Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam

197. CÔ GÁI LỪA THÀY SÃI, XÃ TRƯỞNG VÀ ÔNG QUAN HUYỆN



một huyện nọ có một chị góa chồng mặt mày sáng sủa dễ coi, lại khôn ngoan lanh lợi. Thấy có đóa hoa xinh dễ vin dễ hái, nhiều anh chàng thường ngấp nghé. Trong số những người lui tới, có cả một thầy sãi, một xã trưởng và một quan huyện. Cả ba đều dày công thả lời ong bướm, ai cũng tưởng mình lọt vào mắt xanh cô nàng. Thực ra cô nàng chưa chút tơ vương. “Cả ba người đều có vai có vế, nhà ta từng đôi ba phen nhờ vả, thật khó mà ngang nhiên cự tuyệt”. Nghĩ vậy, chị ta vẫn tiếp đãi cả ba rất ngọt ngào; trước những cái liếc mắt đưa tình, những câu bóng gió, tuy chị không vồ vập, nhưng cũng không tỏ ra thờ ơ. Cả ba thấy thế tưởng rằng cá đã cắn câu nên lại ra công theo đuổi. Tuy nhiên cuối cùng cô nàng cũng buộc phải tỏ rõ thái độ, không thể giả lả qua ngày, nhất là đối với xã trưởng là tay quyền thế trong làng, lại gần đường lui tới nên cứ săn đón luôn canh. Chị ta bụng bảo dạ: – “Thật là đáng ghét, chúng nó bám lấy ta như đỉa đói. Phải tìm cách cho cả ba một mẻ, không thể kéo dài mãi được”.

Một hôm cô nàng đang ngồi ở nhà thì thầy sãi ở đâu bước vào. Sau khi trầu nước, thầy sãi bắt đầu tỉ tê đòi được một buổi hẹn hò. Chị ta đáp ngay: – “Thầy sãi muốn gì nào, tối nay có được không?”. Sãi ta như mở cờ trong bụng: – “Ô thế thì hay quá! Có chắc như vậy không?”. – “Chắc như đanh đóng cột. Thầy nhớ đến chơi vào canh một nhé!”. Sau khi thấy sãi ra về, chị ta cũng lật đật chạy đi báo cho xã trưởng làm cho xã trưởng sướng run lên vì cái tin đột ngột. Tiếp đó, đến lượt quan huyện cũng tràn ngập niềm vui vì nhận được ở cô nàng một lời hứa chờ đợi từ lâu. Đêm hôm ấy, vào khoảng trăng lặn, thầy sãi đã đến gọi cửa. Chị ta ra mở cho vào. – “Trong nhà có ai không?” – Thầy sãi hỏi. Đáp: – “Không. Cả nhà thiếp đều đi vắng”. Sãi ta chỉ đợi có câu ấy bắt đầu lả lơi. Thấy chị chàng không ra bộ cự tuyệt, sãi càng làm già. Nhưng giữa lúc thầy sãi sắp lên giường thì bỗng có tiếng gọi cửa. Như gáo nước lạnh giội vào lưng, sãi ta run lập cập. Người đàn bà làm bộ ngạc nhiên:

Tiếng ai như tiếng thầy xã, chẳng biết đêm hôm thầy tới đây làm gì? Nghe nói thế, thầy sãi lại càng cuống quýt, nhờ người đàn bà chỉ chomột chỗ nấp. Cuối cùng thầy đành theo lời chỉ, chui đại xuống gậmgiường, vì nhà không có cửa sau.

Xong đâu đấy, chị ta mở cửa đón xã trưởng vào. Sau những câuchào hỏi mời mọc, người đàn bà nói: – Nhân thể thiếp có chút việcmuốn hỏi thầy xã” – “Việc gì, cứ nói đi”, xã trưởng hỏi: – “Phận đàn bàcon gái không biết phép vua lệ làng. Xin hỏi: như thầy sãi bỏ chùa màđi ve gái thì làng xử ra làm sao ạ?”. Xã trưởng cười hề hề đáp ngay: – “Ồ! Quân đó là đồ trốn xâu lậu thuế, bắt được thì đem chém quáchcho rồi, để làm chi!”.

Cũng như thầy sãi, khi biết nhà vắng vẻ, xã trưởng ta bắt đầu giởchuyện bài bây. Cô nàng cũng không ra vẻ cự tuyệt. Câu chuyện đang đi vào mặn nồng thì thình lình lại có tiếng gọi cửa. Xã trưởng thất kinhvì hắn nhận ra tiếng quan huyện. – “Chết nỗi, đêm hôm khuya khoắt, chẳng biết quan đến đây làm gì? Làm sao bây giờ đây?”. – “Thầy đừnglo. Để thiếp tìm cho thầy một chỗ nấp”. Cuối cùng xã ta cũng được dắt vào buồng, ngồi ẩn vào một xó. Xong đâu đấy, chị ta lại mở cửa đón quan huyện vào. Sau khi dọn trầu mời nước quan, chị ta hỏi: – “Thiếp có chút việc muốn hỏi quan”.-“À, việc gì đó cứ nói đi!”, quan đáp. – “Bẩm quan, như thầy sãi ban đêm bỏ chùa mà đi chơi gái thì nên xử vào lỗi gì?” – “Ồ!”. Quan cười đáp: “Bắt được thì đánh cho năm roi, mười roi, rồi bắt phạt xâu cũng như đối với dân sự vậy!”.

