Thế Giới Quả Là Rộng Lớn Và Có Rất Nhiều Việc Phải Làm

[33]. Lợi lộc và thành tích



Tôi xin được trình bày về những gì tạo ra cuộc sống sung sướng.

Ngày nay, ở Hàn Quốc rất thịnh hành câu hỏi đại loại như cuộc sống có ổn không. Theo nhận thức của tôi thì trong xã hội Hàn Quốc đương đại, tiêu chuẩn quyết định xem liệu một người sống có sung sướng hay không chỉ dựa vào tài sản. Tôi vô cùng thất vọng khi thấy rằng chuẩn mực xã hội đối với việc sống sung sướng chỉ dựa trên chủ nghĩa vật chất.

Dĩ nhiên, con người cần sống sung sướng về mặt vật chất, nhưng theo như tôi nghĩ, tích luỹ tài sản không thôi không làm nên cuộc sống sung sướng. Giàu có không nhất thiết đồng nghĩa với một cuộc sống sung sướng. Có một câu trả lời rất dễ cho lý do tại sao tôi lại nghĩ như vậy: Chất lượng của sự giàu sang quan trọng hơn số lượng, và thành quả quan trọng hơn lợi ích vật chất.

Có những doanh nhân điều hành doanh nghiệp chỉ để tích lũy tài sản cho bản thân mình, và đó là động cơ duy nhất của họ. Kết quả là, họ luôn lo lắng về giá trị của mình. Mặt khác, có những doanh nhân kinh doanh để hoàn thành công việc và chỉ hoàn thành công việc mà thôi, họ sống vì niềm vui và tình yêu từ quá trình hoàn thành công việc. Các bạn không thể phủ nhận rằng mục đích của kinh doanh là kiếm ra tiền, nhưng tôi cảm thấy một công ty tồn tại không phải chỉ vì lợi nhuận.

Có những công ty tồn tại vì lợi nhuận và những công ty tồn tại vì thành tích, cũng có những cá nhân tồn tại vì lợi ích vật chất và có những cá nhân tồn tại vì thành quả. Ai trong số hai nhóm người này thật sự sống sung sướng hơn? Tôi có thể nói thẳng với các bạn một điều: Những người sống bám lấy tài sản của riêng mình sẽ chẳng bao giờ thấy hài lòng bởi vì họ có lòng tham không đáy. Loại lòng tham đó có thể khiến một người giàu có với 99 thứ giết chết những người chỉ có đúng một thứ chỉ để anh ta có đủ 100.

Tôi cũng dễ dàng nói rằng một số người chỉ sống vì sự giàu có của bản thân chẳng bao giờ có thể biết được niềm vui thật sự của cuộc sống bởi vì bản chất của lòng tham vật chất là không hề có giới hạn. Lấy ví dụ một người làm việc chăm chỉ một thời gian dài và cuối cùng mua được một căn nhà. Với việc mua căn nhà đó, anh ta trở nên giàu có hơn và thấy hạnh phúc một thời gian. Nhưng sau đó, anh ta bắt đầu thấy rằng có những căn nhà to hơn và đẹp hơn ở quanh mình, và bản chất lòng tham vật chất của con người là người đàn ông đó sẽ muốn một căn nhà to hơn và tốt hơn. Lòng tham là vô tận, và người đàn ông ấy sẽ chẳng bao giờ thấy hạnh phúc chừng nào anh ta còn loanh quanh với chuyện chiếm hữu. Một cuộc sống chỉ toàn bất mãn và tham lam thì không bao giờ có niềm vui. Tôi thật sự tin rằng mục đích của cuộc sống không thể tìm thấy trong việc tích lũy tài sản.

