Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam

TẬP SỰVÀO ĐỜI



Nhưng anh Gióng tôi ương ngạnh mà không “sinh sự” với một ai. Một đức tính ngày càng rõ nét ở anh: sự tự chủ. Có lẽ đất là một tập luyện lâu dài, tập luyện đến thành thói quen lúc nào không biết. Tự chủ, biết nén mình lại, nên dường như càng đến tuổi thanh niên anh càng ít khi nổi nóng. Anh nhũn nhặn hẳn. Sự thực thì để trở thành một con người như vậy là cả một nghị lực phi thường. Nghị lực đã được bộc lộ ngay từ nhỏ, thành một ý chí tự lập thường trực ở nơi anh. Một vài việc anh làm thuở bấy giờ, cứ tưởng là “trẻ con”, suy nghĩ lại mới thấy hết ý nghĩa của nó.

Việc làm đầu tiên là mở… “Bình Ân dược phòng”. Bà tôi ra Vinh vào khoảng năm 1931, lúc ấy bà đã 80 nên mắt kém và chân tay lóng ngóng. Một hôm bà từ nhà ngoài đi vào buồng ngủ, chân va vào bậu cửa và bị ngã. Đỡ bà dậy thì biết là xương tay bị gãy, cả nhà rất lo sợ vì đối với người già việc gắn lại xương đâu phải chuyện dễ dàng. Có một bà cụ bán thuốc tễ quen thuộc tới thăm và bày cha tôi một phương thuốc Đông y tự chế lấy để dùng đắp vào chỗ gãy trước khi bó lại. Tôi còn nhớ là: lô hội trộn với quế chi giã nhỏ pha rượu vào. Đun lên thành một thứ hồ lệt sệt màu đen, đắp vào chỗ gãy rồi lấy vải xô bó cứng. Ít giờ sau thứ hồ này cứng lại cũng giống như bột thạch cao bó xương của Tây y. Một thời gian sau mở băng ra thì xương đã liền và tay đã lành. Cha tôi rất mừng, mời bà cụ lại để cảm ơn. Bà cụ cho biết thứ lô hội này nếu pha chế thật loãng thì còn có thể chữa được những căn bệnh ngoài da như mụn nhọt, lở ghẻ, v.v… Anh tôi nghe rất chăm chú. Sau đấy, anh dùng chữa thử cho một vài người thấy có hiệu nghiệm. Bỗng nhiên anh tôi nẩy ra ý định kinh doanh thứ thuốc này. Các vị thuốc thì chả khó khăn gì, ở cửa hiệu thuốc Bắc nào cũng sẵn. Cối giã quế chi đã có một cái cối giã vừng trong nhà bếp. Duy chỉ cần một chiếc niêu con để nấu thuốc, anh tôi bèn tìm bà Lộc ở nhà dưới hỏi mua chiếc niêu đất bé tí mà trước kia bà thường dùng để nấu cơm cho một mình bà ăn. Được nồi rồi anh tôi hý hoáy pha chế, sắc nấu thành một thứ nước đen lệt sệt. Rồi đi thuê đặt thổi mấy cỡ chai con, lại thuê in cả nhãn hiệu:

BÌNH ÂN DƯỢC PHÒNG THUỐC GỊT

Chuyên chữa: ghẻ lở, mụn nhọt, gãy xương, bong gân.

