, nhưng người bố không quan tâm. Một hôm Bé ra bờ biển ngồi, bỗng con rùa nổi lên nhìn cô mà khóc. Bé đoán là mẹ, ôm chầm lấy rùa. Từ đó chiều chiều Bé ra biển thì rùa lại nổi lên. Mụ dì ghẻ biết chuyện, bèn giả ốm, lấy bánh đa bỏ dưới chiếu nằm lên, nói là xương bị gãy, lại đút tiền cho thầy lang, bảo thầy cứ nói ăn thịt rùa mới khỏi. Mụ bảo chồng theo Bé ra bờ biển, lúc rùa nổi lên thì bắt giết thịt. Bé không ăn thịt rùa nhưng lại nhặt xương rùa đem chôn, khấn xin một cây có quả vàng quả bạc. Cây mọc lên như lời. Một hôm vua đi qua thấy cây lạ, hỏi của ai. Mụ dì ghẻ nói là của con gái mình, nhưng khi con gái trèo lên thì không sao hái được. Láng giềng cho vua biết đó là cây của Bé. Bé đến ngồi dưới gốc khấn: – “Nếu cây này của ta thì quả rụng vào lòng ta”. Quả vàng quả bạc liền rụng xuống. Vua bèn rước Bé về làm hoàng hậu. Mụ dì ghẻ viết thư xin lỗi Bé và mời Bé về thăm nhà. Về đến nhà, Bé dặn lính hầu tháng sau đến đón. Ở nhà được mấy ngày, một hôm mụ dì ghẻ giả vờ đánh rơi thìa trong bếp cho Bé cúi xuống nhặt rồi hắt nước sôi vào đầu. Bé chết, biến thành bồ câu trắng bay đi. Khi lính đến đón hoàng hậu thì con gái dì giả làm Bé. Thấy hoàng hậu mặt rỗ, vua hỏi, thì đáp liều là mới bị bệnh đậu mùa, hỏi tại sao bây giờ trán lại dô ra, đáp là vì đầu óc luôn nghĩ đến vua, hỏi tại sao mũi lại dài, đáp là vì nhớ vua, khóc nhiều, phải vuốt mũi luôn. Vua lại bảo thử dệt áo cho vua xem. Đang khi lúng túng vì không biết dệt thì bồ câu trắng (tức là Bé) thương chồng, dùng mỏ dệt thành áo đẹp. Nó chờ chim dệt xong, cướp lấy áo dâng vua, lại lấy thoi ném chết chim. Sai làm thịt đưa vua ăn. Vua thương bồ câu không nỡ ăn, những người hầu cũng không ăn, họ đem chôn. Hôm sau
chỗ ấy mọc lên cây đu đủ. Có hai vợ chồng bà lão bán củi nghỉ dưới gốc, tự nhiên quả đu đủ rơi vào bọc bà lão, bà đưa về rấm, đợi chín xẻ ăn. Về sau một cô gái cũng từ quả đu đủ hiện ra, dọn nhà nấu cơm khi vợ chồng ông lão vắng mặt, rồi họ cũng giả vờ đi vắng, nhưng nửa đường bất chợt lộn về giữ lấy cô gái. Sau đó họ đưa cô gái – tức Bé – vào cung tâu bày với vua mọi việc của mẹ con mụ dì ghẻ. Hoàng hậu giả không nhận tội, xin vua mời thần linh phán xử theo tục lệ. Người ta trao cho bị cáo (hoàng hậu giả) một cây gươm sắt. Còn nguyên cáo (Bé) một cây gươm gỗ để đấu với nhau. Nhưng gươm sắt của hoàng hậu giả bỗng nhiên rơi xuống mềm nhũn, còn gươm
gỗ của Bé lại biến thành gươm sắt bay ra chém đứt đầu đối phương. Đoạn cuối cùng giống truyện của ta: vua sai làm thịt hoàng hậu giả ướp muối đem biếu mụ dì ghẻ. Mụ cùng chồng ăn khen ngon. Bỗng mụ kêu lên: – “Đây là ngón tay, giống tay con ta!”. Rồi lại kêu: – “Kia là ngón chân, giống chân con ta!”. Nhìn vào hũ mắm thấy cái mặt rỗ, mụ thét: – “Đích là con ta!”. Chồng cho là mụ nói nhảm đánh cho một trận [14] .
Truyện Thái Lan Con cá vàng cũng gần gũi với truyện Miến-điện. Người mẹ ở đây chính là con cá vàng.
Một người đánh cá có hai vợ và ba con gái. U-ay là con vợ cả. Ai và Le là con vợ lẽ. Một hôm, chồng cùng vợ đi đánh cá. Kéo mãi lưới chỉ được con cá nhỏ. Vứt đi, cũng lại con cá đó mắc lưới. Vợ xin đưa về cho con. Chồng ghét vợ sẵn, cho là vợ xấu vía nên hôm nay không được gì, toan đánh thì vợ ngã xuống nước chết. Bố về, U-ay nghe nói mẹ chết thì khóc lóc. Từ đấy cô thường bị bố và dì ghẻ hành hạ.
Một hôm cô ra bờ sông ngồi khóc mẹ thì một con cá vàng nhỏ bơi lại tự nhận là mẹ. U-ay mang cá về nuôi ở giếng. Việc cũng xảy ra như truyện của ta: Ai biết chuyện, mách mẹ, mẹ bảo U-ay mai đi chăn bò đồng xa, rồi cũng bắt cá làm thịt ăn, xương xẩu vứt cho chó mèo ăn sạch. Khi U-ay về thì một con vịt mách mọi chuyện và đưa cho cô một chiếc vảy cá còn sót lại. Đem chôn ở rừng, vảy mọc lên hai cây ma-khua. Mụ dì hay chuyện, lại chặt lấy quả ăn, vứt hột. Vịt nhặt đưa cho U-ay. Đem gieo vào rừng sâu mọc lên hai cây bồ đề, một cây lá vàng, một cây lá bạc.
Vua đi săn thấy cây quý, cho người hỏi, mới hay là do U-ay trồng bèn lấy nàng làm vợ. Vua cho voi nhổ cây đưa về trồng như không nổi, chỉ có U-ay đến gần cúi lạy thì nhổ được ngay. Ở đây cũng có tình tiết mụ dì ghẻ nhắn U-ay về thăm bố ốm, cô bị thụt sàn rơi vào nồi nước sôi do mụ bẫy, chết. Ai cũng mặc áo quần giả làm U-ay vào cung, Còn U-ay biến thành chim chào mào. Gặp vua, chim nói vào tai, trách vua say vợ mới quên cây bồ đề đã héo chết, rồi kể vua nghe mọi chuyện. Vua làm lồng vàng cho chim ở. Nhưng một hôm vua đi vắng, ở nhà Ai bắt chim làm thịt, ở đây chim giả
vờ chết thoát được lọt vào hang một con chuột nhờ chuột đưa ra khỏi cung vua. Cuộc hành trình vất vả vì gặp con rắn toan ăn thịt, nhưng rồi cũng thoát nạn chạy được vào nhà một pháp sư. Nhờ phép của pháp sư, chim lại hóa thành U-ay. Pháp sư cho một đứa trẻ về kinh gặp vua, vua thấy ở cổ có một cái khăn quàng trên có ghi chép mọi việc về U-ay bèn cho người đi đón về. Ai và đầu bếp bị vua bắt uống thuốc độc chết. U-ay xin tha nhưng không kịp. Rồi vua cũng sai làm thịt Ai cho bố mẹ nó ăn. Ăn xong hai người sợ quá chạy vào rừng.
Một vị đạo sĩ cho vua biết kiếp trước của U-ay là kẻ đã giết một con gà mẹ, còn gà con thì bắt cho con chơi, đánh rơi vào nồi nước sôi nên phải chịu quả báo như vậy. Kiếp trước của bố nàng là một con vẹt và mẹ nàng là một con mèo. Vì ghen tức vẹt được chủ yêu, mèo bèn rình lúc vắng chủ vật chết vẹt, nên cũng chịu quả báo trên [15] .
Ở một số truyện của người Thái, Tày, Nùng, thì mẹ cô gái nạn nhân của mụ dì ghẻ, đáng lý là rùa hay cá, lại là hổ. Ví dụ truyện Ò Pẻn Ò Kín của đồng bào Nùng:
Có hai chị em cùng cha khác mẹ là Ò Pẻn, Ò Kín. Mẹ Ò Kín đẹp, lại được chồng yêu, trái lại mẹ Ò Pẻn bị chồng ghét, bắt làm mọi công việc nặng. Sau đó, một hôm bà bị chồng đánh chết quăng lên rừng. Ò Pẻn từ đó phải làm mọi việc, kể cả việc đêm đêm phải lên rừng canh nương. Mẹ Ò Pẻn hóa thành hùm tinh, thường đến giúp đỡ con, lại bắt thịt rừng cho con ăn.
Thấy Ò Pẻn nói nhờ hùm tinh mà lại trở nên béo tốt, dì ghẻ cho Ò Kín đi canh nương thay, nhưng đã không được gì của hùm tinh, trái lại bị hùm tinh tát chết kéo vào buồng đắp chiếu lại. Một con quạ bay về báo tin: “Quạ quạ, con mày chết đêm qua”. Mẹ Ò Kín không tin, cho rằng con mình đang được hùm tinh cho thịt ăn và tặng mọi thứ. Quạ bảo đến lần thứ ba, mụ mới cùng chồng chạy lên. Khi biết sự thật thì hùm tinh đã nấp ở góc nhà ra cắn chết cả hai [16] .
