Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam
152. HÀ RẦM HÀ RẠC
Ngày xưa, một nhà nọ có hai anh em cha mẹ mất sớm để lại một tư cơ cũng vào hạng khá trong vùng. Từ trước hai người vẫn ở chung với nhau. Ít lâu sau người anh lấy vợ. Anh bảo em:
Bây giờ đã đến lúc phải chia gia tài ra để cho mày học ăn học làm với người ta. Đến ngày chia của, anh chìa một tờ giấy, bảo em:
Của cải của cha mẹ để lại chỉ có ba giống: Giống đực, giống cái và giống con. Mày bé bỏng nên tao nhường cho mày tất cả những đồ đạc giống đực, còn giống cái và giống con thì phần tao. Nghe chưa, nếu mày bằng lòng thì ký vào đây!
Em ngây thơ tưởng là anh thương thật nên không nghi ngờ gì cả, ký ngay vào giấy. Cuộc chia của bắt đầu. Nhưng đồ vật nào mà chẳng là “cái” hay “con”. Người anh đếm mãi: “Cái nhà này: của tao, con trâu này: của tao, cái chum này: của tao, cái cày, cái bừa này: của tao…”. Suốt từ sáng đến chiều những của chìm của nổi chia đã sắp vơi mà vẫn chưa có một vật nào thuộc giống đựa cả. Mãi đến lúc trời đã tối, người em tức mình mới chụp lấy một cây dao rựa dựng ở bờ hè mà nói rằng:
– Đây là “đực rựa” [1] thuộc về phần tôi!
Nói xong, vác rựa lùi lũi đi ra giữa lúc người anh cười ha hả vì thấy mưu kế của mình đã đạt.
Từ đấy, người em ngày ngày vác rựa vào rừng chặt củi làm kế sinh nhai. Vì không có nhà ở nên anh ta phải ăn nhờ ở đậu hết nhà người bà con này qua nhà người quen khác. Có hôm phải nằm đình nằm chùa, ngủ cầu ngủ quán như kẻ cầu bơ cầu bất. Nhưng anh vẫn chăm chỉ làm ăn để khỏi phải cái nhục ngửa tay ăn xin.
Một hôm trăng non vừa mọc, anh đang ngủ say tỉnh dậy tưởng trời đã sáng, bèn vớ lấy rựa đi miết lên rừng. Đến cửa rừng mới hay là mình nhầm: trời vẫn còn khuya. Bèn nằm duỗi chân dưới một gốc cây cổ thụ đợi sáng, nhưng bỗng dưng ngủ quên lúc nào không hay. Anh chàng không ngờ rằng nơi đây là chốn chơi đùa của một bầy khỉ. Hôm ấy chúng cũng kéo nhau đến đấy, nhưng khi thấy dưới gốc cây có một người lạ nằm thẳng đuỗn thì đồ là một thây người; chúng bèn xúm nhau khiêng đi chôn để lấy chỗ nhảy nhót. Đang đi, anh chàng bỗng tỉnh giấc, toan la lên, nhưng thấy chuyện hay hay, nên cứ nằm im để xem bọn khỉ khiêng mình đi đến đâu. Hồi lâu, anh nghe bầy khỉ dừng lại nói với nhau:
Hà rầm hà rạc, chôn vào hố bạc, không chôn hố vàng! Nhưng trong bầy khỉ có một con khỉ đột đứng đầu, bảo chúng:
Hà rầm hà rạc, chôn vào hố vàng, không chôn hố bạc!
Thế là bầy khỉ lại tiếp tục khiêng anh tới một chỗ khác xa hơn. Đến nơi, chúng đặt anh xuống rồi kéo nhau trở về gốc cổ thụ. Anh chàng nhìn thấy xung quanh mình có những cục vàng sáng chói thì mừng lắm, bèn chờ cho chúng đi khuất mới đứng dậy nhặt đầy túi mang về. Từ khi trở nên giàu có lớn, anh chàng hết làm nhà cửa lại tậu ruộng vườn, nuôi trâu bò, cuộc đời muôn phần tươi hơn trước.
Câu chuyện về người tiều phu lên núi bắt được vàng từ đó lan đi khắp nơi. Người anh nghe nói nửa tin nửa ngờ. Một hôm vào ngày giỗ cha, hắn thấy em mình tìm đến mời về nhà ăn giỗ. Hắn vội vã nhận lời. Bước vào nhà em, người anh không giấu được kinh ngạc.
