Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam

TUỔI TRẺ HIẾU ĐỘNG



Thời niên thiếu, anh Gióng là một tay rất ưa nghịch ngợm. Anh chơi bời, phá phách, quấy rối hết thảy mọi người. Nghỉ hè, từ Vinh [4] về nhà, trong vườn có mấy cây ổi, cây nhãn, anh trèo suốt ngày, hầu như ở trên cây từ khi quả còn xanh cho đến khi hết quả. Tôi và người chị kế sau anh – chị An – chỉ đứng chực dưới gốc để thỉnh thoảng được anh vứt xuống cho một chùm nhãn hoặc vài quả ổi. Có mấy cây nhãn ngon, mẹ tôi thường thuê người đan lồng để bu nhãn lại cho dơi khỏi ăn, Nhưng việc bu những cành nhãn nhỏ ở xa thì ai cũng chịu, chỉ anh tôi mới dám trèo ra để làm. Cũng vì leo trèo suốt ngày nên mẹ tôi lo nhỡ ngã thì què chân gãy tay hay có thể chết người nữa là khác. Năm đó anh tôi học ở Đồng-hới về nghỉ hè. Lẽ ra còn có thể ở thêm dăm hôm nữa rồi vào nhập trường cũng còn kịp, nhưng vì thấy anh leo trèo nhiều quá, mẹ tôi ra lệnh cho anh phải lên đường sớm hơn, chuẩn bị hành trang để vào thị xã Hà-tĩnh đón xe đi Đồng-hới. Anh tôi tính tuy ương nhưng cũng vâng lời mẹ ra đi. Đi được mấy tiếng đồng hồ, trong nhà thiếu anh trở nên vắng vẻ hẳn. Ai cũng như thấy thiếu một cái gì. Mẹ tôi đâm ra thương con, bèn bảo bác Chất Nghĩa trèo lên cây nhãn bẻ vội mấy lồng rồi đuổi vào tận bến xe Hà-tĩnh để đưa cho anh.

Lại có một lần nghỉ hè, anh tôi khoảng 9-10 tuổi, còn tôi thì còn bé tí. Nhân ngày rằm tháng Bảy, cha tôi dẫn cả ba anh em đi lễ chùa (chùa Ba-làng, một di tích liên quan đến vị tổ của chúng tôi là Trần Đức Mậu, ở thế kỷ XV). Sau cuộc lễ, thầy chùa mời các vị bô lão ở lại để thết cỗ chè. Thầy chùa định cho ba anh em ba chén chè nhưng cha tôi ngăn lại và đề nghị thầy chỉ cho thằng út một chén thôi (bởi vì thấy mâm chè cũng không nhiều nhặn gì lắm mà bô lão lại đông). Tôi được hưởng một chén chè còn anh chị tôi đành nhịn. Tôi ăn xong, cha tôi bảo ba anh em đưa nhau về trước còn cha lại để trò chuyện. Về nhà mẹ tôi đã trữ sẵn một vại nước mưa, bảo ba anh em cởi quần áo ra để mẹ tắm cho mát. Lúc quần áo cởi ra, thấy trên người anh có những nốt ghẻ, tôi thuận tay khảy mấy cái, không ngờ làm anh chảy máu. Thế là anh tôi chửi toáng lên: – “Mẹ cha đứa mô [nào] đẻ ra thằng Hưng để nó làm tao chảy máu đây này!”. Mẹ tôi thấy thằng con chửi hỗn bèn cầm roi ra đánh. Đánh được vài roi thì anh tôi bỏ chạy, thuận chân đá luôn chiếc liễn đựng mật đương phơi giữa sân hàu (sân làm bằng vôi cát và tro trộn mật, không có xi-măng). Mật mía đặc trong liễn theo đường lăn của chiếc liễn chảy thành một dòng nhỏ như sợi bấc đèn. Nhân khi mẹ còn bận đuổi anh, tôi bèn rón rén theo dòng mật chảy, lấy tay vét đưa lên miệng… Chốc sau, khi đã tắm xong, chị An tôi cười bảo với mẹ: – “Chắc ông anh bực vì không được ăn chén chè của nhà chùa thôi, chứ nốt ghẻ chảy máu thì nào có đau đớn gì!”.

