Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam

194. CHÀNG RỂ THONG MANH



Có một anh chàng đẹp trai, lanh lợi, nhưng bị tật thong manh từ thuở nhỏ. Cặp mắt anh vẫn trong trẻo nên người ngoài không ai biết là mù. Nhưng anh thì rất khôn khéo, cố tìm cách giấu không cho người lạ biết mình có tật.

Một hôm nghe nói có một đám hát ở một làng nọ, vui bạn, anh theo nhóm trai làng đi xem. Đêm tối, người đông chen chúc, mỗi người tìm ngồi một nơi, nên lúc về họ lục tục mỗi người đi một đàng, bỏ quên anh lại. Anh phải nằm đó đợi sáng, nhưng lúc về vì không thấy rõ đường, anh cứ đi liều. Cuối cùng bị lạc, anh lọt vào một nhà nọ. Nhà này đang sẵn có cuộc vui. Thấy chàng trai lạ đến, họ mời anh vào dự. Anh không từ chối, đi theo người dẫn vào ngồi phía tận cùng. Đến lúc mãn cuộc anh phải sờ vào vách để tìm cửa ra. Chủ nhân thấy thế, bèn hỏi:- “Anh làm gì đấy?”. Anh nhanh miệng đáp:- “Dạ, cháu đo xem chiều dài nhà này có bằng nhà bố mẹ cháu chăng”. – “Thế bên nào rộng hơn?”. – “Dạ, cũng suýt soát như nhau!”. Chủ nhân cho rằng nhà anh này cũng thuộc loại khá giả như mình. Khi đã tìm được cửa ra, anh vội cáo từ chủ nhân để về, nhưng chủ nhân cố lưu anh lại ăn cơm. Đói bụng, anh từ chối lấy lệ rồi cũng ngồi vào mâm. Trước mặt anh là đĩa rau, nên anh cứ gắp mãi vào món ấy. Chủ nhân bảo: – “Kìa thịt cá đây sao không ăn, lại cứ gắp rau mãi?”. Anh đáp: – “Nhà cháu rau dưa quen thói, chứ không phải làm khách đâu ạ!”. Chủ nhân cho anh là con nhà cần kiệm nết na. Ăn xong bước ra hè anh vấp phải cái cào, cán cào va nào đầu đau điếng bèn ngồi lại nhặt cào, sẵn sờ thấy cái vồ bên cạnh, anh cầm lấy gõ vào đầu cán cào mấy cái cho hả giận. Chủ nhân thấy vậy, hỏi: – “Anh làm gì đấy?”. Đáp: – “Cháu tra cán cào!”. – “Ồ, tốt quá?”. Chủ nhân cho anh là con nhà siêng năng, hay lam hay làm. Trong bụng ông nghĩ: – “Con nhà ai đây, nhà thì không đến nỗi nghèo, mà lại siêng năng cần kiệm nết na, thật là ít có. Ta có đứa con gái nên gả cho hạng trai như thế này mới phải”. Cho nên khi chàng thong manh cáo từ ra về, chủ nhân ghé vào tai bảo:

– Anh khá lắm. Có muốn lấy con gái lão, lão sẽ gả cho.

*

* *

Cuối cũng anh chàng thong manh cũng lần về được đến nhà. Khi về đến nơi, anh giục bố mẹ đi hỏi cô gái nhà nọ cho anh làm vợ. Do được bố vợ thỏa thuận từ trước, nên mọi việc cưới hỏi đều diễn ra êm thấm trót lọt. Chỉ còn một việc quan trọng là đi làm rể, mà việc này thì không ai thay thế được anh. Vì vậy anh chàng đành phải dẫn thân ra đi. Đến nhà vợ mới được một hôm, anh phải đi cày ruộng. Khi ra đồng, nhờ mẹ vợ dắt trâu đi trước nên anh theo không chút vất vả. Tới ruộng, mẹ vợ chỉ cho anh phần đất phải cày. Ruộng sẵn có bờ nên anh cũng dễ phân biệt. Vì vậy anh cày đúng ruộng nhà vợ, nhưng đôi lúc cũng cày lấn sang cả ruộng láng giềng, thậm chí còn cày lật cả một đoạn bờ. Khi mẹ vợ ra gọi anh về ăn trưa, thì bà kêu lên: “Chết nỗi, sao con lại cày sang ruộng của người ta!”. Anh đáp không chút ngần ngừ: – “Vì bờ ruộng thấp nên con cày cả hai bên để lấy đất đắp bờ đấy ạ!”. Nghe nói xuôi tai, bà nhạc không nghi ngờ gì cả.