Ở truyện của đồng bào Thái Ý Ưỏi Ý Noọng cũng gần với truyện của Thái Lan (hình
ảnh con hổ vẫn còn nhưng đã tách ra khỏi bà mẹ). Truyện có hai chị em cùng cha khác mẹ, chị là Ý Ưởi, em là Ý Noọng. Ý Ưởi cũng bị dì ghẻ hành hạ. Một hôm, người bố sai hai con đi xúc cá, hứa ai xúc được nhiều thì khen. Ý Noọng vừa xúc vừa chơi không được gì, lừa Ý Ưởi: – “Đầu lấm cứt trâu, xuống gội đi kẻo về bố mắng”. Rồi chờ cho Ý Ưởi hụp xuống nước, cướp lấy giỏ cá về trước. Đến đây, truyện mở ra một hướng khác, gần giống truyện của người Nùng: vì không xúc được cá, Ý Ưởi bị đánh đuổi, phải đem chó chạy vào rừng, đêm ngủ trong túp lều lợp bằng lá chuối. Có một con hổ tới đòi ăn thịt, và sau đó thương Ý Ưởi, nó ăn chó thay người, lại dặn hãy tìm đến hốc đá, nơi nó thường ỉa. Sáng dậy, Ý Ưởi tìm đến thì thấy có áo quần trang sức. Mặc xong, nàng gặp chúa đất “tạo” Khôn Chương (hay Khum Chương) đi săn. Tạo thấy đẹp đưa về làm vợ, sinh được một con trai.
Tiếp đến là đoạn Ý Ưởi về thăm bố cũng bị mẹ con Ý Noọng xui trèo cây bồ quân hái quả. Đang trèo thì mụ dì chặt gốc, nàng hỏi cũng trả lời là “dì đuổi kiến cho con”. Cây đổ, Ý Ưởi rơi xuống ao chết. Xác bị cá rỉa hết chỉ còn miếng phổi hóa thành chim gáy. Trong khi đó Ý Noọng mặc quần áo của chị đến với tạo. Chim gáy đến hót, tạo rút gươm hỏi: – “Có phải vợ ta thì đậu lên gươm”. Chim đậu, tạo đem về nuôi trong một cái lồng đẹp. Chim nhiếc Ý Noọng dệt vải hay đứt, bị Ý Noọng ném cái thoi chết, quẳng vào lửa. Một bà già đi xin lửa thấy chim tưởng là than, bèn cầm về, vô tình đánh rơi vào chậu nước, chim lại hóa thành người. Nàng ở với bà cụ dệt vải. Một hôm con tạo đi chơi qua gầm sàn, nàng bỗng đánh rơi thoi, thò tay xuống nhờ nhặt. Đứa bé thấy cánh tay, nhận ra mẹ mình bèn về mách bố. Hai vợ chồng lại sum họp (tình tiết này cũng giống truyện NàngKhao Nàng Đăm). Kết thúc truyện giống hầu hết các truyện đã kể. Và cũng giống Nàng Đăm, Ý Noọng theo lời Ý Ưởi tắm nước sôi cho được đẹp, bị chết bỏng, sau đó xác bị làm mắm gửi về cho mẹ nó. Ăn gần hết thấy đầu lâu con, mụ ngã lăn ra chết [17] .
Tóm lại, các truyện của Tày, Thái Ý Ưởi Ý Noọng, Ý Ưởi Ý Ôi, Ý Đớn Ý Đăm cũng giống với Ò Pên Ò Kin, Nàng Khao Nàng Đăm đều cùng chung một cốt truỵên và chi tiết đặc thù nổi bật trong đó, so với loại hình Tấm Cám nói chung, là sự có mặt của
một bà mẹ hổ.
Ở truyện của người Mèo, Gầu Nà (gái côi) và nhiều truyện khác thì mẹ nhân vật lại là bò.
Mẹ Gầu Nà vì gia đình thiếu bò bèn hóa ra bò cho chồng cày ruộng. Hàng ngày ra đồng, bò hóa thành người, giúp đỡ con xe lanh, bắt chấy, tối lại hóa thành bò trở về nhà. Cho đến khi người bố lấy vợ kế, vợ kế ghét Gầu Nà vì nàng đẹp hơn và se lanh giỏi hơn con riêng của mình là Gầu Rềnh. Một hôm dì hỏi vì sao se lanh nhiều và đẹp. Gầu Nà cũng đáp như Côi trong truyện của người Thổ và Tua Gia trong truyện của người Tày: – “Bò đái thì uống, bò ỉa thì ăn, tự nhiên lanh se hết”. Nhưng Gầu Rềnh nuốt hết cứt đái bò đến hết nửa mà lanh vẫn se không nên, bèn thọc tay vào đít bò, liền bị bò lôi đi khắp nơi đau không tả xiết. Thấy thế, dì lôi Gầu Nà ra đánh, rồi giả ốm lấy lời thần bảo chồng phải giết con bò cúng thần mới lành. Thế là mẹ Gầu Nà bị giết.
Một hôm ngày hội, mẹ con Gầu Rềnh trước khi đi dự bắt Gầu Nà phải ngồi nhặt riêng đậu với gạo, xong mới được đi. Đang nhặt, nàng bỗng nghe tiếng gọi, một cái gói xuất hiện ở máng cỏ có đủ áo quần trang sức và giày. Chàng trai Nù Náng mấy lần gặp Gầu Nà nhưng lại mất hút. Lần thứ ba, chàng rắc tro, Gầu Nà chạy vội rơi mất giày, Nù Náng nhặt được đem thử chân mọi người không vừa, mãi đến Gầu Nà mới vừa, bèn xin lấy làm vợ. Nhưng dì ghẻ lại tìm cách gièm pha (ví dụ lấy vừng rang nói Gầu Nà nhiều rận). Biết thế, Nù Nág trả miếng lại mụ (lấy hạt lanh rang nổ to hơn để nói rận Gầu Rềnh to). Ngăn trở không được, mụ tìm cách đánh tráo. Đợi hai người ngủ say, mụ bế Gầu Nà ra chỗ khác thay Gầu Rềnh vào, nhưng Nù Náng biết lại lén mang Gầu Nà về. Mụ dì không ngờ có việc ấy, bèn lấy sáp ong gắn mắt lại không biết đấy là con mình. Mờ sáng hai người trốn đi, khi mụ dì biết con mình bị đánh tráo thì đã không kịp.
Đoạn thứ hai, nhờ quạ chỉ, Gầu Rềnh cũng tìm được đến với Nù Náng. Một hôm Gầu
Rềnh rủ Gầu Nà ra suối tắm, rồi cầm dao đâm chết, khi về tự nhận mình là Gầu Nà. Ở đây Gầu Nà cũng hóa thành chim “là lẩy” bay về với chồng và con. Lại bị Gầu Rềnh giết, rồi lại tái sinh làm ba cây bương. Bương lại bị chặt, đốt thành tro. Một bà già Đang Pa (bà Ma) đến xin tro, về sàng nhặt được một cái nhẫn, bèn bỏ vào hũ. Một cô gái cũng từ cái hũ hiện ra dọn cơm canh cho bà, về sau cũng bị bà rình bắt được. Bà đập vỡ cái hũ để cô khỏi biến đi và bắt đi chăn bò. Cô gái (tức Gầu Nà) gặp lại con, nhờ đó vợ chồng tái ngộ, nhưng bà Đang Pa không cho lấy. Bụt vẽ cho cách cưỡi ngựa cướp vợ và tung tro ớt ra sau để cho bà Đang Pa không đuổi được. Đoạn thứ ba kết thúc, cũng như các truyện trên. Gầu Nà bày cho Gầu Rềnh đổ nước sôi lên người cho đẹp. Gầu Rềnh chết. Gầu Nà cắt thịt làm cỗ mời dì đến ăn. Ăn xong, mẹ vào thăm con gái, mở chiếu ra chỉ thấy một cặp vú và một con lợn, mụ lăn ra chết. Nhưng hồn mẹ con lập tức hóa thành hai cây gạo to ngăn cách hai vợ chồng Nù Náng không cho gặp nhau, hễ đục cây thì lỗ thủng liền lại ngay. Nù Náng bèn hóa thành cỏ tùa túa (một loại lanh), Gầu Nà hóa thành ong “mua”, đứa con hóa thành chim lược có mỏ dài. Loại chim này thường đến ăn mật ong mà ong không đốt vì theo người kể ong là mẹ nó [18] .
Có nhiều truyện từ khắp Á, Âu, Phi có chung mô-típ mẹ cô gái mồ côi bị biến thành bò.
Truyện Trung-quốc:
Một cô gái bị dì ghẻ hành hạ. Mẹ cô bị biến thành bò cái. Cô phải làm nhiều việc lao động khó nhọc nhưng đều vượt qua được nhờ có bò giúp sức. Biết thế, mụ dì ghẻ cho giết bò ăn thịt. Cô gái theo lời bò, nhặt xương cất đi. Sau đó cũng nhân ngày hội, hai mẹ con dì ghẻ đi xem hội. Cô gái tìm thấy quần áo đẹp ở chỗ cất xương bò. Cô đi xem hội, gặp quan Trạng và được ông này lấy làm vợ.
Truyện Ấn-độ:
Một người đàn bà bị người vợ kế của chồng hóa phép biến thành bò. Nhờ mẹ bò, cô gái mồ côi làm xong những việc khó khăn mà gì ghẻ giao cho. Kế đó cũng nhờ mẹ bò, cô có đồ trang sức đi dự hội nhưng nửa đường đánh rơi chiếc vòng đeo mũi xuống sông. Một con cá nuốt chiếc vòng về sau rơi vào tay đầu bếp của nhà vua. Khi vua ăn cá thì bắt được chiếc vòng. Vua cố tìm ra chủ nhân chiếc vòng, tìm được bèn lấy làm vợ. (Xem thêm một dị bản khác ở trang 1194 trong cùng Khảo dị).