Quan vừa đáp xong thì thầy sãi từ dưới gậm giường lóp ngóp bò ra, lạy lấy lạy để, vừa lạy vừa nói:

– Bẩm quan lớn, ngài minh lắm: chứ không như anh xã nấp trong kia thực là quá tay.

Tội có như vậy mà anh ấy đòi xử chém [1] .

KHẢO DỊ

Trong vở tuồng Nghêu Sò Ốc Hến cũng có đoạn kết đầy kịch tính như truyện vừa kể. vở tuồng này, nhân vật chính là Thị Hến góa chồng, làm nghề buôn bán. Vì mua phải của ăn trộm, chị chàng bị Trùm Sò bắt lên quan. Nhờ có chút nhan sắc, Thị Hến làm cho từ xã trưởng, đề lại đến quan mê như điếu đổ, và cố lo chạy chọt cho thị được khỏi liên lụy để gây cảm tình. Theo lời hẹn của Thị Hến, ở đây, xã trưởng đến trước. Ngồi chưa nóng chỗ thì đề lại đã tới gõ cửa. Thị mở cửa đón vào sau khi chỉ cho xã trưởng chỗ nấp dưới gậm giường. Ở đây cũng có một câu hỏi do Thị Hến đưa ra cho đề lại giải đáp, nhưng đối tượng lại là xã trưởng: – “Xã trưởng đêm hôm đi mò đàn bà góa thì luận tội gì?” – “Đem chém nó đi!”, đề lại trả lời. Đến lượt quan huyện gõ cửa, đề lại kinh hoàng rúc dưới mớ dây khoai. Ngồi với quan, Thị Hến lại nêu câu hỏi vừa rồi. Câu trả lời của quan là: “Chỉ đem phát lạc nó là đủ”. Cũng như ở truyện cổ tích, tác giả tuồng cũng mượn miệng xã trưởng và hành động lóp ngóp chui ra tạ ơn quan cứu hắn để gây cười cho khán giả. Nhưng tuồng chưa dừng lại ở đó, còn cho xuất hiện thêm hai nhân vật nữa là vợ quan và vợ thầy đề để tăng thêm tính phức tạp và vui nhộn. Họ cùng đến nơi đập cửa đánh ghen. Kết cục quan chưa kịp chui xuống gậm giường thì đã bị kéo cẳng lôi ra và bị vạch mặt chỉ trán cùng với đề lại [2] .

Truyện trên vốn có nhiều dị bản trong kho tàng cổ tích của nhiều dân tộc từ Đông sang Tây, mỗi dị bản đều có nét độc đáo của nó.

Trước hết là truyện của Trung-quốc: Khước Yêu.

Khước Yêu là một nữ tỳ của Lý Dữ ở Hồ-nam, người đẹp, giỏi từ lệnh, quán xuyến công việc nhà chủ, được đối đãi tốt. Lý có bốn người con trai đều muốn ghẹo Khước Yêu mà không làm gì được. Một hôm vào tiết Thanh minh, Đại lang nắm lấy tay nàng buộc phải cho mình gặp riêng. Nàng trao cho hắn một chiếc chiếu nhỏ dặn đêm khuya đến đứng đợi ở góc Đông nam nhà sảnh. Tiếp đó lần lượt ba người em hắn đều hẹn hò và buộc cho mình được gặp riêng. Cũng như đối với anh chúng, nàng cũng lần lượt trao cho mỗi người một chiếc chiếu nhỏ, hẹn gặp không phải vào những giờ khác nhau mà là cùng một giờ ở quanh nhà sảnh. Đêm lại, người anh cả (Đại lang) đến trước nép vào một nơi để đợi người con gái, thì chợt thấy ba đứa em của mình lần lượt đi vào, ai nấy đều tìm chỗ nấp. Chốc sau, thấy Khước Yêu cầm đuốc tiến ra, mở cửa nhà sảnh, nói lớn: – “Không biết các công tử đua nhau đến tìm gì ở chỗ ở của gái hèn này?”. Ai nấy đều quẳng chiếu che mặt bỏ chạy. Về sau không dám ghẹo nữa [3] .

