Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam

KHO TÀNG KHO TÀNG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT NAM CỦA NGUYỄN ĐỔNG CHI



Kho tàng truyện cổ tích Việt-nam đã ra được ba tập và có tập đã in lại đến lần thứ tư, thứ năm, trong vòng trên mười lăm năm. Chỉ sự việc đó thôi, cũng đã nói lên một phần giá trị của bộ sách. Đáng lẽ phải chờ cho sách ra trọn bộ, để có thể nghiên cứu cả ý kiến của tác giả về “ý nghĩa, giá trị và đặc điểm của truyện cổ tích Việt-nam thế nào? Phương pháp nghệ thuật và nội dung tư tưởng của nó có khác gì với truyện cổ tích Đông Tây?” (Bản in đã dẫn, tập I, tr. 71), và xem toàn bộ hệ thống truyện được chọn lọc ở cả những tập cuối, rồi mới góp ý kiến thì hợp lý hơn. Nhưng chúng tôi thiết nghĩ ba tập sách ra đời, trải qua thời gian hơn mười lăm năm, cũng tạm đủ thử thách để có thể cho phép chúng ta rút ra một số nhận xét, kết luận cần thiết. Hai nữa, chờ cho sách ra được trọn bộ e có thể còn lâu, vì “kho tàng” truyện cổ tích Việt nam trên khắp cả đất nước ta vô cùng phong phú, công phu sưu tầm và nghiên cứu của tác giả dù đã rất lớn, chắc cũng còn phải bỏ vào đấy khá nhiều.

Những tập đã công bố của Kho tàng truyện cổ tích Việt-nam có hai phần chủ yếu :

Phần thứ nhất: Nghiên cứu truyện cổ tích nói chung và truyện cổ tích Việt-nam.

Phần thứ hai: Kho tàng truyện cổ tích Việt-nam (phần này mới chỉ gồm 120 truyện).

Phần nghiên cứu in ở đầu tập I đề cập đến ba mặt của vấn đề truyện cổ tích: Bản chất truyện cổ tích, Lai lịch truyện cổ tích, Truyện cổ tích Việt-nam qua các thời đại. Đây có thể coi là phần “tuyên ngôn”, nêu rõ quan điểm của các tác giả về loại hình truyện cổ tích, quy luật cũng quá trình hình thành truyện cổ tích, bước đường tiến hóa của nó trong lịch sử văn học truyền miệng và lịch sử văn hóa dân tộc (tác giả đề cập đến sự xuất hiện và sự suy tàn của truyện cổ tích Việt-nam những trong đó có dụng ý khái quát tiến trình vận động của loại hình truyện cổ tích và tuyên truyền miệng nói chung). Còn phần “tổng kết”, đánh giá toàn bộ truyện cổ tích Việt-nam, chắc cũng sẽ có tầm quan trọng tương xứng với phần “tuyên ngôn”, như đã nói ở trên, sẽ được in ở lớp cuối của bộ sách, là phần thứ ba, khép lại của toàn tập.

Trong khi chờ đợi sách ra trọn bộ, và cũng để đọc liền mạch cả hai phần nghiên cứu, để trình giải cho xác đáng những ý kiến có tính hệ thống của tác giả (trong đó nhiều ý kiến đã được các học giả phương Tây luận bàn[1]), chúng tôi xin phép được hẹn một dịp khác sẽ trực liếp phân tích, đánh giá một cách tổng thể phần nghiên cứu quan trọng này. Riêng phần văn bản truyện cổ tích, chỉ qua ba tập đã in ra, tác giả đã giới thiệu cho chúng ta 120 truyện, xoay quanh những chủ điểm sau:

Nguồn gốc sự vật (25 truyện)

Sự tích đất nước Việt (10 truyện)

Sự tích các câu ví ( 25 truyện)

4. Thông minh, tài tử và sức khỏe (32 truyện)

Sự tích anh hùng nông dân (12 truyện)

Truyện phân xử (10 truyện)

Truyền thần tiên, ma quỷ và phù phép (6 truyện).