Truyện của người Mô-rơ (Maures) châu Phi:
Một mụ phù thủy biến người vợ trước của chồng thành một con bò cái rồi nói với chồng rằng vợ cả đã bỏ theo trai. Từ đó hai anh em con của người vợ cả bị dì ghẻ hành hạ, ăn không đủ no. Nhưng nhờ bò ngày ngày cho bú nên chúng vẫn béo tốt. Mụ phù thủy biết thế, bèn xui chồng giết bò ăn thịt rồi vùi xương ở vườn. Từ chỗ chôn xương mọc lên một cây cọ có quả giống như cái vú người. Hai anh em hàng ngày trèo lên bú quả đó. Con gái mụ dì ghẻ rình thấy thế, bèn về mách mẹ. Mụ bèn chặt cây nhưng cây vẫn trơ trơ bất động. Sau cùng mụ phải dùng phép nhổ cây lên. Khổ quá, hai anh em trốn đi, đến một con suối. Hễ ai uống nước suối này vào đều bị biến dạng, mắt nhìn thấy vật gì thì biến thành vật đó. Người anh sau khi uống nước suối, vừa nhìn thấy con hươu nên hóa ra hươu. Cô em gái cùng hươu đi mãi đến một cái giếng. Hôm ấy hoàng tử đang làm lễ tắm gội ở giếng, thấy có cô gái đẹp bèn lấy làm vợ. Nghe tin, mụ phù thủy đến, nhân lúc vắng đẩy cô gái xuống giếng rồi đem con gái của mình thay vào làm vợ hoàng tử. Nhờ được thần giúp đỡ nên cô gái rơi xuống giếng nhưng không chết. Nhờ có hươu chạy quanh giếng gọi em nên hoàng tử gặp lại vợ và con mình. Truyện cũng kết thúc bằng hình ảnh một vạc nước sôi do hoàng tử nấu lên rồi ném mẹ con phù thủy vào đó.
Về tình tiết anh hay em cô gái hóa thành con vật (hươu hay chiên) xem truyện của người Ác-mê-ni (Arménie) (Khảo dị truyện số 12, tập I).
Truyện của Xéc-bi (Serbie):
Cô gái Tro Bếp có một bà mẹ bị thuật phù thủy biến thành bò cái. Hàng ngày cô phải đi chăn bò và kéo một số sợi nhất định, nhưng nhờ có bò giúp, ngày nào cô cũng hoàn thành. Dì ghẻ biết chuyện, liền giết bò. Trước khi chết, bò dặn cô thu thập xương chôn lại một nơi, về sau muốn gì thì đến đấy mà ước sẽ được. Sau đó cô tìm thấy ở đấy có áo quần trang sức mà cô đang ao ước để mặc đi xem hội, trong đó có cả một đôi giày. Cô cũng vô tình đánh rơi giày, hoàng tử nhặt được, mang giày đi thử khắp nơi. Khi hoàng tử đến nhà cô, người dì ghẻ giấu cô dưới một đống củi, chỉ cho con gái riêng ra tiếp mà thôi. Nhưng việc thử giày không có kết quả. Hoàng tử vừa bước chân ra cửa thì một con gà bỗng gáy lên: – “Cộc cồ cô, có cô gái dưới đống củi khô”. Hoàng tử phát hiện thấy Tro Bếp, thử giày thì vừa vặn, hai người bèn kết duyên.
truyện Thổ-nhĩ-kỳ (Turquie) còn có cả bóng dáng bà tiên: Một bà thầy pháp mỗi ngày giao cho đám học trò gái mỗi người một gói bông buộc phải nhặt sạch bụi, sau ba ngày mang đến, nếu ai không làm xong thì sẽ biến mẹ người đó thành bò đen. Một cô không làm đúng hẹn, bị thầy rủa. Khi cô trở về thì mẹ mình đã hóa thành bò. Bố cô bèn tái giá với một người đàn bà có con gái riêng. Mụ dì chửi mắng cô luôn, buộc cô phải làm nhìêu việc. Cô khóc và ở bên cạnh bò. Một hôm, mụ bắt bố giết con bò. Theo lời dặn của bò, cô góp xương lại chôn dưới một gốc cây tường vi. Thế rồi, dì và con gái được mời đi dự đám cưới. Cô gái bị đánh, đến khóc trước mộ bò. Tự nhiên xuất hiện một bà tiên gọi cô bằng “con gái ta” và cho áo đẹp cùng một cỗ xe. Cô đến dự đám cưới được mọi người ca ngợi. Lên xe trở về thì một chiếc giày rơi. Hoàng tử con vua nhặt được, đoán rằng chiếc giày đẹp chắc chủ nhân nó cũng đẹp. Bèn nhờ hoàng hậu đến từng nhà có con gái trong kinh thành để thử giày. Đến nhà cọ gái, cô bị mụ dì bỏ dưới một cái máng. Một con gà trống gáy: – “Cộc cồ cô, chủ của chiếc giày đang ở dưới một cái máng”. Hoàng tử cất máng thấy cô gái, thử giày thì vừa vặn bèn lấy làm vợ.
Truyện của Bun-ga-ri (Bulgarie):
Nhiều cô gái ngồi kéo sợi gần một cái lỗ thông xuống vực thẳm. Một ông già râu bạc hiện ra bảo họ: – “Hãy coi chừng, nếu ai để con quay rơi xuống đó, thì mẹ người ấy sẽ hóa thành bò cái”. Nói xong ông biến mất. Do tò mò, các cô xúm lại nhìn xuống lỗ thông. Bất ngờ một cô đẹp nhất trong mấy cô đánh rơi mũi quay. Về nhà, quả nhiên mẹ cô đã biến thành bò. Như truyện của Thổ-nhĩ-kỳ trên, cô bị dì bạc đãi. Bò giúp cô kéo một số sợi lanh. Sau đó bò bị giết. Chỗ cô chôn xương bò, cũng nhặt được một hộp đầy áo quần. Ở nắp hộp có hai con chim bồ câu. Chúng giúp cô làm công việc nhà để cho cô đi lễ nhà thờ. Một hoàng tử mê mẩn nhan sắc của cô và sau đó nhặt được chiếc giày của cô rơi ra. Cũng có cuộc thử giày. Cũng có tiếng gà gáy mách cô gái đang bị mụ dì giấu dưới đống củi khô như các truyện trên.
Truyện Hy-lạp (Grèce) có đoạn mở đầu lạ hơn:
Có ba cô gái cùng kéo sợi với mẹ của họ. Họ giao ước với nhau nếu một trong bốn người để sợi đứt đầu tiên thì người ấy sẽ bị giết và bị những người kia ăn thịt (một dị bản khác kể hai người chị muốn trừ bỏ mẹ già thương yêu riêng con gái út nên giao ước như thế để giết mẹ vì bà già đã nhiều tuổi, sợi kéo thế nào cũng đứt. Một dị bản nữa kể rằng nhân có một nạn đói lớn, mẹ con giao ước ai đánh rơi mũi quay sẽ bị những người kia ăn thịt). Sợi của người mẹ đứt. Các cô nói: – “Lần này tha cho vì bà ấy có công mang chúng ta trong bụng”. Lại tiếp tục kéo. Sợi của bà mẹ đứt lần thứ hai. Các cô lại tha, bảo: – “Vì có công nuôi ta bằng sữa của bà ấy”. Sợi của bà mẹ lại đứt lần thứ ba, hai cô đầu bèn giết mẹ làm thịt nấu lên rồi ăn. Cô út không làm theo hai chị. Cô nhặt xương bỏ vào vại. Sau bốn mươi ngày cô thấy trong vại có áo đẹp, giày đẹp và ngựa đẹp. Cô đi cự hội ngày chủ nhật, giày bị rơi, hoàng tử cũng nhặt được, v.v…
Ở truyện của đảo Corse (Pháp) thì con bò đồng thời là tiên, mẹ cô gái:
Mẹ của Ma-ri-u-xen-la chết không ai biết. Bố nàng tái giá với một mụ dì ác nghiệt, bắt nàng chăn bò và mỗi ngày kéo một gói lớn bông thành sợi. Không làm được, nàng
khóc. Con bò cái đến gần bảo: – “Chớ khóc, ta là mẹ con, ta đã thành tiên, ta kéo cho”. Khi mụ dì biết, toan giết con bò. Bò bảo cô tìm trong ruột mình lấy ba quả táo, một đem ăn đi, một ném lên nóc nhà, một bỏ trong một hố ở vườn. Quả cuối cùng này mọc lên một cây đầy quả nhưng có gai, không ai dám đến. Quả thứ hai hóa thành con gà trống. Cũng có tình tiết hoàng tử yêu cô gái nhưng mụ dì cũng đánh tráo con gái mình. Con gà trống gáy lên: – “Cộc cồ cô! Ma-ri-u-xen-la trong thùng, còn Đinh-ti-ơ-na (tên con mụ dì) thì ở trên lưng ngựa đẹp!”. Nhờ đó hoàng tử nhận ra người yêu.
Con bò trong truyện của người Ka-bilơ (Kabiles) đã không còn là người mẹ cô gái nữa, nhưng vẫn có liên quan đến người mẹ :
Một người có một trai, một gái. Vợ chết, dặn chồng đừng bán con bò cái đi: – “Đó là con bò của lũ con côi!”. Chồng lấy vợ khác, hai người con bị dì bạc đãi không được ăn no, nhưng chúng lại bú sữa bò nên khỏe mạnh. Mụ dì sai con mình đi dò. Một đứa con gái dì muốn bú bò nhưng bị bò cho một đá đui mắt. Tức giận mụ dì buộc chồng bán bò cho đồ tể. Hai đứa con khóc trên mộ mẹ, mẹ bảo lấy ruột bò bỏ trên mộ. Ít lâu sau bỗng mọc lên hai cái vú: một cho bơ, một cho mật ong, hai đứa lại được bú thỏa thích. Mụ dì lại sai con đi dò, khi chúng ngậm vào đầu vú thì một bên hút ra mủ, một bên hút ra hắc ín. Mụ dì giận, băm vú quăng đi. Hai đứa lại khóc trên mộ mẹ. Mẹ bảo chúng bỏ nhà ra đi. Một hôm chúng đến giúp việc cho một ông vua. Sau đó vua lấy cô em làm vợ.
