Thế Giới Quả Là Rộng Lớn Và Có Rất Nhiều Việc Phải Làm

[23]. Lãnh đạo



“Sông sạch nhờ suối trong” là một câu ngạn ngữ Triều Tiên cổ, và điều này đúng:

Thượng nguồn phải trong thì sông mới sạch.

Xã hội cũng vậy. Các nhà lãnh đạo xã hội phải sạch thì xã hội mới sạch. Không có gì là ngoa ngôn khi nói rằng các bạn có thể đánh giá một xã hội từ tấm gương của các nhà lãnh đạo. Cho nên câu ngạn ngữ “sông sạch nhờ suối trong” nhấn mạnh vai trò quan trọng của các nhà lãnh đạo xã hội. Chúng ta cần những lãnh đạo truyền cho người dân của họ sự tự tin, dũng khí và ý thức về bổn phận.

Không phải ai cũng có thể trở thành lãnh đạo, nhưng số lượng các nhà lãnh đạo của chúng ta là một nhân tố quan trọng. Ở Hàn Quốc, chúng ta nói rằng nếu một con thuyền có quá nhiều tay chèo thì nó sẽ leo lên đỉnh núi; tuy nhiên, nếu có quá ít tay chèo thì con thuyền lại không di chuyển được. Những người có phẩm chất và năng lực lãnh đạo trở thành nhà lãnh đạo cũng là điều rất quan trọng. Một xã hội sẽ bị xáo trộn nếu nó thiếu vắng những con người như thế.

Điều gì làm nên một nhà lãnh đạo? Một nhà lãnh đạo phải có rất nhiều năng lực. Người đó phải có khả năng thuyết phục và có thể tổ chức mọi người. Một nhà lãnh đạo phải có khả năng chấn chỉnh những mâu thuẫn và yếu kém thông qua vai trò lãnh đạo mạnh mẽ, và phải biết cách tận dụng sức mạnh của cả nhóm để tạo nên sự thịnh vượng và phát triển.

Nhưng có một điều các bạn cần hiểu: Lãnh đạo không được lẫn lộn với độc tài. Vai trò lãnh đạo mà tôi đang nói đến rất khác biệt với những gì đi ngược với tập thể mà nó phục vụ. Ở Hàn Quốc trong quá khứ, chúng ta từng có thời kỳ hiểu nhầm độc tài như là sự lãnh đạo quyết liệt, và giờ đây chúng ta lo lắng về hiện tượng né tránh trách nhiệm đi kèm với cơ hội dành cho vai trò lãnh đạo đích thực.

Các nhà lãnh đạo phải có ý thức thông suốt về nghĩa vụ. Các nhà lãnh đạo phải coi công việc của mình là sự phó thác của thiên mệnh, và họ phải nghĩ rằng họ sinh ra để đảm nhận công việc ấy. Họ phải sống và chết vì công việc ấy, và coi đó là bổn phận duy nhất trong đời mình. Nếu các nhà lãnh đạo không có ý thức như vậy, khi đó tập thể sẽ trở thành một nhóm hỗn loạn, không có khả năng vận hành một cách lành mạnh. Ai đó xem vai trò lãnh đạo như một phương tiện cho lợi ích cá nhân thì không có khả năng làm một nhà lãnh đạo.

Một nhà lãnh đạo cũng phải có ý thức về sự hy sinh, và đi kèm với ý thức về bổn phận, vì cả hai song hành cùng nhau. Vai trò lãnh đạo không phải là thứ đơn thuần đến từ việc ngồi vào một vị trí cao. Nó chỉ đến với những người có cả ý thức về bổn phận và hy sinh cho lợi ích của tập thể.

Trở thành một nhà lãnh đạo giống như đi trên một con đường chông gai. Chỉ người nào sẵn lòng hy sinh cuộc sống riêng tư của mình, sở thích của mình, và thậm chí cả gia đình của mình, thì mới có thể trở thành một nhà lãnh đạo. Điều này đúng với các nhà lãnh đạo ở mọi cấp độ của xã hội. Các bạn có thể thấy rằng không phải ai cũng trở thành lãnh đạo; nó tuỳ thuộc vào việc liệu một người có sẵn lòng chấp nhận những hy sinh như thế hay không.

Để làm cho Daewoo thành công, tôi đã phải từ bỏ cuộc sống gia đình của mình. Tôi ngủ không đủ, tôi không có thời gian dành cho sở thích nào, và tôi thậm chí chưa bao giờ có thời gian nhậu nhẹt. Tôi từ bỏ những niềm vui của cuộc sống gia đình gắn bó đầm ấm vì công ty.