Mấy chữ “Bình Ân dược phòng” nghe thật “oách” mà chung quy, “quy trình công nghệ” chỉ quanh quẩn trong một cái niêu và một cái cối giã vừng! Bình Ân là biệt hiệu của anh tôi, bởi tên anh là Gióng tức là Phù Đổng – Nguyễn Đổng Chi – anh hùng dẹp giặc Ân, nên anh mới đặt cho mình biệt hiệu trên. Chai lọ rót thuốc xong nút lại, rồi cũng được gắn xi và bọc một lớp giấy bóng kín đáo, đẹp đẽ, sau đó đưa đi cổ động bán. Hồi ấy trên tuyến đường Bến-thủy – Hải-phòng có một ông nhân viên người làng Kim-trùy, cách quê tôi chừng 3km, làm kiểm soát viên trên một chiếc tàu biển chở hàng, vào những ngày rảnh rỗi thường tới nhà tôi chơi. Nhân tiện, anh tôi bèn đề nghị ông cho đi tàu nhờ ra Hải-phòng để bán thuốc Gịt. Ông ta nhận lời đưa anh tôi cùng đi mấy chuyến ra Hải-phòng. Cha tôi không nói gì trước việc làm của anh (chắc ông vẫn coi là trò trẻ) nhưng đôi lúc mắt ông đã có cái nhìn khang khác với đứa con 16 tuổi. Ngày nay, mỗi lần đi trên tàu hỏa, bắt gặp những ông đứng tuổi đeo kính đen, vai quàng xắc, tay cầm đủ loại thuốc cao đơn hoàn tán chìa vào tận mặt khách, miệng nói liến thoắng: – “Nếu quý khách chẳng may có ai ghẻ lở, hắc lào, mẩn ngứa, phồng rộp chân tay… xin cử bôi thử một tý vào da là khắc thấy hiệu nghiệm…” tôi lại bất chợt mỉm cười, lòng không khỏi thức dậy một cảm giác vui vui khi thốt nhớ lại hành vi có thể nói là “táo tợn” của một đứa trẻ nhà quê 16 tuổi thuở xa xưa ấy, là người anh hiếu động của mình.

Cũng vào thời gian làm thuốc Gịt Bình Ân, anh tôi còn phát hiện ra ở các phiên chợ Vinh có bán một thứ đồ tre khá đẹp. Đấy là đồ dùng chế tạo từ những ống tre non được luộc chín rồi ép phẳng như những tấm gỗ mỏng, có độ dày khoảng 4-5mm. Người ta dùng loại dao, cưa, đục rất nhỏ để cắt, đục, lắp ghép thành những cái khay để chén trà, khay đựng trầu, hộp đựng trầu, hộp đựng thuốc hình tròn hay lục giác, bát giác cho các bà lớn hồi đó dùng để đựng trầu, thuốc, hoặc để thuốc lào, thuốc lá sợi, v.v… Đặc biệt vỏ ngoài của thanh tre được luộc chín ngả màu ngà trên đó các nghệ nhân dùng lưỡi dao sắc nhỏ chạm lên những hình bông hoa, hình thú vật, hay hình người trông rất đẹp, hoặc tạo lên những câu chữ nho có ý vị…

Qua một vài phiên đi xem xét, anh tôi bèn mời một vài người bán đồ tre ấy về nhà mình để nói chuyện và trao đổi cách liên doanh liên kết với họ. Cuối cùng hai bên thỏa thuận với nhau là: phía anh tôi sẽ quảng cáo khắp ba kỳ món đồ tre đặc biệt của xứ Nghệ này để người ta biết mà tìm mua; anh tôi gợi ý với họ làm thêm một vài thứ đồ nhỏ như hộp thuốc lào bỏ túi, píp hút thuốc lá sợ để gửi đi biếu quảng cáo ở các tiệm buôn lớn và ngoài ra, về mặt chạm trổ trên mặt tre phải là hình các danh nhân đất nước: ví dụ Trần Hưng Đạo đánh trận Bạch-đằng, Lý Thường Kiệt cưỡi ngựa đánh Tống, Hai bà Trưng cưỡi voi đánh giặc, v.v… Bên mỗi bức chạm cũng có biết dòng chữ hán ghi tên tuổi và hành động vị anh hùng được khắc họa. Làm vậy để đổi mới đề tài cũ kỹ của họ. Còn việc đặt hàng sẽ được thông báo mỗi khi có giấy đặt hàng ở các nơi gửi về… Thế là cuộc kinh doanh đồ tre cũng được tiến hành đồng thời với thuốc Gịt Bình Ân và trụ sở đều ở số nhà 11 đường Pôn Be (Paul Bert), Vinh.

