Hàn Phi Tử
QUYỂN II – Thiên VI: Có phép tắc (Hữu độ)
1. Không có nước nào luôn luôn mạnh, cũng không có nước nào luôn luôn yếu. Hễ những người thi hành pháp luật mà mạnh thì nước mạnh, còn hễ những người thi hành pháp luật mà yếu thì nước yếu.
2. Vua Trang Vương nước Kinh thôn tính hai mươi sáu nước, mở rộng đất đai ba ngàn dặm. Nhưng vua Trang Vương vừa mới rời bỏ xã tắc thì nước Kinh suy vong. Hoàn Công nước Tề thôn tính ba mươi nước, mở rộng đất đai ba ngàn dặm, nhưng Hoàn Công vừa rời bỏ xã tắc thì nước Tề suy vong. Tương Vương nước Yên lấy sông Hoàng Hà làm biên giới, lấy thành Kế làm kinh đô, đánh úp đất Trác và đất Phương Thành, tàn phá nước Tề, bình định nước Trung Sơn, nước nào theo nước Yên thì được trọng, không theo nước Yên thì bị coi thường. Thế nhưng Tương Vương vừa mới rời bỏ xã tắc thì nước Yên suy vong.
An Ly Vương nước Nguỵ đánh nước Triệu cứu nước Yên, thu phần đất phía đông sông Hoàng Hà, đánh chiếm hết đất nước Đào, nước Vệ rồi đem quân sang nước Tề, lấy thành Bình Lục làm kinh đô riêng của mình. Lại đánh nước Hàn, lấy nước Quản, chiến thắng ở ba sông Kỳ, ở Thư Dương, làm cho quân Kinh bỏ chạy, trong trận đánh ở Thái và ở Thiệu Lăng phá tan quân nước Kinh. Quân đội bốn lần bày ra trong thiên hạ, uy thế thi hành ở tất cả các nước mang đai đội mũ. Nhưng An Ly Vương chết thì nước Nguỵ suy vong. Cho nên có Kinh Trang Vương, Tề Hoàn Công thì nước Kinh, nước Tề có thể làm bá, có Yên Tương Vương, Nguỵ An Ly Vương thì nước Yên, nước Nguỵ có thế mạnh lên. Ngày nay đó đều là những nước suy vong bởi vì bọn bầy tôi, quan lại đều lo theo cái gây nên loạn chứ không lo theo cái gây nên trị. Nước họ đã loạn đã yếu mà họ còn bỏ phép nước lo lợi riêng của mình. Như vậy là vác củi để cứu hoả, nước còn loạn và yếu thêm nữa.
3. Vì vậy vào thời nay, nếu có ông vua biết bỏ được điều riêng tư, cong queo, mà theo phép công thì dân sẽ được yên mà nước sẽ được trị. Nếu có ông vua bỏ được điều riêng tư, thi hành phép công thì quân đội mạnh mà kẻ địch yếu. Nhờ vậy ông vua biết rõ việc nên, việc không nên, có sự quy định theo phép tắc. Lấy phép tắc để thi hành với bầy tôi, thì người ta không thể dùng lời dối trá để lừa nhà vua. Nhà vua xét kỹ việc nên chăng, cầm cân nảy mực để cân nhắc, để nghe những việc ở xa thi người ta không thể. Nhà vua xét kỹ việc nên chăng, lấy việc trong thiên hạ để lừa nhà vua.
Nay nếu căn cứ vào danh tiếng để tiến cử người có tài thì bầy tôi thế nào cũng rời khỏi bề trên và người ở dưới lập bè phái. Nếu dựa vào phe đảng mà được làm quan thì dân lo chơi bời với nhau mà không mong được dùng theo đúng phép tắc.
Cho nên các quan làm việc không có năng lực thì nước loạn. Nếu nhờ được khen mà được thưởng, bị chê bai mà bị phạt thì những người ham thưởng sợ phạt sẽ bỏ phép công, thi hành cái thuật riêng tư, kết bè với nhau để làm bậy. Người dưới quên chủ, giao du với nước ngoài để tiến cử người cùng bè với mình, như thế là họ ít lo cho bề trên vậy. Khi họ đã giao du với nhiều người, bè đảng đông, trong ngoài bè đảng với họ thì dù họ có phạm tội nặng cũng có nhiều người che đậy cho họ.
Kết quả, bậc trung thần có cái nguy là không có tội mà chết. Kẻ gian thần có cái yên là không có công mà hưởng lợi. Khi bậc tôi trung bị cái nguy không có tội mà chết thì những bầy tôi giỏi rút lui. Kẻ tôi gian tà có cái yên không có công mà hưởng lợi thì bọn gian thần tiến lên. Đó là cái gốc của sự mất nước.