Ngoài ra, ở dưới mỗi truyện, trong phần Khảo dị, tác giả còn giới thiệu thêm rất nhiều dị bản, nhiều truyện cổ tích khác có khía cạnh tương tự về mặt này hay mặt khác với truyện đã kể. Đây là hàng loạt cổ tích của các dân tộc thiểu số trong nước ta hoặc cổ tích của nhiều dân tộc trên thế giới…

Qua ba tập sách, người ta đã thấy đây đúng là “kho tàng”, dù chỉ mới xếp xong có “ba kho”. Ở chủ điểm nào cũng thấy sự phong phú đa dạng của loại hình cổ tích. Đọc xong một sự tích của ta, bạn đọc lại bị lôi cuốn vào hàng loạt sự tích cùng loại của thế giới (chẳng hạn ở truyện Sự tích con khỉ (tập I), phần Khảo dị tác giả kể thêm 25 dị bản; ở truyện Nói dối như Cuội có thêm 24 dị bản; truyện Ba chàng thiện nghệ (tập có thêm 30 dị bản…). Rất ít truyện không có Khảo dị. Nếu đổ đồnghơn bù kém cứ sau một truyện chính lại gợi thêm chừng 10 dị bản, thì số lượng truyện cổ đến trong cả ba tập – với những hình thức và chi tiết khác nhau – phải tính đến con số ngàn.

Kho tàng này còn đáng quý ở chỗ bao gồm được những truyện đã được thời gian sàng lọc – tất nhiên được tác giả kỳ công tìm tòi, tuyển chọn và kể lại – để có giá trị tiêu biểu bậc nhất cho truyện cổ tích Việt-nam. Vì thế, có thể nói, Kho tàng truyện cổ tích Việt-nam của Nguyễn Đổng Chi đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác sưu tầm, giới thiệu, nghiên cứu truyện cổ tích Việt-nam; nó đạt được những thành tựu vững chắc hơn không ít các tập truyện cổ tích đã xuất bản từ trước đến nay, về cả hai mặt số lượng và chất lượng.

Về mặt ngôn ngữ truyện kể, tác giả đã cố gắng để không rơi vào hai xu hướng lệch lạc khá phổ biến xưa nay là tiểu thuyết hóa hoặc đơn giản hóa truyện cổ tích. Nhiều truyện kể hấp dẫn, làm nổi bật chủ đề, sự việc diễn biến dồn dập, lôi cuốn, như Sự tích chim tu hú, Gốc tích tiếng kêu của Vạc, Cộc, Dủ dỉ, Đa đa và Chuột, Sự tích đầm Mực… (tập I). Của Thiên trả Địa, Chàng Lía…(tập II), Con chó, con mèo và anh chàng nghèo khổ, Ba Vành… (tập III), vân vân… Tác giả đã dụng công kết cấu từng truyện đúng như cái cốt ban đầu của chúng, để cho mỗi truyện lôi cuốn người đọc theo sự kết hợp mô-típ và chủ đề riêng của nó, tránh dàn đều xóa nhòa sự dị biệt, đặc thù nếu có, lại càng tránh xu hướng hiện đại hóa lộ liễu. Người đọc không hề phải khó chịu vì đọc những đoạn văn tả cảnh, tả tình dài dòng như ở một số tập truyện cổ tích khác. Lời văn kể chuyện trong cả ba tập nói chung giản dị, dễ hiểu, đôi chỗ dí dỏm, vui tươi. Có thể nói, ở đây, tác giả đã cố gắng sử dụng ngôn ngữ kể chuyện của người bình dân và cách diễn đạt dân gian mà vẫn không làm cho các truyện rơi vào thô thiển. Cái khó của truyện kể là xác định cho đúng chủ đề tư tưởng ban đầu của câu chuyện cổ, rồi kể làm sao cho nổi, cho sáng chủ đề tư tưởng đó một cách nghệ thuật, hợp với luận lý. Ở truyện Sự tích đầm Mực, qua lời trao đổi của Chu An với hai anh học trò là con vua Thủy: – “Các con cố thứ nghĩ xem có thể lấy nước ở đâu được không? Không cứu được nhiều thì ta hẵng tạm cứu ít vậy!” – “Dạ, oai trời rất nghiêm nhưng là thầy thì rất trọng. Chúng con xin vâng lời thầy”, tác giả đã cho ta thấy đạo đức của ông thầy và tình nghĩa thầy trò sâu nặng. Người ta thường gọi lối kể này là “khéo léo phục chủ đề qua sự việc”.