Hai truyện sưu tầm ở Bắc Ấn-độ:

Một người đàn bà đẹp, lương thiện, bị một quan thượng (vi-dia) theo đuổi. Để có thể được gần gụi người đàn bà, quan bảo vua rằng chồng nàng có thể lên rừng tìm bắt một con chim chưa ai thấy, gọi là rang-ta-ti-ya. Vua muốn có ngay con chim lạ, bèn đòi anh kia đến, ra lệnh đi tìm con chim theo lời quan thượng, giao hẹn nội một tháng phải có. Ở cung vua về, anh kể lại cho vợ nghe. Vợ bảo: – “Đừng đi, quan thượng muốn giết anh đấy”, lại nói: “Được, nếu thế thì tôi sẽ có một mưu còn sâu hơn mưu của quan thượng”- Bèn bảo chồng đào một hố ở trong buồng, đặt xuống đấy một vại đầy mật. Lại trải một tấm vải rộng trên giường, rải lên một lượt bông chưa bật có nhiều màu. Xong việc chị chàng hẹn với quan đến nhà. Quan vừa vào được một chốc sắp dược vui thú, thì ở ngoài đã có tiếng đập cửa. – “Có lẽ chồng tôi đã tìm bắt được chim đưa về”, nàng nói với quan. – “Xin chỉ cho một chỗ trốn”. Người đàn bà dắt hắn vào buồng. Đang đi thì hắn ngã vào vại mật, hắn nhờ nàng kéo lên và chùi hộ. Làm xong việc này nàng bảo hắn lên nằm trên tấm vải trải ở giường và bọc lại như cái gói. Đoạn ra mở cửa cho chồng vào, chỉ cái gói bọc và nói: “Đây là chim rang-ta-ti-ya”.

Chồng mang cả bọc đến vua và nói: – “Tâu bệ hạ, đây là con chim mà quan thượng mách. Nếu giội nước vào thì màu nó còn lấp lánh đẹp hơn”. Vua sai làm như lời. Nước chảy đến đâu quan thượng lộ hình đến đấy. Vua cười, truất chức hắn mà cho anh kia lên thay.

Một ông vua theo đuổi vợ một người dân. Một hôm đứng trước vua, thấy vua và quan thượng cười, anh cũng cười theo. – “Mày cười gì đấy?”, quan thượng hỏi. – “Không”, anh đáp: – “Không là cái quái gì? Mày hãy đi tìm cho được nó rồi đưa nó về đây.Vua tán đồng, ra lệnh bảo phải đi tìm, không có không được. Anh buồn bã trở về kể cho vợ hay. Vợ bảo rồi sẽ tìm cho, không khó. Bèn cho đào mấy hố trong buồng của mình, đặt vào đó một thùng đầy nhựa. và ở một hố khác, một thùng đầy lông chim. Rồi bảo chồng đến báo với vua là đã tìm được, mời vua đến vào một giờ hẹn. Vua đến lả lơi với người đàn bà. Sau đó không lâu có tiếng đập cửa. Người đàn bà hỏi: -“Ai?” – “Ta là chồng nàng” – “Sao lại về?” – “Để lấy vũ khí”. Nghe nói, vua sợ, hỏi: – “Trốn đâu bây giờ?”. Người đàn bà mở cửa buồng thứ nhất cho vua vào. Vua rơi vào thùng nhựa. Nàng kéo lên và cho vào buồng thứ hai, vua lại rơi vào thùng lông. Đoạn nàng ra mở cửa cho chồng vào, nói là mình đã tìm hộ cho cái “Không”, cái “Không” này không phải là người cũng không phải là chim. Anh vực cái “Không” về cung, chẳng ai hiểu đó là vua. Từ đó vua tởn đến già. Hai vợ chồng sống yên ổn.

Truyện của Tây-tạng đã có chép trong sách Can-jua (Kandjour):

Ma-hăng-sa-đa, quan đầu triều, có một người vợ rất đẹp và khôn ngoan tên là Vi-sa-ka. Nàng đã làm cho sáu quan thượng thư mê mẩn. Mỗi người đeo đuổi nàng với nhiều hứa hẹn mà không ăn thua. Cuối cùng Vi-sa-ka xin chồng làm một chuyện cho chúng tẽn. Bèn bảo chồng đắp bệnh nằm nhà. Tin ấy đến tai các quán thượng. Nàng gửi cho mỗi người một thư mời đến nhà vào giờnọ giờ kia. Trước đó nàng thuê làm sáu cái hòm lớn đặt vào sáu buồng khác nhau. Mỗi quan đến giờ hẹn tới nhà nàng được tiếp ân cần và cứ đến lúc sắpđược hưởng ơn huệ cao nhất thì có tiếng gõ cửa và bị bỏ vào một hòm. Sáng dậy, nàng bắn tiếng là Ma-hăng-sa-đa chết, mang đến cho vua sáu hòm củacải của chồng. Vua chưa hiểu ra thế nào thì Ma-hăng-sa-đa đã tới cùng với vợ trang sức đầy hoa. Nàng kiện các quan thượng. Sau đó các hòm mở ra. Ma-hăng-sa-đa kể cho vua hay mọi việc và được vua khen ngợi.

