Thế Giới Quả Là Rộng Lớn Và Có Rất Nhiều Việc Phải Làm
[25]. Nhường nhịn
Con người không thể sống đơn độc.
Mỗi người là một phần của xã hội, và con người cần có nhau. Con người tạo nên xã hội, đồng thời xã hội tạo nên con người. Hai nhà xã hội học người Mỹ Peter và Brigette Berger, trong cuốn Sociology: A Biographical Approach (tạm dịch: Xã hội học: Một cách tiếp cận mang tính tiểu sử) của mình, đã nói về quy trình xã hội hoá của cá nhân, và tiểu sử của mỗi cá nhân thật sự chính là câu chuyện về các mối quan hệ của người đó với người khác. Họ nói về cách xã hội hoá làm cho một cá nhân có liên hệ với những cá nhân khác và cuối cùng là với cả vũ trụ xã hội.
Có thể tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống ở chủ nghĩa vị tha, chứ không phải ở thói vị kỷ và ích kỷ. Nhưng hiện nay, chúng ta đang đối mặt với những vấn đề xã hội gây ra bởi những người nghĩ rằng họ và chỉ riêng họ, không tính đến những người khác, sẽ sống tốt. Nếu các bạn chỉ quan tâm đến người khác một chút thôi, có thể các bạn sẽ chẳng bao giờ bán ma tuý hoặc bỏ những chất độc hại vào thực phẩm. Nếu các bạn nhạy cảm trước thực tế rằng có những gia đình ba thế hệ đang sống trong những căn phòng chật chội đi thuê thì các bạn sẽ không nghĩ đến chuyện mua một chiếc áo khoác lông chồn hoặc đầu cơ bất động sản. Những cách hành xử như vậy xuất phát từ việc không màng đến hàng xóm láng giềng. Thật buồn và xấu hổ vì có những người vẫn đang sống theo cách đó.
Dù đang làm công việc gì, các bạn cũng không nên rơi vào cái bẫy ích kỷ này. Các bạn phải vượt lên lòng tham cá nhân và nghĩ đến lợi ích chung. Các bạn phải luôn nhớ rằng các bạn không sống một mình, rằng các bạn luôn sống trong mối quan hệ với những người khác và rằng các bạn lệ thuộc vào họ trên nhiều phương diện, trong đó có nhiều điều chúng ta đón nhận một cách mặc nhiên.
Sống với nhau khác xa việc tồn tại cùng nhau; nó bao hàm cả việc thịnh vượng và phát triển cùng nhau, cái mà chúng ta gọi là “cùng phồn thịnh.” Và đó là nền tảng triết lý doanh nghiệp của tôi.
Các doanh nghiệp, giống như con người, không nên tìm kiếm lợi ích của riêng mình mà hy sinh người khác. Dĩ nhiên, nền tảng của doanh nghiệp trong một hệ thống tư bản chủ nghĩa là kiếm lợi nhuận, điều không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên, đồng thời, các doanh nghiệp không nên chỉ chăm chăm vào lợi nhuận, và họ không nên thủ tiêu cạnh tranh. Nói cách khác, các doanh nghiệp phải làm việc vì lợi ích của xã hội và vì sự phồn thịnh chung. Cũng như việc những cá nhân có trách nhiệm có nghĩa vụ đối với xã hội, các doanh nghiệp cũng vậy, bởi vì các doanh nghiệp được hình thành từ xã hội và là một phần của xã hội. Và khi các doanh nghiệp làm ăn với các công ty nước ngoài hoặc các quốc gia khác, cũng cần áp dụng nguyên tắc ấy: Họ phải nghĩ đến việc nhường nhịn và cùng phồn thịnh. Mặc dù việc tìm kiếm lợi nhuận có thể tạo ra một số lợi ích ngắn hạn nhưng hoàn toàn không khôn ngoan về lâu dài bởi những công ty khác sẽ thôi làm ăn với bạn. Mối quan hệ sẽ chấm dứt rất nhanh và bạn sẽ thua lỗ.
Tôi luôn nghĩ sao cho đối tác được hưởng lợi ngang bằng với chúng tôi bởi làm như vậy, chúng tôi bảo đảm được một mối quan hệ cùng có lợi, lành mạnh, lâu dài. Rất cần tạo ấn tượng cho người khác và công ty khác rằng họ sẽ không bị thua thiệt khi làm ăn với bạn, và tôi luôn ủng hộ nguyên tắc này. Tôi tin đó là lý do vì sao Daewoo có thể lập được con số đông đảo các liên doanh với các công ty nước ngoài. Nguyên tắc này cũng phải áp dụng cho các nhà thầu phụ: Chúng tôi luôn phân tích chi phí cơ bản và lợi nhuận dự kiến và bảo đảm rằng chúng tôi chia sẻ chênh lệch giá cả với nhà thầu phụ.