Ba truyện khác của Ấn-độ:
Một con bò cái (có nơi kể là con cá) giúp một cô gái bị dì ghẻ bạc đãi. Mụ dì thấy cô gái được bò cho bú sữa, bèn tìm cách giết bò. Trước khi chết, bò cũng bảo cô nhặt xương da đi chôn chứ đừng ăn. Bấy giờ hoàng tử đang hạ lệnh cho các cô gái tới cung cho mình chọn vợ. Cô gái đẹp bị dì bắt ở nhà để nấu ăn, còn con dì thì được đưa tới lâu đài dự tuyển. Con bò tự nhiên sống lại, kiếm cho cô quần áo đẹp, giày vàng, v.v…
Thấy cô xinh đẹp, hoàng tử đuổi theo, cô đánh rơi chiếc giày rồi trốn vào trong hầm. Khi hoàng tử đến, nhờ có con gà mới tìm ra, mang về làm vợ. Truyện cũng kết thúc bằng sự trừng phạt mụ dì và đứa con gái.
Về con bò cái giúp cô gái mồ côi bị bạc đãi xem thêm các truyện sưu tầm ở Cô-ca-dơ (Caucase) và ở Thượng Ai-cập (Égypte). (Khảo dị truyện số 12, tập I). Ở các truỵên này không thấy nói đến mẹ của cô là bò.
Truyện dưới đây thì người mẹ không hóa ra bò mà hóa chiên:
Một người đàn bà đuổi theo một con chiên lạc bầy gặp một mụ Chằng. Mụ dùng phép biến người ấy thành một con chiên. Sau đó mụ lại hóa phép biến mình thành người đàn bà kia dắt chiên về nhà bà ta. Mụ bảo người chồng rằng mình đã tìm được con chiên lạc, nhưng phải giết đi mới được. Cô gái chạy ra chuồng báo cho mẹ nó – con chiên – biết tin chẳng lành. Con chiên bảo cô hãy chôn xương mình ở một chỗ nọ. Hàng ngày cô đến mộ chiên khóc lóc, chiên cũng giúp cho cô xinh xắn, được ăn ngon mặc đẹp, và cuối cùng cô cũng lấy được hoàng tử như một số truyện trên.
Ở một truyện khác sưu tầm ở Xri-na-ga thì người mẹ là con dê:
Một người Bà-la-môn dặn vợ đừng ăn khi mình vắng mặt nếu không sẽ hóa thành dê, vợ cũng dặn chồng như vậy nếu không sẽ hóa thành hổ. Một hôm, người vợ trong khi bón cho con, nếm thử một miếng không nghĩ rằng lúc ấy chồng đang vắng mặt. Lập tức bị hóa thành dê. Chồng về chăm sóc cho dê. Ít năm sau, chồng lấy vợ khác. Người dì ghẻ tỏ ra nghiệt ngã với con chồng, không cho chúng ăn no. Dê nghe các con than thở, thấy con gầy guộc, dặn con khi nào đói thì lấy gậy gõ vào sừng mình, sẽ có ăn. Từ đó các con béo tốt khỏe mạnh.
Mụ dì có một cô con gái, mụ dặn khi chơi chú ý xem các con chồng ăn những gì. Nó về kể lại tất cả. Mụ mưu giết con dê bằng cách giả ốm rồi đút tiền cho thầy thuốc (ha-
kin) để nhờ thầy kê đơn thuốc có món thịt dê cho mình. Con thấy bố sắp giết dê thì kêu khóc, dê dặn con nhặt xương chôn xuống một nơi nọ, khi nào đói thì đến khấn, sẽ có ăn.
Ít lâu sau, trong khi các cô con gái nhà đó rửa mặt ở suối nước chảy qua trước nhà, chiếc vòng mũi của một cô rơi, bị cá nuốt mất. Con cá ấy sau bị làng chài bắt, rồi vào tay một bác đầu bếp nhà vua. Thấy chiếc vòng, người đầu bếp đem dâng vua. Vua cho rao ai mất vòng thì đến nhận. Em cô gái đến nói là vòng của chị mình. Vua cho gọi đến và khi thấy mặt cô, vua say vì nhan sắc, bèn lấy làm vợ (xem lại các trang 1189-1190).
một số truyện khác nữa thì người mẹ cô gái lại hóa thành cây, ví dụ cây cam trong Pơ-ria Pơ-ró của dân tộc Chăm-hơ-roi:
Pơ-ria Pơ-ró là hai chị em cùng cha khác mẹ. Cũng như truyện trên, mẹ Pơ-ró được chồng yêu. Mẹ Pơ-ria chết, nàng ra mộ khóc, một buổi sáng thấy trên mộ mọc lên một cây cam có quả, còn nàng cũng trở nên đẹp hơn trước. Một hôm đang hái cam ăn thì có hoàng tử đi săn qua, hai bên yêu nhau. Pơ-ria được đưa về cung làm vợ hoàng tử. Đoạn thứ hai truyện này giống với truyện Tấm Cám. Nhân khi Pơ-ria về dự lễ “bỏ mả” cha mẹ, dì ghẻ bảo nàng trèo cau. Nàng trèo lên ngọn cau thì mẹ con ra sức chặt gốc, nàng nhảy sang cây khác, cây này cũng bị chặt gốc, nàng đành phải nhảy chuyền mãi, sau ngã xuống chết. Người dì ghẻ lột lấy quần áo cho Pơ-ró giả làm Pơ-ria vào cung.
Pơ-ria chết được tiên cho hóa thành hoa “bung bay” mọc trên mộ mẹ. Một bà cụ hái về, hoa tươi mãi không héo. Ngày ngày khi vắng bà cụ, Pơ-ria hiện ra bổ cau têm trầu, hễ thấy bóng người thì biến mất (không có tình tiết rình bắt như truyện của ta). Hoàng tử đi qua nhà, thấy miếng trầu quen thuộc bỗng nhớ đến vợ. Một giọt nước mắt rơi vào bát nước. Thấy bóng vợ trong đó, hoàng tử ngất đi. Thương chồng, Pơ-ria hiện ra và hai người tái ngộ. Ở đây không có câu chuyện báo thù mẹ con Pơ-ró, vì Pơ-ria xin
tha tội chết cho chúng, nhưng hoàng tử cũng đuổi chúng lên núi cao. Sau đó mụ dì hóa thành diều hâu, con hóa thành hoa mơ-miêng hôi thối [19] .
Trong một số truyện sau đây, hình ảnh cái cây tuy không phải là mẹ cô gái hóa ra, nhưng cũng có vai trò quan trọng trong sự phát triển của cốt truyện.
Truyện Pháp Cô bé An-nét:
An-nét, một cô bé mất mẹ từ hồi mười lăm tuổi. Người bố lấy một mụ góa có ba con gái. Hàng ngày chúng được ăn trơn mặc trắng, còn An-nét thì phải làm mọi việc, trong khi đó chỉ được ăn mẩu bánh, khát thì vục tay vào nước suối uống. Một hôm nhớ mẹ, An-nét ngồi khóc. Bà thánh Đồng trinh hiện ra cho một chiếc đũa bảo gõ vào con cừu đen sẽ có ăn. An-nét quả có bữa ăn thịnh soạn, nhờ đó ngày một trở nên béo tốt. Thấy lạ, dì ghẻ cho con gái thứ nhất đi theo để dò. Hai đứa chơi chán, An-nét chải tóc cho nó và ru, dần dần nó ngủ quên. Về nói không có gì lạ. Đứa con gái thứ hai đi dò cũng thế. Đứa thứ ba cũng thế, nhưng nó lại có con mắt thứ ba không nhắm. Vì thế việc bí mật của nàng bại lộ. Mụ dì ghẻ giả ốm bảo chồng làm thịt cừu đen ăn mới lành.
An-nét báo tin cho cừu biết. Cừu bảo: – “Hãy xin miếng gan chôn ở sau vườn”. Ở chỗ gan mọc lên một cây cao có quả ngon, nó thường sà xuống cho An-nét ăn. Một hôm hoàng tử đi qua muốn ăn, hứa cô nào trèo lên được thì lấy làm vợ. Chẳng một ai trèo lên được cả. Mụ dì ghẻ muốn cho con gái mình lấy hoàng tử bèn làm một cái thang dài, nhưng cây lại vươn lên cao. Mụ với tay ra hái nhưng mất thăng bằng bị ngã gẫy cổ. Hoàng tử thèm ăn rỏ dãi. An-nét lại gần cây, cây tự nhiên sà xuống cho cô hái đầy rổ. Cô trở thành vợ hoàng tử [20] .
Một dị bản khác của Pháp: Chuông vàng. Cô gái trong truyện này lại là con vua. Hoàng hậu đau sắp chết bảo con chăn một con chiên trắng. Lại dặn khi bị dì bạc đãi thì lấy đũa gõ vào tai phải chiên, sẽ có một bàn ăn dọn sẵn, nếu gõ vào tai trái thì bàn ăn biến đi. Mụ dì cũng sai con gái đi dò. Cô gái bắt chấy cho nó nên nó ngủ quên,
nhưng lần sau nó giả ngủ, thấy hết mọi việc. Mụ dì bèn giả ốm đòi ăn thịt chiên. Trước khi chết, chiên bảo nhặt xương chôn dưới cây lê, cành nó sẽ mọc chuông vàng, luôn luôn rung thành tiếng nếu tắt đi là có điềm chẳng lành. Cũng có ông vua đi qua trông thấy cây có chuông đẹp bảo ai hái được sẽ lấy làm vợ. Con gái mụ dì ghẻ trèo, mẹ ở dước đẩy lên, nhưng càng trèo cây càng cao, không hái nổi. – “Còn cô nào nữa không?”, vua hỏi. – “Có, nhưng nó chỉ chăn chiên là giỏi”. Vua cố gắng chờ. Cô gái về bảo cây cúi xuống cho cô hái rồi bỏ vào tạp dề cho vua. Vua bèn lấy làm vợ. Ít lâu sau, vua đi đánh trận, hoàng hậu đang đau, vua bảo mụ dì chăm sóc. Mụ ném cô xuống sông rồi cho con thay. Chuông từ đấy không kêu nữa. Không nghe tiếng chuông, vua nhớ đến lời vợ dặn, trở về. Đi qua sông thấy một bàn tay thò lên mặt nước. Vua kéo lên thì ra đó là vợ mình vẫn còn sống. Đưa vợ về vua ra lệnh treo cổ mẹ con mụ dì ác nghiệt [21] .
