Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam

163. QUÂN TỬ



Ngày xưa, có một anh chàng nghèo sống một thân một mình. Anh thường ăn ở nhân đức với mọi người, lòng nhân đức của anh còn ban phát đến cả giống vật. Bởi thế người ta quen gọi anh là Quân tử.

Trong nhà có bao nhiêu của nả, anh lần lượt đem ra giúp đỡ cho người nguy kẻ khó, còn mình thì sống rất đạm bạc. Một hôm, gần ngày kỵ cha, Quân tử có để dành được mấy bát gạo nếp và một con gà để làm giỗ. Có một con chuột quen mui ăn vụng, hôm ấy chui vào hũ gạo, bất đồ bị anh chộp được. Anh bảo chuột:

Chuột ơi! Nhà tao nghèo, chỉ có từng ấy gạo nếp để làm giỗ cha. Mày đi tìm những thứ khác mà ăn. Đừng có ăn vụng của tao tội nghiệp!

Nói đoạn thả chuột ra.

Tối lại, có con cáo lẻn vào bắt gà, nhưng chưa kịp lọt ra khỏi chuồng thì đã bị Quân tử nắm lấy gáy. Cáo nằm chờ chết thì đã nghe Quân tử nói:

Cáo ôi! Nhà tao nghèo lắm chỉ có con gà dành cho ngày giỗ cha. Mày hãy thương tao đi kiếm ăn nơi khác, đừng có bắt mất gà tao, đến ngày ấy biết lấy gì mà cúng.

Nói đoạn cũng thả cáo ra. Cáo được phóng thích lủi một mạch.

Đến ngày giỗ cha, Quân tử đồ xôi luộc gà, thắp hương đèn sửa soạn vào làm lễ, thì một chú ruồi đánh hơi bay đến đậu vào cỗ xôi đánh chén thỏa thích. Nhưng Quân tử đã nhanh tay quơ được. Bị kẹt chặt, ruồi ta hết đường giãy giụa, chắc là khó thoát cái chết. Nhưng rồi ruồi cũng may mắn được thả ra sau khi nghe những lời của Quân tử:

Cỗ xôi của ta dâng cúng lên cha mẹ, sao mày lại hỗn hào dám đến ăn trước. Mày hãy đi đi, có gì chốc nữa lại tới.

Tiếng đồn về lòng nhân đức của Quân tử vang khắp nơi. Buổi ấy nhà vua đang muốn kén chọn người tài đức để gả công chúa. Nghe tin đồn về Quân tử, vua bèn sai quan quân đi triệu về kinh. Nhưng khi gặp mặt Quân tử, thấy anh ăn nói không được lễ phép thì vua không được hài lòng. Để tiện từ chối, vua bèn phán:

Ta vui lòng gả công chúa cho nhà ngươi, nhưng nhà ngươi cũng phải có một mâm vàng làm sính lễ mới được.

Nghe vậy Quân tử lủi thủi trở ra, tin rằng không có hy vọng làm phò mã. Ngày hôm sau anh đi dạo rừng, mặt buồn rười rượi. Bỗng anh gặp con cáo ngày nọ chạy ngang trước mặt. Nó hỏi anh vì sao mà buồn. Quân tử bèn kể chuyện đầu đuôi cho cáo nghe. Nghe xong, cáo nói: – Thế thì cứ đi theo tôi, tôi sẽ mách cho một chỗ có vàng.

Quân tử lần theo chân cáo tiến vào một hang sâu. Trong một góc hang có bày một dãy ba cái hũ. Giở nắp ra anh thấy toàn vàng bạc, châu báu. Anh cảm ơn cáo, rồi chuyển ba cái hũ về, và ngày hôm sau anh đã cho người đội mâm vàng vào cung dâng vua. Vua không ngờ anh lại có đủ vàng làm sính lễ, đành phải y ước gả. Nhưng vua vẫn chưa vừa lòng. Cho nên đến ngày cưới, vua gọi anh vào cung, phán:

Ở đây có mười mâm cỗ, trong đó có một cỗ Tơ hồng dành cho ngươi và công chúa. Nhà ngươi hãy chọn đúng mâm cỗ ấy mà ngồi. Nếu ngồi vào mâm cỗ khách thì ta sẽ coi như khách.