Truyện của người Ca-sơ-mia (Cachemire) và người Ả-rập (Arabes), người Xi-ri-a-cơ (Siriaques) cũng kể tương tự:

Chồng nàng U-pa-cô-sa đi hành hương ở núi Hy-mã-lạp (Himalaya). Hàng ngày, nàng nhà đi tắm sông Hằng. Một hôm trên đường về lần lượt gặp ba người, một thượng thư, một linh mục (pu-rô-hi-ta) và một chánh án, đều muốn dùng bạo lực bắt nàng. Để được thoát nạn người đàn bà ấy hẹn với mỗi người đến nhà mình trong một đêm, nhưng với giờ giấc khác nhau. Trước đó nàng sai con hầu mang tiền đến cho một lái buôn mà khi chồng ra đi dặn gửi cho hắn. Nhưng nàng lại quên không lấy chứng từ nên bị tên lái buộc phải ngủ với hắn một đêm, nếu không thì mất. Nàng hẹn hẹn hắn đến nhà vào giờ chót. Nàng còn bảo con hầu chuẩn bị cho mình một thứ nước trộn bồ hóng, dầu và nước thơm. Lại thuê thợ đóng một cái tủ lớn có từng cánh có khóa. Canh một, viên thượng thư đến. Nàng bắt hắn ta phải tắm đã mới cho chung gối. Con hầu dẫn hắn vào một phòng tối nói là xoa bóp, kỳ thực là bôi nước bồ hóng.Đang làm dở dang thì linh mục tới. Chủ tớ bèn giấu thượng thư vào ngăn đáy tủ khóa lại. Linh mục và tiếp sau là chánh án đều lần lượt bị bôi bồ hóng từ đầu đến chân như thượng thư và đều nằm vào ngăn thứ hai, thứ ba, v.v… Nàng tiếp tên lái buôn ở ngay cái buồng có tủ. Trao đổi với hắn về số tiền gửi, lái ta nói rất tự nhiên: – “Nàng đừng lo. Tôi đã nói là tôi nhận số tiền của chồng nàng gửi cho tôi rồi”. Ngoảnh về phía cái tủ, nàng nói to: – ” Các ông Thần Bếp nhà tôi, các vị có nghe anh ta nói gì không?”. Đoạn cũng bảo con hầu đưa hắn vào buồng tối tắm nước bồ hóng, nói dối là tắm nước lã và vì lúc ấy trời sắp sáng, nên tống hắn ra cửa. Sáng dậy, nàng đến gặp vua và kiện người lái buôn không chịu trả số tiền của chồng mình gửi. Vua cho đòi lái đến. Hắn chối phăng. Nàng nói là có nhân chứng biết việc này tức là ông Thần Bếp mà chồng nàng đã cất vào tủ. – “Hãy chở tủ đến đây”, vua bảo. Khi tủ được mang đến, nàng nói to. – “Các vị hãy thành thực chứng nhận lời của ngươi lái buôn này đi, nếu nói sai ta sẽ đốt các vị cùng với cái tủ”. Lập tức từ cái tủ có ba tiếng nói phát ra chứng nhận lời của người đàn bà. Tên lái kinh ngạc thú nhận. Vui sai mở tủ thì thấy có ba bóng đen nhẵn nhụi chui ra. Mọi người cười ồ. Nàng kể lại mọi việc cho vua hay, được vua ban vàng bạc. Và vua đuổi cổ ba người kia.

Một truyện khác của Ả-rập (Arabic).

Một thiếu phụ đẹp có chồng thường xa nhà, dan díu với một anh chàng khác. Một hôm gã trai này đánh nhau với một lão thầy tướng, bị tống giam. Thiếu phụ nghĩ cách cứu, bèn tìm đến phòng làm việc của cảnh sát trưởng. Người này đòi được ngủ một đêm sẽ tha. Nàng mời đến nhà mình vào lúc mặt trời lặn. Lại đến yết kiến quan chánh án. Chánh án cũng đòi như trên và cũng được hẹn vào lúc nhá nhem. Sau đó lại đến lượt tể tướng, rồi vua, và họ đều được hứa hẹn vào những thời gian muộn hơn. Sau cùng thiếu phụ đến nhà người thợ mộc đặt một cái tủ năm ngăn, mỗi ngăn có cánh và khóa riêng, hẹn chiều phải xong. Thợ mộc cũng đòi một ân huệ đặc biệt thay cho tiền công và được nàng hẹn vào nửa đêm.

