Thế Giới Quả Là Rộng Lớn Và Có Rất Nhiều Việc Phải Làm

[15]. Lồng chim



Tôi thường nói với mọi người rằng cuộc Chiến tranh Triều Tiên rèn đúc tôi trở thành người như ngày hôm nay.

Nhờ những gian khó và khốc liệt của chiến tranh, tôi sớm có cảm nhận về cuộc sống khắc nghiệt. Tôi học cách phát triển tinh thần chịu đựng để vượt qua nỗi sợ hãi, khó khăn và thử thách bởi, khi còn niên thiếu, tôi bất ngờ phải gánh vác trách nhiệm đối với sự mưu sinh của gia đình mình.

Để nhấn mạnh với các bạn rằng cuộc sống không dễ dàng, cho phép tôi nhắc đến một lời răn cơ bản của nhà Phật: Gốc rễ của cuộc đời là khổ, và thế giới này là cả một bể khổ. Cuộc đời không phải là một con đường lát gạch bằng phẳng, cũng không phải là một chiếc giường trải hoa hồng. Thậm chí nếu nó đúng là một chiếc giường hoa hồng thì cũng đừng quên rằng hoa hồng có gai rất sắc. Nhưng sợ sệt những cái gai đó ngớ ngẩn chẳng khác gì đắm đuối vì những đóa hồng.

Nếu sợ gai thì các bạn sẽ không thành công. Thành công thuộc về những người không sợ thách thức của gai nhọn. Gần như tất cả những người thành công lớn hiện nay đều đạt được điều đó nhờ khó khăn và nghịch cảnh, không phải nhờ chiếc giường hoa hồng. Đó là lý do vì sao tôi không do dự khi nói rằng Chiến tranh Hàn Quốc đã rèn đúc nên tôi bây giờ.

Điều tôi muốn nhấn mạnh với các bạn là cơ hội đều được sinh ra từ nghịch cảnh.

Khi mọi thứ suôn sẻ, tất cả mọi người đều ổn thoả. Nhưng khi mọi thứ suôn sẻ với tất cả mọi người, bạn phải tự hỏi mình xem điều gì khiến bạn khác biệt, điều gì phân biệt bạn với những người còn lại.

Xin lấy ví dụ về một sinh viên thông minh. Vì cậu ta biết mình thông minh nên cậu ta cứ bình bình suốt hai năm đầu trong trường trung học, đạt thứ hạng trung bình, và cậu ta lên kế hoạch học nhồi nhét vào năm cuối khoá. Cậu ta nghĩ rằng nếu cậu ta gắng thêm một chút khi là sinh viên năm cuối thì cậu ta sẽ làm được. Nhưng liệu cậu ta có làm được không?

Nếu cậu ta học hành chăm chỉ gấp đôi gấp ba khi là sinh viên năm cuối thì cậu ta vẫn không thể làm được. Thứ hạng của cậu ta sẽ không cao hơn, bởi tất cả sinh viên học hành chăm chỉ từ trước cũng đều học hành như điên khi bước vào năm cuối. Nếu cậu ta thực sự học hành chăm chỉ thì cậu ta chỉ có thể duy trì được thứ hạng trung bình của mình, và tất yếu như vậy. Thời điểm để làm việc gì đó không phải là khi tất cả mọi người khác cũng đang làm việc ấy. Thời điểm làm việc gì đó là khi tất cả những người khác không làm, khi tất cả những người khác ngừng lại, khi tất cả những người khác từ bỏ. Đó là khi thành công đến với ai nỗ lực nhất, đến với ai nhìn thấy cơ hội ẩn giấu đằng sau những khó khăn.

Các bạn phải biết cách khai thác khủng hoảng. Hãy nghiên cứu kỹ các chữ Hán chúng ta dùng cho từ “khủng hoảng”: Chữ đầu tiên gần gũi về nghĩa với từ tiếng Anh “rủi ro” và chữ thứ hai chính là “cơ hội” hoặc “vận hội.” Cho nên từ “may rủi” là một từ kết hợp vì nó mang cả nghĩa tiêu cực và tích cực. Nó gợi ý về khả năng di chuyển theo hai hướng khác nhau. Do đó, “may rủi” có thể dẫn tới một tình huống hơn hoặc kém.

Một người bi quan sẽ nhìn nhận chuyện “may rủi” theo hướng tiêu cực và rơi vào tuyệt vọng, trong khi người lạc quan, năng nổ sẽ tìm cách xông pha vào chính tình huống ấy với hy vọng, sự tự tin và tinh thần đương đầu với thử thách và phiêu lưu. Đó là người nhìn thấy cơ hội hoặc vận hội xuất hiện từ khủng hoảng. Người đó có thể thành công hoặc thất bại, nhưng ít nhất anh ta sẽ không sợ hoàn cảnh; anh ta sẽ đương đầu với nó và hành động, đây là cách tôi xem là khôn ngoan hơn trong hai phương án lựa chọn.