Hồi anh Gióng còn học ở Đồng-hới có ông Viễn Đệ (em vợ anh Kinh Chi, người anh trai đầu) cũng từ Huế ra Đồng-hới sản xuất dầu tràm mà sau này ông đặt tên là dầu “khuynh diệp”. Quảng-bình là nơi có nhiều cây tràm mọc và dân ở các vùng có tràm từ lâu đã biết cất tinh dầu tràm để chữa bệnh. Ông Đệ vừa tự cất lấy dầu vừa mua dầu của dân đưa về pha chế thêm một ít nước màu riêng của mình thành một loại tinh dầu màu lá chuối trong xanh, chế vào từng cỡ chai to, bé để bán khắp ba kỳ. Người ta ưa chuộng dầu “khuynh diệp” vì nó chữa được một số bệnh nhức đầu, sổ mũi, nóng sốt khá hiệu nghiệm, và cũng vì tinh dầu của nó có màu sắc xanh đẹp khác hẳn với tinh dầu của người khác sản xuất màu vàng cỏ úa… Có thể chuyện làm ăn của ông Đệ đã có phần nào tác động tới anh tôi hồi đó. Vừa học tiểu học, anh tôi vừa tích cực làm quảng cáo cho hãng Viễn Đệ. Anh biến câu chuyện cổ tích mà ai cũng biết về hai bà mẹ, tranh nhau một đứa con, thành một truyện thơ dài, trong đó chỉ có một tình tiết được anh “cải biên” là tình tiết sau cùng: khi vị quan phân xử đang lúng túng không biết nên trả đứa bé về cho người nào vì người nào cũng tỏ ý hết lòng thường yêu, thì bỗng trong túi một người rơi ra lọ dầu “Khuynh diệp”; thế là vụ kiện ngã ngũ – đứa con về tay bà mẹ có dầu. Phải chăng cái duyên của truyện cổ tích đã “bén” vào cậu học trò xứ Nghệ từ đấy? Tôi không rõ nhưng cũng nhân việc này mà trước khi rời Đồng-hới, anh tôi được ông Viễn Đệ tặng cho một chiếc máy chữ xách tay, cấu tạo đơn giản đánh theo kiểu mổ cò một ngón. Chiếc mày này khi ra Vinh mở Bình Ân dược phòng và hiệu đồ tre chạm đã giúp anh tôi đánh những giấy tờ giao dịch rất trang trọng, bề thế, như là một hãng sản xuất lớn. Không những thế, về sau, khi Nhóm thanh niên cứu quốc Can-lộc thành lập và hoạt động, nó còn được dùng để đánh những giấy tờ quan trọng, những chỉ thị của Việt minh và những truyền đơn đánh Nhật đuổi Pháp… Và cũng chính nó đã làm chúng tôi một phen phải long tóc gáy mang đi chôn giấu ở trại Hồng, cách nhà 15km, khi có tin mật thám Pháp đến khám nhà.

Từ chỗ kinh doanh thuốc và đồ tre, anh tôi lại chuyển sang viết sách. Như ở trên đã nói, lúc còn đi học anh mê đọc loại sách hồng (livre rose) của Pháp viết cho thiếu niên nên mua rất nhiều, trong nhà còn lưu lại hàng chồng sách loại ấy. Ngoài ra, trong một cuộc bán phát mãi, anh còn mua được hàng trăm số báo La Phi-et (La Fillette) cũng xuất bản ở Pháp. Dựa vào vốn liếng chuyện trẻ em đã được đọc, anh bắt đầu nghề viết văn bằng cách viết sách truyện cho thiếu niên.

Trong thời gian 1932 – 33, anh tôi đã viết và cho xuất bản liên tiếp được 5 cuốn sách:

Chí quả quyết; 2. Tài trẻ nước Nam; 3. Một nhà tan họp; 4. Vườn xuân bạn trẻ;

Tìm ra châu Mỹ.