Đến giờ hẹn, cảnh sát trưởng tới. Nàng đưa cho hắn mặc một bộ đồ ngủ màu vàng. Sắp bước vào cuộc vui thì chánh án tới, gõ cửa. Cảnh sát được chui vào nằm ở ngăn tủ dưới cùng, khóa lại. Chánh án sau khi viết cho nàng bức thư tha tội gã tình nhân bị giam (mà nàng bảo là anh ruột mình) cũng được nhận bộ đồ ngủ màu đỏ, và cũng hốt hoảng chui vào ngăn tủ thứ hai sau khi nghe tiếng gõ cửa của tể tướng. Lại đến lượt tể tướng với bộ đồ ngủ màu xanh và chui vào ngăn thứ ba sau khi nghe tiếng gõ của vua. Tiếp đến, vua cũng nhận bộ đồ ngủ màu lam và chui vào ngăn thứ tư khi có tiếng gõ cửa của người thợ mộc. Khi người thợ mộc sắp sửa lả lơi, nàng bỗng bảo hắn: – “Sao cái ngăn tủ quá hẹp?”. – “Hẹp thế nào được”. Hắn nói thế rồi trèo vào nằm thử để cho nàng thấy mình làm đúng. Nhưng thiếu phụ đã bất chợt đóng ập cửa lại khóa luôn hắn vào trong, rồi đi đến nhà giam đưa giấy của chánh án cho chủ ngục. Tình nhân được thả, nàng đưa về nhà. Hai người đùa giỡn vui thú bên cạnh cái tủ. Sau đó họ nhặt nhạnh mọi thứ của quý và mấy bộ áo quần tốt của mấy người kia, đoạn họ sang nước khác. Năm người nằm phục vị trong tủ luôn trong hai ngày. Mót quá, anh thợ mộc đái xuống đầu vua, vua đái xuống đầu tể tướng, tể tướng đái xuống chánh án, chánh án đái xuống cảnh sát trưởng. Cuối cùng họ nhận ra nhau nhưng chẳng có cách gì để tự giải thoát cả. May sao, giữa lúc ấy anh chồng thiếu phụ về. Thấy nhà trống mà có cái tủ lạ và tiếng rì rầm bên trong, hắn bèn cạy khóa. (Một dị bản kể là hàng xóm nghe tiếng kêu cứu đến phá cửa ra). Để an ủi anh chàng mất vợ, vua phong cho hắn làm hữu thừa tướng [4] .

Trong Nghìn lẻ một đêm, truyện trên được kể giống với một loại truyện mà người phương Tây quen gọi là “truyện ngăn kéo” [5] : bốn anh chàng mê gái – ở đây là gái có đức hạnh – bị gái lừa và biến thành những con người kỳ cục (vì cũng như các trường hợp đã kể, khi sắp được hưởng ân huệ, cô gái bắt họ thay những áo quần lố lăng mà mình đã chuẩn bị sẵn), và chưa được gì thì đã có tiếng đập cửa, rồi bị đẩy vào những gian buồng khác nhau. Sau khi từ những căn buồng này bước ra, người nào cũng buộc phải nhảy hết hơi và mỗi người phải kể một câu chuyện vui.

Truyện của Ba-tư (Iran)- Nhà kiến trúc, vợanh ta và ba vị đại nhân của vua Gu-va-chia:

Thành phố Bim xứ Kéc-man có một nhà kiến trúc giỏi nhưng lười. Một hôm vợ bảo đi sang nước Gu-va-chia để xây dựng sự nghiệp nếu không thì xấu hổ. Khi chồng ra đi, vợ giao cho một cây bạch dương, bảo: nếu cây héo là lòng trung thành bị giảm sút: nhưng nếu cây tươi thì nên nhớ là vợ mình đang đợi. Đến nơi, anh mới biết các nhà kiến trúc nước này đều bị vua giam, vì vua sai làm một cung điện và một lầu bát giác, hẹn nếu không xong thì phạt một nghìn đồng, nhưng không ai chịu làm. Anh xin phép vào ngục hỏi những người bị giam, rồi trở vềquyết vẽ mẫu thi công. Làm xong, anh được vua khen ngợi, cho làm quan với số tiền thưởng đã hứa, lại cất nhắc làm đại thần. Có ba vị đại thần cũ ghen tị, tìm cách hãm hại. Một hôm anh cầm cây bạch dương tươi bỗng nhiên nhớ vợ, khóc rồi ngủ vùi. Một người lấy rượu thịt bỏ vương vãi ở xung quanh anh và ở ngai vàng, rồi tâu cáo với vua rằng anh say sưa đến mức có hành vi thiếu tôn kính. Vua cho đòi đến, anh nói thực về cây bạch dương và sự trung thành của vợ, lại nói mình chưa ăn uống gì, chắc là bị người vu cáo. Vua cho người ngửi ở mồm quả không thấy có mùi men, nên tha. Nghe lời anh tâu, chúng bèn dọn tiệc cố phục rượu để hy vọng lúc say, anh phun ra những điều bí mật. Thế rồi một hôm trước mặt vua, bọn đại thần gièm về đức hạnh của vợ anh. Anh đưa cây bạch dương xanh tươi tỏ vẻ không tin vànói: – “Nếu ai đem về được một chứng cớ gì thì tôi quyết ở lại đây trọn đời”. Vua ra lệnh giữ anh lại trong mười ngày, để một đại thần đi thủ. Đại thần thứ nhất ra đi với một số người hầu, đến Bim, cho tiền một mụ làm nghề mối lái để được gặp vợ nhà kiến trúc. Nàng nhận lời tiếp nhưng dặn một nữ tỳ đánh thuốc mê rồi bỏ hắn xuống hầm. Khi biết đó là đại thần ở Gu-va-chia đến, nàng buộc hắn hàng ngày phải chải một cân bông mới cấp cho một cân bánh để ăn. Thấy hắn không về, đại thần thứ hai cũng lại đem gia nhân ra đi, cũng nhờ mụ mối để gặp nàng và cuối cùng cũng bị bỏ vào hầm tối. Đến lượt đại thần thứ ba cũng vậy. Thấy ba đại thần của mình có đi không có về, vua bèn cải trang ra đi. Nhờ mụ mối, vua cũng được vợ nhà kiến trúc tiếp, nhưng lần này vua không bị đánh thuốc mê. Đang tìm cách dỗ dành người đàn bà, thì bỗng vua nghe tiếng đập cửa. – “Ai đấy?”, vua hỏi – “Đó là các anh tôi về”. “Ta nấp vào đâu bây giờ?” – “Ở đây có một buồng kín trong vườn”. Vua xuống hầm thì gặp các đại thần của mình. Thấy bọn này lạy vua, vợ nhà kiến trúc sư sai nữ tỳ mang đuốc đến cùng với nệm cho vua ngồi, rồi mình thân đến lạy vua kể lại mọi việc. Vua khen ngợi, nhận nàng làm em gái. Vua sai bắt giải bọn đại thần về nước, sai đeo vào cổ mỗi người một cái biển có đề chữ “Ganh tị và vu cáo”. Còn nhà kiến trúc thì được vua ban thưởng cho trông nom công việc triều đình, vợ anh thì trông nom hậu cung [6] .