Hình tượng tái sinh nhiều lần của Tấm cũng là hình tượng quen thuộc trong nhiều truyện cổ tích của các dân tộc.
Người Xrê (Xré) (Tây Nguyên) có truyện Gơ-liu Gơ-lát (nồi lớn nồi bé):
Là hai chị em cùng cha khác mẹ cùng xinh như nhau nhưng Gơ-liu thì tính nết hiền hậu, còn Gơ-lát thì gian ác. Ở đây, truyện lược mất đoạn đầu, chỉ kể rằng một hôm có con quạ mang một đôi hài không phải của một trong hai cô gái mà là của hoàng tử Chăm thả xuống một nơi cho phụ nữ ướm chân, ai vừa thì hoàng tử lấy làm vợ. Gơ-liu ướm vừa chân, được đón về cung, Gơ-lát được phép theo chị. Một hôm trong lúc chồng đi đánh giặc, Gơ-liu bị Gơ-lát giết rồi phao tin chị chết bệnh. Gơ-lát xin thay Gơ-liu làm vợ, hoàng tử nhận nhưng tỏ ý ghét. Ở mộ Gơ-liu mọc lên một khóm trúc, hoàng tử cho là hồn vợ tái sinh, sai rào kín, nhưng cây bị Gơ-lát chặt mất trong khi chồng đi vắng. Hồn Gơ-liu lại nhập vào con chim nhỏ lông vàng, một hôm nó thả xuống trước mặt hoàng tử một hộp trầu. Thấy hộp trầu quen thuộc, hoàng tử cũng bảo: – “Có phải Gơ-liu thì xuống đây với ta”. Chim bay xuống, nhưng khi hoàng tử đi vắng, Gơ-lát bắt làm thịt. Cũng như truyện của ta, lông chôn bên đường hóa thành cây
thị chỉ có độc một quả. Một bà cụ đi qua nghe có tiếng gọi, một hộp trầu tự nhiên rơi vào tay bà, có tiếng gọi bảo bà đưa đến cho hoàng tử. Hoàng tử theo bà cụ đến bên cây thị thì quả thị rơi xuống như lời khấn của bà cụ, rồi sau hóa thành Gơ-liu.
Đoạn sau, khi hoàng tử biết rõ chuyện, sai xẻ thịt Gơ-lát làm mắm gửi về biếu mụ dì ghẻ. Mụ ăn hết mắm đến thăm con vào lúc vợ chồng hoàng tử đang ăn mừng sum họp. Bị đánh đuổi và khi biết mình ăn thịt con, mụ nhảy xuống sông chết. Ở đoạn kết thúc này, con quạ xuất hiện không phải để báo tin mà để rỉa thịt mụ [22] .
Xem thêm truyện của người Mèo Chàng rắn ở Khảo dị truyện số 128, tập III.
Truyện Ấn Độ sưu tầm ở cao nguyên Đê-căng (Deccan):
Một cô gái tên là Xuya-ri-a Bay được vua lấy làm vợ. Hoàng hậu cũ ghen sai ném cô xuống ao. Trong ao mọc lên một cây hoa vàng rất đẹp, mỗi khi vua tới ngắm thì hoa hướng về phía vua. Lấy làm lạ vua mê ngắm suốt ngày. Hoàng hậu lại ra lệnh bẻ hoa ném vào lửa. Hoa cháy ra tro, nơi đổ tro mọc lên một cây có quả rất đẹp. Không ai dám hái, còn dành cho vua. Một hôm mẹ Xuay-ri-a Bay là người vắt sữa nghèo đi qua nghỉ ở dưới cây, quả rơi vào bình sữa. Bà mang về giấu trong buồng. Khi lấy ra tự nhiên trong quả có một người đàn bà nhỏ đẹp bước ra, rồi lớn lên dần dần, và trở thành người thật, đó là con bà.
Một đoạn của truyện Băng-la-đex (Bangladesh):
Có hai đứa trẻ: anh trai, em gái bị giết theo lệnh của hoàng hậu là dì ghẻ của chúng, gan của chúng được ném vào một chỗ, về sau mọc lên ở đó một cây to có hai hoa to đẹp, kết thành hai quả đẹp. Hoàng hậu trèo lên hái quả, nhưng mỗi lần với tay thì hai quả lùi dần. Hoàng hậu sai người chặt cây, nhưng cây chống lại. Việc đó diễn ra trong mấy ngày. Vua được tin ra xem, hai quả cây tự nhiên rơi vào tay vua. Vua mang vào buồng để ở trên bàn gần giường nằm. Đêm lại, nghe một tiếng nhỏ phát ra từ một quả:
“Anh”, và có tiếng đáp từ quả kia: – “Em hãy nói nho nhỏ chứ. Mai vua bổ quả ra, nếu hoàng hậu biết thì mụ sẽ giết chết. Trời cho chúng ta tái sinh ba lần, nếu chết đến lần thứ tư thì không thể thành người được nữa”. Nghe đoạn, vua bổ quả cây liền thấy hai đứa bé chui ra. Gặp lại con và nghe mọi việc, vua bèn giết người dì ghẻ.
Truyện của người Xắc-xông (Saxons) ở Tơ-răng-xin-va-ni (Transylvanie) mà người
Ru-ma-ni (Roumains), người Di-gan ở Bu-cô-vin (Bucovine), ở Hung (Hongrie), ở
Va-la-kơ (Valachie) và Xéc-bi (Serbie) đều kể như nhau:
Một hoàng hậu sinh được hai đứa trẻ tóc vàng. Một đứa hầu gái âm mưu chôn sống hai đứa bé trong đống phân, khi vua về tìm cách vu cáo hoàng hậu và cuối cùng hắn được lấy vua. Chỗ chôn hai đứa bé mọc lên hai cây thông vàng. Thấy thế, hoàng hậu mới – người hầu gái – làm bộ ốm đau, đòi nằm trên ván thông vàng mới đỡ. Vua sai chặt hai cây, cưa ván, một làm giường cho vua, một làm giường cho hoàng hậu. Đêm lại, giường này nói với giường kia: – “Anh bị con mẹ ác nghiệt nằm lên nặng quá!” – “Còn em thì cha ta nằm lên, rất nhẹ”. Hoàng hậu nghe được câu chuyện, sai người đốt giường. Trong khi cháy có hai cái tàn bay vào mớ hạt mà người ta cho cừu ăn. Cừu mẹ ăn xong đẻ được hai con cừu lông vàng. Hoàng hậu lại đòi ăn tim cừu cho lành bệnh. Vua lại ra lệnh giết. Ruột cừu đem rửa ở sông có hai khúc trôi dạt vào bờ, hiện nguyên hình thành hai đứa trẻ sống.
Người Nga kể truyện này cũng giống như trên, chỉ hơi khác đoạn kết. Khi người ta giết hai con cừu thì họ ném ruột lên đường. Mẹ hai đứa trẻ ấy là hoàng hậu bị chồng đuổi, nhặt được, không biết ruột từ đâu tới bèn lấy nấu ăn, sau đó có mang đẻ được hai con trai. Lần hồi chúng lớn lên và được vào cung, tình cờ một hôm gặp vua cha, thuật lại gốc tích, v.v…
Hai truyện của Hy-lạp (Grèce):
1. Tro Bếp được hoàng tử lấy làm vợ. Hai chị của Tro Bếp dùng phép biến em thành
chim. Chim bay tìm đến hoàng tử. Hai chị lại giết chim. Ba giọt máu của chim văng ra mọc lên một cây táo. Hai chị lại xui hoàng tử chặt cây táo. Đang chặt hoàng tử thấy một bà già đến xin: – “Cho tôi một quả táo”. Hoàng tử cho một quả. Quả này trong có Tro Bếp. Bà già mang về bỏ vào trong một cái hộp. Cũng như trong truyện Tấm Cám, vắng bà già, Tro Bếp hiện ra khỏi hộp, quét nhà nấu ăn cho bà. Bà già lấy làm lạ, nhưng vẫn chưa biết sự thật. Một hôm bà mời hoàng tử đến ăn tại nhà mình: – “Ngài hãy đến, tôi xin đãi một đĩa thức ăn ngọt và một quả táo ngon của cây táo của ngài”. – “Bà còn giữ quả táo tôi cho à?” – “Vâng”. Hoàng tử đến, bà già mở hộp ra và rất ngạc nhiên khi thấy cô gái xuất hiện từ quả táo: – “Sao con lại ở đây?”. Tro bếp kể lại chuyện của mình. Bà già dọn cho hoàng tử những hạt quả rồi nói rằng: – “Quả táo mà hoàng tử cho tôi đã thối hết không dùng được nữa”. Cuối cùng bà cũng cho hoàng tử gặp cô gái và hai người nhận ra nhau.
Một cô gái yêu một hoàng tử. Một nữ nô lệ có phép thuật biến cô thành cá vàng rồi tự thay địa vị của cô. Thấy hoàng tử thích ngắm cá vàng, nữ nô làm bộ ốm đau, đòi ăn canh cá vàng mới lành. Người ta được lệnh giết cá. Có ba giọt máu rơi xuống đất. Chỗ ấy mọc lên một cây bạch dương. Nữ nô lại làm bộ ốm đau, bảo đốt cây thành tro như cấm không cho ai lấy lửa. Đang đốt một bà già từ đâu đến gần. Bà bị người ta xua đuổi nhưng một mảnh tàn đã dính chặt vào áo bà. Hôm sau bà đi vắng. Lúc về đã thấy nhà cửa quét dọn tử tế. Nhiều lần như vậy, bà nấp rình, bắt được. Bà nuôi cô làm con. Về sau cô gặp lại hoàng tử [23] .