Ăn cơm xong, anh lần ra giếng thơi, vô phúc thế nào lại ra tõm xuống nước không lên dược, nhưng anh kiên gan không kêu la. Chừng vợ anh ra múc nước, thấy anh dưới giếng thì hốt hoảng: – “Ôi chao, mắt mũi để đâu mà lại ngã xuống giếng thế?”. Anh đáp ngay: – “Giếng rong rêu bẩn quá, tao phải xuống khai cho sạch”. – “Thế sao không lấy thang mà trèo?”. – “Vội quá không tìm được thang, nên tao phải men tường trèo xuống. Thôi bây giờ vớt hết rồi, hãy bắc thang xuống cho tao lên, kẻo mệt quá”. Cả nhà đã không ngờ, mà còn khâm phục.

Mấy hôm sau, vợ anh đi vắng, mẹ vợ thổi xôi bới ra một đĩa mời chàng rể ăn. Đĩa xôi đặt trên mâm nan. Trong khi mẹ vợ lúi húi dưới bếp mà anh thì chưa kịp tới ngồi, con chó thấy vắng người bèn trèo lên mâm chén hết cả. Khi mẹ vợ ở bếp lên thấy đĩa đã sạch trơn xôi, vội nói: – “Con đã ăn hết rồi ư? Có ăn nữa không để mẹ bới thêm?”. Biết là con chó đã ăn mất xôi, nhưng anh không ngạc nhiên, chỉ đáp: – “Đủ rồi mẹ ạ!”.

Bận khác, vợ lại đi vắng, mẹ vợ lại thổi xôi dọn ra mời anh ăn. Trong khi bà ta chạy xuống bếp thì anh đã chú ý rình kẻo chó ăn mất như bận trước. Đến khi bà ta mang thức ăn lên, đang lúi húi đặt vào mâm. anh tưởng là chó bèn đấm một cái, không ngờ nhầm vào mặt mẹ vợ. Đau quá, bà ta kêu lên. Biết là mình nhầm, anh buông đũa không nói gì cả. Giữa lúc ấy người vợ về. Nghe mẹ mình kể lại câu chuyện vừa rồi, chị ta gầm lên. Anh thủng thỉnh đáp:

Theo phong tục tổ tiên, chỉ có vợ bưng cơm hầu chồng. Lần trước mẹ đã làm trái, con không dám nói. Nay thì không thể làm trái lần thứ hai. Xin mẹ thứ lỗi cho, con làm thế là bất đắc dĩ. Chẳng qua là để khỏi có sự dị nghị.

Nghe nói thế, mẹ vợ và vợ hết giận. Còn bố vợ sau đó về nghe kể thì tấm tắc khen ngợi. Ông bảo xóm giềng:

Bây giờ tôi mới hay thằng ấy lại là con nhà có học. Nó làm việc gì cũng đúng phép tắc.

Một hôm bố vợ bảo anh dẫn người nhà vào rừng chặt gỗ làm cày. Đường rừng khó đi, sai một bước là đụng phải cây, vì thế chàng thong manh rất ngại, bèn bảo người nhà: – “Đi đường im lặng buồn lắm anh em ạ! Nên thay nhau hò hát ít câu cho vui và bớt sợ”. Họ hát lên, anh đi len vào giữa, không sợ lạc nữa. Cả mấy người đẵn được mấy cây gỗ ghé vai khiêng về. Anh cũng đẵn được một cây, nhưng anh biết rằng đi đường rừng mà mắt mù thì không thể nào vác về một cách trót lọt. Mấy người cùng đi bỗng thấy chàng thong manh ta đột nhiên kêu đau bụng ầm lên và quẳng gỗ xuống đất. Xoa bóp mãi không lành, họ đành dìu anh lên một cái chòi bỏ trống ở gần đường cho anh ở lại, còn họ phải đem gỗ về trước.

