Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam
183. BỐN NGƯỜI BẠN
Xưa có bốn người bạn, mỗi người quê quán một phương. Vì thưở trẻ cùng học với nhau một thầy nên họ có dịp sống chung lâu ngày, rồi dần dần trở nên những người bạn nối khố. Về sau lớn lên họ lại từ giã thầy, mỗi người làm ăn một ngả. Trong số bốn người ấy, chỉ có Giáp làm chủ một tư cơ đồ sộ, mỗi ngày một giàu đến nứt đố đổ vách, còn ba người kia thì nghèo rớt mùng tơi. Nhưng Giáp lại là một người thâm hiểm và hiểu sắc. Tuy giàu có sung sướng, trong lòng Giáp vẫn cảm thấy phiền muộn, vì hắn lấy phải một người vợ tuy mang về nhiều của nả nhưng bề nhan sắc lại chẳng ra gì. Ngày còn đi học được trông thấy người vợ của Ất – một trong ba người bạn – xinh đẹp dễ coi, hắn đâm ra ganh tỵ với bạn. Hắn suy nghĩ rất nhiều về người đàn bà này và ao ước có ngày chiếm được người ngọc vào tay mới thỏa dạ.
Một hôm nhân có Ất đến chơi nhà. Giáp đon đả bảo bạn:
Bác bảo bác nghèo túng sao bác không ném sách đi buôn một phen? Ất lắc đầu:
Đi buôn thì phải có vốn. Vốn đâu dư dật ở tôi mà buôn với bán. Giáp bèn đặt ra trước mặt Ất một trăm quan tiền mà rằng:
Chỗ bạn bè, tôi vui lòng cho bác vay số tiền này làm vốn mở đầu. Tôi sẽ mách bác một người tôi quen, bác có thể buôn chung với họ một ít lâu cho thạo nghề. Chỉ mong rằng khi tiền trăm bạc ngàn tuôn về nhà bác thì bác đừng có quên tôi và số tiền nhỏ mọn này là đủ.
Không ngờ bạn lại quá tốt bụng với mình như thế, Ất bối rối cảm tạ và giơ tay lên trời một hai thề bồi rằng mình sẽ suốt đời không quên ân nhân. Cuối cùng Ất mang tiền về, tìm đến nhà người lái buôn theo lời Giáp mách, lo làm ăn một phen xem thử ra sao.
Sau khi biết Ất vắng nhà, Giáp mới bắt đầu thi hành mưu kế. Một hôm, nhân lúc người vợ tấm cám đang ngủ say, hắn ta bóp cổ giết chết, rồi cắt lấy đầu giấu dưới một cót thóc. Đoạn, Giáp đến nhà Ất dùng lời nói khéo mời vợ Ất đến nhà mình. Hắn bảo:
Anh ấy trước khi đi buôn có gửi tiền cho nhà tôi, bảo chị tới nhận nhưng dặn đừng cho ai biết cả, kẻo bọn chủ nợ hay được thì chúng không để cho chị tiêu đâu!
Người đàn bà nọ vốn được nghe chồng ca ngợi về lòng tốt của Giáp. Và đang cơ túng thiếu, nên nghe nói thế thì không mảy may nghi ngờ, bèn theo hắn sang nhà. Khi đưa được vợ Ất về nhà, Giáp đem tiền của và lời nói ngọt hết sức dỗ dành, nhưng không ngờ người đàn bà ấy lại một lòng một dạ với chồng, thà chịu chết chứ không chịu nhục. Cuối cùng hắn đành phải giam nàng trong một buồng kín khóa lại. Hắn dặn đứa đầy tớ gái của mình phải trông chừng và hàng ngày đưa cơm nước cho vợ Ất, hy vọng ngày một ngày hai sẽ ép được nàng thuận chung sống với mình. Rồi đó, nhân đêm tối hắn lại lén đem xác vợ mình ném vào nhà Ất. Hắn còn lo đứa đầy tớ gái sẽ phanh phui chuyện kín của hắn, nên bắt nàng uống một liều thuốc mua được của một người khách buôn nước ngoài. Uống xong cô gái tự nhiên rụt lưỡi, miệng ú ớ nói không thành tiếng.
