Hàn Phi Tử

QUYỂN IX – Thiên XXX: Sưu tập những chuyện bên trong, phần trên – Bảy thuật (Nội trữ thượng. Thất thuật)[32]



Có bảy thuật vua chúa dùng, có sáu điều vi diệu vua chúa phải xét. Bảy thuật ấy là:
1) Một là xem xét và so sánh các đầu mối.
2) Hai là phạt chắc chắn nêu cao uy quyền.
3) Ba là thưởng chắc chắn để dùng hết năng lực.

4) Bốn là nghe mọi người và bắt người dưới chịu trách nhiệm về điều đã nói.
5) Năm là ra những mệnh lệnh đáng ngờ và dùng mánh khoé để sai khiến.
6) Sáu là tập hợp những hiểu biết sự thực.
7) Bảy là đảo ngược lời nói và đảo ngược công việc. Đó là bảy cái nhà vua dùng.
1) Xem xét và so sánh các đầu mối. Nếu nhìn và nghe mà không tham khảo những quan điểm khác nhau thì không thể nghe được sự thực. Nếu việc nghe lại phải qua một con đường riêng thì bầy tôi sẽ che đậy nhà vua. Thuyết này được chứng minh bằng chuyện anh hề lùn nằm mơ thấy cái bếp nấu ăn, chuyện Lỗ Ai Công nói người ta không theo mình cho nên bị mê. Chuyện người nước Tề trông thấy Hà Bá và chuyện Huệ Tử nói nhà vua đã bỏ mất một nửa trí khôn. Nếu không làm thế thì sẽ gặp những mối lo biểu lộ bằng việc Thụ Ngưu làm cho Thúc Tôn chết đói và Giang Ất nói đến phong tục nước Kinh. Chuyện Tự Công muốn cai trị nhưng không biết cách cai trị, cho nên khiến các quan thù địch với nhau. Vì vậy cho nên vị vua sáng chỉ cần xét chuyện chứa sắt mà có thể biết được mối lo của mọi người ở ngoài chợ.
2) Hình phạt chắc chắn. Nếu nhà vua thương yêu nhiều quá thì pháp luật không thể lập được. Nếu nhà vua ít uy thế thì người dưới sẽ lấn người trên. Cho nên hình phạt không chắc chắn thì lệnh cấm sẽ không được thi hành. Điều này được chứng minh bằng chuyện Đổng Tử đi thăm đất Thạch Ấp và chuyện Từ Sản dạy Dụ Cát. Cho nên Trọng Ni nói về sương rơi và pháp luật nhà Ân trừng trị những người để tro vương vãi. Chuyện những người sắp ra đi bỏ Nhạc Trì và chuyện Công Tôn Ưởng trị nặng những tội nhẹ. Nếu không làm thế thì vàng ở sông Lệ Thuỷ không được người ta giữ và lửa đầm không được người ta cứu. Thành Hoan cho rằng lòng nhân thái quá làm yếu nước Tề. Bốc Bì cho vua nước Nguỵ mất nước là vì nhân từ và thương người, Quản Trọng biết điều đó cho nên chém con người đã chết. Tự Quân biết điều đó cho nên mua người bỏ trốn để giết.
3) Việc khen và thưởng. Khen thưởng ít và dối thì người dưới không theo. Khen thưởng nhiều và chắc chắn thì người dưới coi thường cái chết. Điều này được chứng minh bằng chuyện Văn Tử nói các quan như nai như thú vật. Cho nên Việt Vương đốt cung thất và Ngô Khởi chống càng xe. Chuyện Lý Khôi căn cứ vào việc bắn tên để xử kiện. Chuyện người ở Sùng Môn nước Tống tự huỷ hoại thân mình mà chết. Câu Tiễn biết điều đó nên cúi chào con ếch nổi giận. Chiêu Hầu biết điều đó nên giữ kỹ cái quần cũ. Việc thưởng hậu khiến cho người ta đều là Mạnh Bôn, Chuyên Chư. Người đánh cá bắt con lươn chứng tỏ điều đó.
4) Nghe mọi người. Nghe một bên thì không thể phân biệt người ngu với người khôn. Nếu bắt người dưới chịu trách nhiệm thì các quan không giẫm đạp lên công việc của nhau. Điều này được chứng minh bằng chuyện đòi đất nước Trịnh và chuyện thổi sáo. Mối lo của nó được chứng minh bằng chuyện Thân Tử dùng Triệu Thôi và Hàn Đạp để thử ý nhà vua. Cho nên công tử Dĩ bàn về việc cắt đất Hà Đông và Ứng Hầu bàn mưu bỏ đất Thượng Đảng.
5) Giả vờ sai khiến. Cho gặp nhiều lần, tiếp đãi lâu nhưng không cho làm quan thì kẻ gian sẽ tẩu tán như bầy nai. Khiến người hỏi kẻ khác thì bầy tôi sẽ không dám bán ân huệ riêng. Điều này được chứng minh bằng chuyện Bàng Kính gọi công đại phu về và Đái Hoan bảo người tìm xem có cỗ xe mát nào không. Chuyện vua nhà Chu mất cái trâm bằng ngọc, chuyện quan thái tể nước Thương nói chuyện phân bò.
6) Tập hợp mọi sự khôn ngoan. Tập hợp những người khôn để hỏi thì người không khôn sẽ thành khôn. Hiểu sâu một vật thì những điều kín đáo đều biến mất. Thuyết này được chứng minh bằng chuyện Chiêu Hầu nắm lấy một móng tay. Cho nên nếu biết chắc cửa phía nam thì ba cửa kia cũng biết. Vua nước Chu tìm cây gậy cong mà bầy tôi lo sợ, Bốc Bì sai người con thứ. Tây Môn Báo giả vờ bỏ rơi cái trục xe.
7) Đảo ngược lời nói. Đảo ngược lời nói và đảo ngược công việc để xét những điều mình ngờ vực thì biết được tình trạng gian dối. Cho nên vua Dương Sơn phỉ báng Cù Thụ, Trạc Xỉ là sứ thần nước Tần, người Tề muốn làm loạn, Tử Chi nói về con ngựa trắng, Tử Sản tách rời những người kiện nhau. Tự Công đi qua cái chợ ở cửa ải là những chuyện chứng minh điều đó[33].
1-1. Vào thời Vệ Linh Công, Di Tử Hà được nhà vua yêu chuyên quyền ở nước Vệ. Có anh hề lùn đến yết kiến nhà vua nói: “Giấc mơ của thần đã thành sự thực”. Nhà vua hỏi: “Nhà người nằm mơ thấy cái gì?”. Anh ta đáp: “Thần nằm mơ thấy cái bếp, tức là thấy nhà vua”. Nhà vua nổi giận nói: “Ta nghe nói thấy nhà vua là nằm mơ thấy mặt trời, người làm sao thấy quả nhân mà lại nằm mơ thấy cái bếp?”. Người lùn đáp: “Mặt trời soi sáng cả thiên hạ, không có vật nào có thể che đậy được. Ông vua soi sáng một nước, không có người nào có thể ngăn được. Cho nên sắp nhìn thấy nhà vua thì nằm mơ thấy mặt trời. Còn cái bếp một người đun lửa thì người sau lưng không còn thấy bếp nữa. Ngày nay có lẽ có người nào đứng trước nhà vua chăng? Như vậy thần tuy nằm mơ thấy cái bếp cũng được chứ sao?”.
1-2. Lỗ Ai Công hỏi Khổng Tử: “Tục ngữ có câu: Vị vua không có nhiều người bàn bạc nên bị mê hoặc. Nay quả nhân làm việc cùng lo lắng với các quan, thế nhưng nước lại càng rối loạn là tại làm sao?”. Khổng Tử đáp: “Vị vua sáng hỏi bầy tôi thì một người biết một người không biết. Như vậy vị vua sáng ở trên, bầy tôi bàn bạc ở dưới. Nay các bầy tôi mọi người đều đồng loạt theo Thúc Tôn. Cả nước Lỗ hoá thành một người. Bệ hạ dù có hỏi tất cả những người trong nước, nhưng nước cũng vẫn không khỏi loạn”.
Lại có thuyết khác, Án Anh đi sứ sang nước Lỗ. Lỗ Ai Công hỏi: “Tục ngữ có câu: Không hỏi ba người thì bị mê hoặc. Nay quả nhân bàn với những người trong một nước, nhưng nước Lỗ vẫn loạn là tại làm sao?”, Án Tử trả lời: “Sở dĩ ngày xưa nói không hỏi ba người thì bị mê hoặc là vì một người nói sai thì có hai người nói đúng, nên ba người đủ làm thành nhiều người. Cho nên không hỏi ba người thì bị mê hoặc. Nay bầy tôi nước Lỗ có hàng trăm hàng ngàn mà tất cả đều nói theo lợi riêng của họ Quý. Như vậy số người không phải không đông, nhưng lời nói là lời nói của một người. Làm gì có ba người?”.