Trong đó Chí quả quyết phóng tác theo truyện kể trong một cuốn sách hồng nhưng lại lên tên địa danh ở Nghèn (Can-lộc) và chú bé chính của câu chuyện là con ông trạm trưởng bưu điện. Hai điểm trên gây nên trong lớp học của tôi (bấy giờ tôi đã từ Vinh về học tiểu học ở Nghèn) những chuyện vui đùa vì trong lớp có một bạn là con ông trạm trưởng bưu điện Can-lộc thật. Tiếp đến cuốn Tài trẻ nước Nam, anh tôi giới thiệu với các bạn trẻ những mẩu chuyện danh nhân đất nước, ở tuổi thiếu thời có lòng can đảm, trí thông minh, hoặc có tài thơ văn, ví dụ ông Lê Quý Đôn với bài thơ Rắn đầu biếng học; ông Lương Thế Vinh đã tìm cách lấy được quả bưởi rơi vào trong cái hố nhỏ mà sâu nhờ kế đổ nước cho quả bưởi nổi lên; rồi Phù Đổng thiên vương cưỡi ngựa sắt đánh giặc Ân v.v… Đặc biệt, phần lớn số trang dành để kể chuyện ông Nguyễn Văn Giai, người học trò nghèo quê ở Ba-xã, thuộc dòng họ Nguyễn Văn của mẹ tôi. Nghèo nhưng có chí phấn đấu và có sức khỏe nên sau nhiều năm tháng vừa học vừa làm thuê, ông đã thi đỗ tiến sĩ thời Lê-Trịnh và làm quan to ở kinh đô. Đây là câu chuyện có thật nhưng cũng pha trộn thêm những chi tiết được anh lượm lặt theo truyện kể dân gian ở Ba-xã. Tiếp đến cuốn thứ ba Một nhà tan họp, phóng tác theo truyện kể trong tập báo La Phi-et của Pháp, kể chuyện một ông kỹ sư người Mỹ kết hôn với một phụ nữ người Pháp và sinh được một cô gái. Năm 1914-18 có chiến tranh Pháp – Đức, ông kỹ sư cổ động nhân dân Mỹ đứng lên giúp Pháp đánh Đức. Hết chiến tranh, ông bị bọn người Đức sống ở Mỹ thù ghét, tìm mọi cách phá hoại cuộc sống ổn định của gia đình ông, làm cho ông mất việc, và làm cho vợ chồng ông thất lạc nhau. Sau khi thấy thế sống bất lợi, ông bèn dắt con gái sang Pháp tìm công ăn việc làm; cha con bắt đầu một cuộc sống khó khăn nhưng cô gái can đảm đã giúp đỡ cha trong việc nội trợ. Bọn Đức ở Pháp được sự thông báo từ bên Mỹ, lại tìm cách phá hoại cuộc sống của ông và tìm cách bắt cóc cô gái. Song nhờ lòng can đảm, trí thông minh, cô gái đã tìm được cách thoát khỏi nơi bị giam hãm và trở về với bố, đồng thời cùng bố đi báo cảnh sát về bọn côn đồ này. Cuộc vây ráp đã tóm hết bọn Đức lưu manh và cha con sống yên ổn trở lại. Tiếp đó người vợ thất lạc lại tìm được chồng con và gia đình đoàn tụ hạnh phúc. Cuốn thứ tư là một cuốn sách Tết, trong đó có những mẩu chuyện ngắn, những bức tranh vui, những bài thơ nhỏ và những mẩu chuyện ngày Tết. Còn cuốn Tìm ra châu Mỹ là câu chuyện về tấm gương mạo hiểm, vượt mọi trở lực để lập nên kỳ công tìm ra “tân thế giới” của chàng thanh niên tài ba Cri-xtop Cô-lông (Christophe Colomb) ở thế kỷ XV.

Nói chung các cuốn sách trên gây được sự hấp dẫn trong lớp học trò nhỏ tuổi ở Nghệ Tĩnh thuở bấy giờ. Hồi ấy tôi học lớp nhì tại trường Nghèn; mỗi khi có in sách mới, anh tôi lại về qua chỗ tôi trọ giao cho tôi một cuốn. Được cuốn sách, đầu tiên phải đưa cho thầy giáo đọc trước, rồi đến tôi, rồi đến các bạn bè khác trong lớp học. Anh tôi vừa sáng tác vừa xuất tiền thuê in ở nhà in Vinh, vừa sửa lỗi bản in, vừa quảng cáo, giao sách cho các hiệu sách, gửi sách đi các tỉnh… Nói chung chỉ một mình anh quán xuyến hết mọi chuyện để cho cuốn sách tới tay bạn đọc, Thế nhưng thời đó đói kém, kinh tế khó khăn, một hào chỉ đối với một người dân bình thường là quá to nên ít ai mua được, sách bị ế, đến cuốn thứ năm thì có lẽ anh cụt vốn đành phải ngừng viết, ngừng xuất bản. Cái chí làm sách cho trẻ con của anh thế là phải dừng lại chỉ để tích lũy dùi mài, rồi sau đấy chuyển sang một bước nhảy vọt: viết hẳn loại sách cho người lớn. Và điều cũng không ai ngờ là sự tích lũy lại đưa anh nhảy vọt rất xa: không những viết sách cho người lớn mà viết hẳn loại sách khảo cứu, đòi hỏi bút lực của một học giả.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.