Cũng cái tính ương bướng như thế đã sớm tạo cho anh tôi một lối sống cứng cỏi, không để cho ai bắt nạt, cũng không giấu giếm bất bình trước mọi chuyện trái tai gai mắt mà mình bắt gặp. Cần nói rằng, có lẽ do sớm được đọc sách, ngay từ còn nhỏ anh em chúng tôi đã ít ham thích những tập tục cổ hủ của nông thôn như chuyện cỗ bàn xôi thịt, nhất là chuyện tranh giành nhau trong họ ngoài làng. Chúng tôi cũng có tham gia vào tất cả những chuyện ấy như các thành viên khác, nhưng chỉ tham gia lấy lệ mà không hề say mê (kể cả chuyện đánh tổ tôm mà tôi sẽ kể sau). Và khi những cuộc họp làng, nhất là họp họ đã đến chỗ gay cấn, trước chén rượu rót đã lửng chai và giọng nói của ai đó đã có vẻ lè nhè hay trở nên sừng sộ thì dù là con nhà tộc trưởng, anh em tôi cũng bấm nhau lặng lẽ rút lui, để cho cả họ ngồi lại khu xử (có khi nổ ra những cuộc cãi vã đỏ mặt tía tai, và rồi bất kể thứ gì có trước mặt: chai, lọ, chén, bát, khay trầu, ghế tựa… đều dùng để trút lên đầu nhau… Mãi cho đến khi hết say rồi mới lại tìm cách dàn hòa).

Một lần câu chuyện xảy ra vào khoảng hè 1929, hoặc 1930, làng góp tiền để xây dựng một cái giếng cho nhân dân đi lấy nước thuận lợi hơn, kẻo cả một xã rộng lớn chỉ dùng có mỗi một cái giếng cạn (giếng Tran) trên cồn (cồn Chùi), hơi xa và đông người quá, bất tiện. Hơn nữa, giếng Tran đào như một cái ao, người lấy nước phải lội xuống, nghiêng vò cho nước chảy vào đầy rồi quảy lên, thành thử múc nước thì đôi chân bẩn cũng nhúng luôn vào nước. Người em họ của chúng tôi đã đứng tuổi là B., người xóm trong, được làng giao cho đứng ra lo liệu. Ông chủ trương đào giếng ở một địa điểm nằm giữa hai xóm trong và ngoài cho thuận lợi cả hai bên khi đi múc nước. Tại đó, có miếng đất bắc mạ của ông Ng. cũng là người trong họ, tuy đã đem cầm cho bà Q. Ch. , vợ ông chú họ, để đi hút á phiện, nhưng ông vẫn cho làng đào giếng vào một góc. Tiếc thay vì không kiểm tra thử chất lượng trước nên giếng đào đúng vào mảnh đất chua phèn, nước không dùng được, làm xong bị dân loại bỏ, từ đấy chúng tôi vẫn gọi là giếng Chia, cũng chẳng hiểu vì sao. Nhưng điều đang nói là việc đào giếng đã làm cho bà mợ Q. Ch. tức giận điên người, vì mảnh đất vốn đã được cầm cho bà, Nhân bữa giỗ họ vào rằm tháng Bảy, bà đùng đùng xông đến, bất thình lình vật ông Ng. xuống, đè lên và ra sức chửi mắng. Cuộc họp biến thành một cuộc giằng xé dữ dội giữa con cái ông Ng. và vợ chồng bà Q. Ch. Đã thế sau khi rượu vào, trong họ lại sinh hiềm khích. Một người em họ là H. nóng nảy lật cả một nong thịt vừa thái xong làm cho xôi thịt đổ ra tung tóe, việc đó lại gây nên một cuộc xô xát thứ hai. Chúng tôi được một bữa hồn vía lên mây. Nhưng mới sáng hôm sau đã thấy anh Gióng tụ tập bọn trẻ lại hát cho nghe một bài vè. Đứa nào nghe xong cũng lẩm nhẩm đến thuộc lòng như cháo vì bài vè lột tả thật sinh động bữa cổ hôm qua mà chúng tôi vừa chứng kiến:

“Ngày rằm tháng Bảy kia,

Mụ Q. Ch. ra hề.

Chuyện cũng hay, hay thật,

Xin kể ra đây nghe.

Làng đào giếng uống nước,

C. Ng cúng đất bắc.

Mụ Q. Ch. nghe tin,

Vội đi ngay một bước.

Tới nhà thời bữa rằm,

Họ chia phân vừa xong.

Mụ ôm vật C. Ng.

Đè xuống mà bảo rằng:

“Mày thiếu tiền hút xách, Tao đã liệu chu tất.

Mày gán ruộng ấy rồi,

Sao giờ lại cúng đất?”

C. Ng. : – “Đất của choa [chúng tao],

Cho, không, mặc kệ mà!

Ai mượn mi dự đó?

Muốn tốt thả tao ra”.

Đoạn giữa kể đàn con ông C. Ng. xâu vào đánh giải thoát cho bố, tôi đã quên mất, chỉ còn nhớ đoạn cuối nói về sự kiện tày đình thứ hai, cũng tại nhà thờ hôm đó:

Cu H. nhảy đại vô,

Xô cái nong một xô.

Thịt rơi tung tóe cả,

Chó mèo được bữa no!

Cố Th. đứng dậy ngay,

Nói cho cố L. hay:

– “Phải đền nong thịt ấy”

Cố L: – “C. đây này!”

Cũng nên nhớ là bài vè được viết lúc anh tôi chỉ mới mười bốn tuổi. Lũ trẻ chúng tôi vừa đọc cho nhau vừa rất phục tài anh. Nhưng vài ba năm sau, lại một chuyện khác xẩy ra khiến cho tiếng tăm anh càng “nổi” hơn. Lúc này anh đã tốt nghiệp Pri-me (Primaire) ở Đồng-hới, chuyển ra Vinh ở với cha tôi để tìm việc làm. Tôi cũng cùng với bà nội ra Vinh ở với cha tôi. Ra đến nơi, tôi thấy trên bàn anh để rất nhiều báo chí, đủ loại, do cha tôi mua về. Riêng anh còn lo ky cóp mua khá nhiều loại sách hồng (livre rose), và đọc suốt ngày đêm. Vì còn sống tự do, chưa có việc gì làm nên ban ngày đọc sách, tối lại anh lần mò đi học võ. Anh không học với ai xa lạ mà tìm xuống dưới nhà học với hai anh em một người lái xe, cùng thuê một phòng trong ngôi nhà khá rộng rãi chúng tôi đang ở. Tôi không rõ việc học hành võ nghệ của anh ra sao, vì mình còn quá nhỏ, nhưng một hôm, giữa đám bạn bè cùng ở trọ học tại đấy anh bỗng cười bảo: – “Cậu nào có muốn đấm mình không? Cứ xông vào đấm thật lực, mình không làm gì đâu. Đấm vào tay, chân, vào người, đâu cũng được”. Mấy cậu choai choai lúc đầu tưởng anh nói chơi nên chỉ cười, sau biết anh muốn thử xem sức học võ của mình đã tấn tới đến đâu, bèn vui vẻ đứng dậy xắn tay áo dang thẳng cánh quật vào anh tới tấp. Những cú đấm bịch bịch của họ xem ra cũng nặng cân lắm vì tôi thấy anh nín thở đối phó, thỉnh thoảng lại “ự, ự”. Tôi đứng xem hơi hoảng, đang lo thay cho anh thì chợt thấy anh khoát tay một cái, một câu kêu “ối” và ôm chặt lấy tay. Thì ra anh đã dùng ngón đòn chặt mạnh bàn tay vào tay cậu, làm cậu trẹo mất mấy ngón tay. Gần đây, sau khi anh tôi đã qua đời, cháu trai tôi có dịp gặp lại người bạn năm xưa của bố là Trần Xuân Phác, nay ở 57 Giảng-võ – ông Phác vẫn chưa quên chuyện cũ; vừa chỉ vào ngón tay út vừa cười, nói với cháu tôi: – “Nó vẫn trẹo đây này”.

