Hàn Phi Tử

QUYỂN XVI – Thiên XXXVIII: Chất vấn, phần thứ ba (Nạn tam)



1. Lỗ Mục Công hỏi Tử Tư: “Ta nghe nói con của họ Bàng Gian bất hiếu. Tính hạnh của nó ra sao?”. Tử Tư đáp: “Người quân tử tôn trọng người hiền để đề cao đức, nêu cao việc thiện để khuyến khích dân. Còn những hành vi sai sót, thì đó là điều những người hèn biết chứ thần không biết”. Tử Tư đi ra, Tử Phục Lộ Bá vào yết kiến. Nhà vua hỏi chuyện người con của họ Bàng Gian. Tử Phục Lộ Bá nói: “Anh ta có ba cái lỗi. Đó đều là những điều nhà vua chưa từng nghe đến”. Từ đó về sau nhà vua trọng Tử Tư mà coi thường Tử Phục Lệ Bá.
Có người nói: Công thất nước Lỗ ba đời bị họ Quý lấn át, thế là phải lắm! Bậc vua sáng tìm người giỏi để thưởng, tìm người gian để phạt. Hai điều đó đều đúng như nhau. Cho nên kẻ nói người hay với nhà vua là để cùng nhà vua yêu người giỏi, kẻ nói người dở với nhà vua là để cùng nhà vua ghét cái dở. Cả hai đều nên được khen thưởng về chỗ đã có công sức. Không cho nhà vua biết kẻ gian đó là mình khác người trên mà bè đảng với nhau làm việc gian vậy. Nen chê bai trừng trị loại người như thế.
Nay Tử Tư không cho nhà vua biết việc sai lầm, mà Mục Công lại quý trọng ông ta, Lệ Bá cho ông ta biết điều sai lầm mà Mục Công lại coi khinh ông ta. Tính người ai cũng thích sang và ghét hèn, cho nên cái loạn của họ Quý xẩy ra mà ở trên không nghe, đó là điều khiến cho vua nước Lỗ bị uy hiếp vậy. Đó là cái tục quên mất chủ. Dân nước Trâu, nước Lỗ cho đó là hay mà Mục Công riêng mình lại quý, chẳng phải là đảo ngược sao?
2. Văn Công trốn ra nước ngoài, Tấn Hiến Công sai viên hoạn quan là Phí tấn công ông ở Bồ Thành. Phí chém vạt áo của Tấn Văn Công. Tấn Văn Công chạy trốn sang nước Địch, Huệ Công lên ngôi lại sai Phí giết Văn Công ở bến sông Vị nhưng không giết được. Đến khi Văn Công trở về nước, Phí yêu cầu yết kiến.
Văn Công nói: “Chuyện tấn công ở Bồ Thành nhà vua cho nhà ngươi nghỉ một đêm mà nhà ngươi lại đến ngay. Cái nạn ở bến sông Vị nhà vua cho nhà ngươi nghỉ ba đêm, mà một đêm nhà ngươi đã đến. Sao mà nhanh lắm thế!”. Phí đáp: “Tôi chỉ nghe lệnh nhà vua mà thôi, việc trừ kẻ nhà vua ghét tôi chỉ sợ làm không được. Tôi có kể gì đến người đất Bổ, đất Địch đâu? Nay bệ hạ lên ngôi, đâu phải không có chuyện Bồ Thành, nước Địch? Vả lại. Hoàn Công bỏ qua việc Quản Trọng bắn vào móc dây đai của mình mà cho Quản Trọng làm tướng quốc”. Nhà vua bèn cho yết kiến.