Xem thêm một số truyện ở mục Khảo dị, số 84 và truyện Người đàn bà bị vu oan số 109 tập III, cũng có một số tình tiết tương tự.

Một truyện rút từ sách Bri-hat-ca-tha (Brihatcathâ) của Ấn-độ cũng gần với truyện trên:

Thần Si-va cho mỗi người trong cặp vợ chồng một hoa sen đỏ. Hoa này sẽ không bao giờ héo nếu vợ trung thành với chồng và sẽ héo nếu ngược lại. Người chồng trước khi ra nước ngoài buôn bán được mẹ vợ trao cho một bông hoa huyền bí nói trên. Anh giao thiệp với bốn lái buôn trẻ tuổi. Trong một bữa tiệc, bị phục rượu say, anh tiết lộ tính năng của bông hoa huyền bí. Bốn người này bèn tìm cách đến quê anh trong khi anh vẫn chưa về. Cũng gần với các truyện trên, mối lái được Đê-va-mi-ta, vợ anh hứa hẹn, và họ lần lượt vào nhà do một thị tỳ của nàng ăn mặc như nữ chủ nhân tiếp, rồi trước giờ vui thú, được mời uống rượu có trộn chất cà độc dược làm cho mê man, bị đóng ấn sắt nung đỏ lên trán hình dấu chân chó, rồi còn bị lột trần truồng ném vào một hố rác. Sau đó Đê-va-mi-ta cải trang làm đàn ông tìm đến cung vua của bốn chàng lái buôn kiện về việc có bốn tên nô lệ bỏ trốn. Ra trước tòa,bốn người kia chối. Trước công chúng, nàng lần lượt đến từng người vạch cái dấu chân chó trên trán mà bọn họ cố ý trùm khăn che khuất đi. Thế là bốn lái ta phải nộp tiền chuộc.

Truyện của Ba-tư (Iran) đã được một nhà thơ Ba-tư Hồi giáo thế kỷ XIII diễn tả thành thơ:

Một anh lùn nhà nghèo có vợ đẹp. Một hôm hắn bảo vợ cố ý đánh lướimột vài tay nhà giàu để kiếm tiền tiêu, vợ tìm đến một ông quan (qua-di) để nhờ giúp cho một vụ kiện. Thấy nàng đẹp, quan bảo sẽ giúp nếu được ân áimột đêm. Người đàn bà hẹn ngày. Khi quan vừa vào nhà trò chuyện một látthì lùn ta đập mạnh cửa. Ở đây quan được dẫn trốn vào trong một chiếc hòm. Sáng dậy anh lùn làm như không biết gì cả, mang hòm đi bán. Quan ta nhờ có một ông bạn biết chuyện cố mua cái hòm với giá cao (100 đi-na) để cứu cho khỏi mất mặt. Năm sau, thấy vợ lùn đến, quan nói: – “Cút đi, ta không mắc bẫy lần nữa đâu”.

Tương tụ với mô-típ này, người Căm-pu-chia có truyện Sóc và Sau:

Một người tên là Sóc, nhà nghèo túng. Trong khi đó hắn lại bị vợ lừa, đi lại với con trai một trọc phú. Bạn của anh chàng nhà nghèo là một người có học, tên là Sau.