1-3. Có người nước Tề nói với vua nước Tề: “Hà bá là bậc thần lớn. Tại sao bệ hạ không thử gặp ông ta? Tôi xin làm cho bệ hạ gặp ông ta”. Bèn dựng đàn tế ở trên sông và cùng đứng với nhà vua. Được một lát có con cá lớn nhảy. Anh ta liền bảo: “Hà bá đấy!”.
1-4. Trương Nghi muốn dùng thế lực của nước Tần, nước Hàn, nước Nguỵ để đánh nước Tề, nước Kính. Trái lại, Huệ Thi muốn liên kết với nước Tề, nước Kinh để chấm dứt việc binh. Hai người tranh cãi nhau. Những bầy tôi và những người chung quanh nhà vua đều nói theo Trương Nghi, nêu cái lợi của việc đánh nước Tề, nước Kinh, trái lại không ai nói theo Huệ Thi. Nhà vua quả nhiên nghe theo lời Trương Nghi mà cho lời của Huệ Thi là không được.
Sau khi việc đánh nước Tề, nước Kính đã quyết định xong, Huệ Thi vào yết kiến, Nhà vua bảo: “Tiên sinh đừng nói nữa. Việc đánh nước Tề và nước Kinh quả là có lợi. Cả nước đều nói thế”. Huệ Thi bèn đáp: “Bệ hạ không thể xem xét. Việc nước Tề và nước Kinh nếu quả thực là có lợi, và cả nước đều thấy là có lợi, thế thì sao người khôn lại đông đến như thế? Việc đánh nước Tề, nước Kinh nếu quả thực là bất lợi nhưng cả nước đều cho là có lợi, thì người ngu sao mà đông thế? Nói chung, đã bàn mưu là có ngờ vực. Nếu có sự nghi ngờ thực sự thì có một nửa cho là được một nửa cho là không được. Nay cả nước đều cho là được, như vậy là nhà vua bị mất một nửa đầu óc rồi. Ông vua bị các quan lấn át thường mất một nửa đầu óc”
1-5. Thúc Tôn làm tướng quốc nước Lỗ được sang và quyết định mọi việc. Người được ông ta yêu là Thụ Ngưu cũng lạm dụng những mệnh lệnh của Thúc Tôn, Thúc Tổn có người con lớn là Nhâm. Thụ Ngưu ghét và muốn giết anh ta. Bèn cùng Nhâm chơi ở nhà vua nước Lỗ. Vua nước Lỗ cho Nhâm một vòng ngọc. Nhâm lạy nhận vòng ngọc nhưng không dám mang, sai Thụ Ngưu xin phép Thúc Tôn Thụ Ngưu lừa anh ta và nói: “Tôi đã xin hộ anh rồi, ngài cho anh mang!”. Do đó, Nhâm mang chiếc vòng ngọc. Thụ Ngưu bèn nói với Thúc Tôn: “Ngài sao không đưa Nhâm yết kiến nhà vua?”. Thúc Tôn nói: “Thằng bé có gì mà đáng yết kiến nhà vua?”. Thụ Ngưu nói: “Nhâm đã nhiều lần yết kiến nhà vua rồi đấy. Nhà vua cho anh ta một vòng ngọc, anh ta đã mang rồi”. Thúc Tôn nổi giận, giết Nhâm.
Anh của Nhâm tên là Bính. Thụ Ngưu lại ghen ghét Bính, muốn giết anh ta. Thúc Tôn vì Bính sai đúc một cái chuông. Chuông đúc xong, Bính không dám đánh, nhờ Thụ Ngưu xin với Thúc Tôn. Thụ Ngưu không xin lại lừa Bính, nói: “Tôi đã xin hộ anh rồi đấy. Ngài bảo anh đánh”. Bính bèn đánh chuông.
Thúc Tôn nghe đánh bảo: “Bính không xin phép mà đã đánh chuông”. Thúc Tôn nổi giận và đuổi Bính. Bính chạy sang nước Tề. Được một năm, Thụ Ngưu vì Bính xin hộ với Thúc Tôn. Thúc Tôn sai Thụ Ngưu gọi Bính về.

