Thế Giới Quả Là Rộng Lớn Và Có Rất Nhiều Việc Phải Làm

[8]. Tầm quan trọng của cách tân



Hơn một thập niên trước, tôi được mời tới nói chuyện tại một hội thảo đào tạo các nhà quản lý tại Nhật Báo Dong-A ở Seoul. Người ta đề nghị tôi phát biểu trong một tiếng về “Quản lý Doanh nghiệp và Triết lý Quản trị của tôi.” Khi đó chuyện một doanh nhân được mời tới nói chuyện trước một tập đoàn báo chí còn khá hiếm hoi, và người ta phải rất thận trọng khi nói chuyện với cử toạ như vậy. Tuy nhiên, ngoài phép lịch sự, tôi thấy khó lòng từ chối lời mời như vậy.

Vậy là tôi trò chuyện suốt một tiếng về những suy nghĩ của mình liên quan đến quản trị doanh nghiệp, và những gì tôi nói khá thích hợp với những xu hướng cải cách quản trị ở thời điểm đó. Tuy nhiên, đến gần cuối, một nhà quản lý đột ngột hỏi: “Nếu ngài đang quản lý một tờ báo thì ngài sẽ tìm cách đổi mới gì?”

Tôi là dân ngoại đạo trong lĩnh vực báo chí, và tới hội thảo đó phát biểu là rất khó khăn. Bị một câu hỏi bất ngờ như vậy khiến tôi vô cùng bối rối.

Nhưng trong đầu tôi nảy ra một thứ, đó là “Kobawoo,” một mục truyện tranh vui rất nổi tiếng về xã hội đương đại mà tôi rất thích. Theo quan sát của tôi thì ở Hàn Quốc, hầu hết người dân trước hết đọc bài viết chính trên trang nhất và, nếu không có gì khác đặc biệt thú vị, họ nhanh chóng chuyển sang các trang xã hội ở phía sau. Và ở đó, điều đầu tiên thu hút sự chú ý chính là mục tranh truyện ở góc trên phía trong trang cuối.

Các nhà quảng cáo luôn muốn những vị trí thu hút ánh mắt độc giả. Do đó, giá của những vị trí như vậy tương ứng với mức độ phổ biến của chúng. Mỗi lần đọc truyện tranh, tôi lại có suy nghĩ như một doanh nhân: “Vì mọi người có thói quen đọc như vậy cho nên bố trí một mục quảng cáo vào phần truyện tranh đương nhiên sẽ thu hút sự chú ý rất lớn. Sẽ thật sự có tác dụng nếu đăng truyện tranh 5 ngày, và sau đó các vị đặt một quảng cáo vào đúng vị trí đó trong ngày thứ sáu. Nếu như thế không có tác dụng thì kéo dài mục truyện tranh từ 4 đến 5 khoang, và đặt mục quảng cáo vào giữa truyện sẽ rất có tác dụng…” Một vị trí quý giá như vậy trên mục truyện tranh “Kobawoo” đương nhiên là điều mà tất cả doanh nhân đều thèm muốn. Vì thế, tôi nói về điều này để trả lời câu hỏi của nhà quản lý kia.

Không lâu sau đó, tôi nhận thấy mục truyện tranh “Kobawoo” được kéo dài lên 5 khoang kèm theo một quảng cáo ở khoang thứ năm.

* * *

Đổi mới rất quan trọng cho cuộc sống, và việc đó không hề khó khăn như bạn nghĩ. Đó là một việc mà tôi thường nhấn mạnh ở bất kỳ nơi nào tôi đến. Vấn đề không phải là đổi mới, mà là liệu bạn có muốn đổi mới hay không. Nếu bạn nhìn nhận những phát minh thật sự đáng giá một cách cẩn thận thì sẽ thấy hầu hết những phát minh ấy thực tế đều dựa trên những ý tưởng khá đơn giản nhưng thường mang lại kết quả to lớn. Đổi mới cũng đóng vai trò rất quan trọng trong quản lý doanh nghiệp.