Có người nói: Nước Tề nước Tấn không được cúng tế chẳng phải đúng sao?[63] Hoàn Công có thể dùng Quản Trọng mà quên cái oán bị bắn vào cái móc dây đai. Tấn Văn Công có thể nghe viên hoạn quan mà bỏ cái tội chém tà áo. Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công có thể dung nạp được hai người. Các vị vua đời sau sáng suốt không bằng hai người này, các bầy tôi đời sau tài giỏi không bằng hai bầy tôi kia. Lấy bầy tôi bất trung mà thờ ông vua không sáng suốt. Nhà vua không biết thì có bọn giặc như Công Tôn Tháo nước Yên, Tử Hãn, Điền Thường, nhà vua mà biết điều đó thì họ lấy chuyện Quản Trọng và viên hoạn quan họ Phí để khỏi tội. Nhà vua nhất định không giết họ mà tự cho mình có cái đức của Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công. Như vậy nếu cái sáng của nhà vua không thấy được lòng thù địch của bầy tôi mà giao cho họ nhiều quyền; tự cho mình là hiền mà không đề phòng thì tuy không được thờ cúng cũng là phải mà thôi!
Vả lại, lời nói của viên hoạn quan là tô vẽ mà thôi. Không trái với lệnh nhà vua như thế là trung với vua. Chi khi nào ông vua chết sống lại mà bầy tôi vẫn không thẹn thì mới là trung. Nay Huệ Công buổi sáng chết, mà buổi chiều đã thờ Văn Công, viên hoạn quan có gì là trung đâu?
3. Có người nêu lên cho Tề Hoàn Công một câu bóng gió: “Khó nhất, khó nhì, khó ba là cái gì?”. Hoàn Công không trả lời được. Hỏi Quản Trọng, Quản Trọng đáp: “Khó thứ nhất là gần các con hát mà xa các kẻ sĩ. Khó thứ hai là rời khỏi nước mình mà hay đi chơi ngoài biển, khó thứ ba là nhà vua già nhưng muộn đặt thái tử”. Hoàn Công nói: “Phải đấy!”. Không đợi chọn ngày làm lễ lập thái tử ở tôn miếu.
Có người nói: Quản Trọng trả lời câu nói bóng gió không đúng. Việc dùng kẻ sĩ không phải ở chỗ xa hay gần, còn bọn hề, kép hát thì cố nhiên là nhà vua ăn uống với họ, như vậy thì nhà vua dù có gần bọn con hát mà xa kẻ sĩ mà vẫn trị được nước, điều đó không phải là cái khó.
Phàm mình ở chỗ có thế mà không biết dùng cái mình vẫn có, lại thắc mắc về chỗ không rời khỏi nước, như vậy là lấy sức của một người để cấm một nước. Lấy sức của một người để cấm một nước thì ít có người làm được. Nếu sự sáng suốt có thể nhìn thấy cái gian ở xa và thấy được cái giấu giếm kín đáo, ra lệnh là nhất định thi hành, thì dù có đi chơi xa ngoài biển, trong nước cũng không có biến. Như vậy thì rời khỏi nước chơi ngoài biển mà vẫn không bị hiếp, không bị giết, đó không phải là điều khó.
Sở Thành Vương cho Thương Thần làm thái tử, lại muốn đặt công tử Chức. Thương Thần làm loạn, kết quả giết Thành Vương. Công tử Tề là thái tử nhà Chu. Công tử Càn được sủng ái, bèn lấy đất Đông Chu làm phản, chia ra thành hai nước. Đó đều không phải là mối lo do việc đặt thái tử muộn. Phàm không chia cái thế và cái thân phận ra làm hai, các con thì ở địa vị thấp, những người được yêu không mượn được quyền lực, không cho các đại thần quyết định, thì dù có lập thái tử muộn cũng được. Như vậy lập thái tử muộn, những người con thì vẫn không làm loạn. Đó cũng không phải là điều khó.
Cái gọi là khó là: Cho người ta mượn cái thanh thế của mình mà khiến cho người ta không xâm phạm mình, điều đó có thể xem là cái khó thì nhất. Quý các thiếp nhưng không khiến cho có hai hoàng hậu, đó là cái khó thì hai. Yêu các con thì nhưng không khiến cho người con đích bị nguy, chuyên tâm nghe, một bầy tôi mà người ấy không dám coi vua là bù nhìn. Cái đó có thể xem là cái khó thì ba vậy.