– Từ dạo ấy đến giờ chú mày làm thế nào mà phát tài dữ vậy?
Em vui vẻ kể tỉ mỉ cho anh nghe câu chuyện lên rừng gặp khỉ, và từ hố bạc tình cờ được chúng chuyển sang hố vàng. Nghe đoạn, người anh mượn ngay cây rựa, và cũng chờ một đêm trăng non, một mình vác rựa lên cửa rừng. Hắn ta cũng giả vờ duỗi chân nằm dưới gốc cây cổ thụ nọ. Lát sau quả có một bầy khỉ đến nhảy nhót xung quanh gốc cây, và khi thấy có người lạ nằm choán chỗ chúng vui đùa, chúng cũng xúm lại khiêng đi chôn, vì chúng tưởng rằng đó là một cái thây người chết. Nhưng đến lúc nghe bầy khỉ nói: -“Hà rầm hà rạc, chôn vào hố bạc không chôn hố vàng!” thì hắn vội ngẩng đầu cãi lại:
– Chôn vào hố vàng chứ! Chôn vào hố vàng chứ!
Bầy khỉ không ngờ cái thây người vẫn còn sống, cuống cuồng quẳng hắn xuống rồi bỏ chạy. Hắn bị lăn xuống sườn núi, đầu va vào đá, vỡ sọ chết [2] .
KHẢO DỊ
Người Quảng Bình có truyện Đực rựa cũng giống như truyện trên nhưng không có đoạn cuối:
Nhà nọ có hai vợ chồng một nhà hái củi xích mích sinh ra cãi nhau không ai chịu ai.
Một hôm chồng bảo: “Đã không nghe nhau nữa, thì chúng ta nên ly dị, có cái gì trong nhà chia ra cho hết, rồi mỗi người đi mỗi ngả”. Cũng như truyện trên, người vợ tinh ranh giao ước rằng mình sẽ lấy những vật gì gọi là cấy (cấy: cái, tiếng miền Trung) còn vật gì gọi là đực thì phần chồng. Thành thử thúng mủng, nồi niêu, bát đĩa, mọi cái đều về tay vợ. Của trong nhà sắp vơi mà chồng thì chưa được chia cái gì. Tức mình, anh chàng thấy cái rựa dựng ở góc nhà, vội chụp lấy nói: “Đây không phải là “cấy” mà là “đực”, của tao”. Không mấy ai gọi rựa là đực, nhưng vì là đồ dùng thiết thân nên anh chàng phải nói thế vì sợ vợ chiếm mất. Từ đấy, người ta cho rằng người đàn ông đi đâu cũng luôn luôn mang rựa bên mình, là do truyện này mà ra [3] .
Đồng bào Vân-kiều có truyện Vì sao có tục treo cua đầu nương cũng là một dị bản của truyện Hà rầm hà rạc, nhưng không có đoạn đầu:
Có hai anh em Tong và Tênh trồng bắp ở rẫy thường bị phá hoại. Một hôm Tong nghĩ kế bắt cua giã nhỏ bỏ vào ống nứa đem treo khắp nương, định bụng làm cho khỉ sợ ùi tanh mà tránh xa. Đoạn anh lên chòi nằm. Bầy khỉ đến thấy mùi tanh cho là có người chết, leo lên chòi thấy có người nằm, tưởng là xác chết, bèn gọi nhau khiêng đi. Tong cứ nằm im để xem bầy khỉ làm gì, thì thấy chúng soạn sửa đám ma cho mình linh đình: bắt chước người, chúng cũng mang về những đồ quý như thanh la, nồi đồng… định chôn theo. Nhưng Tong đã bất thình lình nhổm dậy, bầy khỉ hoảng hốt bỏ chạy, anh nhặt của quý mang về.
Tênh nghe kể đòi đi thay. Tênh cũng làm như anh và cũng bị bầy khỉ khiêng đi chôn, nhưng chúng sợ người chết sống lại như lần trước, nên ném Tênh xuống vực sâu chết. Từ đấy khỉ cũng kệch không dám đến những nương rẫy có treo cua. Vì thế người ta treo cua ở nương rẫy để cho chúng khỏi phá [4] .