Thụ Ngưu lại không gọi về mà nói với Thúc Tôn: “Tôi đã gọi anh ta về nhưng Bính giận lắm không chịu về”. Thúc Tôn cả giận sai người giết Bính.
Hai người con chết rồi, Thúc Tôn bị bệnh. Thụ Ngưu nhân đấy một mình nuôi Thúc Tôn và gạt bỏ những người chung quanh không cho vào, nói: “Thúc Tôn không muốn nghe tiếng người”. Thúc Tôn vì thế không được ăn và chết đói. Thúc Tôn chết rồi, Thụ Ngưu không chịu phát tang, sai dời kho của cải và kho tiền, vơ vét hết các đồ quý giá mà chạy sang nước Tề. Nếu nghe lời những người mình tin thì cha và con đều bị giết. Mối lo của tình trạng không nghe những lời nói khác nhau là như thế.
1-6. Giang Ất đi sứ cho vua Nguỵ sang nước Kinh. Giang Ất nói với vua Kinh: “Thần vào biên giới của bệ hạ nghe nói tục nước bệ hạ có câu: “Người quân tử không chê cái đẹp của người ta, không nói cái xấu của người ta, không biết có phải thế không?”. Nhà vua nói: “Có đấy”. Giang Ất nói: “Như vậy thì cái loạn của Bạch Công chẳng phải là nguy sao? Nếu quả thực như thế thì những bầy tôi có tội sẽ khỏi bị tội chết (vì không ai tố giác tội của họ)”.
1-7. Vệ Tự Quân trọng Như Nhĩ, yêu Thế Cơ nhưng lại sợ hai người vì được yêu được trọng mà che lấp mình. Cho nên quý Bạc Nghị cũng ngang với Như Nhĩ, quý Nguỵ Cơ để cho ngang với Thế Cơ. Nhà vua nói: “Làm như thế để cho hai bên so sánh với nhau”. Tự Quân muốn không bị che lấp nhưng không nắm được cái thuật. Nếu không khiến cho người hèn bàn về người sang, người dưới tố giác người trên thì những viên quan ngang nhau sẽ bè đảng với nhau. Như vậy là càng thêm những bầy tôi che đậy mình. Tự Quân bị che đậy bắt đầu từ đó.
1-8. Nói chung, nếu tên bay đến có phương hướng thì dùng sắt đề phòng bị hướng đó. Nếu tên bay đến không có phương hướng thì làm cái nhà bằng sắt đề phòng bị mọi hướng. Phòng bị thì thân thể không bị thương. Cho nên muốn đề phòng sao cho thân thể không bị thương thì nhà vua cần phải cho tất cả đều là địch. Như thế thì sẽ không có người gian.
1-9. Bàng Cung cùng thái tử làm con tin ở Hàm Đan. Bàng Cung bảo vua nước Nguỵ: “Nay có một người bảo ngoài chợ có hổ, bệ hạ có tin không?”. Nhà vua bảo: “Không”. Bàng Cung nói: “Nếu hai người nói ngoài chợ có hổ bệ hạ có tin không?”. Nhà vua nói: “Không”. Bàng Cung nói: “Nếu ba người nói ngoài chợ có hổ bệ hạ có tin không?”. Nhà vua nói: “Quả nhân tin”.
Bàng Cung nói: “Ngoài chợ không có hổ, điều đó là rõ lắm. Nhưng vì ba người nói mà thành có hổ. Nay Hàm Đan cách xa nước Nguỵ hơn cái chợ nhiều, những người bầy tôi bàn bạc nhiều hơn ba người, xin bệ hạ xét cho”. Bàng Cung từ Hàm Đan trở về, kết quả không được yết kiến nhà vua.
2-1. Đổng Ư Vu giữ đất Thượng Địa cho nước Triệu, đi vào trong núi vùng Thạch Ấp, thấy cái khe sâu, vách núi dựng lên như bức tường, sâu một trăm nhận. Bèn hỏi những người chung quanh: “Người ta có thường vào đấy không?” Những người kia trả lời: “Không ạ”. Đổng hỏi: “Có trẻ con, người đui, người điếc, người điên, người khùng vào trong khe núi không?”. Những người kia đáp: “Không ạ“. Đổng hỏi: “Thế trâu ngựa, chó lợn có thường vào đây không?”. Những người kia trả lời: “Không ạ”. Đổng Ư Vu ngậm ngùi thở dài mà nói: “Ta có thể cai trị rồi. Nếu ta khiến cho pháp luật của ta không thờ ai, thì cũng như đã bước vào khe suối thế nào cũng chết. Như vậy thì không ai dám phạm, làm sao lại không trị an được?”.