4. Diệp Công tên chữ là Tử Cao hỏi Trọng Ni về chính sự. Trọng Ni nói: “Chính trị cốt ở chỗ làm cho những người gần vui lòng và những người xa đến”. Lỗ Ai Công hỏi Trọng Ni về chính trị. Trọng Ni nói: “Chính trị cốt ở chỗ chọn người hiền”. Tề Cảnh Công hỏi Trọng Ni về chính trị. Trọng Ni nói “Chính trị là ở chỗ tiết kiệm tài sản”. Ba Vị công đi ra. Tử Cống hỏi: “Ba vị công đều hỏi thầy một điều là chính trị, thầy trả lời họ khác nhau là tại làm sao?”.Trọng Ni nói: “Thủ đô nước Diệp lớn mà nước lại nhỏ, dân chúng có lòng làm phản, cho nên nói chính trị ở chỗ làm người gần vui lòng mà người xa đến. Lỗ Ai Công có ba quan đại thần , bề ngoài cản trở các kẻ sĩ bốn phía chư hầu, bên trong bè đảng với nhau để lừa nhà vua. Khiến cho tôn miếu không quét dọn, nền xã nền tắc không được cúng tế, tất cả đều do ba vị đại thần kia, cho nên nói “Làm chính trị cốt ở chỗ chọn người hiền”. Tề Cảnh Công xây cửa Ưng Môn, làm cung Lộ Tẩm, một buổi sáng mà cho ba người làm người có ba trăm cỗ xe[64]. Cho nên nói “chính trị cốt ở chỗ tiết kiệm”.
Có người nói: “Câu trả lời của Trọng Ni là lời nói làm mất nước. Dân chúng đất Diệp có bụng làm phản mà lại bảo Diệp Công phải làm người gần vui lòng và người xa đến, thế là dạy dân mong cha ân huệ. Lấy ân huệ làm chính trị thì kẻ không có công lại được thưởng mà, kẻ có tội không bị tội. Pháp luật vì thế mà hỏng. Pháp luật hỏng thì chính sự loạn. Lấy cái chính trị gây loạn để trị cái dân hư hỏng, tôi chưa thấy nó có thể làm được ở chỗ nào.
Vả lại, dân chúng có lòng phản bội là vì cái sáng suốt của vua có chỗ không nhìn thấy. Không soi sáng cái sáng của Diệp Công mà lại khiến ông ta làm cho người gần vui lòng, người xa đến, như vậy là bỏ cái thế của mình có thể ngăn cấm được và có thể sai khiến được họ hay không mà thi hành ân huệ để tranh dân. Đó không phải là cái khiến cho người ta có thể nắm giữ được cái thế
Ôi! Hiền như Nghiêu, người giỏi nhất trong sáu vị vương, Thuấn một lần rời khỏi mà thành ấp thế là Nghiêu không có thiên hạ vậy. Nay có người không có cái thuật trị nước để ngăn cấm kẻ dưới lại cậy vào chỗ làm như Thuấn để không bỏ mất dân mình thế chẳng phải là không có thuật trị nước quá sao? Bậc vua sáng thấy cái gian nhỏ ở chỗ nhỏ bé cho nên dân không có mưu lớn, thi hành việc trừng phạt nhỏ đối với cái gian còn nhỏ cho nên không có mối lo lớn. Như vậy gọi là làm cái khó ở chỗ nó còn dễ, làm cái lớn ở chỗ nó còn nhỏ vậy. Nay kẻ có công thì nhất định thưởng, người được thưởng không phải mang ơn đối với nhà vua mà do cái sức của anh ta làm nên. Người có tội thì thế nào cũng bị phạt, người bị phạt không oán người trên, đó là vì do tội anh ta gây nên. Dân chúng biết thưởng hay phạt đều là do thân mình mà ra, thì sẽ quen với cái lợi chung trong công việc của mình mà không chịu ơn nhà vua. Câu “Bậc vua cao nhất, kẻ dưới chỉ biết là có”[65] là nói rằng bậc vua cao nhất dân chúng không vui lòng. Dùng lối ân huệ đối với dân có ích gì đâu? Dân chúng của vị vua cao nhất không có cái lợi cái hại không do mình mà có. Cái thuật làm người gần vui lòng làm người xa đến là có thể bỏ.
