10 Điều Khác Biệt Nhất Giữa Kẻ Giàu Và Người Nghèo
06. Người giàu học cả đời, Người nghèo theo nửa đoạn
Tại sao những ngôi nhà trị giá hàng triệu đô-la luôn có thư viện trong đó? Chỉ là tình cờ khi các ngôi nhà triệu đô-la thì có, còn các ngôi nhà nhỏ thì không? Tôi không nghĩ như vậy.
Hầu hết các triệu phú mà tôi biết đều đọc một cuốn sách mỗi tuần. Chúng tôi luôn gợi ý cho nhau những cuốn sách và các chương trình truyền hình thú vị trong nhóm. Một người bạn của tôi đã dành 500.000 đô-la để nghiên cứu về thành công. Tôi cũng dành 100.000 đô-la cho bài học thành công của chính mình. Nếu bạn có tư duy của người nghèo, có thể bạn đang nghĩ, tôi không có nhiều tiền thế để đổ vào việc học cách kiếm tiền!
Tôi không có ý rằng chúng tôi đã tiêu chừng đó tiền cùng một lúc thay vào đó liên tục đầu tư để trau dồi thêm kiến thức của mình mỗi khi kiếm được nhiều tiền hơn. Thành công là cả một quá trình. Nếu 1% thu nhập của bạn không được đầu tư cho việc nâng cao kiến thức về tiền bạc thì bạn sẽ mãi mãi kẹt lại ở mức nghèo. Càng đầu tư nhiều vào việc làm giàu kiến thức về tiền bạc, bạn càng kiếm được nhiều tiền.
Sức mạnh của sách và thầy dạy tư
Bạn có thể bắt đầu với những cuốn sách. Tôi đảm bảo với bạn rằng người giàu đọc, đọc và đọc. Sách không hề đắt so với những kiến thức mà chúng mang lại. Bạn có nhận ra rằng mình đã học được một khái niệm chỉ trong vài giờ từ một cuốn sách mà ai đó phải mất vài năm để xây dựng không? Ngày càng có nhiều người trở thành người giàu bởi họ đang rút ngắn được thời gian tìm hiểu những bí mật tài chính mà những người khác phải mất rất nhiều năm mới khám phá ra. Tôi cảm giác một số cuốn sách 20 đô-la tôi từng đọc phải có giá trị tới 20.000 đô-la bởi những gì tôi học được từ chúng.
Ngoài sách, các kẻ giàu còn trả tiền cho những lời khuyên từ các chuyên gia trong lĩnh vực họ cần tìm hiểu. Người nghèo thì muốn nhận được lời khuyên miễn phí. Lời khuyên miễn phí thường là lời khuyên đắt đỏ nhất. Thông thường, lời khuyên miễn phí cuối cùng sẽ khiến bạn phải trả giá bằng một thứ khác. Lời khuyên miễn phí thường là ý kiến chủ quan của một ai đó; anh ta nghĩ rằng mình hiểu biết về lĩnh vực bản thân đang nói đến, nhưng thực ra chẳng có kinh nghiệm thực tế nào cả.
Người giàu không đánh giá cao những lời khuyên miễn phí như vậy. Họ học hỏi từ những người đã, đang, và vẫn tiếp tục làm trong lĩnh vực đó. Đây là khi chi phí cho việc học các kiến thức tài chính bắt đầu cao dần.
Những cuốn sách trong tủ sách thành công của tôi có thể giá trị khoảng 20.000 đô-la. Nhưng khoản đầu tư của tôi dành cho các thầy dạy tư và cố vấn riêng nhiều gấp 5 lần con số đó. Hãy nhớ, tôi không nói là “số tiền tôi đã trả” mà nói “khoản đầu tư của tôi”.