Truyện của người Cham-pa gần như là một dạng với truyện của chúng ta:
Một người trồng được rẫy bắp, sắp thu hoạch, anh làm chòi canh rồi tối đến, mang chiếu cuộn tròn nằm ngủ. Hôm ấy lũ khỉ (kra-thon) đến ăn, thấy anh ngủ tưởng là xác chết bèn bàn nhau chôn trước khi ăn. Một con hỏi: – “Nên chôn ở núi sắt, núi vàng hay núi bạc?” – “Núi vàng”, cả lũ đáp rồi chúng khiêng anh đến đó đào lỗ quẳng vào, đoạn bỏ đi ăn, định bụng sẽ trở lại lấp đất. Anh tỉnh dậy lấy được một ôm vàng, rồi lại cuộn chiếu giả ngủ. Lũ khỉ ăn no quay lại, lại bỏ ý định trước, khiêng trả anh về chòi.
Người anh cả thấy em làm nhà tậu ruộng bèn hỏi lý do. Hắn cũng đến nằm ở chòi. Nhưng khi lũ khỉ hỏi nhau chôn ở đâu, nhiều con trả lời chọn đâu cũng được. Anh ta kêu: – “Đưa tôi đến núi vàng mới phải”. Lũ khỉ sợ, quẳng anh, anh bị gãy lưng chết [5] .
Người Nùng có chuyện Chàng trồng bí:
Có hai anh em mồ côi. Sau đó người anh lấy vợ. Một hôm chị dâu vu vạ rằng em định làm nhục mình. Nghe vậy, người anh bèn tống cổ em đi. Em lên núi phá hoang định trồng bí, bèn về xin anh một ít hạt giống. Chị dâu không cho, em nhặt được hai hạt bí rơi về trỉa. Không ngờ mọc lên hai cây bí tốt lạ lùng, quả ngon và thơm, người ta tranh nhau mua. Đêm đến, em lên rẫy canh. Trong lúc đang ngủ có một đàn khỉ kéo nhau đến. Chúng bảo: – “Ông chủ nương bí chết, nên khiêng vào hang vàng để đền ơn”. Nhờ vậy, em lấy được vàng về.
Thấy em giàu có, người anh đòi để mình đi rẫy thay. Chị dâu nấu cơm cho chồng ăn thật no để có sức gánh về nhiều vàng. Nửa đường vì ăn quá no, người anh tuôn ra một tràng rắm. Đàn khỉ bảo nhau: “Ông chủ chết thối rồi, quẳng đi thôi!”. Người anh nói: – “Ấy phải đưa ta đến hang vàng chứ!”. Chúng sợ quá quẳng anh xuống dốc, chết [6] .
Truyện của người Mèo cũng có hai anh em mồ côi và một chị dâu xúi bẩy chồng đuổi em. Em cũng nhặt được hai hạt giống rơi – nhưng ở đây là lúa mạch – sau khi xin anh chị không được. Hai hạt tự nhiên mọc đầy đám nương. Em làm chòi canh. Khỉ đến ăn, em đuổi. Ở đây truyện lại phần nào giống với truyện Cây khế (xem Khảo dị truyện số 58, tập II), khỉ bảo anh: – “Ăn một bông lúa trả một cục vàng”. Ăn no, chúng bảo anh giả chết để chúng khiêng đi, ai hỏi cũng không nói, ai gọi cũng không thưa, đưa đến một nơi lấy vàng. Anh bèn để chúng khiêng. Dọc đường nghe có tiếng trao đổi: – “Đứa này chết à? Chôn nó ở núi vàng hay núi bạc?”. “Xác nó thơm chôn núi vàng”. Đến một cái hang, chúng đặt anh xuống bảo: “Vàng đấy, lấy đi”.
Thấy em trở nên giàu có, người anh đổi tài sản của mình để lấy nương lúa mạch. Khỉ cũng đến ăn và hứa như trên. Cũng như truyện của người Nùng, khi ra đi hắn nghe lời vợ cố ăn thật no để có sức mang vàng, nên khi đàn khỉ hỏi nhau, hắn đau bụng không nén được cái rắm. Chúng nó bảo: – “Thằng này bụng trương sắp vỡ, thối quá!”. Bèn quẳng xuống vực [7] .