Lỗ Ai Công có ba bầy tôi bên ngoài thì ngăn cản người khác đến, bên trong thì bè đảng với nhau để lừa vua của mình. Thế mà Trọng Ni lại lấy chuyện chọn người hiền để thuyết ông ta. Đó không phải là cái lý luận xét công phạt tội mà chọn người nào bụng nhà vua cho là hiền. Vì vậy cho nên ba người kia mới được trọng dụng.
Tử Khoái nước Yên cho Tử Chi là hiền mà chê Tuân Khanh cho nên thân mình chết và bị chê cười. Phù Sai cho thái tể Phỉ là khôn mà cho Ngũ Tử Tư là ngu cho nên bị nước Việt tiêu diệt. Vua nước Lỗ không tất yếu biết được người hiền, thế mà lại dạy cho ông ta chọn người hiền, tức là khiến cho Ai Công có mối lo của Phù Sai, Tử Khoái.
Vị vua sáng không tự mình cử bầy tôi, các bầy tôi tiến cử lẫn nhau: không tự chọn lấy người hiền mà căn cứ vào công lao mà xét đoán. Lấy nhiệm vụ họ làm để đánh giá, lấy việc họ làm để thử, lấy công lao để giáo dục. Cho nên bầy tôi ngay thẳng mà không nghĩ đến việc riêng. Không che giấu người hiền, không tiến cử kẻ hư hỏng, như vậy thì kẻ làm vua chúa có vất vả gì trong việc lựa chọn người hiền đâu?
Tề Cảnh Công lấy tài sản của một nhà trăm cỗ xe cho bầy tôi, mà Trọng Ni dạy ông ta về chỗ tiết kiệm tài sản. Như vậy là khiến cho Cảnh Công không có cái thuật để hưởng sự xa xỉ của việc giàu có mà chỉ lo tiết kiệm ở trên nhưng vẫn không tránh khỏi nghèo. Cá vị vua lấy ngàn dặm để nuôi cái bụng cái miệng của mình thì đến cả Kiệt, Trụ cũng không xa xỉ bằng. Nước Tề đất vuông ba ngàn dặm, mà Hoàn Công lấy một nửa để tự nuôi mình, như thế là xa xỉ hơn Kiệt, Trụ. Thế nhưng ông vẫn: có thể làm người cầm đầu của ngũ bá, đó là vì ông biết chỗ nào nên xa xỉ, chỗ nào nên tiết kiệm.

Kẻ làm vua nếu không biết cấm người dưới mà chỉ tự cấm đoán mình thì gọi là bị hiếp: không thể sửa chữa được người dưới mà tự sửa chữa mình thì gọi là loạn; không tiết kiệm ở dưới mà tự tiết kiệm thì gọi là nghèo. Bậc vua sáng khiến cho người ta vô tư. Cấm kẻ lấy việc dối trá để sống. Dốc sức vào công việc, làm cho người trên có lợi thì thế nào cũng được nhà vua nghe. Người được nhà vua nghe thì thế nào cũng được thưởng. Kẻ tham ô bậy bạ làm việc riêng thì thế nào nhà vua cũng biết. Kẻ bị biết thế nào cũng bị trừng trị. Như vậy thì các tôi trung sẽ dốc lòng mình, trăm quan thanh liêm và lo sửa mình ở trên, dù có xa xỉ gấp bội Cảnh Công cũng không phải là cái mối lo cho nước. Như vậy thì dạy về việc tiết kiệm không phải là việc gấp vậy.