Người này biết rõ câu chuyện bí mật của vợ bạn, nhưng không tiện nói ra, bèn tìm cách giúp bạn. Một hôm người bạn bảo anh nhà nghèo làm một áo quan và đem đặt nó vào buồng. Sau đó rủ anh cùng mình làm một chuyến du lịch độ vài ngày. Vắng chồng, người vợ đón tình nhân về nhà. Hai người kia đi được nửa đường lộn về vào lúc nửa đêm trước hẹn. Nghe tiếng đập cửa, gã tình nhân thấy không có chỗ trốn nào tốt hơn là chui đại vào áo quan đặt ở xó nhà. Khi vào nhà, người bạn làm bộ lại gần gõ vào áo quan nói rằng nghe tiếng kêu, như vậy là điềm gở cần phải đốt đi thì mới tiêu trừ được tai họa. Nghe nói, người đàn bà hoảng sợ bèn báo tin cho trọc phú biết; ông này tới tìm cách xin mua lại cái áo quan để cho con mình thoát khỏi nguy hiểm. Cuối cùng, trọc phú cũng làm chủ được cái áo quan với một giá đắt kinh khủng [7] .

Người Nùng có truyện Bán cái tủ đứng cũng cùng mô-típ:

Một lão nhà giàu (lão pản) đưa tiền cho một người làm công bảo đi thuê người chặt gỗ xẻ ván, rồi trong khi anh này đi vắng, hắn đến nhà gặp người vợ mà hắn đã từng trêu ghẹo, định dùng tiền để được ân ái một đêm.Vợ anh giả bộ ân cần, lại dọn cháo gà đãi hắn. Đang ăn thì người chồng cô ả về. Hắn hốt hoảng chui đại vào một cái tủ đứng. Sáng dậy vợ chồng khiêng đến bán cho vợ lão, đòi một số tiền lớn. Do nghe được tiếng chồng nói nhỏ trong tủ, vợ lão đành phải cắn răng mà mua vậy [8] .

Một truyện khác cũng của Ba-tư (Iran) trong sách Tu-ti Na-mếch:

Để thử cái hoa hồng huyền bí của một người lính, một hoàng tử sai hai người đến bắt tình với vợ người lính ấy. Họ cũng được người đàn bà hẹn vào những giờ khác nhau. Người thứ nhất tới, trò chuyện chưa được bao lâu thì người tớ gái của nàng – đã cùng với chủ bàn mưu trước – gõ mạnh cửa. Nàng nói. – “Ông anh tôi đã tới!”. Anh kia hoảng hồn, người đàn bà đưa giấu vào một nhà kho khóa cửa lại. Đến lượt người thứ hai cũng thế. Trong nhà kho có một cái giếng cạn mà trước đó hai thầy trò cô chủ đã treo lên miệng giếng một cái giường bằng những sợi dây bục. Hai người bị nhốt thấy mỏi mệt bèn lần đến giường ngồi lên định nghỉ ngơi, song dây đứt, cả hai lăn xuống giếng.

Truyện của người vùng Thượng Băng-la-dex (Haut Bangladesh).

Có bốn người: một cảnh sát trưởng (cốt-oan), một cố vấn của vua, một thượng thư đầu triều và vua đều mê một cô gái chưa chồng. Cũng như một số truyện Bắc Ấn trên kia, cô cũng hẹn bốn người đến vào bốn giờ khác nhau. Cảnh sát trưởng đến đầu tiên. Nghe gõ cửa, hắn sợ quá hỏi trốn ở đâu. Cô gái đưa vào buồng tối làm cho hắn dính mật từ đầu đến chân và cho chui vào một cái bao đdựng lông rồi buộc lại đặt ở gần cửa sổ. Vua là người đến thứ hai, thấy có bao lông đang cụ cựa, vua hỏi: – “Ai đấy?”. Nàng đáp: – “Đó là một con yêu ăn thịt người (rắc-sa-xa)”. Nghe nói thế, cảnh sát trưởng nhảy dựng. Vua sợ quá lủi một mạch. Hai người kia lần lượt tới, cũng thế. Cuối cùng cảnh sát trưởng cũng tháo được dây, mình đầy lông, lần ra khỏi túi, chạy mất.

truyện của người Tây-tạng gần Ấn-độ thì cô gái tên là A-ma-ra, đối tượng của cô là bốn nhà học giả (păng-đi) cố vấn nhà vua. Cuối cùng cả bốn người đều bị cạo đầu, bị hành hạ và bị bỏ vào bao tải để sáng dậy cô gái cho người mang tới nộp vua.

truyện của người Ả-rập (Arabes) thuộc Tuy-ni-di (Tunisie) thì lại kết hợp với mô-típ truyện Con mụ lường: Bảy người được vua sai đi dỗ dành một người đàn bà, vợ chàng lái buôn, không phải lần lượt mà cùng đến một lúc, và cùng một lúc rơi xuống hố trên có nắp bẫy (Xem Khảo dị, truyện số 84, tập III).