2-2. Tử Sản làm tướng quốc nước Trịnh bị bệnh sắp chết nói với Du Cát: “Sau khi ta chết, nhà ngươi thế nào cũng được tin dùng ở nước Trịnh. Thế nào ngươi cũng phải lấy sự nghiêm khắc để cai trị người. Hình thức của lửa nghiêm cho nên người ta ít bị cháy. Hình thức của nước mềm yếu cho nên người ta dễ chết đuối. Nhà ngươi phải làm cho hình phạt của mình nghiêm khắc đừng khiến cho người ta chết đuối vì cái mềm yếu của nó”.
Tử Sản chết, Du Khắc không nỡ thi hành hình phạt nghiêm khắc, bọn thiếu niên nước Trịnh rủ nhau ăn trộm ở nơi đầm Hoàn Trạch, trở thành một mối hoạ cho nước Trịnh. Du Cát chỉ huy xe trận và quân kỹ đánh nhau với họ một ngày một đêm mới thắng được. Du Cát thở dài mà rằng: “Nếu ta sớm thì hành lời dạy của thầy thì nhất định không gặp tình trạng này”.
2-3. Lỗ Ai Công hỏi Trọng Ni: “Kinh Xuân thu chép: “Tháng mười hai, mùa đông, sương giá không giết chết cỏ”. Tại sao lại chép điều đó?”. Trọng Ni nói: “Đó là nói rằng có thể giết mà không giết. Nếu| nên giết mà không giết thì cây đào cây mận có trái vào mùa đông. Nếu trời bỏ mất đạo của mình thì cây cỏ còn phạm đến huống nữa là nhà vua bỏ mất đạo?”.
2-4. Pháp luật nhà Ân trừng phạt những người bỏ tro ở ngoài đường. Tử Cống cho như vậy là nặng, hỏi Trọng Ni, Trọng Ni đáp: “Như thế là biết đạo trị nước đấy. Bỏ tro ở ngoài đường thì nó bốc lên làm mờ mắt người ta, người ta thế nào cũng nổi giận. Nổi giận thì đánh nhau. Đánh nhau thì ba họ tàn hại nhau. Đó là cái đạo làm cho ba họ tiêu diệt nhau, dù có dùng hình phạt cũng được. Vả lại hình phạt nặng là điều người ta vẫn ghét, còn việc bỏ tro ngoài đường là điều rất dễ. Khiến người ta làm điều dễ làm mà không quên điều họ ghét là cái đạo cai trị vậy”.
Một thuyết khác. Theo pháp luật nhà Ân, người nào bỏ tro ngoài đường cái chung thì bị chặt tay. Tử Cống nói: “Bỏ tro là tội nhẹ, chặt tay là hình phạt nặng. Vì sao ngày xưa khắc nghiệt như thế?”. Khổng Tử nói: “Không bỏ tro ngoài đường là việc dễ làm. Chặt tay là điều người ta ghét. Làm việc dễ để khỏi bị cái mình ghét. Người xưa cho đó là dễ làm cho nên thi hành”.
2-5. Tướng quốc Trung Sơn là Nhạc Trì đem một trăm cỗ xe đi sứ sang nước Triệu, chọn những người khách nào khôn ngoan và có tài để cầm đầu những người đi theo. Giữa đường rối loạn, Nhạc Trì nói: “Tôi cho ông là người khôn ngoan, nên cho ông cầm đầu những người đi theo. Nay giữa đường xe rối loạn là tại làm sao?”. Người khách từ chối ra đi và nói: “Ngài không biết việc cai trị. Phải có uy đủ để làm cho người ta phục, phải có cái lợi đủ để khuyến khích người ta thì mới cai trị được. Nay tôi là người khách nhỏ của ngài. Dùng người dưới để cai trị người trên, dùng người hèn để cai trị người sang mà lại không nắm được cái then chốt của lợi và hại để khống chế họ là cái làm cho sinh loạn vậy. Nếu ngài sai khiến bầy tôi ai tốt thì cho làm khanh tướng, ai không tốt tôi chém đầu được thì làm gì mà chẳng trị an?”.
2-6. Pháp luật của Công Tôn Ưởng[34] trừng trị nặng những tội nhẹ. Những tội nặng người ta khó phạm nhưng những lỗi lầm nhỏ người ta dễ tránh. Khiến người ta bỏ cái dễ phạm mà không quên cái khó phạm đó là cái đạo của việc trị nước. Nếu lỗi nhỏ không sinh ra, tội lớn không xuất hiện thì người ta không có tội và loạn không sinh ra.
Một thuyết khác, Công Tôn Ưởng nói: “Dùng hình phạt trị năng những tội nhẹ thì tội nhẹ không phạm, tội nặng không xẩy ra. Như thế gọi là dùng hình phạt để loại trừ hình phạt”.
2-7. Phía nam nước Kinh, sông Lệ Thuỷ có vàng. Nhiều người trộm lấy vàng. Theo pháp lệnh cấm lấy vàng, ai phạm thì lấy đá ném chết ở ngoài chợ. Người chết rất nhiều. Người ta xây tường ngăn dòng nước nhưng những người trộm vàng cũng không thể hết. Nói chung, trị tội không có hình phạt gì nặng bằng lấy đá ném chết ở ngoài chợ. Nhưng người ta vẫn không thôi bởi vì chưa chắc đã bị bắt.
Nay có người nói: “Ta cho ngươi cả thiên hạ nhưng giết cái thân của nhà ngươi” thì con người tầm thường cũng không làm. Có được thiên hạ là cái lợi lớn, nhưng người ta còn không làm là vì biết thế nào cũng chết. Vì vậy cho nên không nhất định bị trị tội thì dù có bị ném đá chết, người ta vẫn cứ trộm vàng không thôi. Biết thế nào cũng chết thì dù có cho cả thiên hạ người ta cũng không làm.
2-8. Người nước Lỗ đốt đầm. Trời gió bấc, lửa lan xuống phía nam, sợ cháy thủ đô. Ai Công lo lắng thân hành chỉ huy dân chúng cứu hoả. Nhung chung quanh không có ai, tất cả mọi người đều lo đuổi thú vật chứ không lo cứu hoả. Bèn cho gọi Trọng Ni đến hỏi: “Săn thú thì vui mà không bị phạt, cứu hoả thì khổ mà không được thưởng vì vậy cho nên người ta không cứu hoả”. Ai Công nói: “Đúng lắm”. Trọng Ni nói: “Việc gấp không thể thưởng kịp. Nếu thường tất cả những người cứu hoả thì trên cả nước không đủ để thưởng người ta. Xin thi hành việc trừng phạt”. Ai Công nói: “Ai không cứu hoả thì tội ngang với tội đầu hàng quản địch. Ai đuổi theo thú vật thì tội ngang với tội vào vườn cấm của nhà vua”. Lệnh ban ra chưa khắp thì đã cứu xong nạn lửa.
2-9. Thành Hoan nói với vua Tề: “Nhà vua là người quá nhân từ, quá bất nhẫn”. Vua Tề nói: “Quá nhân từ, quá bất nhẫn không phải tiếng tốt hay sao?”. Thành Hoan đáp: Đó là cái tốt của kẻ làm tôi chứ không phải là điều mà bậc vua chúa nên làm. Bầy tôi có lòng nhân từ thì mới có thể cùng vua bàn mưu, có lòng bắt nhẫn thì người ta mới có thể gần gũi. Người bất nhẫn thì không thể cùng bàn mưu, kẻ đang tâm làm thì không thể gần”.
Nhà vua nói: “Như vậy thì ta quá nhân từ ở chỗ nào? Ta bất nhẫn ở chỗ nào?”. Thành Hoan đáp: “Nhà vua quá nhân từ đối với Tiết Công lại quá bất nhẫn đối với họ Điền. Vì quá nhân từ đối với Tiết Công cho nên quan đại thần được tôn trọng quá đáng. Vì quá bất nhẫn đối với họ Điền cho nên cha anh phạm pháp[35]. Quan đại thần được tôn trọng quá đáng, thì quân đội bị yếu đối với bên ngoài. Cha anh phạm pháp thì chính sự bị rối loạn ở bên trong. Đó là cái gốc của việc mất nước!”.
2-10. Nguỵ Huê Vương hỏi Bốc Bì: “Nhà ngươi nghe tiếng tăm của quả nhân ra sao?”. Bốc Bì đáp: “Thần nghe nói nhà vua là người nhân từ, có ân huệ với người ta”. Nhà vua mừng rỡ nói: “Như vậy thì công nghiệp của ta sẽ đến đâu”. Bốc Bì đáp: “Công nghiệp của nhà vua là sẽ đi đến chỗ mất nước”.
Nhà vua hỏi: “Nhân từ có ân huệ với người ta là làm việc tốt, nhưng nước mất là tại làm sao?”. Bốc Bì đáp: “Người nhân từ thì không nỡ, có ân huệ thì thích cho. Không nỡ, thì sẽ không giết kẻ có lỗi, thích cho thì không đợi có công cũng ban thưởng, có lỗi không trị tội, không có công được ban thưởng, mất nước không phải là đúng sao?”.