Như vậy thì bầy tôi bỏ pháp luật, thi hành việc riêng, coi nhẹ phép công. Khi phần lớn đến cửa những kẻ có thể giúp đỡ mình, thì không ai đến triều đình nhà vua. Trăm điều lo nghĩ đều nhằm làm lợi cho nhà riêng, không có điều lo nghĩ nào tính đến cái nước của nhà vua. Thuộc hạ nhà vua tuy đông nhưng không phải để đảm nhiệm việc nước. Như vậy thì ông vua tuy có được cái tiếng là vua nhưng thực ra là dựa vào các nhà riêng của bầy tôi.
Cho nên thần nói: “Triều đình của một nước sắp mất không có người”. Triều đình không có người không phải là triều đình vắng người. Đó là vì họ lo vun đắp cho nhau trong việc riêng mà không lo vun đắp cho nước. Các quan đại thần lo đề cao lẫn nhau mà không lo đề cao nhà vua. Các quan nhỏ lo lấy bổng lộc để giao du với nhau cho thân thiết mà không lo đến việc công. Sở dĩ có tình hình như vậy là vì nhà vua ở trên không dựa theo pháp luật mà quyết định; trái lại tin những điều người dưới làm.
Cho nên bậc vua sáng khiến pháp luật chọn người chứ không tự mình tiến cử; khiến pháp luật đo lường công lao, chứ không tự mình tính toán. Kẻ có tài năng không thể bị che đậy; kẻ kém không thể tô vẽ; kẻ được khen không thể tiến chức; kẻ bị chê không bị đẩy lui. Như thế giữa vua với tôi phân biệt rõ ràng và nước dễ cai trị. Chỉ cần nhà vua theo pháp luật là có thể làm được thế.
4. Người hiền khi đã làm bầy tôi người ta thì quay mặt về hướng bắc mà thi hành chức vụ không có hai lòng. Ở triều đình không dám từ chối việc hèn kém, khi ở quân đội không dám từ chối việc khó, thuận theo việc làm của cấp trên, nghe theo phép của vua, hư tâm để đợi mệnh lệnh, chứ không bàn chuyện phải trái. Vì vậy, tuy có miệng nhưng không nói việc riêng, tuy có mắt nhưng không nhìn việc riêng, tất cả đều do bề trên sai khiến.
Kẻ làm bầy tôi cũng giống như cái tay, trên thì che đầu, dưới thì che thân, ấm mát, nóng lạnh không thể không cứu, dẫu có gươm Mạc Tà ở bên cạnh cũng không dám không bắt lấy. Những bầy tôi khôn ngoan sáng suốt không lo việc riêng. Những kẻ sĩ có tài năng không lo việc riêng. Kết quả, dân không giao du với người ngoài làng, không kết thân với người ở xa trăm dặm. Kẻ sang người hèn không vượt quyền nhau. Kẻ ngu người khôn giữ thế cân bằng mà đứng. Đó là mức cao nhất của việc trị an.
Nói chung, những kẻ coi khinh tước lộc, coi nhẹ việc ra đi, bỏ trốn để tìm ông vua của mình, thần không gọi là liêm. Những kẻ bịa đặt lý thuyết làm trái pháp luật, ra sức can gián trái ý nhà vua, thần không gọi là trung. Những kẻ thi hành ân huệ phân phát cái lợi để thu phục người dưới và nổi tiếng, thần không gọi là nhân. Những kẻ rời thế tục đi ở ẩn để chê bai người trên, thần không gọi là nghĩa.
Những kẻ bên ngoài đi sứ các nước chư hầu, bên trong làm cho nước mình hao mòn, họ rình lúc nước nguy hiểm để làm cho nhà vua sợ. Họ nói: “Việc giao hiếu với nước ngoài nếu không có tôi thì không thể thân với nước ngoài được, sự oán ghét nếu không có tôi thì không thể bỏ oán được”. Thế rồi nhà vua tin họ, đem cả nước để nghe theo. Họ hạ thấp cái danh của nhà vua để làm cho thân mình được vinh hiển, phá huỷ sự giàu có của nước để làm lợi cho nhà mình. Thần không gọi những người đó là khôn. Những việc làm như thế những đời nguy hiểm thường thích, nhưng phép tắc của các tiên vương bị coi thường.