Đổi mới đóng vai trò nổi bật trong lịch sử nhân loại. Đổi mới bắt đầu với quyết tâm của một cá nhân sáng tạo muốn phá bỏ thực tiễn hiện tại bằng việc tạo ra điều gì đó mới mẻ. Cho nên tôi luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc là một cá nhân sáng tạo bởi vì những người sáng tạo làm nên lịch sử và giúp thế giới vận động.

Phát triển sức sáng tạo bắt đầu bằng việc đặt câu hỏi về hoàn cảnh hiện tại: “Ta đã nỗ lực hết mình chưa?” “Hoàn cảnh hiện tại có lý tưởng không?” “Chúng ta có thể tạo ra một sản phẩm tốt hơn không?” “Không còn phương pháp nào tốt hơn ư?” Việc tìm kiếm như thế kích thích sức sáng tạo tiềm tàng của bạn; bạn càng tích cực tìm kiếm thì kết quả sẽ càng lớn.

Tôi có niềm tin rằng thanh niên thời nay có nghĩa vụ cải thiện hoàn cảnh hiện tại, và làm được điều đó đòi hỏi phải có sự sáng tạo. Khi bạn nhìn nhận thứ gì đó ở góc độ mới, bạn sẽ nhận thức được vấn đề, và mọi vấn đề sẽ dẫn bạn tới chỗ tạo ra những cải thiện. Thanh niên có xu hướng nhạy cảm với sự đổi mới hơn so với người lớn tuổi, bởi vì họ chưa bị hình thành các điều kiện.

* * *

Lần đầu tiên đi làm sau khi tốt nghiệp đại học, tôi chịu trách nhiệm dàn xếp với một ngân hàng về một công ty mới mang tên Hansung Industrial. Đây là công việc khá dễ dàng: Tất cả những gì tôi phải làm là gửi hồ sơ của công ty cho bên ngân hàng, nơi hoặc chấp nhận hồ sơ để gửi lên cấp trên phê chuẩn hoặc sẽ trả lại. Nếu hồ sơ bị trả lại, công ty sẽ phải có những thay đổi cần thiết và tôi chỉ việc gửi lại hồ sơ lần nữa.

Tuy nhiên, người đảm đương vị trí này trước khi tôi đầu quân cho công ty đã có một thời kỳ không suôn sẻ với công việc. Anh ấy mất rất nhiều thời gian trong ngày chạy đi chạy lại giữa công ty và ngân hàng. Mỗi lần soạn thảo tài liệu để đưa tới ngân hàng cũng mất chút thời gian, và nếu hồ sơ bị trả lại, anh ấy sẽ càng mất thời gian hơn. Vì thế chỉ ít lâu sau khi tôi tiếp quản công việc, tôi đã cẩn thận xem xét toàn bộ các quy trình để phát hiện vấn đề. Tôi trở thành người chuyên dàn xếp.

Tôi quyết định rằng bước đầu tiên là thiết lập mối quan hệ gần gũi với các cô gái ở ngân hàng chuyên làm nhiệm vụ nhận hồ sơ, bởi vì chính họ là những người quyết định xem liệu hồ sơ có được lên cấp trên để phê chuẩn hay không. Nếu không may có một lỗi nhỏ, các cô có thể chỉnh sửa và cứ thế gửi hồ sơ đi. Nhưng cũng có sự cạnh tranh ở đây: Rất nhiều công ty cũng nộp những hồ sơ tương tự, và hồ sơ của bạn càng nằm ở phía dưới trong chồng hồ sơ thì công ty của bạn càng phải đợi lâu mới được phê chuẩn.

Thời điểm đó, chúng tôi có một nhà kho chất kín vải Italia nhập khẩu không bán được, và người chịu trách nhiệm về nhà kho lại không quan tâm đến tình hình. Cho nên tôi kết hợp hai thứ: Vải vẫn nằm đó, và số phụ nữ ở ngân hàng có thể thích loại vải này. Tôi đoán rằng khi bán số vải này cho các cô gái với giá rẻ, tôi sẽ làm lợi cho công ty ở nhiều phương diện: Mỗi ngày số vải còn tồn trong nhà kho thì công ty không chỉ mất lợi nhuận tiềm năng mà còn cả lãi suất tiềm năng từ số lợi nhuận đó.