2-11. Nước Tề thích chôn cất hậu. Vải và lụa toàn dùng để mặc và khâm liệm cho người chết, gỗ toàn dùng để làm quan tài và quách. Tề Hoàn Công lấy làm lo lắng, nói với Quản Trọng: “Vải và lụa đều hết thì không có gì để che thân. Gỗ đều hết thì không có gì đề phòng bị việc binh. Nhưng người ta vẫn cứ chôn cất hậu không thôi. Làm thế nào để cấm điều đó?”.
Quản Trọng nói: “Nói chung, nếu người ta làm không phải vì danh thì vì lợi”. Nhà vua bèn ra lệnh: “Quan tài và quách quá mức thì thây người chết bị chặt, người chịu tang phải chịu tội”. Thây người chết bị chặt thì không có danh, người để tang bị tội thì không có lợi. Người ta chôn cất hậu để làm gì?
2-12. Thời Vệ Tự Quân có người đầy tớ chạy trốn sang nước Nguỵ và chữa bệnh cho bà hoàng hậu của Tương Vương. Vệ Tự Quân nghe vậy xin lấy năm mươi lạng vàng để mua anh ta. Năm lần cho người đi nhưng vua nước Nguỵ không cho. Tự Quân bèn lấy ấp Tả Thị để đổi. Các quan và những người chung quanh nói: “Lấy một đô ấp đi mua một người đầy tớ chẳng sai sao?”.
Nhà vua nói: “Điều đó các người không biết được. Nếu không trị điều nhỏ thì cái loạn lớn sẽ nẩy sinh. Pháp luật không được lập mà việc trừng trị không quyết đoán thì dù có mười đất Tả Thị cũng vô ích mà thôi. Pháp luật được lập và việc trừng phạt quyết đoán thì dù có mất mười đất Tả Thị cũng không có hại”.
Vua Nguỵ nghe vậy nói: “Nhà vua đã muốn mà ta không chịu nghe là chuyện không hay”. Bèn chở tên đầy tớ lên xe đưa đến mà không nhận vàng và đất.
3-1. Vua nước Tề hỏi Vân Tử: “Làm như thế nào để trị nước?”. Văn Tử đáp: “Cái đạo thưởng và phạt là một công cụ sắc bén. Bệ hạ phải nắm lấy không để cho người khác. Còn bọn bầy tôi thì như thú vật, hươu nai, ở đâu nhiều cỏ thì đến đấy”.
3-2. Vua nước Việt hỏi quan đại phu Văn Chủng: “Ta muốn đánh nước Ngô, có được không?”. Văn Chủng đáp: “Được. Ta thưởng hậu mà chắc chắn, trừng phạt nghiêm mà quyết đoán. Bệ hạ muốn biết điều ấy sao không thử đốt cung thất xem?”. Nhà vua bèn đốt cung thất. Người trong nước không ai cứu hoả. Nhà vua ra lệnh: “Người cứu hoả mà chết thì thưởng ngang với đánh quân địch mà chết. Cứu hoả mà không chết cũng thưởng ngang với việc đánh thắng quân địch. Không cứu hoả thì phạt tội ngang với việc đầu hàng quân địch”.
Người ta lấy bùn bôi lên mình, mặc quần áo ướt xông vào ngọn lửa, bên phải ba ngàn người, bên trái ba ngàn người. Do đó nhà vua biết thế mình nhất định thắng.
3-3. Ngô Khởi làm quan thú ở đất Tây Hà của Nguỵ Văn Hầu. Nước Tần có điếm canh nhỏ ở sát biên giới. Ngô Khởi muốn đánh lấy vì nếu không lấy được thì rất có hại cho những người làm ruộng. Muốn lấy nhưng vì cái điếm nhỏ, mà trưng tập quân đội thì không tiện.
Bèn sai chống một càng xe ở ngoài cửa thành phía bắc và ra lệnh: “Ai có thể mang cái càng xe này ra ngoài cửa thành phía nam thì thưởng cho ruộng tốt, nhà tốt”. Không ai mang cả. Nhưng đến khi có người mang thì Ngô Khởi thưởng như mệnh lệnh đã đưa ra.
Ít lâu sau ông lại đặt một thạch đậu đỏ ở ngoài cửa thành phía đông và ra lệnh nói: “Ai có thể mang cái này ra ngoài cửa thành phía tây thì cũng thưởng như trước”. Người ta bèn tranh nhau mang.
Ngô Khởi bèn ra lệnh nói: “Ngày mai sẽ đánh cái điếm, ai có thể trèo lên trước thì cho chức đại phu, thưởng ruộng tốt, nhà tốt”. Mọi người xông lên kết quả đánh lấy cái điếm trong một buổi sáng.
3-4. Lý Khôi làm quan thái thú đất Thượng Địa của Nguỵ Văn Hầu. Ông ta muốn mọi người đều bắn giỏi, bèn ra lệnh: “Những người có việc ngờ vực phải kiện nhau thì ra lệnh cho họ bắn tên. Người nào bắn trúng người ấy thắng, người nào bắn không trúng người ấy thua kiện”. Lệnh ban ra, mọi người đều hăng hái tập bắn tên, ngày đêm không nghỉ. Đến khi đánh nhau với quân Tần, đánh quân Tần thua to là nhờ chỗ mọi người bắn tên giỏi.

