Thế Giới Quả Là Rộng Lớn Và Có Rất Nhiều Việc Phải Làm
[19]. Tiền là vô tính
Một người thật sự thông minh biết cách sử dụng cả thời gian và tiền bạc một cách khôn ngoan. Hãy để tôi nói với các bạn rằng các bạn không nên lãng phí dù chỉ một ít tiền bạc cũng như không nên lãng phí thời gian.
Thật tuyệt nếu có một thái độ lành mạnh đối với tiền bạc ngay từ khi các bạn còn trẻ. Dĩ nhiên, bản thân tiền là vô tính – nó không tốt cũng chẳng xấu. Cái trở thành tốt hoặc xấu chính là cách các bạn sử dụng tiền.
Tiền chỉ nên sử dụng khi thật cần, và chuẩn mực sử dụng nó là phải đem lại lợi ích – làm lợi cho chính các bạn và người khác. Sử dụng tiền để học tập, để chi phí thuốc men, hoặc để giúp đỡ những người gặp khó khăn chính là những đồng tiền được sử dụng một cách khôn ngoan, và không cần phải keo kiệt trong những trường hợp như thế. Nếu các bạn sử dụng tiền một cách phù hợp, thì số lượng không thành vấn đề – đừng ngại tiêu nhiều tiền khi cần.
Trên cơ sở đó, đừng lãng phí dù chỉ một ít tiền. Đừng tiêu tiền một cách ngu ngốc, giống như lúc các bạn thèm muốn mua thứ gì đó các bạn không cần. Một số người mua đồ chỉ vì nó rẻ, không phải vì họ cần nó, và có người mua đồ chỉ vì người khác mua thứ đó – đó là hội chứng “cho bằng chị bằng em.” Điều đó là vô cùng ngu xuẩn.
Khi chúng tôi tiếp quản nhà máy Korea Machinery, tôi quyết định xây dựng các cơ sở phúc lợi cho nhân viên để tăng động lực và tạo dựng tình cảm mật thiết. Thời đó, năm 1976, các chương trình phúc lợi cho nhân viên thực tế chưa bao giờ được nghe thấy ở Hàn Quốc. Nhưng tôi đi đến kết luận rằng đã đến lúc phải chú ý tới một vấn đề như vậy. Cho nên tôi ra chỉ thị xây dựng nhà tắm, tiệm cắt tóc cho nhân viên, khu nội trú cho người độc thân và các quán ăn tự phục vụ hiện đại. Các quản đốc phản đối việc này, vì tổng chi phí sẽ là vài triệu đô-la, một con số khổng lồ thời đó.
Các quản đốc có lý do chính đáng. Tổng số vốn của công ty chỉ nhiều gấp đôi số tiền để xây dựng các cơ sở được đề xuất, và họ nghĩ rằng tốt hơn nên sử dụng tiền cho thứ gì đó liên quan trực tiếp đến sản xuất. Thêm vào đó, công ty đang bị thâm hụt kinh niên. Các quản đốc cảm thấy ưu tiên hàng đầu nên là trả nợ, và tôi thật sự không thể nói rằng họ đã sai. Nhưng tôi không thay đổi. Quyết định của tôi là đầu tư tiền cho phúc lợi của nhân viên trước. Nếu tinh thần làm việc được cải thiện thì lẽ tất nhiên là sức sản xuất sẽ tăng lên và công ty sẽ tiếp tục tăng trưởng. Tôi không hề e dè về số tiền bỏ ra vì đó là khoản đầu tư dài hạn khôn ngoan. Đây là cách tôi vận hành – nếu có gì đó tôi thấy đáng làm thì tôi không bận tâm đến con số. Mặt khác, tôi có thể trở thành một Scrooge3 thực sự nếu tôi nghĩ tiền đang được sử dụng một cách ngu ngốc.
Có thời kỳ ở Seoul, chúng tôi phải sử dụng xe buýt tuyến chạy tới cơ sở sản xuất ở Inchon, một quãng đường dài 20 dặm. Mỗi chuyến xe buýt phải trả khoản phí đường bộ trị giá 500 won (khoảng 1 đô-la thời đó), nhưng tôi phát hiện ra rằng nếu xe buýt rời khỏi đường cao tốc ở chỗ giao cắt nhà máy và đi vào đường khu vực thì chúng tôi có thể tiết kiệm được 25 xu mỗi chiều. Không còn cảm giác lãng phí tiền bạc nữa, cho dù số tiền không đáng kể.
Vấn đề ở đây không phải là vài triệu đô-la hay 25 xu. Vấn đề là tiêu tiền một cách khôn ngoan. Việc tiêu vài triệu đô cũng khôn ngoan như việc tiết kiệm 25 xu.
Tôi thường tự mình chọn quà cho các đối tác làm ăn, và tôi thường chọn những món đồ gốm hoặc hàng thủ công. Thỉnh thoảng, người bán hàng lại tìm cách thổi giá lên bởi tôi là chủ tịch của một tập đoàn lớn. Khi họ làm như vậy, tôi lại tìm cách mặc cả xuống, bởi không có chuyện lãng phí tiền bạc. Người bán hàng có thể nghĩ tôi là kẻ bần tiện, nhưng tôi không thấy như vậy. Chúng ta phải chấn chỉnh suy nghĩ rằng ai đó ném tiền qua cửa sổ mới thật sự là hào phóng và ai đó tiêu tiền một cách khôn ngoan thì là bần tiện.
Tôi có thể là kẻ bần tiện tìm cách tiết kiệm 25 xu trên một chuyến xe buýt và cò kè với người bán đồ gốm, nhưng tôi không hề day dứt khi đầu tư hàng triệu cho giáo dục và phúc lợi của nhân viên. Các nhà máy sản xuất Daewoo của chúng tôi không hề gây ô nhiễm, nhưng chúng tôi không do dự sử dụng tiền một cách khôn ngoan cho những hạng mục bảo vệ môi trường ở những nhà máy gây ô nhiễm. Và chúng tôi không hề bần tiện khi đền bù cho ai đó qua đời vì công việc. Chúng tôi biết rõ khi nào và sử dụng tiền như thế nào cho phù hợp và hiệu quả. Người nào chỉ tiêu tiền khi cần tiêu chính là người thật sự biết cách tiêu tiền. Mọi thứ tùy thuộc vào sự khôn ngoan của người tiêu tiền.
Rất nên bắt đầu tiết kiệm khi các bạn còn trẻ và thật ngu ngốc khi tiêu sạch những gì các bạn có; tiết kiệm một chút những gì các bạn có ngày hôm nay để cho ngày mai mới là khôn ngoan. Nhà cải cách tôn giáo John Wesley từng nói, hãy làm việc tối đa, tiết kiệm hết mức và sau đó sử dụng tất cả những gì các bạn có vì người khác. Đây ít nhiều cũng chính là triết lý của tôi liên quan đến tiền bạc, nhưng tôi muốn bổ sung thêm một điều: Đừng lãng phí một xu, nhưng đồng thời, đừng do dự tiêu cả núi tiền khi cần.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.