Tuy vậy, ở một số truyện, rải rác vẫn còn đôi chỗ dùng từ cầu kỳ hoặc chen vào một đôi lời bàn không cần thiết, như. “Ngày xưa, có một vị hòa thượng trẻ tuổi nổi tiếng chân tu. Mọi “thị dục” của bản thân, hòa thượng đều kiên quyết cắt đứt, chỉ một lòng chuyên chú vào lẽ hư vô của đạo Thiền”, hoặc “Thế là chuyến đó Phật bà Quan âm không được hài lòng. Giận vị hòa thượng đã thiếu kiên trì trước sức cám dỗ của thị dục”… (Sự tích con nhái, tập I, sách đã dẫn, tr.119-121). Chữ “thị dục” tuy có giữ lại được màu sắc cổ kính của từ ngữ, nhưng nên chăng đổi sang một chữ khác cho bình dị hơn?

một vài truyện, ngôn ngữ đối thoại có lẽ còn phảng phất ảnh hưởng của những văn bản thuộc loại hình khác, không phù hợp lắm với lối kể dân gian. Ví dụ trong truyện Vợ ba Cai Vàng, khi Cai Vàng mời ba vợ đến họp bàn, tác giả kể lại cuộc đối thoại giữa họ với nhau:

“Ông nói. – “Tôi nay không khác gì cưỡi trên lưng hổ, sớm muộn bọn chúng cũng chẳng để yên cho nào. Vậy tôi muốn một phen chọc trời khuấy nước, diệt cho hết lũ tham tàn để vẫy vùng riêng một cõi. Ba nàng nghĩ sao?”. Người vợ cả thưa rằng. – “Châu chấu chống xe làm sao được! Chàng đừng nghĩ dại dột! Cái vạ diệt tộc hãy còn rình sau lưng đấy! Mong chàng nghĩ lại thôi. Nếu chàng dấy quân, thiếp đành xin trở về nuôi mẹ. Một mai nhỡ có việc gì, thiếp xin phụng dưỡng mẹ già thay chàng”.

Người vợ hai cũng tiếp luôn:

“Chàng ơi, nghe thiếp đừng đi,

Cửa nhà, cơ nghiệp thiếu gì ăn chơi” v.v…

Về mặt khảo dị, tác giả đã dày công nghiên cứu và tìm tòi tư tiệu ở khắp mọi nơi và khắp mọi nguồn, để có thể gợi ra hoặc kể tóm tắt nhiều dị bản ở trong nước, ngoài nước, giúp ích rất nhiều cho người đọc trong việc so sánh, để tìm những nét đại đồng tiểu dị trong nội dung những truyện kể thuộc cùng một chủ đề, hoặc một chủ điểm trong cách kết cấu của những truyện cùng loại hình, trong sự lặp lại hoặc phát sinh của những “mô-típ, hình tượng; mặt khác thấy được những nét độc đáo của truyện cổ tích Việt-nam và sự giao lưu văn hóa giữa các nước.

Điều đáng nói là tác giả đã cố gắng tìm được nhiều dị bản ở nhiều địa phương trong nước. Điều này quan trọng hơn rất nhiều so với việc so sánh dị bản ở nước ngoài. Vì càng có được trong tay nhiều dị bản về một cốt truyện đã chuyển hóa qua nhiều nơi, nhiều vùng, thì càng có cơ sở tô đậm tính dân gian của truyện cổ tích, càng giúp người đọc dễ nắm bắt được chủ đề đích thực của từng câu chuyện. Đọc xong truyện Cứu vật vật trả ân, cứu nhân nhân trả oán (tập II), rồi đọc thêm dị bản Bạc hơn cầm thú ở Hà-tĩnh, và những truyện khác ở Nghệ an, ở phường An-phụ (Hà-nội)… chúng ta càng thấy sức sáng tạo của quần chúng mỗi nơi mỗi vẻ, cũng như nét nhân bản rất rõ trong truyện cổ tích Việt-nam (con người không thể không cứu đồng loại, mặc dầu biết rõ đồng loại là loài khôn ngoan nhất, nên có thể trở thành “nguy hiểm” cho mình). Đọc sự tích Tô thị vọng phu ở Lạng-sơn, sự tích đá Vọng phu ở Bình định và một loạt dị bản khác được dẫn dắt khéo léo trong tập sách của Nguyễn Đổng Chi, ta mới biết sự khác nhau về chủ đề vẫn thường gặp trong một số truyện cổ tích có bề ngoài hình như giống nhau.