Nói chung, đối với ba vị công này có một lời thể có thể khiến cho ba người không phải lo lắng; Đó là: “Biết kẻ dưới”. Biết rõ kẻ dưới thì ngăn cấm được sự việc khi nó mới ló ra. Ngăn cấm được sự việc khi nó mới ló ra, thì cái gian không chứa chất lại. Cái gian không chứa chất lại thì không có bè đảng. Không có bè đảng thì cái công cái tư rạch ròi. Cái công cái tư rạch ròi thì bè đảng tan vỡ. Bè đảng tan vỡ thì không có cái mối lo bị cản trở bên ngoài và bị che đậy bên trong. Biết kẻ dưới rõ ràng thì nhìn thấy sáng suốt. Nhìn thấy sáng suốt thì việc thưởng phạt rõ ràng. Việc thường phạt rõ ràng thì nước không nghèo. Cho nên nói: Một câu trả lời mà ba vị công không phải lo lắng, đó là: “Biết người dưới”.
5. Tử Sản nước Trịnh sáng sớm ra khỏi nhà, đi qua xóm Đông Tượng. Nghe người đàn bà khóc, ông vỗ vào tay người đánh xe và lắng nghe. Lát sau, sai thuộc lại bắt người đàn bà để hỏi, thì ra người ấy chính tay mình thắt cổ chồng. Một hôm khác, người đánh xe của ông ta hỏi: “Tại sao ngài lại biết điều đó?” Tử Sản nói: “Tiếng khóc sợ hãi phàm người ta đối với người thân yêu lúc mới bị bệnh thì lo, khi sắp chết thì sợ, đã chết rồi thì thương xót. Nay khóc người đã chết nhưng đã không đau xót mà lại sợ cho nên biết ngay là có điều gian”.
Có người nói: Từ Sản cai trị chẳng phải lắm chuyện quá sao? Việc gian nếu phải đợi mắt thấy tai nghe mới biết được thì nước Trịnh bắt kẻ gian ít lắm vậy. Không dùng quan lại thạo việc, không điều tra để xác minh, không hiểu rõ quy tắc tiêu chuẩn, mà chỉ cậy vào trí thông minh thì trí óc vất vả lo nghĩ mà vẫn không có cái thuật để biết được điều gian.
Vả lại, việc thì nhiều mà người khôn thì ít, ít không thể thắng được nhiều, cái khôn không thể biết hết mọi sự việc. Cho nên người ta nhân sự việc mà trị sự việc. Người dưới đông mà người trên ít, người ít không thắng được người nhiều. Cho nên nhà vua không thể biết hết bầy tôi được. Vì vậy phải dựa vào người để biết người. Làm thế thì thân thể mình không vất vả mà sự việc trị yên, không dùng đến sự khôn ngoan lo lắng mà bắt được kẻ gian.
Cho nên người nước Tống nói: “Một con chim sẻ bay qua mặt Hậu Nghệ thế nào cũng bắn được, như thế là Nghệ nói khoác. Lấy cả thiên hạ làm cái lưới thì chim sẻ khôn thoát được vậy”. Phàm biết kẻ gian cũng phải có cái lưới lớn, không bỏ sót được đứa nào mới được. Không trau dồi cái lẽ đó mà lại lấy sự xét đoán của riêng mình làm cung tên thì Tử Sản khoác lác vậy. Lão Tử nói: “Lấy cái khôn để trị nước là kẻ giặc của nước”. Tử Sản là thế đấy.
6. Tần Chiêu Vương hỏi những người chung quanh: “Nước Hàn, nước Nguỵ ngày nay so với trước như thế nào?”. Những người chung quanh đáp: “Yếu hơn trước”. Nhà vua hỏi: “Như Nhĩ, Nguỵ Tề ngày nay so với Mạnh Thường, Mang Mão trước đây như thế nào?”. Những người chung quanh trả lời: “Không bằng!”. Nhà vua hỏi: Mạnh Thường, Mang Mão cầm đầu nước Hàn, nước Nguỵ mạnh còn chưa làm gì được quả nhân!”. Những người chung quanh nói: “Đúng thế”.