Đồng bào Ca-tu có hai truyện:
Có hai anh em A-lan và A-ly mồ côi từ nhỏ. Khi A-lan lấy vợ thì giành lấy hết tài sản, chỉ cho em một đòn xóc và một cái rựa. Em đi đốn củi ngủ ở gốc cây đa ven rừng. Một hôm nằm chiêm bao thấy mình trèo lên bó củi, tự nhiên bó củi chạy thẳng xuống chợ. Tỉnh dậy anh làm thử, quả đúng. Từ đấy anh được nhiều tiền. Một hôm bị bọn cướp đón lấy hết tiền và đánh đau, anh cố lê về gốc đa. Nửa đường không đi nổi, nằm lại gốc sung, có đàn khỉ tới ăn sung tưởng là người chết, bèn bảo nhau: “Hò rì hò rạc, chôn vào hầm bạc, đừng chôn hầm vàng!” – “Hầm bạc gần gốc sung sợ bay mùi thối, thôi chôn hầm vàng!”. Đến hầm vàng chúng đặt anh xuống, đi hái sung. Anh cởi khố bọc mang về, trở nên giàu có. A-ly mời anh tới chơi, anh bảo phải có “gấm lót đàng, vàng lót ngõ” mới đến. A-ly cũng chiều làm theo. Mời anh ăn xong còn tặng vàng mang về.
A-Lan biết chuyện của em, bèn quấn nhiều khố đến gốc sung nằm giả chết. Nghe đàn khỉ hát: – “Hò rì hò rạc, chôn vào hầm bạc đừng chôn hầm vàng”, hắn vùng la lên: – “Hãy chôn vào hầm vàng!”. Chúng sợ ném hắn xuống ghềnh chết nhăn răng.
Có hai anh em A-rinh và A-tang. Anh thì tham và lười còn em vốn chăm chỉ. Một hôm A-tang đi đến một làng khỉ giàu có. Vốn biết ăn thức ăn của khỉ thì nổ ruột chết, nên anh đề phòng. Anh giả tảng ăn uống no say, tối lại cho nổ ống tre giả vờ chết, lại buộc ruột lợn giả làm nổ ruột. Khỉ đưa đến nơi làm phép cho sống, có bà già vú dài cho bú. A-tang vẫn nằm im. Chúng nó khiêng để lên ngọn cây, hát, lại đưa xuống thuyền xung quanh chất áo quần, chiêng ché, gạo bắp, lợn gà… Thuyền trôi qua chín khe mười suối, cuối cùng về đến nhà trở nên sung sướng.
A-rinh cũng lần mò đến làng khỉ giả vờ chết. Bà vú dài cho bú nhưng vì sữa hôi, hắn phun phì phì. Đàn khỉ móc ruột hắn kéo ra hai sải. Đau quá, hắn vắt ruột lên vai cắm đầu chạy. Khi về đến nhà, hắn bỏ ruột vào chảo mong co lại. Mùi khét xông lên, hắn ngã vào chảo chết hóa thành con “đơ-reng hanh” có miếng da đen trên lưng [8] . (16)
Truyện của người Tày Hố vàng hố bạc, có đoạn mở đầu hơi khác:
Một anh chàng nghèo đi câu cá. Một lũ khỉ đến hỏi: – “Câu bằng mồi gì?”. “Ruột khỉ”. Nghe nói thế, lũ khỉ sợ hãi bỏ chạy. Chốc sau chúng lại đến hỏi, anh vẫn trả lời như cũ. Cho là người này giết khỉ thật, lũ khỉ bẻ cây đánh anh. Anh đau nằm vật xuống giả chết. Lũ khỉ bảo nhau: – “Chôn đâu bây giờ? Hố vàng hố bạc hay hố hủi?” – “Hố bạc”. Nhờ vậy anh chàng trở nên giàu có. Một người khác nghe tin cũng đi câu cá, gặp lũ khỉ và sự việc cũng diễn ra như trên. Đến khi nghe chúng hỏi nhau chôn ở đâu, một con đáp: – “Hố hủi”, hắn nhỏm dậy nói: – “Không, hố vàng kia” – “À, ra hắn còn sống”. Chúng nói thế rồi quăng hắn xuống ghềnh [9] .
Tiếng “đực” không dùng làm quán từ như “cái” và “con”. Từ Nghệ – Tĩnh trở vào cũng có nơi có lúc dùng để chỉ vật gì to khoẻ, bậm bạp, ví dụ: một đực bò, một đực rận, một đực rựa, v.v…
Theo Lăng-đờ (Landes), sách đã dẫn.
Theo Ca-đi-e (Cadière), BEFFO (1904).
Theo Truyện cổ dân gian các dân tộc Việt Nam, tập III, đã dẫn.
Theo Lăng-đờ, Truyện cổ tích Champa.
Theo Hoàng Quyết, đã dẫn.
Theo Truyện cổ dân tộc Mèo, đã dẫn.
Theo Truyện cổ Ca-tu.
Theo Đơ-jor-jơ (Degeorge), đã dẫn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.