Thế rồi một hôm, ít lâu sau ngay thử võ, anh tôi về nhà. Hồi ấy nhà tôi có một con bò cho người làng trên (Ích-mý) nuôi rê. Nuôi rê tức là nuôi bò cho người khác, theo chế độ: được cày bừa thoải mái nhưng nếu bò đẻ thì phải chia hai, một nửa của chủ có bò và một nửa của mình. Rất tiếc chúng tôi lại gặp phải một tay nuôi rê láu cá, và tính cách cũng vào loại “sừng sỏ”. Nên tuy bò đã đẻ mấy lứa mà anh ta vẫn “lỉnh”, không thèm báo qua một tiếng với chủ có bò. Phiền nỗi là ở nhà quê chỉ có mình mẹ tôi, một người phụ nữ hiền lành, với người bố chồng già yếu lại bị què chân, nên chẳng làm được gì tay này cả. Vừa về đến nhà, nghe chuyện, anh tôi đã hối hả lên làng trên hỏi cho ra lẽ. Mẹ tôi và ông tôi can mãi anh cũng không nghe. Ai cũng lo thay cho anh. Mẹ tôi liền cho bác Chất Nghĩa đuổi theo thám thính để nhỡ có chuyện gì còn kịp can gián. Nhưng ông vừa lên đến nơi thì cũng vừa kịp chứng kiến một chuyện lạ lùng: anh tôi đầu trần, bộ quần áo trắng, mới bước vào cổng gọi người nuôi bò rê thì từ trong nhà hắn đã sừng sộ bước ra với một chiếc đòn gánh cầm tay. Sau vài câu lời qua tiếng lại, anh chàng nuôi bò ỷ vào cái tính ngổ ngáo của mình, hạ ngay độc thủ, cầm đòn gánh giơ lên phang thẳng xuống đầu anh tôi. Mọi người nhìn thấy không ai là không thất sắc, nhưng chưa một ai kịp kêu lên thì anh tôi đã giơ cánh tay mảnh dẻ lên đỡ cú đánh ác hiểm. Thế rồi không hiểu sao chiếc đòn gánh to lừng lững kia lại không làm gãy tay anh mà trượt theo cánh tay xuống nách, và bị anh kẹp chặt lại ở nách, cứng như sắt. Chàng nông dân nọ đang đớ người ra trước một sức khỏe và sự nhanh dẻo dị kỳ như vậy thì liền bị cánh tay kẹp đòn gánh của anh tôi giật lùi một cái, cả người anh chàng ngã sấp xuống. Mọi việc xảy ra trong chớp mắt. Anh tôi không nói một tiếng, chỉ thả đòn gánh ra để cho anh chàng ngổ ngáo đứng dậy, mặt ngượng ngập, phủi bụi đất ở áo quần, rồi mới thủng thỉnh bảo: “Cũng nên một vừa hai phải chứ, không phải muốn làm gì ai cũng được đâu!”. Nói rồi anh chào người vợ và thong thả ra về. Từ đấy cả vùng quê tôi người ta đồn nhau: “Gióng là tay có võ!”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.