3-5, ở ngõ Sùng Môn nước Tống, có người để tang huỷ hoại thân mình gầy gò. Nhà vua cho anh ta thương yêu cha mẹ, cất nhắc làm quan sư (coi việc cúng tế). Năm sau những người vì chịu tang mà chết mỗi năm hơn mười người. Con cái chịu tang cho cha mẹ là vì thương cha mẹ mà còn có thể lấy việc khen thưởng để khuyến khích, huống nữa nhà vua đối với dân chúng.
3-6. Vua nước Việt nghĩ cách đánh nước Ngô, muốn người ta coi thường cái chết. Vua Việt đi ra đường gặp con ếch đang nổi giận bèn cúi đầu trên thành xe ngựa chào nó. Người đánh xe hỏi: “Tại sao bệ hạ lại chào nó?”. Nhà vua nói: “Vì nó có khí tiết cho nên ta chào”. Năm sau, có hơn mười người xin lấy đầu dâng vua. Do đó mà xét thì việc khen ngợi cũng đủ khiến cho người ta chịu chết vậy.
Một thuyết khác. Vua Việt Câu Tiễn thấy con ếch nổi giận bèn ngồi trên xe chào nó. Người đánh xe hỏi: “Tại sao bệ hạ lại chào nó?”. Nhà vua nói: “Con ếch có khí tiết như vậy tại sao ta lại không chào?”. Các kẻ sĩ nghe vậy nói: “Con ếch có khí tiết nhà vua còn chào, huống nữa là kẻ sĩ dũng cảm hay sao?”. Năm ấy có người tự đâm cổ chết, lấy đầu dâng nhà vua.
Cho nên vua Việt muốn trả thù nước Ngô và thử xét cách dạy dỗ của mình. Ông đốt đài và đánh trống khiến dân xông vào ngọn lửa, thưởng những người ở trong lửa. Đến gần sông, ông đánh trống, khiến người ta nhảy xuống nước, thưởng những người ở dưới nước. Khi chiến đấu ông khiến cho người ta chịu chặt đầu mổ bụng không có lòng đoái tiếc và trong việc chiến đấu có thưởng. Huống nữa nếu căn cứ vào pháp luật, cử người hiền thì việc giúp đỡ sẽ còn nhiều hơn nữa.
3-7. Hàn Chiêu Hầu sai người cất cái quần cũ. Người hầu nói: “Bệ hạ không có lòng nhân. Cái quần cũ không đem cho những người chung quanh mà lại sai cất đi”. Chiêu Hầu nói: “Việc đó nhà ngươi không thể biết. Ta nghe nói vị vua sang quý từng cái cười, từng cái nhăn mày. Nhăn mày cũng có lý do mới nhăn mày và cười cũng có lý do mới cười. Nay cái quần quý hơn cái nhăn mày và cái cười rất nhiều. Thế nào ta cũng đợi người có công. Cho nên sai cất đi mà chưa cho”,