Phép tắc của tiên vương nói: “Bầy tôi không được ra uy, không được mưu lợi, mà phải theo ý nhà vua. Không được làm điều ác mà phải theo đường lối của nhà vua. Dân ngày xưa đời đời trị an, tôn trọng phép công, bỏ thuật riêng, chuyên tâm vào một việc cốt để chờ nhiệm vụ được trao”.
5. Phàm làm vua mà thân hành xem xét trăm quan thì thời gian không có đủ và sức không làm nổi. Vả lại, nếu bề trên dùng mắt thì kẻ dưới tô vẽ dung mạo. Bề trên dùng tai, thì kẻ dưới tô vẽ âm thanh. Bề trên dùng sự suy nghĩ, thì kẻ dưới nói năng rườm rà. Các bậc tiên vương cho cả ba cái kia đều không đủ, cho nên bỏ tài năng của mình mà dựa vào pháp luật, xét kỹ việc thường phạt.
Các bậc tiên vương cốt nắm lấy cái chủ yếu cho nên pháp luật giản dị mà không bị xâm phạm. Một mình khống chế cả trong bốn biển, những kẻ khôn khéo không thể trổ cái gian dối của họ. Những kẻ hiểm trá không thể đưa cái nịnh hót ra. Bọn gian tà không có nơi dựa. Kẻ ở xa ngoài ngàn dặm không dám dối lời. Kẻ có cái thế ở gần làm lang trung không dám che cái hay, tô vẽ cái sai. Các quan ở dưới triều đình đều không dám vượt quyền nhau. Nhờ thế công việc cai trị không mất thì giờ mà ngày rỗi rãi. Đó là vì ở trên dùng cái thế của mình cho nên được như vậy.
6. Phàm bầy tôi xâm lấn nhà vua cũng như hình thể đất đai, một ngày lấn một chút mà làm cho nhà vua mất đầu mối, đông tây đổi hướng mà không tự biết. Vì vậy bậc tiên vương lập kim chỉ nam để biết rõ hướng mặt trời mọc và lặn. Cho nên bậc vua sáng khiến bầy tôi không chú ý đến những cái ở ngoài pháp luật, không làm ân huệ ở trong vòng pháp luật, không làm điều trái pháp luật.
Pháp luật là cái để ngăn cấm việc riêng tư sai lầm vượt ra ngoài pháp luật. Hình phạt nghiêm là để cho lệnh được thi hành và trừng trị cấp dưới. Cái uy không thể cho mượn. Cái quyền không thể cùng chung với người khác. Nếu uy quyền chung với người khác thì bọn gian tà nhan nhản. Pháp luật không chắc chắn thì nhà vua bị nguy, hình phạt không quyết đoán thì không thắng được kẻ gian.
Cho nên có câu: “Người thợ khéo tuy dùng ý và mắt cũng đúng dây mực, nhưng trước đó phải lấy cái quy cái củ để đo[9]. Kẻ thượng trí tuy làm việc đúng ngay, nhưng trước đó phải lấy phép tắc tiên vương làm chuẩn”. Cho nên nhờ dây dọi thẳng mà cây cong bị đẽo. Nhờ cái mực nước bằng mà chỗ cao, chỗ nghiêng bị gọt. Nhờ treo cái cân lên mà bớt được cái nặng, thêm được vào cái nhẹ. Nhờ xác lập cái đấu, cái thạch mà bớt được cái nhiều, thêm được cái ít. Cho nên lấy pháp luật trị nước chỉ cốt theo pháp luật mà làm hay ngăn cấm mà thôi.
Pháp luật không hùa theo người sang. Sợi dây dọi không uốn mình theo cây gỗ cong. Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn cũng không thể từ, kẻ dũng cũng không dám tranh. Trừng trị cái sai không tránh kẻ đại thần, thưởng cái đúng không bỏ sót kẻ thất phu. Cho nên điều sửa chữa được sự sai lầm của người trên, trị được cái gian của kẻ dưới, trừ được loạn, sửa được điều sai, thống nhất đường lối của dân không gì bằng pháp luật.
Điều dùng để răn đe các quan, ra uy với dân, khiến sự dâm dật phải lui, điều dối trá bị chặn, không gì bằng hình phạt. Hình phạt nặng thì không ai dám lấy sang khinh hèn. Pháp luật rõ ràng thì người trên được tôn trọng mà không bị xâm lấn. Người trên được tôn trọng mà không bị xâm lấn thì vua mạnh và nắm được cái chủ yếu. Vì vậy các bậc tiên vương quý nó và truyền nó lại. Kẻ làm vua nếu bỏ pháp luật mà làm theo ý riêng thì trên dưới không phân biệt.
Chú thích:
[9] Cái quy là cái compa, cái củ là cái êke.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.