*
* *
Lại nói chuyện Ất, sau chuyến buôn đầu tien được chia một phần tiền lãi, hí hửng định mang về khoe với vợ. Anh không còn hồn vía nào nữa khi thấy vợ mình chỉ còn là một cái thây lõa lồ không đầu, thịt đã muốn rữa. Chưa kịp than khóc thì tuần trăng đã ập vào nhà, gong cổ lại, và giải lên quan. Ất một hai kêu oan, nhưng anh không có cách gì giải được mối nghi ngờ của đám nha lại. Sau những ngày tra khảo, không chịu được kìm nóng kìm nguội, Ất đành phải nhận liều. Bọn quan huyện cũng như quan tình đều nhất tề khép Ất vào tội giết vợ. Cái án ấy cuối cùng được bộ y. Ất bị tống giam chỉ còn đợi ngày ra pháp trường.
Ngày ấy có lệ những tội nhân bị án tử hình nếu nộp vào kho công một ngàn quan và có người bảo lĩnh thì có thể chuộc được tội chết. Vì thế khi Ất bị giam, bà mẹ Ất chạy vạy khắp nơi để vay mượn và để cầu thập phương bố thí. Thân thích xóm làng cũng như khách qua đường khi nghe kể chuyện, ai nấy đều thương hại cho con bà gặp phải cảnh ngộ không may. Họ vui lòng giúp kẻ ít người nhiều. Mặc dầu vậy mẹ Ất cũng không sao có đủ một số tiền quá lớn ngay trong một thời gian ngắn ngủi được.
Hai người bạn khác của Ất một người là Bính, một người là Đinh, nghe tin Ất bị nạn, vội vã tìm đến nhà ngục thăm hỏi. Sau đó họ gặp người mẹ của Ất đang đứng ở ngã tư đường cái nước mắt giàn giụa cầu khẩn lòng thương của kẻ qua người lại, hy vọng có đủ số tiền chuộc mạng cho con. Nghe mẹ Ất kể chuyện, Bính và Đinh sực nhớ tới Giáp là người giàu có, lại vừa là bạn cũ của Ất, có thể vì tình bạn bè giúp đỡ nhau trong cơn hoạn nạn. Nghĩ vậy họ bèn an ủi mẹ Ất và hứa sẽ làm hết sức mình để cứu bạn khỏi cái chết oan khốc.
Khi Bính và Đinh tới nhà Giáp, họ kể lể mọi việc xảy ra tại nhà Ất: nào bao nhiêu tai họa từ đâu bay tới quàng vào cổ, nào tình cảnh mẹ già đang ngày ngày dầm mưa dãi nắng cầu khẩn lòng tốt của khách qua đường… Cuối cùng, hai người ngỏ ý:
– Hiện nay nếu đem số tiền thân thích xóm giềng và khách thập phương cho vay và quyên góp cộng với số tiền bán gia tư điền sản của chúng tôi thì may lắm cũng chỉ được độ năm trăm quan. Còn năm trăm quan nữa không biết làm thế nào, chúng tôi đành lại đây kêu gọi tình bạn của anh. Anh chỉ gẩy móng tay một cái là có thừa số tiền đó. Hãy cứu lấy tính mạng người bạn thân của chúng ta đang bị oan uổng tày trời. Đó là bổn phận của anh cũng như của chúng tôi.
Nhưng hai người đâu có ngờ rằng trong thâm tâm Giáp chỉ mong cho Ất chế, có thế mọi việc của hắn mới mong trôi chảy. Câu trả lời của Giáp làm họ quá đỗi ngạc nhiên và thất vọng:
Ai dám chắc anh ấy lại không là thủ phạm. Xem việc anh ấy quỵt tôi một trăm quan tiền thì biết. Anh ấy cầu khẩn vay tiền nói là đê đi buôn, tôi sẵn lòng cho anh ấy vay, nhưng mấy lần đi đòi, chẳng thấy trả được một đồng nào. Sát nhân giả tử. Anh ấy giết vợ thì trời sẽ hại, dù chúng ta cố hết sức cứu cũng không thoát. Tôi không dư tiền dư bạc để làm cái việc mua ơn như vậy đâu!
Thấy không thể lay chuyển lòng dạ của Giáp, Bính và Đinh bèn quyết định hy sinh thân mình để cứu bạn. Họ bèn lên quan nói rằng vì thấy vợ Ất quá đẹp nên hai người thừa dịp Ất đi vắng đến bắt để hãm hiếp; xong cuộc, sợ nàng tố cáo bèn giết đi, chặt lấy đầu vứt xuống sông cho mất tích. Nay cả hai người hết sức hối hận, biết rằng thế nào cũng có ngày bại lộ nên ra thú trước để may chi nhờ lượng trên khoan giảm.
Quan nghe chuyện, lập tức sai giam Bính và Đinh lại mà tha bổng cho Ất. Án của hai người không mấy chốc mà thành. Họ bị tội lăng trì tùng xẻo và bêu thây, nhưng vì “tiên năng tự thú” nên chỉ làm án chém. Và ngày giải ra pháp trường đã đến.
