Hàn Phi Tử

Thiên XII: Cái khó trong việc du thuyết (Thuyết nan)



1. Cái khó trong việc du thuyết không phải là ở chỗ biết những điều cần phải đưa ra nói. Cũng không phải ở chỗ mình không biết biện luận. Cũng không phải ở chỗ mình không trình bày được rõ ràng những ý nghĩ của mình. Càng không phải ở chỗ không dám nói ngang nói dọc cho hết cái ý của mình. Nói chung, cái khó trong việc du thuyết là làm thế nào biết được cái bụng của con người mình muốn thuyết phục để dùng cái thuật của mình mà đối phó.

Nếu con người mình muốn thuyết phục chỉ nghĩ đến cái danh cho cao mà mình lại đem cái lợi lớn ra thuyết với họ thì họ sẽ cho mình là bọn hèn hạ, và đối xử với mình một cách thấp hèn rồi thế nào họ cũng sẽ vứt bỏ mình thật xa.
Nếu con người mình muốn thuyết phục chi nghĩ đến cái lợi cho lớn, mà mình lại đem cái danh cao ra thuyết với họ thì họ sẽ cho ta không chú ý đến thế sự, nói chuyện viển vông rồi thế nào cũng không dùng mình.
Nếu con người mình muốn du thuyết trong bụng nghĩ đến cái lợi cho lớn nhưng bên ngoài làm ra vẻ muốn cái danh cho cao mà ta đem chuyện danh cao ra thuyết thì bên ngoài họ sẽ làm ra vẻ muốn dung nạp cái thân ta, nhưng thực ra thì bỏ rơi ta. Nhưng nếu ta đem cái lợi lớn ra thuyết với họ, thì trong bụng họ dùng lời nói của ta, nhưng bên ngoài họ sẽ vứt bỏ cái thân của ta. Đó là những điều không biết không được.
Phàm việc làm mà thành là do chỗ bí mật; lời nói mà thất bại là do chỗ bị tiết lộ. Bản thân mình chưa chắc đã tiết lộ ra, nhưng chí cần nói đến cái mà người ta che giấu thì đã nguy đến thân roi. Nhà vua có điều sai, mà người du thuyết lại dùng những lời sáng rõ, dùng cái nghĩa lý hay để suy luận ra cái sai của nhà vua thì nguy đến thân.
Nếu ta chưa được ân huệ nhà vua tưới đến mà lại đem hết những điều ta biết ra nói thì hoặc là cái thuyết của ta sẽ được đem ra dùng, đem đến kết quả, nhưng ta chẳng được ân đức; hoặc là cái thuyết của ta không được dùng, xẩy ra thất bại, thế là ta bị nghi ngờ. Như thế thì nguy đến thân. Người sang có điều sai mà người du thuyết lại nói rõ lễ nghĩa để nêu cái xấu của họ thì thân nguy. Nếu người sang nắm được cái kế của ta, nhưng muốn xem nó là công lao của mình mà người du thuyết lại muốn cùng biết thì nguy đến thân. Nếu mình cưỡng ép nhà vua làm những điều mà nhà vua không muốn làm, bắt nhà vua bỏ những điều nhà vua nhất định không bỏ thì nguy đến thân.
Cho nên nói: Nếu như ta đem những người tôn quý trong triều đình ra bàn luận với nhà vua thì nhà vua sẽ cho là ly gián. Nếu như ta đem những người thấp hèn ra nói với nhà vua thì nhà vua sẽ cho ta muốn bán quyền. Nếu ta bàn về cái nhà vua thích thì nhà vua sẽ cho là ta nhờ vả. Nếu ta bàn về những kẻ ông ta ghét thì ông ta sẽ cho ta muốn thử ông ta. Nếu ta nói tóm tắt ít lời thì nhà vua sẽ cho là ta không có kiến thức gì nên coi khinh. Nếu ta nói mênh mông, thì nhà vua cho ta lắm lời và không thành thực. Nếu ta trình bày ý kiến giản lược thì nhà vua bảo ta nhút nhát mà không nói hết lời, nếu ta suy nghĩ sự việc trình bày rộng rãi thì nhà vua bảo ta quê mùa và khinh mạn. Những cái khó này của việc du thuyết không thể không biết đến.
3. Nói chung, mục đích của việc du thuyết là phải biết tô điểm cái điều nhà vua khoe khoang và tiêu diệt cái nhà vua lấy làm xấu hổ. Nhà vua có chuyện riêng gấp thì mình phải nêu lên cái nghĩa chung để khuyến khích. Ý nhà vua ở chỗ thấp mà không thể bỏ được thì người du thuyết phải dựa vào đấy mà tô điểm cái hay của nó và giảm bớt cái không hay. Bụng nhà vua ở chỗ cao, nhưng thực ra không thể đạt được thì người du thuyết nêu cái sai giúp ông ta, chỉ cái xấu và khen điều nhà vua không làm.
Nhà vua muốn khoe cái khôn ngoan cái giỏi của mình thì ta giúp ông ta đưa ra những chuyện lạ cùng một loại để ông ta biết rộng hơn, khiến ông ta biết rộng là nhờ mình nhưng lại giả vờ làm như không biết rằng ông ta nhờ mình mà khôn. Nếu mình muốn một người cùng tồn tại với mình thì thế nào cũng phải lấy cái danh tiếng tốt để nêu cao anh ta; đồng thời kín đáo làm cho nhà vua thấy rằng điều đó là hợp với lợi riêng. Nếu như muốn trình bày những chuyên nguy hại thì nêu rõ những lời chê bai về việc ấy, đồng thời kín đáo cho thây ràng việc ấy cũng phù hợp với mối lo riêng của nhà vua. Khen một người khác đã có việc làm y như việc làm của nhà vua, bàn mưu những việc khác cùng theo một kế như thế.