Thật khó có thể xác định giá trị tri thức mà bạn học được từ những người có kinh nghiệm thực tế. Một cố vấn hoặc hướng dẫn có uy tín thu một khoản phí nào đó, nhưng người giàu coi đây là một khoản đầu tư. Tôi tin rằng ai cũng cần một người thầy. Tại sao không? Bạn có thấy các vận động viên giỏi đều có một huấn luyện viên không? Vậy thì tại sao bạn lại không cần một người như thế nếu muốn xây dựng cơ đồ?
Đầu tư cho các khóa học tài chính
Một hội thảo bàn về cách làm giàu kéo dài 2 ngày cuối tuần mà tôi từng tham dự có giá 12.500 đô-la. Một trong các triệu phú ở đó nói ông ta đã học được vài mẹo mực mà khi áp dụng vào việc kinh doanh hiện tại của mình, nó sinh ra 10 triệu đô-la! Vậy bỏ ra 12.500 đô-la để tăng thu nhập lên 10 triệu đô-la, có đáng hay không? Tất nhiên là có rồi.
Tôi biết người nghèo không thể bắt đầu bằng việc tham dự các sự kiện với chi phí lớn như vậy. Nhưng họ có thể đọc những cuốn sách 20 đô-la mà đáng giá 20.000 đô-la nếu họ biết áp dụng những kiến thức học được từ đó.
Người giàu đầu tư kiến thức của mình bằng cách trả tiền cho những người đã đạt được thành công. Khi bắt đầu đầu tư vào bất động sản, tôi mua một cuốn sách giá 25 đô-la, cuốn sách đem lại cho tôi kiến thức và can đảm để bắt đầu. Lần sau tôi mua một tấm vé tham dự chương trình trên kênh thông tin thương mại giá 200 đô-la. Với kiến thức thu được từ đó và áp dụng vào thực tế, tôi kiếm được gần 100.000 đô-la trong năm tiếp theo. Sau đó, tôi đầu tư cho một chương trình kéo dài một năm có giá 4.000 đô-la, và kiếm được 200.000 đô-la năm tiếp nữa. (Tôi không kể chi tiết vì chỉ muốn nhấn mạnh rằng càng đầu tư nhiều cho kiến thức, bạn sẽ càng kiếm được nhiều tiền hơn.) Trí khôn là do việc ứng dụng kiến thức mà ra.
Hầu hết người nghèo có thu nhập dừng lại ở mức nào đó từ năm này qua năm khác, bởi kiến thức của họ cũng không thay đổi từ năm này qua năm khác. Phần lớn bởi họ nghĩ việc học chỉ diễn ra tại trường học. Còn người giàu tiếp tục học tại trường đời. Họ liên tục học từ các tình huống xảy ra trong cuộc sống.
Một câu hỏi chung mà người giàu thường đặt ra là: “Tôi có thể học gì từ việc này?” Ngược lại, người nghèo thường hỏi: “Tại sao việc này luôn xảy ra với tôi?” Bởi họ không học được bài học mà cuộc sống đang cố dạy họ, nên người nghèo cứ phải trải qua những tình huống lặp đi lặp lại.
Tôi thích những gì mà một thầy giáo cũ của tôi từng nói về việc này: “Bạn không bao giờ trượt bài thi của Chúa chỉ một lần. Bạn phải thi đi thi lại đến khi nào vượt qua thì thôi”.
Thật đúng làm sao! Câu hỏi “Tại sao việc này luôn xảy ra với tôi?” ngụ ý rằng việc đó đang lặp lại. Lý do duy nhất khiến một tình huống xấu diễn ra hết lần này đến lần khác là do kiến thức của bạn không thay đổi. Bạn phải liên tục học hỏi và trưởng thành để giàu có hơn và giữ lấy vị thế đó. Nếu bạn trở thành người giàu và ngừng học tập thì nhiều khả năng bạn sẽ không thể giàu có mãi được.