Một truyện khác của Pháp:
Một hoàng hậu trẻ bị giết theo lệnh của hoàng thái hậu. Xác bị ném vào hồ nước cạnh lâu đài. Một cô gái khác được bí mật đưa tới thay thế địa vị của hoàng hậu. Một hôm vua ngồi ở cửa sổ thấy trong hồ nước có một con cá kỳ lạ có ba màu: hồng đào, trắng và đen. Vua ngắm mãi khiến cho hoàng thái hậu bực mình giết con cá. Hoàng hậu giả lúc đó có thai đòi ăn. Bỗng chốc trước cửa sổ lâu đài có một cây ba màu mọc lên. Bà già sai đốt cây. Tro của cây bốc lên hóa thành một lâu đài rực rỡ có ba màu. Nhiều
người trèo lên lâu đài nhưng không mở được cửa. Khi vua trèo lên thì mở được ngay.
Vua bước vào thấy hoàng hậu vợ mình vẫn còn sống.
Một truyện khác của Hy-lạp (Grèce) tình tiết có khác nhưng vẫn cùng dạng người biến thành chim:
Hai người chị của hoàng hậu vốn ghen tỵ với số phận của em. Một hôm hai người vào buồng hoàng hậu khi bà này sinh con. Họ cắm vào đầu hoàng hậu một cái kim thần. Tự nhiên hoàng hậu hóa thành chim bay đi. Một trong hai chị lên giường thay em làm hoàng hậu. Vua vốn có thói quen ăn sáng ở vườn. Một hôm thấy có một con chim bay đến hòi: – “Hoàng thái hậu, vua và hoàng tử đêm qua ngủ có ngon không?” – “Có” – “Mọi người ngon giấc nhưng hoàng hậu thì ngủ một giấc không dậy nữa”.
Những người làm vườn xin vua giết con chim, Vua cản lại. Mấy ngày sau, chịm lại tới đậu vào bàn ăn với vua. Nhìn thấy cái kim cắm trên đầu, vua rút ra. Chim lại hóa thành hoàng hậu.
Về hình tượng chiếc giày của Tấm rơi xuống chỗ lội, chúng tôi kể ra đây hai truyện biết được thời điểm sưu tầm (do đó mới có cơ sở đoán rằng kiểu truyện Tấm Cám đã được lưu hành từ khá xưa).
1. Truyện Ai Cập:
Một hôm có một kỹ nữ là Rô-đô-pix đi tắm ở sông Nin. Một con quạ tha một chiếc giày từ tay cô hầu rồi bay đến thành Mem-phix và thả rơi đúng tà áo của vua trong khi ông này đang xử kiện giữa một tòa án lộ thiên. Nhận thấy chiếc giày đẹp, vua bèn sai người đi tìm người đàn bà chủ nhân chiếc giày. Người ta tìm thấy Rô-đơ-pix ở thành No-cra-tix dẫn về. Vua lấy làm vợ. (Truyện trên do Xtra-bông (Strabon) ghi chép vào thế kỷ 3 trước công nguyên. Hai thế kỷ sau một tác giả khác cũng người Hy-lạp là Ê-liêng (Éllien) kể lại có tô chuốt chút ít và gán tên cho một nhân vật trong truyện là
Pxam-mê-ti-quyx, vua có thật ở Ai-cập).
Truyện Nàng Diệp hạn trong sách Dậu dương tạp trở [24] .
Một người lấy hai vợ, một vợ có con gái là Diệp Hạn. Sau khi bố mẹ chết, nàng bị mẹ ghẻ hành hạ, bắt làm những công việc nặng nhọc và nguy hiểm. Một hôm bắt được một con cá vảy đỏ mắt vàng, nàng nuôi ở chậu, sau thả xuống ao vì cá mỗi ngày một lớn. Dì ghẻ muốn bắt cá, nhưng hễ không thấy bóng Diệp Hạn thì cá không nổi lên. Một hôm mụ bắt nàng đi gánh nước xa rồi lấy áo của nàng vừa thay mặc vào, đón bờ gọi cá. Cá tưởng Diệp Hạn, nổi lên, mụ bắt làm thịt, xương chôn ở khu đồi. Thấy mất cá, Diệp Hạn khóc, một người hiện ra hỏi vì sao mà khóc. Nghe kể chuyện, người ấy bảo Diệp Hạn đem xương cất đi sẽ cầu được ước thấy. Nhờ đó, cô có áo quần đẹp, giày vàng. Đi xem hội cô là người đẹp nhất đám, nhưng cũng như truyện của ta, cô đánh rơi chiếc giày vàng. Dân bắt được chiếc giày đem bán cho vua Đà Hãn, Cũng xảy ra câu chuyện ướm giày và cuối cùng Diệp Hạn đi vừa, được đón vào cung không quên mang theo nắm xương cá. Truyện kết thúc bằng cái chết của mẹ con mụ dì ghẻ do “phi thạch” trên trời rơi xuống đầu. Dân thương hại chôn cất và thờ làm thần se duyên (Môi thần). Về sau vì vua ước quá nhiều nên xương cá không còn hiệu nghiệm, bèn đem chôn cùng một trăm đấu hạt châu và vàng ở bờ biển, nhưng đến khi đào lên thì mọi thứ đều biến mất.
Cô-xcanh (Cosquin) trong Những truyện cổ tích Ấn-độ và phương Tây dựa trên hình thức truyện Cô Tro Bếp (Cendrillon) phân thành ba loại: 1) Giày rơi xuống nước; 2) Giày rơi xuống đất; 3) Giày được đưa lên trên không để tìm dấu vết di chuyển của truyện này trên các khu vực địa lý khác nhau. Ông còn kể ra một số các truyện khác (không phải loại truyện Cô Tro Bếp) đều sưu tầm tại Ấn-độ, trong đó có hình tượng chiếc giày (hay một vật gì đó) làm môi giới. Ví dụ một số truyện sau đây:
Một truyện do Xo-đơ-va Ba-i (Sodeva Bair) sưu tập (truyện này có bà con với truyện
Cô Tro Bếp):
Một chiếc giày rất đẹp và đắt tiền do một ông vua có thế lực, thưởng cho công chúa con gái mình. Một hôm công chúa đi dạo chơi, bị mất một chiếc. Vua sai người đi các nơi rao, bứa ai nhặt được sẽ có thưởng. Lời rao đó lọt đến tai một hoàng tử. Hoàng tử cố gắng đi tìm giày về, rồi cuối cùng được kết duyện với công chúa.
Một truyện của người Ca-na-ra (Canaras) (từng được ghi chép bằng chữ dân tộc):
Một nàng công chúa sau khi được giải thoát khỏi tay một người khổng lồ bèn lấy một hoàng tử. Một hôm công chúa đánh rơi chiếc giày trong một bể nước. Một người đánh cá bắt được đem bán cho một hàng xén. Người này thấy giày đẹp đem dâng vua. Đến lượt vua say mê chiếc giày, bèn hứa thưởng lớn cho người nào tìm ra chủ nó. Một bà già nhận lời và tìm được. Bà này còn tìm cách chiếm lấy lòng tin của công chúa, lọt được vào buồng công chúa, thừa dịp trộm lấy cái bùa hộ mệnh của chồng nàng. Thấy chồng chết, công chúa để mặc cho người ta mang mình đến cung vua, mong tìm dịp báo thù cho chồng. Trong khi công chúa tìm kế hoãn binh để khỏi lấy vua, thì người em chồng nhờ một vật thiêng liêng đã đến đúng lúc, cứu được anh sống lại và giải phóng cho công chúa thoát khỏi tay vua.
Truyện sưu tầm ở Bắc Ấn:
Nhờ một chiếc nhẫn thần do một con rắn trả ơn, con của một lái buôn lấy được nàng công chúa làm vợ. Hai người ở chung trong một lâu đài bên bờ sông. Một hôm người vợ ngồi gần mặt nước đánh rơi một chiếc giày, chưa kịp vớt lên thì giày đã bị một con cá to nuốt mất. Gần đó có vương quốc của một ông vua (rát-gia). Những người làng chài đánh được con cá to đem dâng vua. Khi đầu bếp mổ ra thì bắt được chiếc giày đẹp, đem nộp. Vua cho truyền rằng ai là chủ chiếc giày sẽ rước về làm hoàng hậu. Bèn sai các bà già trong kinh thành mang giày đi ướm chân. Kết thúc cũng gần với truyện trên.
Một truyện sưu tầm ở Ca-sơ-mia (Cachemire) thì thay vào giày là chiếc lược: có một cô gái, một hôm chải tóc trước cửa sổ. Đang chải, cô để tạm lược trên bậu cửa thì bỗng một con quạ sà xuống quắp đi mất. Sau đó nó đánh rơi xuống biển, bị một con cá nuốt vào bụng. Cuối cùng chiếc lược cũng vào tay đầu bếp nhà vua. Vua lấy làm lạ, cũng muốn biết mặt chủ nhân của chiếc lược bèn cũng sai người đi tìm. Kết quả vua lấy cô gái tìm được làm vợ, v.v… Xem thêm truyện Ấn-độ ở trang 1191 và trang 1995 trong cùng Khảo dị. Ở đây vật bị cá nuốt không phải giày hay lược mà là một trang sức đeo ở mũi (nô-dơ-ring).