Khoe khoang số lượng tài sản các bạn có là việc làm hết sức ngu ngốc, bởi vì điều đó có nghĩa là các bạn chẳng có gì khác để khoe. Nếu có gì đó đáng tự hào về tài sản thì đó phải là chất lượng của những tài sản ấy và cách các bạn sử dụng chúng, chứ không phải số lượng. Một người tích cóp cả đống tài sản những lại không biết cách sử dụng nó cho người khác thì vẫn là người nghèo, chứ không hề giàu có. Người có ít hơn nhưng biết cách sử dụng vì lợi ích của người khác mới là người giàu có thật sự. Cho nên tôi cảm thấy rằng một người thật sự giàu có hay không tùy thuộc vào việc người ấy sử dụng những gì mình có như thế nào.

Tiến xa thêm một bước nữa, các bạn đừng bao giờ coi tiền bạc hay tài sản của mình là của riêng mình. Nghĩ như vậy sẽ làm nảy sinh lòng tham cá nhân muốn được giàu có hơn nữa, một thứ tham lam không những không hề biết đến thỏa mãn mà cuối cùng còn dẫn tới hành vi vô đạo đức.

Thiên Chúa giáo có nói về “ý thức quản lý,” rằng bất kỳ điều gì các bạn có trong cuộc đời này không phải là của bạn mà là thứ bạn được giao cho. Điều này kèm theo nó trách nhiệm chăm chút cho những gì bạn có và sử dụng nó một cách thích hợp vì người khác. Tôi rất thích cái ý thức quản lý này.

Con người vốn rất hạn chế ở chỗ, thậm chí nếu tất cả nhân loại chết đi thì vũ trụ này vẫn tiếp tục tồn tại mãi mãi. Và những gì các bạn trân trọng, coi là của mình mãi mãi sẽ lại thuộc về ai đó khác sau khi các bạn chết. Cho nên các bạn cần khiêm nhường trước những quy luật tuyệt đối của tự nhiên.

Nói một cách khác, tài sản là sự khởi đầu của khổ ải và sầu não. Đó là lý do vì sao Phật giáo nhấn mạnh đến vô luyến và vô sản như là cách để có được tự do thật sự.

Mặc dù tôi là lãnh đạo một tập đoàn lớn, nhưng tôi không hề quan tâm đến tài sản. Những người nghĩ rằng một doanh nhân điều hành một tập đoàn xuất phát từ lòng tham đối với tài sản sẽ chẳng bao giờ có thể hiểu được niềm vui thuần túy của việc hoàn thành mục tiêu tạo dựng thành công một doanh nghiệp lớn hoặc kinh doanh quy mô lớn. Họ sẽ coi tôi, người có suy nghĩ rằng một ngày 24 tiếng là quá ngắn ngủi, như một kẻ ngu ngốc nếu như tôi không hề làm tất cả những việc này vì sự giàu có của riêng mình.

Nhưng trên thực tế, tôi không làm việc như một thằng điên chỉ để kiếm vài xu quèn. Tôi là kẻ ham công tiếc việc để có được niềm vui thuần túy của việc hoàn thành mục tiêu. Sự giàu có và tài sản có thể chẳng bao giờ so sánh được với niềm vui hoàn thành mục tiêu gắn với việc điều hành một tập đoàn. Những gì thúc đẩy tôi làm việc chăm chỉ hơn nữa chính là những điều như niềm vui làm được những gì mà mọi người đều nói là không thể và niềm vui giành được một hợp đồng với một sản phẩm tốt hơn trên thị trường quốc tế. Những thứ này đem lại ý nghĩa cho cuộc sống của tôi và là nguồn sức mạnh đằng sau nỗ lực làm việc không ngừng nghỉ của tôi.

Cho dù các bạn có bao nhiêu tiền thì các bạn cũng không thể sở hữu mọi thứ – có những giới hạn đối với tài sản. Cho nên tôi không muốn được ghi nhớ như một người kiếm tiền. Với tôi, điều đó là một sự sỉ nhục hơn là một lời khen tặng. Điều đó có nghĩa là chẳng còn gì khác đáng nói về tôi với tư cách một con người. Tôi muốn được ghi nhớ như một người hoàn thành nhiệm vụ.

Bởi vì tôi tin rằng thành tích mới là vĩnh cửu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.