3-8. Con lươn giống con rắn, con tằm giống con sâu. Người ta thấy con rắn thì hoảng sợ, thấy con sâu thì nổi gai ốc. Thế nhưng đàn bà nhặt tằm, người đánh cá bắt lươn. Cái lợi ở đâu thì người ta đều quên điều mình ghét và đều thành Mạnh Bôn, Chuyên Chư

4-1. Vua nước Nguỵ nói với vua nước Trịnh: “Trước đây nước Trịnh và và nước Lương (nước Nguỵ ngày xưa gọi là hương) là một nước. Sau đó mới tách ra. Nay tôi xin có lại nước Trịnh để hợp nhất vào nước Lương”. Vua nước Trịnh lo lắng, triệu tập quần thần để bàn mưu chống lại nước Nguỵ.
Công tử nước Trịnh nói với vua nước Trịnh: “Đối phó với chuyện này rất dễ thôi. Bệ hạ hãy trả lời nhà vua Nguỵ: “Nếu ngài cho nước Trịnh là nước Nguỵ ngày xưa có thể hợp nhất lại thì ấp của tôi cũng muốn có được nước Lương để hợp nhất lại với nước Trịnh”. Vua Nguỵ bèn thôi.
4-2. Tề Tuyên Vương sai người thổi sáo, ba trăm người thổi một lúc. Người ẩn sĩ là Nam Quách xin làm người thổi sáo cho nhà vua. Tuyên Vương, thích nuôi đến mấy trăm người. Tuyên Vương chết, Dẫn Vương lên ngôi, thích nghe từng người một thổi. Nam Quách bỏ trốn.
Một thuyết khác. Hàn Chiêu Hầu nói: “Những người thổi sáo đông. Ta không có cách nào biết ai thổi hay”. Điền Nghiêm thưa: “Xin bệ hạ cho họ thổi từng người một”.
4-3. Nước Triệu sai viên hoạn quan nhờ Thân Tử nói với vua Hàn xin quân để đánh nước Nguỵ. Thân Từ muốn nói với nhà vua nhưng lại sợ nhà vua nghĩ mình bị nước người mua chuộc. Nhưng nếu không làm thế thì lại sợ nước Triệu ghét. Bèn sai Triệu Thôi và Hàn Đạp thường xem dung mạo nhà vua rồi sau đó mới nói. Bên trong thì ông ta biết ý của Hàn Chiêu Hầu. Bèn ngoài thì ông ta có công với nước Triệu.
4-4. Quân đội ba nước (Hàn, Triệu, Nguỵ) đến Hàm Cốc Quan. Vua Tần nói với Lâu Hoãn: “Quân đội ba nước đã vào nước ta sâu rồi. Quả nhân muốn cắt đất Hà Đông để giảng hoà. Việc ấy như thế nào?”. Lâu Hoãn đáp: “Cắt đất Hà Đông là việc thiệt hại lớn, cứu được mối lo cho nước là cái công lớn. Sao bệ hạ không gọi công tử Dĩ đến hỏi?”. Nhà vua bèn cho gọi công tử Dĩ đến hỏi.
Công tử Dĩ nói: “Giảng hoà cũng tiếc, không giảng hoà cũng tiếc. Nay nếu cắt đất Hà Đông để giảng hoà. Quân ba nước trở về thì thế nào bệ hạ cũng nói: Quân ba nước thế nào cũng về, ta đem ba thành để tiễn họ làm gì? Nếu ta không giảng hoà, quân ba nước vào nước Tần thì nước bị nguy to. Bệ hạ thế nào cũng nói: Đó là vì ta không cho họ ba thành. Cho nên tôi nói nhà vua giảng hoà cũng liếc mà không giảng hoà cũng tiếc”. Nhà vua nói: “Nếu như đằng nào cũng tiếc thì ta đành mất ba thành. Có tiếc cũng là sau khi không bị nguy rồi mới tiếc. Quả nhân đã quyết định giảng hoà”.
4-5. Ứng Hầu nói với vua Tần: “Bệ hạ đã lấy được các đất Uyển. Diệp, Lam Điền, Dương Hạ, đã cắt đứt được đường Hà Nội, khống chế các nước Lương và Trịnh rồi. Nhưng sở dĩ chưa làm vương được là vì nước Triệu chưa phục theo. Bỏ Thượng Đảng là chỉ mất một quận mà thôi nhưng tiến gần đến Đông Dương như vậy thì Hàm Đan (kinh đô nước Triệu) cũng như con rận nằm trong miệng. Bộ hạ chắp tay mà thiên hạ vào chầu. Người nào đến sau thì đem quân đến đánh. Như vậy thì Thượng Đảng tuy đang yên vui nhưng tình trạng của nó nguy kịch. Thần muốn xin bỏ nó nhưng sợ bệ hạ không chịu. Như thế thì làm thế nào?”. Nhà vua nói: “Thế nào cũng phải bỏ Thượng Đảng để dời binh đi thôi”.
5-1. Bàng Kính làm huyện lệnh sai những người coi chợ đi làm việc, nhưng cho gọi các công đại phu đến rồi cho quay lại. Cho đợi một lát rồi lại cho về. Những người ở chợ cho là quan huyện và công đại phu đã bàn với nhau, cho nên không thông đồng với họ, kết quả không làm điều gian.
5-2. Đái Hoan làm thái tể nước Tống, ban đêm sai người nói: “Ta nghe mấy đêm có người đi một chiếc xe mát đến cửa nhà Lý Sử. Nhà ngươi hãy vì ta dò xét xem”. Người được sai đi nói: “Tôi không thấy chiếc xe mát chỉ thấy có người mang đến cho Lý Sử một cái hòm và nói chuyện với ông ta thôi. Một lúc sau Lý Sử nhận cái hòm”.
5-3. Vua nước Chủ bỏ mất cái trâm ngọc sai nha lại tìm. Ba ngày không tìm được. Nhà vua sai người tìm thì tìm thấy trong phòng của người gia nhân. Nhà vua nói: “Ta biết nha lại không lo công việc của mình. Ta sai đi tìm cây trâm ba ngày không tìm được. Ta cho người đi tìm thì không đầy một ngày đã tìm được”. Do đó quan lại đều sợ cho nhà vua là thần minh.