Quân tử nhìn vào thấy mười mâm cỗ giống nhau như hệt, không biết nên ngồi vào đâu. Trong khi đang bối rối thì chàng đã nghe tiếng ruồi vo ve bên tai:

Tôi đã chịu ơn trước đây, nay xin giúp để đền ơn. Hễ tôi sà vào mâm nào thì anh cứ ngồi vào mâm ấy.

Nghe nói thế, Quân tử yên tâm. Sau đó anh ung dung bước vào mâm cỗ có con ruồi đậu. Vua thấy anh ngồi vào đúng cỗ Tơ hồng thì ngạc nhiên, nhưng vua vẫn còn bắt anh chịu thử thách lần nữa chứ chưa thôi. Sau khi yến tiệc xong, đến giờ động phong hoa chúc, vua phán bảo: – “Nhà ngươi hãy tự đi tìm buồng của công chúa mà vào, nếu vào không đúng buồng thì chịu vậy”.

Lại một lần nữa Quân tử lấy làm bối rối vì cả một dãy buồng đóng kín, buồng nào buồng ấy cửa lớn cửa sổ cũng đều ngăn ngắt, phía ngoài treo đèn kết hoa y hệt như nhau. Trong khi chưa biết làm thế nào thì con chuột ngày nọ đã bò tới nói nhỏ:

Tôi vẫn nhớ ơn anh tha chết cho tôi ngày nọ. Anh cứ đi theo tôi, tôi chạy vào buồng nào thì đúng là công chúa ở đấy.

Quả nhiên khi Quân tử mở cửa buồng vào thì đã thấy công chúa tươi cười bước ra đón.

Thấy cả ba lần anh đều thắng cuộc, vua đành vui lòng nhận anh là phò mã. Khi vua chết, vì không có con trai nối dõi nên Quân tử được các quan đưa lên ngôi [1] .

KHẢO DỊ

Việt Nam còn có một dị bản truyện Quân tử ruồi. Ở đây con vật đóng vai kẻ giúp đỡ là một mình ruồi chứ không có chuột và cáo.

Một anh chàng có học thường tự xưng là Quân tử, đặc biệt đối đãi với ruồi thì rất tử tế, chẳng những không đánh con nào mà còn thường mời chúng ăn uống. Bấy giờ vua kén phò mã. Quân tử và những người khác cùng dự. Vua cho làm một cung chín gian, gian nào gian ấy cửa đóng then cài, ra lệnh chỉ cho vào từng người một, ai mở đúng gian có công chúa thì được gả. Những người vào trước mở lầm cửa đều bị đánh đòn, đuổi ra. Quân tử bối rối, mới khẩn ruồi:

“Bấy lâu tôi đãi các bác tử tế, nay có việc nhờ các bác giúp cho. Nếu thấy công chúa ở buồng nào thì bay đến cho biết”. Đáp: – “Được, chúng tôi sẽ báo tin”. Nhờ vậy mà Quân tử chỉ gian thứ ba, mở ra quả đúng. Vua chưa nghe, lại sai bày chín cỗ yến như nhau viết tên Quân tử đặt dưới một mâm, bảo tìm đúng mới gả. Lại khấn ruồi, và ruồi lại ra sức giúp. Quân tử chỉ vào cỗ thứ năm lật mâm quả đúng. Vua y ước cho tổ chức lễ cưới. Người ta gọi là “Quân tử ruồi” [2] .

Dân tộc Mèo ở Việt-bắc có truyện Người em tài giỏi là một dị bản của các truyện trên nhưng đã kết hợp với một vài mô- tip khác, ví dụ mâu thuẫn giữa anh và em giống truyện Run và Rai (Khảo dị truyện số 13, tập I), v.v… Sơ lược như sau:

Một người anh đối xử với em ruột còn bé quá tệ, thậm chí em phải ăn rận trừ bữa. Một hôm bắt được con rận lớn bằng hộp thuốc, em dùng nó đánh cuộc với những người mà em gặp, luôn luôn thắng lợi, nhờ vậy mà được nuôi sống qua ngày. Nhưng một hôm, một người đục cối xay đã đánh chết con rận, em bắt hắn phải đền một con cáo ở núi đá đen. Nhờ có cáo, em lại được người ta cho ăn, cho tiền, vì con cáo này biết hát. Thấy em mình làm ra tiền, người anh bèn bắt lấy con cáo; gặp ai hắn cũng đánh cuộc rằng nếu cáo nói được tiếng người thì đối phương mất tiền, nếu không biết nói thì mình ăn phân. Nhưng khi giục cáo hát thì nó đứng im. Thua cuộc, người anh tức mình giết con cáo. Chỗ cáo bị giết mọc lên một cây hai cành: một cành làm rơi tiền, một cành rơi thịt. Người anh lại đến chiếm lấy cây quý, nhưng cây chỉ làm rơi phân và nước đái lên đầu. Hắn chặt cây. Người em mang một khúc về đẽo thành máng lợn ăn. Lợn ăn ở máng ấy béo phổng lên trông thấy, nhưng khi máng vào tay người anh thì lợn lại gầy rạc. Hắn bổ máng làm củi đun. Em nhặt một mảnh về làm lược, càng chải đầu tóc càng dài mượt, còn khi lược vào tay người anh thì chải đến đâu tóc rụng đến đấy. Đến lượt lược bị ném vào lửa, người nhặt một mảnh sót về vót làm lưỡi câu, hễ câu là được cá, bán nhiều tiền. Người anh câu được toàn rắn. Người em đi tìm lưỡi câu do rắn tha đi. Đến đây truyện mới xích gần với truyện của ta: Dọc đường bắt được một con cua, anh toan nướng ăn. Cua xin tha vì mình còn đàn con bé dại. Anh nghe lời thả ra. Lại tiếp tục đi và cứu được một con ruồi bị vướng mạng nhện, rồi một con chuột bị ngã. Sau đó gặp hai cô gái khóc sưng mắt nói bố mình bị tai nạn sắp chết. Anh bảo hai cô gái dẫn mình đi sẽ cứu cho. Họ rẽ nước đưa đến cung Long vương. Long vương hứa sẽ gả con gái nếu chữa lành bệnh cho mình. Thấy tai nạn của vua chẳng có gì hơn là mắc lưỡi câu của chính anh, anh bèn chỉ khẽ rút lưỡi câu, vua đỡ ngay. Nhưng không ngờ vua lật lọng. Thấy vậy, anh bảo vua há miệng cho mình chữa nốt, rồi đặt lại lưỡi câu vào chỗ cũ. Lần này vua y ước gả công chúa, nhưng lại bắt anh phải qua mấy lần thử thách. Thử thách đầu tiên – không có ở truyện ta – là phải chỉ đúng một trong chín quả bí trong đó có đựng hồn cô gái mà anh yêu. Nhờ có cua giúp, anh chỉ đúng nàng công chúa út rất xinh. Vua lại bảo anh ngồi vào một trong chín bàn tiệc do chín công chúa dọn, ngồi đúng bàn tiệc cô nào dọn sẽ lấy cô ấy. Nhờ có ruồi giúp nên anh thành công. Lại đến lượt chọn một trong chín buồng, nhờ chuột anh đã chọn đúng buồng công chúa út. Long vương đành để anh mang quả bí có hồn công chúa út về. Hai người lấy nhau. Sau đó, truyện còn phát triển nhiều tình tiết khác, nhưng ở đây miễn kể [3] .

Dân tộc Tày có truyện Nàng tiên trứng cũng là một dị bản của truyện này, nhưng lại kết hợp với một mô-típ khác, tương tự với truyện Nàng tiên trong vỏ ốc (xem Khảo dị truyện số 117, tập III). Một anh chàng mồ côi và một con chó mực nhặt được một quả trứng lạ đưa về cất ở góc chạn, chưa kịp luộc ăn thì trứng đã tỏ rõ sự lạ bằng cách bí mật dọn thức ăn, sửa soạn nhà cửa khi anh và chó vắng mặt. Một hôm nửa đường lộn về, anh thấy từ trong trứng hiện ra một cô gái cầm chổi quét nhà. Khi anh đột ngột chạy vào nắm lấy áo, cô bảo anh cho mình một chiếc đũa cả, một chiếc nhẫn, một cái vòng để nuốt vào cho có xương mới sống được. Và khi lấy anh làm chồng, cô còn dặn anh phải kiêng ăn trứng, nếu không sẽ có sự chia ly. Từ đấy anh sống vui vẻ cùng cô gái.