Kiến thức là hạt giống
Người giàu tập trung phát triển bản thân. Họ tin rằng để có nhiều thứ hơn, họ phải trưởng thành hơn. Họ coi sự trưởng thành là một trong những mục đích chính của cuộc sống. Nhưng việc đó đòi hỏi thời gian. Hãy kiên nhẫn với bản thân khi bạn tích lũy kiến thức. Hãy xem kiến thức như hạt giống và cần phải có thời gian để các hạt phát triển thành cây và ra quả. Mỗi lần đọc một cuốn sách nghĩa là bạn đang gieo một hạt giống mới hoặc đang tưới nước cho những hạt giống cũ sẵn có trong đầu mình.
Người giàu đọc sách về tiền bạc và cách tạo dựng quan hệ. Họ đọc về sức mạnh của trí óc, về những bài học thành công và thất bại của những người khác.
Người giàu là những sinh viên tích cực trong cuộc sống chứ không chỉ trên phương diện tiền bạc. Họ liên tục kiếm tìm những cách tư duy và hành động mới để tạo ra nhiều thành công hơn nữa trong cuộc sống.
Học những điều bạn yêu thích
Bí quyết để trở thành một người học tập suốt đời là học những gì bạn thích. Một trong những khác biệt lớn nhất giữa người giàu và người nghèo mà tôi nhận thấy là
người giàu thường tập trung vào những gì họ yêu thích. Họ liên tục học hỏi về những chủ đề tạo cảm hứng cho bản thân. Người giàu học về mọi lĩnh vực trong đời sống, bởi họ yêu cuộc sống này.
Trong khi đó, người nghèo cho rằng những người giàu quá coi trọng tiền bạc. Theo kinh nghiệm của tôi, điều đó không đúng. Sự thật là với tài sản của mình, người giàu yêu thích những việc họ có thể làm cho gia đình và mọi người xung quanh.
Người giàu nào tham lam và và luôn sợ mất tiền thì không thực sự thành đạt.
Thành công thực sự phải đồng nghĩa với sự thanh thản và mãn nguyện.
Nghiên cứu các bài học thành công và học cách kiếm tiền, nhưng đồng thời cũng phải học cách hài lòng với bản thân khi theo đuổi những gì bạn muốn.
Hầu như tất cả người giàu đều yêu cuộc sống. Họ yêu những việc họ làm để kiếm tiền và đam mê kiếm tiền – nhưng không quá coi trọng đồng tiền hơn cuộc sống. Nếu yêu tiền hơn gia đình và bản thân, bạn đã bị đồng tiền lừa dối và sẽ chẳng bao giờ có được thành công thật sự.
Biết phải ưu tiên cái gì
Tôi cũng biết rất nhiều người nghèo luôn cố gắng đạt được nhiều thành tích hơn nữa. Họ quá yêu tiền bạc và sẽ không bao giờ hài lòng với những kết quả đạt được, cho đến khi họ học được cách hài lòng với bản thân chứ không phải với những gì họ có.
Tôi tin rằng nhiều người giàu đạt được thành công vì họ biết nên sắp xếp các ưu tiên. Tôi đề cập đến vấn đề này trong phần thảo luận về học tập và trưởng thành, là bởi một số người thật sự mất cân bằng khi bắt đầu theo đuổi sự giàu có về vật chất. Họ quá quan tâm đến tiền và lơ là gia đình hoặc/và sức khỏe của bản thân. Đừng trở thành một trong những người lơ là gia đình hoặc/và sức khỏe bản thân khi đeo đuổi của cải vật chất. Tiền là quan trọng, nhưng nó không đáng để chúng ta đánh mất những điều quý giá khác.
Hãy học những bài học thành công của những triệu phú khác. Cảm giác có tiền thật dễ chịu, nhưng còn dễ chịu hơn nếu bạn có những mối quan hệ sâu sắc và ý nghĩa với những người bạn yêu thương, và sẽ thật tuyệt vời nếu bạn có cả hai thứ đó. Hãy tập yêu bản thân và mọi người, và học cách để trở nên giàu có.
Người giàu học cả đời, người nghèo theo nửa đoạn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.