10 Điều Khác Biệt Nhất Giữa Kẻ Giàu Và Người Nghèo

9. Kẻ thắngcó những gì họ muốn, người Thua muốn những gì họ không có



Bạn muốn gì? Bạn có sẵn sàng trả giá để có được thứ đó không? Mọi thứ đều có cái giá của nó. Trong khi những kẻ thua cuộc muốn thứ gì đó miễn phí thì người chiến thắng làm việc chăm chỉ để theo đuổi mong ước của mình.

Đôi khi những khó khăn là một phần cái giá chúng ta phải trả cho cái chúng ta muốn. Những lúc khác, mọi thứ đến dễ dàng và chúng ta không phải gắng sức, và cái giá chúng ta phải trả là sự nhún nhường hay tâm lý “kệ nó và để Chúa quyết định.” Rất nhiều lần trong đời tôi phải buông tay giữa chừng và tự nhủ: “Điều này vượt quá sức của mình rồi. Mình vẫn chưa biết cách thực hiện nó.” Lạ lùng thay, điều đó dường như tự xảy ra.

Người chiến thắng biết khi nào cần hành động và khi nào cần buông tay. Kẻ thua cuộc hành động cho đến khi gặp vật cản đầu tiên, thay vì tin tưởng rằng kết quả đúng sẽ xảy ra, họ buông tay. Người thắng buông tay và tin tưởng. Kẻ thua buông tay và sợ hãi.

Người thắng buông tay và tin tưởng. Kẻ thua buông tay VÀ SỢ HÃI.

Kẻ thua có cảm giác rằng người khác luôn có nhiều hơn và họ được quyền hưởng một ít trong đó. Tâm lý hưởng thụ là thứ hủy hoại tâm hồn và đem đến cảm xúc tự thương ở kẻ thua. Họ sẽ chung sống với niềm thương hại ấy, tâm trí và năng lượng quẩn quanh giữa những câu hỏi: Sao cuộc sống lại khó khăn thế và tại sao họ không làm thế này mà lại làm thế kia.

Ngược lại, người chiến thắng nhìn vào những người hơn mình và tin rằng: “Nếu người khác có thể làm điều đó thì tôi cũng có thể.” Sau đó họ tìm hiểu những việc cần làm để đạt được điều đó.

Hầu hết các triệu phú không giàu có nhờ tài sản thừa kế, họ tự lao động và làm giàu. Họ là người chiến thắng vì họ hiểu rằng mình có thể học được cách đạt tới những gì mình khao khát. Bạn có thể học được cách kiếm ra bất kỳ khoản tiền nào mình muốn. Bạn có thể học cách trở nên khỏe mạnh hơn. Bạn có thể học cách tạo ra những mối quan hệ sâu sắc. Bạn có thể học cách đạt được bất kỳ thứ gì bạn mong muốn.

Nếu người khác có thể làm điều đó THÌ TÔI CŨNG CÓ THỂ!

Một điều kiện được tính vào cái giá của chiến thắng là kiến thức. Bạn có đầu tư vào việc phát triển trí tuệ bản thân không? Bạn có không ngừng học hỏi những điều mới mẻ không? Những giới hạn chỉ đơn thuần đến từ việc thiếu kiến thức. Nếu ai đó chiến thắng trong một lĩnh vực mà bạn thất bại, đơn giản là vì họ biết thứ gì đó mà bạn không biết và biết cách áp dụng nó. Bạn có thể học bất kỳ thứ gì cần thiết để đạt được bất kỳ thứ gì bạn mong muốn.

Một cái giá khác mà những người chiến thắng phải trả để đạt được cái mình muốn là sự chỉ trích vì trên đỉnh cao lúc nào cũng đầy sóng gió. Những lời chỉ trích là cái giá của thành công. Mỉa mai thay, tác giả của những lời chỉ trích chính là kẻ thua cuộc. Chỉ những kẻ đó mới có suy nghĩ sai lầm rằng mình có quyền chỉ trích những người có thứ mình không có dù đó là sự giàu có, các mối quan hệ tốt đẹp, sức khỏe hay niềm vui.

Kẻ thua cuộc hay chỉ trích vì tự thân họ không sẵn sàng trả giá cho thành công. Người chiến thắng thì sẵn sàng trả giá, thậm chí còn chịu mức giá cao và chấp nhận chỉ trích như một phần của cuộc sống. Người chiến thắng không lo lắng về những gì người khác nghĩ. Họ chỉ quan tâm đến những gì mình nghĩ về chính mình mà thôi.

Bạn cảm nhận thế nào về bản thân mình? Bạn có nuôi dưỡng lòng tự trọng của bản thân không? Bạn có thích… chính mình không? Người chiến thắng có lòng tự trọng rất cao nhưng khi nghĩ về mình, họ vẫn không kiêu ngạo. Đơn giản là họ tin tưởng vào khả năng của chính mình mà thôi. Kẻ thua suy nghĩ tiêu cực về bản thân và chỉ trích những người khác vì nó đã trở thành một thói quen khó bỏ.

Người chiến thắng bỏ ngoài tai những lời chỉ trích vô nghĩa và lắng nghe con tim mình. Nguyên tắc 20-40-60 đã đúc kết cho bạn: “Khi 20 tuổi, bạn quan tâm mọi người nghĩ gì về bạn. Khi 40 tuổi, bạn không quan tâm bất cứ thứ gì mọi người nghĩ về bạn. Khi 60 tuổi, rốt cuộc bạn cũng nhận ra rằng thực sự không có ai nghĩ gì về bạn cả.”