Một truyện nôm của ta là Hoàng tú tân truyện cũng có nội tình tiết tương tự với truyện trên. Hoàng Tú đậu trạng, đi sứ nước ngoài, phải ở lại đấy nhiều năm. Vợ là Ngọc Côn vốn bị chồng hắt hủi vì có lỗi lầm, bèn cải trang làm một người đàn bà khác, vượt biên tìm chồng. Sau những ngày vật lộn gian khổ nàng đến nơi, được chồng cưới làm vợ mà không biết đó là vợ cũ ở nước nhà sang. Có tên Tống thần thấy nàng đẹp, lại thấy Trạng được vua ưu đãi, nên “Có lòng ăn trộm ấn vàng, gieo tai gieo vạ cho chàng Trạng nguyên”. Hoàng Tú liền bị vua bắt đầy đi “sơn hải mươi niên”. Trong khi đó Tống thần ta tìm đến nhà Ngọc Côn để gạ “ái ân sự lòng”. Tương kế tựu kế, Ngọc Côn sai người hầu “cửa sau gian giữa, hố đào bên trong”. Tống thần y hẹn, nửa đêm hí hửng mò tới, bị sa xuống hố. Sau khi tra hỏi, vợ Trạng nắm được những chuyện vu cáo của y, bèn vào tâu vua. Vua cho khám mới biết là Trạng bị vu oan, bèn tha cho Trạng về.

Truyện Con ma của người La-dơ (Lazs) thì lại kết hợp với mô-típ của truyện Cái chết của bốn ông sư (số 200): Có ba người thuộc loại quan to say mê một người đàn bà. Một hôm chị này mách chồng. Chồng bèn đào giữa nhà một cái hố và đặt sẵn một cái thang, bảo vợ hẹn mỗi người một giờ khác nhau, còn mình thì nấp ở sau nhà. Người thứ nhất sau khi hoảng hồn vì tiếng đập cửa, được đưa vào ngồi ở nấc thang dưới đáy hố. Người thứ hai ngồi nấc trên, và người thứ ba nấc trên cùng. Chồng bảo vợ nấu một nồi nước sôi, rồi giội từ trên xuống giết chết một lúc cả ba. Sau đó hắn kéo thây lên, bọc vào vải liệm và giấu ở những gian buồng khác nhau. Sáng dậy hắn đi gọi một phu chôn xác nói rằng: – “Mẹ tôi chết đã chôn, nhưng đêm qua lại hóa ma (hoóc-tơ-lắc) hiện về nhà. Nếu anh chôn sao cho bà ấy không về nữa, tôi sẽ trả năm đồng vàng”. Thấy tiền công hậu, ngưòi kia bùi tai, nhận lời. Chôn xong, lúc hắn về, người chồng bảo: – “Anh chôn không kỹ rồi. Kìa bà ta lại đã về”. – “Để tôi thử cắm vào mộ một cái nêm bằng gỗ rắn xem có về được nữa không?”. Nói rồi lại vác đi chôn. Lúc về, người chồng lại nói: – “Đấy, bà ta lại về kia. Anh cắm cọc vụng chăng?”, – “Tôi sẽ dưa bà ta đến một nơi không thể về được”. Lần này hắn đưa đến cầu ném xuống sông. Không ngờ lúc ấy có một giáo chủ (i-mam) đang bơi ở đấy thấy có vật ném xuống đầu sợ quá, vội lên bờ bỏ chạy. Hắn kêu: – “Đó, con ma đã lại chạy về. Bèn đuổi theo bắt được, nhét vào túi buộc lại, quẳng xuống sông. Chờ cho xác trôi xa, y mới nói: – “Bây giờ thì chắc là xong” [9] .

Truyện Anh tình nhân trong cái hòm tuy diễn biến có khác, nhưng cũng thuộc loại gần gũi với các huyện trên:

Lốc-mân đi theo một gia đình di cư. Một hôm anh ta thấy một người đàn bà hò hẹn với tình nhân. Trong khi công việc chưa đi đến đâu thì chồng người đàn bà lùa đàn gia súc về. Người vợ bỏ gã tình nhân vào một cái hòm. Cuộc di cư lại tiếp tục vào ban đêm. Vợ bảo chồng mang hộ cái hòm nói dối là áo quần trang sức của mình. Chồng đội lên đầu ra đi. Dọc đường anh nhân tình mót đái không ngăn dược. – “Nước gì trong ấy chảy lên đầu ta”, chồng hỏi. – “Chỉ có lọ thuốc xức”, vợ đáp. – “Khai quá?”. Chồng ném thùng xuống, nắp văng ra, anh nhân tình trốn lên núi cao. Chồng đuổi bắt được, đề nghị Lốc-mân xử hộ. Người này sai bỏ anh nhân tình vào hòm, bắt người vợ đội cho đến chết [10] .

Theo Trương Vĩnh Ký. Chuyện khôi hài.

Theo bản phiên âm Nghêu Sò Ốc Hến, quốc ngữ.

Theo Thái-bình quảng ký.

Theo Hà-nội báo ( 1935).

Ý nói từ truyện này lôi ra nhiều truyện khác (conte à tiroirs).

Theo Đờ-cuốc-đờ-măng-sơ (Decourdemanche): Vui sau khi mệt.

Theo Lê Hương. Truyện cổCao-miên.

Theo Hoàng Quyết. Truyện cổ Tày-nùng, sách đã dẫn.

Phần nhiều những truyện trên đều theo Cô-xcanh (Cosquin), sách đã dẫn.

Theo Đờ-cuốc-đờ-măng-sơ (Decourdemanche): Mưu đàn bà.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.