Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam

132. HAI CÔ GÁI VÀ CỤC BƯỚU



Xưa có một cô gái con nhà nghèo khó. Không may cho cô là khi sinh ra đã mang một cục bướu ở mặt. Người càng lớn cục bướu càng to, vì vậy nhan sắc của cô thua em kém chị. Tuy nhiên cô vẫn không lấy thế làm buồn, suốt ngày thường vui đùa ca hát.

Một buổi trưa hè cô theo bạn lên rừng kiếm củi. Vì mê mải tìm nấm, cô vui chân quá bước vào rừng sâu, quên bẵng trời đã ngả về chiều, và mây thì đang kéo tới mỗi lúc một đen sầm, báo hiệu một con dông sắp tới. Quả nhiên khi cô định trở ra để gặp chúng bạn thì không kịp nữa. Gió thổi mạnh làm cho cây rừng xào xạc, cành khô gẫy răng rắc và những giọt mưa hắt vào mặt. Bất đắc dĩ cô phải chạy đi tìm chỗ ẩn. May làm sao cô chạy kịp đến một hốc cây cổ thụ, thu mình chui vào ngồi để dùng làm chỗ tránh mưa. Nhưng đến lúc mưa tạnh, bước ra khỏi hốc thì trời cũng đã tối mịt. – “Các bạn ta bây giờ chắc đã rủ nhau về cả. Đường rừng trời tối lại đi một mình thật là đáng sợ. Thôi đành ở lại đây đợi sáng, không còn cách nào khác”. Nghĩ vậy, cô dọn lại chỗ hốc sạch sẽ rồi lách mình vào đó nằm nghỉ, không quên đặt bó củi chắn ở cửa đề phòng thú dữ.

Khuya lại có những tiếng hát tiếng cười và tiếng dàn sáo làm cho cô gái tỉnh giấc. Cô nhìn ra thấy trăng sáng như ban ngày. Ở một bãi đất bằng phía bên kia gốc cổ thụ có một dám người đang múa hát vui vẻ. Cô bước ra khỏi hốc. Thoạt đầu cô cứ ngỡ là có một nhóm người đi rừng nào đó lên đây sớm ngồi đợi trời sáng nên bày ra múa hát mua vui. Nhưng khi nhìn kỹ thì hóa ra không phải. Đó là những người hình dung dị thường, ăn mặc khác lạ, có những bộ mặt đen đủi đầy những lông lá gớm ghiếc. Cô gái bụng bảo dạ: “Đúng là một bọn quỷ!” và cô bỗng rùng mình. Nhưng rồi cô lại đánh bạo bước lại nấp sau cây cổ thụ rình xem. Bọn quỷ vẫn múa hát không biết có người đang nhìn mình. Giọng hát của chúng không hay nhưng thực là vui làm cho cô vui lây. Cho nên, cô cũng lẩm bẩm hát theo bằng một giọng nho nhỏ trong cổ họng. Dần dần hứng lên, tự nhiên cô cất cao giọng, quên bẵng mình đang nấp.

Nghe tiếng hát, bọn quỷ bỗng im bặt. Rồi cả bọn ùa nhau chạy đến gốc cây. Một đứa nói: – “Hà hà, khá quá! Ra đây, ra đây, ta cùng hát cho vui”. Rồi chúng dắt cô ra bãi bảo cô hát tiếp. Cô lấy can đảm hát lại bài hát vừa rồi. Giọng cô rất trong làm cho bọn quỷ phải lắng nghe. Xong một bài, chúng tấm tắc khen ngợi rồi nhảy múa thích thú. Chúng lại đưa những quả sim quả ổi mời cô ăn, ăn xong, lại bảo cô hát tiếp. Rồi chúng còn lần lượt đàn hát và nhảy nhót suốt đêm.

Tiếng gà rừng gáy buộc bọn quỷ phải ngưng cuộc vui đùa. Một đứa bảo cô: – “Cô hát hay quá? Tối mai đến đây hát nữa nhá!”. Cô gái đáp: – “Cái đó thì cũng còn tùy”. Nó kêu lên: – “Ấy, còn tùy là thế nào, Chúng mày ơi! ngộ tối mai cô ấy không đến thì sao?”. Một tiếng ứng theo: – “Phải bắt cô ấy để lại cái gì làm tin mới được!” – “Phải đấy, phải đấy!”. Một đứa chỉ vào cái bướu: – “Ta hãy giữ lấy cái này, chắc là của quý. Mai cô đến mà lấy nhé!”. Nói xong phẩy tay một cái, rồi cả lũ biến đi lúc nào không hay.