Một hôm vui bạn, anh ăn món canh trứng. Về nhà đã thấy vợ đi đâu mất. Bèn cùng chó mực đi xuống một hang sâu. Qua bao nhiêu gian khổ mới gặp được vợ và mới biết vợ là con gái thứ mười hai của thần Sông. Thần bắt anh làm một số công việc, có xong mới cho đưa vợ về. Từ đấy truyện phát triển theo hướng gần gũi với truyện của ta, nhưng lại không có tình tiết cứu giúp ruồi và chuột. Thử thách đầu tiên là phải ăn đúng bát cơm do vợ anh xới, bát này đặt lẫn lộn giữa mười hai bát khác, nếu ăn sai sẽ bị chém đầu. Nhờ ruồi anh thắng cuộc. Thứ hai là vào đúng buồng vợ (cũng là một trong mười hai buồng), có chỉ đúng thì cho đưa vợ về. Một con chuột bảo anh buộc lá khô vào đuôi mình, rồi chờ, hễ nghe tiếng sột soạt ở buồng nào thì cứ mở ra là đúng. Sáng hôm sau thần Sông cho anh một cái hộp dặn về đến nhà hãy mở, còn vợ thì sẽ cho về sau. Hộp càng về gần đến nhà càng nặng. Không ngăn được tò mò, anh mở ra xem, thì hoá ra vợ anh ở trong hộp. Nhưng vì vội mở, một con khỉ chúa đến bắt vợ đem đi mất. Tìm mãi đến một cái hang, nhờ có tắc kè kêu giúp làm cho hang nứt đá lở, anh mới được vào gặp vợ. Hai người lập mẹo lừa cả đàn khỉ để trốn đi. Dọc đường họ nhờ nhện giăng tơ phủ kín dấu chân, nhờ gà bới đất xoá vết, lại nhờ châu chấu lừa cho đàn khỉ phải nhìn lên mặt trời chói mắt. Khi biết bị lừa, khỉ chúa nổi giận, đánh vào châu chấu, châu chấu đậu đầu khỉ này sang đầu khỉ khác làm cho khỉ chúa vụt lấy vụt để, nhưng khi chưa vụt thì chấu đã bay mất, cuối cùng đàn khỉ chết hết. Trong khi tức đến phát điên, lại bị một con nhái nép dưới chỗ ngồi chế giễu, khỉ chúa tìm giết nhái, nhái lẻn đi, hắn nhìn thấy hai hòn dái của mình, tưởng là nhái bèn đập mạnh vào dái nên chết luôn. Hai vợ chồng trở về an toàn [4] .

Người Pháp có truyện Cô gái con vua và ba công trạng mà các dân tộc châu Âu đều kể giống nhau, cũng là một dị bản của truyện Quân tử:

Jăng bảo mẹ đến hỏi cho mình cô gái con vua. Vua giao hẹn hễ làm tròn ba việc sẽ gả. Trên đường đi đến kinh đô, Jăng gặp một đàn vịt con do một vịt mẹ dẫn đi. – “Khéo kẻo giẫm vào con tôi, người ta vô ý đã giẫm chết nhiều rồi đấy”. Đáp: – “Đừng sợ, tôi xin cẩn thận”. Lại đi tiếp. Jăng gặp một đàn cầy. Con cầy mẹ cũng dặn đừng giẫm phải con nó và Jăng cũng trả lời như trên. Sau đó lại gặp một đàn ong, con đầu đàn cũng dặn: – “Khéo kẻo giết mất con ta” – “Đừng sợ”, Jăng bảo thế.

Đến cung vua, vua sai lấy chìa khoá tủ áo của công chúa ném xuống vực, bảo tìm được sẽ gả. Jăng bối rối vì không biết bơi. Nhưng con vịt cái hôm nọ đã lặn xuống và lấy lên cho anh. Vua lại sai lấy một túi gạo, ném gạo vào một bụi cây gai rậm, bảo nhặt đừng để sót. Nhờ con cầy mà túi của anh lại đầy, Jăng lại thắng cuộc. Vua lại bảo công chúa cùng hai cung nữ trạc tuổi và trang sức giống nhau đứng trước một chuồng gà, bảo anh chỉ đúng sẽ gả. Nhờ có đàn ong hôm nọ đến đậu ở vai công chúa, anh lại thắng và được vua y ước [5] .

Theo Thái Kim Đỉnh. Cá gáy hóa rồng và lời kể của người Nghệ-an.

Theo Nguyễn Văn Ngọc. Truyện cổ nước Nam, A – Người ta.

Văn học dân gian cổ truyền Hà-giang.

Theo Truyện cổ dân gian Việt-nam, tập I.

Theo Đờ-la-ruy (Delarue) và Tê-ne-dơ (Ténèze). Truyện cổ tích dân gian Pháp.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.