Thế Giới Quả Là Rộng Lớn Và Có Rất Nhiều Việc Phải Làm

[14].“Nhưng tôi là phụ nữ”



Người ta nói thế giới thay đổi rất nhiều, nhưng sự kỳ thị đối với phụ nữ trong xã hội Hàn Quốc thì vẫn mạnh mẽ. Những phụ nữ nhận được sự giáo dục giống với nam giới vẫn không thể phát huy trọn vẹn khả năng của mình sau khi tốt nghiệp, và đây là một mất mát lớn không chỉ cho cá nhân mà còn cho cả dân tộc.

Đó là lý do tại sao Daewoo quan tâm đến việc tuyển dụng phụ nữ. Chúng tôi là công ty đầu tiên ở Hàn Quốc thuê phụ nữ đã lập gia đình và là công ty đầu tiên tạo cơ hội việc làm cho những phụ nữ tốt nghiệp đại học. Một số phụ nữ trong số này đã đạt đến trình độ quản lý, và chúng tôi thậm chí có 12 phụ nữ từng đi thực hiện các dự án xây dựng của chúng tôi ở Libya. Cho nên bằng nhiều cách, mọi thứ đã thay đổi với phụ nữ ở Hàn Quốc.

Khi nói chuyện với các bạn trẻ, tôi thường không phân biệt giữa nam giới và nữ giới, nhưng giờ tôi muốn được nói riêng với phụ nữ trẻ Hàn Quốc.

Có rất nhiều lý do khiến vai trò của phụ nữ bị hạn chế và phụ nữ không thể phát huy được những năng lực của mình.

Lý do đầu tiên xuất hiện trong đầu là quan điểm xã hội lỗi thời cho rằng người chồng là người “hướng ngoại”, người làm việc ở ngoài gia đình, trong khi người vợ là “hướng nội”, người làm việc trong nhà. Cho nên ở Hàn Quốc, chúng ta có truyền thống xem người vợ là “hướng nội” hoặc thậm chí là “nội tướng.” Mở rộng thêm của truyền thống này, xã hội Hàn Quốc coi nam giới là trung tâm và cực kỳ gia trưởng, điều này khiến cho phụ nữ không còn nhiều chỗ để tham gia vào xã hội. Thực tế này, đến lượt nó, lại khiến cho thị trường lao động ở Hàn Quốc nhỏ hẹp hơn.

Nhưng mô hình xã hội gia trưởng truyền thống không phải là yếu tố duy nhất cản trở sự tham gia của phụ nữ vào xã hội. Có một lý do quan trọng hơn, và tôi hy vọng rằng phụ nữ Hàn Quốc sẽ tự mình nhận ra được điều này.

Dĩ nhiên, điều này có liên quan đến mô hình xã hội nói chung, nhưng theo quan sát của tôi thì chính phụ nữ cũng không chấp nhận trách nhiệm xã hội giống như nam giới. Hầu hết phụ nữ, thậm chí còn không ý thức về điều này, đều cho rằng sau khi học xong đại học, họ sẽ làm việc 2 hoặc 3 năm rồi bỏ việc khi họ lập gia đình. Họ xem công việc chỉ như một trạm xe buýt trên con đường đi tới bến cuối của tuyến đường là cuộc hôn nhân. Kết quả là họ thật sự không nỗ lực làm công việc của mình. Thái độ làm việc hoàn toàn khác giữa những người đàn ông nhận thức rõ họ phải làm việc suốt đời với những phụ nữ có kế hoạch bỏ việc sau 2 hoặc 3 năm.

Hãy nghĩ về điều này. Mất khoảng 6 tháng để quen với một công việc mới, cho nên 6 tháng đầu tiên được xem là thời kỳ tập sự. Mất trọn hai năm để một nhân viên mới thật sự có thể làm việc chủ động. Và đó chính là lúc nhiều phụ nữ sẵn sàng bỏ việc và lập gia đình. Như thế, các bạn không thể kỳ vọng một doanh nghiệp chào đón những người có thái độ như vậy.

Năm 1984, khi chúng tôi tạo cơ hội việc làm cho những phụ nữ tốt nghiệp đại học, đích thân tôi đã tiến hành các cuộc phỏng vấn và hỏi xem những nhân viên nữ có tiếp tục làm việc sau khi kết hôn hay không. Có đến 99% trong số họ nói rằng họ có kế hoạch như vậy. Nhưng 5 năm sau, chỉ có một nửa trong số 200 phụ nữ tốt nghiệp đại học mà tôi tuyển dụng là còn tiếp tục làm việc.

Tuy nhiên, đây đã là một sự tiến bộ đáng kể. Chúng tôi thử nghiệm tuyển dụng nhân viên nữ tốt nghiệp đại học năm 1972 và thêm một lần nữa năm 1977. Tất cả phụ nữ thời đó đều có suy nghĩ chỉ làm việc cho tới khi lập gia đình, cho nên chúng tôi ngừng thử tuyển nữ nhân viên tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, với những biến đổi xã hội nhanh chóng, chúng tôi tái khởi động những chương trình như thế này vào năm 1984.

Là một doanh nhân, tôi muốn nói vài điều với các thiếu nữ ngày nay, vì các bạn có trách nhiệm ngang bằng với nam giới đối với tương lai của đất nước này.

