10 Điều Khác Biệt Nhất Giữa Kẻ Giàu Và Người Nghèo
7.Người giàu dám mạo hiểm, Người nghèo sống an phận thủ thường
Người nghèo bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của người làm thuê bởi họ không dám mạo hiểm. Cách duy nhất để thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn đó là dám mạo hiểm. Bạn dám mạo hiểm trong cuộc sống nghĩa là bạn đang nắm bắt cơ hội.
Mạo hiểm không có nghĩa là lần mò trong bóng tối. Người giàu mạo hiểm một cách CÓ TÍNH TOÁN. Có tính toán nghĩa là thế nào? Nghĩa là hãy học hỏi tri thức trước, và cân nhắc những hậu quả của thất bại trước khi hành động.
Hãy sử dụng tri thức để vượt qua nỗi sợ hãi
Người giàu không sợ mạo hiểm. Như vậy không có nghĩa là họ không biết sợ điều gì. Cả người giàu lẫn người nghèo đều có những nỗi sợ hãi riêng. Nhưng cách bạn xử lý chúng quyết định thành quả bạn gặt hái được trong đời.
Người giàu vượt qua sợ hãi bằng kiến thức. Sự sợ hãi là bóng tối, còn kiến thức là ánh sáng. Ánh sáng đẩy lùi bóng tối, cũng như kiến thức đẩy lui sự sợ hãi.
Người giàu tự học rất nhiều trước khi mạo hiểm, và họ cân nhắc những hậu quả có thể xảy ra nếu thất bại. Người giàu không đầu tư không mục đích và ngồi chờ đợi thành quả.
Người giàu thực hành việc quản lý rủi ro. Tôi học được một trong những cách quản lý rủi ro đơn giản nhất từ cố vấn Nido Qubein. Ông dạy tôi đặt ra ba câu hỏi như sau:
1. Điều tốt nhất có thể xảy ra là gì? 2. Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì? 3. Điều gì có khả năng xảy ra lớn nhất?
Nếu bạn có thể chấp nhận điều tồi tệ nhất xảy ra, và điều có khả năng xảy ra lớn nhất giúp bạn tiến gần tới mục tiêu hơn, thì hãy bắt đầu! Nếu bạn không có khả năng giải quyết vấn đề khi điều tồi tệ nhất xảy ra, và điều có khả năng xảy ra lớn nhất không giúp gì cho mục tiêu của bạn, thì đừng làm điều đó. Nếu có một cơ hội để mạo hiểm, bạn hãy tự vấn mình ba câu hỏi trên. Chúng đã giúp tôi có cái nhìn sâu sắc hơn và đưa ra những quyết định thông minh.
Tôi nhận thấy vài nỗi sợ hãi của người nghèo ngăn cản họ hành động mang lại lợi nhuận. Đó là nỗi sợ thất bại, sợ bị cự tuyệt và sợ thua thiệt.
Sợ thất bại
Vấn đề không phải là liệu bạn có thất bại hay không, mà là khi nào. Triệu giàu hiểu rằng thất bại là một phần trên con đường dẫn tới thành công. Họ không sợ thất bại, họ chấp nhận chúng và trở nên khôn ngoan hơn. Người nghèo sợ thất bại vì họ nghĩ thất bại là điều gì đó thật kinh khủng. Người giàu thì cho rằng thất bại là tất yếu. Thất bại đem lại cơ hội cho họ học tập và phát triển.
Nếu sợ thất bại, bạn sẽ không dám mạo hiểm. Khi ra một quyết định mạo hiểm có nghĩa là bạn có khả năng thất bại. Nếu học được cách nhìn nhận nó theo chiều hướng tích cực, bạn sẽ dám mạo hiểm hơn. Quan điểm và phản ứng của bạn trước thất bại sẽ quyết định mức độ thành công.
Thất bại là một trong những người thầy của cuộc đời. Đó là cách cuộc sống sửa chữa những lỗi lầm cho ta. Khi thất bại, người giàu học được điều gì đó và thử lại một lần nữa. Còn khi người nghèo thất bại, họ ngừng mạo hiểm. Người nghèo hay than phiền rằng: Tôi đã thử và sẽ không bao giờ làm lại điều đó nữa. Họ từ bỏ sau khi thất bại, trong khi người giàu vẫn tiếp tục tiến lên. Bạn phải tiếp tục tiến lên dù thất bại, nếu muốn có được thành công.
Sợ bị cự tuyệt
Người nghèo quá quan trọng hóa việc người khác có chấp nhận họ hay không. Chúng ta đều muốn mọi người coi trọng mình và cũng muốn thành công. Và đây là chiếc chìa khóa dẫn tới thành công: bạn phải mong muốn thành công nhiều hơn mong muốn được xã hội chấp nhận.
Người giàu là như vậy. Để thành công, bạn phải mạo hiểm và, nếu bạn gục ngã, một số người sẽ cự tuyệt bạn. Và nực cười là nếu bạn thành công, một số người cũng vẫn cự tuyệt bạn!