Trọng Kỳ đặt cây đàn cầm xuống, đáp: “Bệ hạ trù tính việc thiên hạ sai rồi! Thời nước Tấn thuộc sáu họ, họ Trí mạnh nhất. Diệt họ Phạm và họ Trung Hàng, hợp tung với quân đội của Hàn, Nguỵ để đánh nước Triệu. Lấy nước sông Tấn Thuỷ để tưới vào. Thành chỉ còn ba bản nữa là ngập. Trí Bá đi ra, Nguỵ Tuyên Tử đánh xe, Hàn Khang Tử làm người tham thặng. Trí Bá nói: “Lúc đầu tôi không biết nước có thể dùng để diệt được nước người ta. Nay tôi mới biết. Nước sông Phần có thể tưới vào An Ấp, nước sông Giáng có thể tưới vào Bình Dương”.

Nguỵ Tuyên Tử lấy khuỷu tay thúc Hàn Khang Tử. Hàn Khang Tử giẫm chân Tuyên Tử. Hai người lấy tay và chân ra hiệu cho nhau ở trên xe mà nước sông Tri Thuý bị chia xẻ ở dưới chân thành Tấn Dương[66]. Nay bệ hạ tuy mạnh nhưng vẫn chưa bằng họ Trí; nước Hàn, nước Nguỵ tuy yếu, nhưng vẫn chưa đến nỗi như ở dưới chân thành Tấn Dương. Lúc này thiên hạ đang hích khuỷu tay và lấy chân ra hiệu cho nhau. Xin bệ hạ chớ coi là dễ”.
Có người nói: Câu hỏi của Chiêu Vương có chỗ sai, câu trả lời của những người chung quanh và của Trung Ky có chỗ hỏng.
Nói chung, bậc vua sáng cai trị nước là dựa vào cái thế. Cái thế không thể bị hại thì dù có sức của cả thiên hạ cũng không thể làm gì được. Huống là Mạnh Thường, Mang Mão, nước Hàn, nước Nguỵ có thể làm gì ta! Cái thế là có thể bị hại, thì những kẻ kém cỏi như Như Nhĩ, Nguỵ Tề, và các nước Hàn, Nguỵ cũng có thể làm hại. Như vậy thì việc bị hại và không bị xâm chiếm là dựa vào bản thân mình mà thôi. Hỏi làm gì? Nếu dựa vào cái thế mình không bị xâm lấn thì có phải lo gì kẻ địch mạnh hay yếu? Sai lầm ở chỗ không dựa vào bản thân mình lại hỏi xem kẻ địch có làm được gì mình không mà không bị xâm lấn là một điều may mắn, Thân Tử nói: “Bỏ pháp luật mà cầu chữ tín thì sinh nghi ngờ”.Trường hợp của Chiêu Vương là như thế đấy.
Trí Bá không biết tính toán, đang cùng đi với Hàn Khang Tử, Nguỵ Tuyên Tử lại mưu lấy dòng nước làm ngập và diệt nước hai người này. Kết quả nước của Trí Bá mất và thân mình bị chết, cái đầu bị làm chén uống rượu.
Nay Chiêu Vương lại hỏi kẻ địch bây giờ so với trước lúc nào mạnh hơn, đâu phải ông ta sợ người ta lấy dòng nước mà tiêu diệt nước mình đâu? Tuy có những người chung quanh, nhưng họ không phải là hai ông Hàn Khang Từ và Nguỵ Tuyên Tử, làm gì có cái việc hích khuỷu tay, giẫm lên chân, mà Trung Ky nói: “Chớ coi thường?” Đó là một lời nói hư nguỵ.
Vả lại, chức quan của Trung Kỳ là gảy đàn cẩm, gảy đàn sắt. Dây đàn không đúng điệu, gảy đàn không rõ là nhiệm vụ của Trung Kỳ. Trung Kỳ thờ Chiêu Vương bằng cái đó. Không biết Trung Kỳ có giỏi làm nhiệm vụ của mình và có làm cho Chiêu Vương vừa ý không. Nhưng ông ta lại làm cái chuyện ông ta không biết chẳng phải là lầm lắm sao? Những người chung quanh trả lời nhà vua “yếu hơn trước” và “không bằng” thì được, nhưng nói “Phải lắm” thì đó là nịnh hót.