Mô-típ dì ghẻ đánh tráo con mình thay con chồng làm vợ vua (hay hoàng tử) cũng được sử dụng phổ biến trong một loạt truyện cổ khác với dạng truyện Tấm Cám. Dẫn ra sau đây một số truyện tiêu biểu:
Truyện Pháp Cô Ma-ri ở túp lều trong rừng:
Một người đàn bà có hai con gái: cô chị ở tỉnh còn cô em ở với mẹ trong rừng. Một hôm cô em đang kéo sợi, một ông vua đi săn ghé vào thấy cô đẹp muốn lấy làm vợ, nhưng mẹ cô ghét cô, chỉ muốn giới thiệu cô chị. Mặc dầu vậy, đám cưới vẫn cử hành. Ít lâu sau nhà vua đi đánh giặc. Hoàng hậu về chơi với chị, bị chị ghen tức nhảy xổ vào móc mắt, bẻ răng, cắt chân tay rồi bỏ vào rừng. Vì có khổ người giống em, nên cô chị đóng giả hoàng hậu vào cung. Hoàng hậu thật gặp một ông già được ông giúp cho ba điều ước tùy mình lựa chọn. – “Tôi chỉ ước được lành mắt, răng, tay và nếu được ước nữa thì cả chân”, hoàng hậu nói. Ông già bảo một đứa trẻ mang một cái xa kéo sợi bằng vàng đến lâu đài của mẹ con hoàng hậu giả đổi lấy hai con mắt. Hoàng hậu giả trông thấy vật quý, hỏi mẹ, mẹ chỉ cho cặp mắt trong một cái hộp. Đưa về, ông già làm cho mắt hoàng hậu sáng trở lại. Ông lại lần lượt đưa những vật khác để đổi lấy răng, hai tay và hai chân, cuối cùng hoàng hậu hoàn toàn lành lặn như xưa. Ông già chỉ đường cho nàng ra khỏi rừng, rồi biến mất. Vua trở về thấy hoàng hậu giả hình dung đổi khác, tưởng vì vắng mình nàng buồn nên mới như vậy. Hoàng hậu giả đưa những thứ đổi được ra khoe với vua. Bỗng ông già nọ xuất hiện, được vua đón vào
cung tiếp đãi. Vua hỏi thăm ông thấy gì ở dọc đường. – “Tâu bệ hạ tôi có gặp một người bị móc mắt, bẻ răng và bị chặt chân tay. Chị của bà ấy đối với em như thế đấy! Tôi đã nhờ một em bé đem các vật quý đổi lấy mắt, răng, tay, chân về cho bà ấy. Nếu bệ hạ muốn cứ đến chỗ nọ sẽ gặp”. Nhận ra vợ cũ vua đem về lâu đài, rồi ra lệnh cho xiềng mẹ và chị vợ quẳng cho thú dữ.
Truyện của người Ka-bi-lơ (Kabiles):
Một cô gái có nhiều tướng lạ, khi đi cỏ hoa nở dưới gót. Hoàng tử nghe tin, đón về làm vợ. Cô cùng mẹ con dì ghẻ ra đi. Dọc đường mụ dì cho cô ăn rất mặn. Khát quá, cô đòi nước: – “Muốn uống phải chịu móc mắt mới được”, mụ dì bảo thế. Cô đành phải nghe theo. Mụ dì sau khi móc mắt bỏ cô lại, cho con gái thay vào, nhưng cô này không có tướng lạ nên bị lộ và bị hoàng tử đuổi về. Còn cô gái mù được con diều trả cho cặp mắt, và qua nhiều phiêu lưu rắc rối cuối cùng gặp lại hoàng tử [25] .
Truyện Ý (Italia):
Một cô gái nhận được một số quà tặng của một con rắn biết ơn. Sau đó cô được một ông vua chọn làm vợ. Hai chị cô ghen tỵ cắt tay, móc mắt cô, rồi một trong hai chị tìm đến lâu đài tự xưng mình là người yêu và được vua lấy làm vợ. Còn cô gái kia được người ta thương hại đưa về chăm sóc. Một hôm giữa mùa đông, có con rắn đến báo tin rằng hoàng hậu có mang đang thèm ăn quả vả, nếu tìm và đưa về thì có thể đổi lấy lại cặp mắt. Một lần khác, rắn lại đến bảo cô tìm quả đào để đổi lấy đôi tay. Nhờ thế cô gái được lành lặn, sau đó cô trở về lâu đài gặp vua.
Truyện khác của Ý sưu tầm ở Tô-xcan (Toscane):
Một bà hoàng thái hậu không ưa con dâu mình. Thừa lúc vua đi vắng, hoàng hậu sai đầy tớ dắt dâu vào rừng giết đi. Nhưng hai người kia động lòng thương, không giết mà chỉ móc lấy cặp mắt đem về cho hoàng thái hậu tin. Bị mù lòa, hoàng hậu gặp một
ông già và nhờ ông giúp đỡ, nhận được ở một con rắn ba vật quý. Sau đó nàng nhờ người dắt về lâu đài. Với tấm mạng che mặt, hoàng hậu đem hai vật quý đổi lấy hai mắt để được sáng lại như xưa. Lành rồi nàng lại đem vật quý thứ ba tặng mẹ chồng để được phép ngủ bên cạnh buồng nhà vua, do đó vua nhận ra nàng.
Truyện Nga:
Một cô gái là người yêu của vua, một hôm bị một nữ tỳ hóa phép làm cho ngủ say rồi móc hai con mắt. Đoạn hắn bỏ về cung thay chủ lấy vua. Về phía cô gái được một người chăn cừu già nuôi nấng chăm nom. Đêm đêm cô làm mũ đội theo kiểu mũ nhà vua, rồi bảo ông già lần lượt đem đi bán để đổi lấy đôi mắt, v.v…
Về đoạn kết mẹ ăn thịt con, một số truyện ở các nước cũng có những hình ảnh và mức độ trừng phạt tương tự. Sau đây là một số truyện:
Truyện Xi-xin (Sicile):
Một người dì ghẻ giết con gái của chồng vốn là vợ vua, rồi đem con mình thế vào, đại thể cũng gần với diễn biến của nhiều truyện trên. Sau đó mưu gian bị bại lộ. Vua sai cắt cô gái này làm ngàn mảnh đem ướp vào thùng, gửi về cho mụ dì ghẻ nói là mắm cá thu của con gái. Khi mụ bắt đầu ăn, một con mèo nói: – “Cho tôi chút gì tôi khóc giúp cho!”. Mụ đánh đuổi mèo. Nhưng khi sắp ăn hết thấy đầu lâu con, mụ đập đầu vào tường mà chết. Con mèo nhảy lên hát: – “Mụ không cho tôi gì cả, tôi chẳng khóc giúp đâu!”.
Một truyện khác của người Ka-bilơ (Kabiles):
Một cô gái bị mẹ con người dì ghẻ làm cho cực khổ. Sau khi lấy chồng, cô vạch người chồng thấy tội ác của chúng và nhờ trả thù hộ. Chồng hỏi: – “Trả thù như thế nào?” – “Buộc nó (em gái con dì ghẻ) vào đuôi ngựa, cho ngựa kéo qua các bờ bụi”. Chồng
làm theo. Sau đó, cô cắt thịt nấu lên gửi về cho mẹ nó và em nó. Đứa em, ăn đến con mắt, ngờ vực nói: – “Ô mẹ! Con mắt này là của chị con”. Người mẹ không muốn tin. Một chốc sau, nó lại nói: – “Mẹ nhìn này, con đem miếng thịt này cho một người nào đó để họ khóc cho chị con một tý”. Một con mèo nói: – “Vậy thì cho tôi miếng ấy, tôi sẽ khóc bằng một mắt”.
Truyện của người Béc-be-rơ (Berbères):
Một đứa trẻ tên là Ba-gơ-di-đít bị mụ chằng bắt. Trong khi bận đi gọi khách đến dự tiệc, mụ giao cho con gái mình ở nhà làm thịt đứa trẻ nấu ăn. Trong hang, Ba-gơ-di-đít hát lên. Cô gái muốn nghe tiếng hát, bèn kéo hắn lên khỏi hang. Ba-gơ-di-đít xay hạt với nó rồi chơi trò chẵn lẻ, hẹn ai thắng thì được cắt tóc kẻ thua. Ba-gơ-di-đít thắng, cầm dao cắt tóc cô kia rồi bất ngờ cắt cổ. Đoạn, mang bộ tóc và áo quần của nó vào để cải trang. Lại bỏ thịt vào nồi sau khi cắt cặp vú bỏ dưới chiếu. Khi mụ mời khách về, ăn thịt con vẫn tưởng là thịt Ba-gơ-di-đít. Một con mèo nói: – “Thịt ấy có mùi sữa bà đấy!”. Mụ đánh đuổi mèo, nói: – “Đi ra mau, bố mẹ mày, bố mẹ giống nòi mày nói điêu!”.
Truyện ở Bắc Ấn:
Một đứa trẻ trèo cây hái quả. Sắp ăn thì một mụ phù thủy đi qua làm bộ hỏi xin một quả. Nó vít nhánh xuống cho mụ hái, bất đồ mụ chụp được tay, bắt bỏ vào bị. Dọc đường mệt quá, mụ đặt bị nghỉ lại. Nó chui ra, lén bỏ đá và gai vào bị rồi trốn về. Mấy ngày sau, nó lại bị mụ bắt được. Mụ bảo con dâu chặt từng miếng bỏ vào nồi để mụ còn đi mua tiêu muối. Sắp hạ thủ, con dâu ngắm thấy thằng bé xinh, bèn nói: – “Con mắt mày sao đẹp thế, đầu lại tròn…”. Đáp: – “Mẹ tôi chăm chút lắm mới được thế đấy. Mẹ tôi lấy kim nung lửa rồi châm vào mắt, còn đầu thì dùng chày giã gạo sửa mãi mới được thế” – “Tao muốn được giống như mày”. – “Khó gì”. Em dùng chày bất thình lình choảng cho nó chết rồi chặt khúc bỏ vào nồi. Đoạn mặc quần áo của nó ngồi ở góc buồng. Mụ về nấu xong múc súp cho cả nhà ăn, cho con mèo một phần. Mèo nói: –
“Nhổ đi, mẹ chồng ăn thịt nàng dâu!”. Mụ hỏi: – “Mày nói cái gì?”. Đứa bé nói: – “Để tôi ra ngoài một tý rồi tôi sẽ nói cho mà biết!”. Rồi chạy mất. Mụ chờ mãi không thấy, khi nhìn vào nồi mới rõ sự thật.