Sáng hôm sau, có hai người cưỡi ngựa đi qua. Anh rên to tiếng trên chòi. Hai người ghé lại hỏi: – “Sao lại nằm rên một mình ở đây?” Anh đáp: “Chao! Tôi đi đẵn gỗ đẽo cày cho chủ tôi, nhưng chưa đẽo được thì không may bị bệnh đau bụng, đến nay cũng chưa lành”. Hai người ấy lại hỏi: – “Anh có cần chúng tôi đưa giúp về không?”. – “Nếu các ông có lòng thương tôi, thì sẵn rìu đó làm ơn đẽo hộ cho chủ tôi cái cày, kẻo về đấy ông ấy không trả công cho thì tội lắm, biết lấy gì để nuôi con. Còn bệnh đau bụng của tôi thì cứ để vậy ít bữa nữa rồi cũng lành”. Nói rồi anh lại rên hừ hừ. Hai người kia thương hại bèn xuống ngựa đẽo hộ anh, chỉ một lát được một cái cày rất đẹp.

Họ đi được hồi lâu thì vợ anh mang cơm nước và thuốc men đến. Đến chòi, vì chị ta đi nhẹ nhàng không lên tiếng, nên anh không biết. Thấy chồng nhìn mình mà không nhận ra, chị ta hồ nghi, vội hỏi:

Mắt anh làm sao thế? Hay là có điều gì lạnh nhạt đối với tôi? Vì thấy tôi mà không lên tiếng thì chỉ có một trong hai điều đó thôi.

Anh chàng chống chế ngay:

Thú thật là tao cũng có nhìn thấy nhà nó đến, nhưng vì vừa đẽo xong cái cày, thích chí quá nên mải ngắm mà quên đi, có việc gì đâu mà lạnh nhạt.

Lại một lần nữa, vợ giải dược mối ngờ. Rồi đó hai vợ chồng trở về. Bố vợ thấy cái cày đẽo đẹp, khen lấy khen để.

Một hôm khác, bố vợ giết trâu mở tiệc mừng thọ. Cỗ bốn người một mâm, anh chàng thong manh cũng được dự ngồi một cỗ. Anh lần lượt gắp ăn, nhưng chẳng biết gắp thế nào cho trúng, mà gắp không trúng thì e rằng những người cùng dự chê cười. Anh bèn bàn:

Cỗ chỉ có mấy món thôi, giá ta trộn cả vào với nhau thì ăn ngon hơn. Thế rồi ta chia nhau mỗi người một phần lại càng tiện.

Họ đều nghe theo. Nhờ thế anh ung dung gắp ăn phần của mình. Nhưng không may cho anh là ăn phải miếng thịt trâu thái to quá, mà anh lại vội nuốt nên bị nghẹn ở cổ, nhả ra không được. Anh ngồi chống đũa có nuốt, nước mắt giàn giụa mà miếng thịt vẫn không chịu vào. Mãi sau, anh lấy hết gân sức cố nuốt, cuối cùng miếng thịt cũng trôi được vào dạ dày. Nhưng thật là may mắn, con mắt anh nhờ thế đột ngột sáng ra. Nhìn thấy mọi người mọi vật, anh mừng quá. Anh bỗng có ý muốn nhìn một vợ một tý để xem xem con người như thế nào. Nhưng khi đi vào nhà trong thì đàn bà con gái ngồi ăn cỗ ở đây khá đông, anh chả biết làm sao mà phân biệt. Bèn nghĩ được một mẹo: anh giả bộ say, chân đi thất tha thất thểu. Đến chỗ có phụ nữ, anh giả vờ đụng vào người này lại va vào người khác. Thấy thế, vợ anh nổi ghen, vả cũng sợ chồng mình quá chén còn làm điều gì thất thố nữa chăng, nên vội chạy lại dìu anh vào buồng. Từ đó anh mới biết mặt vợ [1] .

KHẢO DỊ

Truyện Chàng rể thong manh tương đối phổ biến ở Trung và Nam-bộ, tuy rằng mỗi nơi kể có xuất nhập ít nhiều. Đồng bào Cham-pa cũng có truyện giống như truyện vừa kể.

Sau đây là một dị bản Anh chàng thong manh, có một số tình tiết hơi khác:

Một anh chàng thong manh một hôm vào ăn xin ở nhà một trưởng giả. Nghe trong nhà có tiếng dao băm vằm chí chát, anh tưởng họ đang dọn cỗ. cứ ngồi nài xôi thịt mãi. Lúc sau có đứa bé trong nhà cho biết đó là người ta đang đẽo gỗ mít sơn son để sắp tới đưa ra đình cho ai đoán đúng thì gả cô chị chứ chả có cỗ bàn gì cả. Nghe vậy, hắn ta chờ ngày trưởng giả mở cuộc đố liền tìm đến. Trong khi mọi người đoán sai thì hắn dựa theo lời em bé ngày nọ trả lời, quả đúng, và cuối cùng dược làm rể trưởng giả. Ở đây cũng có việc ăn cỗ, hắn chỉ gắp mãi vào đĩa rau trước mặt chứ không gắp thịt cá bày ở xa. Người ta hỏi thì hắn đáp: – “Nhà tôi quen rau dưa”. Cũng có việc đi cày cho nhà bố vợ, khi đi anh chàng dò dẫm rơi xuống rãnh nước. Mẹ vợ kêu: – “Mắt mũi đâu mà đường không đi lại bước xuống rãnh”.- Đáp: – “Con thấy con cá giếc to quá bước xuống chụp nhưng không may trượt mất”. Khi cày, hắn cày sang ruộng của người khác, mẹ vợ chạy ra kêu lên: – “Sao ruộng nhà không cày lại cày sang ruộng người?”. Hắn đáp: – “Mẹ cứ yên chí, những thửa ruộng quanh đây rồi sẽ thuộc về nhà ta cả”. Lúc về hắn lạc vào một bụi tre. – “Làm gì mà loay hoay trong bụi thế?”. – “Có nhiều tre đực thẳng, con muốn chặt một cây về làm bắp cày”. – “Vườn nhà ta thiếu gì”. Hắn theo hướng mẹ vợ nói lần ra được đường đi.

Nhà trưởng giả tát ao, anh chàng cũng phải mon men xuống bắt, chẳng may lọt vào một đống chà mà người ta vứt vào một góc ao. Nhân bắt được con cá chép to, hắn giơ cho mọi người xem. Họ bảo hắn ném lên bờ nhưng hắn lại ném lạc vào giữa ao. – “Hoài của, sao lại ném xuống ao?” – “Bắt con cá nhép ấy làm gì, tôi cốt bắt con lớn kia”- Nhưng hắn vẫn lúng túng trong đống chà, may sao bắt được một con niềng niễng, hắn bảo bọn trẻ: – “Đứa nào rước tao lên bờ thì tao cho!”- Nhờ vậy anh chàng lên được.

Bữa cơm hôm ấy có nồi canh riêu, anh chàng luýnh quýnh thế nào đạp đổ mất. Vợ kêu lên: – “Khốn nạn! Mù hay sao mà nồi riêu đặt sờ sờ trước mắt lại bước vào”. Lập tức hắn nằm lăn xuống, hai tay che mắt: – “Trời đất ơi, vợ tôi rủa phải giờ thiêng. Bây giờ thì mù đặc rồi!”. Thế là người ta xúm lại trách vợ sao lại rủa chồng để đến nông nỗi. Từ đấy hắn được vợ nuôi báo cô [2] .

Trương Vĩnh Ký dưới mục Thằng quáng [thong manh] đi làm rể có một dị bản, nhưng tiếc rằng ghi sót đầu sót đuôi. Đại khái cũng có tình tiết chàng rể đi cày ruộng cho bố vợ rồi rơi xuống giếng, nhưng ở đây lại không kể cụ thể cày như thế nào. Ở dưới giếng thì làm sao mà trèo lên. v.v… Chỉ có tình tiết dưới đây khá độc đáo (mà người Nghệ – Tĩnh cũng kể giống thế): Chàng thong manh ngồi ăn, vì mù tịt nên để cho chó trèo lên mâm ăn thức ăn. Thấy thế, mẹ vợ bảo: – “Sao con không đánh chó, để nó ăn vào mâm?”. Hắn đáp ngay: – “Tục có câu: “Đánh chó phải kiêng chủ nhà” nên con không dám đánh”. – “Không hề gì, có dùi dục đây, nếu nó hỗn thì cho con cứ đánh khỏe vào”. Hồi lâu mẹ vợ thấy hắn không gắp thức ăn, cho là làm khách, bèn lại gần mâm, gắp bỏ vào bát. Nghe tiếng động, hắn tưởng con chó vừa rồi quen mồm lại hỗn nữa, bèn choảng một dùi đục, không ngờ giáng vào mẹ vợ chảy máu. Truyện kết thúc ở đây [3] . người Nghệ -Tĩnh thì, khi người ta hỏi hắn tại sao lại vô cớ đánh “mụ gia” (bà nhạc), hắn trả lời liều: – “Ai bảo bà ấy để “cái ấy” ra”.

Theo lời kể của người Quảng-nam.

Theo Truyện cổ dân gian các dân tộc Việt-nam, tập IV, đã dẫn.

Theo Chuyện đời xưa (lựa nhón lấy những truyện hay và có ích)


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.