5-4. Quan thái tể nước Thương cho người viên chức nhỏ ra chợ. Anh ta trở về, ông ta hỏi: “Thấy gì ngoài chợ?”. Anh ta đáp: “Không thấy gì”. Quan thái tể hỏi: “Tuy nhiên phải thấy gì chứ?”. Anh ta đáp:”Ngoài cửa phía nam chợ có rất nhiều xe bò, len mãi mới đi được”. Quan thái tể liền bảo người ấy: “Ngươi không được nói với ai về điều ngươi đã nói với ta”.
Nhân đấy, gọi viên lại ở chợ đến mắng: “Ngoài cửa chợ sao có nhiều phân bò thế?”. Viên lại coi chợ rất lấy làm lạ tại sao quan thái tể biết việc quá nhanh nên rất sợ sự sáng suốt của ông ta.
6-1. Hàn Chiêu Hầu nắm các móng tay lại nói dối mình mất một móng tay và tìm kiếm nó rất gấp. Những người chung quanh bèn cất móng tay của mình để dâng lên. Chiêu Hầu do đó biết những người chung quanh có thành thực hay không.
6-2. Hàn Chiêu Hầu sai quân kỵ đi các huyện. Khi người sai đi trở về, Chiêu Hầu hỏi: “Người thấy gì không?”. Người kia đáp: “Không thấy gì hết”. Chiêu Hầu hỏi: “Thế nhưng có thấy điều gì không chứ?”. Người kia đáp: “Ở ngoài cửa phía nam có con bò vàng ăn cỏ ở phía bên trái con đường”. Hàn Chiêu Hầu bảo người kia: “Nhà ngươi không được tiết lộ với ai điều ta hỏi ngươi”.
Bèn ra lệnh nói: “Lúc mạ mọc cấm bò ngựa không được xuống ruộng. Nhưng các quan lại không lo nhiệm vụ, bò ngựa xuống ruộng người ta rất nhiều. Phải nêu số bò xuống ruộng cho ta biết. Nếu không nêu được sẽ trị tội nặng”. Cả ba hướng đếm số bò ngựa xuống ruộng rồi trình lên. Chiêu Hầu nói: “Chưa hết”. Các quan lại xét thật kỹ bèn bắt được con bò vàng ở ngoài cửa phía nam. Quan lại cho rằng Chiêu Hầu sáng suốt xét đoán cẩn thận, đều sợ hãi về công việc của mình và không dám làm bậy.
6-3. Vua nước Chu ra lệnh tìm cây gậy cong. Quan lại tìm mấy ngày không được. Vua nước Chu cho người đi tìm thì không đầy một ngày mà tìm được. Nhà vua bèn bảo nha lại: “Ta biết nha lại không lo công việc của mình. Cây gậy cong rất dễ tìm mà nha lại không tìm ra. Ta cho người tìm thì không đầy một ngày đã tìm được. Như thế đâu có thể gọi là trung thành?”. Các nha lại bèn sợ hãi về công việc của mình, cho nhà vua là thần minh.
6-4. Bốc Bì làm huyện lệnh. Người đánh Xe của ông ta bẩn thỉu nhưng có người thiếp yêu. Bốc Bì bèn sai một viên chức nhỏ giả vờ yêu người thiếp này để biết rõ những điều bí mật của người đánh xe.
6-5. Tây Môn Báo làm huyện lệnh đất Nghiệp giả vờ nói xấu Cù Thụ (viên quan được vua yêu) để biết rõ sự thực.
7-2. Trạc Xỉ nghe nói vua Tề ghét mình bèn giả vờ làm sứ thần nước Tần để biết sự thực (vì nhà vua không ngờ vực sứ thần).
7-3. Có người nước Tề muốn làm loạn nhưng sợ nhà vua biết bèn giả vờ đuổi những người mình yêu, để cho nhà vua biết điều đó (đã đuổi người mình yêu thì sẽ không làm loạn).
7-4. Tử Chi làm tướng quốc nước Yên, đang ngồi bỗng giả vờ nói: “Con ngựa trắng nào đi qua cửa ấy?”. Những người chung quanh đều bảo là không thấy. Có một người đuổi theo và về báo: “Có”. Tử Chi do đó biết những người chung quanh có thành thực tin cậy được hay không.
7-5. Có hai người kiện nhau. Tử Sản sai tách riêng hai người ra, không cho phép họ nói với nhau, lấy những lời của người này để nói với người kia, kết quả biết được sự thực.
7-6. Vệ Từ Quân sai người làm khách đi qua cái chợ ở cửa ải. Viên lại coi chợ ở cửa ải mắng anh ta. Anh ta bèn đút vàng cho người này và viên lại cho anh ta ở trọ. Tự Công nói nói với viên lại: “Ngày nào đó, có người khách đi qua cửa ải cho người vàng, nhà người cho anh ta đi “. Viên lại coi chợ ở cửa ải hoảng sợ bèn cho Tự Công là người xét đoán sáng suốt.

Chú thích:

[32] Các thiên Nội trữ, Ngoại trữ đều viết theo lối trình bày phần nguyên lý (kinh) rồi mới giair thích từng nguyên lý một (truyện). Để tiện theo dõi, chúng tôi đánh số phần kinh và phần truyện như nhau.

[33] Hết phần kinh đến phần truyện để giải thích. Để chho dễ theo dõi, phần truyện được đánh số là để giải thích phần (1) trong phần kinh. Trong phần truyện có nhiều mục thì đánh số 1-1, 1-2 vân vân.

[34]  Tức Thương Ưởng, người đã thay đổi pháp luật nước Tần.

[35]  Vua Tề họ Điền.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.