Mới đầu, vợ tôi phàn nàn rất nhiều nhưng giờ đây bà ấy chấp nhận, có lẽ vì bà ấy hiểu rằng bà ấy không có lựa chọn nào khác. Tôi luôn phải sống với thực tế rằng tôi chưa bao giờ đưa các con mình đi nghỉ. Nhưng tôi nghĩ chúng đã hiểu lý do vì sao, và thậm chí tôi nghĩ chúng có phần tự hào về tôi. Cho nên tôi khá may mắn và rất biết ơn. Dĩ nhiên, tôi hiểu tầm quan trọng của gia đình, và rằng nền tảng của hạnh phúc chính là một cuộc sống gia đình êm ấm. Nhưng một nhà lãnh đạo ít nhất phải vượt lên những niềm vui và tính toán của riêng mình. Nếu mọi người đều chỉ làm những gì mình muốn thì ai sẽ lãnh đạo?

Phải có những người nghĩ cho người khác trước, những người hy sinh sung sướng của riêng mình để đưa tập thể đi đúng đường. Nếu các bạn muốn được gọi là một nhà lãnh đạo thì các bạn phải có đủ quyết tâm hy sinh cá nhân.

Chính sách nhân sự của chúng tôi ở Daewoo dựa trên nguyên tắc này. Chúng tôi thích những người sáng tạo, dám mạo hiểm, sẵn sàng hy sinh cá nhân và sẵn sàng làm việc chăm chỉ – bởi vì đó là những người có phẩm chất lãnh đạo, những người có thể trở thành chủ tịch tập đoàn Daewoo. Thậm chí nếu họ thiếu năng lực sáng tạo, chúng tôi vẫn thích họ nếu họ có ý thức mạnh mẽ về việc hoàn thành công việc và nếu họ nỗ lực hết mình.

Những người như vậy có thể trở thành các nhà lãnh đạo của Daewoo bởi họ đặt lợi ích chung lên trên những thoả mãn cá nhân của mình, và bởi họ coi làm việc cho sự phát triển kinh tế và xã hội quan trọng hơn địa vị xã hội của họ. Những người này đã dẫn dắt Daewoo đi tới thành công và phát triển. Họ đánh đổi những tiện nghi và niềm vui của cá nhân cho sự mãn nguyện lớn lao hơn.

Mặt khác, có những người chỉ làm việc vì lợi ích và hạnh phúc cá nhân. Họ thấy mãn nguyện với một cuộc sống gia đình và cuộc sống cá nhân hạnh phúc hơn là với sự mãn nguyện có được nhờ dẫn dắt phát triển và thành công. Nhưng những người đó chẳng bao giờ vượt khỏi tầm quản lý. Những người chúng tôi thật sự không biết dùng vào việc gì cho Daewoo là những người không phân biệt được giữa công việc vì lợi ích tập thể hay vì cá nhân; chúng tôi không cần đến những người lẫn lộn giữa hai thứ đó.

Một người được xem trọng như một nhà lãnh đạo khi người đó thật sự đắm mình vào vai trò lãnh đạo và lãnh đạo bằng ý thức thực sự về bổn phận, ý thức về sự hy sinh và những giá trị mạnh mẽ. Đây là chỗ chúng ta phân biệt giữa các nhà lãnh đạo và những nhà độc tài. Người ta nghe theo kẻ độc tài vì sợ, không phải vì kính trọng. Người ta không sợ những nhà lãnh đạo thực sự, người ta nể trọng họ. Sức mạnh và uy tín thật sự đến từ sự kính trọng, và một nhà lãnh đạo phải có được những điều đó. Nếu họ không làm được thì họ không thể lãnh đạo được tập thể.

Tôi muốn giục các bạn trẻ hãy hình thành ý thức sâu sắc về bổn phận để trở thành những nhà lãnh đạo xã hội có thể vượt lên hạnh phúc cá nhân nhất thời, bám lấy hiện tại, và đóng góp cho lợi ích của xã hội và quốc gia.

Không phải ai cũng có thể trở thành lãnh đạo và không phải ai cũng cần làm lãnh đạo. Nhưng, ở khía cạnh nào đó, mỗi người trong các bạn đều là nhà lãnh đạo cuộc sống của chính mình, vì không ai có thể sống cuộc sống của các bạn cho các bạn cả. Các bạn là nhà lãnh đạo của chính mình, cho nên tất cả những gì tôi muốn nói về vai trò lãnh đạo thực tế đều áp dụng được cho mỗi người trong các bạn.

Tôi hy vọng rằng những ai trong các bạn muốn trở thành những nhà lãnh đạo xã hội thực sự đều sẽ trạng bị cho mình những gì tôi đã vạch ra cho các bạn: những năng lực lãnh đạo năng động, ý thức rõ ràng về bổn phận và hy sinh, và quyết tâm sống một cuộc sống thành công.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.