*

* *

Sáng hôm sau, cô gái ra về, lòng mừng khấp khởi. Cục bướu đã được bọn quỷ lấy đi một cách thần diệu làm cho mặt cô trở nên nhẹ nhõm. Gặp ai, cô cũng kể lại câu chuyện tối hôm trước cho họ nghe. Chẳng mấy chốc tiếng đồn đã lan khắp đầu đường cuối chợ. Một nhà phú hộ ở làng bên cạnh có một cô gái cũng không may mang một cục bướu trên mặt. Khi nghe câu chuyện, cô này vội vàng đến gặp cô kia xin chỉ chỗ cho mình đi thay, hy vọng nhờ lũ quỷ nhổ cho cái bướu xấu xí trên người. Cuối cùng cô gái nhà phú hộ cũng tìm được đến gốc cổ thụ nọ và nấp sẵn trong hốc cây. Nửa đêm bọn quỷ hiện ra dưới ánh trăng. Chúng vội vã tìm đến chỗ cô gái nấp: – “Nào, cô hãy xuống hát với chúng tôi đi!”. Vốn quen thói gắt gỏng, lại thấy những cánh tay lông lá giơ ra kéo lấy áo, cô vội gạt đi: – “Buông ra đã nào, tránh để tôi xuống. Ôi kinh tởm!”. Rồi cô cũng nhảy xuống khỏi hốc nhưng vẫn tỏ vẻ sợ hãi gớm ghiếc, không dám lại gần lũ quỷ. Cô để cho chúng giục hai ba lần mới cất giọng hát, song nét mặt thì không được vui, giọng của cô cũng vì thế mà mất tự nhiên. Mỗi lần cô cố gắng cất cao, thì giọng lại the thé, nghe chẳng hay ho gì. Cô mới hát được một bài, bọn quỷ đã tỏ ý không hài lòng! Một đứa nói: – “Hôm qua sao hát hay thế còn bây giờ thì chán ngắt? Thôi cô về đi cho rảnh” – “Phải đấy về đi”. Tiếng đuổi của lũ quỷ nhao nhao làm cho cô gái phật ý, quay lưng trở lui. Nhưng mới đi được mấy bước, cô đã nghe có tiếng chạy theo: – “Này cô kia, trả lại cô cái làm tin hôm qua”. Cô vừa ngoảnh lại thì đã thấy có vật gì mềm nhũn văng vào má. Sờ tay vào một biết bây giờ không phải một mà hai cục bướu .

KHẢO DỊ

Truyện trên cùng một dạng với truyện Hai cụ già và lũ quỷ của người Nhật. Đại khái, đây thay vào hai cô gái là hai cụ già. Một cụ có bướu ở má bên phải, cụ cũng vào rừng kiếm củi rồi cũng vì mưa phải ẩn trong hốc cây, nghỉ lại suốt đêm. Cũng có lũ quỷ (mặc áo xanh áo đỏ, người một mắt, kẻ không mồm v.v…) đốt đống lửa ngồi xung quanh rồi vừa hát vừa nhảy. Cụ già vui tính cũng ra khỏi chỗ nấp nhưng không hát mà chỉ nhảy với lũ quỷ. Cuối cùng chúng cũng đòi giữ cái bướu của cụ làm tin như truyện trên – “Ô, bướu gắn bó với tôi đã lâu năm, xa nhau không nỡ, vậy các ông cứ lấy một con mắt hay một lỗ mũi cũng được chứ đừng lấy cái ấy đi”. Lũ quỷ nghe nói đoán là vật quý lắm nên nhất định cứ lấy bướu.

Cụ già thứ hai có bướu ở má bên trái, nghe cụ kia kể cũng đi lên rừng cầu may nhưng ông cụ nhảy tồi. Thấy vậy, lũ quỷ cũng đuổi về và ném trả lại cái bướu giữ làm tin hôm qua vào má bên phải, cụ này đành phải mang cả hai cục bướu trở về .


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.