Người Ấn-độ còn có truyện kể một hoàng hậu hành hạ con chồng, cuối cùng giết chết nó. Về sau, hành vi của mụ bị vua phát hiện và xử vào tội chết, nhưng ở đây, mụ bị đốt cháy lấy xương gửi về cho mẹ mụ.
truyện của người Tô-xcan (Toscane) thì mức độ trừng phạt nặng hơn, bằng hình ảnh mụ dì ghẻ tự tay mình đổ nước sôi vào con đẻ:
Một cô gái tên là Nê-na hàng ngày phải đi chăn bò, còn phải kéo cho dì ghẻ nửa cân len. Một bà già bảo con bò cái kéo giúp. Ngày hôm sau, mụ sai con mình đi theo để dò biết tại sao Nê-na làm tròn công việc. Bà lão bảo cô chải tóc cho em để nó ngủ say, rồi mới sai bò kéo len. Hôm sau, cô em lại đi nhưng giả bộ ngủ say, nhờ đó biết được sự thật và Nê-na bị dì đánh.
Hoàng tử đến hỏi Nê-na “cô gái đẹp” làm vợ. Mụ dì ghẻ đánh tráo con mình vào để thay thế, còn cô chị thì mụ bỏ vào thùng, định giội nước sôi cho chết. Một con mèo kêu lên: – “Meo, meo, cô gái đẹp thì ở trong thùng, còn cô gái xấu thì ngồi trên ngựa vua”. Hoàng tử nghe ra, bèn đi tìm, quả thấy “cô gái đẹp”. Lập tức bỏ cô kia vào thùng và đón Nê-na về. Mụ dì không biết việc đó, cứ giội nước sôi, thành ra chết con đẻ [26] .
Trái với truyện trên, ở nhiều truyện của một số dân tộc khác, sự trừng phạt đối với mẹ con mụ dì ghẻ lại có vẻ nhẹ nhàng. Chẳng hạn như truyện của Ru-ma-ni (Roumanie) mà Hoàng Thị Đậu [27] có nhắc đến. Ví dụ truyện Bồ câu của nàng I-lê-a-na Cô-sin-de-a-na (không có việc trả thù); truyện Con gái ông lão và con gái bà lão (mụ dì ghẻ không bị phạt, chỉ cô gái mụ phải sống cô độc suốt đời, v.v…). Theo tác giả, nếu “chúng ta so sánh sự đối xử của mẹ con mụ dì ghẻ trong các bản khác nhau của Ru-
ma-ni với những hành động tàn bạo của mẹ con mụ dì ghẻ trong các bản khác nhau của Việt Nam, ta sẽ thấy mức độ ác nghiệt, tàn bạo rất khác nhau; do đó mức độ trừng phạt cũng khác nhau. Tuy vậy, những truyện thuộc loại Tấm Cám của Việt-nam và của Ru-ma-ni đều biểu hiện chung tư tưởng là “ác giả, ác báo”, “gieo gió thì gặt bão”.
Cô-xcanh (Cosquin) trong sách đã dẫn, có trình bày một loạt truyện lưu hành ở các nước mà ông gọi là Tro Bếp nam (Cendrillon masculin), nhân vật chính không phải nữ mà là nam, lúc bé có vẻ lười biếng, ngây ngô, nằm mãi không dậy, lấm lem vì vùi trong tro, v.v… Nhưng đến một lúc nào đó trở nên có sức mạnh ghê gớm, ăn khỏe, làm nên những kỳ tích, v.v… (Xem Khảo dị truyện Thánh Gióng, số 134, tập III).
Câu này theo Bản khai của xã Điền Lễ.
Dựa theo Đỗ Thận. Một truyện kể An-nam về cổ tích Tro bếp, BEFEO, tập VII, q. 1-2 (1907), và lời kể của người miền Bắc.
Theo bản khai của xã Hoàng-tràng.
Theo Loại cổ tích hay, đã dẫn .
Theo Phong Châu. Tấm, Cám có thật ở Việt Nam không? Tập san Nghiên cứu Văn sử địa, số 39 (1958).
Theo lời kể của người vùng Dương-xá (Bắc-ninh).
Tình tiết này theo Đinh Gia Khánh, Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyện cổ tích qua truyện Tấm Cám.
Trong Tạp chí Đông-dương, tập XX (1913) và Lăng-đờ (Landes), sách đã dẫn.
Một truyện Tro Bếp An Nam, Tạp chí Nghiên cứu truyền thống dân gian (tiếng Ý)
Pa-léc-mơ (1896).
Theo Lăng-đờ (Landes). Truyện cổ tích Champa.
Theo Lê Trọng Khánh, An Ly, Đỗ Thiện. Truyện dân gian Campuchia.
Theo Truyện cổ Việt Bắc, đã dẫn
[13]Theo Pha-ra (Pourra) sách đã dẫn, tập I. Truyện Cô TroBếp hay là Chiếc hài cườm pha lê phổ biến ở châu Âu cũng như ở Pháp lại kể như sau: Có hai chị em cùng cha khác mẹ. Dì ghẻ bắt con chồng làm việc nặng nhọc. Tuy rách rưới nhưng Tro Bếp (hay Lọ Lem) vẫn xinh đẹp. Một hôm hoàng tử mở dạ hội, cho mời những người danh giá tới dự. Hai cô chị được mời, ăn mặc rất choáng lộn, bắt Tro Bếp vấn tóc cho chúng, v.v…Khi chúng đi rồi, Tro Bếp ngồi khóc. Một nàng tiên (ở đây không nói là mẹ cô) xuất hiện bảo ra vườn hái một quả bí.
Đoạn, gõ gậy vào, bí bỗng hóa thành một cỗ xe mạ vàng. Lại bắt sáu con chuột nhắt gõ gậy vào hóa thành sáu con ngựa, một con chuột cống hóa thành người đánh xe. Lại biến sáu con mối thành sáu người hầu, biến quần áo rách rưới của Tro Bếp thành áo bằng gấm vóc và cho thêm một đôi hài cườm pha lê. Sắp đi, nàng tiên còn dặn đến nửa đêm phải về, bằng không thì có chuyện không hay.
Hoàng tử nghe tin báo có một nàng công chúa đẹp và sang, vội chạy ra đón vào nhảy. Lúc ấy trăm con mất đều nhìn nàng trằm trồ. Cho đến 11 giờ, Tro Bếp nhớ lời nàng tiên, vội trở về thật nhanh. Đến khi hai chị về gõ cửa, Tro Bếp giả vờ dụi mắt bước ra. Đến hôm sau Tro Bếp lại đi dự, nhưng cô mải mê thích thú quên cả lời nàng tiên dặn. Đồng hồ điểm 12 giờ mới vội chạy về, đánh rơi chiếc hài. Hoàng tử nhặt được và cũng có chuyện ướm chân. Hai chị ướm không vừa, còn chế giễu Tro Bếp, không ngờ Tro Bếp chẳng những đi vừa lại còn rút nốt chiếc hài trong áo ra đi nốt vào chân kia. Nàng tiên lại hiện ra hóa phép cho Tro Bếp có áo quần lộng lẫy. Hai chị mới biết nàng công chúa hôm nọ với Tro Bếp là một. Sau khi làm lễ cưới, Tro Bếp đem hai chị gả cho hai quan to trong triều (theo Pê-rôn (Perrault)).
Theo Miến Điện, dân gian cố sự.
Theo Đinh Gia Khánh, sách đã dẫn.
Theo Truyện cổ Việt Bắc, đã dẫn. Xem thêm truyện Nàng Khao Nàng Đăm ở Khảo dị truyện số 12, tập I, cũng có người mẹ hổ.
Theo Truyện cổ dân gian Việt Nam, tập I, đã dẫn.
Theo Truyện cổ dân gian Việt Nam, tập I. Truyện này theo chúng tôi, người kể chắc bỏ sót một số tình tiết.
Theo Truyện cổ dân gian Việt Nam, tập II, đã dẫn.
Theo Đơ-la-ruy (Delarue) và Tê-nê-dơ (Ténèze). Truyện cổ tích dân gian Pháp, quyển II.
Theo Cô-xcanh (Cosquin), sách đã dẫn, tập I.
Theo Truyện cổ dân gian Việt Nam, tập II.
[23]Một truyện trong Pen-ta-mơ-ron giống truyện trên. Đại thể là: một cô gái yêu một hoàng tử bị một nữ nô hóa phép thành chim bồ câu rồi lấy hoàng tử thay cô gái. Bồ câu nhiều lần bay đến lâu đài hỏi đầu bếp mọi việc. Nữ nô ra lệnh cho đầu bếp bắt bồ câu làm món rô-ti. Chỗ quăng lông bồ câu mọc lên một cây quýt đẹp có ba quả. Vua hái một quả bóc ra tự nhiên thấy người yêu thật xuất hiện.
Tác giả sách này là Đoàn Thành Thức (?-863). Truyện trên do ông sưu tầm “ở phương Nam”. Đinh Gia Khánh, sách đã dẫn, đoán là vùng Ung-châu, tức là vùng dân tộc Choang (Quảng-tây, Trung-quốc).
[25]Người Hy-lạp (Grèce) kể truyện này như sau: Một cô gái đi với người vú nuôi đến xứ người yêu để làm vợ một hoàng tử. Vì vú nuôi chủ ý cho ăn mặn nên khát quá, cô xin nước uống. Vú nuôi bảo: – “Ở xứ này nước đắt, mỗi một ngụm đổi lấy một con mắt”. Cô lần lượt chịu cho móc hai mắt để khỏi chết khát. Vú bèn bỏ nàng lại, đưa con gái đẻ của mình vào cung làm vợ hoàng tử. Cô gái mù được một bà già hảo tâm nuôi nấng. Cô vốn có tướng khi cười thì có hoa hồng hiện ra. Bèn sai bà già mang hoa hồng vào cung đổi lấy mắt. Cuối cùng mắt cô cũng sáng trở lại và được lấy hoàng tử.
Phần nhiều những truyện kể trên đều theo Cô-xcanh (Cosquin). Truyện cổ tích dân gian miền Lo-ren và Những truyện cổ tích Ấn Độ và phương Tây, v.v…
Trong bàiMột số tư liệu để tiến tới so sánh truyện Tấm Cám của Việt Nam và Ru-ma-ni (Tạp chí văn học, số 3-1963).
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.