Thân Tử nói: “Phép trị nước là không vượt chức quan, dù có biết cũng không nói”. Nay Trung Kỳ không biết mà lại còn nói, cho nên nói Chiêu Vương hỏi là có chỗ sai, và những người chung quanh cũng như Trung Kỳ trả lời là có chỗ hỏng.
7. Quản Tử nói: “Thấy cái có thể làm được thì có bằng chứng để chứng tỏ mình thích; thấy cái không làm được, thì có hình phạt để chứng tỏ mình ghét. Đối với những cái mình thấy đều có thưởng phạt chắc chắn thì đối với những cái mình không thấy ai dám làm bậy? Thấy cái mình có thể làm được nhưng không có bằng chứng chứng tỏ mình thích, thấy cái mình không làm được nhưng không có hình phạt chứng tỏ mình ghét. Thưởng phạt không chắc chắn đối với những cái mình thấy mà lại tìm sự giáo hoá ở cái mình không thấy thì không thể được vậy”.
Có người nói: Chỗ ở nghiêm nơi sân rộng thì mọi người đều cẩn thận; ở một mình phòng nghỉ ngơi, thì Tăng Sâm, Sử Ngư cũng khinh thường. Thấy người ta cẩn thận đó không phải là do bản tính của người ta mà là do tình thế của người ta.
Vả lại, nhà vua là cái khiến cho bầy tôi phải trau chuốt. Nếu sự yêu ghét của nhà vua biểu lộ khiến cho người ta thấy được thì những người bầy tôi ở dưới thế nào cũng tô vẽ những điều gian dối để lừa nhà vua. Sự sáng suốt của nhà vua đã không thể chiếu sáng cái gian ở xa, không thể nhìn thấy cái nhỏ bé giấu kín thế mà nhà vua lại dựa vào đấy để xem cái hành vi trau chuốt, để quy định việc thưởng và phạt chẳng phải là hỏng sao?
Có người nói: Cái mà Quản Trọng gọi là “lời nói nhà riêng đầy nhà riêng, lời nói chốn công đường đầy công đường”, không phải là chỉ nói đến những lời trong lúc vui chơi, ăn uống mà thôi. Nhất định là nói đến cả chuyên bàn việc lớn. Việc lớn của vua chúa nếu không phải là phép trị nước thì đó là thuật trị nước. Phép trị nước là cái được chép trong sách vở, bày ra nơi công đường và công bố cho trăm họ. Còn thuật trị nước là cái giấu trong bụng con người để kết hợp các đầu mối và ngầm chế ngự bầy tôi. Cho nên pháp luật không gì bằng bày ra rõ ràng, mà thuật trị nước thì không muốn cho người ta thấy.
Vì vậy bậc vua sáng nói đến pháp luật thì những người thấp hèn trong thiên hạ không ai không nghe, không biết, chứ không phải chỉ là đầy ở công đường mà thôi. Còn dùng thuật trị nước thì những người thân yêu gần gũi cũng không ai được nghe, nên không thể đầy nhà riêng. Thế mà Quản Tử nói: “Lời nói nhà riêng đầy nhà riêng, lời nói chốn công đường đầy công đường” đó không phải là nói chuyện pháp luật và thuật trị nước vậy.

Chú thích:

[63]  Họ Điền cướp nước Tề, ba họ Hàn, Triệu, Ngụy chia ba nước Tấn.

[64]  Theo một số nhà nghiên cứu thì câu này ý nói: cho ba người làm quan đại phu.

[65]  Đạo đức kinh

[66]  Ngay sau đó hai người mưu với quân Triệu tháo nước sông Trì, thành Tấn Dương khỏi bị nạn. Triệu, Hàn, Ngụy cùng phối hợp đánh và giết Trí Bá.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.