Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam
MỘT VÀI KÝ ỨC VỀ ANH TÔI
Thời gian và tuổi tác đã xóa đi nhiều kỷ niệm, nên giờ đây ngồi nhớ lại cho hết những gì đã xảy ra trong mấy chục năm gắn bó thân thiết giữa hai anh em chúng tôi thật không phải dễ. Nhưng thật tình, nghĩ về người anh trai thứ Nguyễn Đổng Chi (mà tên quen thuộc vẫn gọi trong nhà là Gióng), hình ảnh vẫn thường hiện ra trong trí là một dịp Tết nào đấy cách đây dễ đã 55 năm, chúng tôi cùng ở trong phòng học – một căn buồng rộng, trước cửa có dòng chữ “Mộng Thương thư trai”, hai bên tường là những giá sách chất cao đến trần – anh tôi sau hai ngày mồng một và mồng hai phải tiếp khách lu bù đang tranh thủ ngồi trước chiếc bàn gỗ lim to và dày lại lúi húi lật đi lật lại mấy tập sách chữ Hán và dùng cuốn từ điển Hán-Việt của cha tôi soạn, vừa tra vừa đọc rất chăm chú, còn tôi thì duỗi dài trên chiếc ghế ngựa – chiếc ghế dài đóng bằng nhiều thanh gỗ, nếu rút chốt có thể choãi ra, giúp ta trong tư thế nửa nằm nửa ngồi thoải mái – đọc mấy tờ báo Thiếu nữ (La Fillette) và Thanh Nghệ Tĩnh tân văn anh tôi vừa mang ở Vinh về mấy hôm trước, trong khi ngoài vườn là vô số loài hoa đang nở: hoa hồng, hoa thược dược, hoa hải đường, xen lẫn hoa dong riềng đỏ tươi, hoa cải vàng lấm tấm… cùng với những cây ổi, cây nhãn, cây bưởi, cây dưa đang đâm những cành nhánh sum suê. Và gió ngoài cánh đồng thổi qua hai cửa sổ mở rộng đưa vào mùi hương tháng Giêng ẩm ướt, nồng nàn… Đấy là ngôi nhà “Chi gia trang” của gia đình chúng tôi mới dựng lên trước đấy một năm ở làng quê, ngôi nhà từng nổi tiếng một thời, là nơi mở rộng cửa cho mọi người dân trong vùng đến đọc sách, là nơi đã tổ chức những cuộc họp bí mật của Nhóm thanh niên cứu quốc Can-lộc trong những năm 1943-45, dẫn đến cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền huyện ngày 15-VIII-1945 một ngày sớm nhất trong toàn tỉnh, cũng là nơi rồi đấy sẽ chứng kiến những bước chân thăng trầm, những bão tố dữ dội, làm xiêu liêu cả mấy anh em chúng tôi.
Tôi để ý thấy anh tôi đang ngồi chăm chú vào trang sách bỗng hình như thoáng nhìn thấy một cái gì, thế là anh vụt đứng ngay dậy, đóng chặt một cửa phòng thông ra sân bên trái, và đứng án trước một cửa phòng khác thông vào buồng giữa, miệng huýt một điệu sáo khác thường. Lập tức hai chú chó vện và chó đen của nhà nghe tiếng sáo từ đâu xông vào với dáng dữ tợn, cánh cửa liền đóng lại. Thế rồi anh tôi vừa điều khiển hai con chó chạy sục sạo từ góc này đến góc kia, vừa dùng một chiếc que dài xoi đi xoi lại phía sau các tủ sách. Bỗng chốc một chú chuột nhắt từ dưới tủ chạy vọt ra, con chó vện chồm tới. Một tiếng “chít” vang lên, chuột đã lọt vào giữa hai mõm chó. Cửa lại được mở ra, và anh tôi vừa cầm cái đuôi con chuột bé tí mang đi vứt vừa cười với tôi. Bấy giờ tôi đang học trung học ở Quy-nhơn mới trở về quê nghỉ Tết nên chưa được biết những trò này.
Anh tôi lại trở lại ngồi vào bàn và lại lặng lẽ như cũ. Nhưng không được lâu. Bác Chất Nghĩa, một người lão bộc lâu năm của gia đình, vừa đi chợ Huyện về, cho biết ở chợ người ta đồn mới có một vụ án mạng xảy ra ở Vạn-phần (Diễn-châu). Chúng tôi cùng bật dây, chạy xuống nhà dưới để hỏi tin. Bác cho biết, nghe đâu có một anh tá điền bị cường hào o ép ngặt quá không còn biết xoay xở cách nào nữa đành liều cầm dao xông vào nhà chánh tổng giữa ngày Tết, đâm chết y rồi đâm luôn cổ mình tự tử, bỏ lại vợ con và một đàn con nhỏ. Nghe chuyện cả nhà chúng tôi ai cũng thở dài, thương cho hai mạng người xấu số, lại thương cho chị vợ và đàn con anh nông phu từ đây không biết cậy nhờ vào ai. Nhưng tôi bỗng thấy anh Gióng có dáng vội vã. Không nói không rằng anh bỏ đi lên nhà trên, chỉ chốc sau anh trở xuống với chiếc cặp tàng, chiếc mũ trắng, tay dắt xe đạp. – “Anh đi đâu mà vội thế?”, tôi hỏi. – “Mình ra phủ Diễn đây. Phải lên Nghèn đáp ô-tô Hồng Ký từ Hà-tĩnh ra Vinh mới kịp chuyến chiều. Thôi chú ở nhà chơi, mấy bữa mình về”. – “Anh đi xem án mạng sao?”. – “Đúng! Mình đang viết tập phóng sự về cái nạn cường hào [2] . Mấy lâu nay lặn lội khắp Nghệ – Tĩnh mà mãi vẫn không tìm ra một thiên truyện làm kết. Nay thì có rồi. Mà tuyệt nữa! Phải đấy, đúng là một kết cục như nó phải có. Merveilleux [3] !”. Thế rồi anh nhảy lên xe, bộ quần áo trắng biến mất ở cổng. Tôi vừa trở lại phòng học thì tiếng chuông xe đạp đã reo lên “kính coong” ở xa.
Tôi lại nằm xuống chiếc ghế ngựa và ngẫm nghĩ: người anh của mình trước sau vẫn vậy. Vẫn cái tính hiếu động ấy, cái thói quen làm việc nhanh như sóc ấy, cái tính thẳng thắn đến ương ngạnh ấy, và cái đức hiếu học ấy. Anh thực là một con người hoạt động mà suốt một thời tuổi trẻ đã ảnh hưởng sâu sắc đến tâm tính của tôi.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.