Các bạn còn trẻ, cho nên các bạn có quyền thất bại chừng nào các bạn đã cố gắng hết mình. Nếu các bạn cứ tiếp tục làm công việc người ta bảo các bạn làm thì có thể các bạn không hề phải lo lắng gì cả, nhưng đồng thời các bạn sẽ chẳng bao giờ thật sự hoàn thành được điều gì lớn lao. Nếu một người không bao giờ nếm trải thất bại thì làm sao anh ta có thể mong đợi tận hưởng thành công?

* * *

Hiện nay trong xã hội Hàn Quốc, có từ 10% đến 20% tổng số nhân viên mới tuyển dụng của các doanh nghiệp bỏ việc trong vòng 6 tháng. Tại sao lại như vậy? Bởi họ thấy môi trường công sở quá khắc nghiệt với họ. Cho nên họ quyết định quay trở lại trường học để kiếm tấm bằng thạc sĩ hoặc tiếp tục học hành ở nước ngoài, nhưng đó là một xu hướng tôi rất mong sớm kết thúc. Tôi băn khoăn về chất lượng của các trường học sẵn sàng tiếp nhận những người lánh sang mảng “giáo dục” bởi họ không thể thích nghi được với cuộc sống doanh nghiệp. Quan niệm của cá nhân tôi là những người quay trở lại trường học hoặc ra nước ngoài học tập vì những lý do như thế, thay vì xuất phát từ đam mê thật sự dành cho học tập, đang làm xấu toàn bộ quá trình giáo dục một cách tệ hại.

Cách đây không lâu, tôi có cơ hội bất ngờ được trò chuyện với một sinh viên đại học năm cuối chuyên ngành quản trị kinh doanh tại một trong những trường tốt nhất Hàn Quốc. Cậu ấy rất thông minh và trông rất sắc sảo. Cuộc trò chuyện của chúng tôi tập trung vào kế hoạch của cậu ấy sau khi tốt nghiệp.

Tôi hỏi cậu ấy rằng cậu ấy có ý kiếm một việc làm ngay sau khi tốt nghiệp hay không, và vì cậu ấy bảo rằng cậu ấy sẽ làm như vậy nên tôi gợi ý cậu ấy đầu quân cho Daewoo. Khi cậu ấy nói rằng cậu ấy không thích Daewoo, tôi hỏi lý do tại sao, và cậu ấy nói rằng nơi đó ép mọi người làm việc quá căng. Tôi hỏi xem cậu ấy thích làm việc
ở đâu, và cậu ấy nói rằng cậu ấy thích một công ty nước ngoài hơn bởi người ta trả công cao hơn và cho nhân viên nghỉ nhiều hơn.

Vậy là chẳng còn gì nhiều để trò chuyện cùng cậu sinh viên đó nữa. Không phải vì tôi không thích việc cậu ấy không thích Daewoo; và tôi không thể trách móc gì cậu ấy vì muốn một công việc thoải mái hơn và lương cao hơn. Điều khiến tôi không vui là những gì cậu ấy nói sau đó. Cậu ấy nói rằng nếu cậu ấy có thể tiết kiệm đủ tiền trong khoảng 5 năm tới thì sẽ cùng bạn gái của mình lên kế hoạch mở một quán cà phê để họ có thể dễ dàng trong phần đời còn lại.

Chẳng có gì sai khi mở một quán cà phê cả. Tuy nhiên, điều khiến tôi chán ngán là một sinh viên sắp bước vào một trong những trường kinh doanh tốt nhất lại lựa chọn “sự nghiệp” dựa trên một cuộc sống thư thái, dễ dàng. Điều đó làm tôi dừng lại và băn khoăn không biết có phải nhiều sinh viên khác cũng nghĩ như thế này về mục đích sống của họ hay không.

Một cái chuồng chim khiến cuộc sống của con chim dễ dàng. Nó không phải lo lắng về thức ăn, lạnh giá hay những đe doạ đối với cuộc sống của nó. Nhưng một con chim như vậy chẳng có gì để thèm muốn. Một con chim trong tự nhiên phải tìm thức ăn cho mình, làm tổ cho mình, và bảo vệ nó trước những kẻ săn mồi, nhưng đồng thời nó có thể bay lượn khắp thế giới bao la. Nó hạnh phúc, với cuộc sống phiêu lưu và tự do của nó, hơn hẳn con chim trong lồng chẳng có gì ngoài sự thoải mái.

Ngoài kia có cả một thế giới rộng lớn để khám phá, cho nên tôi hy vọng các bạn sẽ quên ngay bất kỳ ý nghĩ nào rằng các bạn có thể tận hưởng cuộc sống trong một cái lồng. Đừng sợ những gì chưa biết, và đừng sợ thất bại. Đặc quyền và nhiệm vụ của tuổi trẻ là biến khủng hoảng thành cơ hội và đối diện với nghịch cảnh bằng tinh thần thách thức.

Đừng cúi đầu trước khó khăn; hãy bước vào khó khăn cùng với sức mạnh.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.