Số vải gây ấn tượng với những phụ nữ ở ngân hàng đến mức thậm chí họ còn rủ bạn bè của họ tới mua. Họ thích cả loại vải mới lẫn giá cả, đồng thời chúng tôi giải quyết được hàng tồn kho của công ty. Từ đó trở đi, hồ sơ mà tôi mang tới ngân hàng luôn nhận được ưu tiên hàng đầu của những phụ nữ ở đây.

Vấn đề thứ hai là tôi vẫn vướng bận với rất nhiều công việc giấy tờ mà tôi nghĩ có thể cắt giảm một nửa. Việc này cũng dễ dàng hoàn thành hơn tôi nghĩ. Các loại công văn giấy tờ rất hạn chế, và mỗi loại tài liệu chỉ có vài con số thay đổi. Tất cả những chi tiết khác đều cố định: tên công ty, dấu của người làm đơn, địa chỉ v.v… Vì thế, bất kỳ khi nào có thời gian rảnh, tôi chỉ việc chuẩn bị thật nhiều công văn từ trước. Sau đó, tất cả những gì công ty phải làm là điền các con số và ngày tháng.

Mọi thứ được cải thiện, nhưng còn một vấn đề nữa: Tôi vẫn phải tới ngân hàng vài lần một ngày. Nhờ chịu khó tìm hiểu, tôi phát hiện ra rằng chỉ cần hai lần đi lại mỗi ngày, một lần buổi sáng và một lần buổi chiều. Người tiền nhiệm của tôi trong công việc này chưa bao giờ dành thời gian lưu tâm tới một điều quan trọng – các tài liệu nộp lên ngân hàng vào buổi sáng được phê chuẩn vào cuối buổi chiều và tài liệu nộp buổi chiều được phê chuẩn vào sáng hôm sau. Không nhận ra chi tiết này, anh ấy phải bỏ ra cả ngày chạy đi chạy lại tới ngân hàng để mang tài liệu mới tới đó mỗi lần. Anh ấy thuần tuý làm đúng những gì được người tiền nhiệm hoặc cấp trên dạy, và anh ấy không bao giờ nghĩ đến việc đổi mới để tiết kiệm thời gian, tiền bạc và thậm chí cả da giày của mình. Cho nên tôi quyết định thay đổi cách thức làm việc để khớp với thời gian biểu của ngân hàng.

Chỉ một tháng sau khi nhận công việc, tôi được thăng chức và được khen ngợi như là một thiên tài. Thời đó, thăng chức được xem là một kỳ công thật sự đối với một nhân viên mới. Nhưng thành công lần đầu xuất hiện của tôi là nhờ khả năng nhận thức được vấn đề và cải thiện tình hình hiện tại. Qua nhiều năm, tôi tiếp tục rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề và nâng cao năng lực của mình trong đổi mới cách tân. Tôi có thể tự tin nói rằng khả năng làm cho Daewoo lớn mạnh như thế chính là nhờ quá trình đổi mới cách quản lý cả ở quy mô lớn và nhỏ.

Đổi mới không phải là điều gì đó chỉ áp dụng với kinh doanh. Nó có thể áp dụng cho quá trình học tập của các bạn và cho mọi khía cạnh của cuộc sống. Nếu các bạn có một môn học mà các bạn không thích ở trường thì vấn đề không phải là môn học ấy mà có lẽ là cách bạn tiếp cận với nó. Cho dù vấn đề là gì thì vẫn luôn có cách giải quyết.

Bạn không thể hoàn toàn hiểu rõ được logic hoặc các nguyên tắc của một môn học chỉ bằng việc hiểu ngôn từ hoặc câu văn. Bạn cũng không thể hiểu được bằng cách học thuộc lòng. Hiểu biết bắt đầu hình thành nhờ hứng thú liên tục, đắm mình vào đó và nhận thức một cách chi tiết. Hứng thú thoáng qua và những quan sát hời hợt hoàn toàn vô dụng, chúng không bao giờ dẫn tới sự đổi mới. Tôi không bao giờ quên tầm quan trọng của đổi mới.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.