Có thể nói, giá trị của Kho tàng truyện cổ tích Việt-nam tăng lên nhiều, một phần quan trọng là nhờ sự phong phú, dồi dào của phần Khảo dị. Tuy vậy, bạn đọc vẫn muốn yêu cầu tác giả trong những lần tái bản sau, nâng cao hơn nữa số lượng dị bản ở trong nước, để không những phù hợp với tên bộ sách là Kho tàng truyện cổ tích Việt-nam mà chủ yếu đáp ứng một yêu cầu khoa học thực tiễn cấp thiết của giới nghiên cứu, và của đông đảo công chúng. Đó là vấn đề: tính dị bản của cổ tích Việt-nam, cho đến nay vẫn chưa được đặt thành vấn đề nghiên cứu một cách thật hệ thống. Có nhiều nhà cổ tích học đã sưu tập được hàng trăm dị bản và một cốt truyện ở nhiều nước khác nhau, nhiều dân tộc khác nhau, như Ê-ma-nuy-en Cô-xcanh (Emmanuel Cosquin) với cốt truyện “cô gái bị bắt được cứu thoát và những nhân vật có tài lạ”, hoặc như Đinh Gia Khánh với loạt truyện Tấm Cám… Song đó là vấn đề đặt ra cho loại sách khảo cứu chuyên đề. Còn đối với sách “kho tàng” cổ tích của một dân tộc, như Kho tàng truyện cổ tích Việt-nam thì thiết tưởng yêu cầu đầu tiên là làm nổi bật các dị bản của các địa phương trên địa bàn Việt-nam (đó là sự vận động nội tại của loại hình này, qua các mối giao lưu văn hóa trong lịch sử), rồi sau mới tính đến các dị bản của thế giới.

Cách sắp xếp ở phần Khảo dị cũng có những phần chưa được nhất quán. Phải chăng nên có những khảo dị rành rọt về từng loại: khảo dị truyện cùng chủ đề, khảo dị truyện cùng loại kết cấu, khảo dị truyện có mô-típ, hình tượng giống nhau… Làm như thế chắc sẽ mất công nhiều hơn (mà bộ sách này tác giả đã bỏ ra bao nhiêu là tâm huyết), và cũng chiếm nhiều trang hơn (trong khi sách cũng đã rất dày), nhưng nêu lên như trên chứ không nhất thiết truyện nào cũng phải có đủ cả các phần khảo dị như đã nói. Ví dụ: ở truyện Sự tích con khỉ có lẽ nên khảo dị trước hết những truyện cùng mô-típ người hóa khỉ, rồi Khảo dị đến những truyện cùng kết cấu hai người tốt và xấu và mỗi người chịu kết quả báo ứng tương xứng với tính nết của họ” như truyện chính; sau đó mới mở rộng đến truyện cùng kết cấu “một cặp chị em tốt và xấu và mỗi người chịu kết quả báo ứng tương xứng với tính tiết của họ”. Như vậy, trình tự của khảo dị sẽ mạch lạc, và người đọc để nghiên cứu cũng dễ nắm được các dẫn liệu của công trình. Mặt khác, qua phần Khảo dị mà tác giả trình bày, cũng có thể nghĩ rằng, có một số truyện nên tách ra để xếp vào kho truyện chính. Chẳng hạn, ở phần Khảo dị Sự tích đá Vọng phu, truyện Sự tích sao Hôm, sao Mai và sao Rua hay Sự tích cây Phật thủ đều có đủ tư cách để đứng riêng thành một truyện chính tiêu biểu trong Kho tàng. Không hiểu do sự giới hạn số lượng dự định trước hay một lý do nào đấy đã khiến tác giá không đẩy cao hơn nữa những tư liệu quý giá của mình?

Việc sưu tầm và nghiên cứu truyện cổ tích nói riêng, văn học dân gian nói chung – đúng như tác giả viết trong Lời nói đầu – “nếu chưa thành một công việc của tập thể, được khởi động thành một phong trào rộng lớn trong cả nước thì vẫn chưa thể gọi là toàn diện và do đó cũng chưa đạt kết quả dứt điểm như ý muốn”. Trong khi chờ đợi công trình tập thể mơ ước đó, cho tới nay, một mình tác giả đã cho ra mắt bạn đọc ba tập Kho tàng truyện cổ tích Việt-nam, với phong cách riêng và những ưu điểm như đã nói ở trên, thật là một cống hiến kịp thời và rất đáng coi trọng.

TẠ PHONG CHÂU

(Tạp chí Văn học, số 2- 1975)[2]

Xin xem bài của M.Durand và bài của Lê Văn Hảo trên BEFEO, số 1 – 1964.

Trong bản in trên Tạp chí Văn học, tác giả ký bút danh Anh Phong, nhưng trong bản bổ sung và sửa chữa hoàn chỉnh gửi cho thân phụ chúng tôi, ông đã ký tên thật. Bản in này dựa trên văn bản đó (NHC).


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.