Nhưng khi đao phủ sắp sửa khai đao thì người ta bỗng thấy một cô gái cố len khỏi vòng người chật ních, tất tả chạy đến trước mặt quan. Hai tay cô ta chỉ chỉ trỏ trỏ, miệng nói ú ớ, làm dấu hiệu ngăn cản. Quan lấy làm lạ, nghĩ rằng người này hẳn có biết ít nhiều uẩn khúc chi đây, nên vội hạ lệnh cho đao phủ ngừng tay, giải tội nhân trở về nhà giam để đợi tra cứu.
Về đến công đường, quan sai tìm thầy thuốc cắt cho người con gái nọ một chén thuốc chữa tật câm. Chén thuốc rất hiệu nghiệm, cô gái vừa uống đã lần lần nói được: đó là người đầy tớ gái nhà Giáp. Và cô ta đã kể lại rành mạch những hành động của chủ mình cho mọi người hay.
Vụ án nhờ thế được sáng tỏ. Quân lính được lệnh kéo ngay đến nhà Giáp mở cửa buồng trả vợ Ất về với chồng. Đồng thời, quan sai đóng gong Giáp lại, điệu vào nhà lao nhận lấy cái án tử hình, thay cho Bính và Đinh. Nghĩ tình bạn bè, hai người này cố sức trình bày với quan để Giáp được khỏi chết với số tiền chuộc tội một ngàn quan. Cuối cùng Giáp cũng tạm được miễn tội. Nhưng khi tội nhân vừa được tháo gông bước ra khỏi công đường thì bỗng dưng một tiếng sét nổ ran giữa trời quang mây tạnh; thần sét đã nhảy xuống thình lình đánh hắn chết tươi. Và khi người ta khiêng xác Giáp về dọc đường thì một con hổ từ đâu trong bụi cây nhảy ra vồ lấy xác mang đi mất tích.
KHẢO DỊ
Người Căm-pu-chia có một truyện có một số tình tiết giống với truyện trên. Đây là một trong mười hai truyện phân xử của đức Bồ tát (vua):
Một người đàn bà đẹp đã có chồng, một hôm đi tắm. Có một anh chàng cứ đứng ngắm mãi không rời. Người đàn bà bảo hắn cút đi, hắn vẫn không nghe, đòi phải được ăn nằm mới chịu. Cuối cùng cô nàng nhẹ dạ đành để cho hắn thỏa mãn, nhưng xong việc, hắn vẫn không chịu về, đòi phải lấy nhau mới chịu. – “Được chúng ta sẽ tìm cách”. Người đàn bà hứa như vậy. Đến đây tình tiết phát triển theo chiều hướng gần giống với tình tiết trong truyện của ta. Khi thấy một cái thây phụ nữ chết trôi, hai người bèn bí mật mang về, nhằm khi chồng người đàn bà ngủ say, lén đặt vào giường rồi cùng dắt nhau đi trốn sau khi đã cho một mồi lửa vào nhà. Người chồng tỉnh dậy hốt hoảng chỉ còn thoát lấy thân. Khi lửa tàn, thấy xác chết, yên trí rằng vợ mình ngủ quên đã bị chết cháy, bèn đem chôn cất.
Sau đó một thời gian, người chồng cũ đi buôn, một hôm gặp lại vợ. Một cuộc tranh cãi nổ ra giữa hai người đàn ông. Việc đưa lên vua. Vua phải phân xử, chỉ sai người khiêng ra một cái trống lớn, trước hết bắt người đàn bà với người chồng cũ phải khiêng cái trống đi khắp các nẻo đường từ sáng đến chiều. Hai người không nói gì với nhau. Hôm sau, vua lại bắt khiêng cái trống như hôm qua, nhưng lần này kẻ phải khiêng là người đàn bà với người chồng mới. Dọc đường, người đàn bà nói: – “Nếu tao chung thủy với chồng thì đâu có khổ như thế này”. Người kia đáp: – “Thôi chịu vậy, đừng nói mà người ta biết”. – “Sao lại không nói, mày chỉ gánh có một lần, còn tao phải gánh hai lần nặng gẫy cả vai!” Họ không ngờ vua đã bố trí sẵn một người nằm trong trống. Người này kể lại cho vua nghe. Vua sai đem bán người vợ và người chồng mới cho người ta làm nô tỳ, được bao nhiêu tiền trao tất cả cho người chồng cũ. Ấy là vua đã xử xong [2] .
Theo Lăng-đơ (Landes), sách đã dẫn.
Theo BSEI (1886).
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.