Có người khác cùng khuyết điểm như nhà vua thì tô điểm cho chỗ không sai sót của người ấy. Có người cùng có chỗ dở như nhà vua thì thế nào cũng ra sức tô vẽ cho chỗ không sơ suất của anh ta. Nhà vua tự khoe cái sức của mình thì ta đừng đem những khó khăn ra để cản trở. Nhà vua tự cho là quyết đoán dũng mãnh thì mình đừng đem những chuyện sai lầm của nhà vua ra nói làm cho nhà vua giận. Nhà vua tự cho cái kế của mình là khôn thì ta đừng có lấy chuyện thất bại ra làm cho nhà vua khó chịu.
Nếu ý của mình không đụng chạm đến ai, nếu lời của mình không ràng buộc ai thì sau đó mình mới có thể trổ hết cái tài biện luận khôn ngoan của mình. Theo lối này thì những người gần gũi không ngờ vực và có thể nói hết lời.
4. Y Doãn làm đầu bếp, Bách Lý Hề làm tù nhân mà đều có thế gần người trên của mình. Hai người này đều là những bậc thánh nhân, nhưng đều không thể làm nhục thân mình để tiến, như thế là họ bị xấu xa.
Nay nếu vì lời nói của ta, ta phải làm đầu bếp, làm tù nhân nhưng lại có thể cứu đời được thì đó không phải là điều những kẻ sĩ có năng lực lấy làm xấu hổ. Phàm khi đã được lâu ngày, ân trạch đã nhiều, bàn kế sâu mà không bị nghi, đưa ra lời can ngăn mà không bị tội, thì có thể nói rõ điều lợi điều hại để lập cái công của mình, nói thẳng điều phải điều trái để tô vẽ thân mình. Vua tôi giúp nhau như thế thì việc du thuyết thành công vậy.
5. Ngày xưa Trịnh Vũ Công muốn đánh người Hồ cho nên trước đấy gả con gái làm vợ vua Hổ để cho bụng vua Hồ vui. Nhân đấy bèn hỏi quần thần: “Ta muốn dùng binh, có thể đánh ai trước?”. Quan đại phu Quan Ky Tư nói: “Có thể đánh Hồ “. Vũ Công nổi giận giết Quan Ky Tư, nói: “Hồ là nước anh em của ta, tại sao nhà ngươi lại nói nên đánh?”. Vua nước Hồ nghe tin ấy, cho nước Trịnh là chỗ thân thiết với mình nên không phòng bị. Nước Trịnh đánh úp và lấy nước Hồ.
Nước Tống có người nhà giàu. Trời mưa, tường bị sập. Người con nói: “Nếu không xây tường lại thì thế nào cũng sẽ bị ăn trộm”. Cha người láng giềng cũng nói như vậy. Tối đến, quả nhiên mất của cải. Trong nhà đều cho rằng người con khôn ngoan; nhưng lại nghi ngờ người cha của người láng giềng. Cả hai người đều nói đúng. Nhưng nặng thì bị giết, nhẹ thì bị nghi. Như thế đủ biết cái khó không phải ở chỗ biết, cái khó là ở chỗ dùng cái biết của mình. Cho nên Nhiễu Triều lời nói thì đúng, nhưng nước Tấn cho ông ta là thánh nhân, mà nước Tần giết ông ta[13]. Điều đó không thể không xét đến.
Ngày xưa Di Tử Hà được vua nước Vệ yêu. Theo pháp luật nước Vệ, ai tự tiện đi xe nhà vua thì bị tội chặt chân. Được ít lâu, mẹ Di Tử Hà mắc bệnh, Di Tử Hà trái lệnh, đi ra bằng xe của nhà vua. Nhà vua nghe tin cho là người hiền nói: “Thực là người có hiếu. Vì mẹ mà phạm tội chặt chân”. Di Tử Hà đi chơi với nhà vua trong vườn quả. Di Tử Hà ăn quả đào thấy ngon, không ăn hết, dâng nhà vua. Nhà vua nói: “Anh ta thương quả nhân quá! Anh ta quên cái ngon trong miệng; để dâng cho quả nhân ăn.
Đến khi Di Tử Hà nhan sắc suy, không còn được nhà vua yêu. Nhà vua bảo: “Hắn đã có lần tự tiện đi xe ngựa của ta, lại có lần bắt ta ăn quả đào thừa của nó”. Cho nên việc làm của Di Tử Hà không khác, nhưng lần trước được khen là hiền, lần sau lại phạm tội. Đó là vì lòng yêu ghét khác nhau.
6. Cho nên được nhà vua yêu thì cái khôn của mình càng làm cho mình được thân, khi bị nhà vua ghét thì cái khôn của mình đã không được dùng mà mình càng bị sơ. Cho nên kẻ sĩ đi du thuyết không thể không xét đến chỗ nhà vua yêu ghét cái gì rồi sau đó mới thuyết phục.
Rồng là một con vật có thể đùa bỡn, thậm chí có thể cưỡi. Nhưng ở dưới cái cổ của nó có cái vảy ngược. Ai động đến thì nó giết ngay. Kẻ du thuyết mà không sa phải cái vẩy ngược của các nhà vua thì mới có thể xem là giỏi vậy.

Chú thích:

13] Nhiều Triều bảo Sĩ Hội nước Tấn: “Ông đừng nói nước Tần không có người. Vì mưu của ta không được dùng thôi”. Người Tấn cho ông ta là thánh nhưng vì câu ấy người Tấn giết ông ta. Câu này không có trong Hàn Phi liệt truyện của Sử ký.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.