Có người từng nói 1/3 nhân loại sẽ yêu quý bạn, 1/3 ghét bạn và 1/3 không yêu cũng không ghét. Người giàu biết rằng họ không thể làm vừa lòng tất cả mọi người. Nếu quá quan tâm đến sự ủng hộ của người khác, bạn sẽ không dám liều lĩnh. Đừng để mối quan tâm đó ngăn cản bạn hành động. Hãy hiểu một cách đơn giản rằng ai đó sẽ cự tuyệt bạn dù bạn làm tốt hay không, và vì thế đừng ngại làm tất cả những gì cần thiết để thành công.
Sợ thua thiệt
Người giàu chơi để thắng. Người nghèo chơi để không thua. Đó là cả một sự khác biệt khổng lồ. Hãy tưởng tượng một đội bóng chơi phòng ngự trong suốt trận đấu, khi đó cơ hội chiến thắng của họ là con số không. Nếu sợ thua thiệt, bạn sẽ chỉ phòng ngự khi có vấn đề liên quan đến tiền bạc, và cơ hội được tự do tài chính sẽ là con số không.
Những người chơi để không thua luôn nói họ nên làm cái này, nên làm cái kia.
Khoảng cách lớn nhất trên thế giới là khoảng cách giữa Đáng lẽ tôi nên và Tôi đã.
Người giàu có thể nói “Tôi đã làm việc đó”. Còn người nghèo luôn nói “Tôi đáng lẽ nên làm việc đó”. Khi mạo hiểm, bạn có thể mất một khoản tiền; hãy chấp nhận điều đó và bước tiếp. Giống như thất bại là một phần của thành công, thua thiệt là một phần của chiến thắng.
Bạn có biết rằng hầu hết người giàu đều đã từng thua lỗ vài lần trong đời? Một người giàu thậm chí còn phá sản nhiều lần trước khi chiến thắng trong trò chơi tiền bạc này. Nếu muốn chiến thắng, bạn phải vượt qua nỗi sợ thua thiệt. Nỗi sợ đó khiến những người nghèo luôn ngồi bên rìa của đường đua. Nếu muốn chiến thắng, bạn phải vào sân để cống hiến hết sức mình. Nếu không thử, sao bạn biết mình có thể chiến thắng hay không? Còn chơi cầm chừng và phòng thủ sẽ chỉ khiến bạn thua cuộc mà thôi.
Sống như thể mai là ngày tận thế
Khi phát biểu tại các sự kiện, tôi thường nói hãy sống như thể mai là ngày tận thế.
Trong phần đó, tôi đưa ra thảo luận một bản điều tra được thực hiện với những người già trên 90 tuổi. Họ được hỏi: “Nếu được sống thêm một lần nữa, ông/bà muốn sống khác đi như thế nào?”
Có ba câu trả lời được lặp đi lặp lại nhiều lần. Bạn có thể đoán được một trong những câu đó là gì không? Đó là họ sẽ mạo hiểm nhiều hơn! Vậy bạn đã hiểu rồi chứ? Khi đến cuối cuộc đời, bạn sẽ hối tiếc về những điều mình đã không làm trong quá khứ nhiều hơn là những việc bạn đã làm. Hành động mạo hiểm sẽ đảm bảo bạn không phải sống trong nỗi đau của sự ân hận và tiếc nuối. Đừng để đến cuối đời rồi mới: “Ước gì tôi đã…” Hãy vượt qua sự sợ hãi với niềm tin vững chắc và chấp nhận mạo hiểm. Câu trả lời còn lại đó là họ nói sẽ dành nhiều thời gian suy ngẫm về những thời khắc tốt đẹp trong cuộc sống để trân trọng chúng, và suy ngẫm về những thời khắc tồi tệ để rút ra bài học từ đó. Câu trả lời phổ biến thứ ba đó là họ sẽ làm nhiều việc sống mãi với thời gian hơn, ngay cả sau khi họ qua đời. Bây giờ, nếu muốn làm được điều gì đó để lại tiếng vang, bạn phải mạo hiểm vài lần. Những nguời được tưởng nhớ là những người dám mạo hiểm.
Kết quả của cuộc điều tra với những bậc cao niên đã cho chúng ta thấy rằng mạo hiểm nhiều hơn, suy ngẫm nhiều hơn và làm việc nhiều hơn sẽ để lại tiếng thơm với các thế hệ sau. Nếu không học được điều gì từ nhóm người trên 90 tuổi kia, thì đơn giản bạn vẫn chưa biết học hỏi. Dám mạo hiểm nghĩa là bạn đang nắm bắt cơ hội trong cuộc sống.
Hãy nhớ rằng, kiến thức là ánh sáng và sự sợ hãi là bóng tối. Hãy thắp ánh sáng để xua đi bóng tối và bạn sẽ có đủ can đảm để hành động. Người giàu vượt qua được nỗi sợ và dám hành động. Người nghèo đầu hàng sự sợ hãi và sống với những tiếc nuối. Hãy để bạn có thể tự hào nói rằng “Tôi đã” thay vì “Tôi nên”. Hãy tính toán các trường hợp mạo hiểm bằng cách tự giáo dục bản thân và tự đặt ra cho mình ba câu hỏi trên.
Người giàu dám mạo hiểm,người nghèo sống an phận thủ thường.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.