10 Điều Khác Biệt Nhất Giữa Kẻ Giàu Và Người Nghèo

07. Kẻ làm chủ biết rộng, Người làm thuê hiểu sâu



Tôi từng nghe câu chuyện về một CEO, khi ông này đang tiếp một vị khách từ bên ngoài thì một nhân viên chạy đến và nói: “Chúng ta có một vấn đề. Chúng ta phải giải quyết nó ngay!”

Vị CEO bình tĩnh nhìn người nhân viên và nói: “Hãy nhớ quy tắc số 5.”

Người nhân viên suy nghĩ trong chốc lát rồi mỉm cười, trở nên thoải mái và nói: “Phải rồi, quy tắc số 5. Cảm ơn ngài,” và sau đó bước ra khỏi căn phòng. Vị CEO tiếp tục cuộc trò chuyện và ít phút sau, một nhân viên khác lại chạy vào và nói: “Có một vấn đề mới xảy ra và ngài cần lưu tâm ngay đến nó.”

Một lần nữa, vị CEO bình tĩnh nhìn nhân viên này và nói: “Hãy nhớ quy tắc số 5.”

Người nhân viên bớt căng thẳng hơn và nói: “Ồ phải rồi, quy tắc số 5. Xin lỗi tôi đã quên.” Sau đó anh này mỉm cười và bước ra khỏi phòng.

Lúc này, người khách kia nghĩ thầm: “Chà, mình chưa từng nghe đến quy tắc này, phải tìm hiểu xem quy tắc số 5 là gì mới được.” Vị CEO lại quay trở lại cuộc trò chuyện và lại bị cắt lời bởi một nhân viên khác kêu gào sự trợ giúp khẩn cấp. Vị CEO lại nhắc người nhân viên nhớ về quy tắc số 5 và kết quả lại diễn ra tương tự.

Cuối cùng, vị khách không thể dằn lòng được, ông thốt lên. “Quy tắc số 5 là cái gì thế?”

Vị CEO cười và nói: “Quy tắc số 5 là: ‘Đừng nghiêm trọng quá như vậy!’”

Vị khách hỏi: “Có bao nhiêu quy tắc thế?”

Vị CEO nở một nụ cười lớn và nói: “Chỉ có một thôi.”

Bài học từ câu chuyện này là mọi thứ thường không nghiêm trọng như bạn nghĩ. Trong khi những người làm chủ thiếu kinh nghiệm chạy loanh quanh cố gắng dập lửa thì một ông chủ dày dạn kinh nghiệm có thể để cho đám cháy tự tàn lụi. Tại sao? Vì họ biết nhiều thứ, cái nhìn rộng và bao quát cho phép họ thấy cái gì thực sự quan trọng và từ đó họ có được cái nhìn cân bằng hơn về mọi thứ. Kẻ làm chủ có thể nhìn được bức tranh tổng thể, người làm thuê chỉ có thể thấy một phần nhỏ của vấn đề. Người làm thuê thường nhìn nhận mọi chuyện trầm trọng hơn so với thực tế vì đó là tất cả những gì họ biết. Biết rất nhiều về một vài thứ có thể khiến bạn nghĩ rằng phần việc của mình quan trọng hơn so với thực tế. Biết một ít về rất nhiều thứ khiến bạn nhận ra rằng vai trò của mọi người đều quan trọng.

Kẻ làm chủ có thể thấy bức tranh tổng thể, người làm thuê chỉ thấy một phần nhỏ của vấn đề.

Là một người làm chủ, tôi phải hiểu lịch làm việc, quy tắc đặt hàng, đáp ứng đơn hàng, quản lý nhân sự, quản lý rủi ro, gửi hóa đơn, chuyển hàng, trả lại hàng, bảo hiểm, quảng cáo, tiếp thị, dịch vụ khách hàng, bảng lương, thuế, vấn đề pháp lý, doanh thu và chi phí, thuê người, sa thải, và nhiều thứ khác nữa! Với vai trò là một nhân viên, tất cả những gì bạn phải làm là làm thật tốt phần việc trong bảng mô tả công việc của mình. Nếu vẫn muốn tiếp tục là người làm thuê suốt đời thì hãy cứ chăm chú nhìn vào bảng mô tả công việc ấy và đừng quan tâm đến việc học tập những thứ khác. Ngược lại, nếu muốn trở thành một người làm chủ thì bạn phải rèn luyện việc nhìn vào bức tranh tổng thể và cách mọi thứ vận hành. Học một chút về rất nhiều thứ là một việc làm thông minh.