Tuy nhiên, đồng thời, các bạn phải bảo đảm rằng các bạn không bị thua lỗ: Cũng như khi các bạn tính đến quyền lợi của cộng sự, họ cũng cần nghĩ đến quyền lợi của các bạn. Điều này đã từng trở thành một vấn đề khi chúng tôi tiếp quản một dự án nhà máy xử lý nước biển ở Vịnh Prudhoe, bang Alaska.
Chúng tôi nhận đơn đặt hàng từ hãng Bechtel của Mỹ, công ty nổi tiếng với công nghệ tiên tiến. Nhưng sau khi quyết định trao hợp đồng cho Công ty Máy móc nặng và Đóng tàu Daewoo, họ lại thay đổi điều kiện hợp đồng gây bất lợi cho chúng tôi. Ngoài việc nói rằng họ có quyền hoặc chấm dứt hoặc trì hoãn hợp đồng bất kỳ lúc nào, họ còn thêm điều kiện rằng họ sẽ chỉ thanh toán sau khi họ đánh giá công việc đã hoàn thành.
Tôi thấy những điều đó là hoàn toàn không chấp nhận được vì nguyên tắc của tôi là công bằng, thẳng thắn và nhường nhịn. Các bạn phải tham gia một giao ước như các đối tác bình đẳng. Nhưng tôi không ném bản hợp đồng này ra ngoài cửa sổ sau khi chúng tôi đã phải đấu tranh rất căng thẳng và mất nhiều thời gian mới có được nó. Tôi tới gặp ông chủ tịch công ty kia và trình bày trường hợp của tôi. Tôi bảo ông ấy rằng các hợp đồng phải công bằng, và rằng Daewoo dựa trên nguyên tắc nhường nhịn. Tôi hỏi ông ấy phải chăng đó không phải là phong cách Mỹ. Tuy nhiên, rõ ràng ông ấy không hề động tâm với quan điểm của tôi, cho nên tôi bảo ông ấy rằng tôi sẽ phải từ chối hợp đồng do những điều kiện nêu ra cho tôi. Cuối cùng tôi đã thành công trong việc có được một hợp đồng công bằng, và chúng tôi nhận được một khoản tiền lớn trước khi chúng tôi bắt tay vào việc.
Nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, công bằng và nhường nhịn này rất cần cho mọi mối quan hệ con người, không chỉ với kinh doanh. Các bạn phải làm việc vì lợi ích của nhau cũng như vì chính mình. Khi một công ty được lợi nhưng gây thiệt hại cho người khác thì xã hội sẽ không ổn.
Con người phải tin tưởng nhau. Trong các căn bệnh xã hội hiện nay của Hàn Quốc có bệnh thiếu tin tưởng nhau giữa chính phủ và người dân, giữa giới chủ và người lao động, giữa các giáo sư và sinh viên, giữa cha mẹ và con cái. Khi con người không còn tin tưởng nhau thì họ không thể hoà thuận, và khi họ không hoà thuận, họ lại càng không tin nhau – đó là một vòng tròn luẩn quẩn.
Một vấn đề xã hội lớn nữa hiện nay là xung đột trong chính những người công nhân. Rất nhiều nguyên nhân của tình trạng này là do sự thiếu công bằng về vị trí công việc, nhưng theo nhận thức của tôi thì nguyên nhân lớn hơn chính là sự ngờ vực. Nếu con người nghi ngờ nhau thì làm sao họ có thể hoà thuận được? Điều gì sẽ xảy ra khi sự ngờ vực len vào một cuộc hôn nhân?
Có một mối liên hệ chặt chẽ giữa tình trạng ngờ vực và xu hướng coi mình là trung tâm. Khi sống qua giai đoạn lộn xộn và khắc nghiệt, chúng ta có thể dễ dàng bị thói tự kỷ trung tâm và sự ngờ vực cuốn đi mà không hề hay biết. Vì tương lai không chắc chắn nên dường như mọi người dễ nảy sinh xu hướng chỉ tìm kiếm lợi lộc cho bản thân và gia đình mình.
Khi thanh niên các bạn bắt đầu lập kế hoạch cho tương lai của mình, tôi hy vọng rằng trước tiên các bạn hãy hiểu rằng con người phải sống có nhau, rằng các bạn không thể sống một mình. Tôi hy vọng rằng các bạn sẽ không rơi vào sự ích kỷ và coi mình là trung tâm, hãy tin tưởng nhau, và hãy luôn nghĩ cho nhau. Nếu làm được như thế, các bạn có thể tạo ra một thế giới rất tươi đẹp.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.