Thứ nhất, đừng quên rằng các bạn là chủ nhân chính số phận của mình. Trong những năm gần đây, tiếng nói của phụ nữ đã được nâng lên trong việc chống phân biệt đối xử giới tính ngay trong cái xã hội trọng nam này, nhưng tôi có nhận thức rằng chính bản thân phụ nữ lại thường tạo ra sự phân biệt đối xử. Những câu nói có sức lây lan như “Nhưng tôi là phụ nữ” và “Làm sao một phụ nữ làm được việc đó?” khiến người khác tin rằng các bạn thật sự không muốn địa vị bình đẳng.

Một vấn đề nữa là việc sử dụng từ “ông chủ” để nói về người chồng của các bạn. Ông chủ ư? Làm sao chồng của các bạn lại trở thành chủ nhân của các bạn được? Hôn nhân có ý nghĩa gì với bạn, là việc tìm một người chồng xứng đáng để dựa dẫm và tuân phục như ông chủ ư? Trở thành một kẻ phụ thuộc và một nô lệ ư? Hôn nhân là sự kết hợp của hai cá tính có những trách nhiệm và giá trị như nhau, cho nên làm sao nó lại có thể là mối quan hệ ông chủ-nô lệ được?

Hãy nhớ rằng các bạn là chủ nhân của chính mình. Dù là nam giới hay nữ giới thì mỗi người trong chúng ta đều được sinh ra với cá tính riêng, và nền tảng của cá tính chính là “Tôi là chủ nhân của chính tôi.”

Đề nghị thứ hai của tôi đối với phụ nữ trẻ Hàn Quốc là các bạn tiếp tục làm việc vì sự trưởng thành và phát triển của cá nhân mình. Một số phụ nữ có xu hướng quên mọi thứ họ đã học được ngay khi tốt nghiệp. Họ phó mặc bản thân cho vị chúa tể mới của mình; và sau đó họ quên luôn sự phát triển của chính mình và quên tất cả những gì họ học được. Làm sao các bạn lại có thể vứt bỏ chính mình được chứ?

Sự trưởng thành của một con người tùy thuộc vào nỗ lực. Vấn đề là câu hỏi: Các bạn đã cố gắng đến mức nào để đạt đến tầm cao hơn và một tương lai sáng lạn hơn. Không hề có hạn chế đối với sự phát triển của một con người dám tìm hiểu xã hội và cuộc sống một cách đầy đủ và mạnh mẽ.

Nếu nhìn lại mình, các bạn sẽ thấy rằng, khi thời gian trôi đi, một số người trở thành gì đó trong khi những người khác nhạt nhòa dần. Có một câu trả lời rất đơn giản cho sự khác biệt này. Ai đó chẳng là gì ngày hôm qua có thể trở thành xuất chúng vào ngày mai nếu người đó nỗ lực phát triển chính mình trong ngày hôm nay; và một người hôm qua xuất sắc sẽ chẳng là gì vào ngày mai nếu người đó dựa dẫm vào vinh quang hiện tại của mình và không tiếp tục trưởng thành và phát triển.

Đừng bao giờ ngừng trưởng thành thêm sau khi các bạn tốt nghiệp hoặc kết hôn. Hãy là một phụ nữ tiếp tục trưởng thành, tiếp tục học hỏi, và tiếp tục tìm kiếm những điều mới và những khả năng mới.

Tôi muốn nói thêm với những phụ nữ trẻ thật sự muốn phát huy đầy đủ tiềm năng của mình trong xã hội: Các bạn phải hoàn thiện ý thức nghề nghiệp hoặc công việc của mình. Đừng thụ động chấp nhận công việc và chỉ làm những gì người ta kỳ vọng ở bạn. Đó là những gì phụ nữ Hàn Quốc vẫn làm cho tới lúc này, và đây là một lý do chính khiến cho các doanh nghiệp vẫn ngần ngại khi thuê họ.

Nếu các bạn thật sự muốn nhận được sự đối xử ngang bằng với các đồng nghiệp nam giới của mình, các bạn phải chủ động phát triển công việc của mình và nhận lấy trách nhiệm đối với công việc ấy. Các bạn phải làm ít nhất ngang bằng với nam giới. Nếu các bạn làm được như vậy, khi đó doanh nghiệp sẽ không hề do dự trong việc tuyển dụng các bạn, và các bạn có thể phá bỏ những định kiến truyền thống.

Ở Hoa Kỳ và thậm chí các nước châu Á khác, nhiều phụ nữ đã trở thành nhà quản lý bậc trung, chủ tịch công ty. Họ có ảnh hưởng rất lớn đối với xã hội thông qua sự chuyên nghiệp và năng lực phi thường của họ. Tôi không có lý do gì tin rằng phụ nữ Hàn Quốc lại kém cỏi hơn. Vấn đề duy nhất chính là thiếu vắng ý thức công việc hoặc nghề nghiệp và thái độ cho rằng công việc chỉ là một sự lấp chỗ trống tạm thời trước khi kết hôn. Nếu nghĩ như thế, các bạn sẽ vẫn thụ động trong công việc của mình và chỉ làm tăng định kiến của doanh nghiệp và xã hội bất lợi cho phụ nữ mà thôi.

Hãy là chủ nhân của chính mình, hãy tiếp tục trưởng thành hết tiềm năng của mình, và hãy chủ động phát triển ý thức nghề nghiệp. Đây là cách thay đổi thái độ và định kiến trong cái xã hội trọng nam này. Và bằng cách đó, các bạn có thể chứng mình với nam giới có định kiến như vậy và với thế hệ đi trước rằng họ đã nhầm trong cách đánh giá của họ về phụ nữ Hàn Quốc.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.