Mỗi người đều có một cuộc sống bận rộn của riêng mình nên họ chẳng còn thời gian để lúc nào cũng nghĩ về bạn. Thậm chí chính kẻ chỉ trích bạn cũng chẳng nghĩ về bạn quá năm phút. Nếu bạn đang lo lắng về những gì người khác nghĩ về bản thân mình, tôi dành tặng bạn ba chữ: Quên nó đi.

“Khi 20 tuổi,bạn quan tâm mọi người nghĩ gì về bạn.

Khi 40 tuổi,bạn không quan tâm bất cứ thứ gì mọi người nghĩ về bạn.

Khi 60 tuổi,rốt cuộc bạn cũng nhận ra rằng thực sự không có ai nghĩ gì về bạn cả.”

Kẻ thua cuộc sống triền miên trong những năng lượng tiêu cực, họ chỉ trích hầu như tất cả mọi thứ, luôn bận tâm về cái tôi và suy nghĩ của người khác về mình. Người chiến thắng đủ thông minh để biết rằng không phải chuyện gì cũng liên quan đến họ, và sẵn lòng trả giá cho một người chiến thắng khác bằng sự trợ giúp.

Zig Ziglar từng nói: “Nếu bạn đủ nhiệt tình để giúp đỡ người khác có được thứ họ muốn, bạn cũng có thể có được tất cả những gì mình muốn.” Người chiến thắng thấu hiểu về sự trợ giúp và khi họ trợ giúp những người khác bằng tất cả trái tim nghĩa là họ đang làm điều đúng đắn từ những lý do đúng đắn. Trợ giúp mọi người xuất phát từ mong muốn có được những gì mình muốn có thể hiệu quả ở một chừng mực nào đó nhưng nó phá hỏng niềm vui của công việc trợ giúp. Niềm vui xuất phát từ trái tim đáng giá hơn bất kỳ thứ gì bạn có thể khao khát.

Kẻ thua không thể có những gì họ muốn vì sự dốt nát, thiếu tự trọng và không nhiệt tình. Hãy tăng cường kiến thức về điều bạn muốn làm, phớt lờ những chỉ trích và trợ giúp mọi người bằng cả trái tim mình, chắc chắn bạn sẽ có được cái bạn muốn.

Vậy, cái bạn muốn là gì? Và tại sao bạn muốn nó? Trả lời được hai câu hỏi tại sao này là rất quan trọng. Vì những thứ bạn muốn cũng có thể chính là thứ ai đó khác muốn dành cho bạn, vì chỉ khi chắc chắn rằng những thứ mình muốn là những khao khát từ trái tim mình và chắc chắn không thuộc về người khác, bạn mới sẵn sàng trả giá để đạt được nó. Người chiến thắng thành công vì họ không chỉ biết cái mình muốn mà còn biết rõ tại sao mình muốn nó. Kẻ thua thường trả lời bằng những lý do sai và đó là lý do tại sao họ không có được chúng. Để người khác kiểm soát suy nghĩ của mình, họ đã không biết mình thực sự muốn gì.

Bạn cần có cái nhìn đúng đắn về cái giá phải trả và đạt được điều bạn mong muốn. Khoản chi trả không mang lại cái bạn muốn mà chỉ mang đến cơ hội để đạt được điều đó. Do đó, dù bạn mong muốn điều gì thì việc đầu tiên bạn cần làm là trả giá cho nó và tiến lên giành lấy nó. Bài học này khiến tôi nhớ đến bộ phimMưu cầu hạnh phúc (The Pursuit of Happyness), dựa trên câu chuyện cuộc đời của Chris Gardener. Trong phim, tôi thích nhất cảnh nhân vật Chris, do diễn viên Will Smith thủ vai, chơi bóng rổ với con trai nhỏ của mình. Cậu con trai nói rằng nó muốn trở thành một cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp, Chris nói với con mình rằng nó không thể trở thành một cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp vì… Nhưng ngay lúc đó, anh nhận ra sai lầm của mình và tự sửa sai: Không, không đúng, con có thể làm bất cứ thứ gì mình thích trên thế giới này. Đừng bao giờ để bất kỳ ai nói với con về những gì con không thể làm. Nếu con muốn thứ gì đó, hãy chạy đến giành lấy nó, chấm hết.

Nếu bạn muốn thứ gì đó, hãy chạy đến GIÀNH LẤY NÓ.

Bạn đã nghe ai đó bảo rằng bạn không thể làm điều gì? Tôi lại nói cho bạn biết rằng bạn có thể đạt được bất kỳ mục tiêu nào bạn mong muốn nếu bạn sẵn sàng trả giá và sau đó tiến lên giành lấy nó. Mục tiêu của cuốn sách này là tạo cảm hứng để bạn tin tưởng và có thêm động lực để hành động. Tôi hy vọng bạn sẽ làm vậy. Vấn đề không phải ở chỗ bạn có thể hay không mà ở chỗ bạn có làm hay không.

Vấn đề không phải ở chỗ bạn có thể hay không mà ở chỗ bạn có làm hay không.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.