Cần phải có những nỗ lực rất lớn để học hỏi thêm nhiều mặt của việc vận hành một doanh nghiệp. Sẽ tốn rất nhiều thời gian để bạn học tất cả những kiến thức cần biết để trở thành một người làm chủ thành công. Tôi đã kinh doanh hai mươi năm và tôi vẫn đang không ngừng học hỏi những điều mới. Phải biết quá nhiều thứ đôi khi có thể quá sức nếu bạn không biết cách kiểm soát nó. Chỉ cần tập trung và học cách chia nhỏ bức tranh tổng thể, bạn sẽ có những trải nghiệm nhiều thành công và ít căng thẳng hơn.

Nếu có vấn đề gì đó xảy ra, một nhân viên bình thường cảm thấy như cả thế giới sẽ sụp đổ. Sự thật không phải thế. Không bao giờ như thế. Cuộc sống và công việc kinh doanh vẫn luôn tiếp diễn. Cái nhìn tổng thể càng rộng càng có góc nhìn đúng đắn về mọi chuyện. Mọi thứ thường không nghiêm trọng như vẻ ban đầu, dù thế nào đi chăng nữa, đó cũng không phải là ngày tàn của thế giới. Những người làm chủ hiểu rằng lúc nào cũng sẽ có những vấn đề phát sinh và không phải quá lo lắng khi điều đó xảy ra. Họ sẽ bình tĩnh xử lý vấn đề trước mắt và tiếp tục tiến về phía trước với bức

tranh tổng thể đã vẽ trong đầu.

Vào những năm đầu tuổi đôi mươi, tôi từng là trợ lý tại một sân golf danh tiếng. Tôi nhớ đã từng có một cuộc trò chuyện với một tay golf hàng đầu về chuyện bỏ việc để tìm một công việc lương cao hơn. Tôi nói với ông rằng tôi muốn bắt đầu công việc mới ngay lập tức nhưng tôi không muốn ra đi khi chưa có ai thay thế vị trí của tôi. Vì thế, tôi sẽ thông báo thời gian nghỉ của mình sớm hơn thời hạn hai tuần nếu ông chủ cần. Tôi nhớ ông đã mỉm cười nhẹ nhàng và nói: “Keith, đừng hiểu lầm ý tôi, cầu trời nó đừng xảy ra, nhưng nếu anh rời khỏi đây tối nay, gặp một rắc rối nào đó và không thể đi làm ngày mai thì nơi này sẽ vẫn hoạt động bình thường khi thiếu anh. Do đó, anh có thể nghỉ việc khi nào thấy sẵn sàng.”

Tâm lý nhân viên của tôi bị rung chuyển. Tôi từng nghĩ rằng vai trò của tôi quan trọng đến nỗi việc tôi nghỉ “rất nghiêm trọng”. Sau này, khi trở thành một ông chủ dày dạn kinh nghiệm với cái nhìn rộng hơn, tôi nhanh chóng khám phá ra rằng rất nhiều thứ không nghiêm trọng đến vậy.

Học về rất nhiều thứ đơn thuần chỉ là liên tục mở mang trí thức. Bằng cách liên tục học những thứ mới về rất nhiều mặt của công việc kinh doanh, bạn sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về bức tranh tổng thể. Cái nhìn rõ ràng sẽ cho bạn sức mạnh để sẵn sàng đón nhận vấn đề hay gặp thất bại. Biết về rất nhiều thứ cho phép bạn tìm ra những giải pháp nhanh chóng và dễ dàng hơn khi gặp vấn đề. Bạn biết càng ít thì càng nhiều vấn đề lớn sẽ xuất hiện với bạn hơn và việc tìm ra giải pháp sẽ khó khăn hơn. Biết nhiều thứ cho phép bạn nhìn vào rất nhiều vấn đề và nói: “Chẳng có gì nghiêm trọng cả. Chúng ta sẽ tìm ra cách xử lý nó.” Nhưng khi kiến thức giới hạn chỉ trong một hay hai vấn đề, bạn thường rối trí tự hỏi: “Chúng ta sẽ giải quyết vấn đề này thế nào đây?” Những người không thường xuyên mở rộng kiến thức của mình sẽ khó đạt được thành công như những người khác là vì thế.

Học một chút về rất nhiều thứ là một việc làm thông minh.

Tôi kết thúc khác biệt này bằng cách chia sẻ bốn kỹ năng mà hầu hết những người làm chủ thành đạt đều biết chút ít. Tôi học chúng từ bạn tôi, Glen Kaplan, CEO của ChargeToday.com, một doanh nhân thành công trong suốt hai mươi năm qua. Bốn kỹ năng này viết tắt trong cụm từ SODA: Đơn giản hóa, Tổ chức, Phân việc, và Tự động hóa (Simplification, Organization, Delegation, and Automation). Bạn nhất định phải biết một chút về bốn kỹ năng này để trở thành một người làm chủ thành công. Đầu tư thời gian, công sức và tiền bạc để học bốn kỹ năng này là xứng đáng vì chúng sẽ giúp bạn đạt được nhiều thành công hơn và gặp ít thất bại hơn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.